Reading Assignment in English
- Sacrament Theology (KST), Chapter 2
- Catechism of the Catholic Church (CCC), nos 1077 – 1112
Các Mục Tiêu Học Tập của Tổng Giáo Phận
- MA 2.2.2 Các bí tích là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng, do Đức Kitô thiết lập và ủy thác cho Hội Thánh, qua đó sự sống thần linh được ban cho chúng ta qua quyền năng của Chúa Thánh Thần; những người Công Giáo được thánh hoá và Thân Thể Đức Kitô dâng lên Thiên Chúa nhiều danh dự và vinh quang hơn.
- MA 2.2.3 Mục đích của các bí tích là để thánh hoá con người, để xây dựng Nhiệm Thể Đức Kitô, và để thờ phượng Thiên Chúa.
- MA 2.2.4 Đời sống bí tích vừa có hiệu quả cá nhân lẫn hội thành.
- MA 2.2.5 Hoa quả của đời sống bí tích là Thần Khí làm nghĩa tử giúp cho người tín hữu thông phần vào bản tính Thiên Chúa bằng cách kết hợp họ với Chúa Cha qua Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta.
- MA 2.2.6 Các hiệu quả của mỗi bí tích biến đổi các tín hữu để sống trong sự hiệp thông gần gũi như các môn đệ của Đức Kitô.
- MA 3.3.37 Ân sủng chính của Thiên Chúa là biến cố của Đức Kitô, Mầu Nhiệm Vượt Qua, qua đó Thiên Chúa đã dành lại và ban cho tất cả chúng ta sự sống đời đời.
- MA 5.1.10 Việc tham dự vào đời sống Phụng Vụ và bí tích của Hội Thánh, tức là mở lòng ra cho căn tính thật của nó, sinh hoa kết quả trong việc dẫn các tín hữu đến tham gia trọn vẹn hơn vào sứ vụ của Hội Thánh, đến với những người nghèo túng và thiếu thốn, và làm việc để đảm bảo công bằng cho những người bị áp bức. Ngược lại, những người tham gia vào việc phục vụ của Kitô giáo được việc phục vụ ấy dẫn đến trung tâm của Hội Thánh và như thế, được dẫn sâu hơn vào đời sống Phụng Vụ và bí tích của Hội Thánh. Cho nên, diakonia (phục vụ) và leitourgia (phụng vụ) phong phú hoá lẫn nhau và dẫn người môn đệ của Đức Kitô đến việc trưởng thành hơn trong đời sống tâm linh.
Nguồn Gốc của Từ “Bí Tích”
Từ bí tích là dịch từ sacramentum của tiếng La Tinh. Trong thời sơ khai của Hội Thánh, người Rôma dùng từ sacramentum để chỉ một lời thề hứa hay cam kết ràng buộc hai bên liên hệ trong các giao dịch thương mại hay tài chính. Sacramentum cũng được dùng cho lời tuyên thệ trung thành với Hoàng Đế Rôma của một binh sĩ khi gia nhập quân đội.
Trong Tân Ước, từ Hy Lạp dành cho bí tích là µυστεριον – mysterion (mầu nhiệm) mà sau này được dịch sang La Tinh là sacramentum (bí tích). Mầu nhiệm ám chỉ ba điều: (1) Thiên Chúa là Đấng mầu nhiệm, thánh thiện, bị che giấu, không thể đến gần được; (2) sự mặc khải của Thiên Chúa trong Đức Kitô; và cuối cùng (3) là hành vi phụng tự.
Tiếng La tinh dùng hai từ mysterium và sacramemtum để dịch từ mysterion của Hy lạp. Về sau, người ta phân biệt từ Sacramentum (bí tích) để diễn tả dấu chỉ hữu hình của ơn cứu độ; và từ Mysterium (Mầu Nhiệm) diễn tả ơn cứu độ được ẩn giấu đằng sau dấu chỉ hữu hình đó. Theo nghĩa này, chính Ðức Kitô là mầu nhiệm cứu độ. Hội Thánh là bí tích, là dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp giữa con người với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại. Vì là bí tích, Hội Thánh cũng là khí cụ của Ðức Kitô để cứu chuộc mọi người”, như “bí tích phổ quát của ơn cứu độ” (x. GL #774-780).
Giáo Phụ Tertulliô (năm 222) là người đầu tiên đã áp dụng từ sacramentum cho một hành động Phụng Vụ của Hội Thánh. Ông coi bí tích Rửa Tội như một sacramentum, vì trong bí tích Rửa Tội, các Kitô hữu thề hứa sẽ phụng sự Đức Kitô suốt đời, tương tự như một người lính thề hứa trung thành với Hoàng Đế. Giáo Phụ Gútinô Tử Đạo (cuối thế kỷ thứ 2) đã áp dụng từ sacramentum cho các nghi thức Kitô giáo, đặc biệt là nghi thức Rửa Tội và Thánh Thể.
Hội Thánh Công Giáo là một Hội Thánh bí tích. Mặc dù Thiên Chúa là Đấng vô hình, nhưng chúng ta tin rằng chúng ta có thể “thấy” Ngài, thấy sự hiện diện của Ngài, không những chỉ trong tư tưởng, mà còn trong và qua các thụ tạo, đặc biệt là những người khác.
