Bài 3 – Luân Lý Kitô Giáo và Ơn Gọi Làm Người

Bài làm ở nhà trước khi đến Lớp 3

Home Exercise before Class 3

Read Catechism of the Catholic Church nos. 1730-1748 and answer the following questions:

Đọc Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo câu 1730-1748 và trả lời những câu hỏi dưới đây:

  • What is meant by the term “human freedom”? To what aspects of the human person is it related?

Thuật ngữ “sự tự do của con người” có nghĩa gì? Nó liên quan đến những bình diện gì của con người?

  • What acts can be imputed to their author?

Những hành động nào có thể được quy tội hay trách nhiệm cho tác giả của chúng?

  • What can diminish, or even nullify, the imputabilty of an act? Why?

Điều gì có thể giảm bớt hay thậm chí xóa bỏ việc quy trách nhiệm của một hành vi? Tại sao?

  • What is the relationship of human freedom to sin? To grace?

Sự liên hệ giữa tự do của con người với tội lỗi là gì? Với ân sủng là gì?

Read CCC 1803-1829 and anwer the following questions:

Đọc Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo câu 1730-1748 và trả lời những câu hỏi dưới đây:

  • What is the definition of the term “virtue”?

Định nghĩa “nhân đức” là gì?

  • What are the cardinal virtues? Describe them.

Các nhân đức trụ là gì? Hãy mô tả chúng.

  • What are the theological virtues? Describe them.

Các nhân đức đối thần là gì? Hãy mô tả chúng.

  • What distinguishes the theological virtues from the cardinal virtues?

Điều gì giúp phân biệt giữa các nhân đức đối thần và các nhân đức trụ?

Read Cathechism of the Catolic Church nos. 1949-1986 and anwer the following questions:

Đọc Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo câu 1949-1986 và trả lời những câu hỏi dưới đây:

  • The eternal moral law is the work of whom? To what purpose was it created?

Luật luân lỳ vĩnh cửu là công trình của ai?  Nó được tạo ra với mục đ1ich gì?

  • What is meant by the term “natural moral law”? To whom do these laws apply? Do these laws vary over time?

Thuật ngữ “luật luân lý tự nhiên” có nghĩa gì? Các luật này áp dụng cho những ai?  Các luật này có thay đổi với thời gian không?

  • How is revealed law different from natural law?

Luật mặc khải khác luật tự nhiên thế nào?

  • What are the two stages of revelation of the revealed law?

Hai giai đoạn mặc khải của luật mặc khải là những giai đoạn nào.

  • What is meant by the term “the law of the Gospel”? In what way is it something more than a collection of prescriptions and proscriptions contained in the four canonical gospels”?

Thuật ngữ “luật Tin Mừng” có nghĩa gì? Nó trổi vượt hơn một bộ sưu tập các mệnh lệnh và cấm lệnh chứa đựng trong bốn Tin Mừng trong quy thư ở chỗ nào?

Bài 3 – Ơn Gọi Làm Người trong Thánh Thần

Viết theo sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo

Sự sống trong Thánh Thần kiện toàn ơn gọi làm người. Sự sống đó gồm việc kính mến Thiên Chúa và liên đới với mọi người. Thiên Chúa ban tặng sự sống như ơn cứu độ (1699).

Phẩm Giá của Con Người

Phẩm giá của một người bắt nguồn từ việc được dựng nên theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Hình ảnh này đã bị tội nguyên tổ làm méo mó, nay được phục hồi trong Ðức Kitô, và được thêm lộng lẫy nhờ ân sủng của Thiên Chúa.  Ai cũng có hình ảnh của Thiên Chúa vì có một “linh hồn bất tử” và một ý chí tự do.  Nhờ lý trí, con người nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa thúc đẩy mình “làm lành lánh dữ”.  Mỗi người phải vâng theo tiếng nói ấy, và thực hiện trong tình mến Chúa yêu người.  Việc thực thi đời sống luân lý chứng nhận phẩm giá của con người.  Con người phạm tội vì lạm dụng sự tự do của mình.  Vì tội nguyên tổ, chúng ta có khuynh hướng dễ phạm tội, nhưng Đức Kitô đã ban cho chúng ta một đời sống mới và sức mạnh để chiến thắng tội lỗi.  Ân sủng của Người phục hồi những gì tội lỗi đã làm hư hỏng nơi chúng ta.  Nhờ tin vào Đức Kitô, chúng ta đạt tới đức ái hoàn hảo bằng cách sống theo gương Người và kết hợp với Người.  Nhờ ân sủng của Người, đời sống luân lý của chúng ta được trưởng thành, và chúng ta có thể đạt được sự sống vĩnh cửu trên Nước Trời (1701-1715).

