Bài Đọc Thêm 3
Vào Đề
Đó là tháng 12 năm 1965. Thế giới nóng lòng chờ đợi để biết điều Công Đồng Vaticanô II sẽ dạy cách có thẩm quyền trong Dei Verbum, Hiến Chế Tín Lý về sự hiểu biết của Hội Thánh về Mạc Khải Thiên Chúa. Hơn bất cứ tài liệu nào khác, Dei Verbum sẽ nói cho thế giới lập trường của Hội Thánh về bản chất, thuộc tính và cách giải thích của Thánh Kinh. Các cuộc thảo luận xa rộng và căng thẳng nhất giữa các Nghị Phụ Công đồng liên quan đến Thánh Kinh tập trung vào sự hiểu biết đúng đắn về học thuyết bất khả ngộ (vô ngộ) của Thánh Kinh. Một cuộc tranh luận như vậy được đưa ra tại một thời điểm mà các sự chia rẽ càng ngày càng gia tăng trong thế giới Anh-Mỹ giữa các Hội Thánh Tin Lành khác nhau, mà phần lớn tập trung vào vấn đề không thể sai lầm và thẩm quyền của Thánh Kinh đối với đời sống Kitô hữu.
Hơn bốn mươi năm trôi qua kể từ ngày ban hành Dei Verbum. Nói chung thì giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II về tính bất khả ngộ của Thánh Kinh đến bây giờ vẫn còn mơ hồ và khó hiểu như trong thập niên 1960. Trong bài này, tôi hy vọng sẽ chứng minh được rằng giáo huấn về thuyết bất khả ngộ của Thánh Kinh như đã nêu lên trong Dei Verbum hoàn thành liên tục với sự hiểu biết truyền thống về học thuyết này. Vượt trên và chống lại một số quan điểm vẫn còn phổ thông lập luận rằng Công Đồng báo hiệu một sự biến đổi từ sự hiểu biết đã lãnh nhận được của Hội Thánh về tính vô ngộ của Thánh Kinh, một tái tạo theo lịch sử của các cuộc tranh luận cho thấy cách Chúa Thánh Thần dùng Vaticanô II để truyền lại học thuyết về tính hoàn toàn vô ngộ của Thánh Kinh với thẩm quyền của một Công Đồng Chung.
Sự Hiểu biết theo Truyền thống về Học Thuyết Bất khả ngộ của Thánh Kinh trước Công đồng Vaticanô II
Sự hiểu biết theo truyền thống về Học Thuyết Bất khả ngộ của Thánh Kinh có lẽ được Thánh Augustinô diễn tả cách mạnh mẽ và rõ ràng nhất trong một thư gửi Thánh Giêrônimô:
Vì tôi thú nhận với Đức Ái của hiền huynh rằng tôi đã học để chỉ dành sự tôn trọng và tôn kính này cho các sách trong quy điển Thánh Kinh: tôi tin rất vững rằng chỉ có các tác giả của các sách này là hoàn toàn không sai lầm. Và nếu trong những tác phẩm này tôi bối rối vì bất cứ điều gì có vẻ trái ngược với sự thật, tôi không ngần ngại cho rằng, hoặc là bản sao bị sai, hoặc người dịch đã không bắt được ý nghĩa của điều đã nói, hoặc chính bản thân tôi đã không hiểu được nó. . . Thưa hiền huynh, tôi tin rằng đây là ý kiến của hiền huynh cũng như của tôi.[1]
Thánh Augustine thông thái đã không tránh bày tỏ sự khiêm tốn khi đối diện với các vấn đề tiềm ẩn trong việc đọc Thánh Kinh của ngài; thay vì gán những thiếu sót cho Thánh Kinh, ngài thừa nhận những giới hạn nhân loại của mình khi đối diện với mặc khải siêu nhiên.
Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, trong thông điệp vĩ đại của ngài về việc nghiên cứu Thánh Kinh, Providentissimus Deus (1893), đã trích dẫn các lời này của Thánh Augustinô và thêm rằng cái nhìn sâu sắc của Thánh Augustinô không có nghĩa là đơn phương, nhưng đại diện cho sự đồng thuận của truyền thống: “…dứt khoát là tất cả các Giáo Phụ và các Tiến Sĩ đồng ý rằng các tác phẩm của Thiên Chúa, như các Thánh Kỳ để lại, không có sai lầm nào cả…”[2] ĐTC Lêô XIII nhiệt tình tái khẳng định giáo huấn này. Ngài cũng nói cách chắc chắn về giáo huấn truyền thống là tính vô ngộ của Thánh Kinh không thể bị giới hạn trong các vấn đề đức tin và luân lý, nhưng có phạm vi toàn thể:
Nhưng hoàn toàn sai lầm và không được phép, hoặc thu hẹp linh hứng vào một phần nào đó của Thánh Kinh, hoặc thừa nhận rằng Thánh Ký đã sai lầm. Vì mục tiêu của những người, để tránh những khó khăn này, không ngần ngại thừa nhận rằng sự linh hứng của Thiên Chúa chỉ liên quan đến những gì thuộc về đức tin và luân lý, và không có gì ngoài chúng, vì (như họ nghĩ sai) trong một thắc mắc về sự thật hay sự sai lầm của một đoạn văn, chúng ta nên kể đến không những cả điều Thiên Chúa đã nói mà còn lý do và mục đích mà Ngài nghĩ đến khi nói điều ấy – mục tiêu này không thể chấp nhận được.[3]
Ngoài ra, Đức Lêô kéo chú ý đến tầm quan trọng của giáo huấn này:
Trái với việc bất cứ sai lầm nào cũng có thể cùng tồn tại với ơn linh hứng, thì ơn linh hứng, theo cơ bản, không những chỉ không tương hợp với sai lầm, mà còn ngăn chặn và loại trừ nó như tuyệt đối và nhất thiết, vì Chính Thiên Chúa, Chân Lý tối cao, không thể thốt ra những gì không đúng. Đây là đức tin cổ xưa và bất di dịch của Hội Thánh, được long trọng xác định trong các Công Đồng Florence và Trentô, và cuối cùng được khẳng định và công thức hóa rõ ràng hơn bởi Công Đồng Vaticanô.[4]
