Bài 6 – MẦU NHIỆM NHẬP THỂ

Vào thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai chính Con Một Ngài đến để thực hiện lời Ngài đã hứa.  Hội Thánh tuyên xưng Chúa Giêsu thành Nadareth chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa, là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Cho nên việc truyền đạt đức tin trước hết bao gồm việc loan báo Đức Kitô, để dẫn mọi người đến đức tin vào Người.  Ðức Kitô là Lời ban sự sống đã xuất hiện để cứu độ chúng ta.  Chúng ta tiếp tục công việc của các Tông Ðồ là rao giảng sự phong phú khôn lường của Ðức Kitô cho nhân loại (422-425).

Mục đích của giáo lý và của đạo Công Giáo là đưa ta đến kết hợp với Ðức Kitô.  Dạy giáo lý là dạy về Ðức Kitô.  Tất cả những điều khác được giảng dạy đều quy về Người.  Ðức Kitô chính là Ðấng giảng dạy, còn những người khác đều là phát ngôn viên của Người, để Người dạy qua miệng lưỡi họ…. Mọi giáo lý viên đều phải áp dụng cho mình lời nói nhiệm mầu của Chúa Giêsu: “Giáo huấn tôi dạy không phải là của tôi, nhưng là của Ðấng đã sai tôi.”  Ai được mời gọi để dạy về Ðức Kitô trước hết phải tìm “mối lợi tuyệt vời là hiểu biết Ðức Kitô; người đó phải “mất hết … để được Ðức Kitô và được kết hợp với Người.”  Từ sự hiểu biết Ðức Kitô trong tình yêu, chúng ta mới khao khát rao giảng về Người và đem tha nhân đến đức tin vào Người (426-429).

Danh hiệu của Chúa

Giêsu – có nghĩa là “Thiên Chúa Cứu Ðộ”. Chúa Giêsu đến để cứu chúng ta khỏi tội lỗi.  Danh Giêsu là danh thần linh, danh duy nhất mang lại ơn cứu độ.  Danh Giêsu là trọng tâm của kinh nguyện Kitô giáo.

Kitô – có nghĩa là “được xức dầu”.  Kitô trở nên tên riêng của Chúa Giêsu vì Người đã chu toàn sứ mạng thần linh của Đấng Kitô.  Trong Cựu Ước các vua, tư tế, và ngôn sứ, được xức dầu nhân danh Thiên Chúa.  Chúa Giêsu đã làm trọn các lời tiên tri trong Cựu Ước về Ðức Kitô qua ba sứ vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế.  Ý nghiã chân chính của Ðấng Ðược Xức Dầu được biểu lộ khi Chúa Giêsu chịu chết và sống lại vì tội chúng ta.  Từ đó, Hội Thánh công nhận Người là Ðấng Messia, là Ðức Kitô.

Con Một Thiên Chúa – Trong Cựu Ước “con Thiên Chúa” được dùng để gọi các thiên sứ, dân Israel, và các vua của họ.  Nhưng “Con Một Thiên Chúa” chỉ được dùng cho Chúa Giêsu.  Người là Ðấng được Thiên Chúa gọi là Con Yêu Dấu khi chịu Phép Rửa, và khi biến hình.  Người được Thánh Phêrô tuyên xưng là “Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, và được các môn đệ tuyên xưng là Con Thiên Chúa sau khi phục sinh.

Chúa – Cựu Ước gọi Thiên Chúa là Chúa.  Tân Ước cũng dùng “Chúa” để nói về Chúa Giêsu.  Vì Chúa Giêsu là Chúa, nên Hội Thánh tin rằng Người là chìa khóa, trung tâm, và cứu cánh của tất cả lịch sử nhân loại.  Danh xưng “Chúa” nói lên quyền tối thượng của Thiên Chúa. Tuyên xưng hay kêu cầu Chúa Giêsu là Chúa có nghĩa là tin vào thiên tính của Người.