Ơn Gọi Hưởng Hạnh Phúc của Chúng Ta

Tám Mối Phúc Thật

Tám Mối Phúc Thật là trọng tâm của những lời Chúa Giêsu giảng dạy.  Tám Mối Phúc Thật phác họa dung mạo và đức ái của Người. Chúng diễn tả ơn gọi của các tín hữu là được liên kết với cuộc khổ nạn và phục sinh của Người, soi sáng những hành động và thái độ đặc thù của đời Kitô hữu.  Chúng nâng đỡ niềm hy vọng khi con người gặp hoạn nạn, cùng công bố những phúc lộc và phần thưởng các môn đệ đã được hưởng âm thầm (1716-1717).

Ước Vọng Hạnh Phúc

Tám Mối Phúc Thật đáp ứng ước vọng tự nhiên của con người là muốn được hạnh phúc.  Ước vọng này bắt nguồn từ Thiên Chúa.  Ngài là Ðấng duy nhất có thể cho làm chúng ta thỏa mãn.  Ngài mời gọi chúng ta chung hưởng hạnh phúc của Ngài.  Ơn gọi này được ban cho từng cá nhân, cũng như toàn thể Hội Thánh, Dân Mới, gồm những kẻ đón nhận và sống lời hứa đó trong đức tin (1718-1719).

Hạnh Phúc Thật của Kitô Giáo

Tân Ước dùng nhiều cách để diễn tả hạnh phúc thật mà Thiên Chúa mời gọi con người đến hưởng: Nước Thiên Chúa trị đến; hưởng nhan thánh Chúa, hưởng niềm vui của Chúa, an nghỉ trong Chúa.  Ngài cho chúng ta sống ở đời để nhận biết, phụng sư, và yêu mến Ngài để nhờ đó được hạnh phúc Thiên Ðàng.  Hạnh phúc là được thông phần bản tính Thiên Chúa và sự sống đời đời.  Nó là ân huệ siêu nhiên.  Hạnh phúc mà Ngài hứa bắt chúng ta phải đương đầu với những quyết định lựa chọn luân lý, mời gọi ta thanh luyện tâm hồn khỏi những bản năng xấu và tìm kiếm tình yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự.  Chúng ta không thể tìm thấy hạnh phúc thật nơi tiền tài, danh vọng, quyền bính, hay thành công về bất cứ phương diện nào, hoặc nơi bất cứ tạo vật nào, nhưng chỉ nơi Thiên Chúa, nguồn mọi thiện hảo và tình yêu.  Mười Giới Răn, Bài Giảng Trên Núi và giáo huấn các Tông Đồ chỉ cho chúng ta đường lên Nước Trời.  Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta tiến tới từng bước một, qua các việc làm hằng ngày. Nhờ tác động của lời Ðức Kitô, chúng ta dần dần sinh hoa kết quả trong Hội Thánh để vinh danh Thiên Chúa (1720-1729).

Sự Tự Do của Con Người

Thiên Chúa dựng nên con người có lý trí, nên giống Thiên Chúa. Ngài ban cho họ nhân phẩm để tự do hành động có sáng kiến và biết làm chủ các hành vi của mình. (1730)

Tự Do và Trách Nhiệm

Tự do là khả năng bắt nguồn từ lý trí và ý chí để chọn làm hay không làm điều gì, nhờ đó con người có thể làm những việc có ý thức và chịu trách nhiệm về việc mình làm. Tự do đạt tới mức hoàn hảo khi quy hướng về Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc của chúng ta. 

Tự do còn bao hàm khả năng lựa chọn giữa thiện và ác. Vì có tự do, nên con người có công hay có tội.  Con người chỉ có tự do đích thực khi làm điều thiện.  Khi chọn điều ác, con người lạm dụng tự do và trở nên nô lệ tội lỗi. 

Có tự do, con người phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình theo mức độ chủ ý.  Lỗi và trách nhiệm về một hành động có thể được giảm bớt hay xóa bỏ vì thiếu hiểu biết, sơ suất, áp lực, sợ hãi, thói quen, tâm thần bất ổn, hoặc các yếu tố tâm lý hay xã hội.  Con người phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi trực tiếp chủ ý của mình. 

