Bài làm ở nhà trước khi đến Lớp 5
Home Exercise before Class 5
Read Christian Morality: In the Breath of God, Chapter 4, section entitled “Sin: “Original’ and ‘Actual’”; CCC 1849-1851,1865-1869 and aswer the following questions:
Đọc Bài này và Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo các câu 1849-1851,1865-1869 và trả lời các câu hỏi dưới đây:
- Give a definition of what is meant by “Original Sin”.
Hãy định nghĩa từ “Tội Tổ Tông”.
- What is the relationship between actual sins and Original Sin?
Liên hệ giữa các tội thật và Tội Tổ Tông là gì?
- What is meant by the terms “social sin”, “structures of sin”, or “sin of the world”? What is social sin’s relationship to Original Sin and Actual Sin?
Các thuật ngữ “tội xã hội”, “các cấu trúc của tội lỗi”, hay “tội của thế gian” có nghĩa gì? Tôi xã hội có liên hệ với Tội Tổ Tông và tội thật ras sao?
- What is meant by the phrase “sin is vicious”?
Câu “Tội lỗi thì xấu xa” có nghĩa gì?
Read CCC 1854-1864, 1472-1473 and answer the following questions:
Đọc Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo các câu 1854-1864, 1472-1473 và trả lời các câu hỏi dưới đây:
- Define the 3 conditions necessary for a sin to be considered a “mortal sin”.
Hãy xác định ba điều kiện để một tội được coi là “tội trọng”.
- Define what is meant by a “venial sin”.
“Tội nhẹ” là gì?
- How do the effects of mortal and venial sins differ?
Các hậu quà của tội trọng và tội nhẹ khác nhau thế nào?
- Explain how what are traditionally referred to as the “punishments due to sin” are perhaps better understood as the effects of sin.
Hãy giải thích làm sao mà điều mà theo truyền thống gọi là “hình phạt do tội gây ra” có lẽ được hiểu đúng hơn là các hậu quả của tội lỗi.
- What is meant by the distinction between the eternal and temporal punishments due to sin?
Sự khác biệt giữa các hình phạt đời đời và hình phạt tạm do tội gây ra là gì?
Bài 5 – Luân Lý Kitô giáo trong Động Năng của Tội Lỗi và Hoán Cải – I
Viết theo Christian Morality: In the Breath of God – Chapter 4
Của Tiến Sĩ Russell B. Connors, Jr.
CHỊ TỬU
Chỉ có thể nói rằng đây thật là một phép lạ. Đó là cách chị Tửu mô tả cho chúng tôi vài tuần qua. Tất cả chúng ta đều biết rằng cuộc vật lộn của chị với tật nghiện rượu là một thách đố không những chỉ cho chị, mà còn cho cả gia đình và bạn bè chị nữa. Chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm và rất mừng rằng cuối cùng chị đã chịu đi chữa trị ở trung tâm cai nghiện. Chúng tôi thán phục việc chị chịu khó tham gia chương trình chia sẻ về nghiền rượu (AA) của mình. Nhưng cuộc nói chuyện này cho thấy rõ rằng chúng ta thực sự chưa thấy rõ tầm quan trọng của việc này đối với chị Tửu, kinh nghiệm này đã thay đổi cuộc đời chị một cách sâu xa như thế nào.
Chị Tửu nói, “Em đã gần chết, theo nghĩa đen, em đã đang tiến về phía cái chết, dĩ nhiên, em ghét chị vì điều ấy, nhưng bây giờ em biết rằng cái đêm mà chị sắp đặt sự can thiệp ấy và hầu như đã lôi em đến bệnh viện là thời điểm phúc đức nhất trong đời em, đó là thời điểm đen tối nhất, đồng thời cũng là khởi đầu sự sống lại của đời em, em tin rằng em chỉ cần uống thêm một ly nữa là em sẽ chết. Em cầu xin rằng mình không bao giờ quên điều ấy.”
Khi chị Tửu nói xong, mọi người dường như im lặng rất lâu. Chị Mai cuối cùng đã nói một cách đơn giản, “Chị Tửu, chị là người vĩ đại nhất, chúng tôi đều yêu mến chị.” Cuộc trò chuyện tiếp tục, nhưng tôi nghĩ rằng không ai trong chúng tôi có thể quên được sức mạnh và ân huệ của những lời của chị Tửu tối hôm ấy.
