Bài 1 – Dẫn Nhập vào Phụng Vụ

Reading Assignment in English

  1. Sacrament Theology [KST], Introduction and Chapter 1
  2. Catechism of the Catholic Church [CCC]nos 1066 – 1112

Các Mục Tiêu Học Tập của Tổng Giáo Phận

Theo Catechetical Framework for Lifelong Faith Formation [CFLFF] tạm dịch nôm na là “Những điểm Nòng Cốt về Giáo Lý cho việc Đào Luyện Đức Tin Suốt Đời” của Tổng Gíao Phận, tất cả mọi người Công Giáo trưởng thành cần phải biết tối thiểu những điều dưới đây về Phụng Vụ.  Đây là khung sườn thiết yếu làm nền tảng cho bài học này.

  • MA 2.3.3 Phụng Vụ là sự tham gia của Dân Chúa vào công việc của Thiên Chúa và là tột đỉnh mà mọi hoạt động của Hội Thánh hướng về.
  • MA 2.3.10 Mọi cuộc cử hành Phụng Vụ đều là hành động của Đức Kitô, vị Thượng Tế và Nhiệm Thể Người, là điều đòi hỏi sự tham gia của Dân Chúa vào công việc của Thiên Chúa.
  • MA 2.3.2 Trong khi Phụng Vụ là công trình của Đức Kitô, Phụng Vụ cũng là hành động của Hội Thánh Người.  Nó giúp Hội Thánh hiện diện và bày tỏ mình như một dấu chỉ hữu hình của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại trong Đức Kitô.
  • MA 2.1.5 Hội Thánh cử hành Phụng Vụ, trên hết là Mầu Nhiệm Vượt Qua mà qua đó Đức Kitô hoàn tất công trình cứu chuộc của Người.
  • MA 2.1.3 Hội Thánh, trong vòng một năm, trình bày toàn thể mầu nhiệm của Đức Chúa Giêsu Kitô từ khi Nhập Thể và Giáng Sinh đến khi Lên Trời, cho đến lúc Chúa Thánh Thần hiện xuống và việc mong đợi Ngày Trở Lại hồng phúc của Chúa.
  • MA 2.1.4 Trong Phụng Vụ của Hội Thánh, chính Đức Kitô là Đấng biểu thị và hiện tại hoá Mầu Nhiệm Vượt qua của Người.
  • MA 2.1.6 Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô không thể ở mãi trong quá khứ bời vì nó siêu vượt mọi thời gian, đồng thời được hiện tại hoá trong thời gian. 
  • MA 2.1.7 Đối với các Kitô hữu, Mầu Nhiệm Vượt Qua có nghĩa là giờ đây họ có thể chết cho tội lỗi và sự thống trị của chúng trên cuộc sống họ, và vượt sang đời sống thần linh, đang có trên thế gian, và sẽ trọn vẹn hơn trên Thiên Đàng.
  • MA 2.1.1 Người Công Giáo được mời gọi để lớn lên trong sự hiểu biết, sống và làm nhân chứng cho cuộc Khổ Nạn, Cái Chết, sự Phục Sinh và Lên Trời của Đức Chúa Giêsu Kitô, được cử hành và thông truyền qua đời sống bí tích của Hội Thánh và trong đời sống thường nhật của các tín hữu. 
  • MA 2.3.4 Trong Tân Ước, từ “Phụng Vụ” không chỉ có ý nói về nghi lễ phụng thờ Thiên Chúa, mà còn nói lên việc rao giảng Tin Mừng và thực thi đức ái.
  • MA 2.3.5 Phụng Vụ đặt trọng tâm vào Thiên Chúa Ba Ngôi, và mọi hành vi thờ phượng trong Phụng Vụ đều hướng về Chúa Cha, từ Ngài mà mọi phúc lành được ban xuống qua Chúa Con trong sự hợp nhất với Chúa Thánh Thần.
  • MA 2.2.1 Toàn thể đời sống Phụng Vụ của Hội Thánh xoay quanh Hy Tế Thánh Thể và các bí tích, cùng [MA 2.3.6] việc tham dự cách trọn vẹn, tích cực và có ý thức vào hy lễ Thánh Thể và các bí tích.
  • MA 2.3.7 Phụng Vụ Thánh phải được đi trước bằng việc Phúc Âm hoá, đức tin, và hoán cải. Nó có thể sinh hoa kết quả trong đời sống của các tín hữu: đời sống mới trong Chúa Thánh Thần, tham gia vào sứ vụ của Hội Thánh và phục vụ sự hiệp nhất của Hội Thánh..
  • MA 2.1.8 Đức Chúa Cha có ý định cho Đức Chúa Giêsu Kitô trở thành phương tiện cứu chuộc cho toàn thể nhân loại, và vì là sự bày tỏ hữu hình của việc cứu chuộc ấy cho nên Người có thể được coi là Bí Tích Nguyên Thuỷ.

Tầm quan trọng của Phụng Vụ

Kinh Tin Kính tuyên xưng rằng Ðức Chúa Cha đã sai Ðức Chúa Con và Ðức Chúa Thánh Thần đến để cứu độ nhân loại và làm vinh Danh Ngài.  Ðó là mầu nhiệm của Ðức Kitô được mặc khải và thực hiện trong lịch sử, theo một chương trình khôn ngoan được gọi là Công Trình Cứu Ðộ hay Nhiệm Cục Cứu Độ.  Công trình này đã được tiên báo trong Cựu Ước, được Ðức Kitô hoàn tất qua mầu nhiệm Vượt Qua của Người.  Hội Thánh loan truyền và cử hành mầu nhiệm này để giúp các tín hữu sống và làm chứng mầu nhiệm này trên toàn thế giới (x. GL #1066-1068).