Quyền sử dụng tự do, đặc biệt trong lãnh vực luân lý và tôn giáo, là một đòi hỏi không thể tách rời khỏi phẩm giá con người.  Luật dân sự phải công nhận và bảo vệ quyền này, trong giới hạn công ích và trật tự công cộng (1731-1738).

Sự Tự Do của Con Người trong Chương Trình Cứu Độ

Tự do và tội lỗi.  Tự do của con người có giới hạn và có thể lầm lạc. Thực ra, con người đã tự ý phạm tội khi từ chối ý định yêu thương của Thiên Chúa, và trở thành nô lệ tội lỗi.  Ngay từ đầu, lịch sử nhân loại cho thấy nhiều tai họa và áp bức phát xuất từ tâm địa con người là hậu quả của việc lạm dụng tự do (1739).

Tự do bị đe dọa.  Tự do không phải là muốn nói gì hay làm gì thì làm. Mặt khác, những điều kiện về kinh tế và xã hội, chính trị và văn hóa cần thiết để thực thi tự do cách chính đáng, lắm khi bị phủ nhận và vi phạm.  Khi xa lìa luật luân lý, con người làm thương tổn sự tự do của chính mình, làm nô lệ cho tính ích kỷ, cắt đứt tình huynh đệ với đồng loại và nổi loạn chống lại ý Chúa (1740).

Giải phóng và cứu độ.  Nhờ thập giá, Ðức Kitô đã cứu tất cả mọi người khỏi ách nô lệ tội lỗi để chúng ta được tự do, sự tự do của con cái Thiên Chúa (1741).

Tự do và ân sủng.  Ân sủng của Ðức Kitô không hề đàn áp sự tự do của chúng ta, trái lại càng ngoan ngoãn vâng theo sự thúc đẩy của ân sủng, thì sự tự do nội tâm và lòng quả cảm của chúng ta càng được gia tăng trước thử thách, cũng như ràng buộc của thế giới bên ngoài. Nhờ tác động của ân sủng, Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta đến sự tự do thiêng liêng để chúng ta trở thành những người tự nguyện cộng tác vào công trình của Người trong Hội Thánh và thế giới (1742-1748).

Tính Luân Lý của các Hành Vi Con Người

Tự do làm cho con người thành một chủ thể luân lý.  Khi hành động có chủ ý, con người được coi là cha của các hành vi của mình.  Các hành vi được tự do lựa chọn theo phán đoán lương tâm, đều có tính luân lý: có thể là tốt hay xấu (1749).

Nguồn gốc của luân lý (1750-1754)

Luân lý tính của các hành vi con người tùy thuộc vào:

Ðối tượng, ý hướng và các hoàn cảnh tạo nên yếu tố cấu thành luân lý tính của các hành vi con người.  Ðối tượng được lựa chọn xác định luân lý tính của hành vi ý chí, tùy theo sự nhận biết và phán đoán của lý trí.  Ý hướng phát xuất từ ý chí tự do và xác định mục đích của hành động, nên là một yếu tố căn bản để đánh giá luân lý tính của hành động.  Ý hướng có thể định hướng toàn bộ cuộc sống chúng ta đến một cùng đích.  Cứu cánh không biện minh cho phương tiện.  Một ý hướng tốt không thể làm cho một hành vi xấu thành tốt.  Ngược lại, một việc tốt có thể trở thành xấu vì làm với ý xấu.  Các hoàn cảnh, kể cả những hậu quả, là những yếu tố phụ của một hành vi luân lý.  Chúng không thể làm cho một hành vi tự nó là xấu, trở nên tốt hay đúng, nhưng có thể góp phần gia tăng hay giảm bớt tính chất tốt hay xấu về mặt luân lý của những hành vi con người.

Hành vi tốt và hành vi xấu (1575-1562)

Một hành vi tốt về mặt luân lý đòi hỏi đối tượng, mục đích và các hoàn cảnh đều phải tốt.   Đối tượng được lựa chọn có thể làm cho toàn bộ hành động trở nên xấu.  Có những hành vi luôn luôn là sai, vì ngay khi chọn lựa, ý chí đã lệch lạc; đó là một điều xấu luân lý. Không được phép làm điều xấu để đạt một kết quả tốt.  Chưa cần xét đến hoàn cảnh và ý hướng, có những hành vi tự bản chất luôn là bất chính nghiêm trọng do đối tượng.