Từ Sách Gíao Lý của Hội Thánh Công Gíao số 1828, 1848, 1850, 1865
Trong phần giới thiệu sách này, tôi đã kể chuyện về một người bạn thích chọc tôi về môn tôi học và giảng dạy: luân lý Kitô giáo, “mặt trái của Tin Mừng.” Tôi cho rằng nội dung của chương này có thể là điều anh ta đã nghĩ đến. Điều ấy phần nào đúng: nói về mặt tội lỗi và tổn thương của đời sống con người thường không phải là điều dễ nghe. Vì vậy, hãy đề phòng; chương này có thể mời bạn liên tưởng đến một số những bí mật khó ai có thể biết được của đời bạn mà bạn đang mừng vì không mấy người biết đến. Và nói về hoán cải – ý tưởng rằng chúng ta cần phải thay đổi, đôi khi chúng ta cần phải “quay trở lại” – có thể cũng là điều không mấy dễ chịu. Bất chấp tất cả những điều ấy, tôi hy vọng bạn tiếp tục đọc.
Chỉ đúng một phần rằng việc bàn luận về tội lỗi và hoán cải là điều khó khăn. Trong đức tin Kitô giáo, tội lỗi là cơ hội để nói về ân sủng, và hoán cải là một lời mời gọi tuyên xưng một xác tín mạnh mẽ và nhiều hy vọng hơn: chúng ta có thể được chữa lành; tiến trình này đang được tiến hành. Dưới ánh sáng của sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô, những lời cuối cùng của cuộc đối thoại không phải là tội lỗi và sự chết, mà là ân sủng và sự sống. Hãy hỏi chị Tửu, vị thánh anh hùng trong câu chuyện mở đầu của chương này. Nói rõ hơn điểm chính của câu chuyện của chị không phải nghiền rượu là một tội. May thay, ngày nay chúng ta hiểu nghiện rượu như một căn bệnh, thực sự là một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng chị Tửu sẽ cho chúng ta biết rằng nếu nghiện rượu không phải là về tình trạng tội lỗi của con người mà qua đó con người mắc tội, thì nó là về sự đổ vỡ và bị thương, và chắc chắn nó đòi hỏi có một tiến trình chữa lành và hoán cải là điều mà chương này bàn đến. Như chị Tửu nói với chúng ta, hoán cải vừa là công việc khó khăn vừa là một hồng ân.
Trong chương này, chúng ta thảo luận trước hết về “Tội Nguyên Tổ” và “tội thật”, khi ghi nhận, như thần học gia Timothy O’Connell đã nói, rằng một cách nào đó “tội lỗi là một sự thực” và theo những cách khác “tội lỗi là một hành động”. Thứ đến, chúng ta nhìn vào sự hoán cải, và như Tân Ước đã làm, tôi đề nghị rằng chúng ta nên nghĩ đến hoán cải không như một mệnh lệnh, mà như một khả năng. Thứ ba, chúng ta suy nghĩ ngắn gọn về nền tảng của quan điểm đầy hy vọng này về tội lỗi và hoán cải, chính là sự Sống Lại của Chúa Giêsu Kitô.
Tội: “Tội Nguyên Tổ” và “Tội Thật”
Ba điều đầu tiên bạn nghĩ đến khi nghe từ “tội lỗi” là gì? [Bạn hãy bỏ ra một vài phút để trả lời câu hỏi này trước khi đục tiếp]. Dựa vào kinh nghiệm của tôi trong các lớp ở đại học và trong những môi trường giáo dục người lớn, nếu bạn giống như nhiều người khác, có lẽ câu trả lời của bạn có thể bao gồm những điều như gian lận, trộm cắp, nói dối, giết người, ngoại tình, vân vân. Đó là những câu trả lời đúng. Thật vậy, tội lỗi liên hệ nhiều đến những hành động cụ thể mà chúng ta làm là những hành động rõ ràng là sai trái – không chỉ sai lầm, mà còn sai theo nghĩa luân lý, không tuân giữ những gì con người phải làm và chắc chắn là không làm tất cả những gì cần thiết để là môn đệ của Đức Kitô. Tội lỗi là về những gì chúng ta làm; “tội lỗi là một hành động.”
