Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh
Giáo Hội Mẹ Thánh, “cột trụ và điểm tựa của chân lý”,[1] luôn luôn sử dụng Thánh Kinh trong nhiệm vụ cứu rỗi các linh hồn, và gìn giữ nó khỏi những giải thích sai lầm. Chúng ta sẽ không bao giờ thiếu những vấn đề trong việc giải thích lời Chúa và việc cố gắng giải quyết những khó khăn này gây ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi, vì thế các nhà chú giải Thánh Kinh Công Giáo không được nản lòng. Trái lại, họ nên tận tụy cố gắng làm rõ ý nghĩa đích thực của Thánh Kinh, dựa vào chính sức mình và, trên hết, nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa và ánh sáng hướng dẫn của Hội Thánh.
Tiến bộ trong nghành Chú giải Thánh Kinh Công Giáo
Thật là một nguồn vui lớn khi thấy rằng ngày nay nhiều người con trung thành của Hội Thánh đã thành các chuyên gia trong việc nghiên cứu Thánh Kinh, theo nhu cầu của thời đại. Tuân theo những huấn dụ của các Giáo Hoàng, họ đang hết sức đại lượng hiến thân với nhiệm vụ nghiêm trọng và khó khăn này. “Tất cả các con cái Hội Thánh được nhắc nhở để đánh giá những nỗ lực của những người lam việc cần cù này trong vườn nho của Chúa với đức công bằng tuyệt đối và bác ái lớn lao.”[2] Vì ngay cả những nhà chú giải thời danh, như Thánh Giêrônimô, đôi khi cũng tương đối không mấy thành công trong việc giải thích những vấn đề khó khăn hơn.[3] Phải cẩn thận “để bầu không khí nóng bỏng của các cuộc tranh luận không vượt quá giới hạn của tình bác ái tương trợ; để các cuộc tranh luận như thế không tạo ấn tượng rằng chân lý của Thiên Chúa và Thánh Truyền không còn đáng tin cậy nữa. Nếu không có tinh thần hòa hợp và tôn trọng trọn vẹn những nguyên tắc này, chúng ta không thể mong ước có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực này từ các cuộc nghiên cứu đa dạng được thực hiện bởi nhiều người khác nhau.”[4]
Tầm Quan trọng của ngành Chú Giải Thánh Kinh hôm nay
Ngày nay, công việc của các nhà chú giải Thánh Kinh càng trở nên khẩn thiết bởi vì nhiều bài viết đang được lưu hành đặt ra những thắc mắc về sự thật của các biến cố và những lời nói được tường thuật trong các sách Tin Mừng. Do đó, để thực thi nhiệm vụ được các Giáo Hoàng ủy thác, Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh xét thấy nên đề ra và nhấn mạnh những điểm sau đây.
- HƯỚNG DẪN TỔNG QUÁT CHO CÁC NHÀ CHÚ GIẢI THÁNH KINH
- Các nhà chú giải Công Giáo, dưới sự hướng dẫn của Hội Thánh, nên tận dụng tất cả các đóng góp của các nhà chú giải trước đó, cách riêng là các Giáo Phụ và các Tiến Sĩ Hội Thánh, cùng tiếp tục công việc của các ngài. Để làm sáng tỏ trọn vẹn chân lý cố hữu và quyền năng của các sách Tin Mừng, họ sẽ tuân theo các tiêu chuẩn về chú giải Thánh Kinh theo học thuật Công Giáo; và họ sẽ sử dụng cách thích hợp những kỹ thuật chú giải mới, đặc biệt là những kỹ thuật được đề ra bởi phương pháp lịch sử như một tổng thể.
Phương Pháp Lịch Sử
Phương pháp này điều tra tường tận các nguồn văn, và phân tích bản chất và giá trị của chúng, dựa trên sự giúp đỡ của việc phân tích bản văn, phân tích văn thể, và kiến thức về ngữ học.
Các nhà chú giải phải chú ý đến lời nhắc nhở kiên định của Đức Piô XII. “Hãy để cho [nhà chú giải] thận trọng điều nghiên xem cách diễn đạt hay các thể văn được sử dụng bởi các Thánh Ký đóng góp gì vào một giải thích đúng đắn và chính xác, và đảm bảo rằng khía cạnh này của công việc của mình không thể bị bỏ qua mà không gây ra thiệt hại trầm trọng cho chú giải Thánh Kinh Công Giáo.”[5] Lời nhắc nhở này của Đức Piô XII đưa ra một nguyên tắc chung cho việc chú giải Thánh Kinh, có giá trị cho việc chú giải cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, bởi vì các thánh sử đã sử dụng những kiểu suy luận và những cách diễn tả của những người đương thời với họ.