Theo truyền thống Công Giáo, các bí tích là những cách thế và phương tiện ưu tuyển mà Thiên Chúa sử dụng để truyền thông chính Mình cho chúng ta. Các bí tích là phương thế tốt nhất để chúng ta gặp gỡ Đức Kitô trong Hội Thánh của Người, để chúng ta được ân sủng của Thiên Chúa củng cố và được Thần Khí của Ngài hướng dẫn. Trong bài này chúng ta sẽ bàn đến bí tích không như một “danh từ”, mà như một “động từ” của Hội Thánh Công Giáo và của đời sống Kitô hữu.
Bí Tích Là Gì?
Theo truyền thống, như trong Baltimore Catechism, thì bí tích được định nghĩa vắn tắt như “một dấu chỉ hữu hình được Đức Kitô thiết lập để ban ân sủng”. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo định nghĩa rõ hơn là “Các bí tích là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng, do Đức Kitô thiết lập và ủy thác cho Hội Thánh, qua đó sự sống thần linh được ban cho chúng ta” (GL #1131).
Theo các định nghĩa trên thì ba điều quan trọng nhất là (1) chúng là những dấu chỉ hữu hình, (2) chúng được Đức Kitô thiết lập, (3) chúng ban ân sủng. Tuy hai định nghĩa trên nói rất đúng về các bí tích, nhưng chưa nói hết được về các bí tích.
Trong sách Thần Học bí tích, để giúp độc giả hiểu rõ về bí tích, Cha Kurt Stasiak đã mô tả về bí tích thay vì định nghĩa bí tích.
Theo ngài thì các cách mô tả dùng những sự tương đồng và so sánh giúp độc giả hiểu rõ hơn vì nó liên quan đến cả khả năng tưởng tượng cũng như phân tích của chúng ta. Hơn nữa các cách mô tả khuyến khích chúng ta tiếp tục khám phá xem điều ấy thế nào thay vì hài lòng vối một định nghĩa chính xác, nhưng trừu tượng. Ở đây chúng tôi sẽ tóm lược một số cách mô tả trong Chương 2 của sách của Cha.
Các bí tích được ví như những “cánh cửa thánh” mở ra cho chúng ta vào “nhà của Thiên Chúa”. Những cánh cửa thánh này được mở ra như những dịp để chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa. Nhưng muốn gặp gỡ Thiên Chúa thì chúng ta phải bước qua ngưỡng cửa, tức là phải tham gia vào các cuộc gặp gỡ này. Nếu chỉ đứng ở ngoài nhìn vào thì chưa đủ.
Tương tự như lời tuyên bố của thi sĩ T. S. Eliot: rằng “Thơ phú… làm cho sự thật nên thực tế hơn cho chúng ta”, thì các bí tích cũng là cho những gì chúng ta tin nên “thực tế hơn”.
Khi gia đình chúng ta tham dự nghi thức rửa tội của một em bé, chúng ta không chỉ nói về những gì chúng ta tin, nhưng chúng ta chứng tỏ chúng ta tin gì bằng viêc làm: tham gia vào các kinh nguyện, cử chỉ và hành động, dấu chỉ và biểu tượng. Khi các người dự tòng gia nhập Hội Thánh cách bí tích trong Lễ Vọng Phục Sinh, họ và cộng đoàn không chỉ tuyên xưng niềm tin rằng mình được tái sinh và thông phần vào cái Chết và việc Phục Sinh của Đức Kitô. Qua việc than gia cách bí tích vào điều họ tin, họ cũng có thể cảm nghiệm nó cách sâu xa hơn. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa tha tội cho mình. Niềm tin ấy trở nên thực tế hơn qua cảm nghiệm của chúng ta khi cử hành bí tích Hoà Giải. Chúng ta không chỉ nói với các bệnh nhân trong gia đình hay giáo xứ của mình rằng chúng ta quan tâm chăm sóc cho họ và không bỏ rơi họ trong bệnh tật. Thay vào đó chúng ta quây quần quanh họ để cầu nguyện cho họ và xức dầu thánh cho họ.
Các Bí Tích của Đức Kitô
Những lời nói và việc làm trong cả cuộc đời Đức Kitô đều có giá trị cứu độ, mà ngày nay Người thực hiện qua các bí tích nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Ðấng hoạt động trong Nhiệm Thể Người là Hội Thánh (x. GL #1114-1116).
Toàn thể đời sống Phụng Vụ của Hội Thánh xoay quanh Hy Lễ Thánh Thể và các bí tích. Có bảy bí tích là Thánh Tẩy, Thêm Sức, Thánh Thể, Hòa Giải, Xức Dầu Bệnh Nhân, Truyền Chức Thánh, và Hôn Phối (GL #1113).
Bí Tích của Hội Thánh và cho Hội Thánh nhưng Không chỉ trong Nhà Thờ
Nhờ Chúa Thánh Thần, Hội Thánh đã nhận ra trong số các cử hành Phụng Vụ có bảy bí tích do Đức Kitô thiết lập. Các bí tích “thuộc về Hội Thánh” theo hai nghĩa: “Của Hội Thánh” vì Hội Thánh là bí tích của Đức Kitô; “Cho Hội Thánh” vì các bí tích xây dựng Hội Thánh.