Nhưng, theo sự chỉ dẫn của Tim O’Connell, thật là giá trị để suy nghĩ về một chiều kích tội lỗi của con người, thậm chí còn cơ bản hơn ý tưởng “tội lỗi là một hành động” – theo nghĩa “tội lỗi là một thực tại.” Tội lỗi không chỉ đơn thuần là về những gì chúng ta làm. Bằng một cách xảo quyệt và tràn lan hơn, tội lỗi “lớn hơn” điều ấy. Đó là về sự tổn thương của thế giới. Đó là về cách mà tất cả mọi sự, đặc biệt là chính chúng ta, không hoàn toàn đúng, cho dù chỉ trong những khiếm khuyết nhỏ làm nản lòng tất cả chúng ta, hoặc trong sự ghê tởm của hận thù và sự dữ toàn diện mà đôi khi khiến chúng ta run sợ. “Tội lỗi là một thực tại” và đã như thế ngay từ đầu. Truyền thống Công Giáo giải thích điều này bằng học thuyết tội “Nguyên Tổ”.
Tội Nguyên Tổ (Tội Tổ Tông Truyền)
Trong phần thứ nhất của sách GLGHCG, phần giải thích về “Tuyên Xưng Đức Tin”, tội lỗi được mô tả như sự lạm dụng quyền tự do mà Thiên Chúa ban cho những con người được Ngài tạo dựng để có khả năng yêu mến Ngài và yêu thương nhau (số 387 ).
Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, và điều này được đặc biệt nhấn mạnh trong khả năng trí tuệ và tự do của chúng ta. Nhưng chúng ta có thể lạm dụng các khả năng ấy. Và đó chính là điều liên quan đến tội lỗi: sử dụng trí thông minh của mình theo những cách bóp méo sự thật, và sử dụng tự do của mình để đi theo con đường riêng của mình thay vì con đường của Thiên Chúa. Mọi thứ tội lỗi đều đưa đến việc nổi loạn chống lại Thiên Chúa.
Điều đặc biệt về khái niệm Tội Tổ Tông là toan tính nổi loạn này của nhân loại chống lại Thiên Chúa đã xảy ra ngay từ thủa ban đầu và được truyền lại hết thế hệ này sang thế hệ khác. Câu chuyện về “sự sa ngã” của ông Ađam và bà Evà từ chương 3 của sách Sáng Thế là một nỗ lực nhằm giải thích, bằng ngôn ngữ biểu tượng, một biến cố quan trọng xảy ra vào thủa ban đầu lịch sử nhân loại, một tội ban đầu của “nguyên tổ chúng ta” là điều đã ảnh hưởng đến nhân loại kể từ đó (xem số 390).
Theo câu chuyện vĩ đại này, sự hòa hợp đánh dấu kinh nghiệm “nguyên thủy” của ông Ađam và bà Evà đã bị tội lỗi của ông bà phá tan. Cuộc nổi loạn của những con người đầu tiên này đã đưa vào thế giới những quyền năng của sự dữ mà con người không dễ dàng thắng vượt. Và, tiếc thay, tất cả chúng ta giờ đây thừa kế một thế giới bị đánh dấu bởi sự thiếu hòa hợp này. Nó ảnh hưởng đến chúng ta ngay từ thủa đầu đời; nó “nhập vào xương cốt chúng ta”. Chúng ta vẫn được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, và chúng ta vẫn còn tốt về cơ bản, nhưng vì Tội Tổ Tông, biết điều gì là đúng và tự do làm điều đúng không còn dễ dàng nữa.
Điều này có vẻ bất công, phải không? Chúng ta thừa hưởng “hậu quả” của các việc làm tội lỗi phản loạn của những người đã đi trước mình. Chúng ta phải chịu điều chúng ta không đáng chịu. Nhưng còn có một khía cạnh khác nữa. Sách Giáo Lý mời gọi chúng ta đừng bao giờ quên Tin Mừng về ơn cứu độ được ban cho chúng ta qua Chúa Giêsu Kitô (xem số 398).
