Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự đều tốt lành và kế hoạch phát triển chúng của Ngài cũng tốt lành. Nếu thế thì đáng lẽ con người phải sống yêu thương hoà hợp trong hạnh phúc để đưa mọi sự đến viên mãn. Nhưng tiếc thay, nếu nhìn chung quanh, chúng ta thấy toàn sự dữ và đau khổ. Thay vì yêu thương thì con người chất chứa đầy căm thù. Thay vì sống hoà hợp thì họ không ngừng gây chiến với nhau, ngay cả trong cùng một gia đình, được coi là mái ấm tình thương. Như thế tại sao chúng ta có thể tin rằng có một Thiên Chúa nhân lành?
Nếu có Thiên Chúa, làm sao có sự dữ?
Đây là một câu hỏi hóc búa không dễ trả lời. Thực ra có hai loại sự dữ: sự dữ luân lý và sự dữ vật lý. Sự dữ luân lý là cố tình phạm tội, và sự dữ vật lý là những tai ương tự nhiên. Thí dụ giết người, ngoại tình, dâm dật, ăn cắp, phù thủy, phá thai… là những sự dữ luân lý (x. Didache 2:2). Còn nạn đói, bệnh tật, tai họa thiên nhiên và cái chết là sự dữ tự nhìên. Sự dữ tự nó không là gì, nhưng là thiếu điều gì đáng lẽ phải có, thí dụ nói dối là thiếu chân thật. Thiên Chúa không dựng nên sự dữ vì nó không phải là điều cần được dựng nên. Sự dữ là điều bất toàn, thiếu hay không có trong việc tạo dựng của Thiên Chúa.
Câu hỏi về sự dữ là một chướng ngại lớn trong việc dẫn người ta đến cùng Thiên Chúa. Nhưng đây lại là một mầu nhiệm rất khó hiểu đối với những người không có đức tin bởi vì chính Đức Kitô mới là câu trả lời thoả đáng nhất cho vấn đề sự dữ, đặc biệt là các sự dữ về luân lý. Các Kitô hữu nhận ra rằng không có một khía cạnh nào của sứ điệp của Đức Kitô mà không phải là một phần của câu trả lời cho vấn đề sự dữ. Sự thể là Thiên Chúa cho phép sự dữ xảy ra, nhưng Ngài không dựng nên nó.
Cái gì là nguyên nhân của sự dữ luân lý? Câu trả lời là vì thiếu sự tốt lành nơi những người làm sự dữ. Mà họ thiếu sự tốt lành vì họ tự do chọn chối từ Thiên Chúa hay không phục tùng Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của mọi sứ tốt lành. Xin đọc bài “Nếu Có Thiên Chúa, Sao Có Sự Dữ?” ở cuối chương này để hiểu thêm về “Mầu Nhiệm Sự Dữ”.
Tội Lỗi là gì?
Định nghĩa Tội Lỗi
Tội là một lời nói, việc làm dẫn đến việc không thể có một liên hệ đúng đắn với Thiên Chúa và tha nhân, là mối liên hệ được đánh dấu bởi tỉnh yêu chân chính, như thế tội cũng trái ngược với bản tính nhân loại. Tội là lỗi phạm đến lý trí, chân lý, lương tâm ngay chính, là thiếu tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa và tha nhân. Tội làm tổn thương bản tính con người và vi phạm đến tình liên đới giữa nhân loại, là chống lại tình yêu của Thiên Chúa đối với ta, làm ta xa lánh Ngài.
Hoàn toàn trái ngược với thái độ vâng phục của Chúa Giêsu, Đấng đã tự hiến và trở nên nguồn mạch vô tận thông ban ơn tha tội cho chúng ta qua cuộc khổ nạn, tội là một hành động kiêu căng và bất phục tùng chống lại luật vĩnh cửu của Thiên Chúa là luật diễn tả bản chất thật sự của sự tự do của con người và tình yêu chân thật. Tội làm giảm bới sự tự do và phẩm giá của con người.