Tóm lại nhà chú giải sẽ sử dụng bất kỳ và tất cả các phương tiện có thể giúp mình có được một cái nhìn sâu xa hơn về bản chất của các chứng từ Tin Mừng, đời sống tôn giáo của Hội Thánh thời sơ khai, cùng ý nghĩa và giá trị của Truyền Thống các Tông Đồ.
Phê Bình Văn Thể
Nếu có cơ hội, nhà chú giải có thể tìm kiếm các yếu tố chắc chắn trong phương pháp “phân tích văn thể”, và sử dụng chúng để có được một sự hiểu biết đầy đủ hơn về các sách Tin Mừng. Tuy nhiên, phải thận trọng trong lĩnh vực này, bởi vì phương pháp này thường đan kết với những nguyên tắc triết học và thần học không thể chấp nhận, là điều thường xuyên làm hỏng hoặc chính phương pháp này, hoặc phán đoán của nó về các vấn đề văn học.
Những Tiền Đề Sai Lầm
Một số người đề xuất phương pháp này, bị thúc đẩy bởi những thành kiến duy lý, không công nhận sự hiện hữu của một trật tự siêu nhiên. Họ phủ nhận sự can thiệp của một Thiên Chúa cá thể vào thế giới qua phương thế Mặc Khải theo nghĩa hẹp, và bác bỏ sự khả thi hoặc thực sự xảy ra của phép lạ và lời tiên tri. Một số người bắt đầu với một khái niệm sai lầm về đức tin, coi đức tin như là không quan tâm đến, hoặc thậm chí không phù hợp với sự thật lịch sử. Một số người từ chối, cách tiên nghiệm, bản chất lịch sử và giá trị lịch sử của các tài liệu của sách Mặc Khải. Và cuối cùng, một số người khác giảm thiểu thẩm quyền của các Tông Đồ như những nhân chứng cho Chúa Kitô. Coi thường chức năng và ảnh hưởng của các ngài trong cộng đồng nguyên thủy, những người này phóng đại sức sáng tạo của chính cộng đồng.
Tất cả những ý kiến này không những chỉ trái với giáo lý Công Giáo, mà cũng chẳng có nền tảng học thuật và không phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của phương pháp lịch sử.
- VIỆC SOẠN THẢO KỸ LƯỠNG SỨ ĐIỆP TIN MỪNG
- Để thiết lập giá trị của những điều chứa đựng trong các sách Tin Mừng, các nhà chú giải phải cẩn thận lưu ý đến ba giai đoạn của truyền thống, qua đó đời sống và giáo huấn của Chúa Giêsu đã đến với chúng ta.
1) Giáo Huấn của Chúa chúng ta
Chính Đức Kitô, Chúa chúng ta, đã chọn một nhóm các môn đệ,[6] đi theo Người ngay từ thủa ban đầu.[7] Các ông đã thấy các công việc của Người và nghe những lời của Người. Do đó, các ông đã đóng một địa vị tốt để làm nhân chứng cho cuộc đời và giáo huấn của Người.[8]
Khi Chúa công bố giáo huấn của Người bằng lời giảng dạy, Người đã sử dụng các phương thức lý luận và các cách diễn tả thông thường vào thời ấy. Do đó Người thích nghi chính mình với não trạng của thính giả của Người để giáo huấn của Người in sâu vào tâm trí họ và dễ dàng cho các môn đệ của Người ghi nhớ. Các môn đệ nhận ra rằng các phép lạ và các biến cố khác của cuộc đời Chúa Kitô, đã xảy ra để người ta có thể tin vào Chúa Kitô và đón nhận sứ điệp cứu độ của Người bằng đức tin.
