Bài 7 – Sự Liên Hệ giữa Cựu Ước và Tân Ước

Thiên Chúa chí ái, vì ân cần dự định và chuẩn bị việc cứu độ toàn thể nhân loại, nên do một kế hoạch đặc biệt, đã tuyển chọn cho mình một dân tộc để trao gửi các lời hứa. Thật vậy, sau khi đã ký kết giao ước với Abraham (x. St 15,18) và với dân Israel qua trung gian Môsê (x. Xh 24,8), Ngài đã dùng lời nói và hành động mà mạc khải chính mình là Thiên Chúa độc nhất, chân thật và hằng sống cho dân Ngài đã thủ đắc riêng, nhờ đó Israel nghiệm thấy đâu là những đường lối Thiên Chúa đối xử với loài người, và nhờ chính Ngài phán dạy qua miệng các ngôn sứ, họ ngày càng thấu hiểu các đường lối ấy cách sâu xa rõ ràng hơn, và đem phổ biến rộng rãi hơn nơi các dân tộc (x. Tv 21,28-29; 95,1-3; Is 2,1-4; Gr 3,17). Nhiệm cuôc cứu độ mà các thánh sử đã tiên báo, thuật lại và giải thích, còn tồn tại trong các sách Cựu Ước với tính cách là lời thật sự của Thiên Chúa. Vì vậy, các sách đã được Thiên Chúa linh hứng này vẫn giữ một giá trị trường cửu: “Quả thế, mọi lời xưa đã chép trong Thánh Kinh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy” (Rm 15,4). (DV 14)

Nhiệm cuộc Cựu Ước được bố trí với mục đích chính yếu là để chuẩn bị và loan báo theo cách ngôn sứ (x. Lc 24,44; Ga 5,39; 1 Pr 1,10) và để chỉ ra bằng những hình bóng khác nhau (1 Cr 10,11) ngày quang lâm của Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ muôn loài và của Vương Quốc của Đấng Mêsia. Tùy theo hoàn cảnh nhân loại trước thời Chúa Kitô thiết lập công cuộc cứu độ, các sách Cựu Ước bày tỏ cho mọi người biết Thiên Chúa và con người, cùng những cách thế mà Thiên Chúa công bình và nhân từ đối xử với loài người. Tuy có nhiều bất toàn và tạm bợ, các sách ấy chứng tỏ khoa sư phạm đích thật của Thiên Chúa1. Do đó, các ki-tô hữu phải thành kính đón nhận các sách này: chúng diễn tả một cảm thức sâu sắc về Thiên Chúa, tàng trữ những lời giáo huấn cao siêu về Ngài, một khoa khôn ngoan hữu ích về đời sống con người, và những kho tàng kinh nguyện tuyệt diệu; sau cùng trong đó ẩn chứa mầu nhiệm ơn cứu độ chúng ta (DV 15)

Vậy Thiên Chúa, Đấng linh hứng và tác giả các sách Cựu và Tân Ước, đã khôn ngoan xếp đặt cho Tân Ước được tiềm ẩn trong Cựu Ước và Cựu Ước được tỏ hiện trong Tân Ước. Thật vậy, tuy Chúa Kitô đã thiết lập Giao Ước mới trong máu Ngài (x. Lc 22,20; 1 Cr 11,25), nhưng các sách Cựu Ước, đã được thâu dụng trọn vẹn trong lời rao giảng Phúc Âm, thì đạt được và giãi bày đầy đủ ý nghĩa của mình trong Tân Ước (x. Mt 5,17; Lc 24,27; Rm 16,25-26; 2 Cr 3,14-16), và ngược lại, làm sáng tỏ và giải nghĩa Tân Ước (DV 16).

Sự Liên Hệ giữa Cựu Ước và Tân Ước

Sự bất khả phân ly giữa Cựu Ước và Tân Ước

Theo tài liệu “Dân Do Thái và Thánh Kinh của họ trong Thánh Kinh Kitô giáo”, năm 2001 của Uỷ Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh thì Cựu Ước và Tân Ước không thể tách rời nhau được:

Hội Thánh vẫn luôn luôn khẳng định rằng Cựu Ước và Tân Ước không thể tách rời nhau được. Mối quan hệ đầu tiên của hai giao ước này chính là điều ấy. Vào thời đầu thế kỷ thứ hai, khi Marcion muốn bãi bỏ Cựu Ước, ông đã gặp phải sự chống đối mãnh liệt từ Hội Thánh thời hậu Tông Đồ.

