Mục đích của các Kinh Tin Kính
Từ Tin Kính bắt nguồn từ chữ Latinh credo, có nghĩa là, tôi tin. Mục đích của bất cứ hình thức Kinh Tin Kính nào cũng là cung cấp một tuyên xưng ngắn gọn và cơ bản về đức tin. Hơn nữa, các Kinh Tin Kính được cấu trúc dựa trên niềm tin cơ bản vào Thiên Chúa Ba Ngôi và “công việc” phù hợp với từng Ngôi trong ba Ngôi: Chúa Cha và việc tạo dựng; Chúa Con và việc cứu chuộc; và Chúa Thánh Thần và việc thánh hóa. Như vậy, các Kinh Tin Kính cũng tóm lược tiến trình của lịch sử cứu độ: Được Chúa Cha khởi xướng, lịch sử cứu độ lên đến tột đỉnh trong Chúa Giêsu, và qua công việc của Chúa Thánh Thần, sứ vụ cứu chuộc và Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa chúng ta đang hoạt động trong Thời đại của Hội Thánh.
Nguồn gốc của Các Kinh Tin Kính.
Kinh Tin Kính của Các Tông Đồ
Tất nhiên, các Kinh Tin Kính của các Tông đồ được gán cho giáo huấn của các Tông đồ. Một truyền thống cổ xưa cho rằng vào ngày Lễ Ngũ Tuần, các Tông đồ đã sáng tác ra Kinh Tin Kính này dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Hơn nữa, mỗi Tông Đồ đã viết một trong mười hai điều đức tin được diễn tả trong Kinh Tin Kính. (Nhớ rằng Thánh Matthias đã thay thế Giuđa, kẻ đã phản bội Chúa và sau đó tự tử.) Thánh Ambrosiô (c. 397) và Rufinus đều chứng thực truyền thống này, đặc biệt là trong lời rao giảng của các ngài. Liệu các Tông đồ có thực sự viết Kinh Tin Kính này hay không thì không rõ; tuy nhiên, các niềm tin được thể hiện trong Kinh Tin Kính này chắc chắn bắt nguồn từ giáo lý của các ngài. Điều thú vị là, sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo đã sử dụng mười điều của Kinh Tin Kính của Các Tông Đồ như là mô thức của nó để trình bày đức tin trong Phần I, “Tuyên Xưng Đức tin”.
Tuyên Xưng Đức Tin khi Rửa Tội
Hơn nữa, nội dung của Kinh Tin Kính được tìm thấy trong Lời Tuyên Xưng Đức Tin của một người khi được Rửa tội trong thời gian đầu của Hội Thánh. Ở đây, người được rửa tội trả lời ba câu hỏi, một lần nữa được chia theo các Ngôi của Ba Ngôi. Một thí dụ về Tuyên Xưng Đức Tin khi rửa tội ban đầu này được tìm thấy trong Truyền Thống các Tông Đồ của Thánh Hippolytô (c. 235), được viết vào năm 215. Cho đến ngày nay, trong Nghi Thức Rửa Tội Trẻ Em, người sẽ được rửa tội (hoặc trong trường hợp của một trẻ sơ sinh, cha mẹ và cha mẹ đỡ đầu) tuyên xưng đức tin bằng cách trả lời ba câu hỏi về Ba Ngôi: Anh chị em có tin kính Thiên Chúa là Cha toàn năng, Ðấng tạo thành trời đất không? Anh chị em có tin kính Ðức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, Chúa chúng ta, sinh bởi Ðức Trinh Nữ Maria, đã chịu khổ hình và mai táng, đã sống lại từ cõi chết và đang ngự bên hữu Chúa Cha không? Anh chị em có tin kính Ðức Chúa Thánh Thần, tin Hội Thánh Công Giáo, tin các Thánh thông công, tin phép tha tội, tin xác sống lại và sự sống vĩnh cửu không? (Người lớn được nhận vào Hội Thánh, và được rửa tội và thêm sức theo Nghi Thức Khai Tâm Kitô Giáo tuyên xưng đức tin của họ bằng cách đọc Kinh Tin Kính Nicêa.)
Kinh Tin Kính Nicêa
Mặt khác, Kinh Tin Kính Nicêa được viết ra ở Công Đồng Nicea I (325), là Công Đồng được triệu tập để chống lại lạc giáo của Ariô, người đã phủ nhận thiên tính của Đức Kitô. Ở đây, Công Đồng muốn dạy rất rõ ràng rằng Chúa Giêsu Kitô “đồng bản thể” hay “là một Hữu Thể” với Đức Chúa Cha, chia sẻ cùng một thiên tính (bản tính Thiên Chúa); rằng Người được sinh ra, chứ không được làm ra hoặc được tạo thành; và rằng Đức Mẹ Maria được thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, và nhờ Mẹ, Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật, cũng trở thành người thật. Văn bản gốc của Kinh Tin Kính Nicêa kết thúc bằng cụm từ, “và trong Chúa Thánh Thần”. Đương nhiên là nền tảng của Kinh Tin Kính Nicêa là Kinh Tin Kính của các Tông đồ và lời Tuyên Xưng Đức Tin được xử dụng trong Bí tích Rửa tội.
Sau đó, tại Công Đồng Constantinople (381), Hội Thánh một lần nữa không chỉ những xác nhận việc lên án chủ thuyết của Ariô mà còn lên án Pneumatomachi (Phái Phản Thánh Thần), lá nhóm không chỉ chối bỏ thiên tính của Chúa Giêsu mà còn chối bỏ cả thiên tính của Chúa Chúa Thánh Thần. Do đó, Kinh Tin Kính đã được mở rộng để xác định rõ ràng thiên tính của Chúa Thánh Thần. Thực ra, Công Đồng đã thích nghi Kinh Tin Kính được viết năm 374 bởi Thánh Epiphaniô của Salami. Kinh Tin Kính này, chính thức mang tên Biểu Tín Nicea -Constantinop, được đưa vào Thánh Lễ khoảng năm 500.
Mặc dù câu trả lời cho câu hỏi này cho thấy đức tin được diễn tả như thế nào trước tiên trong Kinh Tin Kính của các Tông Đồ và sau đó rõ ràng hơn trong Kinh Tin Kính Nicea, nhưng điều quan trọng thực sự là đức tin đã được bảo tồn, bảo vệ và truyền lại cho các thế hệ tiếp theo. Hơn nữa, trong thời gian bị bách hại (trước năm 313), Kinh Tin Kính thường không được viết bằng văn bản, nó là một phần disciplina arcana, có nghĩa là nó được ghi nhớ và truyền khẩu như một sự bảo vệ chống lại các tấn công. Theo một nghĩa nào đó, trong thời đại đang bị bách hại này, chúng ta cũng nên thuộc lòng Kinh Tin Kính của mình, biết đức tin mà chúng ta tuyên xưng và trao đức tin đó cho thế hệ sau.
Viết theo bài: What is the difference between the Apostles’ Creed and the Nicene Creed?