For English Lesson – Click here
Bài phát trong lớp bằng song ngữ – Anh Việt
Câu Hỏi chính để suy niệm trong suốt khoá học
“Tôi giải thích kinh nghệm về đức tin của tôi vào Thiên Chúa nhừ thế nào trong và qua Đức Kitô?”
Kitô học là gì?
Nhiều tác giả đề ra nhiều định nghĩa khác nhau về Kitô học. Một số tác giả định nghĩa Kitô học là việc nghiên cứu về Đức Kitô, hiểu rằng việc nghiên cứu này là một phần của môn thần học, mà thần học là môn học nghiên cứu về Thiên Chúa.
Các tác giả khác định nghĩa Kitô học như “suy nghĩ về” hoặc “suy niệm về” Đức Kitô. Các từ suy nghĩ và suy niệm ngụ ý nhiều hoạt động hơn từ nghiên cứu. Hàm ý là học viên Kitô học sẽ tham gia tích cực hơn nhiều vào tiến trình hiểu biết Đức Kitô, và như thế sự suy nghĩ của học viên là điều quan trọng trong Kitô học.
Tân Tự Điển Công Giáo định nghĩa Kitô học như “Nghành thần học bàn đặc biệt về bản tính và căn tính của Chúa Giêsu Kitô, việc Người thể hiện các tiền trưng và lời tiên tri trong Cựu Ước, cùng cuộc đời và giáo huấn của Người như được kể trong các sách Tin Mừng.”
Cha Gerard H Luttenberger định nghĩa Kitô học là “tiến trình giải thích kinh nghiệm đức tin của một người về Thiên Chúa, đang sống cho chúng ta trong và qua Chúa Giêsu, Đấng Kitô.” (An Introduction to Christology).
Thực ra tất cả các định nghĩa trên đều đúng và liên hệ với nhau. Thật không đầy đủ nếu chúng ta coi Kitô học chỉ như những nghiên cứu về Đức Kitô như nghiên cứu bất cứ một đối tượng khách quan nào khác. Kitô học cũng không trọn vẹn nếu chỉu dựa trên những kinh nghiệm đức tin về Thiên Chúa đang sống trong Đức Kitô.
Vì Đức Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là con người, Người là giao điểm giữa Thiên Chúa và loài người nên Kitô học phải dựa trên mặc khải được chính Đức Kitô tỏ bày cho các môn đệ và được truyền lại trong Hội Thánh dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Mà Hội Thánh có một mối liên hệ mật thiết với Đức Kitô vì Hội Thánh là Nhiệm Thể của Đức Kitô, nên chúng ta có thể định nghĩa Kitô học như “tiến trình giải thích kinh nghiệm đức tin của một người về Thiên Chúa đang sống trong Chúa Giêsu, Đấnd Kitô qua Nhiệm Thể Người là Hội Thánh.”
Vì Kitô học là nghành của Thần Học nên chúng ta cần phải hiểu rõ hơn về Thần Học.
Bản chất của thần học
1. Định nghĩa Thần Học?
Thần học có thể được định nghĩa như một khoa học mà trong đó lý trí giúp các tín hữu, là những người được đức tin vào Thiên Chúa hướng dẫn, cố gắng hiểu rõ hơn những mầu nhiệm mà Thiên Chúa đã mặc khải và ảnh hưởng của những mầu nhiệm này đến cuộc sống con người.
Theo Thánh Anselmô, một thần học gia thời Trung cổ, thì Thần học là đức tin đi tìm sự hiểu biết. Một thần học gia được đánh động không chỉ thuần tuý bởi óc tò mò nhưng bởi tình yêu và lòng tôn kính mầu nhiệm. Như thế động lực thúc đẩy chúng ta nghiên cứu thần học chính là đức tin. Khác với tôn giáo học, là những nghiên cứu từ một quan điểm trung lập. Thần học dựa vào đức tin và xảy ra trong một cộng đồng đức tin. Thần học là cách diễn tả đức tin của chính thần học gia và của cộng đồng mà thần học gia ấy là phần tử.
Theo Thánh Anselmô thì khi đã vững vàng trong đức tin, một người cũng cần phải học thấn học để hiểu những gì mình tin:
Cũng như trật tự hợp lý của sự vật đòi hỏi rằng chúng ta trước hết tin vào các mầu nhiệm đức tin Kitô giáo trước khi dám nghiên cứu các mầu nhiệm ấy theo lý trí, thì đối với tôi có lẽ cũng vậy, một khi đã vững chắc trong đức tin, chúng ta sẽ bị coi tắc trách nếu không cố gắng hiểu điều chúng ta tin (Cur Deus Homo) .