Chính trong ánh sáng của Cựu Ước mà Tân Ước mới hiểu được đời sống, cái chết và sự tôn vinh của Chúa Giêsu (x. 1 Cor 15:3-4). Tân Ước cần phải được đọc theo ánh sáng của Cựu Ước, nhưng nó cũng mời gọi một “sự đọc lại” của Cựu Ước theo ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô (Lc 24:44-46).

Cựu Ước là một di chuyển về phía Đức Kitô

Tài liệu cũng nhấn mạnh rằng:

Đối với Kitô hữu, công trình CƯ đang di chuyển về phía Đức Kitô; như thế nếu CƯ được đọc trong ánh sáng của Đức Kitô, người ta có thể, bằng cách nhìn lại, nhận thức được một điều gì đó của sự di chuyển này. Nhưng vì là một chuyển động, một tiến triển chậm chạp và khó khăn qua suốt dòng lịch sử, mỗi biến cố và mỗi văn bản nằm ở một điểm đặc biệt dọc theo con đường, ở một khoảng cách lớn hơn hoặc nhỏ hơn từ cùng đích.

Các Đặc Tính của Cựu Ước

Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo trong câu 122, kể ra những đặc tính dưới đây của các sách Cựu Ước:

Các sách Cựu Ước, “tuy có nhiều bất toàn và tạm bợ”, vẫn làm chứng về phương pháp giáo dục của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa: các sách ấy “diễn tả một cảm thức sâu sắc về Thiên Chúa, tàng trữ những lời giáo huấn cao siêu về Ngài, một khoa khôn ngoan hữu ích về đời sống con người, và những kho tàng kinh nguyện tuyệt diệu; sau cùng, trong đó ẩn chứa mầu nhiệm ơn cứu độ chúng ta” (GLCG 122).

Bảy “trụ cột” chính của Do Thái Giáo Cổ Đại:

  1. Tuyển chọn: Dân Israel được Thiên Chúa “chọn”; họ sẽ là “thánh” (= “tách ra”, khác với các dân tộc khác)
  2. Đất: “Đất Thánh” đã được Thiên Chúa “hứa” là của họ mãi mãi; một “đất chảy sữa và mật ong”
  3. Thuyết Độc Thần: Chỉ có một Thiên Chúa = GIAVÊ; xem kinh “Shema” (Đnl 6: 4) – [x. giai đoạn trước: thuyết Đơn Thần]
  4. Lề Luật: cốt lõi trong “Thập Giới” (10 Điều Răn); cũng là toàn bộ “Nghũ Kinh” (Năm Sách của Môsê) và toàn bộ Thánh Kinh
  5. Chế độ quân chủ: triều đại Đavid (“Nhà Đavid”, “Con cháu Đavid”) phải trị vì như vua trên Israel muôn đời.
  6. Đền Thờ: “Nhà của Thiên Chúa” phải ở Giêrusalem, để Thiên Chúa có thể ở giữa dân Ngài
  7. Đấng Mêsia: Khi các giao ước bị tan vỡ, Thiên Chúa sẽ nâng lên một nhà lãnh đạo “được xức dầu” để khôi phục đất nước lại cho Thiên Chúa, cùng phục hồi hòa bình và công lý cho thế giới mà không còn chiến tranh, bệnh tật, sự chết, vv )

Tiến trình thần học trong Do Thái Giáo Cổ Đại:

Thần Học Đệ Nhị Luật (nổi bật trong Ngũ Kinh, đặc biệt là sách Đệ Nhị Luật):

  • Thập Giới (Mười Điều Răn):
    • Xuất Hành 20 (nhưng xem tất cả các chương từ 19-24 và 32-34 cho ngữ cảnh)
    • Đệ Nhị Luật 5 (nhưng cũng xem ch/ 27-30 liên quan đến các phúc lành và chúc dữ)
  • Hậu quả của hành động của một người:
    • Hãy vâng lời Chúa, và anh em sẽ được chúc phúc/được thưởng (trong đời anh em dưới thế này)
    • Không vâng lời Chúa, và anh em sẽ bị chúc dữ/trừng phạt (trong đời anh em dưới thế này)
  • Ảnh hưởng đến Thế Hệ Tương Lai:
    • Các hình phạt ảnh hưởng con cháu đến ba hoặc bốn đời
    • Các phần thưởng ảnh hưởng con cháu đến ngàn đời (xem Xuất Hành 34: 6-7, Đệ Nhị Luật 5: 9-10).