Phụng Vụ Bí Tích
Dưới thế, Phụng Vụ là hành động của toàn thể Nhiệm Thể Đức Kitô kết hợp với Đầu là Đức Kitô. Các hoạt động phụng vụ không phải là hoạt động riêng tư, nhưng là những cử hành của Hội Thánh, cho nên khi có thể được, phải cử hành cộng đồng với sự tham gia đông đảo và tích cực của giáo dân. Mọi chi thể đều được tham dự vào “chức tư tế cộng đồng” của Ðức Kitô, vị Tư Tế duy nhất, nhưng mỗi phần tử có những phần vụ khác nhau trong phụng vụ, như linh mục chủ tế, và những tác vụ khác được các giám mục xác định tùy theo truyền thống và nhu cầu mục vụ. “Trong các cử hành phụng vụ, thừa tác viên hay tín hữu mỗi người chu toàn phận vụ của mình, chỉ làm và làm trọn vẹn những gì bản chất sự việc và những qui tắc phụng vụ qui định cho mình” (x. GL 1140-1144).
Như đã nói ở bài trên, Phụng Vụ và các bí tích là công việc, là những hoạt động đòi hỏi sự cố gắng và kiên trì. Các bí tích là hành động của Hội Thánh, hành động mà Hội Thánh cử hành và hoàn thành nhân danh Đức Kitô. Các bí tích cũng là những hành động cho Hội Thánh: chúng làm thành Hội Thánh, quy tụ các phần tử của Hội Thánh lại với nhau và ban cho họ khả năng làm những gì Hội Thánh làm. Ý nghĩa và quyền năng của các bí tích không phải và không được chỉ giới hạn trong những lúc chúng ta “ở trong nhà thờ” cử hành các bí tích ấy.
Nói cách khác, các bí tích không phải là những “thời khắc dành riêng” để làm một điều gì đó thánh thiêng, rồi sau đó trở lại “thế giới bình thường”. Trái lại, các bí tích phải là “những động từ” của cuộc sống của chúng ta; chúng là những hành động được cử hành vào những thời điểm đặc biệt và ở những nơi đặc biệt, để cho chúng ta biết rằng chúng ta được mời gọi hành động thế nào ở mọi nơi và mọi lúc. Chúng ta nói rằng các bí tích là của và cho Hội Thánh, vì những hành động thánh này, thường được cử hành trong nhà thờ, là những cách mô tả, định hướng và hướng dẫn các nguồn lực tâm linh, hay cách thức mà chúng ta, các phần tử của Hội Thánh, phải sống cuộc sống của mình. Như thế, các bí tích là những dấu chỉ quan trọng bảo chúng ta và chỉ cho chúng ta điều chúng ta tin. Vậy những dấu chỉ ấy là gì?
Các Bí Tích Là Những Dấu Chỉ Hữu Hình
Khi chúng ta nói các bí tích là những dấu chỉ hữu hình, chúng ta nói về nghi thức hoặc việc cử hành Phụng Vụ, là những điều chúng ta nói, nghe và làm trong nhà thờ. Có ba điều chúng ta xét đến ở đây: (1) các biểu tượng hoặc các cử chỉ được sử dụng và các lời được nói; (2) các thừa tác viên của bí tích (thường là linh mục, trừ bí tích Hôn Phối và bí tích Rửa Tội); và (3) các thụ nhân, là những người lãnh nhận bí tích.
Hai từ thừa tác viên và thụ nhân ở đây có thể gây hiểu lầm. Tuy nhiên “thụ nhân” không có nghĩa là những người “lãnh nhận” các bí tích một cách thụ động. Để “lãnh nhận” một bí tích không chỉ đơn thuần là hiện diện, xem người khác (linh mục) làm tất cả mọi việc. Các bí tích là quà tặng, nhưng không giống như một số món quà khác, “nhận” món quà bí tích cũng là nhận trách nhiệm đi kèm với món quà ấy. Vì thế điều quan trọng cần nhớ là chúng ta không lãnh nhận một bí tích và sau đó ra đi. Trái lại, chúng ta lãnh nhận một bí tích để rồi chúng ta có thể đi theo một con đường khác khi ra về.
Dấu Chỉ và Biểu Tượng
Để hiểu các nghi thức và biểu tượng trong Phụng Vụ chúng ta có thể so sánh sự khác biệt giữa nghi thức và thông lệ cũng như giữa biểu tượng vá dấu chỉ.
Nghi thức và thông lệ. Cảc nghi thức và thông lệ đều là những điều được lập đi lập lại theo mộr kiểu mẫu nào đó. Nhưng chúng khác nhau ở chỗ:
- Các thông lệ thường có tính cách bình thường, cá nhân và được làm theo thói quen. Thí dụ như việc chúng ta thức dậy đánh răng, rửa mặt là một thông lệ được lập đi lập lại mỗi buổi sáng. Còn các nghi thức thì có tính cử hành, cộng đồng và làm theo những công thức nhất định, chẳng hạn như nghi thức Thánh Lễ.
- Các thông lệ chỉ có ý nghĩa đơn giản, nhiều khi chỉ liên quan đến một phần của cơ thể. Còn các nghi thức thì có nhiều ý nghĩa và liên quan đến toàn thể con người.
- Các thông lệ có giá trị trung lập và độc lập với căn tính của người tham dự. Còn các nghi thức hướng về giá trị và hình thành chính những người tham dự theo giá trị ấy.
Dấu chỉ và biểu tượng. Các dấu chỉ và biểu tượng thoạt nhìn thì có vẻ khá giống nhau. Chúng có thể được làm bằng cùng một thứ vật liệu và chỉ đến một điều gì đó ngoài chúng ta. Nhưng chúng khác nhau rất nhiều.
