CÁC THÁNH CÙNG THÔNG CÔNG
Vì Hội Thánh là Nhiệm Thể Ðức Kitô, nên phải có sự hiệp thông những điều thiện hảo giữa các phần tử. Ân sủng từ thành phần quan trọng nhất là Ðức Kitô, được truyền đến tất cả các chi thể qua các bí tích. Các thánh cùng thông công là việc thông truyền các sự thánh thiện đến dân thánh của Thiên Chúa (946-948).
Thông công trong các của cải thiêng liêng (949-953)
Những gì chúng ta được chia sẻ là:
Hiệp thông đức tin – làm kho tàng sự sống trở nên phong phú hơn.
Hiệp thông các bí tích – bí tích nào cũng kết hợp chúng ta với Thiên Chúa. Hơn mọi bí tích khác, bí tích Thánh Thể đưa chúng ta vào sự hiệp thông trọn vẹn.
Hiệp thông các đặc sủng được ban cho mọi tín hữu để xây dựng Hội Thánh.
Hiệp thông tài sản – Kitô hữu là người quản lý tài sản của Chúa, nên phải coi tất cả những gì mình có là tài sản chung, để sẵn sàng chia sẻ cho những người khốn cùng.
Hiệp thông những việc bác ái chúng ta làm – Mỗi việc nhỏ nhất làm trong đức ái đều có ích cho mọi người, vì mọi người đều liên đới với nhau trong mầu nhiệm các thánh thông công. Mọi tội lỗi đều làm tổn thương sự hiệp thông này.
Hội Thánh trên trời và dưới thế (954-962)
Hội Thánh gồm những những người đang sống trên thế gian, những người đang thanh luyện trong Luyện Tội, và các thánh trên Thiên Ðàng. Nhưng tất cả chúng ta, tùy mức độ và cách thức khác nhau, đều hiệp thông trong cùng một tình mến Chúa yêu người. Sự hiệp nhất giữa những người còn sống với các anh em đã yên nghỉ trong Ðức Kitô không hề bị gián đoạn, nhưng tăng cường nhờ việc thông truyền những của cải thiêng liêng.
Các thánh trên Thiên Ðàng không ngừng cầu bầu cho chúng ta bên Chúa Cha, bằng cách dâng các công đã lập được khi còn ở dưới thế nhờ Ðấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người là Đức Kitô. Sự hiệp thông với các thánh đưa chúng ta đến gần Đức Kitô hơn vì các ngài là những môn đệ và những người noi gương Chúa.
Chúng ta cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời và hiện đang được thanh luyện, và họ cũng cầu nguyện cho chúng ta. Qua đức ái và cầu nguyện, chúng ta là một gia đình của Thiên Chúa, một Hội Thánh Công Giáo duy nhất.
ÐỨC MARIA, MẸ ÐỨC KITÔ, MẸ HỘI THÁNH
Vì Ðức Mẹ Maria là Mẹ Ðức Kitô, thì Mẹ cũng là Mẹ của các chi thể của Nhiệm Thể Người vì đã cộng tác trong đức ái để sinh ra các tín hữu trong Hội Thánh, là những chi thể của Nhiệm Thể Ðức Kitô (963).
Vai trò làm Mẹ Hội Thánh của Ðức Maria (964-971)
Việc Ðức Mẹ hoàn toàn kết hợp với Ðức Kitô là căn bản cho vai trò của Mẹ đối với Hội Thánh. Mẹ kết hợp chặt chẽ với Con Mẹ từ khi thụ thai cho đến lúc Người chịu chết. Ðặc biệt trong cuộc Khổ Nạn, Mẹ đã chịu đau khổ với người Con duy nhất của Mẹ, để cuối cùng khi hấp hối trên Thập Giá, Người đã trối Mẹ làm Mẹ của tất cả các môn đệ thân yêu của Người. Sau khi Chúa Giêsu lên trời, Mẹ đã tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban Chúa Thánh Thần xuống trên Hội Thánh cùng với các Tông Ðồ (964-965).
Mẹ ta trên bình diện ân sủng – Vì hoàn toàn gắn bó với Thánh Ý Chúa Cha, với công trình cứu độ của Con Mẹ, với mọi tác động của Chúa Thánh Thần, Mẹ là mẫu mực đức tin và đức ái hoàn hảo cho Hội Thánh. Vì Mẹ cộng tác một cách hoàn toàn và độc nhất vô nhị vào công trình cứu độ của Ðức Kitô, nên trên bình diện ân sủng, Mẹ thật là Mẹ ta. Mẹ tiếp tục thiên chức làm Mẹ cho đến khi mọi người Thiên Chúa tuyển chọn được cứu độ. Mẹ vẫn tiếp tục liên lỉ chuyển cầu cho chúng ta. Vì thế, trong Hội Thánh, Mẹ được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Ðấng Phù Hộ và Ðấng Trung Gian. Vai trò này của Mẹ không làm lu mờ vai trò trung gian duy nhất của Ðức Kitô, mà làm sáng tỏ mãnh lực của sự trung gian ấy. Vì mọi ảnh hưởng có sức cứu độ của Mẹ trên nhân loại, đều bắt nguồn từ công nghiệp dư đầy của Ðức Kitô. Thiên Chúa chia sẻ ân sủng cho chúng ta qua các người khác, đặc biệt là qua Ðức Mẹ (967-970).
Sùng kính Đức Mẹ
Hội Thánh tôn vinh Ðức Mẹ cách đặc biệt, theo Kinh Thánh. Sự sùng kính này tuy đặc biệt, nhưng khác với việc thờ phượng Thiên Chúa Ba Ngôi, và giúp phát triển việc thờ phượng Chúa Ba Ngôi(971).
Ðức Maria, hình ảnh cánh chung của Hội Thánh (972-975)
Ðức Mẹ là hình ảnh hoàn hảo cho Hội Thánh trong thời cánh chung. Nơi Mẹ, chúng ta có thể chiêm ngắm Hội Thánh đang trên đường “lữ hành đức tin”; chúng ta cũng có thể chiêm ngắm Hội Thánh mai sau, khi kết thúc hành trình tại quê hương trên trời