Một thế hệ sau thông điệp này của Đức Lêô XIII, Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XV cũng đã viết một thông điệp về việc nghiên cứu Thánh Kinh tựa đề Spiritus Paraclitus, để kỷ niệm một ngàn năm trăm năm ngày từ trần của Thánh Giêrônimô, người mà Hội Thánh ca ngợi như là “Tiến Sĩ Vĩ Đại” của Thánh Kinh.[5] Để tránh giả định rằng Spiritus Paraciitus báo hiệu một sự khởi hành từ giáo huấn trước đó, tính liên tục của giáo huấn của Đức Bênêđictô XV trong thông điệp này với giáo huấn của Đức Lêô XIII được thấy rõ qua nhiều trường hợp trong đó Đức Bênêđictô trích Đức Lêô, cũng như trong lời khuyên nhủ kết thúc dành cho các giám mục của Hội Thánh: “Hãy thôi thúc mọi người không những chỉ đơn thuần nắm lấy học thuyết Công Giáo liên quan đến ơn linh hứng của Thánh Kinh dưới sự hướng dẫn của Thánh Giêrônimô, mà còn giữ vững các nguyên tắc được quy định trong Thông điệp Providentissimus Deus, và thông điệp này.”[6]
Đặc biệt quan trọng là sự kiện giáo huấn của Đức Bênêđictô XV về tính bất khả ngộ của Thánh Kinh phần lớn bao gồm các trích dẫn trực tiếp, mở rộng của những gì Đức Lêô XIII đã dạy trong Providentissimus Deus.[7] Khi suy tư hơn nữa về giáo huấn của Đức Lêô, Đức Bênêđictô than thở:
Nhưng mặc dù các lời này của Đấng Tiền Nhiệm của chúng tôi không có chỗ cho nghi ngờ hay tranh luận [về tính hoàn toàn vô ngộ của TK], chúng tôi đau buồn khi thấy rằng không những chỉ người ở ngoài, mà cả con cái của HT Công Giáo – ngày nay, điều đáng buồn đặc biệt với chúng tôi là thậm chí các giáo sĩ và giáo sư về kiến thức thánh– những kẻ vì tính tự phụ của mình hoặc công khai phủ nhận hoặc ít ra bí mật tấn công giáo huấn của Hội Thánh về điểm này.[8]
Đức Bênêđictô đã tái khẳng định rằng phạm vi của tính bất khả ngộ không thể bị giới hạn trong lĩnh vực đức tin và luân lý. Thí dụ, ngài khẳng định điều dưới đây liên quan đến vấn đề lịch sử:
Những người này cũng cho rằng các phần thuộc về lịch sử của Thánh Kinh không dựa trên sự thật tuyệt đối của các sự kiện mà chỉ dựa trên những gì họ hài lòng gọi là chân lý tương đối của họ, nghĩa là những gì người ta thường nghĩ, là — không thua gì những phê bình được nhắc đến ở trên – không hòa hợp với giáo huấn của Hội Thánh, được xác nhận bởi chứng từ của Thánh Giêrônimô và các Giáo Phụ khác.[9]
Thông điệp cuối cùng dành riêng cho việc nghiên cứu Thánh Kinh được viết trước CĐ Vaticanô II đã được nhiều người hoan nghênh là Divino Afflante Spirtu, được ĐGH Piô XII viết năm 1943 để kỷ niệm đệ ngũ chu niên thông điệp Providentissimus Deus của Đức Lêô XIII. Trong khi thực sự là Đức Piô XII đã khuyến khích rất nhiều một nghiên cứu có tính phê bình của Thánh Kinh trong các ranh giới thích hợp, cũng thực sự là giáo huấn của ngài hoàn toàn liên tục với các giáo huấn trước đó được diễn tả bởi huấn quyền của Hội Thánh, như Đức Piô XII ám chỉ trong phần đầu của thông điệp của ngài:
Vì vậy việc chúng ta nên kỷ niệm đệ ngũ chu niên ngày ban hành Thông Điệp này [Providentissimus Deus], vốn được coi là hướng dẫn tối cao trong việc nghiên cứu Thánh Kinh, thật là thích hợp, Chúng Tôi, được thúc đẩy bởi mối quan tâm đến các nghiên cứu thánh, mà Chúng Tôi đã bày tỏ từ đầu Triều Đại Giáo Hoàng của Chúng Tôi, cân nhắc rằng điều này có thể được thực hiện cách thích hợp nhất bằng cách phê chuẩn và khắc sâu tất cả những gì Vị Tiền Nhiệm của Chúng Tôi đã khôn ngoan đặt ra và được quy định bởi Đấng Kế Vị của ngài để củng cố và hoàn hảo hóa việc này, và vạch ra những gì có vẻ cần thiết cho ngày nay, để khuyến khích cách sốt sắng hơn bao giờ hết tất cả con cái Hội Thánh, là những người hiến thân cho các nghiên cứu này, một việc làm rất cần thiết và rất đáng khen ngợi.[10]
Cách cụ thể liên quan đến ơn linh hứng của Thiên Chúa và tính vô ngộ của Thánh Kinh, Đức Piô XII nhắc lại cho chúng ta giáo huấn của Đức Lêô về tính hoàn toàn linh hứng và hoàn toàn vô ngộ của Thánh Kinh, và kết luận: “Giáo huấn này, mà Vị Tiền Nhiệm Lêô XIII của Chúng Tôi đã long trọng đặt ra, Chúng Tôi cũng tuyên bố với quyền của Chúng Tôi và kêu gọi tất cả phải tuân theo nó một cách sùng kính.”[11] Vì vậy từ những thời gian đầu qua giai đoạn trước CĐ Vaticanô II, giáo huấn của Hội Thánh Công giáo về tính hoàn toàn vô ngộ của Thánh Kinh đã vừa rõ ràng vừa liên tục.
