NẾU CÓ THIÊN CHÚA, SAO CÓ SỰ DỮ?

Thân trần truồng tôi đến từ lòng mẹ,

 và tôi cũng sẽ trần trụi trở về;

 Chúa đã cho và Ngài đã lấy lại;

 xin chúc tụng thánh danh Ngài.

Gióp 1:21

Ðương nhiên lý luận thông thường nhất để bác bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa là dựa vào một câu hỏi cố hữu: “Nếu thật sự có một Thiên Chúa tốt lành, thì tại sao lại có sự dữ trên thế gian?” Lý luận này thường được trình bày thế này: “Vì thế gian đầy sự dữ, một Thiên Chúa tốt lành và toàn năng không bao giờ cho phép sự dữ xuất hiện, như vậy thì không có Thiên Chúa”. Lý luận này liên quan đến tình cảm nhiều hơn lý trí, nhưng nó đáng cho chúng ta quan tâm. Nó có thể được đặt ra bằng nhiều cách và một số sẽ được đưa ra ở đây.

Trước hết chúng ta phải tìm hiểu ý nghĩa của sự dữ. Có hai loại sự dữ: luân lývật lý. Sự dữ luân lý là cố tình phạm tội, và sự dữ vật lý là những tai ương tự nhiên. Thí dụ giết người, ngoại tình, dâm dật, ăn cắp, phù thủy, phá thai… là những sự dữ luân lý (Didache 2:2).  Còn nạn đói, bệnh tật, tai họa thiên nhiên và chết là sự dữ tự nhìên.  Sự dữ tự nó không là gì, nhưng là thiếu điều gì đáng lẽ phải có, thí dụ nói dối là thiếu chân thật. Thiên Chúa không dựng nên sự dữ vì nó không phải là điều cần được dựng nên. Sự dữ là điều bất toàn, thiếu hay không có trong việc tạo dựng của Thiên Chúa.

Ðầu tiên hãy chú tâm đến sự dữ luân lý, câu hỏi có thể được đặt ra là: “Nếu có một Thiên Chúa nhân lành, sao Ngài lại dựng nên kẻ ác?” Ðể trả lởi câu hỏi này, chúng ta phải ý thức rằng Thiên Chúa không dựng nên kẻ ác (x. St 1:26-31).  Là một Thiên Chúa thông biềt mọi sự, Ngài biết rằng một số người Ngài dựng nên sẽ trở thành những người tội lỗi, nhưng biết và điều khiển là hai việc khác nhau. Thiên Chúa dựng nên chúnh ta với ý chí tự do – khả năng cố tình chọn hay chối bỏ Ngài. Chúng ta đã chọn phạm tội – chối bỏ Thìên Chúa – bằng cách cố tình bất tuân lệnh Ngài. Sự bất tuân này là một lỗ hổng trong chương trình của Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Thiên Chúa muốn chúng ta kính mến Ngài, nhưng nếu không có ý chí tự do, chúng ta không thể yêu Chúa cách chân thành được. Không ai có thể bắt chúng ta yêu họ được. Nếu Thiên Chúa dựng nên chúng ta không có ý chí tự do, chúng ta sẽ là những cái máy sống và như thế đã không được dựng nên theo hình ảnh Ngài và giống Ngài. Thiên Chúa cho phép sự dữ luân lý xảy ra trong phạm vi Ngài cho chúng ta ý chí tự do. Sự dữ luân lý trên đời là kết quả của sự chọn lựa của chúng ta.

Kế đến chúng ta xét đến sự dữ vật lý, câu hỏi có thể được bắt đầu như sau: “Nếu có một Thiên Chúa tốt lành, tại sao lại có đau đớn, khổ cực, và chết chóc trên thế gian?” Câu hỏi hóc búa hơn là: “Nếu có một Thiên Chúa công bằng, sao những người tốt phải chịu đau khổ?” Trong thế giới vật chất đau khổ có một mục đích. Ðau đớn ngăn trở việc chúng ta làm tổn thương thân xác. Tôi không cho tay vào lửa chính vì sợ đau. Chứng đau ngực có thể báo hiệu cho chúng ta sắp đến cơn đau tim. Các lực sĩ phải chịu đựng những khó khăn mệt nhọc kinh khủng mà rèn luyện thân thể để có thể chơi các môn thể thao cách điêu luyện hơn, vì họ biết rằng không đau khổ thì không đạt được điều gì. Dù cho những người tốt, chịu đau khổ như thế không hoàn toàn là phi lý.

