English Reading Assignment:
- Being Catholic Part One – Chapter 1
- Catechism of the Catholic Church nos. 74-95, 144-175, 185-197, 874-896
Người Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ đang sống trong một cuộc khủng hoảng đức tin. Nhìn bề ngoài thì các giáo xứ Việt Nam có vẻ có một đời sống đạo rất xầm uất và các cơ sở tôn giáo hoành tráng. Nhưng sự thực thì hơi phũ phàng. Những sinh hoạt đạo đức trong các giáo xứ Việt Nam là do ảnh hưởng của những người Công Giáo di dân đến Mỹ sau năm 1975. Họ đem theo với mình cách sống đạo ở Việt Nam, nơi mà các đa số người Công Giáo sống trong các làng hoặc giáo xứ Công Giáo hay những khu định cư hầu như toàn tòng. Ở đó, người ta giữ đạo theo thói quen, và đời sống luân lý bị dư luận quần chúng kiểm soát rất chặt chẽ. Chính vì thề những người trẻ không mấy chịu ảnh hưởng bởi nếp sống hiện sinh ở ngoài giáo xứ. Ngày nay, chúng ta sống ở Hoa Kỳ và sống chung với những người thuộc nhiều niềm tin khác nhau, kể cả vô thần, Phật Giáo và Tin Lành. Chính vì thế mà muốn giữ đạo chúng ta phải hiểu lý do tại sao chúng ta tin những gì Hội Thánh dạy và có thể trình bày niềm tin ấy một cách mạch lạc cho những người khác, đặc biệt là con cháu chúng ta.
Sự liên hệ giữa Thần Học, Triết Học, Thánh Kinh, Thánh Truyền, và Giáo Lý
Thần học, triết học, Thánh Kinh, Thánh Truyền, và giáo lý là năm phần khác nhau nhưng rất quan trọng cho việc hiểu biết về đức tin. Thường thì một người muốn học thần học thì phải biết giáo lý, Thánh Kinh và triết học. Học giáo lý để biết mình phải tin gì và sống ra sao. Học Thánh Kinh để biết Chúa muốn nói gì với mình. Mà muốn hiểu Thánh Kinh thì phải biết những gì các Tông Đồ đã truyền lại và được Hội Thánh hiểu và áp dụng ra sao trong đời sống mục vụ, phụng vụ và bí tích của Hội Thánh qua suốt 20 thế kỷ qua; đó là Thánh Truyền. Trong suốt những kỷ nguyên ấy đã có hàng hàng lớp lớp các thần học gia, từ các Giáo Phụ, các Tiến Sĩ Hội Thánh, cho đến các thần học gia thời Trung Cổ và hiện đại đã không ngừng tìm nhiều cách để chứng minh các niềm tin ấy bằng những phương pháp suy luận theo triết học. Như thế thần học, triết học, Thánh Kinh, Thánh Truyền và giáo lý liên hệ rất mật thiết với nhau. Đức Thánh Cha Bênêđictô đã không ngừng nhắc các thần học gia rằng Lời Chúa phải là linh hồn của thần học, vì như Thánh Gioan Phaolô II đã cảnh báo về “nguy cơ của một sự ‘thiếu cân bằng’ trong việc chuyển từ thần học sang giáo lý” bởỉ vì “mỗi xáo động trong khoa thần học đều vang dội trong khoa giáo lý” (CT 61)
Ý thức được ảnh hưởng của các nghiên cứu và các lời tuyên bố của mình trên việc dạy Giáo Lý, các thần học gia và các nhà chú giải Thánh Kinh phải rất thận trọng để dân chúng không cho là điều chắc chắn những gì thật ra thuộc về phạm vi các vấn đề đang được bàn cãi hay thảo luận giữa các nhà chuyên môn. Phần các Giáo Lý viên, phải khôn ngoan chọn lấy từ lãnh vực nghiên cứu thần học những điểm có thể soi sáng những suy tư riêng của mình và việc giảng dạy của mình, được múc từ nguồn mạch chính, dưới ánh sáng của Huấn Quyền, cũng giống như trường hợp các nhà thần học. Họ phải từ chối làm tâm trí của các trẻ em và người trẻ bị bối rối ở giai đoạn này của việc học Giáo Lý, bằng những lý thuyết kỳ dị, những vấn đề vô ích, và những thảo luận vô bổ, là những điều mà Thánh Phaolô lên án trong các thư mục vụ của ngài. (CT 61)
Định nghĩa Thần Học?