Các Nhân Đức

Nhân đức là một khuynh hướng theo thói quyen và chắc chắn để hết sức làm điều tốt.  Người nhân đức hướng về sự thiện với tất cả năng lực thể xác và tinh thần.  Họ cố gắng theo đuổi điều thiện và dứt khoát chọn lựa bằng những hành động cụ thể (1803).

Các đức tính nhân bản (1804-1811)

Các đức tính nhân bản hay nhân đức là những thái độ chắc chắn, khuynh hướng vững bền, thói quen hướng thiện của lý trí và ý chí; chúng điều khiển các hành động, các đam mê, và hướng dẫn cách ăn ở của ta theo lý trí và đức tin.  Các đức tính này đem lại cho ta sự thoải mái, tự chủ và an vui, để sống một cuộc đời tốt đẹp.  Người nhân đức tự nguyện làm điều lành.  Muốn có các đức tính luân lý này, ta phải cố gắng luyện tập.  Các đức tính hướng mọi năng lực của con người đến sự hiệp thông với tình yêu Thiên Chúa (1804).

Các nhân đức trụ

Có bốn nhân đức đóng vai trò “bản lề,” vì các nhân đức khác xoay quanh chúng, là khôn ngoan, công bình, can đảm và tiết độ; cũng gọi là các nhân đức căn bản (1805).

  • Khôn ngoan giúp lý trí nhận ra điều lành và chọn những phương thế tốt để đạt được nó.  Khôn ngoan không phải là do dự, tráo trở hay vờ vĩnh.  Nó vạch ra quy tắc và giới hạn cho các đức tính khác.  Nó hướng dẫn phán đoán của lương tâm.  Nhờ nó, chúng ta áp dụng đúng đắn các nguyên tắc luân lý vào từng trường hợp cụ thể, và không phải do dự về điều lành phải làm và điều dữ phải tránh (1806).
  • Công bình thể hiện qua quyết tâm trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa và cho tha nhân những gì thuộc về họ; đối với Thiên Chúa là “nhân đức thờ phượng”; đối với tha nhân, là tôn trọng quyền lợi của mỗi người, đối xử chính trực với họ và thực thi công ích, ngay cả trong tư tưởng (1807).
  • Can đảm giúp chúng ta kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều lành.  Nó giúp chúng ta chống lại cám dỗ và vượt qua các chướng ngại trong đời sống luân lý. Nhờ nhân đức can đảm, chúng ta thắng sợ hãi, ngay cả cái chết, đương đầu với thử thách và bách hại, sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chính nghĩa (1808).
  • Tiết độ giúp chúng ta kiềm chế sức lôi cuốn của lạc thú và sử dụng chừng mực của cải.  Tiết độ giúp ý chí làm chủ các bản năng và kềm chế các ham muốn trong một giới hạn chính đáng (1809).

Nhân đức và ân sủng.  Nhờ ơn Chúa, các nhân đức tôi luyện tính tình và giúp chúng ta dễ dàng làm điều thiện.  Ơn cứu độ của Ðức Kitô đem lại cho chúng ta ân sủng cần thiết để kiên tâm trau dồi các nhân đức. Muốn tập nhân đức, cần phải luôn cầu xin ơn soi sáng, nhờ đến các bí tích, cộng tác với Chúa Thánh Thần, nghe theo tiếng Ngài gọi để yêu chuộng điều thiện và lánh xa điều ác (1810-1811).

Các nhân đức Ðối Thần

Các nhân đức đối thần là các nhân đức làm cho chúng ta có khả năng thông phần bản tính Thiên Chúa.  Các nhân này là nền tảng, linh hồn và nét đặc thù của hoạt động luân lý Kitô giáo. Thiên Chúa ban cho chúng ta các nhân đức này để chúng ta có khả năng hành động như con cái Ngài và đáng hưởng sự sống đời đời.  Các nhân đức đối thần là bảo chứng Chúa Thánh Thần hiện diện và tác động trong những năng lực của con người.  Có ba nhân đức đối thần là tin, cậy, mến (1812-1813).