Giáo Điều Vô Ngộ của Thánh Kinh được Coi Lại ở Công Đồng Vatican II
Vào ngày 2 tháng 10 năm 1964, Đức Hồng Y Franz König của Vienna đã phát biểu trước các Nghị Phụ Công Đồng thay mặt cho tất cả các các giám mục của các Hội Đồng Giám Mục ‘nói tiếng Đức’, rằng Thánh Kinh, thực ra, có các sai lầm về khoa học, lịch sử và trích dẫn quy chiếu sai. Sau đó ngài nói tiếp để cung cấp một số thí dụ về những câu có vẻ mâu thuẫn và thông tin sai lạc.[12] Về ý kiến của ĐHY König, ĐHY Alois Grillmeier viết,
Bài phát biểu của ngài đề cập đến một vài thí dụ [về sai lầm]: theo Mc 2:26 David đã vào nhà của Thiên Chúa dưới thời thượng tế Abiathar và ăn bánh tiến. Tuy nhiên, thực ra, theo 1 Sam 21:1 tt, không phải dưới thời Abiathar, nhưng dưới thời cha của ông là Abimetech. Trong Matthêu 27: 9 chúng ta đọc thấy lời tiên tri của Giêrêmiah được ứng nghiệm trong số phận của Giuđa. Thực ra, lời trích dẫn là từ Dêkaria 11:12 tt.. Trong Dan 1: 1, chúng ta đọc rằng vua Nebuchadnezzar bao vây Giêrusalem trong năm thứ ba đời vua Giêhoiakim, tức là năm 607 BC, nhưng từ sử biên niên đích thực của vua Nebuchadnessar đã được khám phá, chúng ta biết rằng cuộc bao vây chỉ có thể đã xảy ra ba năm sau đó.”[13]
ĐHY König cảm thấy rằng giáo huấn theo truyền thống về tính vô ngộ của Thánh Kinh không thể duy trì được theo cách nhìn về những sai lỗi này. Để đánh giá đúng cả những giới hạn của Thánh Kinh như ngài thấy lẫn giáo huấn theo truyền thống, ngài chọn việc sửa đổi lược đồ từ “Cum ergo omne id, quod auctor inspiratus seu hagiographus asserit retineri debeat assertum a Spiritu Sancto . . .” sang “Cum ergo veritas — vel veritas Sacrae Scripturae — quam auctor inspiratus sive hagiographus asserere voluit retineri debeat asserta a Spiritu Sancto, inde Scripturae libri integri cum omnibus suis partibus veritatem fideliter integer inconcusse docere profitendi sunt.”[14] Ý định của ĐHY König không phải là giới hạn phạm vi của ơn linh hứng, nhưng giới hạn phạm vi không sai lầm từ “mọi sự” được xác quyết bởi tác giả được linh hứng sang “chân lý” hay “chân lý của Thánh Kinh,” mà ngài đã chỉ định như những giáo huấn về đức tin và luân lý.
Vài ngày sau can thiệp của ĐHY König, ĐHY Meyer của Chicago, người “được biết đến như một học giả TK có suy nghĩ sâu sắc và bình tĩnh khách quan đã tạo ra ấn tượng lớn với Công đồng,” bày tỏ sự bất bình về mối liên hệ giữa ơn linh hứng và tính vô ngộ như hiện có trong lược đồ. Đối với ĐHY Meyer, lược đồ “có vẻ coi ơn linh hứng như bị giới hạn trong ‘sự thiết lập các chân lý theo lý trí và hình thành một loạt các đề nghị, dẫn đến kết luận rằng toàn thể giá trị của ơn linh hứng hệ tại phẩm chất của tính vô ngộ.'”[15] Sự hiểu biết của ngài về tầm quan trọng của ơn linh hứng ngoài việc kể đến tính vô ngộ là điều đáng chú ý, cũng như những kết luận mà ngài đã rút ra từ các quan sát của ngài như được đồng nghiệp của ngài là Giám Mục Robert Tracy của Baton Rouge, Louisiana, kể lại:
Ngài nói, bất cứ lời nào, bao gồm cả các Lời Thiên Chúa, thực hiện ba chức năng: (1) Đại diện cho một điều gì đó – một thực tại, đối tượng hoặc tư tưởng; (2) Tỏ lộ người nói: cảm tình thân thiết, ham muốn của người ấy, vv .; (3) Nói với một người khác mà từ người ấy một phản ứng và đáp ứng được kỳ vọng. Bây giờ, nếu chúng ta xây dựng một định nghĩa về Lời Chúa, bao gồm cả ba ý tưởng đó là ý tưởng luôn luôn thấm nhập sự sống của Hội Thánh, định nghĩa này sẽ có những tác dụng sau: (1) Nó sẽ cho thấy rằng chân lý được mặc khải trong Thánh Kinh không hệ tại những đê nghị riêng biệt, nhưng trong sự mặc khải chính của trái tim Thiên Chúa; (2) Sự linh hứng sẽ được thấy không đơn thuần cách tiêu cực là “không sai lầm,” nhưng hữu ích cách tích cực; (3) Linh hứng và vô ngộ sẽ được hòa hợp dễ dàng hơn vì chúng ta sẽ chuẩn bị để chứng tỏ ơn linh hứng có thể hòa hợp thế nào với sự yếu đuối và những giới hạn của con người, như ĐHY Koenig đã vạch ra.[16]
Như vậy ĐHY Meyer bày tỏ ý kiến của ngài rằng không nên dùng thuật ngữ tiêu cực “vô ngộ” trong liên hệ với ơn linh hứng một cách làm lu mờ nó, và nên tìm từ ngữ tích cực mà qua đó một số ánh sáng có thể được chiếu rọi trên các mối liên hệ giữa nguồn gốc thuộc về Thiên Chúa của mặc khải và tính cách công cụ phù hợp với sự yếu đuối của con người. Điều đáng chú ý là ĐHY Meyer đã nhắc đến sự yếu đuối của con người và các giới hạn của các Thánh Ký, nhưng ngài không bao giờ khẳng định một cách rõ ràng rằng vì sự yếu đuối và các giới hạn như thế mà Thánh Kinh có những sai lầm. Nói cách khác, có thể cho rằng lập trường của ĐHY Meyer giới thiệu khả năng là các thí dụ về sai lỗi như ĐHY König trích dẫn có thể là thí dụ về những giới hạn của con người hơn là sai lầm của con người, vì những giới hạn hợp lý tự chúng không phải là sai lầm, và cũng không nhất thiết dẫn đến sai lầm.