Thần học có thể được định nghĩa như một khoa học mà trong đó lý trí giúp các tín hữu, là những người được đức tin vào Thiên Chúa hướng dẫn, cố gắng hiểu rõ hơn những mầu nhiệm mà Thiên Chúa đã mặc khải và ảnh hưởng của những mầu nhiệm này đến cuộc sống con người.
Theo Thánh Anselmô, một thần học gia thời Trung cổ, thì Thần học là đức tin đi tìm sự hiểu biết. Một thần học gia được đánh động không chỉ thuần tuý bởi óc tò mò nhưng bởi tình yêu và lòng tôn kính mầu nhiệm. Như thế động lực thúc đẩy chúng ta nghiên cứu thần học chính là đức tin. Khác với tôn giáo học, là những nghiên cứu từ một quan điểm trung lập. Thần học dựa vào đức tin và xảy ra trong một cộng đồng đức tin. Thần học là cách diễn tả đức tin của chính thần học gia và của cộng đồng mà thần học gia ấy là phần tử.
Theo Thánh Anselmô thì khi đã vững vàng trong đức tin, một người cũng cần phải học thấn học để hiểu những gì mình tin:
Cũng như trật tự hợp lý của sự vật đòi hỏi rằng chúng ta trước hết tin vào các mầu nhiệm đức tin Kitô giáo trước khi dám nghiên cứu các mầu nhiệm ấy theo lý trí, thì đối với tôi có lẽ cũng vậy, một khi đã vững chắc trong đức tin, chúng ta sẽ bị coi tắc trách nếu không cố gắng hiểu điều chúng ta tin (Cur Deus Homo) .
Trong khi thần học là những cuộc tìm kiếm của trí óc của những con người hữu hạn, thì Thiên Chúa và mầu nhiệm của Ngài lại vô hạn, nên con người sẽ phải không ngừng tìm kiếm để đào sâu sự hiểu biết về các mấu nhiệm được mặc khải càng nhiều càng tốt. Ngoài ra sự hiểu biết của con người cũng chỉ giới hạn trong hoàn cảnh xã hội của thời đại họ, cho nên môn thần học luôn luôn có tính tạm thời và không ngừng được phát triển, mặc dầu các chân lý mà thần học nghiên cứu không bao giờ thay đổi. Chínhvì thế mà Thánh Anselmô khuyên:
“Người tín hữu không nên bàn cãi về đức tin, nhưng – trong khi lưôn vững tin, yêu mến nó, và sống theo nó – người ấy có thể khiêm nhường và càng rộng càng tốt, tìm những lý do tại sao đức tin lại như thế. Nếu họ có thể hiểu, họ sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa; nếu thất bại, họ sẽ vâng phục và tôn kính nó’’ (PL 158, 263, C) .[1]
Sự liên hệ giữa đức tin và lý trí
Có thể nói rằng thần học là điểm gặp gỡ giữa đức tin và lý trí, nơi mà mỗi bên phải được biện minh bởi phán quyết của bên kia. Mỗi bên có các nguyên tắc và tiêu chuẩn riêng mà bê kia phải tôn trọng.
Tác giả Neil Ormerod cho rằng đức tin củng cố, sáp nhập và soi sáng gia sản chân lý được thủ đắc bởi lý trí của con người. Sự tin tưởng mà Thánh Tôma dành cho hai dụng cụ hiểu biết là đức tin và lý trí, có thể tìm được ở xác tín là cả hai xuất phát từ cùng một nguồn mạch chân lý tuyệt đối, Ngôi Lời của Thiên Chúa hoạt động trong công trình tạo dựng cũng như trong công trình cứu chuộc. Lý trí thừa nhận một chân lý bằng cách dựa vào sự hiển nhiên nội tại của nó, trái lại, đức tin chấp nhận một chân lý trên quyền bính của Lời Chúa được mạc khải. Sự phân biệt này đảm bảo quyền tự trị của các khoa học nhân văn cũng như các khoa học thần học. Tuy nhiên, nó không tương tự như một sự tách rời, mà ám chỉ một sự hợp tác có lợi giữa hai bên.