Chính vì thế mà Công Đồng Vaticanô II xác quyết rằng công trình cứu độ chúng ta được hoàn tất qua Phụng Vụ (x. SC #2).

Tại sao phải học về Phụng Vụ và Bí Tich?

Trong Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, các Nghị Phụ Công Đồng Vaticanô II quả quyết rằng, “Phụng Vụ là tột đỉnh mà hoạt động của Hội Thánh hướng về; đồng thời cũng là nguồn mạch tuôn trào tất cả sức lực của Hội Thánh.” (SC #10).  Mà Hội Thánh là ai?  Nhiều người cho rằng Hội Thánh là các giáo sĩ và tu sĩ, nhưng thực ra thành phần chính và quan trọng nhất của Hội Thánh là các tín hữu giáo dân.  Trong Hội Thánh, các Đấng Bậc chỉ là một thiểu số được Thiên Chúa tuyển chọn để phục vụ cho đa số, là các tín hữu giáo dân.  Giáo dân là những chiến sĩ của Hội Thánh được gửi vào thế gian để Phúc Âm hoá thế gian, như men như muối ướp thế gian.  Muốn được như thế thì các tín hữu giáo dân phải biết cách “diễn tả trong đời sống của mìnhbày tỏ cho những người khác mầu nhiệm của Đức Kitô và bản chất thật sự của Hội Thánh” (SC #2).

Không có cách truyền giáo hay Phúc Âm hoá thế gian nào hữu hiệu hơn chính cách sống của các tín hữu giáo dân trong các sinh hoạt trần thế hằng ngày.  Trong lời mở đầu của sách Thần Học bí tích, Cha Kurt Stasiak đã nói rằng “Actions speak louder than words” là câu nói tương tự với câu tục ngữ  Việt Nam, “Lời nói lung lay, gương bầy lôi kéo”.  Ngài giải thích rằng tuy Đức Tin của chúng ta không những là một hệ thống tín lý và tín điều, mà còn là “một lối sống liên tục mời gọi chúng ta thực hành những gì chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính”.  Như vậy lời nói và việc làm của chúng ta có liên hệ với Phụng Vụ thế nào?

Phụng Vụ làm gì để giúp chúng ta diễn tả trong đời sống của mình, và bày tỏ cho người khác, mầu nhiệm của Đức Kitô và bản chất thực sự của Hội Thánh thật?

Công Đồng Vaticanô khẳng định rằng Đức Kitô đã hoàn tất công trình cứu độ của Người qua Phụng Vụ, nhất là trong hy lễ Thánh Thể.  Chính vì thế mà Công Đồng quả quyết:

Hằng ngày, Phụng Vụ kiến tạo những người bên trong Hội Thánh thành đền thánh trong Chúa, thành nơi cư ngụ của Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần, để đạt tới mức độ trưởng thành sung mãn của Đức Kitô.  Nhờ đó, Phụng Vụ còn tăng cường sức lực cho họ cách lạ lùng để rao giảng Đức Kitô; và như vậy Phụng Vụ cũng bày tỏ cho những người bên ngoài thấy Hội Thánh như một dấu chỉ nêu cao trước mặt muôn dân dân, ngõ hầu con cái Thiên Chúa đang tản mác được qui tụ nên một  cho tới khi thành một đàn chiên theo một Chúa chiên (SC #2).

Vì tội Nguyên Tổ, chúng ta trở nên yếu đuối, không thể tự giải thoát mình khỏi vòng cương toả của ma quỷ và tội lỗi.   Qua Cuộc Khổ Nạn, cái Chết và Phục Sinh, Chúa Giêsu đã chiến thắng tội lỗi và sự chết.  Người đã giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi.  Công trình cứu chuộc của Chúa giờ đây được hiện tại hoá trong các bí tích, chỉ cần chúng ta thành tâm đến lãnh nhận là chúng ta sẽ được cứu độ.  Nếu chúng ta khơng hợp tác với ơn Chúa thì Chúa không thể nào cứu chúng ta được, như lời  Thánh Augustinô rfằng “Thiên Chúa không cần chúng ta khi dựng nên chúng ta, nhưng Ngài không thể cứu nổi chúng ta nếu không có sự hợp tác của chúng ta” (x. Augustinô, Sermo 169, 13 [PL 38,923]).  Trong Phụng Vụ, công nghiệp của Đức Kitô trong mầu nhiệm Vượt Qua được dọn ra cho chúng ta.  Nếu chúng ta chuẩn bị tâm hồn để lãnh nhận thì những ân sủng ấy sẽ sinh hoa trái dồi dào trong linh hồn và cuộc sống chúng ta.  Chúng sẽ biến đổi chúng ta theo khuôn mẫu của Chúa Giêsu.  Chúng ta sẽ thành những con người mới rập khuôn Đức Kitô.  Chúa Thánh Thần sẽ cư ngụ dồi dào trong chúng ta và ban cho chúng ta sức lực một cách lạ lùng để rao giảng Đức Kitô, không những chỉ bằng lời nói, mà nhất là bằng việc làm của mình.  Nhờ đó chúng ta có thể thu hút nhiều người trở về với Chúa.  Thật đúng như câu “lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”.