Chúng ta cần lưu ý rằng ơn cứu độ của Thiên Chúa ban là dành cho những người tội lỗi. Ơn này không phải là điều chúng ta đáng được; trái lại nó chỉ đơn thuần là một hồng ân. Vì vậy, tốt nhất là chúng ta phải nhớ rằng nếu Tội Tổ Tông không phải là điều chúng ta đáng chịu, thì ơn cứu rỗi cũng không phải là điều chúng ta đáng lãnh nhận!
Tội Thật
Tội Nguyên Tổ không phải là toàn thể câu chuyện. Nếu chúng ta thừa hưởng một thế giới trong đó “tội lỗi là một thực tại”, chúng ta cuối cùng đã học cách biến nó trở thành của chính mình. Trong và qua các hành động mà chúng ta đôi khi làm – các hành động được đánh dấu nhiều cách khác nhau bằng sự ích kỷ, gian dối và bất công – chúng ta tự ý góp phần vào tội lỗi của thế gian. “Tội lỗi là một hành động.” Vì vậy, ngoài những gì chúng ta thừa hưởng, chúng ta làm những việc lớn nhỏ đôi khi bày tỏ tình trạng thiếu yêu thương và chăm sóc cho chính mình, cho nhau và cho Thiên Chúa.
Theo một cách vừa truyền thống vừa có vẻ phù hợp với lẽ thường, sách GLGHCG mô tả cả tội trọng lẫn tội nhẹ (xem số 1854). Sự khác biệt nằm ở mức độ nghiêm trọng và ảnh hưởng của chúng trên chúng ta.
Sách Giáo Lý nói rằng Tội là lỗi phạm đến lý trí, chân lý, lương tâm ngay chính, là thiếu tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa và tha nhân. Tội làm tổn thương bản tính con người và vi phạm đến tình liên đới giữa nhân loại, là chống lại tình yêu của Thiên Chúa đối với ta, làm ta xa lánh Ngài. Tội trọng là một sự vi phạm luật Thiên Chúa rất nghiêm trọng đến nỗi nó hủy diệt đời sống ân sủng trong chúng ta. Nó làm chúng ta xa lìa Thiên Chúa (x. số1855). Để phạm tội trọng, chính hành động phải là điều sai lầm nghiêm trọng, và phải được làm với đầy đủ hiểu biết và sự ưng thuận hoàn toàn của ý chí (x. số1857).
Có một số điều quan trọng cần lưu ý ở đây. Điều quan trọng nhất, tội trọng không phải là điều bình thường. Chúng ta có thể đưa ra giả thuyết về việc chúng ta có thể phạm tội trọng thường xuyên ra sao, nhưng đó không phải là điều chúng ta làm cách bình thường và có lẽ không phải là điều chúng ta làm cách thường xuyên. Như từ “trọng” [“mortal” hay “deadly”] cho thấy, loại tội này giết chết sự sống của Thiên Chúa trong chúng ta – không phải vì Thiên Chúa ngừng yêu thương chúng ta, nhưng vì chúng ta quay lưng lại với Thiên Chúa trong việc mình làm.
Cũng lưu ý rằng GLHTCG nhấn mạnh rằng để một người phạm tội trọng, cần phải có ba điều kiện. Thứ nhất, chính việc làm phải là điều sai trái nghiêm trọng. Đây là điểu mà văn bản có ý khi nói rằng “đối tượng” phải liên hệ đến vấn đề nghiêm trọng. Thứ hai, người ấy phải có đầy đủ sự hiểu biết về bản chất sai trái nghiêm trọng của hành động. Thứ ba, người ấy phải làm việc ấy với “sự ưng thuận hoàn toàn”, nghĩa là, với sự tự do hoàn toàn. Trong số 1859 và 1860, GLHTCG vạch ra rằng một người có thể làm điều sai trái nghiêm trọng (các hành động mà giáo huấn Công giáo gọi là “sai lầm khách quan”), nhưng người ấy có thể làm thế với một mức độ hiểu biết thấp hơn về sự sai trái của nó hoặc với một mức độ ít tự do hơn. Trong những trường hợp ấy, mức độ tội lỗi cũng thấp hơn; việc làm ấy không phải là một tội trọng, nhưng có lẽ là một tội nhẹ. Thậm chí có khi sự hiểu biết hay tự do của một người quá thấp đến nỗi ngay cả khi người ấy làm một điều gì sai lầm “khách quan”, có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho chính mình hoặc người khác, có thể vẫn không có một mức độ tội cá nhân nào hết.