Ngoài ra, ĐHY Grillmeier ghi nhận, “Để trình bày rõ ràng hơn nữa về tầm quan trọng cứu rỗi của TK được linh hứng… dẫn chứng 2 Tim 3:16-17 đã được thêm vào theo đề nghị của một Nghị Phụ Công Đồng.”[17] Nghị Phụ ở đây không được ĐHY Grillmeier nêu danh là ĐHY Meyer, người đã đề nghị thêm những điều sau đây vào lược đồ: “Non exprimemus consectarium inspirationis termino negativo inerrantiae, sed positive verbis apostoli Pauli: ‘Omnis scriptura divinitus inspirata utilis est ad docendum, ad arguendum, ad corripiendum, ad erudiendum in iustitia: ut perfectus sit homo Dei, ad omne opus bonum instructus'”[18]
ĐC John Whealon của Cleveland cũng liên hệ đến cuộc tranh luận về tính vô ngộ. Ngài một đàng xác định sự phức tạp của các vấn đề liên quan, nhưng phát biểu rằng các vấn đề như thế có thể được làm sáng tỏ và được hiểu rõ hơn nữa với dòng thời gian. Để đạt được mục đích này, ĐC Whealon đã kết luận rằng không cần phải thay đổi giáo lý theo truyền thống về tính vô ngộ của Thánh Kinh.[19]
Dựa trên những đề nghị được ĐHY König và các Nghị Phụ khác đưa ra, dự thảo kế tiếp giữ lại “Cum ergo Omne id…” để người ta không nhầm lẫn nghĩ rằng phạm vi của ơn linh hứng bị giới hạn. Nhưng nó nối tính từ salutarem với danh từ veritatem, có vẻ như chấp thuận quan điểm của ĐHY König về việc giới hạn tính vô ngộ trong vấn đề đức tin và luân lý, nghĩa là các chân lý cứu rỗi (veritatem salutarem). Về đề nghị này này, Rynne nhận xét,
Trong số 324 phiếu Iuxta modum về Chương III, khoảng 200 phiếu liên quan đến thành ngữ veritatem salutarem. 184 trong số phiếu này muốn loại bỏ từ salutarem; 76 muốn thay thế bằng từ khác vì ngôn ngữ hiện dùng có vẻ hạn chế tính vô ngộ của Thánh Kinh trong các vấn đề đức tin và luân lý. Các phiếu khác chấp thuận từ ngữ này, nhưng muốn nó được giải thích đầy đủ hơn trong một phụ chú, với tham chiếu Thánh Augustinô (De Gen. ad litt. 2, 9) và các văn kiện giáo hoàng.[20]
Rõ ràng là các Nghị Phụ của Công Đồng đã không đồng ý với cách thức mà trong đó ĐHY König đề nghị để có sự cân bằng giữa các giới hạn của Thánh Kinh và phần vô ngộ của nó. Các ngài rõ ràng muốn duy trì tính vô ngộ trọn vẹn của Thánh Kinh, nhưng một cách không theo thuyết Cơ Bản, là thuyết coi nghĩa đen (theo từng chữ) của đoạn văn như sự truyền thông chủ ý của tác giả được linh hứng.[21] Như ĐHY Grillmeier đã tuyên bố:
Khó khăn đầu tiên [trong việc sử dụng cụm từ “chân lý cứu rỗi”] không phải chờ lâu: nếu chỉ cụm từ salutaris veritas là điều duy nhất và độc quyền được dự định như đối tượng hữu thể của ơn vô ngộ, thì veritates profanae [các chân lý thế tục] chỉ đơn thuần bị đặt ra ngoài chân lý này. Có phải điều này không có nghĩa là Công Đồng đã tiến gần đến một giải thích về phạm vi của ơn linh hứng, là phạm vi đã bị loại bỏ trong thế kỷ 19, nghĩa là bị giới hạn trong những giáo lý về đức tin và luân lý sao? Chính theo cách này mà một giải pháp về vấn đề bất khả ngộ đã được cố gắng đề ra, là điều rất cấp bách vào thời điểm ấy. Việc bỏ phiếu ngày 22 tháng 9 năm 1965 cho thấy rằng, trong các modi [biện pháp] được đệ trình, các Nghị Phụ đã sợ cách giải thích sai lầm này về veritas salutaris. Do đó một số lớn các Nghị Phụ đã đề nghị. . . bỏ “salutaris” đi và bây giờ nói về “chân lý.”[22]
Như được mong đợi, các Ủy Ban Thần Học đã duyệt xét lại những modi này đã kết luận rằng, “chân lý cứu rỗi” (veritas salutaris) giới hạn tính vô ngộ trong những điều (res) về đức tin và luân lý (res fidei et morum) và do đó trái ngược với các văn kiện của Huấn Quyền”[23] ĐHY Grillmeier kể lại rằng một khi các ủy ban và các tiểu ban chịu trách nhiệm về các lược đồ nhận được sự phát biểu này từ Ủy Ban Thần Học, các ngài đã quyết định không chấp nhận đề nghị của Ủy Ban. Khi áp lực chồng chất, các ngài đã yêu cầu ĐGH Phaolô VI can thiệp, là điều ngài đã làm, và trong khi không áp đặt ý muốn của mình, ngài đã mạnh mẽ đề nghị rằng cụm từ veritas salutaris cần được xét lại bởi vì nó là một câu hỏi về học thuyết chưa được dạy cách thông thường trong khoa thần học Thánh Kinh, và bởi công thức này có vẻ không được thảo luận đầy đủ trong các phòng họp, và cuối cùng theo phán đoán của những người có thẩm quyền, vì công thức này không phải là không có rủi ro bị giải thích sai lầm. Có vẻ vội vã cho Công Đồng để tuyên bố về một vấn đề quá tế nhị. Các Nghị Phụ có lẽ không ở một vị trí để đánh giá tầm quan trọng của nó hoặc nó có thể bị giải thích sai lầm hay không.[24]
Điều đáng chú ý là Công Đồng cuối cùng không những chỉ nghe theo yêu cầu ĐGH Phaolô VI, nhưng còn bỏ phiếu để trích dẫn cả Providentissimus Deus và Divino afflante Spiritu trong chú thích số 5 của văn bản này, và như chúng ta đã thấy, cả hai thông điệp ấy rõ ràng và mạnh mẽ nhắc lại tính hoàn toàn vô ngộ của Thánh Kinh. Văn bản dứt khoát sau đó là:
Cum ergo omne id, quod auctores inspirati seu hagiographi asserunt, retineri debeat assertum a Spiritu Sancto, inde Scripturae libri veritatem, quam Deus nostrae salutis causa Litteris sacris consignari voluit, firmiter, fideliter et sine errore docere profitendi sunt.