Nếu Phụng Vụ có hiệu năng vô song như thế thì tại sao Hội Thánh có vẻ càng ngày càng tha hoá và đa số chúng ta, dù đã tham dự Phụng Vụ không biết bao lần, mà vẫn chẳng tốt lành hơn chút nào?

Sở dĩ chúng ta chưa được như thế vì chúng ta chưa hiểu đủ về Phụng Vụ và chưa biết chuẩn bị tâm hồn cho đúng cách để lãnh nhận được nhiều ơn Chúa trong Phụng Vụ.  Công Đồng dạy rằng nếu chúng ra không chuẩn bị thích hợp và không biết cộng tác với ơn sủng của Thiên Chúa, thì chúng ta tham dự Phụng Vụ một cách vô ích (x. SC #11). Phụng Vụ chỉ biến đổi chúng ta khi chúng ta tham dự Phụng Vụ một cách trọn vẹn, tích cực và có ý thức.  Sự biến đổi này sẽ được chứng tỏ bằng cách sống của chúng ta ở ngoài đời, sau các buổi cử hành Phụng Vụ.

Chính vì thế mà Công Đồng Vaticanô II nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc học hỏi về Phụng Vụ và bí tích:

Mẹ Hội Thánh tha thiết mong ước rằng tất cả mọi tín hữu được dẫn đến sự tham dự trọn vẹn, có ý thức, và tích cực vào các buổi cử hành Phụng Vụ …vì nó là nguồn mạch chính và tuyệt đối cần thiết mà từ đó các tín hữu nhận được tinh thần Kitô thật sự (SC #4).

Hội Thánh luôn quan tâm giúp các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy, không như những khán giả xa lạ và nín lặng, nhưng như những người thấu hiểu mầu nhiệm nhờ các nghi lễ và kinh nguyện, tham gia vào Thánh Lễ cách ý thức, thành kính và tích cực, được Lời Chúa giáo huấn, được bàn tiệc Mình Chúa bổ sức, dâng lời tạ ơn Chúa, và không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với ngài để hiến dâng lễ vật tinh tuyền, họ tập dâng hiến chính mình; và ngày qua ngày, nhờ Đức Kitô là Trung Gian, họ đạt đến mức viên mãn trong sự hợp nhất với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người (SC #48).

Vậy Phụng Vụ tăng cường sức lực để giúp chúng ta sống đạo và làm chứng cho những người khác rằng mình là ai vì những gì Đức Kitô đã làm cho mình.  Như thế thì Phụng Vụ làm một điều gì đó trong chúng ta, vì chúng ta và cho chúng ta, để rồi chúng ta có thể làm một điều gì trong thế gian, vì thế gian và cho thế gian (x. KST, Chương 1) sau khi tham dự Phụng Vụ.  Nhưng từ Phụng Vụ thực sự có nghĩa gì?

Phụng Vụ là Công Việc của Dân Chúng

Phụng Vụ theo nguyên ngữ Hy Lạp là leitourgia, được ghép bởi hai từ leitos (của dân chúng) và ergon (công việc).  Như thế theo nghĩa thế tục, nó có nghĩa là “việc công cộng”, “việc làm nhân danh dân chúng và vì dân chúng”.  Trong truyền thống Kitô giáo, nó có nghĩa là “việc tham gia của Dân Thiên Chúa vào công việc của Thiên Chúa”.  Từ này được áp dụng từ thời các Tông Đồ (x. Cv 13:2) cho hành động tham gia vào việc thờ phượng Thiên Chúa của cộng đồng tư tế (x. 1 Pr 2:5) của các Kitô hữu, là Nhiệm Thể Đức Kitô. 

Qua Phụng Vụ, Ðức Kitô, Ðấng Cứu Độ và Thượng Tế, tiếp tục công trình cứu độ trong, với và qua Hội Thánh.  Tân Ước sử dụng từ “Phụng Vụ” không những để chỉ nghi lễ phụng thờ Thiên Chúa, mà còn nói lên việc rao giảng Tin Mừng và thực thi đức ái.  Phụng Vụ nhắm đến hai mục tiêu rõ ràng: phục vụ Thiên Chúa và con người.  Vì là công việc của Ðức Kitô Tư Tế và Nhiệm Thể Người là Hội Thánh nên mọi cử hành Phụng Vụ đều là việc làm chí thánh, có hiệu lực hơn tất cả mọi việc khác của Hội Thánh (x. GL số 1069-1070).

Phụng Vụ Là Công Việc

Thường thì chúng ta không nghĩ rằng Phụng Vụ là một công việc hay một việc làm.  Đa số chúng ta cho rằng các Linh Mục là những vị cử hành các buổi Phụng Vụ còn giáo dân chỉ là những người tham dự cách thụ động.  Với nhiều người, tham dự Phụng Vụ là ngồi trong nhà thờ, nghe Cha giảng và lãnh nhận các bí tích hay được các Cha ban phép lành.  Như thế tại sao Hội Thánh lại coi Phụng Vụ là một công việc?