- Các dấu chỉ thường chỉ có một ý nghĩa hay mục đích, thí dụ như một bảng chỉ đường là một dấu chỉ chỉ hướng đi cho chúng ta. Còn biểu tượng có thể có nhiều ý nghĩa, thí dụ như một lá cờ biểu thị cho một quốc gia hay dân tộc với cả một chuỗi lịch sử và những kỷ niệm lâu dài.
- Các dấu chỉ thường được chọn một cách tuỳ tiện, không hàm chứa một ý nghĩa nào cả; nếu có thì ý nghĩa chỉ được áp đặt trên những dấu chỉ ấy. Còn biểu tượng thường được thiết kế theo nhiều ý nghĩa vì chúng biểu thị cho một điều gì đó. Thí dụ như lá cờ vàng ba sọc đỏ, tượng trưng cho người Việt da vàng và ba giòng máu đỏ Trung, Nam, Bắc; còn các ngôi sao trên cờ Hoa Kỳ tượng trưng cho các tiểu bang của Hiệp Chủng Quốc.
- Người ta quan sát các dấu chỉ để biết thông tin mà nó cung cấp, nhưng không cần phải tham gia vào các dấu chỉ ấy. Còn một biểu tượng cần được người ta tham gia vào, và nó cũng ảnh hưởng trên người ấy. Thí dụ Dấu Thánh Giá là một biểu tượng. Để làm dấu Thánh Giá chúng ta phải tham gia vào bằng cách dùng tay chúng ta. Đồng thời qua việc làm Dấu Thánh Giá, chúng ta cho người khác biết là chúng ta là người Công Giáo, chúng ta tuyên xưng rằng Thánh Giá là phương tiện mà Thiên Chúa dùng để cứu độ chúng ta, và đức tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa, Đấng che chở chúng ta….
Cuộc cử hành bí tích được tạo thành bằng những dấu chỉ và biểu tượng. Theo đường lối sư phạm của Thiên Chúa, ý nghĩa của các dấu chỉ và biểu tượng bắt nguồn từ công trình tạo dựng và trong nền văn hoá nhân loại, được xác định trong các biến cố Cựu Ước và được mặc khải trọn vẹn trong con người và hoạt động của Ðức Kitô (x. GL #1145).
- Những dấu chỉ của thế giới loài người. Con người là một chủ thể kết hợp cả thân xác và linh hồn, nghĩa là có cả tinh thần lẫn vật chất. Trong cuộc sống con người, các dấu chỉ và biểu tượng chiếm một vị trí quan trọng. Con người diễn tả và nhận thức các thực tại tinh thần qua các dấu chỉ và biểu tượng thể lý như lời nói và cử chỉ hay hành động. Con người cũng cần chúng để giao tiếp và truyền thông với người khác. Thiên Chúa nói với con người qua các thụ tạo hữu hình. Ánh sáng và bóng tối, gió và lửa, nước và đất, cây và quả đều nói về Thiên Chúa. Chúng biểu tượng cho sự cao cả và gần gũi của Ngài. Chúng có thể trở nên các phương tiện để diễn tả những hành động của Thiên Chúa là Đấng thánh hoá con người, và của con người trong việc thờ phương Thiên Chúa. Cũng thế, các dấu chỉ và biểu tượng trong đời sống xã hội, như thanh tẩy, xức dầu, bẻ bánh và chia sẻ ly rượu, cũng có thể diễn tả việc Thiên Chúa hiện diện và thánh hoá co người, cũng như việc con người bày tỏ lòng tri ân Tạo Hóa. Phụng vụ của Hội Thánh thừa nhận, tiếp thu và thánh hoá các yếu tố trong thiên nhiên và trong nền văn hóa nhân loại, đồng thời làm cho chúng trở nên những dấu chỉ của ân sủng (x. GL #1146-1149).
- Những dấu chỉ Giao Ước như cắt bì, xức dầu thánh hiến các vua và tư tế, đặt tay, các lễ vật, và lễ Vượt Qua trong Cựu Ước. Hội Thánh nhận ra nơi những dấu chỉ ấy hình ảnh tiên trưng cho các bí tích của Tân Ước. Những dấu chỉ được Ðức Kitô sử dụng mang lại một ý nghĩa mới cho những biến cố và dấu chỉ Cựu Ước, nhất là biến cố Xuất Hành và Vượt Qua, vì chính Người là ý nghĩa của tất cả các dấu chỉ ấy. Từ lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần thánh hóa nhờ những dấu chỉ bí tích của Hội Thánh (x. GL #1150-1152).
Lời Nói và Hành Động
Mỗi cuộc cử hành bí tích là một cuộc gặp gỡ giữa con cái Thiên Chúa với Cha mình, trong Ðức Kitô và Chúa Thánh Thần. Đây là cuộc đối thoại bằng hành động và lời nói. Những hành động trong phụng vụ biểu thị những gì Lời Chúa muốn diễn đạt: vừa là sáng kiến ân sủng của Thiên Chúa, vừa là lời đáp trả trong đức tin của Dân Chúa. Phụng Vụ Lời Chúa là phần cốt yếu trong các cử hành bí tích. Chúa Thánh Thần không những chỉ khơi dậy đức tin để các tín hữu hiểu Lời Chúa; nhưng qua các bí tích, Ngài còn thực hiện “những kỳ công” của Thiên Chúa được Lời Chúa loan báo (x. GL #1153-1155).