Kết quả của việc này là chúng ta phải khôn ngoan để tránh phán đoán về tội lỗi của người khác. Chúng ta có thể quan sát người khác làm một điều gì sai, nhưng không biết được lòng của người khác; chúng ta không có khả năng đánh giá sự hiểu biết và sự tự do của người khác khi họ làm điều họ làm. Tôi nói cảm ơn Thiên Chúa vì điều này. Cám ơn Chúa – Thiên Chúa từ bi và hay tha thứ của chúng ta – rằng chúng ta không phải có nhiệm vụ đưa ra những phán đoán như thế về người khác. Thật khó mà làm như thế cho chính mình!
GLHTCG giải thích (ngắn gọn hơn) rằng tội nhẹ làm tổn thương mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, nhưng không hủy diệt nó (xem số1855). Trong khi tội trọng đưa đến việc quay lưng lại với Thiên Chúa, thì tội nhẹ ít bi thảm hơn. Tội nhẹ không cắt đứt mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, nhưng làm suy yếu nó. Cũng như trong hôn nhân hay tình bạn tốt, có thể có đủ loại hành động cho thấy sự ích kỷ, thiếu cảm thông, và vô tình với người khác. Những điều ấy có thể không “làm tổn thương mối liên hệ”, nhưng chắc chắn chúng sẽ không giúp được gì. Thực ra, các kiểu hành vi như vậy có thể mở đường cho những đổ vỡ vụn trong mối liên hệ, đưa đến “tội trọng”. Để chắc chắn, một cách nào đó, tội nhẹ là một phần của cuộc sống hàng ngày. Tất cả chúng ta đều biết được thế nào khi vừa là người cho đi và nhận lại sự vô tình và ích kỷ. Nhưng nếu như vậy, thì sự tha thứ cũng cần phải là một phần của cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chúng ta không nên coi thường tội nhẹ, nhưng cũng không nên “phạt mình quá đáng” vì nó, và cũng không nên làm như thế với người khác. Một óc khôi hài và khả năng tha thứ là điều thích hợp.
Có một điều nữa cần lưu ý về tội lỗi. Hậu quả của cả Tội Nguyên Tổ lẫn tội riêng của chúng ta đã mang lại là điều có thể được gọi là tội lỗi của thế gian (x. Ga 1:29). Điều này nói đến cách mà tội lỗi của con người “xuất hiện” trong cấu trúc của cộng đồng, trong cấu trúc xã hội của chúng ta, và trong các khuôn mẫu quen thuộc của chúng ta về sự liên hệ với nhau (xem số 408).
Đây không phải là tin tốt, nhưng là sự thật. Tội lỗi không chỉ là một chuyện cá nhân; đúng hơn, nó cũng có một chiều kích xã hội âm thầm. Sự bất công, thành kiến, đôi khi sự thù nghịch và bạo lực kéo dài hàng thế kỷ là một phần của cảnh mà chúng ta gọi là “thế giới này”. Các câu hỏi như, Đổ lỗi cho ai? Ai sai? Ai đã bắt đầu tất cả những điều này? Ai đã phạm tội? thường không có ích gì. Loại tội này “to lớn hơn” hơn bất kỳ ai trong chúng ta. Như GLHTCG ghi nhận (và như Đức Gioan Phaolô II thường viết trong các tác phẩm của ngài), chiều kích xã hội của tội lỗi thường được trưng bày trong các cấu trúc xã hội của cộng đồng và các nền văn hoá của chúng ta. Thí dụ, chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc và chế độ nô lệ đã từng được “đưa vào” các cấu trúc và luật lệ của quốc gia chúng ta. Sự tách biệt chủng tộc không chỉ đơn thuần là thái độ cá nhân, mà còn là cách làm ăn ở Nam Phi. Phân biệt giới tính và các loại “chủ nghĩa” khác thường là một phần của luật pháp, luật lệ và phong tục trong các cộng đồng của chúng ta. Tất cả những điều ấy là một phần của “tội lỗi của thế giới.” Nó tràn ngập, phải không? May thay, điều này chưa phải là hết.