Theo định nghĩa thông thường thì công việc là “những nỗ lực của trí khôn hay thể xác hoặc những hoạt động nhằm tạo ra hay hoàn thành một điều gì”.  Chẳng hạn như một bác thợ mộc nỗ lực làm việc để đóng một cái bàn; một người nỗ lực đi làm để có tiền nuôi sống chính mình và gia đình, vv…. Đối với tất cả mọi người, ai cũng muốn có công ăn việc làm tốt, chẳng ai muốn thất nghiệp cả.  Những ý nghĩa thế tục này của công việc giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa và tầm quan trọng của Phụng Vụ vì Phụng Vụ là công việc hay việc làm “thánh” mà qua đó Đức Kitô hoàn tất công trình cứu độ chúng ta.

Phụng Vụ là một công việc “thánh” mà chúng ta làm.  Phụng Vụ là một hoạt động, một thao dượt đòi hỏi chúng ta phải cố gắng, chứ không chỉ quan sát như những khán thính giả bàng quan.  Vậy tại sao chúng ta làm công việc Phụng Vụ?  Công việc trong Phụng Vụ là gì?  Chúng ta làm việc cử hành Phụng Vụ vì chúng ta tin những điều gì đó về Thiên Chúa, về Hội Thánh và về chính mình. Và chúng ta làm việc cử hành Phụng Vụ vì chúng ta muốn cho người khác biết những niềm tin này.

Khi nói đến việc Hội Thánh cử hành Phụng Vụ là nói đến việc Hội Thánh đem ra thực hành những điều mà Hội Thánh tuyên xưng là mình tin như diễn tả trong câu: lex orandi, lex credendi.  Chính vì thế mà sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo gọi công việc của Phụng Vụ là sự tham gia của chúng ta vào công trình của Thiên Chúa: “Qua Phụng Vụ, Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc và Thượng Tế của chúng ta, tiếp tục công việc cứu chuộc chúng ta trong, với và qua Hội Thánh Người” (x. GL #1069).

Vậy việc Phụng Vụ chính là công ăn việc làm “thiêng liêng” của chúng ta.  Theo từ ngữ tôn giáo thì Phụng Vụ là ơn gọi của chúng ta.  Trong thế gian, chúng ta đi làm để sống, chúng ta làm nghề làm móng tay (làm nail) hay uốn tóc không phải để làm đẹp cho người khác, mà để nuôi gia đình.  Tóm lại, chúng ta làm việc để nuôi thân và để có phương tiện sống một đời sống tốt đẹp hơn.

Cũng vậy, công việc của Phụng Vụ không phải là quy tụ nhau lại để nghe Cha giảng, để cùng nhau hát, để góp tiền, để khuyến khích nhau hiệp thông hoặc làm việc bác ái.  Tất cả những điều trên đương nhiên là một phần của Phụng Vụ, nhưng không phải là điều chính yếu.  Lý do chính để chúng ta làm việc Phụng Vụ là để lãnh nhận tất cả những hồng ân Chúa ban, ngõ hầu chúng ta có dồi dào để ban tặng tha nhân, để nuôi dưỡng chính mình bằng tình yêu và ân sủng mà Thiên Chúa bày tỏ cho chúng ta trong Phụng Vụ. 

Chúng ta làm công việc Phụng Vụ vì chúng ta là Hội Thánh, và Phụng Vụ là phương tiện chính mà qua đó Hội Thánh nâng đỡ, xác định, củng cố và hướng dẫn tất cả mọi việc tâm linh và mục vụ của mình.  Công Đồng Vaticanô II nhắc nhở chúng ta rằng, “Phụng Vụ là tột đỉnh mà hoạt động của Hội Thánh hướng về; đồng thời cũng là nguồn mạch tuôn trào tất cả sức lực của Hội Thánh” (SC #10).  Như thế Phụng Vụ là “công ăn việc làm” của Hội Thánh, là “nghề nghiệp” chính của Hội Thánh.  Chúng ta cử hành Phụng Vụ vì chúng ta là Hội Thánh.  Chúng ta cử hành Phụng Vụ để chúng ta trở thành Hội Thánh.

Thực ra, chính Phụng Vụ làm cho tất cả mọi công việc của Hội Thánh có ý nghĩa hay có mục đích.  Hai mục đích quan trọng nhất là chúc tụng Thiên Chúa và lớn lên trong sự thánh thiện.  Theo Cha Stasiak thì điều mà Đức Hồng Y Henri de Lubac nói về bí tích Thánh Thể “Eucharista facit ecclesiam” cũng có thể áp dụng cho Phụng Vụ và các bí tích là  “Hội Thánh thực hiện Phụng Vụ và các bí tích, và Phụng Vụ và các bí tích tạo thành Hội Thánh.”

Phụng Vụ là Công Việc của Tất Cả Tín Hữu

Công Đồng Vaticanô II phân biệt cách rõ ràng giữa chức tư tế thừa tác (có chức thánh) và chức tư tế cộng đồng của các tín hữu (x. Lumen Gentium [LG] #10).  Tuy nhiên Công Đồng khẳng định rằng, nhờ Phép Rửa, tất cả mọi tín hữu đều được thông phần một cách nào đó vào chức tư tế của Đức Kitô.  Tham dự Phụng Vụ là “thực thi chức năng tư tế của chính Đức Chúa Giêsu Kitô” (SC #7).  Việc cử hành Phụng Vụ không chỉ dành riêng cho các giáo sĩ mà cho mọi tín hữu như Công Đồng xác quyết trong SC #14:

Mẹ Hội Thánh tha thiết ước mong toàn thể các tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành Phụng Vụ cách trọn vẹn, có ý thức và tích cực. Việc tham dự ấy do chính bản tính Phụng Vụ đòi hỏi; lại nữa, nhờ phép Rửa Tội, việc tham dự Phụng Vụ trở thành quyền lợi và bổn phận của dân Kitô giáo, “là giòng giống được lựa chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, là con dân đã được cứu chuộc” (x. 1Phr 2:9,4-5).