Tội Nguyên Tổ (Tội Tổ Tông)
Tội là lạm dụng sự tự do Chúa ban để chối bỏ và chống lại Ngài. Chúng ta chỉ hiểu được tội lỗi nhờ mặc khải của Thiên Chúa. Câu chuyện nguyên tổ sa ngã được kể bằng ngôn ngữ tượng hình, nhưng xác nhận một biến cố có thật, một tội phạm bởi nguyên tổ ngay từ khởi đầu lịch sử nhân loại. Mặc khải giúp chúng ta xác tín rằng tất cả lịch sử nhân loại đều mang dấu tích tội nguyên tổ. Mặc dù được đề cập trong Cựu Ước nhưng lịch sử của việc sa ngã này chỉ được hiểu rõ nhờ ánh sáng cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Đức Kitô. Chúng ta phải nhận ra Ðức Kitô là nguồn ân sủng thì mới biết rằng Ađam là nguồn tội lỗi. Vì thế không thể nói đến tội nguyên tổ mà không nhắc đến Ðức Kitô.
Câu chuyện Thiên Chúa cấm con người ăn trái cấm là một biểu tượng nói lên rằng con người tùy thuộc vào Ðấng Tạo Hóa, nên phải tuân theo các định luật tự nhiên và các tiêu chuẩn luân lý khi sử dụng tự do. Nguyên tổ đã bị ma quỷ cám dỗ không vâng lời Thiên Chúa, nên đã mất tình trạng thánh thiện nguyên thủy. Khả năng điều khiển thân xác của họ bị thương tổn. Quan hệ giữa họ nên căng thẳng, đầy ham muốn và thống trị. Sự chết đã xâm nhập vào lịch sử nhân loại. Từ tội này cả thế gian và nhân loại bị chìm ngập trong tội. Chúng ta dễ hướng về sự dữ, và bị kiềm tỏa bởi ma quỷ.
Như thế tội nguyên tổ là tội cá nhân của nguyên tổ, nhưng không phải là tội cá nhân của chúng ta. Chúng ta cũng không chịu trách nhiệm về tội này. Nhưng tội tổ tông là tội di truyền. Nó đã truyền lại cho chúng ta một bản tính nhân loại bị mất sự thánh thiện và công chính. Nó không làm cho bản tính con người hoàn toàn sa đọa, hay mất sự tự do, nhưng làm cho nó nên yếu đuối, dễ phạm tội, dốt nát, đau khổ và chết. Bí tích Thánh Tẩy xóa bỏ tội nguyên tổ, nhưng không xóa bỏ khuynh hướng dễ phạm tội này, cho nên chúng ta phải luôn luôn chiến đấu với sự dữ. Chúng ta bị cám dỗ bởi ma quỷ và sự xấu xa của xã hội mà chúng ta đang sống. Hoàn cảnh bi đát này làm cho cuộc sống con người trở nên một cuộc chiến đấu cam go chống lại quyền lực sự dữ. Chúng ta chỉ có thể chiến thắng khi hết sức cố gắng với sự trợ giúp của Chúa mà thôi.
Vì không ý thức rằng con người có một bản tính bị tổn thương nghiêng chiều theo sự dữ, đưa đến những sai lầm trầm trọng trong những lãnh vực giáo dục, chính trị, hành động xã hội và luân lý.
Cứu rỗi hay cứu độ (Salvation)
Như chúng ta đã biết, Thiên Chúa dựng nên con người trong tình trạng thánh thiện và công chính nguyên thuỷ, nhưng vì nguyên tổ phạm tội bất phục tùng nên đã đánh mất tình trạng này. Chính vì thế mà hai ông bà đã truyền lại cho hậu thế một bản tính nhân loại vị tổn thương. Với bản tính này con người dễ dàng làm điều dữ hơn điều lành. Do đó tội lỗi đã lan tràn thế gian. Thiên Chúa trong Sáng Thế 3:15 đã hứa cho một Đấng “sinh bởi người phụ nữ” đến để phục hồi phục hồi tình trạng thánh thiện và công chính nguyên thuỷ ấy. Việc phục hồi này như một tiến trình để trở nên một ngưởi trọn vẹn ý định nguyên thuỷ của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Bằng cách cho chính Con Một của Ngài nhập thể trong lòng Trinh Nữa Maria để làm người. Thiên Chúa đã cung cấp cho nhân loại một mô hình của con người lý tưởng mà Thiên Chúa muốn mỗi con người trở ta thành. Vì vậy khi qua Mầu Nhiệm Nhập Thể, Chúa Giêsu đã trở nên một người thật, giống hệt chúng ta, ngooại trừ tội lỗi. Người trở thành vị Thầy đã dạy chúng ta phải làm sao để được cứu chuộc. Người trở thành gương mẫu để chúng ta theo và thành Con Đường để dẫn chúng ta không những trở lại tình trạng nguyên thuỷ ấy, mà còn vượt quá nó mà thành con cái Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Người.