  • Ðức tin giúp chúng ta tin vào Thiên Chúa, cùng tất cả những gì Ngài đã phán và mặc khải cũng như Hội Thánh dạy phải tin, vì Thiên Chúa là chân lý.  Ðức tin không có đức cậy và đức mến, sẽ không kết hợp ta trọn vẹn với Ðức Kitô và không làm cho chúng ta trở nên chi thể sống động trong Nhiệm Thể Người.  Chúng ta không những phải giữ và sống đức tin, mà còn phải tuyên xưng, làm chứng và truyền bá đức tin nữa. (1814-1816).
  • Ðức cậy giúp chúng ta khao khát Nước Trời và sự sống vĩnh cửu, nhờ tin tưởng vào các lời hứa của Ðức Kitô và phó thác vào ơn Chúa Thánh Thần, chứ không dựa vào sức mình.  Ðức cậy bảo vệ chúng ta khỏi thất vọng, nâng đỡ chúng ta, giúp chúng ta phấn khởi mong đợi hạnh phúc muôn đời.  Ðức cậy giải thoát chúng ta khỏi lòng ích kỷ và đưa chúng ta đến hạnh phúc của đức ái.  Các Mối Phúc Thật hướng niềm hy vọng của chúng ta lên Thiên Quốc.  Nhờ công ơn và cuộc khổ nạn của Ðức Kitô, Thiên Chúa gìn giữ chúng ta trong đức cậy.  Ðức cậy được diễn tả và nuôi dưỡng trong kinh nguyện, nhất là kinh Lạy Cha (1817-1821).
  • Ðức mến hay đức ái giúp chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và vì Chúa mà chúng ta thương yêu tha nhân như chính mình.  Ðức Kitô đặt đức ái làm điều răn mới.  Ðức ái là hoa quả của Chúa Thánh Thần và là chu toàn lề luật.  Thánh Phaolô kể ra các đặc điểm của đức ái:

 “Ðức ái thì nhẫn nhục, không ghen tương, không khoe khoang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không hận thù, không mừng vì điều ác, nhưng vui vì điều chân thật. Ðức ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.” 

Ðức ái cao trọng hơn mọi nhân đức, và đứng đầu các nhân đức đối thần.  Ðức ái gợi hứng và thúc đẩy việc tập luyện mọi nhân đức.  Ðức ái là nguồn mạch và cùng đích của việc thực hành các nhân đức trong đời sống Kitô hữu.  Ðức ái bảo đảm, thanh luyện và nâng khả năng yêu thương của con người lên mức hoàn thiện siêu nhiên.  Ðời sống luân lý được sinh động nhờ đức ái, đem lại cho các Kitô hữu sự tự do thiêng liêng của con cái Thiên Chúa.  Hoa quả của đức ái là niềm vui, bình an và lòng thương xót (1822-1829).

Lề Luật và Ân Sủng

Con người được mời gọi tới hưởng hạnh phúc, nhưng bị thương vì tội lỗi, nên cần ơn cứu độ của Thiên Chúa.  Ðức Kitô mang ơn cứu độ đến cho con người qua lề luật để dẫn dắt họ và qua  ân sủng để nâng đỡ họ (1949).

Luật Luân Lý

Luật luân lý là tác phẩm của Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa.  Nó như lời Cha dạy con, như một phương pháp giáo dục của Thiên Chúa.  Nó quy định cho chúng ta những con đường, những nguyên tắc sống, đưa đến hạnh phúc mà Ngài đã hứa, ngăn cấm chúng ta đi con đường xấu.  Tuy là những mệnh lệnh nhưng cũng là những lời hứa đáng cho chúng ta quý mến.  Luật là quy tắc sống, được quyền bính hợp pháp ban hành để phục vụ công ích.  

Luật luân lý là một trật tự hợp lý được Tạo Hóa thiết lập để các thụ tạo đạt tới lợi ích và cứu cánh của chúng.  Có nhiều cách diễn tả luật luân ly như: luật vĩnh cửu của Thiên Chúa; luật tự nhiên; luật mặc khải gồm Luật Cũ và Luật Mới hay luật Tin Mừng; sau cùng dân luật và giáo luật.  Luật luân lý được viên mãn và thống nhất trong Ðức Kitô, Đấng là hiện thân, và cùng đích của lề luật (1950-1953).

