Những gì Thiên Chúa mạc khải mà Thánh Kinh chứa đựng và trình bày, đều được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, Giáo Hội Mẹ thánh chúng ta, nhờ đức tin tông truyền, xác nhận rằng toàn bộ các sách Cựu Ước cũng như Tân Ước với tất cả các phần đoạn đều là sách thánh và được ghi vào bản thư quy Thánh Kinh: bởi lẽ được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần (x. Ga 20,31; 2 Tm 3,16; 2 Pr 1,19-21; 3,15-16), các sách ấy có tác giả là chính Thiên Chúa và được truyền lại cho chính Giáo Hội với tư cách đó. Nhưng để viết ra các sách thánh, Thiên Chúa đã chọn những con người và dùng họ trong tài năng và sức lực của họ, để khi chính Ngài hành động trong họ và qua họ, họ viết ra như những tác giả đích thật tất cả những gì Chúa muốn, và chỉ những điều đó thôi.
Vì phải xem mọi lời tác giả được linh hứng, tức là các thánh sử, xác quyết, là những điều Chúa Thánh Thần xác quyết, nên phải tuyên xưng rằng Thánh Kinh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Thánh Kinh ghi lại nhằm cứu độ chúng ta. Bởi vậy “tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành” (2 Tm 3,16-17 bản Hy-lạp).…
Dei Verbum 11
Trong bài trước chúng ta đã học rằng Chúa Giêsu Kitô là Lời Duy Nhất của Thiên Chúa. Tất cả các lời nói, việc làm và giáo huấn của Người mặc khải trọn vẹn cho chúng ta về Thiên Chúa. Mặc khải này được gọi là kho tàng Đức Tin, là điều được truyền lại trong Hội Thánh dưới hai hình thức gọi là Thánh Kinh và Thánh Truyền. Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa được ghi lại bằng văn tự dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Còn Thánh Truyền là trọn vẹn Lời Chúa mà Chúa Kitô và CTT đã trao phó cho các Tông Ðồ và những người kế vị các ngài. Vì thế mà Thánh Kinh và Thánh Truyền liên hệ mật thiết với nhau, và thông truyền cho nhau. Vì cả hai đều phát sinh từ chung một nguồn là Thiên Chúa, hợp lại với nhau để thành một điều duy nhất, và chuyển về cùng một mục đích. Cả hai đều làm cho mầu nhiệm của Chúa Kitô được hiện diện và sinh hoa kết quả trong Hội Thánh. Mặc Khải này gọi là Mặc Khải Công, đã chấm dứt khi vị Tông Đồ cuối cùng từ trần. Các mặc khải khác đều là mặc khải tư và chúng ta không bắt buộc phải tuân thủ. Chúng không được trái với Mặc Khải Công.
Còn Huấn Quyền gồm có Đức Thánh Cha và tất cả các Giám Mục hiệp thông với ngài, được uỷ thác nhiệm vụ trung thực giải thích Lời Chúa. Huấn Quyền không ở trên Lời Chúa mà chỉ phục vụ Lời Chúa. Các ngài chỉ dạy những gì đã được truyền lại mà thôi.
Tác Giả, Linh Hứng và Chân Lý của Thánh Kinh
Theo giáo huấn của Công Đồng Trentô và Vaticanô I cũng như của các ĐTC Lêo XII và Piô XII, Công Đồng Vaticanô II dạy rằng Thiên Chúa chính là tác giả của Thánh Kinh bởi vì Ngài linh hứng các tác giả nhân loại của các Sách Thánh, và các tác giả nhân loại cũng là tác giả các sách các mà ngài đã viết vì các ngài đã dùng tất cả khả năng và sự hiểu biết của mình mà viết các sách Thánh Kinh.
Các sách được linh hứng dạy ta chân lý. Tất cả những gì các tác giả được linh hứng xác quyết phải được coi là xác quyết bởi Chúa Thánh Thần, ta phải nhìn nhận rằng các sách Thánh Kinh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, các chân lý mà Thiên Chúa muốn Thánh Kinh ghi lại để cứu độ ta. Kitô giáo không phải là một “đạo Sách” mà là đạo của “Lời Chúa”, một Lời không chỉ được viết xuống và câm lặng, nhưng Lời Nhập Thể và hằng sống (GLCG 105-108).
Như vậy Thánh Kinh khác tất cả các sách khác vì có là Thiên Chúa tác giả. Chính vì Thiên Chúa là tác giả nên toàn bộ Thánh Kinh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, tuy được viết bởi các tác giả nhân loại qua hàng ngàn năm, nhưng vẫn có một sự thống nhất và liên hệ mật thiết kỳ diệu. Thoáng đọc qua, người ta có thể thấy sự bất nhất hoặc xung khắc trong nhiều đoạn Thánh Kinh. Nhưng khi đọc theo truyền thống của Hội Thánh thì tất cả những bất nhất này được hoá giải.