Bản dịch của Cha Austin Flannery, được sử dụng như chính thức trong sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, đọc là:
Cho nên, vì mọi lời tác giả được linh hứng hoặc các thánh ký xác quyết phải được coi là xác quyết bởi Chúa Thánh Thần, chúng ta phải tuyên xưng rằng các sách của Thánh Kinh dạy cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm chân lý ấy mà Thiên Chúa, vì phần rỗi của chúng ta, đã muốn thấy được trao phó cho Thánh Kinh.[25]
Vậy việc Thánh Kinh được viết vì phần rỗi của chúng ta là dựa trên 2 Timôthê 3:16-17: “Tất cả Thánh Kinh được linh hứng bởi Thiên Chúa, và ích lợi cho việc giảng dạy, thuyết phục, răn bảo, huấn luyện trong sự công chính, để người thuộc về Thiên Chúa nên toàn thiện, và được trang bị đầy đủ mà làm mọi việc lành.” Việc giảng dạy, thuyết phục, răn bảo, huấn luyện là cách ngụ nghĩa, chỉ về việc hoàn chỉnh hóa của con người trong sự thánh thiện nhờ tác nhân của Chúa Thánh Thần, khi đạt đến cao điểm trong kế hoạch cứu rỗi nhân loại của Thiên Chúa.
Khi đọc công thức cuối cùng và được chuẩn y này của giáo huấn của Công Đồng về mối liên hệ giữa ơn linh hứng và ơn vô ngộ của Thánh Kinh, thì rõ ràng là cụm từ “vì phần rỗi của chúng ta” là một cách mô tả về hoạt động của Thiên Chúa, chứ không phải là một câu giới hạn phạm vi không sai lầm của Thánh Kinh. Nói cách khác, câu “vì phần rỗi của chúng ta”, là câu thay thế “chân lý cứu rỗi” như được trình bày trong dự thảo trước đó, không nói về “chân lý”, nhưng nói về mục đích của kế hoạch thần linh của Thiên Chúa. Như chúng ta đã thấy, sự kiện này lại phát sinh bởi các quy chiếu vào các giáo huấn trước đó của Huấn Quyền về tính hoàn toàn vô ngộ của Thánh Kinh trong chú thích của đoạn văn này, cũng như cách suy nghĩ của Công Đồng như được tỏ lộ trong cuộc bỏ phiếu ngày 22 tháng 7, 1965.
Tuy nhiên, có không ít thần học gia đã giải thích tình trạng này cách khác và cho rằng Vaticanô II đã thay đổi lập trường của Hội Thánh về vô ngộ, khi xác nhận cách sai lầm rằng chỉ có những vấn đề đức tin và luân lý có thể được coi là vô ngộ. Đại diện của lập trường này là một bài trong sách nổi tiếng New Jerome Biblical Commentary, đồng tác giả bởi cố linh mục Raymond Brown và Thomas Aquinas Collins:
Về tính vô ngộ Vaticanô II đã đưa ra những hạn chế quan trọng như được biểu thị bằng chữ nghiêng của chúng tôi: “Các sách Thánh Kinh phải được nhìn nhận là dạy cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm chân lý ấy mà Thiên Chúa, vì phần rỗi của chúng ta,” Một số người đã cố gắng giải thích cụm từ chữ nghiêng để bao gồm tất cả những gì tác giả nhân loại bày tỏ; nhưng các cuộc bàn luận trước khi bỏ phiếu cho thấy một sự ý thức về các sai lầm trong Thánh Kinh. Vì vậy, rất phù hợp khi hiểu câu này như ghi nhận. Giáo huần của Thánh Kinh là chân lý không sai lầm khi nó phù hợp với mục đích cứu độ của Thiên Chúa.”[26]
Để đáp lại, chúng tôi chỉ đơn thuần vạch ra rằng sự hiểu lầm về đoạn văn này của cha Brown và Collins vì sự lệ thuộc của họ vào các cuộc bàn luận trước bỏ phiếu, là điều đã bị cuộc bỏ phiếu thực sự ủng hộ tính hoàn toàn vô ngộ bác bỏ.
