Bài 2 – Mặc Khải Siêu Nhiên

Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Ngài (x. Eph 1,9). Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính của Thiên Chúa (x. Eph 2,18; 2P 1,4). Trong việc mạc khải này, với tình thương chan chứa của Ngài, Thiên Chúa vô hình (x. Col 1,15; 1Tm 1,17) ngỏ lời với loài người như với bạn hữu (x. Xac 33,11; Gio 15,14-15). Ngài đối thoại với họ (x. Bar 3,38) để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Ngài. Công cuộc mạc khải này được thực hiện bằng các hành động và lời nói liên kết mật thiết với nhau. Nên các việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu rỗi bày tỏ, củng cố giáo lý và những điều được giải thích qua lời nói. Còn lời nói thì công bố các việc làm và khai sáng mầu nhiệm chứa đựng trong đó. Nhờ mạc khải này, chân lý thâm sâu về Thiên Chúa cũng như về phần rỗi con người, được sáng tỏ nơi Chúa Kitô, Ðấng trung gian, đồng thời là sự viên mãn của toàn thể mạc khải.

(Dei Verbum, 2)

Khả Năng Ðón Nhận Thiên Chúa của Con Người

Sự khao khát Thiên Chúa – Là người, tất cả chúng ta đều thắc mắc về thân phận của mình:  Chúng ta từ đâu đến, đến để làm gì và chết rồi sẽ đi đâu?  Chúng ta không bao giờ cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc và luôn khao khát một điều gì siêu việt. Sự khao khát này được in vào tâm hồn chúng ta vì con người được dựng nên bởi Thiên Chúa và cho Thiên Chúa; con người chỉ tìm thấy chân lý và hạnh phúc thật trong Thiên Chúa.  Vì thế mà từ xưa đến nay, niềm tin tôn giáo là các hình thức tìm kiếm Thiên Chúa của con người. Và Thiên Chúa không ngừng mời gọi mỗi người tìm Ngài để được sự sống và hạnh phúc. Sự tìm kiếm này đòi hỏi cố gắng của mỗi người về trí tuệ, một ý chí vững bền, một “tâm hồn ngay thẳng, cũng như chứng từ của những người khác (GLCG 27-30).

Cách nhận biết Thiên Chúa – Những con đường hay những cách này còn được gọi là các bằng chứng rằng có Thiên Chúa.  Những “cách” tiếp cận Thiên Chúa này từ thế giới vật chất, bắt đầu từ sự vận hành, sự thành biến, sự bất tất, trật tự và vẻ đẹp của vũ trụ, một người có thể biết rằng Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích của vũ trụ. Con người: với lòng sẵn sàng đón nhận chân lý và cái đẹp, với cảm thức về những sự tốt lành về luân lý, sự tự do cùng tiếng nói lương tâm, với lòng mong ước sự vô tận và hạnh phúc, con người tự hỏi mình về sự hiện hữu của Thiên Chúa.  Nói cách khác, con người biết rẳng phải có một Thiên Chúa, nguyên nhân đầu tiên và cùng đích của mọi sự. Nhưng để con người có thể biết Thiên Chúa một cách mật thiết, Ngài đã muốn tỏ Mình ra  cho con người và ban cho họ ân sủng để họ đón nhận mặc khải ấy trong đức tin. Những bằng chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa có thể chuẩn bị một người cho đức tin và giúp người ấy hiểu rằng đức tin không ngược lại với lý trý (GLCG 31-35).

Sự nhận biết Thiên Chúa theo Hội Thánh 

Hội Thánh tin chắc và dạy rằng chúng ta có thể biết Thiên Chúa cách chắc chắn từ thế giới thụ tạo và bằng lý trí con người. Con người có khả năng này vì họ được tạo dựng “theo hình ảnh Thiên Chúa”. Tuy nhiên, con người trải nghiệm nhiều khó khăn để nhận biết Thiên Chúa chỉ dựa vào ánh sáng của lý trí mà thôi.  Do đó con người cần được soi sáng bằng mặc khải của Thiên Chúa để biết về các chân lý tôn giáo và luân lý với sự xác tín vững chắc và không bị trộn lẫn với những sai lầm (GLCG 36-38).

Chúng ta phải nói thế nào về Thiên Chúa? –  Mọi thụ tạo đều phần nào giống Thiên Chúa, nhất là con người, được tạo dựng theo hình ảnh Ngài và giống Ngài. Các cách hoàn hảo khác nhau của các thụ tạo phản ánh sự hoàn hảo vô cùng của Thiên Chúa. Ngài siêu vượt mọi thụ tạo, và ngôn ngữ loài người luôn không đủ để diễn tả mầu nhiệm của Ngài. Khi nói về Ngài, ngôn ngữ của ta dùng cách diễn tả nhân loại nên không thể diễn tả Ngài trong tính đơn thuần vô biên của Ngài được. (GLCG 39-49).

Thiên Chúa Ðến Gặp Con Người 

Mặc Khải của Thiên Chúa

Vi chỉ nhờ lý trí tự nhiên con người không thể hoàn toàn nhận biết Thiên Chúa. Qua Ý Chí tự do của Ngài, Ngài đã ban cho con người chính Ngài bằng cách mặc khải kế hoạch yêu thương nhân lành từ muôn đời trong Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần cho mọi người (GLCG 50).