Tại sao Ngôi Lời làm người? (456-460)

Con Thiên Chúa làm người để cứu chúng ta khỏi tội lỗi và giao hòa chúng ta với Thiên Chúa, để giúp chúng ta nhận ra tình yêu của Thiên Chúa, và thành gương mẫu thánh thiện cho chúng ta, cho chúng ta được “thông phần vào bản tính Thiên Chúa” bằng cách làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa.

Việc Nhập Thể

Hội Thánh gọi việc Con Thiên Chúa mặc lấy bản tính loài người để cứu độ chúng ta là “Nhập Thể”.  Tin vào mầu nhiệm Con Thiên Chúa Nhập Thể là dấu đặc thù của đức tin Kitô giáo, và là niềm xác tín của Hội Thánh ngay từ buổi đầu.

Ðức Kitô là Thiên Chúa thật và người thật (464-469).

Ngay từ những thế kỷ đầu đã có các lạc thuyết chối từ chân lý này.  Phái Ngộ Đạo Đôcêtist cho rằng Chúa Giêsu không có thân xác thật. Phái Arianô cho là Chúa Giêsu không phải là Thiên Chúa thật. Phái Nestôriô cho rằng ngôi vị Thiên Chúa kết hợp với ngôi vị nhân loại trong Ðức Kitô, và Ðức Maria chỉ là Mẹ của ngôi vị nhân loại, chứ không là Mẹ của Thiên Chúa. Thuyết Nhất Tính khẳng định rằng trong Ðức Kitô, bản tính con người không còn tồn tại khi Ngôi Hai Thiên Chúa mặc lấy nó.  Lại có thuyết cho rằng bản tính nhân loại của Chúa Giêsu là một chủ thể riêng biệt, khi Chúa Giêsu chịu đóng thì chủ thể này chịu đóng đinh, chứ không phải Ngôi Hai Thiên Chúa.  Ðể chống lại các tà thuyết này, Hội Thánh tuyên xưng rằng Ðức Giêsu Kitô có hai bản tính, Thiên Chúa và loài người, kết hợp trong một Ngôi Thiên Chúa.  Người trở nên người thật và thành anh của chúng ta, nhưng không ngừng là Thiên Chúa.Công Ðồng Êphêsô (43l) đã tuyên xưng Ðức Maria thực sự thành Mẹ Thiên Chúa qua việc Con Thiên Chúa làm người trong lòng Mẹ.

Con Thiên Chúa làm người thế nào? (470-483)

Trong mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa Giêsu có một linh hồn thật và một thân xác loài người thật. Trong thời gian tại thế, Người có một tri thức hữu hạn, chịu chi phối bởi các điều kiện lịch sử, không gian và thời gian. Thân xác của Người cũng bị giới hạn và hữu hình.  Bản tính loài người này thuộc riêng về Ngôi Hai Thiên Chúa.  Trong đó, tất cả những gì là con người và hành động của Người đều là của một trong Ba Ngôi Thiên Chúa.  Vì nhân tính này kết hợp với ngôi vị Thiên Chúa, nên Ðức Kitô nhận thức được rằng Người là Con Thiên Chúa, và có khả năng thấu suốt tâm hồn con người, cùng hiểu biết chương trình của Thiên Chúa.  Như vậy, Con Thiên Chúa thông truyền cho nhân tính Người cách thức hiện hữu riêng của bản vị mình trong Ba Ngôi.  Do đó, trong linh hồn cũng như trong thân xác Người, Ðức Kitô biểu lộ theo cách thế nhân loại cung cách hành xử của Thiên Chúa Ba Ngôi.  Ðức Kitô có hai ý chí và hai khả năng hành động theo hai bản tính, nhưng hợp tác với nhau.  Người muốn vâng phục theo nhân tính tất cả những gì Thiên Chúa muốn để cứu chuộc chúng ta.  Vì Con Thiên Chúa đã làm người, nên Hội Thánh nhìn nhận việc họa lại hình ảnh của Người là chính đáng.   Khi các tín hữu tôn kính những đặc điểm của Chúa được họa lại trong tranh ảnh thánh, họ “chiêm ngắm chính Ðấng mà tranh ảnh ấy diễn tả.”