2) Các Giáo Huấn của các Tông Đồ
Các Tông Đồ đã làm chứng cho Chúa Giêsu,[9] đã công bố trên hết và trước hết cái chết và sự phục sinh của Chúa. Các ngài trung thành rao giảng cuộc đời và Lời của Người,[10] thích nghi cách thức rao giảng của các ngài với hoàn cảnh của các thính giả của mình.[11] Sau khi Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết và thiên tính của Ngài được tỏ lộ,[12] đức tin không có nghĩa là xóa sạch ký ức về các sự kiện đã xảy ra. Trái lại, nó củng cố những ký ức này, bởi vì nó được đặt trên những điều mà Chúa Giêsu đã dạy và đã làm.[13] Việc thờ phượng Chúa Giêsu như Chúa và Con Thiên Chúa cũng không biến Người thành một nhân vật “thần thoại”, hay bóp méo giáo huấn của Người.
Tuy nhiên người ta không có lý do gì để phủ nhận sự thể là các Tông Đồ, trong khi trình bày cho các thính giả của các ngài về những việc làm và lời nói của Chúa chúng ta, đã sử dụng sự hiểu biết đầy đủ hơn mà các ngài đã nhận được từ các biến cố hiển vinh của cuộc đời Chúa Kitô[14] và sự hướng dẫn của Thần Chân Lý.[15] Sau khi sống lại, chính Chúa Giêsu “đã giải thích cho các ngài”[16] những lời của chính Người và những lời của Cựu Ước.[17] Bằng một cách tương tự, các ngài đã giải thích những việc làm và lời nói của Chúa theo nhu cầu của các thính giả của các ngài.
Khi chuyên lo, “việc phục vụ Lời Chúa,”[18] các ngài sử dụng, trong lúc giảng dạy, các kiểu trình bày khác nhau cho phù hợp với mục đích của các ngài và tâm lý thính giả của các ngài. Các ngài đã mắc nợ[19] những người Hy Lạp và những người man rợ, những người khôn ngoan và những người khờ dại”[20] Tuy nhiên, những cách nói khác nhau mà các sứ giả của Chúa Kitô đã sử dụng để rao giảng Người phải được phân biệt và cẩn thận lượng giá: các bài giáo lý, các tường thuật, các chứng từ, các thánh thi, các lời chúc tụng, các kinh nguyện, và các văn thể tương tự trong Thánh Kinh thường được những người thời đó xử dụng.
3) Bốn Thánh Sử
Giáo huấn nguyên thủy này đã được truyền lại trước hết bằng truyền khẩu, và sau đó được viết xuống. Quả thực chẳng bao lâu [sau khi Chúa về trời], đã có nhiều người cố gắng “để viết lại một tường thuật”[21] về những sự kiện liên quan đến Chúa Giêsu. Các Thánh Ký, mỗi vị sử dụng tất cả các tiếp cận phù hợp với mục đích cụ thể của mình, đã ghi lại giáo huấn nguyên thủy này trong bốn Tin Mừng vì lợi ích cho các hội thánh.
Các Thánh Ký đã chọn một số điều trong nhiều điều được truyền lại; các ngài đã tổng hợp một số, tóm tắt một số khác, và giải thích một số khác nữa cho phù hợp với nhu cầu của các hội thánh khác nhau. Các ngài đã sử dụng mọi phương tiện có thể được để đảm bảo là sẽ đem đến cho các độc giả của các ngài sự thật chắc chắn về những điều họ đã được giảng dạy.[22]
Từ các tài liệu các ngài nhận được, các Thánh Ký đã đặc biệt chọn ra những điều có thể thích nghi được với hoàn cảnh khác nhau của các tín hữu cũng như với mục đích ngài muốn đạt được; và các ngài thuật lại những điều đó theo cách thức phù hợp với những hoàn cảnh và mục đích ấy.
Bối cảnh
Bởi vì ý nghĩa của một lời công bố phụ thuộc, trong số những điều khác, vào bối cảnh trong đó nó được tìm thấy, các Thánh Ký, khi truyền lại những lời nói và việc làm của Chúa Kitô, đã giải thích chúng theo cách nào có lợi nhất cho các độc giả của mình bằng cách đặt chúng trong các bối cảnh khác nhau, mỗi Thánh Ký trong một bối cảnh. Do đó các nhà chú giải phải cố gắng tìm xem Thánh Ký có ý định gì khi kể lại một lời nói hay một sự kiện theo một cách nào đó, hoặc bằng cách đặt nó trong một bối cảnh cụ thể.