Thiên Chúa đã tỏ mình và cho biết mầu nhiệm ý định của Ngài cho con người một cách tiệm tiến. Ỳ của Ngài là con người phải đến với Chúa Cha qua Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, và như thế chia sẻ thiên tính của Ngài. Khi tự mặc khải Thiên Chúa muốn giúp con người có khả năng đáp trả Ngài, cùng biết và yêu mến Ngài vượt xa khả năng riêng của họ. Ngài chuẩn bị cho họ để đón nhận mặc khải từng giai đoạn của Ngài, là điều đạt tới cao điểm nơi con người và sứ mạng của Chúa Giêsu Kitô (GLCG 51-53).

Các Giai Ðoạn Mặc Khải

  • Ðầu tiên Thiên Chúa tỏ mình ra bằng cách luôn luôn cung cấp cho con người những bằng chứng về sự hiện hữu của Ngài trong các thụ tạo và muốn mở ra con đường cứu độ. Ngài đã tỏ mình ra cho nguyên tổ và ban cho các ngài ân sủng cùng đức công chính nguyên thủy.  Sau khi hai ông bà đã phạm tội, Ngài đã nâng các vị lên bằng lời hứa ơn cứu độ và đã không ngừng tỏ sự quan tâm của Ngài cho nhân loại.  Vì Ngài muốn ban sự sống đời đời cho tất cả những ai tìm ơn cứu độ với lòng kiên trì làm việc lành (GLCG 54-55).
  • Giao Ước với ông Noe sau trận Ðại Hồng Thủy diễn tả nguyên tắc của công trình của Thiên Chúa đối với “các dân tộc”. Ngài chia nhân loại ra thành nhiều dân tộc với ngôn ngữ khác biệt để giới hạn tội kiêu ngạo của bản tánh loài người. Giao Ước này vẫn có hiệu lực các trong thời đại các Dân Ngoại cho đến khi Tin Mừng được loan báo một cách phổ quát khắp thế gian (GLCG 56-58).
  • Thiên Chúa chọn ông Abraham – Thiên Chúa gọi ông Abram rời bỏ xứ sở của ông, và đổi ông thành Abraham “tổ phụ của nhiều dân tộc” (GLCG 59-61).
  • Thiên Chúa Hình Thành Dân Israel – Thiên Chúa đã làm cho dân Israel thành Dân Ngài khi giải phóng họ khỏi ách nô lê tại Ai Cập, Ngài đã tuyển chọn ông Môsê để giải phóng và lãnh đạo họ. Ngài đã lập Giao Ước với họ và ban Lề Luật của Ngài cho họ để họ nhận biết Ngài và phụng sự Ngài như một Thiên Chúa hằng sống, chân thật và duy nhất. Qua các ngôn sứ, Ngài đã nuôi dưỡng Dân Ngài trong đức tin, và trong niềm trông đợi ơn Cứu Ðộ qua một Giao Ước Mới và vĩnh cửu, có ý dành cho tất cả mọi người, được viết trong lòng họ (GLCG 59-64).

Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Trung Gian và viên mãn của tất cả Mặc Khải – Trong Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã hoàn tất công việc mặc khải của Ngài. Sau Chúa Giêsu và các Tông Ðồ thì không còn một mặc khải công khai nào nữa.

Mặc dù Mặc Khải đã hoàn tất, nó vẫn chưa được hiểu rõ; đức tin Kitô giáo vẫn phải từ từ mới hiểu ý nghĩa trọn vẹn của nó qua nhiều thế kỷ.  Tất cả mặc khải tư đều phụ thuộc vào Mặc Khải của Thiên Chúa qua Ðức Kitô.  Chúng không bổ túc, nhưng  giúp chúng ta sống trọn vẹn hơn bằng Mặc Khải này trong một giai đoạn nào đó của lịch sử (GLCG 65-73).

 

Các câu hỏi để Suy Nghĩ và Thảo Luận

  1. Mục đích của đời bạn là gì và bạn đang theo đuổi nó ra sao?
  2. Nếu khi bạn qua đời, những người thân yêu của bạn muốn tóm tắt cuộc đời của bạn trong một câu ngắn, bạn muốn họ viết gì về bạn?
  3. Có khi nào bạn cảm thấy sợ thế giới vô hình không? Tại sao.
  4. Niềm tin của chúng ta vào sự hiện hữu của Thiên Chúa có phản khoa học không? Tại sao?
  5. Hãy tìm những hai điều trong thiên nhiên để chứng minh rằng có Thiên Chúa
  6. Hãy dùng hai điều trong khoa học để chứng minh rằng có Thiên Chúa?
  7. Bạn có khi nào cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời bạn chưa? Hãy chia sẻ cảm nghiệm của bạn với những người trong nhóm bạn?
  8. Thánh Kinh nói rằng chúng ta được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa nghĩa là gì? Một người tội lỗi còn hình ảnh Thiên Chúa này không?

Tại sao Thiên Chúa lại phải mặc khải cho chúng ta theo từng giai đoạn?