Vật chất hoạt động theo luật vật lý. Thí dụ, lửa hoạt đông theo luật nhiệt động học. Cũng luật này cho phép chúng ta sưởi ấm nhà trong mùa đông, nhưng cũng cho phép chúng ta thiêu hủy nhà mình. Ðể tránh việc thứ hai cần phại có phép lạ – một sự tạm ngưng của luật vật lý. Thiên Chúa cho phép sự dữ vật lý xảy ra vì Ngài không làm hết phép lạ này đến phép lạ khác để chặn đứng đau khổ, như vậy làm cho những gì thông thường trở nên phi thường. Những định luật vật lý được áp dụng cho cả người lành lẫn người dữ (x. Mt 5:45).

Câu hỏi thực sự đương nhiên không phải là tại sao Thiên Chúa cho phép sự dữ vật lý xảy ra, nhưng tại sao Thiên Chúa dựng nên chúng ta trong thế giới vật chất? Có những người cho rằng Thiên Chúa dựng nên chúng ta trong thế giới vật chất bất toàn này để chúng ta không cậy sức mình, nhưng để chúng ta yêu mến và dựa vào một Thiên Chúa thiện hảo (x. 2 Cor 1:8-9). Chúng ta được dựng nên với ước muốn và khao khát chỉ được thỏa mãn bởi Thiên Chúa. Sự trống vắng hạnh phúc này mời gọi chúng ta đến cùng Ngài.  Theo lời Thánh Augustinô: “… Vì Chúa đã tạo dựng nên chúng con cho Chính Chúa, Lạy Chúa, tâm hồn chúng con không bao được yên hàn choi đến khi được nghỉ ngơi trong Chúa”. [Tự Thú I,1,1]. Thánh Irênê thành Lyon (190 Tr. CN) có mộ tư tưởng khác:

…nơi nào không có sự cố gắng thì cũng không có giá trị. Chúng ta không cần nhãn quan nếu chúng ta không biết rằng bị mù khổ sở thế nào. Cũng thế, súc khỏe trở nên quý giá hơn sau khi chúng ta bị ốm; ánh sáng so với tối tăm; sự sống so với cái chết. Cũng vậy, Nước Thiên Chúa trở nên quý giá hơn cho những ai đã nếm mùi trần thế. Nhưng nó càng quý giá, thì chúng ta càng yêu nó nhiều; và càng yêu nhiều thì chúng ta càng được nhiều vinh quang trước mặt Thiên Chúa. Vì thế, Thiên Chúa cho phép tất cả những điều đó, để chúng ta học từ chúng và biết khôn ngoan yêu mến Thiên Chúa, để chúng ta được sống trong tình yêu hoàn hảo ấy. [Chống Lạc Giáo IV, 37,7].

Nghĩ xa hơn, đau khổ và hy sinh có thể giúp chúng ta chế ngự tính ích kỷ của mình. Lại nữa, Thiên Chúa là Ðấng Thánh, vì tạo vật xa cách Ngài nên trở thành bất toàn.

Sách Ông Gióp trong Thánh Kinh đối phó với vấn đề này một cách thơ mộng và tuyệt vời.  Ông Gióp là một người công chính, người kính sợ Thiên Chúa (x. Gióp 1:1); tuy thế, Thiên Chúa cho phép Satan gây cho ông những tai nạn và bệnh tật kinh khủng để thử lòng trung thành của ông. Satan muốn chứng minh cho Thiên Chúa biết rằng ông Gióp sẽ ngã lòng (x. Gióp 2:3-7). Trong đau khổ cùng cực, ông Gióp đã tranh luận với “các bạn” về sự đau khổ của người vô tội. Cuối cùng Thiên Chúa nhập cuộc tranh luận và trả lời:

Ai là kẻ dám dùng những lời thiếu hiểu biết để làm u tối kế hoạch của Thiên Chúa? Giờ đây, hãy thắt lưng như một nam nhân; Ta sẽ hỏi ngươi và ngươi hãy trả lời Ta! Ngươi ở đâu khi Ta đặt nền móng địa cầu? Hãy nói cho ta, nếu ngươi thật hiểu biết… (Gp 38:2-4)

* Kẻ tranh luận với Đấng Toàn Năng có chịu thua không, và kẻ kêu trách Thiên Chúa, hãy trả lời Ngài?