Luật luân lý tự nhiên (1954-1960)

Luật tự nhiên được Thiên Chúa ghi trong tâm hồn mọi người.  Nó là nền tảng giúp chúng ta dùng lý trí mà nhận ra điều tốt và xấu, thật và giả.  Nó vạch ra cho chúng ta con đường phải theo để làm điều tốt và đạt tới cùng đích.  Nó nêu ra những mệnh lệnh đầu tiên và chính yếu điều khiển đời sống luân lý.  Trọng tâm của nó là lòng khao khát và tùng phục Thiên Chúa, cùng cảm thức về tha nhân như bình đẳng với mình.  Luật này được trình bày trong Mười Điều Răn.  

Luật này được gọi là tự nhiên không phải vì rút ra từ thế giới tự nhiên, nhưng được Thiên Chúa ghi trong lòng mỗi người và được lý trí xác nhận.  Nó có giá trị phổ quát mà mọi người phải theo.  Luật này nói lên phẩm giá con người và xác định nền tảng các quyền lợi và bổn phận cơ bản của con người.  Dù các nền văn hóa có khác nhau, nó vẫn là một quy tắc nối kết con người với nhau, đặt cho họ những nguyên tắc chung, vượt trên mọi khác biệt. 

Luật tự nhiên bất biến và trường tồn qua mọi thời đại.  Nó là công trình của Tạo Hóa, cung cấp cho chúng ta những nguyên tắc cơ bản để thiết lập các quy tắc luân lý.  Nó cũng đặt nền móng luân lý cho việc kiến tạo cộng đoàn nhân loại; và cung cấp cơ bản cần thiết cho luật dân sự.  Nó là cơ sở Thiên Chúa dọn sẵn và thích hợp với công trình của Chúa Thánh Thần để con người đón nhận luật mặc khải và ân sủng.

Luật Cũ (1961-1964)

Thiên Chúa đã mặc khải cho dân Israel Luật của Ngài để chuẩn bị cho Ðức Kitô.  Luật Môsê nêu ra nhiều chân lý mà lý trí tự nhiên có thể đạt tới.  Nó là bước đầu của luật mặc khải.  Những mệnh lệnh luân lý được tóm tắt trong Mười Điều Răn, nền tảng cho ơn gọi làm người. Các điều răn ấy ngăn cấm những gì nghịch lại tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, cùng ấn định những đòi hỏi chính yếu của tình yêu ấy.  Mười Điều Răn là ánh sáng cho lương tâm mọi người, giúp họ nhận ra tiếng gọi và những con đường của Thiên Chúa, và bảo vệ họ khỏi sự dữ.  Theo truyền thống Kitô giáo thì nó chưa hoàn thiện vì chỉ cho thấy điều phải làm, nhưng không ban ân sủng để chu toàn.  Tuy nhiên, nó là bước chuẩn bị giúp dân Chúa cũng như mỗi Kitô hữu sẵn sàng hoán cải và tin vào ơn Cứu Ðộ.  Vì là Lời Thiên Chúa, nó là một giáo huấn vĩnh cửu tiên báo công trình Ðức Kitô sẽ thực hiện để giải thoát ta khỏi tội lỗi, cung cấp cho Tân Ước những hình ảnh, tiên trưng, và biểu tượng, để diễn tả đời sống theo Thánh Thần.  Cuối cùng, các sách giáo huấn và các ngôn sứ, bổ túc và hướng luật cũ đến Tân Ước và Nước Trời.

Luật Mới hay luật Tin Mừng (1965-1986)

Luật mới hay luật Tin Mừng là sự hoàn hảo ở đời này của luật Thiên Chúa, luật tự nhiên và luật mặc khải.  Ðây là luật của Ðức Kitô, được trình bày cách đặc biệt trong Bài Giảng Trên Núi, mà cũng là công trình của Thánh Thần.  Luật Mới là ân sủng Chúa Thánh Thần ban cho các tín hữu nhờ tin vào Ðức Kitô.   Đức Kitô dùng Bài Giảng Trên Núi để dạy chúng ta ta điều gì phải làm, và các bí tích để thông ban ân sủng giúp chúng ta thực hiện những điểu ấy.  Luật Tin Mừng trổi vượt và kiện toàn Luật Cũ.  