Ở những nơi khác, cha Brown viết,
Thật là một tuyên bố sai lầm rằng không có sự thay đổi về hướng Thánh Kinh trong Hội Thánh Công Giáo bởi vì Đức Giáo Hoàng Piô XII và Vaticanô II đã tôn kính các văn kiện được Đức Lêô XIII, Piô X và Bênêđictô XV ban hành và do đó rõ ràng có nghĩa là củng cố giáo huấn của các vị tiền nhiệm của các ngài. Điều thực sự đang xảy ra là một nỗ lực thanh nhã để giữ lại điều gì có thể cứu vãn được từ quá khứ và để di chuyển theo một hướng đi mới với càng ít va chạm càng tốt.”[27]
Khi đề cập đến ý kiến của cha Brown rằng giáo huấn của Vaticanô II có nhiều tính đổi mới mẻ hơn là tiếp tục với giáo huấn của huấn quyền trong quá khứ, cố học giả Công giáo và linh mục William Most đã lý luận:
Nhưng bằng chứng quyết định nhất về điều mà Công Đồng Vaticanô II thực sự có ý nói đến trong câu văn kể trên là điều này: Đức Gíao Hòang Piô XII trong Thông Điệp vĩ đại của ngài, Divino Afflante Spiritu (1943), đã trích dẫn lời của Vaticanô I khi nói rằng chính Thiên Chúa là tác giả chính của Thánh Kinh, và đã giải thích rằng các lời của Vaticanô I là “một định tín long trọng.” Đương nhiên là Vaticanô II sẽ không mâu thuẫn với một định tín long trọng! Đó sẽ là dị giáo. Bất kể Vaticanô II dạy ở mức độ nào tại thời điểm này, nó không thể dạy dị giáo.[28]
Không phải tất cả học giả đều chấp nhận lập luận của cha Most, vì một số trong họ không thấy có khó khăn gì với việc quyết định của huấn quyền tương lai về giáo lý mâu thuẫn với các định tín trước đó. Hơn nữa, như Raymond Brown đề nghị, một người không thể lập luận rằng dù các cá nhân có thẩm quyền được trích dẫn trong chú thích 5 của Dei Verbum 11 rõ ràng là nổi tiếng về dạy tính hoàn toàn vô ngộ của Thánh Kinh, chú thích này không dẫn chứng thẩm quyền cụ thể của các ngài trong việc bảo vệ tính vô ngộ của Thánh Kinh, mà trái lại chỉ đại diện cho một nhìn nhận chung về đóng góp của các ngài vào vấn đề này mà không có ý khẳng định giáo huấn của các ngài sao? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải quay về chính các đoạn văn được tham chiếu, và khi làm như thế, việc đoạn văn đó trực tiếp hoặc gián tiếp áp dụng vào vấn đề vô ngộ của Thánh Kinh sẽ trở nên rõ ràng hơn. Các đoạn văn mà chúng ta sẽ trở lại gồm có Providentissimus Deus 121, 124, 126-127 và Divino afflante Spiritu 539 (tất cả các số như được tìm thấy trong Enchiridion Biblicum (EB)).
Khi chúng ta nhìn vào các đoạn văn này như thực sự được tìm thấy trong Enchirdion Biblicum, thì thấy không phải ngẫu nhiên mà chúng là những đọan văn dạy rất rõ ràng về tính hoàn toàn vô ngộ (và linh hứng) của Thánh Kinh. Thí dụ, Providentissimus Deus (EB 126-127) bao gồm các lời này: “Như vậy những ai xác nhận rằng có thể có sai lầm trong bất kỳ đoạn văn nguyên thủy nào của Sách Thánh thì người ấy hoặc hiểu sai khái niệm về linh hứng của Công Giáo hoặc biến Thiên Chúa thành tác giả của sai lầm như thế.”[29] Ngoài ra, Divino afflante Spiritu (EB 539) khẳng định rằng, “hoàn toàn sai và không được phép ‘hoặc thu hẹp ơn linh hứng vào một số đoạn văn của Thánh Kinh, hoặc thừa nhận rằng các Thánh Ký đã sai lầm'”.[30] Hơn nữa, chú thích số 5 không những chỉ nại đến các thông điệp của ĐGH được nhắc đến ở trên, mà còn đến Th. Augustinô, Th. Thoma Aquinô, và CĐ Trentô, tất cả đều làm chứng cho sự hiểu biết kiên định về tính hoàn toàn vô ngộ của Thánh Kinh qua nhiều kỷ nguyên. Chủ ý của chú thích này rõ ràng và chắc chắn là để làm sáng tỏ rằng giáo huấn của CĐ đã nhận giáo huấn Công Giáo có trước và kiên định về tính vô ngộ của Thánh Kinh làm của riêng mình. Chúng ta thậm chí có thể đi một bước xa hơn nữa và cho rằng CĐ không thể làm gì khác hơn, vì có dư thừa bằng chứng để kết luận rằng giáo huấn của Hội Thánh về tính vô ngộ của Thánh Kinh là một biểu hiện của chức năng giáo huấn không thể sai lầm của huấn quyền thông thường, ngụ ý rằng chân lý này là một phần của kho tàng đức tin và do đó không thể sửa đổi được.
Với sự lượng giá của Đức Hồng Y Augustin Bea, người đã tham gia các cuộc thảo luận ở Công Đồng Vaticanô II, đã đủ để kết thúc suy nghĩ của chúng ta:
Thực ra, chúng tôi công bố tổng quát rằng không có giới hạn được đặt ra cho tính vô ngộ này, và điều ấy được áp dụng cho tất cả các tác giả được linh hứng, và do đó tất cả những gì Chúa Thánh Thần bằng phương tiện của Ngài, khẳng định… Bởi thế, nếu Công Đồng đã mong muốn để giới thiệu ở đây [vào DV 11] một quan niệm mới khác với quan niệm được trình bày trong các tài liệu gần đây của huán quyền tối cao, phản ánh niềm tin của các Giáo Phụ trước đây, thì đã công bố điều này cách rõ ràng và dứt khoát. Bây giờ chúng ta hỏi liệu có thể có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy một giải thích giới hạn về vô ngộ như vậy không. Câu trả lời dứt khoát là không. Không có dấu chỉ nào dù nhỏ nhất của dấu hiệu như vậy. Trái lại, mọi sự chỉ ngược lại với một giải thích giới hạn.[31]
Những Suy Tư Kết Thúc
Người ta rất thường nghe phản đối là, trong khi lĩnh vực đức tin và luân lý rõ ràng liên quan đến phần rỗi của chúng ta, còn một lãnh vực bên lề như lịch sử không thể có ảnh hưởng trên phần rỗi của chúng ta, và do đó những vấn đề lịch sử phải nằm bên ngoài phạm vi vô ngộ của Thánh Kinh. Tuy nhiên, thật là hữu ích để suy nghĩ về đoạn văn sau như được tìm thấy trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo:
“Theologia (Thần học)” chỉ mầu nhiệm sự sống nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi và oikonomia chỉ mọi công trình của Thiên Chúa, qua đó Ngài tự mạc khải và truyền thông sự sống của Ngài. Nhờ Oikonomia mà Theologia được mạc khải cho chúng ta, nhưng ngược lại, Theologia soi sáng toàn thể Oikonomia” (236).