Phụng Vụ có thể được coi như công việc của dân chúng bởi vì mỗi cộng đoàn chia sẻ lời cầu nguyện của chính Đức Kitô dâng lên Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần.  Mọi lời cầu nguyện Kitô giáo đều bắt nguồn từ và kết thúc với Phụng Vụ (x. GL #1073). Hơn nữa, Phụng Vụ là công việc của dân chúng khi họ thực thi phần sự của họ trong chức năng tư tế của Đức Kitô.  Như thế, Phụng Vụ là công việc quan trọng nhất, là nghề nghiệp cao quý nhất mà một người Công Giáo có thể làm.  Công Đồng nhắc nhở chúng ta rằng, “vì là công việc của Đức Kitô Tư Tế và Thân Thể của Người là Hội Thánh, nên mọi việc cử hành Phụng Vụ đều là hành vi chí thánh vượt trên mọi hành vi khác.  Không một hành vi nào khác của Hội Thánh có hiệu lực bằng, cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp (SC #7).

Phụng Vụ Thực Sự là Công Việc

Phụng Vụ không phải là điều gì xảy ra trong nhà thờ mà là việc xây dựng Hội Thánh, là hành động quan trọng nhất của Hội Thánh.

Một cuộc cử hành Phụng Vụ có thể có một mở đầu và một kết thúc nhất định.  Nhưng vì tầm quan trọng của nó trong và đối với Hội Thánh, nên phải có những việc làm trước và sau cuộc cử hành, cũng như những việc làm phải xảy ra vì nó.  Sách Giáo Lý dạy rằng trước khi tham dự Phụng Vụ, con người cần được rao giảng Tin Mừng, cần có đức tin và hoán cải.  Rồi nhờ Phụng Vụ họ nhận được sự sống mới trong Chúa Thánh Thần để dấn thân trong sứ vụ và phục vụ sự hợp nhất của Hội Thánh(#1072),

Phụng Vụ là một công việc vì nó đòi hỏi sự chuẩn bị, quyết tâm dấn thân và hành động.  Để hiểu bản chất thật và mục đích của Phụng Vụ, chúng ta cần phải nhận ra rằng cách sống của chúng ta phải khác những người không phài Công Giáo khi ở ngoài nhà thờ vì những điều chúng ta làm khi ở trong nhà thờ.  Chúa Giêsu dạy rõ ràng rằng muốn nên thánh thì chúng ta phải kính mến Thiên Chúa hết lòng hết sức và phải yêu tha nhân như chính mình (x. Mt 22:37-39).  Chúng ta không có chọn lựa nào khác ngoài việc mến Chúa yêu người.  Chúng ta phải làm cả hai vì đó là tiêu chuẩn mà Chúa dùng để xét xử chúng ta.

Phụng Vụ vừa là công trình của Ðức Kitô, vừa là hành động của Hội Thánh là Thân Mình Đức Kitô. Nó làm cho Hội Thánh hiện diện và tỏ lộ như dấu chỉ hữu hình về sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người qua Ðức Kitô.  Phụng Vụ dẫn đưa các tín hữu vào Sự Sống Mới trong cộng đoàn và liên quan đến việc tham dự cách trọn vẹn, có ý thức, tích cực và có hiệu quả của mọi người.  Nhờ Phụng Vụ, Dân Chúa đem những gì họ tin ra thực hành trong đời sống thường nhật.  Phụng Vụ thực sự là công việc vì nó đòi hỏi một sự tham dự trọn vẹn, tích cực và có ý thức, tức là phải chuẩn bị, quyết tâm dấn thân và hành động.

Phụng Vụ còn là nguồn đặc biệt của việc dạy Giáo Lý vì việc dạy Giáo Lý phải liên kết chặt chẽ với mọi hoạt vi Phụng Vụ và bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể.  Việc dạy Giáo Lý dựa theo Phụng Vụ nhằm đưa con người vào mầu nhiệm Ðức Kitô, dẫn từ hữu hình tới vô hình, từ dấu chỉ tới thực tại, từ các bí tích tới các mầu nhiệm(x. GL #1074-1075).

Phụng Vụ là Công Trình của Chúa Ba Ngôi

Phụng Vụ là công việc của dân chúng, là công việc của toàn thể Dân Thiên Chúa khi họ thực thi phần vụ của mình trong việc chia sẻ chức năng tư tế của Đức Kitô.  Nhưng trước hết, Phụng Vụ là công việc của Thiên Chúa.  Có thể nói rằng Phụng Vụ và Các bí tích là những thời điểm đặc biệt trong đó Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau, khi Đấng Vô Hình mặc lấy một hình dạng mà con người có thể thấy, gặp gỡ, cảm nghiệm, hiểu và đáp lại.