Nơi các Mối Phúc Thật, Luật Mới dành cho những ai sẵn sàng tin tưởng đón nhận niềm hy vọng mới: những người nghèo, khiêm tốn, đau khổ, có tâm hồn trong sạch, bị bách hại vì Ðức Kitô.  Như thế Luật Mới mở ra những con đường của Nước Trời.  Luật Mới hoàn tất các điều răn của Luật Cũ. Bài Giảng Trên Núi không hủy bỏ hay giảm giá trị Luật Cũ, mà còn khai thông những tiềm năng, và làm nổi bật những đòi hỏi mới của Luật ấy. 

Luật Mới làm sáng tỏ toàn bộ chân lý về Thiên Chúa và con người trong Luật Cũ.  Nó không thêm những điều răn mới bề ngoài, nhưng canh tân tâm hồn là nơi phát xuất mọi hành vi, ý tưởng và nhân đức.  Tin Mừng đưa Luật Cũ tới viên mãn khi dạy chúng ta nên hoàn thiện như Cha trên trời, tha thứ cho kẻ thù, và cầu nguyện cho những người bách hại chúng ta.  Luật Mới dạy chúng ta thực thi các hành vi tôn giáo như bố thí, cầu nguyện và chay tịnh, nhưng chỉ qui hướng về Thiên Chúa Cha mà thôi.  Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện của những người sống theo luật mới (1965-1969).

Luật Tin Mừng đòi chúng ta chọn lựa dứt khoát và thực hành các lời Chúa dạy. Luật này được tóm lược trong Luật Vàng.  Toàn bộ luật Tin Mừng thu gọn trong điều răn mới của Ðức Kitô là chúng ta hãy yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta. (1970)

Thêm vào Bài Gảng Trên Núi của Chúa là giáo lý về luân lý của các Tông Đồ…. Các lời này truyền lại giáo huấn của Chúa với thẩm quyền của các Tông Đồ, đặc biệt trong việc trình bày các nhân đức xuất phát từ đức tin vào Ðức Kitô, và được đức mến là ân sủng chính của Chúa Thánh Thần làm cho sống động.  Các giáo huấn này cũng dạy chúng ta giải quyết những vấn đề lương tâm theo ánh sáng của sự tương quan giữa chúng ta với Đức Kitô và với Hội Thánh. 

Luật Mới được gọi là luật yêu thương vì dạy chúng ta hành động theo tình yêu mà Chúa Thánh Thần thông ban, hơn là vì sợ hãi. 

Luật Mới được gọi là luật ân sủng vì nhờ đức tin và các bí tích, chúng ta nhận được sức mạnh của ân sủng để hành động. 

Luật Mới là luật tự do vì giải thoát chúng ta khỏi những trói buộc về nghi thức và pháp lý cũ, giúp chúng ta hành động theo sự thôi thúc của đức ái, và sau hết nâng chúng ta từ tình trạng tôi tớ lên bậc bạn hữu của Ðức Kitô. 

Ngoài các giới luật, Luật Mới còn có những lời khuyên Tin Mừng. Các lời khuyên này nhằm loại bỏ những điều dù không nghịch với đức ái nhưng có thể cản trở đức ái phát triển. 

Luật Mới đạt tới mức hoàn hảo trong giới luật mến Chúa yêu người.  Các lời khuyên giới thiệu những con đường thẳng, những phương thế thuận lợi và được thực hành tùy theo ơn gọi của mỗi người (1971-1986).

           

Self-Reflection Questions – Câu hỏi Tự Vấn

Write about a paragraph answer to at least one of the following questions

Viết khoảng một đoạn văn trả lời ít nhất là một trong những câu hỏi sau:

  1. How is the Catholic notion of human freedom like and unlike the notions of freedom in the dominant culture of the United States? How is this culture either a support or a challenge in living a Christian moral life?

Khái niệm của Công Giáo về sự tự do của con người giống và khác các khai niệm về tự do của nền văn hóa chính của Nước Hoa Kỳ thế nào?  Nền văn hóa này là một sự nâng đỡ hay một thách đố cho việc sống đời sống luân lý Kitô giáo ra sao?

  1. By definition, virtues are something that must be practiced; they are expressed in the doing and it only through the doing that they become habitual and firm dispositions. How do you practice the virtues? Is there something more you could be doing?

Theo định nghĩa, các nhân đức là những điều chúng ta phải thực hành; chúng đươc thể hiện bằng thực hành và chỉ qua thực hành mà chúng trở thành những khuynh hướng theo thường xuyên và chắc chắn.  Bạn thực hành các nhân đức như thế nào?  Bạn có teh63 làm thêm được gì nữa không?