Chúa Giêsu cũng có một quả tim nhân loại chứa đầy cảm xúc và yêu thương.  Người đã yêu chúng ta bằng con tim đó.  Cho nên Thánh Tâm Chúa Giêsu “được coi là dấu chỉ và biểu tượng tuyệt vời của tình yêu mà Ðấng Cứu Thế không ngừng dâng lên Chúa Cha hằng hữu và dành cho mọi người không trừ ai.”

Việc Chúa Giêsu rao gỉang Nước Thiên Chúa

Sau khi chịu Phép Rửa và cám dỗ, Chúa bắt đầu rao giảng Tin Mừng, loan báo Nước Thiên Chúa đã gần.  Người quy tụ những người được mời gia nhập gia đình Thiên Chúa lại quanh Người bằng lời nói, bằng những dấu lạ, và bằng việc sai các môn đệ đi loan báo tin mừng.  Người mời gọi mọi người, kể cả người tội lỗi, đón nhận Nước Trời với một lòng khiêm nhường.  Nước Thiên Chúa thuộc về những người nghèo hèn bé mọn.  Người dùng các dụ ngôn để dạy mọi người hãy từ bỏ mọi sự mà đi tìm Nước Thiên Chúa.  Ðức Kitô và sự hiện diện của Nước Trời giữa thế gian là trọng tâm của các dụ ngôn. Người cũng đã làm nhiều nhiều dấu lạ để chứng tỏ Nước Trời đang hiện diện nơi họ; và để chứng minh rằng Chúa Cha đã sai Người, và mời gọi chúng ta hãy tin vào Người. Người đến để giải phóng con người khỏi nô lệ tội lỗi. Qua việc trừ quỷ, Người thể hiện trước việc Người sẽ toàn thắng Satan.  Nước Thiên Chúa đến làm cho nước Satan sụp đổ.

Người đã chọn mười hai Tông Ðồ để ở cùng Người và chia sẻ sứ mạng với Người.  Họ sẽ vĩnh viễn liên kết với Nước Ðức Kitô, vì Người sẽ nhờ họ mà điều hành Hội Thánh.  Trong nhóm Mười Hai, Chúa đặt ông Simon Phêrô làm Ðá Tảng, mà trên đó Người sẽ xây Hội Thánh Người.  Ðức Kitô, “Tảng đá sống”, bảo đảm rằng Hội Thánh mà Người xây trên Tảng Ðá Phêrô, sẽ chiến thắng quyền lực tử thần.  Thánh Phêrô có sứ mạng bảo toàn đức tin và củng cố đức tin của các Tông Ðồ khác.  Chúa trao cho Thánh Phêrô “Chìa Khóa Nước Trời”, tức là quyền cai quản Hội Thánh; quyền “cầm buộc và tháo cởi” là quyền tha tội, đưa ra những phán quyết về đạo lý và những quyết định về kỷ luật trong Hội Thánh.

Chúa đã không chọn những người thông minh để trao cho họ sứ vụ cao cả này mà lại chọn những người thế gian coi là thấp bé và vô danh, nhất là những ngư phủ chất phác và một người thu thuế tội lỗi như Matthêu làm Tông Đồ. Các ông vừa kém thông minh lại vừa nhát đảm, nhưng Chúa yêu các ông và đã cùng chung sống với các ông, làm bạn với các ông trong suốt ba năm.  Việc chọn các cộng sự viên thiếu khả năng này là một phần của việc công bố Nước Trời của Chúa Giêsu.  Người muốn ám chỉ rằng việc làm môn đệ là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa, và sự thành công của các ông là do quyền năng của Thiên Chúa chứ không do tài năng của các ông.  Ngoài ra Chúa con thân mật với đủ mọi hạng người, kể vả phụ nữ và ngoại kiều. 