Trong khi thần học là những cuộc tìm kiếm của trí óc của những con người hữu hạn, thì Thiên Chúa và mầu nhiệm của Ngài lại vô hạn, nên con người sẽ phải không ngừng tìm kiếm để đào sâu sự hiểu biết về các mấu nhiệm được mặc khải càng nhiều càng tốt. Ngoài ra sự hiểu biết của con người cũng chỉ giới hạn trong hoàn cảnh xã hội của thời đại họ, cho nên môn thần học luôn luôn có tính tạm thời và không ngừng được phát triển, mặc dầu các chân lý mà thần học nghiên cứu không bao giờ thay đổi. Chínhvì thế mà Thánh Anselmô khuyên:
“Người tín hữu không nên bàn cãi về đức tin, nhưng – trong khi lưôn vững tin, yêu mến nó, và sống theo nó – người ấy có thể khiêm nhường và càng rộng càng tốt, tìm những lý do tại sao đức tin lại như thế. Nếu họ có thể hiểu, họ sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa; nếu thất bại, họ sẽ vâng phục và tôn kính nó’’ (PL 158, 263, C) .[1]
2. Sự liên hệ giữa đức tin và lý trí
Có thể nói rằng thần học là điểm gặp gỡ giữa đức tin và lý trí, nơi mà mỗi bên phải được biện minh bởi phán quyết của bên kia. Mỗi bên có các nguyên tắc và tiêu chuẩn riêng mà bê kia phải tôn trọng.
Tác giả Neil Ormerod cho rằng đức tin củng cố, sáp nhập và soi sáng gia sản chân lý được thủ đắc bởi lý trí của con người. Sự tin tưởng mà Thánh Tôma dành cho hai dụng cụ hiểu biết là đức tin và lý trí, có thể tìm được ở xác tín là cả hai xuất phát từ cùng một nguồn mạch chân lý tuyệt đối, Ngôi Lời của Thiên Chúa hoạt động trong công trình tạo dựng cũng như trong công trình cứu chuộc. Lý trí thừa nhận một chân lý bằng cách dựa vào sự hiển nhiên nội tại của nó, trái lại, đức tin chấp nhận một chân lý trên quyền bính của Lời Chúa được mạc khải. Sự phân biệt này đảm bảo quyền tự trị của các khoa học nhân văn cũng như các khoa học thần học. Tuy nhiên, nó không tương tự như một sự tách rời, mà ám chỉ một sự hợp tác có lợi giữa hai bên.
Thực ra, đức tin bảo vệ lý trí khỏi mọi cám dỗ nghi ngờ về khả năng của mình, khuyến khích nó mở ra cho những chân trời rộng lớn hơn, bảo tồn việc tìm kiếm các nền tảng và, khi chính lý trí được áp dụng vào phạm vi siêu nhiên, đức tin phong phú hoá việc làm của lý trí. Mặt khác, lý trí và những phương tiện của nó có thể làm một việc quan trọng cho đức tin, là phục vụ cho nó dưới ba mặt, mà thánh Tôma tóm tắt như sau: chứng minh những chân lý làm nền tảng của đức tin, giải thích cách rõ ràng các chân lý đức tin bằng những so sánh vững chắc, đẩy lui những kẻ nói chống lại đức tin, bằng cách chứng tỏ rằng các phát biểu của họ là sai lạc, hoặc cho thấy rằng chúng chưa chắc đã đúng”[2]
Như thế, đức tin là điều tuyệt đối cần thiết cho thần học. Sở dĩ như thế không phải chỉ vì Đức tin là nguyên liệu thô (thần học có đức tin là một khởi điểm) nhưng vì thần học tốt được thực hiện từ bên trong Đức tin. Do đó thần học là một điều gì đó nhiều hơn một suy tư đơn giản hợp lý về các dữ kiên của Mặc Khải. Đây là lý do tại sao Thánh Augustinô khẳng định: hiểu để tin, tin để hiểu.