Phụng Vụ là Công Việc của Chúa Cha

Thiên Chúa Cha là nguồn mọi phúc lành chúng ta nhận được trong Phụng Vụ.  Các phúc lành này bao gồm tất cả những gì Ngài đã phán, đã làm và đã ban cho chúng ta, từ tạo thiên lập địa, qua Cựu Ước, đến Ơn Cứu Độ trong Đức Kitô. Phụng Vụ nhắc cho chúng ta rằng chương trình cứu độ là một chúc lành triền miên của Thiên Chúa.  Chính Thiên Chúa “đã chọn chúng ta trong Đức Kitô ngay cả trước khi tạo thành vũ trụ, để chúng ta trở nên thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Ngài trong tình yêu” (Eph 1:4).  Chúng ta là con cái Thiên Chúa vì Ngài đã nhận chúng ta làm nghĩa tử và nghĩa nữ.  Phụng Vụ là lời đáp trả của Hội Thánh đối với những phúc lành này.  Hội Thánh chúc tụng Chúa Cha qua việc thờ phượng, ngợi khen và tạ ơn.  Biết ơn là một thái độ cơ bản của các Kitô hữu mà tạ ơn lại là một việc làm.  Chính vì thế mà Thánh Lễ được gọi là Lễ Tạ Ơn.  Ngoài ra, Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa “lễ vật là chính những hồng ân Chúa ban”, và xin Ngài cho Thánh Thần thánh hóa các lễ vật, Hội Thánh, các tín hữu và toàn thế giới.  Nhờ kết hợp với Ðức Kitô, và qua quyền năng của Chúa Thánh Thần, những phúc lành này đem lại hoa quả sự sống (GL #1077-1083).

Nhưng Chúa Cha không những là nguồn mạch của Phụng Vụ mà còn là mục tiêu của Phụng Vụ.  Bởi vì trên hết, Phụng Vụ là lời đáp trả của chúng ta với tình yêu và công việc của Thiên Chúa.  Việc cảm tạ Thiên Chúa của chúng ta giúp chúng ta lớn lên trong ân sủng của Ngài chứ không thêm vinh dự gì cho Ngài cả, như Kinh Tiền Tụng chung IV diễn tả thật chính xác:

Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con.

Tóm lại, qua Phụng Vụ chúng ta cử hành phúc lành mà chúng ta đã nhận được từ Thiên Chúa.  Qua Phụng Vụ chúng ta dâng lên Thiên Chúa lòng biết ơn, lời chúc tụng và tạ ơn để chính chúng ta đưc lớn lên trong ân sủng của Thiên Chúa.  Chiều kích song đôi này, hành động tương tác này, luôn luôn hiện diện trong các cuộc cử hành Phụng Vụ của chúng ta: chúng ta nhìn nhận những hồng ân mà Thiên Chúa đã banđáp trả lại những hồng ân ấy.

Phụng Vụ là Công việc của Đức Kitô, Chúa Con

Qua Phụng Vụ vá các bí tích chúng ta được tham gia và góp phần vào công việc của Thiên Chúa.  Thực ra chúng ta có thể coi Đức Kitô là “bí tích nguyên thuỷ” của Thiên Chúa Cha.  Thiên Chúa quá yêu thế gian đến nỗi ban Con Một của Ngài cho thế gian (x. Ga 3:16).  Như thế Chúa Con Nhập Thể, Đức Kitô, chính là dấu chỉ hay bí tích rõ ràng và hữu hình nhất của tình yêu mà Chúa Cha dành cho thế gian.  Đức Kitô là môt bí tích tồn tại mãi, vì để giữ lời hứa của Người với các môn đệ là đổ đầy Thánh Thần trên các ngài để các ngài trở thành dấu chỉ bí tích của Người (x. GL #1087).

Sự hiện diện kéo dài này của “Bí Tích Nguyên Thuỷ” của Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô cho thấy sự khác biệt giữa “việc làm công cộng” của Hội Thánh Công Giáo và của các hội từ thiện.  Cả hai đều là “việc công cộng” và là những việc phục vụ cần thiết, nhưng sự khác biệt chính yếu là “việc công cộng” của Hội Thánh được thực hiện nhân danh Đức Kitô.  Khi làm việc bác ái hay tông đồ, chúng ta phải trả lời hai câu hỏi: “Chúng ta có thể thoả mãn các nhu cầu của dân chúng như thế nào?” và “Làm sao chúng ta có thể gíup họ nhân danh Chúa chứ không nhân danh mình?”  Nói cách khác, Chúa Giêsu đảm bảo với chúng ta rằng chúng ta sẽ luôn luôn có người nghèo với mình.  Khi làm việc công cộng, Nhiệm vụ của Hội Thánh là đảm bảo rằng người nghèo sẽ nhận biết rằng Đức Kitô ở với họ.

Ðức Kitô Phục Sinh đang “ngự bên hữu Chúa Cha”, nhưng vẫn hoạt động trong Hội Thánh qua các bí tích mà Người đã thiết lập để thông ban ân sủng. Các bí tích là những dấu chỉ đem lại ân sủng mà chúng diễn tả.  Trong Phụng Vụ của Hội Thánh, chính Ðức Kitô diễn tả và thực hiện mầu nhiệm Vượt Qua của Người (x. GL #1084-1085).

Chúa Giêsu đãsai các Tông Đồ, được đầy Thánh Thần, không những đi rao giảng Tin Mừng, mà còn “thực thi công trình cứu độ mà các ngài loan báo, nhờ Hiến Tế và các bí tích, trung tâm điểm của của toàn thể đời sống Phụng Vụ.”  Qua việc ban Chúa Thánh Thần cho các ngài, Người đã ban cho các ngài quyền thánh hóa để trở thành dấu chỉ bí tích của Người.  Các ngài cũng chuyển giao quyền thánh hóa này cho những người kế vị nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần. Việc “kế vị tông đồ” thiết lập toàn bộ đời sống Phụng Vụ của Hội Thánh, được truyền lại qua bí tích Truyền Chức Thánh (x, GL #1086-1087).