Trong những gì Chúa Giêsu dạy và làm, dân chúng đã tìm thấy một niềm hy vọng và tự do mới. Việc đem những người ở ngoài lề xã hội vào cộng đoàn là điều khác biệt giữa Vương Quốc của Thiên Chúa và các vương quốc thế trần.  Chúa cho tấy rằng tất cả mọi người, ngay cả những người có vẻ tầm thường nhất, cũng có một phẩm giá đặc biệt trước mặt Thiên Chúa. Nếu tất cả mọi người đều được mới gọi tham gia vào Nước Thiên Chúa đang bắt đầu, thì Chúa Giêsu đang dại diện cho toàn thể thế giới mời. Người ta không còn phải hổn thẹn về chính mình, không còn phải cảm thấy bị áp bức hay thất vọng vì không biết phải chạy đến ai để được giải thoát khỏi tội lỗi mình nữa. Tuy vẫn còn tội lỗi, đau khổ, giả hình và tự mãn trên thế gian, nhưng Nước Trời mà Cháu Giêsu rao giảng đã cho chúng ta một viễn cảnh mới.

Tóm lại, Chúa Giêsu đã sống một cuộc sống hoànb toàn nhân loại như chúng ta và đã nếm tất cả mùi đời như chúng ta ngoại trừ tội lỗi.  Ngưới muốn nên giống chúng ta trong mọi sự không những đêe làm gương cho chúng ta mà còn để cảm thông với chúng ta.  Nhưng cuộc sống của Chúa Giêsu còn có một ý nghĩa cao cả hơn nhiều đối với chúng ta.  Đó chính là cuộc sống àm Thiên Chúa muốn cho loài người sống từ thủa ban đầu. Người là Đấng sau cùng đã hiểu vinh quang và tình yêu của Thiên Chúa, một vinh quang và tình yêu được phản ánh trong các thụ tạo, nhưng vượt xa thế giới hữu hình. Người là Đấng cuối cùng đã cộng tác vào kế hoạch của Thiên Chúa cho việc phát triển và vận mệnh của thế giới bằng cách đem mọi người đến việc đánh giá cao phẩm giá của mình, bằng cách mời gọi họ thương yêu nhau, giúp nhận ra giá trị của những người có vẻ là rất tầm thường qua việc làm cho họ ý thức về chiều sâu và nồng độ của tình yêu mà Thiên Chúa dành cho họ.

BÀI ĐỌC THÊM

  1. Nền Tảng Giáo Lý của Mầu Nhiệm Nhập Thể
  2. Mầu Nhiệm Nhập Thể theo Đức Bênêđictô XVI
  3. PowerPoint Presentation 7

Các câu hỏi để suy nghĩ và thảo luận

  1. Tại sao Ngôi Lời làm người?
  2. Những yếu tố chinh của giào huấn của Chúa Giêsu là gì?
  3. Ý nghĩa của những chọn lựa của Chúa Giêsu về những người cộng tác với Chúa?
  4. Nói rằng cả cuộc đời Chúa Giesu là một mặc khải về Chúa Cha nghĩa là gì? 
  5. Khi nói rằng Chúa Giêsu Kitô là một người hoàn toàn hay Chúa Giêsu Kitô sống đời sống con người cách hoàn hảo nghĩa là gì? 
  6. Tầm quan trọng của việc xác quyết rằng Chúa Giêsu vừa là người thật vừa là Thiên Chúa Thật là gì?
  7. Nếu một trong hai đặc tính này bị giảm đi thì chúng ta mất điều gì?
  8. Bốn không mà sự kết hợp giữa nhân tính và thiên tính của Chúa Giêsu được long trọng định nghĩa là gi?
  9. Việc Hội Thánh phải mất bốn thề kỷ để đi đến định tín này có ý nghĩa gi?