Chất Thể và Mô Thể
Khi cử hành các bí tích, chúng ta làm các việc, sử dụng các sự vật và nói các lời. Các sự việc này, dù được làm, sử dụng, hay nói, đều được gọi là “chất thể” và “mô thể” của bí tích. Chất thể và mô thể phù hợp là một trong ba điều cần thiết cho việc cử hành bí tích cách hợp lệ, nghĩa là để Hội Thánh nhận ra và thừa nhận những hành động đặc biệt này là của riêng mình.
Khi được áp dụng cho các bí tích, khái niệm về chất thể và mô thể đến từ các thần học gia Kinh Viện của thế kỷ XI đến thế kỷ XIV. Những học giả này đã cố gắng xác định chính xác những gì đã cấu thành một bí tích. Họ tìm thấy một công cụ hữu ích theo cách hiểu biết của Aristotle về cách thế giới được hợp thành. Theo ông thì chất thể và mô thể là những khối xây dựng cơ bản của vũ trụ. Chất thể để chỉ nguyên liệu thô được sử dụng để tạo ra một điều gì đó, chẳng hạn một cục đất sét hoặc một đống gỗ. Mô thể để nói về cách cụ thể mà nguyên liệu thô được sử dụng: như đất sét được “nặn thành” một cái bát, hoặc gỗ được đo, cắt và xếp lại với nhau để “tạo thành” một cái bàn hoặc một cái ghế.
Theo Thánh Thôma Aquinô thì “chất thể” của một bí tích là biểu tượng hay cử chỉ thiết yếu, cùng với “mô thể”, diễn tả hành động cốt lõi của bí tích. Riêng với bí tích Hoà Giải và Hôn Phối thì “chất thể” không phải là biểu tượng hay cử chỉ hữu hình nhưng là sự sẵn sàng trong tâm hồn của những người cử hành bí tích.
Còn “mô thể” của một bí tích là công thức, hay những lời thiết yếu của kinh nguyện trong lúc cử hành bí tích để xác định hay hình thành điều mà biểu tượng hoặc cử chỉ được sử dụng chỉ đến. Các biểu tượng hay cử chỉ có thể bị hiểu lầm, nhưng các lời cắt nghĩa và xác định một cách rõ ràng hơn những điều mà các biểu tượng hay cử chỉ ấy chỉ vào. Vì là lời cầu nguyện, các lời này khẩn cầu Thiên Chúa thực hiện hoặc làm cho có hiệu quả điều hàm ý bởi các biểu tượng hay cử chỉ. Các “chất thể” và “mô thể” của mỗi bí tích sẽ được bàn đến ở những chương sau.
Trong khi chất thể và mô thể phù hợp là những yếu tố cần thiết cho một bí tích được thành sự, nhưng chúng không phải là tất cả mọi yếu tố của một cuộc cử hành bí tích. Chẳng hạn như khi rửa tội cho trẻ em, chúng ta đổ nước trên đầu (chất thể) các em và đọc công thức rửa tội (mô thể), nhưng chúng ta cũng đọc Thánh Kinh và cầu nguyện cho các em và cha mẹ các em, các em còn được xức dầu, mặc áo trắng, cha mẹ các em được trao cây nến. Tất cả những cử chỉ và lời này là một phần của cuộc cử hành bí tích. Chúng nói với chúng ta và chỉ ra cho chúng ta điều mà chúng ta tin là xảy ra trong lễ Rửa Tội này. Cũng vậy trong khi những lời (mô thể) thích hợp phải được nói trên bánh và rượu (chất thể) để bí tích Thánh Thể được thành sự, thì bí tích Thánh Thể còn nhiều hơn việc đọc đúng công thức và có đúng chất thể. Bí tích Thánh Thể còn mời gọi cộng đồng cùng nhau cầu nguyện và lắng nghe, suy niệm và đáp lại Lời Chúa.
Chúng ta nói rằng chất thể và mô thể là những điều thiết yếu nhất, không phải vì trong bí tích chỉ có chúng, mà vì chúng là những yếu tố quan trọng. Chúng xác định cách rõ ràng nhất điều mà chúng ta phải tin là Đức Kitô và Chúa Thánh Thần đang tác động khi chúng ta cử hành trong hành vi Phụng Vụ đặc biệt này. Không có chúng thì chân lý chính của điều chúng ta tin (và hành động chính của Đức Kitô mà Hội Thánh đang tác động cách bí tích) sẽ không còn hữu hình nữa, và như thế bí tích, những lời hữu hình, cũng không hiện diện.
Cuối cùng, trong hai bí tích Hòa Giải và Hôn Phối, chất thể phù hợp không phải là một biểu tượng hay một cử chỉ, mà là thái độ hay khuynh hướng của những người tham gia (không chỉ người “nhận”) bí tích.
Tự chúng, các biểu tượng và cử chỉ của các cuộc cử hành bí tích không phải là điều gì mầu nhiệm, và chắc chắn không phải là pháp thuật. Dầu, nước, bánh và rượu, việc chạm đến: là những điều cơ bản nhất của các thực tại trần thế. Là con người, chúng ta là những thụ tạo giao tế chủ yếu nhờ các biểu tượng. Biểu tượng chúng ta sử dụng thường xuyên nhất là lời, nhưng chúng ta không chỉ dùng lời. Chính thân xác của chúng ta là biểu tượng của con người chúng ta, mà qua đó người ta gặp được tinh thần, linh hồn, và con tim của chúng ta.