Thần Học Tiên Tri (tìm thấy trong hầu hết các sách Ngôn Sứ Do Thái):

  • Sự Thịnh Vượng trong Hiện Tại:
    • Nếu mọi sự xuôi chảy, đừng coi đó là điều tất nhiên, bỏ bê Thiên Chúa hay lạm dụng người nghèo (Êsai 5: 1-13, Amos 8: 4-6).
    • Các ngôn sứ cảnh báo dân không được ra xấu xa hoặc tự mãn, nhưng thực thi công lý của Thiên Chúa (Amos 5:24, Micah 6: 1-8).
  • Những Khó Khăn trong Hiện Tại:
    • Nếu cuộc sống trở nên tồi tệ, chắc Thiên Chúa đang trừng phạt bạn vì tội và lỗi phạm của bạn (Ede 7: 1-4, Amos 2: 4-16).
    • Các ngôn sứ khuyên dân ăn năn, tin cậy vào Thiên Chúa, và tìm sự an ủi trong các đau khổ của họ (Hos 14: 1-4, Gioel 2: 12-27).
  • “Các Lời Tiên Tri” có điều kiện” về tương lai:
    • Nếu anh em ăn năn và quay trở lại với Chúa, hình phạt sẽ hết và đời sống anh em sẽ được cứu (Is 40: 1-11, Gr 3: 12-14).
    • Nếu anh em coi thường các cảnh cáo của Thiên Chúa và không chịu hối cải, các hình phạt của sẽ dẫn đến tai hoạ (Is 3:1-26, Mica 3:1-12).

Thần Học Khải Huyền (các sách Daniel và Khải Huyền):

  • Đảo ngược các Phần Thưởng và Hình Phạt:
    • thế giới hiện nay vẫn còn dưới sự thống trị của quyền lực ma quỷ và các đế quốc độc ác (Dan 7: 1-8, 15-25), nhưng …
    • thời tương lai sẽ dưới quyền cai trị của Thiên Chúa, Đấng Mêsia, và/hoặc dân thánh của Thiên Chúa (7: 9-14, 26-27).
  • Người Tốt:
    • có thể đau khổ lúc này, vì các thế lực vũ trụ gian tà; có vẻ bị trừng phạt ở đây dưới thế (Dan 9: 3-14), nhưng …
    • sẽ được thưởng vào ngày tận thế, khi Thiên Chúa đến để phán xét và chứng giám cho người công chính (12.13).
  • Người Xấu:
    • có thể thịnh vượng bây giờ, do quyền lực thế gian; có vẻ được thưởng dưới thế (Dan 5: 1-23, 8: 1-25a), nhưng …
    • sẽ bị trừng phạt vào ngày tận thế, khi Thiên Chúa đến để phán xét và và tiêu diệt mọi sự dữ (5: 24-30; 8: 25b-26).

 

Cựu Ước chuẩn bị cho Mầu Nhiệm Nhập Thể

Trích từ bài huấn từ của Thánh Gioan Phaolô – II cho Uỷ Ban Giáo Hoàng về Th. Kinh, 4/l 1997

Kể từ thế kỷ thứ hai SCN, Hội Thánh đã phải đối diện với sự cám dỗ tách rời Tân Ước hoàn toàn ra khỏi Cựu Ước, và cho rằng chúng đối kháng nhau, gán cho chúng hai nguồn gốc khác nhau…. Tuy nhiên, điều xảy ra thường xuyên nhất là sự thiếu hiểu biết về những mối liên hệ sâu xa gắn liền Tân Ước với Cựu Ước, một sự thiếu hiểu biết khiến cho một số người có ấn tượng rằng các Kitô hữu chẳng có điểm gì chung với người Do Thái cả.

