Kinh Tin Kính chỉ nói về mầu nhiệm Nhập Thể và Vượt Qua. Mầu nhiêm Vượt Qua là trọng tâm Tin Mừng mà các Tông Ðồ và Hội Thánh loan báo cho thế giới. Chúa Giêsu lên Giêrusalem dự Lễ Vượt Qua. Sự Vượt Qua của Người từ cái Chết đến Phục Sinh đã hoàn tất công trình Cứu Ðộ chúng ta (571-573). Những tín điều liên quan đến hai mầu nhiệm ấy soi sáng toàn bộ cuộc đời trần thế của Ðức Kitô(512 -513).
Cả cuộc đời Chúa Giêsu là mầu nhiệm
Tất cả mọi sự trong đời Chúa Giêsu đều là dấu chỉ mầu nhiệm của Người. Nhân tính của Người được coi là nhiệm tích của thiên tính và của ơn Cứu Ðộ (514-515).
Đặc tính chung của các mầu nhiệm của Chúa Giêsu – Tât cả mọi điều Chúa Giêsu nói, làm, và chịu đều có mục đích mặc khải về Chúa Cha. Cả cuộc đời Người là mầu nhiệm Cứu Ðộ qua máu của Người trên Thập Giá mà xuống trên chúng ta, để phục hồi chúng ta lại tình trạng nguyên thủy là con cái Thiên Chúa (516-518).
Chúng ta được hiệp thông với các mầu nhiệm của Người – Ðức Kitô không chỉ sống cho mình, nhưng cho chúng ta, từ lúc nhập thể cho đến khi chết và phục sinh. Người là gương mẫu cho ta. Người sống trong chúng ta và chúng ta sống trong Người. Chúng ta được hiệp thông với Người như chi thể của Nhiệm Thể Người (519-521).
Cái Chết của Ðức Kitô trong Chương Trình Cứu Ðộ của Thiên Chúa
Cái chết đau thương của Chúa Giêsu không phải là ngẫu nhiên, mà là mầu nhiệm trong chương trình Cứu Ðộ của Thiên Chúa. Như thế không có nghĩa là những kẻ đã nộp và giết Người chỉ thụ động trong vai trò của họ . Chương trình cứu độ của Thiên Chúa là giải thoát con người khỏi nô lệ tội lỗi nhờ cái chết của “Người Tôi Tớ, Ðấng Công Chính.” Chương trình này đã được báo trước trong Kinh Thánh như là mầu nhiệm cứu độ phổ quát. Khi sai Con Một Ngài xuống làm người và chết vì tội lỗi ta, Thiên Chúa đã coi Ðức Kitô như hiện thân của tội lỗi vì ta, để trong Người, chúng ta được trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã đón nhận ta trong tình yêu cứu độ hằng liên kết Người với Chúa Cha, đến nỗi Người xem như bị tách lìa Thiên Chúa vì tội chúng ta. Vì muốn liên kết Ðức Kitô với ta, nên Chúa Cha đã nộp Người vì tất cả chúng ta, để ta được hoà giải với Ngài nhờ cái chết của Con Một Ngài. Thiên Chúa cho thấy ý định yêu thương của Ngài đi trước mọi công trạng của chúng ta. Tình thương này không loại trừ một ai. Hội Thánh nối gót các Tông Đồ dạy rằng: Ðức Kitô đã chết cho tất cả mọi người (599 -605)
Ngày thứ ba Người từ trong kẻ chết mà sống lại
Chúa Giêsu Phục Sinh là chân lý tuyệt đỉnh của đức tin Kitô giáo, được cộng đoàn tín hữu tiên khởi tin và sống như là chân lý chính, được Truyền Thống lưu truyền như chân lý căn bản, được các văn kiện Tân Ước xác nhận, được rao giảng như phần chủ yếu của mầu nhiệm Vượt Qua và Thập Giá(638).