Thứ Tự của Tường Thuật
Chân lý của các tường thuật Tin Mừng không bị tổn thương vì các Thánh Ký tường thuật các lời nói và việc làm của Chúa theo thứ tự khác nhau,[23] và các ngài dùng những từ ngữ khác nhau để diễn tả điều mà Chúa đã nói, không theo nguyên văn, tuy nhiên vẫn giữ được ý nghĩa.[24] Vì như Thánh Augustinô nói: “Có thể là mỗi Thánh Ký cảm thấy có trách nhiệm phải tường thuật câu chuyện của mình theo thứ tự mà Thiên Chúa gợi lên trong ký ức của mình. Điều này ít ra có vẻ đúng với những điều mà thứ tự của tường thuật không ảnh hưởng gì đến quyền bính hay chân lý của Tin Mừng. Chung cuộc, Chúa Thánh Thần ban phát hồng ân của Ngài tùy theo ý Ngài.[25] Vì những sách này có thẩm quyền rất cao, Chúa Thánh Thần chắc chắn đã hướng dẫn và kiểm soát trí khôn của các Thánh Ký trong việc nhớ lại những điều mà các ngài sẽ viết xuống. Ngài có thể cũng cho phép mỗi Thánh Ký sắp xếp tường thuật theo thứ tự của mình – đó là một câu hỏi mà người ta có thể tìm thấy câu trả lời với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, nếu họ cẩn thận tìm kiếm một cách cung kính”.[26]
Các Hậu Quả cho các Nhà Chú Giải
Vì thế, nếu không chú ý đến tất cả các yếu tố liên quan đến nguồn gốc và việc soạn thảo của các sách Tin Mừng, và việc sử dụng đúng những thành quả đáng khen của những nghiên cứu gần đây, các nhà chú giải sẽ không chu toàn nhiệm vụ của mình – là tìm hiểu những gì các Thánh Ký thực sự có ý viết và đã viết.
Kết quả của các nghiên cứu gần đây đã cho thấy rõ rằng cuộc đời và giáo huấn của Chúa Giêsu không chỉ đơn thuần được kể lại với mục đích để được nhớ; nhưng đã “được rao giảng” một cách nào đó để cung cấp cho Hội Thánh một nền tảng ngõ hầu xây dựng đức tin và nền luân lý trên đó. Vì vậy, nhà chú giải, bằng cách kiên trì nghiên cứu cẩn thận các chứng từ của các Thánh Ký sẽ có thể làm sáng tỏ hơn nữa các giá trị thần học trường cửu của các sách Tin Mừng, cũng như tầm quan trọng và sự cần thiết của việc giải thích của Hội Thánh.
Vẫn còn rất nhiều vấn đề quan trọng khác phải được thảo luận và giải thích mà trong đó các nhà chú giải Công Giáo có thể và nên được tự do sử dụng trí tuệ và tài năng của mình. Bằng cách này mỗi người có thể góp phần vào việc phục vụ tất cả mọi người, đóng góp vào sự tiến triển liên tục của học thuyết thánh, giúp hình thành hoặc củng cố các phán quyết của Huấn Quyền của Hội Thánh, cùng bảo vệ và tôn vinh chính Hội Thánh.[27]
Tuy nhiên, nhà chú giải phải luôn luôn sẵn sàng tuân phục Huấn Quyền của Hội Thánh, và không bao giờ được quên rằng các Tông Đồ được đầy Thánh Thần khi các ngài rao giảng Tin Mừng; các sách Tin Mừng được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, Đấng gìn giữ các tác giả của các sách ấy khỏi mọi sai lầm. “Chúng ta biết được công trình cứu rỗi không qua phương tiện nào khác mà qua chỉ những người đã truyền Tin Mừng cho chúng ta. Trước hết các ngài rao giảng Tin Mừng này. Rồi sau đó, theo thánh ý của Thiên Chúa, các ngài đã truyền lại cho chúng ta trong Thánh Kinh, để nó trở thành cột trụ và điểm tựa của đức tin của chúng ta. Không ai thể nói rằng các ngài rao giảng trước khi các ngài có được kiến thức hoàn hảo, như một số người dám tuyên bố như thế, tự hào rằng họ có thể sửa chữa cả các Tông Đồ. Thực ra, sau khi Chúa chúng ta sống lại từ cõi chết và các ngài nhận được quyền năng của Chúa Thánh Thần từ trời cao, các ngài đã được tràn đầy mọi ân sủng và có kiến thức hoàn hảo; vì vậy, các ngài đã đi khắp thế giới rao giảng về sự tốt lành của thiên Chúa đối với chúng ta, và công bố bình an từ trời cho con người. Tất cả các ngài và mỗi một vị trong các ngài đều có Tin Mừng của Thiên Chúa như nhau.”[28]