Trong mọi hoạt động Phụng Vụ, Đức Kitô thật sự hiện diện qua các thừa tác viên và cộng đoàn. Người nói qua Thánh Kinh và hành động qua các bí tích.  Người hiện diện trong Thánh Lễ, không những qua thừa tác vụ của các linh mục, mà còn thực sự dưới hình bánh rượu.  Người hiện diện trong các bí tích nhờ quyền năng của Người. Sau hết, Người hiện diện khi Hội Thánh cầu nguyện và hát thánh vịnh (x. GL #1088-1089).

QuaPhụng Vụ dưới trần, Đức Kitô cho chúng ta tham dự và nếm trước Phụng Vụ Thiên Quốc nơi Thành Thánh Giêrusalem, mà chúng ta là lữ khách đang tiến về; ở đó, Đức Kitô là thừa tác viên của cung thánh, của nhà tạm đích thực. Người cũng kết hợp chúng ta với các thánh cùng toàn thể đạo binh trên trời đồng thanh tôn vinh Thiên Chúa (x. GL #1090).

Vai Trò của Chúa Thánh Thần trong Phụng Vụ

Trong Phụng Vụ, Chúa Thánh Thần là thầy dạy đức tin, và thực thi những kỳ công của Thiên Chúa, là các bí tích của Giao Ước Mới. Ngài giúp ta đón nhận sự sống của Đức Kitô.  Trong Phụng Vụ, Ngài chuẩn bị cho ta gặp Đức Kitô bằng bốn cách đặc biệt (x. GL #1091-1092):

  • Nhắc nhở cho chúng ta việc sửa soạn đón nhận ơn cứu độ của dân Chúa trong Cựu Ước qua các bài đọc Cựu Ước, qua Thánh Vịnh, và nhắc lại các biến cố cứu độ được hoàn thành trong Đức Kitô, như Giao Ước, Xuất Hành và Vượt Qua. Qua Phụng Vụ chúng ta được nhắc nhở phải chuẩn bị thế nào để đón nhận Đức Kitô hôm nay. Trong Giao Ước Mới, mọi hoạt động Phụng Vụ đều là cuộc gặp gỡ giữa Đức Kitô và Hội Thánh, đặc biệt việc cử hành Thánh Lễ và các bí tích. Cộng đoàn phải được chuẩn bị để gặp Đức Kitô. Chuẩn bị tâm hồn là công việc chung của Chúa Thánh Thần, cộng đoàn, và các thừa tác viên. Các tín hữu phải được chuẩn bị như thế, mới có thể đón nhận được những hoa quả của Đời Sống mới mà Phụng Vụ mang lại (x. GL #1093-1098).
    • Bày tỏ Đức Kitô và công trình cứu độ của Người trong Phụng Vụ.  Chúa Thánh Thần làm cho Lời Chúa sống động và giúp Cộng Ðoàn hiểu được ý nghĩa ý nghĩa thiêng liêng của Lời Chúa, để họ đón nhận và thực thi trong đời sống.  Tân Ước và phần của Phụng Vụ gọi là “Tưởng Niệm” (Anamnesis) nhắc lại cho chúng ta những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta trong lịch sử cứu độ, và mời gọi chúng ta sống kết hợp với Đức Kitô (x. GL #1099-1103).
    • Phụng Vụ không lập lại Mầu Nhiệm Phục Sinh, nhưng hiện tại hoá việc Chúa chịu Khổ Nạn, Sống Lại và Lên Trời để chúng ta được tham dự vào mầu nhiệm này.  Lời “Xin ban Thánh Thần” (Epiclesis) là lời nguyện linh mục dâng lên Chúa Cha, để xin Ngài sai Thánh Thần xuống biến lễ vật thành Mình và Máu Đức Kitô, và các tín hữu trở nên của lễ sống động dâng lên Thiên Chúa khi họ rước Thánh Thể.  Cùng với anamnesis, epiclesis là trọng tâm của mỗi cử hành bí tích, nhất là trong Thánh Lễ. Quyền năng biến đổi của Chúa Thánh Thần trong Phụng Vụ làm cho Nước Trời mau đến và hoàn tất mầu nhiệm cứu độ (x. GL #1104-1107).
    • Trong mọi hoạt động Phụng Vụ, Chúa Thánh Thần được sai đến để giúp chúng ta hiệp thông với Đức Kitô.  Sự hợp tác thâm sâu nhất giữa Chúa Thánh Thần và Hội Thánh được thực hiện trong Phụng Vụ.  Chúa Thánh Thần luôn ở trong Hội Thánh; nhờ đó, Hội Thánh là bí tích cao cả hiệp thông con người với Thiên Chúa. Hội Thánh cầu xin Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần đến làm cho đời sống các tín hữu trở nên của lễ sống động dâng lên Thiên Chúa bằng cách biến đổi họ nên giống hình ảnh Đức Kitô, để tâm đến sự hiệp nhất của Hội Thánh, và tham dự vào sứ mạng của Hội Thánh qua việc làm chứng và thực thi đức ái (x. GL #1108-1109).