Thực ra, không thể mô tả trọn vẹn mầu nhiệm Đức Kitô mà không nhắc đến CƯ. Căn tính nhân loại của Chúa Giêsu được xác định dựa trên sự liên hệ của Người với dân Israel, với triều đại Đavid và dòng dõi Abraham… Qua việc tham dự các cuộc cử hành ở hội đường, nơi người ta đọc và chú giải các bản văn CƯ, Chúa Giêsu cũng đến cách nhân loại để biết các bản văn này; Người nuôi dưỡng trí khôn và tâm hồn mình bằng chúng, dùng chúng trong kinh nguyện và như một nguồn cảm hứng cho các hoạt động của mình.

Như thế, việc tước đoạt khỏi Đức Kitô mối liên hệ của Người với Cựu Ước là tách Người ra khỏi gốc gác của Người và làm cho mầu nhiệm của Người không còn ý nghĩa nữa. Thật vậy, để cho có ý nghĩa, việc Nhập thể phải được bén rễ từ hàng thế kỷ chuẩn bị nếu không thì Đức Kitô giống như sao sa tình cờ rơi xuống thến gian và không có liên hệ gì với lịch sử nhân loại.

Giúp các Kitô hữu hiểu căn tính của họ

Căn tính Kitô hữu được định nghĩa trước hết bởi đức tin vào Đức Kitô, Con Thiên Chúa, nhưng đức tin này không thể tách rời khỏi mối liên hệ của nó với Cựu Ước, vì đức tin vào Đức Kitô, Đấng ‘đã chết vì tội lỗi chúng ta, theo lời Thánh Kinh’ và ‘đã sống lại … theo lời Thánh Kinh” (1Cor 15:34)”.

Người Kitô hữu phải biết rằng nhờ thuộc về Đức Kitô, họ đã trở thành “con cái của ông Abraham” (Gal 3:29) và đã được ghép vào cây ôliu đã được trồng (xem Rm 11: 17-24), có nghĩa là, được gia nhập vào trong số Dân Israel, để “chia sẻ sự sung mãn của cây ôliu” (Rm 11: 17).

Kết Luận

  • Mục đích chính yếu của kế hoạch của Cựu Ước là để chuẩn bị cho việc trị đến của Đức Kitô, Đấng Cứu Độ muôn loài và của Vương Quốc của Đấng Mêsia, cùng loan báo viêc trị đến này bằng lời ngôn sứ, và để chỉ ra bằng những hình bóng khác nhau (1 Cr 10:11).
  • Tuy chúng cũng chứa đựng nhiều điều chưa đầy đủ và tạm bợ, các sách ấy chứng tỏ khoa sư phạm đích thật của Thiên Chúa.
  • Chúng diễn tả một cảm thức sâu sắc về Thiên Chúa, tàng trữ những lời giáo huấn cao siêu về Ngài, một khoa khôn ngoan hữu ích về đời sống con người, và những kho tàng kinh nguyện tuyệt diệu; sau cùng trong đó ẩn chứa mầu nhiệm ơn cứu độ chúng ta.

Các Câu hỏi để Suy Nghĩ và Thảo Luận

  1. Tại sao sách GL gọi mặc khải trong Cựu Ước là bất toàn và tạm bợ?
  2. Phương pháp sư phạm của Thiên Chúa trong Cựu Ước là gì?
  3. Tại sao chúng ta phải đọc Tân Ước trong ánh sáng Cựu Ước?
  4. Hãy đưa ra một thí dụ của việc đọc lại CƯ dưới ánh sáng của TƯ.
  5. Theo Thánh Gioan Phaolô II thì tại sao chúng ta không thể chỉ dùng Tân Ước như Thánh Kinh của chúng ta?
  6. Tại sao lại “không thể mô tả trọn vẹn mầu nhiệm Đức Kitô mà không nhắc đến Cựu Ước”?
  7. Tại sao đức tin của chúng ta vào Đức Kitô, Con Thiên Chúa, không thể tách rời khỏi mối liên hệ của nó với Cựu Ước?

PowerPoint Handout 3 per page

PowerPoint Handout 2 per page

Bài Đọc Thêm Anh-Việt

Cựu Ước Cần Thiết để biết Chúa Giêsu

Cựu Ước và Niềm Hy Vọng về Đấng Mêsia