Chúng ta nên tạm ngừng giáo huấn của Hội Thánh ở đây để bàn về Thuyết Duy Thánh Kinh vì đây là thuyết rất quan trọng mà người Công Giáo sống trong các nước nhiều Tin Lành như Hoa Kỳ cần phải biết.
Khi Lutherô tách ra khỏi Hội Thánh Công Giáo và bắt đầu cuộc Cải Cách Tin Lành (Thệ Phản), ông đã gạt bỏ Thánh Truyền và chủ trương rằng chỉ có Thánh Kinh mới là nền tảng cho đức tin vì tất cả những gì cần cho chúng ta được cứu độ đã được viết trong Thánh Kinh. Thuyết này được gọi là Thuyết Duy Thánh Kinh mà tiếng Latinh gọi là Sola Scriptura.
Khi loại bỏ Thánh Truyền, Lutherô đã loại bỏ chính nguồn gốc của Thánh Kinh. Cả Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước đều được truyền lại trong cộng đồng đức tin trước khi được viết xuống thành văn tự. Cựu Ước được viết cho người Do Thái, Dân được Thiên Chúa chuẩn bị cho Đấng Mêsia đến cứu độ chúng ta. Trong sách “How to Read The Bible” (Free Press, 2007), học giả Thánh Kinh Do Thái James L. Kugel giải thích rằng Người Do Thái chỉ hiểu được Thánh Kinh Cựu Ước qua những sách giảng dạy của các vị thầy hay tôn sư (rabbi) và ông đã chưng dẫn trong sách của ông rất nhiều thí dụ về điểm này. Còn Hội Thánh thì dạy rằng Thánh Truyền có trước Thánh Kinh và truyền lại trọn vẹn Lời Chúa.
Chính Chúa Giêsu trong Tân Ước đã đồng ý với người Pharisêu trong cuộc tranh luận về Thánh Kinh với người Xa Đốc. Người Xa Đốc muốn chỉ giữ những luật được viết trong Ngũ Thư. Còn người Pharisêu thì tin vào những lẽ khôn ngoan được dạy trong truyền thống của đạo Do Thái. Thí dụ như Thánh Kinh của người Do Thái không dạy rõ về việc người chết sống lại, nhưng truyền thống Do Thánh như trong Mishnah và Tadmul. Mishnah dạy rằng “những ai không tin vào kẻ chết sống lại thì không được dự phần vào thế giới sẽ đến”.[1] Chúa đã đồng ý với người Pharisêu về vấn đề này (Mt 22:23-33).
Thánh Phaolô nói rõ với tín hữu Côrinthô rằng ngài “truyền lại” cho họ điều “đã được truyền cho ngài (1 Cor 11:23). Trong thư gửi tín hữu Thêxalônica ngài cũng viết, “hãy đứng vững và giữ vững các truyền thống chúng tôi đã dạy anh em, bằng lời nói hoặc qua thư tín của chúng tôi” (2 Tx 2:15). Ở nhiều nơi trong các thư của ngài, Thánh Phaolô phân biệt giữa ý kiến của ngài và những gì ngài nhận được từ Thánh Truyền của Hội Thánh. Từ này được dịch sang tiếng Latin là traditio. Như thế chứng tỏ là Thánh Phaolô đã tin chắc rằng những gì quan trọng mà các thế hệ trước để lại phải được truyền lại cho thế hệ sau. Ngài tin rằng Chúa Thánh Thần sẽ giúp cộng đồng hiểu những gì trong kinh nghiệm và phong tục của mình, và trong cái nhìn của cộng đồng về ơn cứu chuộc, phải thực sự được giữ vững. Thực ra, Thánh Phaolô đã cẩn thận phân biệt giữa những gì ngài đưa ra như ý kiến của riêng ngài và những gì ngài coi là Truyền Thống của Hội Thánh, hay Thánh Truyền, mà ngài đã lãnh nhận tứ các Tông Đồ.
Thánh Truyền (viết hoa) đề cập đến những yếu tố của Truyền Thống mà tất cả người Công Giáo phải tin, như Chúa Giêsu có hai bản tính, Chúa hiện diện thật trong Bí Tích Thánh Thể, tính bất khả phân ly của hôn nhân, Huấn Quyền là Đức Giáo Hoàng và các Giám mục được Chúa trao quyền dạy dỗ chúng ta và ra những quyết định tối hậu về việc giải thích Thánh Kinh khi có nhiều ý kiến trái ngược nhau…Còn truyền thống (viết thường) là những điều Hội Thánh có thể thay đồi cho phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu của tín hữu, như cử hành Thánh Lễ bằng ti62ng La Tinh hay tiếng bản xứ, tình trạng độc than của linh mục, các ngày Lễ Trọng hay Lễ Buộc.
Thực ra sau khỉ loại bỏ Thánh Truyền, mỗi giáo phái Tin Lành đã thiết lập những truyền thống riêng biệt của mình về phụng tự và nhất là về ý nghĩa của những đoạn Thánh Kinh. Người Công Giáo luôn luôn phải giải thích Thánh Kinh theo Thánh Truyền, nên trên 2000 năm nay, cách giải thích Thánh Kinh của Công Giáo vẫn trước sau như một trê khắp thế giới. Khi có những giải thích sai lạc thì Huấn Quyền can thiệp và làm sáng tỏ vấn đề ngay. Chính vì loại bỏ Thánh Truyền và Huấn Quyền mà các giáo phái Tin Lành càng ngày càng thêm chia năm sẻ bảy và lập ra những truyền thống giải thích Thánh Kinh trái ngược nhau.
Họ giải thích khác nhau về ngay cả những điều rất quan trọng để được rỗi linh hồn mà Chúa nói đến trong Thánh Kinh. Thí dụ phái Báptít cho rằng không được rửa tội cho trẻ em, trong khi đó phái Luthêrô cho rằng phải rửa tội cho trẻ em. Nhiều giáo phái cho rằng phải thờ phượng Chúa vào ngày Thứ Bảy, trong khi đó các giáo phái khác cho rằng phải thờ phương vào ngày Chúa Nhật. Đa số các giáo phái Tin Lành cho rằng Chúa Giêsu không hiện diện trong Thánh Thể mà bánh và rược chỉ tượng trưng cho Mình và Máu Chúa. Nhưng những phái theo ông Calvin thì cho rằng Chúa chỉ hiện diện cách thiêng liêng trong bánh và rượu. Còn những phái theo ông Luterô thì cho rằng Chúa hiện diện thật trong bánh và rượu sau khi truyền phép, nhưng bánh và rượu vẫn còn bản chất của bánh và rượu chứ không biến thành Mình và Máu Chúa như Thánh Truyền đã dạy.
Như thế những người theo thuyết
Duy Thánh Kinh thực sự đã không giải thích Thánh Kinh hoàn toàn dựa vào Thánh
Kinh như họ nghĩ mà dựa vào truyền thống của giáo phái mà họ theo. Vì không được Chúa Thánh Thần bảo vệ như
Thánh Truyền, nên người Tin Lành đã có gần 10.000 giáo phái khác nhau, và mỗi
giáo phái có những cách giải thích
Thánh Kinh và giáo lý khác nhau dựa theo ý kiến của những người lập ra các giáo
phái ấy. Thực ra, có trên 30.000 giáo
phái khác nhau nếu chúng ta kể cả những giáo phái không được người
Tin Lành chấp nhận là Kitô hữu như Chứng Nhân Giêhôva, Mormôn và Cơ Đốc
Phục Lâm.
[1][1] https://www.myjewishlearning.com/article/jewish-resurrection-of-the-dead/