Thực ra, đức tin bảo vệ lý trí khỏi mọi cám dỗ nghi ngờ về khả năng của mình, khuyến khích nó mở ra cho những chân trời rộng lớn hơn, bảo tồn việc tìm kiếm các nền tảng và, khi chính lý trí được áp dụng vào phạm vi siêu nhiên, đức tin phong phú hoá việc làm của lý trí. Mặt khác, lý trí và những phương tiện của nó có thể làm một việc quan trọng cho đức tin, là phục vụ cho nó dưới ba mặt, mà thánh Tôma tóm tắt như sau: chứng minh những chân lý làm nền tảng của đức tin, giải thích cách rõ ràng các chân lý đức tin bằng những so sánh vững chắc, đẩy lui những kẻ nói chống lại đức tin, bằng cách chứng tỏ rằng các phát biểu của họ là sai lạc, hoặc cho thấy rằng chúng chưa chắc đã đúng”[2]
Như thế, đức tin là điều tuyệt đối cần thiết cho thần học. Sở dĩ như thế không phải chỉ vì Đức tin là nguyên liệu thô (thần học có đức tin là một khởi điểm) nhưng vì thần học tốt được thực hiện từ bên trong Đức tin. Do đó thần học là một điều gì đó nhiều hơn một suy tư đơn giản hợp lý về các dữ kiên của Mặc Khải. Đây là lý do tại sao Thánh Augustinô khẳng định: hiểu để tin, tin để hiểu.
Định nghĩa Đức Tin
Vào thời của Thánh Anselmô (1110) và Thánh Tôma Aquinô (1220) , khi nói đến đức tin thì ai cũng biết đó là đức tin Công Giáo. Sau thời Cải Cách Tin Lành, người ta bắt đầu đưa ra những định nghĩa và tiếu chuẩn đức tin khác nhau dựa trên suy luận của những người thiết lập các giáo phái Tin Lảnh
Ở đây chúng ta chú tâm đến đức tin Công Giáo, được Thánh Tôma định nghĩa như sau:
“Đức tin ám chỉ sự ưng thuận của trí khôn với điều được tin. Giờ đây, trí khôn ưng thuận một điều bằng hai cách. Trước hết, vì được đánh động để ưng thuận bởi chính khách thể, là điều có thể được biết vì chính nó (như trường hợp những nguyên lý thứ nhất, là những gì được tin bởi thói quen hiều) hay qua một điều gì đã biết rồi (như trong trường hợp các kết luận là điều được tin bởi thói quyen biết) . Thứ đến, trí khôn ưng thuận một điều gì, không phải bởi nó được chính khách thể đưa cách đầy đủ đến sự ưng thuận này, nhưng bởi một hành động lựa chọn, như thế trở thành tự ý theo bên này thay vì bên kia, và nếu nó được đi kèm bởi nghi ngờ hoặc sợ bên kia, thì đó sẽ chỉ là ý kiến, trong khi, nếu có sự chắc chắn và không sợ bên kia, thì sẽ là đức tin” (S.T., II-II, Q. 1, A. 4) .
Với người Công Giáo, đức tin này không những là đức tin của cá nhân mà còn đặc biệt là đức tin của Hội Thánh. Nó có ba đặc điểm:
- Đức tin là một nhân đức đối thần – Đức tin là “hành động của trí khôn chấp nhận một chân 1ý của Thiên Chúa vì sự chuyển động của ý chí, là điều được tác đông bởi ân sủng của Thiên Chúa” (Th. Tôma, S.T. II-II, Q. iv, a. 2) . Đức tin này không hệ tại việc học về Thiên Chúa của người ấy, cũng không thể có được nhờ nỗ lực của con người. Đức tin này là một hồng ân Chúa ban cho một người qua Hội Thánh khi người ấy chịu Phép Rửa Tội. Vì thế mà nó là một nhân đức đối thần. Chính vì đức tin là nhân đức đối thần, nên thần học Công Giáo không thể độc lập với mặc khải của Thiên Chúa.
- Đức tin không mù quáng – Chúng ta tin vì “uy quyền của chính Thiên Chúa, Đấng mặc khải, Đấng không thể sai lầm cũng như không thể lừa dối chúng ta. Tuy nhiên, để việc quy phục đức tin của chúng ta phù hợp với lý trí, Thiên Chúa đã muốn có những bằng chứng bề ngoài về mặc khải của Ngài kèm theo sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần, chẳng hạn như các phép lạ…, như những dấu chỉ phù hợp với lý trí của hết môi người. Một trong những nhiệm vụ của thần học là chứng minh sự hợp lý của đức tin không những chỉ bằng các phép lạ mà cả bằng những lý lẽ tự nhiên (x. GLHTCG 156) .
- Công chính hoá không chỉ nhở đức tin – Đối vớingười Công Gíao, chúng ta được công chính hoá nhờ sự ưng thuận của đức tin đối với Lời Thiên Chúa, nhưng trong sự cộng tác của đức ái nhờ sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần (x. GLHTCG 1993)
Như thế thần học Công Giáo phải theo những tiêu chuẩn mà Hội Thánh đề ra để phù hợp với đức tin Công Giáo. Đó là lý do tại sao Thánh Gioan Phaolô II đã ban hành Tông hiến “Ex Corde Ecclesiae” trong đó đưa ra những tiêu chuẩn tổng quát cho các đại học Công Giáo trên hoàn vũ. Tông hiến nói rằng thần học gia là “một vị thầy trong sự hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh Công Giáo” và “các giáo sư phải quyết tâm và có trách nhiệm dạy học thuyết Công Giáo chân chính và tránh trình bày như giáo huấn Công Giáo bất cứ điều gì trái ngược với Huấn Quyền Hội Thánh”.
