SỰ QUAN PHÒNG CỦA THIÊN CHÚA
302. Công trình tạo dựng có sự tốt lành và hoàn hảo riêng, nhưng chưa tuyệt đối trọn vẹn khi xuất phát từ bàn tay Đấng Tạo Hoá. Trần gian được tạo dựng “trong tình trạng lên đường” (“in statu viae”) hướng đến sự hoàn hảo cuối cùng mà Thiên Chúa đã định cho chúng. Những sắp xếp nhờ đó Thiên Chúa dẫn đưa công trình tạo dựng của Ngài tới sự hoàn hảo đó, chúng ta gọi là sự quan phòng của Thiên Chúa.
“Quả thật, nhờ sự quan phòng của Ngài, Thiên Chúa gìn giữ và điều khiển tất cả những gì Ngài đã tạo dựng, ‘từ chân trời này vươn mạnh tới chân trời kia, Ngài cai quản mọi loài thật tốt đẹp’ (Kn 8,1). ‘Nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mắt Ngài’ (Dt 4,13), kể cả những điều trong tương lai do hành động tự do của các thụ tạo”.
303. Chứng từ của Thánh Kinh đều đồng nhất: Thiên Chúa quan phòng chăm sóc mọi sự cách cụ thể và trực tiếp, Ngài quan tâm đến tất cả mọi sự, từ những điều nhỏ nhất đến những biến cố trọng đại của trần gian và của lịch sử. Sách Thánh xác quyết mạnh mẽ quyền chủ tể tuyệt đối của Thiên Chúa trong dòng chảy của các biến cố: “Thiên Chúa chúng ta ở trên trời, muốn làm gì là Chúa làm nên” (Tv 115,3); và Sách Thánh nói về Đức Kitô: “Người mở ra thì không ai đóng lại được, Người đóng lại thì không ai mở ra được” (Kh 3,7). “Lòng con người ấp ủ bao dự tính, duy kế hoạch của Chúa mới trường tồn” (Cn 19,21).
304. Chúng ta nhận thấy điều này là, Chúa Thánh Thần, tác giả chính của Thánh Kinh, thường quy các hành động về Thiên Chúa, mà không nhắc đến các nguyên nhân đệ nhị. Đó không phải là “cách nói” sơ khai, nhưng là cách sâu sắc để nhắc nhớ đến quyền tối thượng của Thiên Chúa và quyền chủ tể tuyệt đối của Ngài trên lịch sử và trần gian, và như vậy để dạy người ta phải tín thác vào Ngài. Cách cầu nguyện của các Thánh vịnh là trường huấn luyện quan trọng về niềm tín thác này.
305. Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phó thác với tình con thảo cho sự quan phòng của Cha trên trời, Đấng chăm sóc đến những nhu cầu nhỏ bé nhất của con cái Ngài: “Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì? uống gì?…. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài, còn tất cả những thứ kia, Ngài sẽ thêm cho” (Mt 6,31-33).
Sự quan phòng và các nguyên nhân đệ nhị
306. Thiên Chúa là Chúa tể của kế hoạch của Ngài. Nhưng để thực hiện kế hoạch ấy, Ngài cũng dùng đến sự cộng tác của các thụ tạo. Đây không phải là dấu hiệu của sự yếu kém, nhưng là dấu chỉ của sự cao cả và lòng nhân hậu của Thiên Chúa toàn năng. Quả vậy, Thiên Chúa không những ban cho các thụ tạo được hiện hữu, nhưng còn ban cho chúng phẩm giá để chúng hoạt động, để chúng nên nguyên nhân và nguyên lý cho nhau, và như vậy để chúng cộng tác vào việc hoàn thành kế hoạch của Ngài.
307. Đối với con người, Thiên Chúa còn ban cho dư đầy khả năng để tham dự một cách tự do vào sự quan phòng của Ngài, khi trao cho họ trách nhiệm làm chủ trái đất và thống trị nó. Như vậy, Thiên Chúa cho con người trở nên những nguyên nhân thông minh và tự do để hoàn thành công trình tạo dựng, và thực hiện sự hài hoà của công trình ấy hầu mưu ích cho chính mình và cho tha nhân. Con người, những cộng tác viên thường là vô ý thức, của thánh ý Thiên Chúa, có thể tham gia một cách ý thức vào kế hoạch của Thiên Chúa bằng hành động, bằng kinh nguyện, và cả bằng các đau khổ của mình. Như vậy, họ trở thành “những cộng sự viên của Thiên Chúa” (1 Cr 3,9) và của Nước Ngài cách trọn vẹn.
308. Chân lý sau đây là không thể tách rời khỏi đức tin vào Thiên Chúa Tạo Hoá: Thiên Chúa hành động trong mọi hoạt động của các thụ tạo của Ngài. Ngài là nguyên nhân đệ nhất, hành động trong và qua các nguyên nhân đệ nhị: “Vì chính Thiên Chúa tác động đến ý chí cũng như hành động của anh em do lòng yêu thương của Ngài” (Pl 2,13). Chân lý này không những không làm giảm bớt phẩm giá của thụ tạo, nhưng còn nâng nó lên. Thụ tạo, được tạo dựng từ hư vô bởi quyền năng, sự khôn ngoan và lòng nhân hậu của Thiên Chúa, không thể làm gì được nếu bị cắt khỏi nguồn gốc của mình; “vì không có Đấng Tạo Hoá, thụ tạo sẽ tan biến”; thụ tạo lại càng không thể đạt tới cùng đích tối hậu của mình nếu không có sự trợ giúp của ân sủng.