Một người tỏ ra một chút ngây thơ khi nghĩ rằng có các lằn ranh phân chia rõ ràng trong Thánh Kinh chỉ rõ khi nào các trình bày về lịch sử kết thúc và về giáo lý bắt đầu. Chúng ta phải nhớ rằng các chân lý siêu nhiên của Kitô giáo mà chúng ta tuyên xưng dưới sự bảo vệ của đức tin là tự bản tính của chúng lý trí con người không thể đến gần được bằng khả năng riêng của mình, nhưng đã được Thiên Chúa tỏ ra cho chúng ta qua Mặc Khải Thần Linh, một mặc khải được vén mở từ từ và thật sự trong lịch sử. Vì vậy chúng ta phải trốn thoát nguy cơ hoàn toàn coi thường oikonomia để chú ý vào theologia vượt thời gian. Phát biểu rõ ràng về điểm này của Công Đồng Vaticanô II được thấy rõ trong Dei Verbum §2: “Kế hoạch mạc khải này được thực hiện bằng các việc làm và lời nói có liên hệ mật thiết với nhau, theo nghĩa là các việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ biểu lộ và củng cố cả giáo huấn lẫn các thực tại được diễn tả bởi các lời; còn các lời thì công bố các việc làm và làm sáng tỏ mầu nhiệm được chứa đựng trong đó.”
Những biến cố chủ chốt của đức tin Kitô giáo, như biến cố nhập thể của Chúa Giêsu và biến cố Phục Sinh của Người từ cõi chết, là những biến cố lịch sử. Như tất cả các biến cố của lịch sử của Thánh Kinh, chúng ta sẽ không thể biết đến chúng nếu chúng ta cho rằng lĩnh vực lịch sử không cần cho chúng ta để hiểu và tiến bước trên đường cứu rỗi với sự trợ giúp của ân sủng của Thiên Chúa. Thực ra, tất cả khẳng định về chân lý được tìm thấy trong Thánh Kinh, dù có bản chất luân lý, đức tin, hay lịch sử, đều được viết dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần nhằm mục đích cứu rỗi chúng ta và có quyền nhận là không sai lầm cách vô song chưa hề biết đến trong bất cứ tác phẩm tôn giáo hay thế tục nào khác của lịch sử nhân loại.
Một hiểu biết đúng về học thuyết vô ngộ của Thánh Kinh là điều sống còn, vì một quan điểm khiếm khuyết về học thuyết này làm giảm quyền năng của Lời Chúa được công bố. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta, “Tất cả Thánh Kinh được Thiên Chúa linh hứng, và ích lợi cho việc giảng dạy, thuyết phục, răn bảo, huấn luyện trong sự công chính, để cho người của Thiên Chúa có thể nên toàn thiện, được trang bị cho mọi việc lành” (2 Tim 3:16-17). Thật vậy, học thuyết vô ngộ của Thánh Kinh phát sinh một cách hợp lý từ chân lý siêu nhiên của ơn linh hứng của Thánh Kinh. Chính vì Thiên Chúa là tác giả của Thánh Kinh nên nhất thiết phải loại bỏ sai lầm, vì Thiên Chúa không có khả năng sai lầm, và mục đích theo Thiên Ý của Thánh Kinh là dẫn chúng ta trên đường cứu rỗi, cùng không lừa chúng ta vào con đường hoài nghi. Tuy nhiên, học thuyết về tính hoàn toàn trung thực của Thánh Kinh không thể được hiểu theo nghĩa ngây thơ; điều tối quan trọng là chủ ý của các Thánh Ký phải được phân biệt khi một người giải thích Thánh Kinh. Căn cứ vào nghĩa đen (hoặc lịch sử), nghĩa thiêng liêng ba chiều kích của Thánh Kinh tiếp tục tỏ lộ kế hoạch của Thiên Chúa và phải được kể đến trong việc giải thích Thánh Kinh.
Thánh Kinh có thẩm quyền đối với chúng ta vì nó là đáng tin cậy. Nó đáng tin cậy vì nó chứa đựng chân lý mà không có sai lầm. Nó chứa đựng chân lý mà không có sai lầm vì đã được Thiên Chúa linh hứng. Một khi chúng ta bắt đầu đặt câu hỏi về tính vô ngộ của Thánh Kinh và bắt đầu nghi ngờ tính đáng tin cậy của nó, chúng ta bịt miệng Chúa Thánh Thần cách hiệu lực và do đó làm cùn những lời hùng hồn của tác giả thư Do Thái, “Vì Lời Chúa sống động, linh nghiệm và sắc bén hơn gươm hai lưỡi, xuyên qua giữa linh hồn và thần trí; gân và tủy, và có thể phân biệt các suy tư và ý định của lòng người.” (Dt 4:12).