Thần Học và Giáo Lý
Nhiều người lẫn lộn thần học với giáo lý. Nhưng thật ra thì đây là hai bộ môn khác nhau, nhưng bổ túc cho nhau. Giáo lý phải là nền tảng của thần học và thần học làm sáng tỏ giáo lý
Trước khi có Sách Giáo Lý (mới) của Hội Thánh Công Giáo thì giáo lý có thể được coi như “sách tóm tắt các giáo huấn Công Giáo thành những câu hỏi và trả lời ngắn gọn để dạy cho giáo dân”. Sách Giáo Lý Mời này là “một bản tóm lược toàn bộ đạo lý Công Giáo cả về đức tin lẫn luân lý, để làm điểm quy chiếu cho các sách giáo lý hay bản toát yếu được biên soạn ở các vùng khác nhau…”.[3]
Còn thần học là “khoa học mà trong đó lý trí giúp các tín hữu, là những người được đức tin vào Thiên Chúa hướng dẫn, cố gắng hiểu rõ hơn những mầu nhiệm mà Thiên Chúa đã mặc khải và những ảnh hưởng của những mầu nhiệm này đến cuộc sống con người,” là những điều được trình bày trong Sách Giáo Lý.
Một thí dụ điển hình là giáo huấn của Hội Thánh về phá thai. Giáo lý của Hội Thánh luôn luôn dạy rằng sự sống bắt đầu từ lúc thụ thai và huỷ hoại sự sống ấy (phá thai) là một tội trọng. Nhưng khi nào là lúc thụ thai là đề tài được các thần học gia tranh luận.
Thánh Tôma Aquinô dựa vào khoa học của Aristole đề nghị rằng bào thai không phải là một người cho đến khi nó nhận được linh hồn (khoảng ba tuần) . Theo Thánh Tôma, thì trong ba tuần đầu, bào thai chưa có hình dạng con người, và đặc biệt là chưa biết nhúc nhích, nên chưa có linh hồn. Khi có linh hồn thì bào thai được sinh động hoá và biết cử động.
Đến thế kỷ 19 thì thuyết này bị Hội Thánh loại bỏ và dạy rằng việc thụ thai xảy ra khi người phụ nữ bắt đầu có thai. Điều này đã được khoa học chứng minh bằng những nghiên cứu về DNA. Theo khoa học hiện đại thì ngay khi tinh trùng của người cha xâm nhập vào trừng của người mẹ thì tế bào phôi thai đầu tiên đã có một DNA đặc thù khác hẳn DNA của cả người cha lẫn người mẹ. Cho nên dù chưa thành hình đứa bé, nhưng tế bào này đã là một sự sống mới cần được bảo vệ ngay.
Như thế sách giáo lý trình bày cho chúng ta những giáo huấn chính thức của Hội Thánh về những điều chúng ta phải tin và thực hành, còn thần học tín lý cắt nghĩa cho chúng ta lý do tại sao chúng ta tin hoặc làm những điều ấy.
Thần Học Giáo Dân
Thường thì
muốn hiểu thần học, một người phải biết cả giáo lý lẫn triết học.
Đó là lý do tại sao các chủng viện đòi buộc các chủng sinh phải
học giáo ly và triết học trước khi học thần học. Chính vì thế mà những lớp thần học
gíao dân chỉ trình bày cách đơn giản những quan điểm thần học và bổ
túc thêm cho học viên những điều cần thiết về giáo lý và triết học.
[1] Dịch từ Introduction To Theology của José Morales và José Manuel Fidalgo, trên: http://www.oclarim.com.mo/en/2016/10/28/topic-1-what-is-theology-3-introduction-to-theology/ đọc ngày 2 tháng 1, 2019.
[2] Neil Ormerod, Introducing Contemporary Theologies, Orbis Books, Maryknoll, New York 1997)
[3] ĐGH Gioan Phaolô II, Diễn văn bế mạc Thượng Hội đồng Giám mục (Khóa bất thường) , ngày 7/12/1985, n.6: AAS 78 (1986) , 435, được trích dẫn trong Tông Thư Fidei Depositum, trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo