Viết dựa theo sách Being Catholic của ĐTGM Daniel E. Pilarczyk
thích nghi cho người Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
“Chúng tôi tin”
Tin có nghĩa là gỉ?
Một đàng, tin là chấp nhận một điều gì đó là có thật, dù chúng ta có tự mình chứng minh được điều ấy hay không. Hầu hết các dữ kiện chúng ta sử dụng đều bao gồm loại niềm tin này. Nếu chúng ta chỉ dựa vào những gì chúng ta có thể tự mình chứng minh được hay kinh nghiệm, thì chúng ta có rất ít dữ kiện để dựa vào.
Là người Công Giáo, chúng ta có một số điều để tin vào Thiên Chúa và tôn giáo. Chúng ta tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là người ta, có Bảy Phép Bí Tích, Đức Giáo Hoàng là đầu Hội Thánh. Chúng ta chấp nhận những điều này là thật dù chúng ta không chứng minh được theo khoa học, ngay cả khi chúng ta không biết chắc chắn vể ý nghĩa hoàn toàn của chúng.
Nhưng tin còn là điều sâu xa hơn việc chỉ chấp nhận một điều là có thật. Tin cũng có nghĩa là trở nên một tín hữu, nghĩa là một người có đức tin. Người có đức tin là người hiến thân cho một Đấng và trở nên phần tử của câu chuyện của Đấng ấy. Niềm tin tôn giáo không những chỉ liên quan đến một số chân lý nhưng còn liên quan đến một con người. Người Công Giáo tin, chia sẻ đức tin Công Giáo, nghĩa là tự nguyện trở nên thành phần của chuyện tình về Thiên Chúa với nhân loại, trở nên một phần của câu chuyện về đời sống và thân phận của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Đức tin của chúng ta cung cấp một khung cảnh diễn tả các chiều kích sâu sắc nhất của cuộc đời chúng ta. Nếu chúng ta không chấp nhận phần của mình trong câu chuyện của Thiên Chúa, thì cuộc đời chúng ta sẽ bị mất trọng tâm và biến thành vô nghĩa.
Câu chuyện mà chúng ta hiến đời mình cho trong đức tin là một câu chuyện độc nhất vô nhị. Nó dựa vào các sự việc và các chân lý mà khi hợp lại làm thành một tổng thể kéo dài từ lúc tạo thiên lập địa cho đến ngày tận thế, cho đến muôn đời. Đó là một chuyện tình về tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta và về cách Thiên Chúa mời gọi chúng ta đáp trả. Nó là một câu chuyện mà trong đó mỗi người trong chúng ta đóng một vai quan trọng, một vai mà không ai có thể thay thế được. Nó là một câu chuyện về thành công và thất bại, về lòng đại lượng và tội lỗi, về sự rõ ràng và mờ mịt. Nó là một câu chuyện về đức ái và đức công chính. Đó là một câu chuyện đầy ý nghĩa cho mỗi cá nhân và cho tất cả mọi người chúng ta.
Là một tín hữu, có đức tin nghĩa là tin vào Lời Thiên Chúa, chấp nhận tình yêu và sự quan tâm mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, và sống sự chấp nhận ấy trong mọi khía cạnh của cuộc đời mình; không những bằng trí khôn, mà điều quan trọng là bằng con tim và đời sống của mình, qua công ăn việc làm và tình bằng hữu của mình, trong những lúc đắm mình trong suy niệm và trong những giây phút nhàm chán của hầu hết cuộc đời chúng ta.
Cả việc chấp nhận các chân lý lẫn hiến mình cho câu chuyện đều quan trọng như nhau. Một thành viên của Hội Thánh phải chấp nhận những gì Hội Thánh tin và dạy. Tín hữu là một người có thể đọc lại cách trung thực và chân thành bài tóm lược các chân lý mà cộng đoàn cầu nguyện trong Phụng Vụ ngày Chúa Nhật, mà chúng ta gọi là Kinh Tin Kính: “Tôi/Chúng tôi tin”.
Nhưng là một thành phần của Hội Thánh còn hơn việc chỉ chấp nhận một danh sách các chân lý ấy. Là một thành phần của Hội Thánh có nghĩa là hiến thân cho Thiên Chúa là Đấng đứng đằng sau Kinh Tin Kính. “Chấp nhận như chân lý” mà không quyết tâm dấn thân với điều các chân lý nói đến là biến đức tin thành tin tức mà thôi.
