CHƯƠNG 9 – CHÚA THÁNH THẦN

Trước khi về trời, Đức Kitô đã truyền cho các môn đệ đi rao giảng và rửa tội “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.  Các Tông Đồ đã ra đi rao giảng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.  Nhờ bí tích Thánh Tẩy, sự sống bắt nguồn nơi Chúa Cha, được Chúa Con đem đến, và được Chúa Thánh Thần thông truyền cho chúng ta một cách thâm sâu trong Hội Thánh.  Vậy không có Chúa Thánh Thần thì không thể thấy Con Thiên Chúa, và không có Chúa Con, thì không ai có thể đến gần Chúa Cha.  Chúa Thánh Thần cùng hoạt động với Chúa Cha và Chúa Con từ khởi đầu cho đến lúc hoàn tất ý định cứu độ chúng ta(683-686). Chính vì những tác động của Chúa Thánh Thần mà  Hội Thánh dần dần hiểu rằng Ngài cũng là Thiên Chúa, đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con, ngang hàng với Chúa Cha và Chúa Con và cùng hiện hữu với Chúa Cha và Chúa Con trong Một Thiên Chúa Duy Nhất.

Tôi Tin Kính Ðức Chúa Thánh Thần

Chúng ta biết Chúa Cha qua việc tạo dựng, Chúa Con qua việc cứu độ, và Chúa Thánh Thần qua những việc Ngài làm trong Hội Thánh. Hội Thánh, sự hiệp thông sống động trong đức tin của các Tông Đồ do chính Hội Thánh lưu truyền, là môi trường để chúng ta nhận biết Chúa Thánh Thần (xem GLHTCG 687-688):

  • trong Thánh Kinh do Ngài linh hứng;
  • trong Thánh Truyền, mà các Giáo phụ là những chứng nhân luôn hiện đại;
  • trong Huấn quyền của Hội Thánh, được Ngài trợ lực;
  • trong phụng vụ bí tích, qua các lời nói và các biểu tượng của bí tích, trong đó Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta được hiệp thông với Đức Kitô;
  • trong kinh nguyện, chính Ngài chuyển cầu cho chúng ta;
  • trong các đặc sủng và các thừa tác vụ, nhờ đó Hội Thánh được xây dựng;
  • trong các dấu chỉ của đời sống tông đồ và thừa sai;
  • trong chứng từ của các Thánh, qua đó Ngài biểu lộ sự thánh thiện của Ngài và tiếp tục công trình cứu độ.

Sứ mạng chung của Chúa Con và Chúa Thánh Thần

Khi Chúa Cha sai Lời Ngài xuống, thì Ngài cũng gửi “Hơi Thở” của Ngài: một sứ mạng phối hợp giữa Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Ðức Kitô là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình, nhưng Chúa Thánh Thần mặc khải Ðức Kitô cho ta.  Ðức Kitô được “xức dầu” bằng Thánh Thần.  Sau khi Chúa Giêsu về trời, Người gửi Chúa Thánh Thần xuống trên những ai theo Người, để giúp họ sống kết hợp với Người(689-690).

Danh hiệu, tước hiệu và biểu hiệu của Chúa Thánh Thần

Chúa Thánh Thần là danh hiệu của Ngôi Ba Thiên Chúa.  Hội Thánh nhận danh này từ Chúa Giêsu và tuyên xưng trong bí tích Rửa Tội.  Ngài là Thần Khí của Thiên Chúa.  Chúa Giêsu gọi Chúa Thánh Thần là Ðấng An Ủi.  Ngài còn được gọi làThần Khí của Lời Hứa, Thần Khí làm ta nên nghĩa tử, Thần Khí của Ðức Kitô, Thần Khí của Chúa, Thần Khí Thiên Chúa, và Thần Khí vinh hiển. 

Thánh Kinh có nhiều biểu hiệu chỉ Chúa Thánh Thần. 

  • Nước chỉ tác động của Ngài trong việc tái sinh vào đời sống Thiên Chúa.
  • Xức dầu trở thành đồng nghĩa với Thánh Thần. 
  • Lửa chỉ năng lực biến đổi do tác động của Chúa Thánh Thần. 
  • Áng mâyánh sáng luôn đi đôi với nhau trong các lần Thánh Thần xuất hiện.
  • Dấu ấn, nói lên hiệu quả không thể xoá nhoà của việc xức dầu bằng Chúa Thánh Thần trong các bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, Truyền Chức Thánh,
  • Bàn tay ám chỉ bàn tay chữa lành, chúc phúc và thánh hiến của Chúa Giêsu, trong đó có cả việc đặt tay cầu khẩn Thánh Thần.
  • Ngón tay Thiên Chúa, và
  • Chim bồ câu, là một biểu tượng chỉ bí tích Rửa Tội. Chúa Thánh Thần đáp xuống trái tim đã được thanh tẩy của những người lãnh bí tích Rửa Tội và nghỉ ngơi ở đó (691-701).