3. Định nghĩa Đức Tin
Vào thời của Thánh Anselmô (1110) và Thánh Tôma Aquinô (1220) , khi nói đến đức tin thì ai cũng biết đó là đức tin Công Giáo. Sau thời Cải Cách Tin Lành, người ta bắt đầu đưa ra những định nghĩa và tiếu chuẩn đức tin khác nhau dựa trên suy luận của những người thiết lập các giáo phái Tin Lảnh
Ở đây chúng ta chú tâm đến đức tin Công Giáo, được Thánh Tôma định nghĩa như sau:
“Đức tin ám chỉ sự ưng thuận của trí khôn với điều được tin. Giờ đây, trí khôn ưng thuận một điều bằng hai cách. Trước hết, vì được đánh động để ưng thuận bởi chính khách thể, là điều có thể được biết vì chính nó (như trường hợp những nguyên lý thứ nhất, là những gì được tin bởi thói quen hiều) hay qua một điều gì đã biết rồi (như trong trường hợp các kết luận là điều được tin bởi thói quyen biết) . Thứ đến, trí khôn ưng thuận một điều gì, không phải bởi nó được chính khách thể đưa cách đầy đủ đến sự ưng thuận này, nhưng bởi một hành động lựa chọn, như thế trở thành tự ý theo bên này thay vì bên kia, và nếu nó được đi kèm bởi nghi ngờ hoặc sợ bên kia, thì đó sẽ chỉ là ý kiến, trong khi, nếu có sự chắc chắn và không sợ bên kia, thì sẽ là đức tin” (S.T., II-II, Q. 1, A. 4) .
Với người Công Giáo, đức tin này không những là đức tin của cá nhân mà còn đặc biệt là đức tin của Hội Thánh. Nó có ba đặc điểm:
- Đức tin là một nhân đức đối thần – Đức tin là “hành động của trí khôn chấp nhận một chân 1ý của Thiên Chúa vì sự chuyển động của ý chí, là điều được tác đông bởi ân sủng của Thiên Chúa” (Th. Tôma, S.T. II-II, Q. iv, a. 2) . Đức tin này không hệ tại việc học về Thiên Chúa của người ấy, cũng không thể có được nhờ nỗ lực của con người. Đức tin này là một hồng ân Chúa ban cho một người qua Hội Thánh khi người ấy chịu Phép Rửa Tội. Vì thế mà nó là một nhân đức đối thần. Chính vì đức tin là nhân đức đối thần, nên thần học Công Giáo không thể độc lập với mặc khải của Thiên Chúa.
- Đức tin không mù quáng – Chúng ta tin vì “uy quyền của chính Thiên Chúa, Đấng mặc khải, Đấng không thể sai lầm cũng như không thể lừa dối chúng ta. Tuy nhiên, để việc quy phục đức tin của chúng ta phù hợp với lý trí, Thiên Chúa đã muốn có những bằng chứng bề ngoài về mặc khải của Ngài kèm theo sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần, chẳng hạn như các phép lạ…, như những dấu chỉ phù hợp với lý trí của hết môi người. Một trong những nhiệm vụ của thần học là chứng minh sự hợp lý của đức tin không những chỉ bằng các phép lạ mà cả bằng những lý lẽ tự nhiên (x. GLHTCG 156) .
- Công chính hoá không chỉ nhở đức tin – Đối vớingười Công Gíao, chúng ta được công chính hoá nhờ sự ưng thuận của đức tin đối với Lời Thiên Chúa, nhưng trong sự cộng tác của đức ái nhờ sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần (x. GLHTCG 1993)
Như thế thần học Công Giáo phải theo những tiêu chuẩn mà Hội Thánh đề ra để phù hợp với đức tin Công Giáo. Đó là lý do tại sao Thánh Gioan Phaolô II đã ban hành Tông hiến “Ex Corde Ecclesiae” trong đó đưa ra những tiêu chuẩn tổng quát cho các đại học Công Giáo trên hoàn vũ. Tông hiến nói rằng thần học gia là “một vị thầy trong sự hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh Công Giáo” và “các giáo sư phải quyết tâm và có trách nhiệm dạy học thuyết Công Giáo chân chính và tránh trình bày như giáo huấn Công Giáo bất cứ điều gì trái ngược với Huấn Quyền Hội Thánh”.
Trọng Tâm của Kitô Học
Đương nhiên là trọng tâm của Kitô học là Đức Kitô. Không có gì nói rõ hơn về tầm quan trọng của Đức Kitô hơn sách Giáo Lý của Hội Thánh Côing Giáo từ câu 422-429, được tóm tắt dưới dây:
Tin Mừng: Thiên Chúa đã sai Con Ngài – Vào thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai chính Con Một Ngài đến để thực hiện lời Ngài đã hứa. Hội Thánh tuyên xưng Chúa Giêsu thành Nadareth chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa, là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Cho nên việc truyền đạt đức tin trước hết bao gồm việc loan báo Đức Kitô, để dẫn mọi người đến đức tin vào Người. Ðức Kitô là Lời ban sự sống đã xuất hiện để cứu độ chúng ta. Chúng ta tiếp tục công việc của các Tông Ðồ là rao giảng sự phong phú khôn lường của Ðức Kitô cho nhân loại (422-425).