Thiên Chúa trả lời bằng cách bảo ông Gióp rằng sự khôn ngoan và quyền năng của Ngài vượt trên sự hiểu biết của loài người.  Con người cũng không làm chủ vũ trụ: chỉ mình nhân đức của con người cũng không đảm bảo hạnh phúc trần thế. Ông Gióp khiêm nhường kết thúc cuộc tranh luận bằng những lời này:

Con đã đối phó với những điều cao trọng mà con không hiểu; những điều quá kỳ diệu cho con, mà con không biết… Cho nên con rút lại những gì con đã nói, và ăn năn thống hối trong bụi và tro (Gp 42:2-6).

Ở đây Thánh Kinh đề nghị chúng ta là chúng ta phải chấp nhận đau khổ và tín thác vào Thiên Chúa.  Sau này trong Thánh Kinh, Chúa Giêsu trả lời cách này trên Thánh Giá.

Ðối với Kitô hữu, sự đau khổ đời này có thể trở nên niềm vui và vinh quang trong đời sống vĩnh cửu. Trong Thánh Kinh, Thánh Phaolô đưa ra sự liên hệ giữa sự dữ vật lý (sự chết) và sự dữ luân lý (tội lỗi):

Như vậy vì một người (Ađam) mà tội lỗi xâm nhập vào thế gian, và qua tội lỗi là sự chết, cho nên sự chết lan tràn đến mọi người vì tất cả mọi người đều phạm tội (Rom 5:12).

Qua ông Ađam (tội Tổ Tông), tất cả chúng ta đều có tội và phại chết; tuy nhiên, Thiên Chúa là Ðấng từ bi, Kitô Giáo đem đến cho chúng ta niềm hy vọng:

Như vì một người mà sự chết đã đến, thì nhờ một người mà sự kẻ chết sống lại cũng đến . Vì mọi người đều chết nơi Ađam, thì tất cả sẽ được cho sống lại trong Ðừc Kitô (1 Cor 15:21-22).

Ðức Kitô chết trên Thánh Giá để lấp đầy khoảng trống gây nên bởi tội lỗi. Mặc dầu chúng ta chịu đau khổ và chết vì tội lỗi chúng ta, Thiên Chúa là Ðấng vô tội đã chấp nhận đau khổ và chết trên Thánh Giá như một con người để cứu chuộc chúng ta. Tình yêu đòi hỏi hy sinh, và Ðức Kitô đã làm gương cho chúng ta:

Mặc dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục qua những đau khổ Người phải chịu; và khi đã trở nên hoàn hảo, Người trở thành nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai vâng phục Người (Dt 5:8-9).

“Nếu ai muốn đi theo Thầy, hãy bỏ mình đi và vác thập giá mình (hàng ngày) mà theo thầy” (Mc 8:34; cũng xem Pr 2:20-21; Pl 1:29).

Là Kitô hữu, chúng ta có thể hy vọng vào hạnh phúc vĩnh cửu – nhờ sự đau khổ của Ðức Giêsu Kitô. Như Thánh Phaolô đã hứa:

…chúng ta là con cái Thiên Chúa, mà đã là con cái, thì cũng là người thừa tự của Thiên Chúa và đồng thừa tự với Ðức Kitô, miễn là chúng ta cùng chịu đau khổ với Người để chúng ta cũng được vinh quang với Người. Tôi cho là những đau khổ ở đời này không đáng để so sánh với vinh quang sẽ được tỏ ra cho chúng ta (Rom 8:16-18).

Trong đau khổ, chúng ta chia sẻ sự đau khổ của Ðức Kitô (x. Cl 1:24) để trên thiên đàng chúng ta được chia sẻ vinh quang của Người (1 Pr 4:19).

Thế giới tội lỗi của chúng ta chẳng may là kết quả của sự lựa chọn của chúng ta; ngay cả Satan cũng không ép chúng ta phạm tội được. Ðau đớn, khổ cực và sự chết là một phần của thế giới vật chất vì tội Ađam, nhưng Kitô Giáo đem lại cho chúng ta niềm hy vọng qua sự thương khó của Ðức Giêsu Kitô. Sự dữ trong thế gian này không phải là một bằng chứng là không có Thiên Chuá, nhưng là một lời nhắc nhở liên tục cho chúng ta rằng chúng ta cần đến Thiên Chúa toàn hảo trong Thánh Kinh (2 Cor 1:8-9).

Nguồn: A Catholic Response, Inc.