Phụng Vụ là một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và Hội Thánh

Hội Thánh dạy rằng có bảy Bí Tich, nhưng chúng ta có thể nói rằng chung cuộc thì có hai bí tích cao trọng và căn bản nhất. Vì “Thiên Chúa qúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một Ngài” cho thế gian (Ga 3:16), cho nên Đức Kitô là bí tích, là dấu chỉ, cao cả nhất của Tình Yêu ấy.  Và đến lượt Đức Kitô, Người yêu thương và nhận Hội Thánh làm chính thân thể Người và tiếp tục sự hiện diện và công việc cứu độ thế gian của Người qua Hội Thánh.  Qua Phụng Vụ, Đức Kitô “bày tỏ cho người ngoài thấy Hội Thánh như một dấu chỉ nêu cao trước mặt muôn dân” (SC #2).  Như vậy Hội Thánh trở thành bí tích quan trọng bậc nhất đã được chính Đức Kitô thiết lập.  Từ hai bí tích cao cả này phát sinh ra bảy bí tích, là những hành vi Phụng Vụ đặc quyền và có uy lực nhất.

Đối với người Công Giáo, được rửa tội là gạt bỏ mối liên hệ riêng tư, cá nhân và độc quyền với Thiên Chúa, mà bước vào sự hiệp thông với Nhiệm Thể Đức Kitô là Hội Thánh, để làm công việc của Hội Thánh là Phụng Vụ.  Hội Thánh làm công việc Phụng Vụ và bí tích với mục đích làm cho thế gian luôn luôn biết đến công trình cứu độ và sự hiện diện yêu thương của Đức Kitô.

Sứ vụ của Chúa Thánh Thần trong Phụng Vụ của Hội Thánh là chuẩn bị cho cộng đoàn gặp gỡ Đức Kitô; là nhắc nhớ và làm tỏ hiện Đức Kitô cho đức tin của cộng đoàn; là, nhờ quyền năng biến đổi của Ngài, làm cho công trình cứu độ của Đức Kitô hiện diện và tác động trong hiện tại, và làm cho hồng ân hiệp thông được sinh hoa kết quả trong Hội Thánh (GL #1112).

Như thế Phụng Vụ và các bí tích là những kho báu cả thể của Hội Thánh.  Tuy nhiên, chúng là những kho báu thường bị che giấu.  Vì thế mà mục đích chính của khoá học và tập sách nhỏ này là trả lời câu hỏi:  Các bí tích là gì, chúng hoạt động để làm trung gian ban phát ân sủng của Thiên Chúa ra sao, và chúng đóng vai trò gì trong cuộc sống chúng ta?

TÓM LƯỢC

  • Chịu phép rửa là bước vào sự hiệp thông với Hội Thánh, thành phần tử của Hội Thánh để làm công việc của Hội Thánh là Phụng Vụ.
  • Phụng Vụ hoàn tất “công việc cứu độ chúng ta” (SC #2). Nó ban khả năng cho chúng ta để làm chứng cho người khác biết rằng mình là ai vì những gì mà Đức Kitô đã làm cho mình. Phụng Vụ làm một điều gì đó trong chúng ta, vì chúng ta và cho chúng ta, để chúng ta có thể làm một điều gì trong, vì và cho tha nhân.
  • Phụng Vụ là “công việc của dân chúng”, là một hoạt động để nâng đỡ Hội Thánh. Tất cả chúng ta được mời gọi để tham dự một cách trọn vẹn, có ý thức và tích cực.  Vì Phụng Vụ là công việc, nó đòi hỏi một sự đáp trả tích cực, chứ không phải chỉ quan sát thụ động.
  • Vì Phụng Vụ và các bí tích là sự đáp trả của con người, nhưng cũng đừng quên rằng Phụng Vụ trên hết là công trình của Đức Kitô.  Chúng ta có Phụng Vụ vì cùng một lý do khiến chúng ta có Hội Thánh: để tiếp tục công việc của Đức Kitô và tỏ lộ ân sủng của Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người.  Phụng Vụ và các bí tích là thời điểm và không gian mà chính ở đó Trời và đất gặp gỡ nhau.  Hội Thánh làm những công việc của con người nhân danh Đức Kitô.

CÁC CÂU HỎI ĐỂ SUY NGHĨ VÀ THẢO LUẬN

  1. Nguồn gôc của từ Phụng Vụ là gì? Hai nghĩa khác biệt của việc Phụng Vụ có thể được gọi là “việc công cộng” là gì? Phụng Vụ được hiểu là “việc làm” cách nào?
  2. Tại sao Phụng Vụ lại là công trình của Chúa Cha?
  3. Phụng Vụ là công trình của Chúa Con cách nào?
  4. Chúa Thánh Thần đóng vai trò gì trong Phụng Vụ?
  5. Nói rằng “Đức Kitô là bí tích của Tình Yêu Thiên Chúa” và “Hội Thánh là bí tích của Đức Kitô” có nghĩa gì?
  6. Việc bạn làm trong nhà thờ có biến đổi cuộc sống của bạn sau khi trở về không? Tại sao?
  7. Bạn làm gì để giúp những người khác trong gia đình và giáo xứ bạn hiểu tầm quan trọng và ý nghĩa của Phụng Vụ?
  8. Hãy nói lên sự khác biệt giữa việc bác ái của người Công Giáo và việc từ thiện của những người ngoài Công Giáo?