Trọng tâm của môn Giáo Lý: Đức Kitô – Mục đích của giáo lý và của đạo Công Giáo
là đưa chúng ta đến kết hợp với Ðức Kitô.
Dạy giáo lý là dạy về Ðức Kitô. Tất
cả những điều khác được giảng dạy đều quy về Người. Ðức Kitô chính là Ðấng giảng dạy, còn những
người khác đều là phát ngôn viên của Người, để Người dạy qua miệng lưỡi họ….
Mọi giáo lý viên đều phải áp dụng cho mình lời nói nhiệm mầu của Chúa Giêsu: “Giáo huấn tôi dạy không phải là của
tôi, nhưng là của Ðấng đã sai tôi.”
Ai được mời gọi để dạy về Ðức Kitô trước hết phải tìm “mối lợi tuyệt vời là hiểu biết Ðức Kitô;” người đó phải “mất hết … để được Ðức Kitô và được kết hợp với Người.” Từ sự hiểu biết Ðức Kitô trong tình yêu,
chúng ta mới khao khát rao giảng về Người và đem tha nhân đến đức tin vào Người
(426-429).
[1] Dịch từ Introduction To Theology của José Morales và José Manuel Fidalgo, trên: http://www.oclarim.com.mo/en/2016/10/28/topic-1-what-is-theology-3-introduction-to-theology/ đọc ngày 2 tháng 1, 2019.
[2] Neil Ormerod, Introducing Contemporary Theologies, Orbis Books, Maryknoll, New York 1997)
Câu hỏi để suy nghĩ và thảo luận
Làm ơn viết câu trả lời cho những câu hỏi này và nộp lại trong lớp sau.
- Sau khi đã học bài này, bạn định nghĩa Kitô Học là gì?
- Tại sao Kitộ học lại là một tiến trình?
- Điều kiện thiết yếu để làm thần học là gì?
- Theo bạn thì “biết Đức Kitô” có nghĩa là gì?
Tóm Tắt Bài 1
Kitô học là tiến trình giải thích một kinh nghiệm đức tin về Thiên Chúa, sống cho chúng ta trong và qua Chúa Giêsu, Chúa Kitô, như được truyền lại trong Hội Thánh Công Giáo.
Đức tin tự nó là đức tin của cá nhân – “Một sự sẵn sàng của trí khôn và tâm hồn, một sự sẵn sàng của ý thức cá nhân và phó thác cho Thiên Chúa.” (trang 16 sách Intrduction to Christology) “Các niềm tin có nguồn gốc từ Thiên Chúa bởi vì, ở tận gốc, chúng được tạo ra bởi việc Thiên Chúa đã cam kết với cá nhân và đã tỏ lộ Chính Ngài cho người tín hữu. Tuy nhiên, chúng có một nguồn gốc thực sự nhân loại vì chúng bao gồm những lời nói và những hình ảnh của con người, mà người tín hữu chọn, trong một cố gắng diễn tả càng chính xác càng tốt kinh nghiệm sâu xa và huyền nhiệm về Thiên Chúa, là những điều rất khó diễn tả (trang 17). Do đó đức tin cá nhân là điều cần thiết để làm Kitô học.
Bất chấp tính cách cá nhân của Kitô học, nó không phải là riêng tư. “Một khi một cộng đồng diễn tả chính mình trong các niềm tin chung, các niềm tin này đạt được một trạng thái khách quan nhất định. Sau đó, chúng sẽ được dùng để hướng dẫn đời sống và tiếp tục duy trì kinh nghiệm tôn giáo của các phần tử trong cộng đồng. Hơn nữa, chúng có thể được sử dụng để đánh giá các niềm tin mới hơn phát sinh cả trong và ngoài cộng đồng. Cuối cùng, chúng có thể được truyền lại trong việc giảng dạy và vì thế trở thành truyền thống. Bằng cách này, chúng trở thành công cụ trong việc hình thành quan điểm tôn giáo và đời sống tôn giáo của các thế hệ tương lai. (Trang 19). Kitô học là một tiến trình bởi vì, như tất cả các môn thần học, nó liên quan đến việc giải thích liên tục về những kinh nghiệm của riêng một người trong ánh sáng của Thiên Chúa hoàn toàn siêu việt.
Chính vì thế Hội Thánh dạy rằng ai muốn làm Kitô học cho đúng thì người ấy phải tìm “mối lợi tuyệt vời là hiểu biết Ðức Kitô;” người đó phải “mất hết … để được Ðức Kitô và được kết hợp với Người.” Từ sự hiểu biết Ðức Kitô trong tình yêu, chúng ta mới khao khát rao giảng về Người và đem tha nhân đến đức tin vào Người (GLHTCG).