Có nhiều người chỉ học để biết phải tin gì để có thể được rửa tội ngõ hầu đạt được những mục đích riêng của mình. Những người này sẵn sàng để tin, nhưng không phải để trở thành tín hữu. Trái lại, quyết tâm dấn thân vào một đức tin mà không có những giáo huấn rõ ràng và đặc thù là một thực hành theo cảm tính. Cả hai bình diện của đức tin đều quan trọng. Việc chấp nhận các chân lý của Kinh Tin Kính tạo thành xương và bắp thịt của đức tin, nhưng quyết tâm dấn thân cho điều mà các chân lý có ý nói đến là con tim và linh hồn của đức tin.
Hiến mình cho Thiên Chúa với ý định đóng vai trò của mình trong chuyện tình giữa Thiên Chúa với mình và cuộc đời mình không phải là điều dễ dàng. Cách chung thì thế giới chung quanh chúng ta không đón nhận niềm tin tôn giáo và cũng chẳng coi nó là quan trọng. Có các cử chỉ tôn giáo được bày tỏ trong Lễ Giáng Sinh và Phục Sinh, nhưng hầu hết nền văn hoá của chúng ta cho chúng ta biết rằng tẩm quan trọng chính là kiến thức và kỹ thuật chuyên môn, thành công và của cải, danh vọng, lo cho mình, tránh đau đớn và cung cấp cho mình sự thoải mái và lạc thú tối đa. Đương nhiên là không phải tất cả những điều ấy đều xấu, nhưng trong chuyện tình của Thiên Chúa, tất cả những điều ấy đều thứ yếu. Chúng không phải là những tình tiết chính. Nhưng xã hội của chúng ta, nền văn hoá của chúng ta, cho chúng ta biết rằng chính đức tin mới là thứ yếu, rằng niềm tin tôn giáo là một điều đẹp cho những ai thấy nó có ích, nhưng thế giới thật nằm ở chỗ khác.
Niềm tin Công Giáo rất khó, bởi vì có quá nhiều tiếng nói trên sân khấu nơi mà câu chuyện của Thiên Chúa được diễn ra tiếp tục nói rằng, trên căn bản, thì thì niềm tin này không thích hợp.
Chẳng bao lâu trước đây, một toà nhà hai chục tầng được xây cạnh một khu nhà thờ. Giờ đây ngôi thánh đường bị cao ốc văn phòng che khuất. Hai toà nhà này tượng trưng cho đức tin và thế gian. Toà nhà mà trước đây là ngôi thánh đường nổi bật giờ đây dường như không còn quan trọng nữa, như thể thế gian đang cố gắng cắt ngắn đức tin vào Thiên Chúa của chúng ta.
Còn các yếu tố khác góp phần trong việc làm cho đức tin trở nên khó khăn, các yếu tố nội tại. Đôi khi cuộc đời chúng ta có vẻ quá nặng nề, quá mơ hồ, quá vô nghĩa, quá tội lỗi đến nỗi chúng ta tự hỏi mình là làm sao Thiên Chúa có thể thực sự yêu thương mình. Đôi khi chúng ta thắc mắc là các chân lý chống đỡ quyết tâm dấn thân của mình với Thiên Chúa có thực không. Có phải Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ không? Chúa Giêsu có phải là Thiên Chúa không? Hội Thánh có thực sự là thành phần của câu chuyện về Thiên Chúa không? Có phải có một hạnh phúc đời đời đang chờ đợi chúng ta không?
Thường thì các thắc mắc và những bối rối như thế cung cấp cho chúng ta một dịp để lớn lên trong đời sống đức tin. Cuối cùng, đức tin không hệ tại việc âm thầm chấp nhận một mớ những lời công bố hiển nhiên vẫn luôn luôn sáng sủa và rõ ràng. Đức tin tôn giáo không phải là một định đề hình học hay một dữ kiện lịch sử lạnh lùng. Đức tin tôn giáo là một mối liên hệ cá nhân, một mối tình giữa chúng ta và Thiên Chúa, một mối tình giữa chúng ta và những người được Thiên Chúa yêu thương. Mỗi mối liên hệ cá nhân ám chỉ sự tăng trưởng. Chúng ta thay đổi khi cuộc sống chúng ta tiến triển. Có những điều lúc này xem ra quan trọng thì lại không mấy quan trọng lúc khác. Có những điều lúc này rõ ràng thì lại bị mây mù che khuất khi hoàn cảnh thay đổi.