Chúa Thánh Thần và Ngôi Lời trong thời Những Lời Hứa

Trước thời viên mãn, sứ mạng của Ngôi Lời và Thánh Thần bị che khuất nhưng vẫn luôn hoạt động.  Trong Cựu Ước, Thần Khí của Thiên Chúa và Ðấng Kitô, tuy chưa được mặc khải trọn vẹn, nhưng đã được hứa ban để nhân loại chờ đợi và sẵn sàng đón nhận(702).

  • Trong thụ tạo – Lời và Hơi Thở của Thiên Chúa là nguồn gốc và sự sống mọi thụ tạo.  Chúa Thánh Thần ngự trị, thánh hóa và làm cho thụ tạo có sinh khí, vì Ngài là Thiên Chúa.  Dù bị tội lỗi và cái chết làm biến dạng, con người vẫn “là hình ảnh Thiên Chúa”(703-704).
  • Thần khí của Lời Hứa – Thiên Chúa hứa với tổ phụ Abraham rằng Ngài sẽ phục hồi hình ảnh của Ngài nơi chúng ta qua Chúa Con và phục hồi vinh quang cho ta qua Chúa Thánh Thần (705-706). 
  • Trong Thần Hiện và Lề Luật – Thiên Chúa làm cho các lời hứa của Ngài được sinh động bằng cách hiện ra. Ngôi Lời tỏ mình cho ta thấy và nghe được, vừa được mặc khải vừa “bị che khuất” trong áng mây Thánh Thần.  Thiên Chúa hướng dẫn dân chúng qua Lề Luật, như một “phương thức sư phạm” đưa họ đến Ðức Kitô (707-708). 
  • Trong vương quốc và lưu đầy – Lề luật là dấu chỉ lời hứa và Giao Ước, lẽ ra phải điều khiển dân Israel, nhưng sau thời vua Ðavid, họ đã sa ngã và trở thành một vương quốc theo kiểu dân ngoại.  Vì quên Lề Luật và bất trung với Giao Ước, họ đã đi vào cõi chết: bị lưu đày, các lời hứa có vẻ bị thất bại.  Nhưng Thiên Chúa vẫn trung tín thực hiện lời hứa một cách mầu nhiệm, và khởi sự một cuộc phục hưng theo Thánh Thần như đã hứa.  Lưu đày mang sẵn hình bóng Thập Giá, trong ý định của Thiên Chúa, và số người sót lại từ lưu đày trở về là một trong những hình bóng trong sáng nhất về Hội Thánh (709-710).
  • Mong đợi Đấng Mêssia và Thần Khí Người – Chúa Thánh Thần đã âm thầm chuẩn bị suốt thời Cựu Ước một dân để chờ đón Ðức Kitô.  Thiên Chúa ban cho họ niềm hy vọng qua các lời tiên tri về Ðấng Mêssia, là Ðấng sẽ được Thần Khí của Chuá ngự xuống trên Người: “Thần khí khôn ngoan và minh mẫn, Thần khí biết lo liệu và sức mạnh, Thần khí hiểu biết và kính sợ Chúa” (Is 11:1-2). Người là Đấng qua việc chấp nhận khổ hình và cái chết, sẽ đổ tràn Thần Khí của Người trên nhân loại.  Những lời tiên tri này được thể hiện trọn vẹn nơi Chúa Giêsu, Người Tôi Tớ Ðau Khổ, và trong việc đổ Thánh Thần xuống trong ngày lễ Hiện Xuống (711-716).

Thần Khí của Ðức Kitô trong thời viên mãn

  • Thánh Gioan Tẩy Giả hoàn tất việc sửa soạn nhân loại để đón Ðấng Messia.  Thánh Thần dùng Thánh Gioan để báo trước điều Ngài sẽ thực hiện cùng với và trong Ðức Kitô là tái tạo con người “nên giống Thiên Chúa”.  Phép rửa của Gioan là phép rửa thống hối, còn phép rửa trong nước và trong Thánh Thần sẽ là cuộc tái sinh (717-720).
  • Khính chào Bà Đầy Ơn Phúc – Chúa Giêsu xuống thế qua Ðức Mẹ.  Mẹ là tuyệt tác của sứ mạng Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thánh Thần đã chuẩn bị Mẹ cách hoàn hảo bằng ân sủng.  Mẹ đã được thụ thai không hề mắc tội.  Mẹ xứng đáng thành nơi Chúa Con ngự.  Thánh Thần đã ngự trên Mẹ, để nhờ quyền năng Ngài mà Mẹ thụ thai Ðức Kitô.  Nhờ Mẹ, Thánh Thần đã dẫn đưa mọi tín hữu đến cùng Ðức Kitô.  Dưới chân Thánh Giá, Mẹ trở nên “Người Nữ”, Evà mới, Mẹ của các môn đệ Ðức Kitô.  Mẹ cũng là Mẹ  Hội Thánh (721-726).
  • Chúa Giêsu Kitô – Sứ vụ căn bản của Chúa Thánh Thần là xức dầu Chúa Giêsu làm Ðức Kitô.  Chúa Giêsu mặc khải về Chúa Thánh Thần cách từ từ qua giáo huấn của Người.  Một thời gian ngắn trước khi chịu chết, Người hứa ban Thánh Thần để hướng dẫn Hội Thánh trong mọi chân lý cho đến tận thế.  Sau khi Phục Sinh, Người đã hiện ra với các Tông Ðồ và thở Thần Khí trên họ để họ có thể tha tội.  Từ đó sứ vụ của Chúa Giêsu và Thánh Thần trở nên sứ vụ của Hội Thánh (727-730).