Ngoài việc là “công cụ diễn tả” chính yếu của nghi thức bí tích, chất thể và mô thể đề ra một giáo huấn thần học quan trọng về các bí tích. Các bí tích, được Đức Kitô thiết lập, là một trong những cách mà Hội Thánh, Nhiệm Thể của Người dưới trần, tiếp tục việc Nhập Thể, tức là tiếp tục làm cho tình yêu và ân sủng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Đức Kitô thành hiện thực hơn cho chúng ta. Qua các bí tích, Thiên Chúa (sự hiện diện của Đức Kitô) mặc lấy mô thể mà chúng ta có thể nhìn thấy và chạm đến được (bánh và rượu). Như thế, một cách khác để mô tả các bí tích là nói rằng các bí tích kết hợp những gì thuộc về trần thế với những gì thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta bắt đầu với chất thể, là những vật thuộc thế gian. Nhưng khi lời của đức tin được thêm vào, một “cánh cửa thánh” được mở ra.
Đương nhiên là các bí tích liên quan đến nhiều điều hơn “các dấu chỉ”, bất kể chúng có ý nghĩa hay thánh thiêng đến mức nào đi nữa. Như một thành ngữ thần học nói: Sacramenta propter homines – các bí tích là dành cho con người. Nó có nghĩa là các bí tích được thiết lập vì lợi ích của chúng ta; Thiên Chúa không cần các bí tích hoạt động thay cho chúng ta. Tuy nhiên, trong khi ở dưới thế này, chúng ta cần những lời hữu hình ấy, những “cánh cửa thánh” ấy giúp chúng ta khám phá ra “kho báu ẩn giấu” của ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa. Không phải việc cử hành các bí tích của chúng ta cho phép Thiên Chúa làm những điều Ngài không thể làm được. Trái lại, việc cử hành giúp chúng ta hiểu và cảm nghiệm được điều Thiên Chúa ban cho chúng ta.
Ngoài chất thể và mô thể, vì Phụng Vụ còn là công việc của dân chúng nên cần phài có con người trong việc cử hành Phụng Vụ và các bí tích. Hai nhân vật quan trọng là “thừa tác viên” và “thụ nhân”.
Thừa Tác Viên
Hội Thánh đòi hỏi gì ở các thừa tác viên (thường là linh mục) khi các ngài chủ sự việc cử hành bí tích? Câu trả lời là “chẳng bao nhiêu.” Các ngài phải có ý định làm “điều Hội Thánh làm”. Đó là, các ngài phải có ý ban một bí tích đặc biệt của Hội Thánh, như bí tích Rửa Tội, Hòa Giải, hoặc Thánh Thể. Để một bí tích được cử hành cách hợp lệ, thừa tác viên không cần phải hiểu mọi điều về thần học bí tích. Thừa tác viên cũng không nhất thiết phải tin mọi khía cạnh của giáo huấn Hội Thánh về bí tích. Cuối cùng, thừa tác viên cũng không cần phải ở trong “tình trạng ân sủng” để chủ tọa một cách hợp lệ việc cử hành một bí tích.
Những đòi hỏi (tối thiểu) này có một lịch sử lâu dài từ những cuộc tranh luận của Thánh Augustinô với nhóm Donatist ở thế kỷ thứ V. Nhóm Donatist tin rằng một thừa tác viên của các bí tích không thể cho người khác điều mà chính mình không có. Chẳng hạn như linh mục khi chối bỏ đức tin trong thời gian bách đạo, thì đã chối bỏ bí tích Rửa tội của chính mình; do đó, những người mà linh mục này rửa tội không thực sự được rửa tội. Theo họ, thì linh mục ấy không còn ân sủng của bí tích Rửa Tội, nên không thể truyền ân sủng ấy cho người khác.
Câu trả lời của Thánh Augustinô cho nhóm Donatist đã cung cấp một số giáo huấn chính về bí tích. Giáo huấn rõ ràng nhất là ân sủng của bí tích đến qua Đức Kitô, chứ không qua vị linh mục. Như Thánh Ambrôsiô đã nói: Christus auctor sacramentorum – Đức Kitô là tác giả của bí tích. Không phải là thừa tác viên nhân loại mà chính Đức Kitô là “quyền bính và quyền năng” ở đằng sau các bí tích. Theo nghĩa này, chúng ta có thể nói rằng như Đức Kitô là bí tích cơ bản của tình yêu Thiên Chúa dành cho thế gian, thì Đức Kitô cũng là thừa tác viên cơ bản của mọi cử hành bí tích, là điều tiếp tục bày tỏ quyền năng của sự hiện diện của Người giữa chúng ta. Đó là điều Hội Thánh muốn nói khi dạy rằng các bí tích ban ân sủng ex opere operato – qua việc được làm, là điều chúng ta sẽ bàn đến ở chương sau.
Ngày nay Thuyết Donatist không hoàn bị dập tắt. Nhiều người Công Giáo vẫn không rước lễ với một ai trừ linh mục, bởi vì họ cho rằng chỉ có linh mục mới chắc chắn ở trong tình trạng ân sủng. Họ đã lầm chức thánh với sự thánh thiện. Nên nhớ rằng ân sủng và quyền năng của Đức Kitô, chứ không phải của thừa tác viên, được ban qua việc cử hành các bí tích. Đức Kitô là bí tích cơ bản. Đức Kitô là thừa tác viên chính đứng sau các bí tích. Các bí tích là những cuộc gặp gỡ với Đức Kitô qua Hội Thánh.