Tôi đã lý luận rằng giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II về tính vô ngộ của Thánh Kinh hoàn toàn liên tục với truyền thống. Tôi đã chứng minh lời công bố này bằng một điều nghiên về chủ ý của các Nghị Phụ của Công Đồng, được Chúa Thánh Thần đánh động, trong việc ban hành Dei verbum, cũng như thẩm quyền của chú thích của Dei Verbum 11 tiếp tục bày tỏ chủ ý này của các Nghị Phụ của Công Đồng như thế nào. Tôi cũng đã suy tư về sự thể là lịch sử là phương tiện mà qua đó các hướng dẫn liên quan đến đức tin và luân lý có thể được chúng ta biết đến qua sự mặc khải của Thiên Chúa, và do đó, ngay cả lĩnh vực lịch sử cũng được bao gồm trong phạm vi vô ngộ của Thánh Kinh. Cuối cùng, tôi đã cho thấy rằng các thần học gia chối từ tính hoàn toàn vô ngộ của Thánh Kinh không có căn cứ khi nại vào Công Đồng Vaticanô II để hỗ trợ cho xác quyết sai lầm của mình.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
————-
Bài này được đăng trong Faith & Reason, tr. 175-192, bởi Christendom Educational Corporation, Front Royal, VA, Summer 2006.
Online at: https://www.catholicculture.org/culture/ library/view.cfm?recnum=8441
[1] Letter 82, i, 3 in Philip Schaff (ed)., Letters of St. Augustine: The Nicene and Post-Nicene Fathers of the Christian Church, First Series, vol 1 (Grand Rapids, MI: WM. B. Eerdmans, 1994) 348.
[2] X. Providentissimus, 21
[3] Ibid., 20.
[4] Ibid.
[5] X. Providentissimus, 7.
[6] Spiritus Paraclitus, 69.
[7] X. Spiritus Paraclitus, 15-17.
[8] X Spiritus Paraclitus, 18.
[9] Ibid., 22.
[10] Divino Afflante Spiritu, 2.
[11] X. Divino Afflante Spiritu, 3-4.
[12] Nguyên văn can thiệp của ĐHY König có thể được tìm thấy trong Francisco Gil Hellin, Concilii Vaticani II Synopsis: Constitutio Dogmatica De Divina Revelatione Dei Verbum (Vatican City: Libreria Editrice Vaticana, 1993).
[13] Alois Grillmeier, “The Divine Inspiration and the Interpretation of Sacred Scripture,” trong Commentary on the Documents of Vatican II, vol. 3, ed. Herbert Vorgrimler (New York: Crossroad Publishing Company, 1989), 205-206. Nguồn chính được tham khảo để biết những gì xảy ra trong các cuộc tranh luận của Công Đồng về Dei verbum liên quan đến vấn đề linh hứng và vô ngộ là bài của Alois Grillmeier, “The Divine Inspiration and the Interpretation of Sacred Scripture,” trong Commentary on the Documents of Vatican II, vol. 3, ed. Herbert Vorgrimler (New York: Crossroad Publishing Company, 1989),199-246
[14] X. Hellin, 91, 594. Nhấn mạnh được thêm vào. “Do đó, vì mọi sự được tác giả linh hứng hoặc Thánh Ký xác quyết phải được coi là xác quyết bởi Chúa Thánh Thần” so với, “Do đó vì chân lý — nghĩa là, chân lý của Thánh Kinh — mà tác giả được linh Thánh Ký xác quyết phải được coi là xác quyết bởi Chúa Thánh Thần . . .”
[15] Xavier Rynne, Vatican Council II (New York: Farrar, Straus and Giroux, 1968), 311-312. Ibid., 311.
[16] Robert Tracy, American Bishop at the Vatican Council: Reflections and Projections (New York: McGraw Publishing Company, 1966), 166-167.
[17] Grillmeier, 210.
[18] Hellin, 597. “Chúng tôi không diễn tả kết quả của ơn linh hứng bằng từ ngữ tiêu cực vô ngộ, nhưng cách tích cực với lời của Tông Đồ Phaolô, ‘Tất cả Thánh Kinh được linh hứng bởi Thiên Chúa, và ích lợi cho việc giảng dạy, thuyết phục, răn bảo, huấn luyện trong sự công chính, để người thuộc về Thiên Chúa nên toàn thiện, và được trang bị đầy đủ mà làm mọi việc lành.'”
[19] “Sed nullomodo video necessitatem mutandi doctrinam traditionalem de inerrantia Sacrae Scripturae.” Ibid., 664.
[20] Rynne, 540.
[21] Mặc dù cả người Công giáo và người theo Phái Cơ Bản khẳng định tính trung thực tuyệt đối của Thánh Kinh, người Công giáo giải thích về tính trung thực của Thánh Kinh theo chủ ý của Thánh Ký như được thông truyền qua nghĩa văn tự, trong khi Phái Cơ Bản có khuynh hướng xem xét ý nghĩa của các cụm từ được tìm thấy trong Thánh Kinh mà không kể đến chủ ý của Thánh Ký. Vì vậy điều được coi như điểm chung lại dẫn đến các giải thích hoàn toàn khác nhau.
[22] Grillmeier, 210-211.
[23] Ibid., 212.
[24] Rynne, 540-541.
[25] CCC (Vatican City: Libreria Editrice Vaticana, 1997), par. 107
[26] Raymond Brown and Thomas Aquinas Collins, “Church Pronouncements” in Raymond Brown, ed., NJBC (New Jersey: Prentice Hall, 1990), 1169.
[27] Raymond Brown, The Critical Meaning of the Bible (New York: Paulist Press, 1981), 18 n. 41.
[28] William Most, Free From All Error: Authorship, Inerrancy, Historicity of Scripture, Church Teaching, and Modern Scripture Scholars (Libertyville: Prow Books / Franciscan Marytown Press, 1990), 38.
[29] “Consequitur, ut qui in locis authenticis Librorum sacrorum quidpiam falsi contineri posse existiment, ii profecto aut catholicam divinae inspirationis notionem pervertant, aut Deum ipsum erroris faciant auctorem,” EB 126-127.
[30] “Denique nefas omnino esse ‘aut inspirationem ad aliquas tantum Sacrae Scripturae partes coangustare, aut concedere sacrum ipsum errasse scriptorium’,” EB 539.
[31] Augustine Bea, The Word of God and Mankind (Chicago: Franciscan Herald Press, 1967), 189-190.