III. CÁC GIÁO SƯ CHỦNG VIỆN
- những người có nhiệm vụ giảng dạy trong các chủng viện và các cơ quan tương tự” phải chú tâm trước hết … để chắc chắn rằng việc giảng dạy Thánh Kinh được thực hiện theo tầm trọng của chính chủ đề và theo nhu cầu của thời đại.”[29] Các giáo sư cần phải lấy giáo thuyết thần học làm chủ đề chính để trình bày, ngõ hầu Thánh Kinh “có thể trở thành nguồn mạch tinh khiết và vĩnh cửu cho đời sống tâm linh của mỗi linh mục tương lai, và nguồn dinh dưỡng cùng sức mạnh cho chức năng giảng dạy thánh mà họ sẽ đảm nhận.”[30]
Sử dụng phương pháp Phê Bình Văn học
Khi các giáo sư này sử dụng nghệ thuật phê bình, đặc biệt là điều gọi là phân tích văn học, họ không nên trình bày chúng chỉ vì chính chúng, nhưng là một phương tiện để làm sáng tỏ ý nghĩa mà Thiên Chúa có ý truyền đạt qua các Thánh Ký. Họ không nên dừng lại giữa đường, thỏa mãn với việc vạch ra các khám phá văn học, nhưng cho thấy thêm rằng những điều này thực sự đã góp phần và việc hiểu biết rõ ràng hơn giáo lý được mặc khải như thế nào, hoặc nếu cần, thì chúng phản bác những sai lầm ra sao. Các giáo sư làm theo các tiêu chuẩn này sẽ giúp cho các sinh viên tìm thấy trong Thánh Kinh điều có thể “nâng tâm hồn lên với Thiên Chúa, nuôi dưỡng linh hồn, và thăng tiến đời sống nội tâm.”[31]
- CÁC NHÀ THUYẾT GIẢNG
- Những người giáo huấn dân Chúa qua các bài giảng thánh cần phải rất khôn ngoan cẩn trọng. Trước hết, họ phải cung cấp cho dân chúng một giáo lý vững chắc, luôn luôn nhớ đến lời khuyên của Thánh Phaolô: “Hãy chú trọng đến đời sống và giáo huấn của mình. Hãy kiên trì trong các việc ấy. Vì làm như thế, sẽ cứu được chính mình, và cả những người nghe lời mình giảng dạy.”[32]
Họ nên hoàn toàn tránh phổ biến những lý thuyết mới vô ích hoặc những lý thuyết không có đủ bằng chứng. Nếu cần, họ có thể trình bày những ý kiến mới đã được kiểm chứng chắc chắn; nhưng họ phải làm như thế một cách thận trọng, trong khi kể đến trình độ của thính giả của họ. Khi tường thuật lại các biến cố trong Thánh Kinh, họ không được phép đưa vào những thêm thắt tưởng tượng không phù hợp với sự thật.
Các nhà văn
Đức khôn ngoan cẩn trọng phải được đặc biệt được vun trồng bởi những người mà tác phẩm của họ được lưu hành giữa các tín hữu. Họ nên mang ra sự phong phú của Thiên Chúa chứa đựng trong Lời Chúa “để các tín hữu được… đánh động và hứng khởi sống một cuộc sống tốt đẹp.”[33] Họ phải lãnh trách nhiệm cẩn thận tránh đi ra ngoài giáo lý chung và truyền thống của Hội Thánh bất cứ lúc nào hoặc bất kỳ cách nào. Tuy nhiên, họ nên tận dụng những tiến bộ vững chắc đạt được trong nghành nghiên cứu Thánh Kinh và những đóng góp của các học giả hiện đại, trong khi hoàn toàn tránh những ý kiến vội vàng của những người có sáng kiến.[34] Họ tuyệt đối không được để cho mình bị lôi cuốn vào những ham muốn các điều mới mẻ một cách nguy hại bằng cách bừa bãi phổ biến rộng rãi mà không cân nhắc trước, mỗi và mọi giải pháp tạm thời cho những khó khăn được đề ra, và do đó, làm lung lạc đức tin của nhiều người.