Thụ Nhân
Như với thừa tác viên, cũng có những đòi hỏi tối thiểu dành cho các thụ nhân là những người lãnh nhận các bí tích. Chẳng hạn như những người trưởng thành tiếp cận bí tích Rửa tội, họ không cần phải hiểu mọi điều về lịch sử và thần học của bí tích Rửa tội. Tuy nhiên, họ cần phải tiếp cận bí tích với ý chí tự do của họ, và có ít nhất một hiểu biết cơ bản, tối thiểu về những gì bí tích Rửa tội làm: giải thoát họ khỏi tội lỗi, mang đến cho họ một đời sống mới trong Đức Kitô và đem họ vào Hội Thánh Công Giáo. Những người đến tòa giải tội không cần biết về những cuộc tranh luận trong Hội Thánh thời sơ khai về việc thống hối hoặc về các học thuyết về ơn công chính hoá và ơn cứu chuộc. Tuy nhiên, họ phải tiếp cận bí tích một cách tự do và có lòng ăn năn hối cải. Họ phải có ý định xưng ít là tất cả những tội trọng mà họ biết, và họ phải có ý định cố gắng hết sức tránh những tội ấy trong tương lai.
Có hai trường hợp ngoại lệ, hoặc đặc biệt, liên quan đến việc chuẩn bị của thụ nhân. Trường hợp thứ nhất và thường xuyên nhất liên quan đến việc rửa tội cho trẻ sơ sinh. Ngoài tiếng khóc, một đứa trẻ không biết chuẩn bị để đến giếng rửa tội. Thay vào đó, chính đức tin của cha mẹ là điều biện minh cho việc rửa tội cho con em họ. Trường hợp thứ hai liên quan đến việc xức dầu cho một bệnh nhân bất tỉnh.
Mặc dù thần học đương thời coi bí tích này là xức dầu bệnh nhân hơn là xức dầu cận tử cho một người đang sinh thì, nhưng có những khi xức dầu cho một người bất tỉnh là điều thích hợp. Theo lẽ thông thường thì hợp lý khi cho rằng người ấy muốn lãnh nhận bí tích này, thì bí tích có thể được cử hành. Các thần học gia Kinh Viện đồng ý rằng cả trẻ sơ sinh lẫn người bất tỉnh đều có điều mà chúng ta hiểu là “mở lòng”. Tuy nhiên, điều nói đến ở đây là việc trẻ sơ sinh đang khóc và người lớn hôn mê không ngăn cản hay trở ngại chút nào việc lãnh nhận bí tích.
Mặc dù hai trường hợp này có vẻ hơi đặc biệt, nhưng chúng cho thấy rõ quy tắc quan trọng, hoặc sự thật, về các bí tích. Sự yếu đuối của con người, thậm chí con người không có khả năng hiểu rằng Thiên Chúa đang hành động vì chúng ta hoặc khả năng đáp lại hành động ấy, không ngăn cản việc Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng và tình yêu.
Tối Thiểu không phải là Điều Lý Tưởng
Khi thảo luận về ba yếu tố cần thiết để một cuộc cử hành bí tích được coi là hợp lệ, chúng ta không nói về cách lý tưởng mà bí tích nên được cử hành. Cuộc cử hành bí tích Thánh Thể lý tưởng không diễn ra bằng cách đơn thuần đặt bánh và rượu lên bàn thờ rồi một linh mục buồn tẻ đọc những lời truyền phép trong khi giáo dân hờ hững nhìn lên. Chất thể và mô thể thích hợp, ý định của thừa tác viên và việc chuẩn bị sẵn sàng của thụ nhân là những đòi hỏi tối thiểu để Hội Thánh công nhận hành vi đặc biệt này là một trong những bí tích của mình.
Trong lịch sử, việc nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những đòi hỏi này đến từ các thần học gia Kinh Viện. Khi thần học trở thành một môn khoa học, các “tiến sĩ” của nó đã phân tích các hành vi bí tích và tác dụng của chúng với độ chính xác cao hơn. Ngày nay, người ta quan tâm đến việc cố gắng xác định tầm quan trọng của các dấu chỉ, biểu tượng, cử chỉ và lời nói bí tích, và ảnh hưởng của các cuộc cử hành này trên cuộc sống của con người.
Mối quan tâm về tính hợp lệ của bí tích có ý nghĩa quan trọng nhất khi một hoặc cả hai vợ chồng tìm cách huỷ hôn. Theo giáo luật, hủy hôn là phán quyết của Hội Thánh rằng bí tích Hôn Phối giữa người nam và người nữ này không bao giờ thành sự, nghĩa là thiếu những điều cần thiết cho một bí tích hợp lệ. Hầu hết các cuộc hôn nhân được phép hủy hôn vì những lý do: Chất thể và mô thể phù hợp đã không hiện diện. Trong trường hợp bí tích Hôn Phối là việc trao đổi lời thệ ước, được hoàn toàn và tự do ưng thuận. Nếu trong trường hợp này, chúng ta có thể đặt câu hỏi tiếp theo về ý định của các thừa tác viên (cô dâu và chú rể là các thừa tác viên của bí tích Hôn Phối) cũng như việc chuẩn bị sẵng sàng của thụ nhân.