Khi mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa được đào sâu và phát triển, chúng ta phải đương đầu với những thách đố từ bên trong, thách đố chính tính ích kỷ và sự nông cạn của chúng ta. Ngay khi chúng ta nghĩ rằng mình tìm thấy phần của mình trong câu chuyện, thì chúng ta lại thấy những khía cạnh có vẻ không thích hợp. Cần phải có những tiếp cận và những nhấn mạnh mới. Điều này có thể tai hại nếu nó đưa chúng ta đến chỗ đánh mất phần của mình trong chuyện tình của Thiên Chúa. Nhưng lớn lên và trưởng thành là kết quả của cuộc đấu tranh nếu chúng ta giữ chặt mối liên hệ với Chúa và vượt qua các cơn giông tố trong khi đồng hành với Chúa Giêsu và Hội Thánh của Người. Cuộc vật lộn để hiểu và chấp nhận là một phần của đời sống đức tin, một phần của niềm tin Công Giáo.
Sách này không cung cấp toàn thể niềm tin Công Giáo hoặc một danh sách đơn giản các chân lý mà Hội Thánh muốn chúng ta chấp nhận nếu muốn là người Công Giáo. Nhưng mục đích là tóm lược một câu chuyện mà tất cả chúng ta được mời gọi tham gia vào, một câu chuyện về việc tạo dựng, tội lỗi, về Chúa Giêsu và Hội Thánh, về ân sủng và vinh quang, về Thiên Chúa và về chúng ta. Câu chuyện bao gồm những chân lý, nhưng không phải chỉ vì chân lý, mà những chân lý như nền tảng cho đức tin, cho việc chúng ta dự phần vào câu chuyện của Thiên Chúa. Để chúng ta quan tâm đến vai trò của mình trong chuyện tình mà Thiên Chúa đã viết cho cuộc đời chúng ta và cho thế giới của chúng ta. Đó là quyết tâm dấn thân của chúng ta khi hoàn toàn hiến mình cho niềm tin Công Giáo lúc chúng ta tuyên xưng: “Chúng tôi tin”.
Các Bài Đọc Thêm
- Giáo Lý Công Giáo số 144 – 175, 185 – 196
- Đức Tin theo Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
- Nguồn Gốc của các Kinh Tin Kính
- PowerPoint Presentation

Kinh Tin Kính là gì và từ đâu đến?
Lịch sử
- Bắt nguồn từ Phụng Vụ – công thức Rửa Tội
- Được dùng làm căn bản cho việc dạy giáo lý
- Với Kinh Tin Kính Nicea, trở thành công cụ cho việc giải quyết những tranh luận về thần học.
- Được thêm vào Thánh Lễ Chúa Nhật ở Tây Phương như một cách tỏ bày tính chính thống – đầu tiên ở Tây Ban Nha trong thế kỷ thứ 6 và sau cùng ở Rôma vào thế kỷ thứ 11.
Chức năng – x. GLHTCG, ss. 185, 189:
- Tóm lược đức tin
- Kết hợp dân Chúa trong đức tin
- Cung cấp một ngôn ngữ chung về đức tin,
- Vẫn còn được sử dụng trong chức năng của phụng vụ khai tâm (nhập đạo)
Các Kinh Tin Kính được ưu tiên trong Truyền Thống Tây Phương
- Kinh Tin Kính của các Tông Đồ
- Kinh Tin Kinh Nicea-Constantinople
Câu hỏi để thảo luận và suy nghĩ
- Những yếu tố nào trong thế giới chung quanh chúng ta làm cho bạn khó trở thành một tín hữu?
- Khi nào thì những thắc mắc và bối rối về đức tin của bạn dẫn bạn đến sự phát triển cá nhân?
- Đức tin của bạn thách đố bạn cách nào?
- Khi nói rằng lời tuyên xưng “Chúng tôi tin” và “Tôi tin” còn hơn sự chỉ ưng thuận theo trí khôn nghĩa là gì?
- Có nhiều người chủ trương chúng ta phải tách rời những gì mình tin về tôn giáo ra khỏi đời sống thường nhật của mình để dễ hoà đồng với những người chung quanh. Bạn có đồng ý với họ không và tại sao?
Bài Tập Trước ở Nhà
Để chuẩn bị cho lớp học, làm ơn đọc bài và trả lời những câu hỏi sau đây trên một trang giấy riêng. Những câu hỏi này sẽ được bàn đến trong các nhóm nhỏ của lớp học.
- Tuyên xưng rằng “Tôi tin” có ý nghĩa gì?
- Lời tuyên xưng “Chúng tôi tin” và “Tôi tin” giống nhau và khác nhau ở chỗ nảo?
- Sự liên hệ giữa đức tin và sự hiểu biết là gì?
- Kinh Tin Kính là gì?
- Các Kinh Tin Kính từ đâu đến và tầm quan trọng của chúng là gì?
- Các Kinh Tín Kính nào là Kinh có đặc quyền hơn trong truyền thống Công Giáo. Tại sao?