Các sách vở và các Bài viết
Ủy Ban Thánh Kinh này thấy phù hợp để nhắc nhở mọi người rằng những cuốn sách và bài báo trên các tạp chí và báo chí, liên quan đến chủ đề Thánh Kinh, cũng là những điều thuộc thẩm quyền và quyền phán quyết của Các Đấng Thẩm Quyền.[35] Vì những tác phẩm như vậy liên quan đến các chủ đề tôn giáo và giáo dục tôn giáo của các tín hữu. Cho nên, Các Đấng Thẩm Quyền được yêu cầu phải siêng năng để ý đến các tác phẩm như thế.
- CÁC HIỆP HỘI THÁNH KINH
- Những người phụ trách các Hiệp Hội Thánh Kinh phải tuân hành đầy đủ các tiêu chuẩn được thiết lập bởi Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh.[36]
Nếu tất cả các tiêu chuẩn này được tuân hành, việc nghiên cứu về Thánh Kinh sẽ có lợi ích lớn lao cho các tín hữu. Không một ai, ngay cả trong thời đại chúng ta, mà không cảm nghiệm được lời của Thánh Phaolô: “… Sách Thánh, … giáo huấn con trong ơn cứu độ nhờ đức tin vào Ðức Giêsu Kitô. Tất cả Kinh Thánh được linh hứng bởi Thiên Chúa, và ích lợi cho việc giảng dạy, thuyết phục, răn bảo, giáo huấn trong sự công chính, để cho người thuộc về Thiên Chúa nên toàn thiện, và được trang bị đầy đủ mà làm mọi việc lành”.[37]
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, trong một buổi triều yết ưu ái dành cho Giám Mục Thư Ký – Tư Vấn ký tên dưới đây vào 21 tháng 4 năm 1964, đã phê chuẩn Chỉ thị này và ra lệnh ban hành.
Roma, ngày 21 tháng 4 năm 1964.
Benjamin N. Wainbacq, O. Praem.
Thư ký – Tư Vấn
[1] 1 Tim. 3:15
[2] Divino afflante Spiritu; Enchiridion Biblicum (EB) 564.
[3] X. Spiritus Paraclitus, EB 451.
[4] Tông Thư Vigilantiae EB 143.
[5] X. Divino afflante Spiritu; EB 560
[6] X. Mc 3:14; Lc 6:13.
[7] X. Lc 1:2; TĐCV 1:21-22.
[8] X. Lc 24:48; Ga 15:27: TĐCV 1:8; 10:39; 13:31.
[9] X. Lc 24:44-48; TĐCV 2:32; 3:15; 5:30-32.
[10] X. TĐCV 10:36-41
[11] X. TĐCV 13:16-41; 17:22-31.
[12] X. TĐCV 2:36; Ga 20:28.
[13] X. TĐCV 2:22; 10:37-39.
[14] X. Ga 2:22; 12:16; 11:51-52; x. 14:26: 16:12-13; 7:39.
[15] X. Ga 14:26; 16:13.
[16] X. Lc 24:27
[17] X. Lc 24:44-45; TĐCV 1:3.
[18] TĐCV 6:4.
[19] X. 1 Cor 9:19-23.
[20] X. Rom 1:14.
[21] X. Lk 1:1.
[22] X. Lk 1:4.
[23] X. Th. Gioan Kim Khẩu, in Mat., Hom. 1, 3; PG 57, 16-17.
[24] X. Th. Augustinô, De consensu Evang., 2, 12, 28; PL 34, 1090-91
[25] X. 1 Cor 12:11
[26] X. De consensu Evang., 2, 21, 51tt.; PL 34, 1102.
[27] X. Divino afflante Spiritu, EB 565.
[28] Th. Irênê, Adv. Haer., III 1, 1: PC 7, 844; Harvey II, 2.
[29] Tông Thư Quonian in re biblica; EB 162.
[30] Divino afflante Spiritu; EB 567.
[31] Divino afflante Spiritu; EB 552.
[32] 1 Tim 4:16.
[33] Divino afflante Spiritu; EB 566.
[34] X. Tông Thư Quonian in re biblica; EB 175.
[35] Chỉ thị cho các Giám Mục Bản Quyền các Giáo Phận , ngày 15 tháng 12, 1955; EB 626.
[36] EB 622-33
[37] 2 Tim. 3:15-17.