Cứu Chuộc (Redemption)
Đức Kitô xuống thế không những để làm gương cho chúng ta mà còn để cứu chộc chúng ta. Sau khi nguyên tổ phạm tội, toàn thể nhân loại sống dưới sự kìm kẹp của tội lỗi, dưới ách thống trị của ma quỷ. Con người không có khả năng tự giải thoát mình khỏi gông cùm này. Chỉ có một mình Đức Giêsu Kitô, Đấng vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật mới có đủ khả năng để giải thoát nhân loại khỏi những thế lực vô hình. Cứu chuộc có nghĩa là được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi những ham muốn tiền tài, của cải, danh vọng của thế gian và khỏi cái chết. Qua cái chết của Người, Chúa Giêsu đã chiến thắng thế gian, ma quỷ và sự chết. Qua sự sống lại của Người, Người cho tất cả những ai cùng chết với Người được sống lại với Người. Nếu chúng ta thực sự cùng chết với Chúa Giêsu th2 cuộc sống chúng ta sống không còn là cuộc sống con người nữa mà là sống trong Đức Kitô, một cuộc sống được biến đổi để mỗi ngày một giống Đức Kitô hơn.
Một khi đã được chia sẻ sự sống với Đức Kitô, tất cả mọi sự đều thay đồi. Những gì biến cuộc đời nhiều người thành hoả ngục, nay đã được Đức Kitô biến đổi thành êm ái dịu dàng và siêu việt. Chúng ta không còn làm nô lệ cho sợ hãi hay thất vọng. Cuộc đời giờ đây tràn đầy ý nghĩa và niềm vui, mặc dù vẫn còn dẫy đầy vất vả, đau khổ và thất bại, nhưng chúng đã trở thành phương tiện cứu độ cho chúng ta thay vì những gánh nặng đè bẹp chúng ta. Bởi vì Chúa cho chúng ta kết hợp chúng với Cuộc Khổ nạn của Người và biến chúng thành những của lễ đạp lòng Thiên Chúa.
Ngày nay nhiều thần học gia Công Giáo, đặc biệt là các thần học gia Á Châu đã sai lầm khi cho rằng các tôn giáo Á Đông, như Phật Giáo, Ấn Độ Giáo và Khổng giáo, tự chúng có thể đưa những tín đồ của chúng người theo chúng đến cứu độ, mà không cần đến Đức Kitô. Trong Tuyên Ngôn Dominus Jesus, Toà Thánh đã dứt khoát bác bỏ những sai lầm này. Xin xem bài “Tính Duy Nhất và Phổ Quát của Đức Kitô và Hội Thánh trong công trình Cứu Độ” để biết thêm chi tiết.
Đức Chúa Cha muốn Người trở thành phương tiện cứu chuộc cho toàn thể nhân loại, cho nên Người là sự biểu lộ cách hữu hình ơn cứu chuộc ấy, và như thế cũng có thể được gọi là bí tích nguyên thuỷ.
Ân Sủng là gì?
Chúng ta được công chính hóa nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Ân sủng là một ân huệ, một sự trợ giúp nhưng không mà Chúa ban để ta trở thành con cái Ngài. Ân sủng cho chúng ta thông phần vào ơn cứu rỗi và cứu chuộc nhân loại mà Chúa Giêsu đã thực hiện qua cuộc đời, cái chết và sự sống lại của Người. Ân sủng cho chúng ta tham dự vào sự sống Thiên Chúa.
Mặc dù ân sủng là món quà nhưng không của Thiên Chúa, và chúng ta không tự mình kiếm được ân sùng hoặc xứng đáng nhận được ân sủng. Nhưng chúng ta có nhiệm vụ sẵn sáng lãnh nhận ân sủng và hợp tác với ân sủng vì Thiên Chúa cho chung ta tự do chối từ ân sủng. Ân sủng cũng không được ban riêng cho cá nhân một người, mà ban qua người khác trong cộng đồng các tín hữu của Đức Kitô, là Hội Thánh.
Nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta thành chi thể của Nhiệm thể Đức Kitô, và thành nghĩa tử Thiên Chúa, được gọi Ngài là “Cha”. Chúng ta lãnh nhận sự sống của Chúa Thánh Thần. Ân sủng của Ðức Kitô là ân huệ nhưng không, qua đó Thiên Chúa ban cho ta sự sống của Ngài. Ðó là ơn thánh hóa hay thần hóa ta nhận được trong bí tích Thánh Tẩy. Ơn này là một trạng thái siêu nhiên bền vững, hoàn thiện hóa linh hồn để chúng ta có thể sống với Thiên Chúa và hành động nhờ tình yêu của Ngài. Chúng ta phân biệt ơn thường sủng và ơn hiện sủng. Ơn thường sủng là trạng thái thường xuyên để sống và làm theo tiếng gọi của Thiên Chúa, còn ơn hiện sủng là những can thiệp của Thiên Chúa lúc khởi đầu cuộc hoán cải hoặc trong tiến trình thánh hóa.