Sức Mạnh của Các Lời và Biểu Tượng Bí Tích
Mối quan tâm về các cử chỉ, biểu tượng và lời phù hợp nhắc cho chúng ta rằng các yếu tố của cuộc cử hành bí tích rất quan trọng. Trong khi các thần học gia Kinh Viện có thể đã nghĩ đến sự chính xác về khoa học và thần học, chúng ta nên lưu ý rằng các biểu tượng và cử chỉ mà chúng ta sử dụng diễn tả rõ ràng những gì chúng chỉ đến.
Những lời của nghi thức bí tích, đặc biệt là những lời được coi là mô thể của bí tích, là những lời quan trọng nhất. Chính những lời được nói lên này tạo ra mô thể và ý nghĩa cho “những lời hữu hình” của các biểu tượng và các cử chỉ. Chính vì lý do ấy mà Hội Thánh cung cấp những lời thiết yếu, thay vì lệ thuộc vào trình độ giáo dục, trí tưởng tượng hay khả năng của linh mục. Đó là lý do tại sao, như sách Giáo Lý tuyên bố, “không một nghi thức bí tích nào có thể được sửa đổi hay tuỳ tiện thêm bớt theo sở thích của thừa tác viên hay cộng đoàn” (GL #1125). Các bí tích không “thuộc về” một thừa tác viên hay một cộng đoàn cụ thể nào; chúng thuộc về Hội Thánh vì chúng là hành động của Hội Thánh.
Trong bài àny chúng ta đã thảo luận về ba đòi hỏi phải có để việc cử hành bí tích được hợp lệ. Hội Thánh dạy rằng qua việc cử hành bí tích hợp lệ, ân sủng được ban cho chúng ta ex opere operato (“qua việc được làm”) hoặc vì việc cử hành bí tích.
Trong bài tới chúng ta sẽ bàn về ý nghĩa chính xác của từ ngữ ex opere operato và “ân sủng”, và làm thế nào để có thể hiểu biết và tham dự các cuộc cử hành bí tích một cách tích cực và trọn vẹn hơn.
TÓM LƯỢC
- con người là một hữu thể kết hợp cả hồn lẫn xác.
- Các bí tích là “cánh cửa thánh”, là “những lời hữu hình” dẫn chúng ta đến những kho báu bị ẩn giấu. Các bí tích không chỉ đơn thuần nói với chúng ta rằng một điều gì đó là thật; chúng cũng cố gắng làm cho những gì chúng ta tin thành thực tế hơn.
- Các bí tích không phải là “những giây phút thánh” trong cuộc đời của chúng ta. Trái lại, chúng là những công cụ mà qua đó cuộc sống của chúng ta có thể nên thánh. Các bí tích là “động từ” của đời sống Kitô hữu, chứ không phải là “những chú thích trong ngoặc”. Chúng ta không lãnh nhận một bí tích và sau đó ra đi. Ngược lại, chúng ta cử hành các bí tích để chúng ta có thể đi theo một con đường khác mà về.
- Thông thường, chất thể của một bí tích là biểu tượng hoặc cử chỉ diễn tả điều nằm ở cốt lõi của việc cử hành bí tích. Mô thể, hoặc những lời thiết yếu của kinh nguyện và đức tin, giải thích và chỉ rõ hơn điều mà biểu tượng hoặc cử chỉ diễn tả.
- Bí tích được coi là hợp lệ nếu thoả mãn ba đòi hỏi: việc sử dụng chất thể và mô thể phù hợp, thừa tác viên có ý làm những gì Hội Thánh muốn làm trong việc cử hành bí tích này và thụ nhân tự ý tiếp cận bí tích.
- Đức Kitô là bí tích cơ bản của Tình Yêu Thiên Chúa. Đức Kitô là thừa tác viên chính, là Đấng đứng sau các bí tích. Các bí tích thuộc về Hội Thánh, và không thuộc về một thừa tác viên hay cộng đồng nào.
CÁC CÂU HỎI ĐỂ SUY NGHĨ VÀ THẢO LUẬN
- Từ “sacrament” đến từ đâu và tại sao từ này lại được dùng để nói về điều mà ngày nay chúng ta gọi là “bí tích” của Hội Thánh?
- Định nghĩa truyền thống, như trong Baltimore Catechism, của bí tích là gì? Ba đặc tính quan trọng trong định nghĩa này là gi?
- Tác giả sử dụng thêm những hình ảnh nào để làm sáng tỏ tầm quan trọng của các bí tích?
- Các dầu chỉ và biểu tượng giống nhau và khác nhau ở chỗ nào?
- Nguyên tắc thần-nhân (theo-anthrolopological principle) chính nào làm nền tảng cho thần học bí tích?
- Nói rằng bí tích là của Hội Thánh nghĩa là gi?
- Nói rằng bí tích được thiết lập cho Hội Thánh nghĩa là gi?
- Tác giả có ý nói gì khi viết rằng bí tích là những “động từ” của cuộc sống chúng ta?
- Với bí tích, thuật ngữ “chất thể” và “mô thể” có nghĩa gì?
- Đòi hỏi quan trọng nhất liên quan đến thừa tác viên của một bí tích để đảm bảo việc thành sự của bí tích là gì?
- Đòi hỏi cơ bản mà một thụ nhân phải có để bí tích được cử hành hợp lệ và kết quả là gì?