Tóm Lược Giáo Lý về Tội lỗi
Lòng thương xót và tội lỗi (1846-1848)
Tin Mừng là mặc khải về LTX của TC nơi Ðức Kitô dành cho người tội lỗi. Ðể nhận được LTX chúng ta cần thú nhận tội lỗi mình. Nhưng để làm thế, ân sủng phải vạch trần tội lỗi nhằm hoán cải lòng chúng ta và “công chính hóa” chúng ta. Thiên Chúa nhờ Lời và Thần Khí của Ngài giúp chúng ta thấy rõ tội lỗi. Hoán cải đòi chúng ta phải ý thức rõ ràng về tội lỗi; nó bao hàm một phán quyết bên trong của lương tâm, là một bằng chứng về hoạt động của Thần Chân Lý ở tận đáy lòng chúng ta và cũng trở thành khởi điểm của việc tái ban ân sủng và tình yêu.
Ðịnh nghĩa tội lỗi (1849-1851)
Tội lỗi là một sự xúc phạm đến lý trí, chân lý, lương tâm ngay chính, là thiếu tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa và tha nhân do việc ngoan cố dính lứu với những lợi ích nào đó. Nó làm tổn thương bản tính con người và vi phạm đến tình liên đới của nhân loại. Tội lỗi chống lại tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, làm cho lòng chúng ta xa lánh tình yêu ấy. Vậy tội lỗi là “yêu mình đến nỗi coi thường Thiên Chúa”. Trong sự kiêu căng tự nâng mình lên, tội hoàn toàn trái ngược với thái độ vâng phục của Chúa Giêsu. Trong Cuộc Khổ Nạn, hy tế của Ðức Kitô đã bí mật trở nên nguồn mạch vô tận thông ban ơn tha tội cho chúng ta.
Tội Nguyên Tổ (386-390)
Tội là lạm dụng sự tự do mà Thiên Chúa ban để chối bỏ Thiên Chúa và chống lại Ngài. Chúng ta chỉ hiểu được tội lỗi nhờ mặc khải của Thiên Chúa. Câu chuyện nguyên tổ sa ngã được kể bằng ngôn ngữ tượng hình, nhưng xác nhận một biến cố thủa ban sơ, một việc làm xảy ra ngay ờ đầu lịch sử nhân loại. Mặc khải giúp chúng ta xác tín rằng tất cả lịch sử nhân loại đều mang dấu tích tội ban đầu mà nguyên tổ chúng ta đã hoàn toàn tự do vấp phạm. Chúng ta chỉ có thể hiểu được ý nghĩa tối hậu của sự sa ngã này trong sách Sáng Thế nhờ ánh sáng cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Đức Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta phải biết Ðức Kitô là nguồn mạch của ân sủng để biết rằng Ađam là nguồn mạch của tội lỗi. Vì thế không thể nói đến Tội Nguyên Tổ mà không nhắc đến Ðức Kitô.
Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài và đã thiết lập họ trong tình bằng hữu của Ngài. Trong việc cấm con người ăn trái “cây biết lành biết dữ”, “cây” này gợi lên một cách biểu tượng những giới hạn không thể vượt qua được mà con người, là loài thụ tạo, phải tự do nhìn nhận và kính trọng với lòng tin tưởng. Con người lệ thuộc vào Ðấng Tạo Hóa của mình, và tùy thuộc vào các định luật của việc tạo dựng và các tiêu chuẩn luân lý điều khiển việc sử dụng tự do
Như loài thụ tạo có tinh thần, con người phải tự do yêu mến Thiên Chúa, nhận ra giới hạn của mình và tin tưởng tôn trọng mệnh lệnh của Thiên Chúa. Việc cấm ăn trái “cây biết lành biết dữ” được thiết lập để thử thách sự tin tưởng này.