Thánh hoá là một tiến trình tiệm tiến. Ân sủng của Thiên Chúa được đổ vào linh hồn chúng ta, ban sức mạnh cho chúng ta để ngoan ngoãn vâng theo những thúc đẩy của Chúa Thánh Thần mà từ bỏ tính hư nết xấu và tập tành làm việc nhân đức. Nếu chúng ta khiêm nhường hợp tác với ân sủng thì tâm hồn chúng ta sẽ được dần dần thay đổi từ một thủa đất khô cằn sang một thủa ruộng màu mỡ để các hoa quả của Chúa Thánh Thần được nẩy nở xum xuê.
Chuẩn bị con người đón nhận ân sủng cũng là một công trình của ân sủng. Việc chuẩn bị này cần thiết để khơi dậy và nâng đỡ sự cộng tác của ta vào việc công chính hóa nhờ đức tin, vào việc thánh hóa nhờ đức ái. Thiên Chúa tự do đi bước trước, và Ngài muốn con người tự do đáp trả. Chỉ khi tự nguyện, con người mới có thể bước vào hiệp thông tình yêu.
Ngoài mục đích thánh hóa chúng ta, ân sủng cũng gồm các ơn giúp ta có khả năng cộng tác vào việc cứu độ tha nhân và phát triển Hội Thánh. Ðó là các ân sủng bí tích, mỗi bí tích ban ơn riêng. Ngoài ra, còn có đặc sủng qui hướng về ơn thánh hóa và có mục đích phục vụ lợi ích chung của Hội Thánh. Trong các đặc sủng, có các ơn chức phận được ban cho người thi hành các nhiệm vụ của đời Kitô hữu và các thừa tác vụ trong lòng Hội Thánh. Vì ân sủng thuộc bình diện siêu nhiên, nên vượt tầm kinh nghiệm của ta, và chỉ nhận biết được bằng đức tin, nên ta không thể dựa vào tình cảm hay các việc làm để kết luận rằng ta đã được công chính hóa và được cứu rỗi. Tuy nhiên, việc suy niệm về các ơn Chúa trong đời ta và các thánh, cho ta một bảo đảm rằng ân sủng đang hoạt động trong ta, giúp cho đức tin của ta thêm lớn mạnh, và tín thác hơn vào Thiên Chúa.
Tóm lại, vì là một ơn thiêng liêng, nên nhiều khi chúng ta không cảm thấy ân sủng, mà còn ngược lại. Cảm thấy hay không sự an ủi của Thiên Chúa không phải là thước đo lường mức độ ân sủng Chúa ban. Vì thế ân sủng không đảm bảo rằng chúng ta sẽ được rỗi, mà ân sủng là sự sống và sự thánh thiên mà Chúa ban cho chúng ta qua Chúa Thánh Thần. Chúng ta được mời gọi đáp trả và lớn lên trong ân sủng. Chúng ta được mời gọi sống cuộc sống của Chúa Giêsu, chứ không phải chì chiếm hữu nó.
BÀI ĐỌC THÊM
- Nền Tảng Giáo Lý của Tội Lỗi và Ân Sủng
- Nếu có Thiên Chúa, Tại Sao Có Sự Dữ
- Tính Duy Nhất và Phổ Quát Của Đức Kitô và Hội Thánh trong Công Trình Cứu Độ
- PowerPoint Presentation 5
- PowerPoint Presentation 6
Câu hỏi để suy nghĩ và thảo luận
- Tội lỗi là gì?
- Tội Tổ Tông là gì? Tội Tổ Tông khác biệt và liên hệ với các tội cá nhân thế nào?
- Tại sao Thiên Chúa tốt lành mà lại dựng nên quá nhiều sự dữ trên thế gian?
- Làm sao việc hiểu biết về tội lỗi giúp chúng ta bắt đầu hiểu rõ mầu nhiệm sự dữ?
- Ân sủng là gì?
- Ơn cứu chuộc là gì?
- Ơn cứu độ hay cứu rỗi là gì?