Một biến cố lịch sử và siêu việt (639-647)
Ðức Kitô phục sinh là một biến cố có thật với những chứng từ có giá trị lịch sử, được Tân Ước xác nhận. Trong biến cố này, yếu tố đầu tiên là ngôi mộ trống. Ngôi mộ trống tự nó không phải là một bằng chứng trực tiếp, nhưng là bước đầu dẫn các môn đệ đến việc nhìn nhận việc Chúa sống lại(639-640).
Những người đầu tiên được gặp Ðấng Phục Sinh là bà Maria Mađalêna và các phụ nữ đạo đức đến để ướp xác Người. Trong số các Tông Ðồ thì Người hiện ra đầu tiên với thánh Phêrô, sau đó với nhóm Mười Một. Vì được mời gọi củng cố niềm tin của anh em, nên thánh Phêrô được thấy Ðấng Phục Sinh trước họ. Với tư cách là những chứng nhân của Ðấng Phục Sinh, các Tông Ðồ là những viên đá nền móng của Hội Thánh Người. Người còn hiện ra với cả trăm người khác. Các môn đệ của Chúa thoạt đầu còn hoài nghi, nhưng sau đó các ông đã vững tin là Chúa đã sống lại(641-644).
Ðức Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ bằng thân xác phục sinh của Người, chính là thân xác đã bị khổ hình và đóng đinh trên thập giá, vì còn mang dấu vết cuộc khổ nạn. Tuy nhiên Người không còn bị ràng buộc bởi không gian và thời gian nữa, vì nhân tính của Người đã thuộc về thế giới thần linh của Chúa Cha. Ðức Kitô không trở lại với đời sống trần thế như trường hợp ông Ladarô, nhưng sang một cuộc sống vượt thời gian và không gian. (645-646).
Không ai chứng kiến tận mắt biến cố Phục Sinh. Biến cố này chỉ có thể ghi nhận được nhờ dấu chỉ ngôi mộ trống và những lần gặp gỡ thực sự giữa Ðức Kitô và các Tông Ðồ, nhưng Phục Sinh vẫn là mầu nhiệm trung tâm của đức tin, vì nó siêu việt và vượt trên mọi chiều kích lịch sử. Do đó, Ðức Kitô Phục Sinh không tỏ mình ra cho thế gian mà chỉ cho các môn đệ của Người(647).
Ý Nghĩa và tầm vóc Cứu Ðộ của Sự Sống Lại (651-658)
Việc Chúa Phục Sinh chứng thực tất cả những gì Người đã làm và đã dạy. Ðức Kitô Phục Sinh hoàn tất các lời hứa của Cựu Ước và của Người khi còn tại thế. Phục Sinh xác nhận thiên tính của Chúa Giêsu, nên toàn thể các chân lý Người dạy đều đáng tin. Ðức Kitô chết để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, và sống lại để mở đường cho chúng ta vào sự sống trường sinh. Sự Phục Sinh của Ðức Kitô, cũng như chính Ðức Kitô Phục Sinh, là nguyên lý và nguồn mạch sự sống lại của chúng ta mai sau (651-658).
BÀI ĐỌC THÊM
- Nền Tảng Giáo Lý của Mầu Nhiệm Vượt Qua
- Đức Tin vào Biến Cố Phục Sinh
- Ý Nghĩa Cứu Độ của Biến Cố Phục Sinh
- Ý Nghĩa việc Lên Trời của Đức Kitô
- Chúa đã Sống Lại thật
- PowerPoint Presentation 8
Câu hỏi để suy nghĩ và thảo luận
- Cái chết của Chúa Giêsu nối kết với cuộc đời của Người thế nào?
- Nói rằng việc sống lại của Chúa Giêsu là một biến cố lịch sử có nghĩa gì?
- Nói rằng việc sống lại của Chúa Giêsu là một biến cố siêu việt có nghĩa gì?
- Ý nghĩa chính yếu của việc Phục Sinh của Ch1ua Giêsu là gì?
- Tại sao đức tin là điều quan trọng để cảm nhận thực tại đầy đủ của việc Phục Sinh?
- Tầm quan trọng của vuiệc sống lại của Chúa Giêsu đối với chúng ta hôm nay?