Con người đã bị ma quỷ cám dỗ, đã để cho niềm tin tưởng của họ bị chết đi trong lòng, bằng cách lạm dụng sự tự do của mình, đã không vâng lệnh Thiên Chúa. Đó là tội đầu tiên của con người. Tất cả các tội sau đó cũng là bất phục tùng Thiên Chúa và thiếu tin tưởng vào lòng nhân lành của Ngài. Trong tội ấy, con người thích mình hơn Thiên Chúa. Bị ma quỷ cám dỗ, con người muốn “giống Thiên Chúa”, nhưng không có Thiên Chúa, trước Thiên Chúa và không theo Thiên Chúa. Ông Ađam và bà Evà đã lập tức mất ân sủng của tình trạng thánh thiện nguyên thủy. Họ trở nên sợ hãi Thiên Chúa. Sự hài hòa mà họ đã có giờ đây bị phá hủy: linh hồn không còn khả năng điều khiển thân xác nữa, mối quan hệ giữa họ trở nên căng thẳng, bị đánh dấu bởi dục vọng và sự thống trị. Thụ tạo hữu hình trở nên xa lạ và thù nghịch với con người. Hậu quả trẩm trọng của tội bất phục tùng này là sự chết. Sự chết đã xâm nhập vào lịch sử nhân loại. Sau tội đầu tiên này, cả thế gian bị hầu như chìm ngập trong tội lỗi.
Tất cả mọi người đều liên lụy trong tội Ađam. Hội Thánh luôn dạy rằng Ađam đã truyền cho chúng ta một tội mà tất cả chúng ta đều phải chịu khi sinh ra, một tội là “cái chết của linh hồn”. Vì lý do đó mà Hội Thánh rửa tội cho trẻ sơ sinh. Ađam đã nhận sự thánh thiện và công chính nguyên thủy không chỉ cho mình một ông, mà còn cho cả bản tính nhân loại. Khi đầu hàng tên cám dỗ, Ađam và Evà đã phạm tội cá nhân, nhưng tội này đã ảnh hưởng đến bản tính nhân loại mà sau đó họ sẽ truyền lại trong tình trạng sa ngã. Và đó là lý do tại sao tội nguyên tổ là một tội “bị nhiễm” chứ không phải tội “đã phạm” – một tình trạng chứ không phải một hành động. Tội Nguyên Tổ là sự mất tình trạng thánh thiện và công chính nguyên thủy, nhưng bản tính con người chỉ bị tổn thương chứ không hoàn toàn bị hư hỏng: nó lệ thuộc vào khuynh hướng làm sự dữ gọi là nhục dục”. Bí Tích Rửa Tội xóa bỏ Tội Tổ Tông nhưng nhục dục vẫn tồn tại trong con người và kêu gọi họ vào một cuộc chiến thiêng liêng.
Hậu quả của Tội Tổ Tông và của mọi tội lỗi cá nhân của con người đã đặt toàn thế giới vào tình trạng tội lỗi. Sự thiếu hiểu biết về việc con người có một bản tính bị thương tích nghiêng về điều ác, dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng trong các lĩnh vực giáo dục, chính trị, hành động xã hội và luân lý. Tình trạng này biến cuộc sống con người thành một trận chiến. Con người phải chật vật để làm điều lành, họ chỉ có thể thành công với ân sủng của Thiên Chúa.
Các lọai tội lỗi khác nhau (1852-1853)
Có nhiều loại tội lỗi: tà dâm, ô uế, phóng đãng, thờ tà thần, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, ích kỷ, tranh chấp, chia rẽ, ganh tị, say sưa, chè chén và những điều khác tương tự. Chúng ta có thể phân biệt tội lỗi theo đối tượng, hoặc theo các nhân đức mà chúng đối nghịch, theo sự quá đáng hay thiếu xót, hoặc theo các điều răn mà chúng vi phạm. Cũng có thể phân loại chúng theo tương quan với Thiên Chúa, tha nhân hoặc bản thân; có thể chia chúng thành các tội tâm linh hay xác thịt, hoặc như các tội trong tư tưởng, lời nói, việc làm, hay thiếu xót. Nguồn gốc của tội lỗi chính là lòng người, trong ý chí tự do của họ. Nhưng trong lòng cũng còn có đức ái, nguồn gốc của các việc lành và thanh sạch, mà tội lỗi làm tổn thương.
Mức độ trầm trọng của tội: Tội trọng và tội nhẹ (1854-1864)
Tội được đánh giá theo mức độ trầm trọng của chúng. Tội trọng phá hủy đức ái trong lòng con người vì vi phạm cách nặng nề lề luật của Thiên Chúa. Tội nhẹ cho phép đức ái tồn tại, nhưng chống lại và làm tổn thương nó. Tội trọng, vì tấn công nguyên lý sống còn trong chúng ta là đức ái, nên cần một khởi đầu mới của lòng thương xót của Thiên Chúa và một cuộc hoán cải nội tâm, thường được hoàn thành qua bí tích Hòa Giải.