Chúa Thánh Thần và Hội Thánh trong những Ngày Sau Hết

  • Lễ Ngũ Tuần – Khi Chúa Giêsu gửi Chúa Thánh Thần xuống trong Lễ Ngũ Tuần, Người đã mặc khải trọn vẹn Chúa Ba Ngôi và mời gọi mọi người gia nhập Hội Thánh.  Từ đó, Vương Quốc của Người, là Hội Thánh, được loan báo, và mở ra cho những ai tin vào Người (731-732).
  • Chúa Thánh Thần là món quà của Thiên Chúa – Hồng ân Thánh Thần mà Người ban cho ta là ơn tình yêu.  Ơn này đem lại cho ta ơn tha tội, thay thế cái chết vì tội lỗi bằng chính sự sống của Thiên Chúa, giúp ta có khả năng yêu mến bằng tình yêu Thiên Chúa và sinh hoa quả của Chúa Thánh Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, quảng đại, nhân từ, lương thiện, trung tín, hiền hòa, tiết độ(733-736).
  • Chúa Thánh Thần và Hội ThánhSứ vụ của Ðức Kitô và Chúa Thánh Thần được hoàn tất bởi Hội Thánh, là Nhiệm Thể Người và Ðền Thờ Chúa Thánh Thần.  Chúa Thánh Thần sửa soạn cho chúng ta đón nhận Ðức Kitô, mặc khải Ðức Kitô cho chúng ta, và kết hợp chúng ta với Ðức Kitô.  Hội Thánh là một nhiệm tích, một dấu chỉ, để đem Ðức Kitô đến cho thế gian.  Qua bảy phép Bí Tích của Hội Thánh, Thần Khí và sự sống của Ðức Kitô được thông truyền đến các bộ phận của Nhiệm Thể Ðức Kitô.  Hội Thánh giúp chúng ta sống theo giáo huấn của Ðức Kitô.  Ðược Chúa Thánh Thần hướng dẫn, như các phần tử của Hội Thánh, chúng ta cầu nguyện trong sự kết hợp với Ðức Kitô.  Hội Thánh là bí tích của sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Cực Thánh và loài người (737-747).

Tóm Lại

Chúng ta đang sống trong thời đại của Chúa Thánh Thần. Ngài là Đấng chuẩn bị chúng ta và đồng hành với Chúng ta qua ân sủng của Ngài, để kéo chúng ta lại gần Đức Kitô.  Ngài là Đấng bày tỏ Đức Kitô cho chúng ta, nhắc lại cho chúng ta những Lời của Người và mở tâm trí chúng ta để hiểu Mầu Nhiệm của Đức Kitô, các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể và Hoà Giải, để giao hoà chúng ta với Thiên Chúa, đem chúng ta đến sự hiệp thông với Thiên Chúa, ban ơn cho chúng ta để chúng ta sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa và sinh nhiều hoa trái.

Câu Hòi để Suy Nghĩ và Thảo Luận

  1. Tại sao Hội Thánh lại tuyên xưng rằng Chúa Thánh Thần đồng bản thể và ngang hàng với Chúa Cha và Chúa Con?
  2. Đức Chúa Thánh Thần bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra có nghĩa gì? Việc này khác với việc Đức Chúa Con được sinh ra từ Đức Chúa Cha thế nào?
  3. Chúa Thánh Thần đóng vai trò gì trong Công Trình Cứu Độ của Thiên Chúa?
  4. Chúa Thánh Thần hiện diện qua các bằng cách nào?  Thời đại trước khi Đức Kitô nhập thể?  Trong khi Chúa rao giảng công khai? Sauk hi Chúa về trời?
  5. Giải thich về tám danh hiệu của Chúa Thánh Thần trong GLHTCG câu 693.

Các Bài Đọc Thêm

GIÁO LÝ VỂ CHÚA THÁNH THẦN

CHÚA THÁNH THẦN NÓI GÌ VỚI CHÚNG TA? của ĐTC Phanxicô

CÔNG VIỆC CỦA CHÚA THÁNH THẦN của ĐTC Phanxicô

PowerPoint Presentation 10