Sự linh hứng của Chúa Thánh Thần không có nghĩa là Ngài đọc từng chữ cho các thánh ký viết xuống như nhiều giáo phái Tin Lành dạy. Chúa Thánh Thần linh hứng có nghĩa là Ngài mặc khải cho các thánh ký biết những chân lý mà Thiên Chúa muốn tỏ ra cho con người biết trong lúc tác giả nhân loại này viết Thánh Kinh, nhưng các ngài vẫn dùng những hiểu biết của mình về văn chương, lịch sử, khoa học, địa lý để diễn tả những chân lý ấy sao cho những người đương thời của các ngài có thể hiểu và đem ra thực hành. Đó là lý do tại sao Hội Thánh dạy rằng “các sách Thánh Kinh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, những chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Thánh Kinh ghi lại để cứu độ chúng ta” Như thế, trong Thánh Kinh, Thiên Chúa không có ý dạy chúng ta về khoa học hay lịch sử mà chỉ dạy về chân lý cứu độ.
Tuy nhiên điều này không có nghĩa là Thánh Kinh có những sai lầm về lịch sử hay khoa học như nhiều học giả Thánh Kinh hiện nay quả quyết. Đây là một vấn đề mà nhiều nhà chú giải Thánh Kinh Công Giáo vẫn còn tranh luận, vì họ hiểu lầm câu 11 của Dei Verbum vì họ không đọc chú thích số 5 của Chương này. Xin đọc diễn từ của Đức Bênêđictô XVI từ trang 15-20 để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Chúa Thánh Thần, Ðấng Giải Thích TK – Trong Thánh Kinh, Thiên Chúa nói với con người bằng cách của loài người. Để giải thích đúng Thánh Kinh, phải chú ý đến điều mà các tác giả nhân loại thật sự muốn xác quyết, và điều mà Thiên Chúa muốn mặc khải qua lời các ngài. Để biết chủ ý của Thánh Ký, độc giả phải kể đến các, hoàn cảnh thời đại và văn hóa của các ngài, các văn thể dùng ở thời ấy, và cách mà người ta cảm giác, nói năng và diễn đạt tư tưởng ở thời ấy.
“Vì Thánh Kinh đã được linh hứng, nó phải được đọc và giải thích trong cùng một ánh sáng của Thần Khí mà nhờ Ngài nó đã được viết”. Thánh Kinh được ban cho Hội Thánh, nên nó chỉ được giải thích cách xác thực trong Hội Thánh.
Công Đồng Vaticanô II đưa ra ba tiêu chuẩn để giải thích Thánh Kinh:
- Phải chú ý đến “nội dung và tính thống nhất của toàn bộ Thánh Kinh”
- Phải đọc Thánh Kinh trong “Truyền thống sống động của toàn thể Hội Thánh”.
- Phải lưu ý đến “loại suy đức tin,” là tính chất tương hợp trong toàn bộ nội dung các chân lý đức tin và trong toàn bộ chương trình Mặc Khải.
Hội Thánh cũng phân biệt các nghĩa mà theo đó Thánh Kinh có thể được giải thích:
- Nghĩa văn tự là nghĩa mà tác giả có ý nói đến.
- Nghĩa thiêng liêng tùy thuộc vào bản văn, nhưng coi như các dấu chỉ đến một ý nghĩa sâu xa hơn. Có thể được chia thành:
- nghĩa ẩn dụ trong đó một biến cố ám chỉ một biến cố khác,
- nghĩa luân lý dẫn ta đến hành động công chính.
- nghĩa dẫn đường giúp ta nhìn các thực tại và biến cố theo tầm quan trọng đời đời của chúng.
Nhiệm vụ của các nhà chú giải là tuân theo các quy luật này. Tuy nhiên Hội Thánh, như người bảo vệ Kho Tàng Thánh, có phán quyết cuối cùng về cách giải thích Thánh Kinh (GLCG 109-114). Xin quý ban đọc các bài Đọc Thêm 2 và 3 để biết thêm chi tiết về chủ đề này.
Câu Hỏi để Suy Nghĩ và Thảo Luận:
- Làm sao mà cả Thiên Chúa lẫn tác giả nhân loại đều là tác giả thật của các Sách Thánh?
- Thánh Kinh có thể có sai lầm không? Tại sao?
- Ba nguyên tắc để giải thích Thánh Kinh mà Dei Verbum dạy là gì? Nguyên tắc nào quan trọng nhất? Tại sao?
- Hãy đưa ra một thí dụ về nghĩa văn tự trong Cựu Ước.
- Hãy đưa ra ba thí dụ về nghĩa ẩn dụ trong Cựu Ước.
- Tìm hai thí dụ về nghĩa dẫn đường trong Tân Ước.
Bài đọc thêm
Tính Vô Ngộ của Thánh Kinh và Công Đồng Vaticanô II