Để một tội thành trọng thì phải hội đủ ba điều kiện:
- Lỗi nặng được xác định trong Mười Ðiều Răn. Mức độ trầm trọng của tội có thể nhiều hay ít: tội giết người nặng hơn tội trộm cắp, tội hành hung cha mẹ nặng hơn tội hành hung một người lạ,
- một người phải có nhận thức đầy đủ và
- hoàn toàn ưng thuận.
Việc thiếu hiểu biết do lỗi mình và lòng chai đá không làm giảm bớt, mà còn gia tăng tính cách cố tình của một tội. Thiếu hiểu biết ngoài ý muốn có thể giảm bớt hoặc thậm chí miễn thứ trách nhiệm của lỗi phạm nặng. Các thúc đẩy của cảm giác, đam mê có thể làm bớt tính cách tự ý và tự do của việc phạm lỗi, cũng như các áp lực bên ngoài, hoặc những rối loạn do bệnh tật. Tội nặng nhất là tội phạm do ác tâm, qua việc cố tình chọn sự dữ. Tội trọng đưa đến tình trạng mất đức ái và không còn ơn thánh hóa, tức là tình trạng ân sủng. Nếu tội trọng không được chuộc lại bằng việc hối cải của tội nhân và bằng ơn tha thứ của Thiên Chúa, người ấy sẽ bị bị loại ra ngoài Vương Quốc của Đức Kitô và chết đời đời trong hỏa ngục (1857-1861).
Một người phạm tội nhẹ khi phạm điều nhẹ, hoặc phạm điều nặng nhưng không hoàn toàn hiểu biết hay ưng thuận. Tội nhẹ làm suy yếu đức ái. Người phạm tội nhẹ đáng chịu những hình phạt hữu hạn. Cố tình phạm tội nhẹ và không sám hối sẽ dần dần đưa chúng ta đến việc phạm tội trọng. Tuy nhiên, tội nhẹ không cắt đứt giao ước với Thiên Chúa. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, con người có thể sửa chữa tình trạng này (1862-1863).
Lòng thương xót của TC vô hạn, nhưng ai cố tình từ chối chấp nhận lòng thương xót của Ngài bằng cách hoán cải, thì cũng khước từ ơn tha tội.
Sự này nở của tội lỗi (1865-1876)
Những hành vi xấu được lặp đi lặp lại sinh ra tật xấu. Hậu quả là con người nghiêng chiều về điều ác, làm cho lương tâm bị mờ tối và phán đóán bị lệch lạc. Như thế tội lỗi có khuynh hướng tự sinh sôi nảy nở và tự củng cố, nhưng không thể phá hủy tận gốc cảm thức luân lý. Các thói xấu có thể được xếp loại dựa theo các nhân đức mà chúng đối nghịch hay theo các mối tội đầu, vì chúng sinh ra những tội khác, là: kiêu ngạo, hà tiện, mê dâm dục, ghen ghét, hờn giận, mê ăn uống, làm biếng. Còn có các “tội kêu thấu đến trời“. Ðó là máu của Abel tội của dân Sôđôma, tiếng kêu than của dân bị áp bức ở Ai Cập; tiếng than van của người ngoại kiều cư trú trên đất nước, của các cô nhi quả phụ; người làm thuê bị đối xử bất công.
Tội là một hành vi cá nhân. Nhưng chúng ta chịu trách nhiệm về các tội người khác phạm khi chúng ta cộng tác bằng cách:
- tham gia cách trực tiếp và cố tình;
- ra lệnh, xúi giục hoặc tán thành;
- che đậy, hoặc không ngăn cản, khi có bổn phận phải can ngăn;
- bao che những người làm điều ác.
Tội làm cho con người trở thành đồng lõa với nhau, và để cho dục vọng, bạo lực, bất công thống trị. Tội lỗi tạo nên những tình trạng xã hội và những định chế nghịch lại với lòng nhân hậu của Thiên Chúa.
Câu Hỏi để Suy Nghĩ và Thảo Luận
- Bạn đã trả lời như thế nào cho câu hỏi, “Khi nghe từ ‘tội lỗi’ bạn nghĩ đến ba điều gì trước nhất?” Bạn có nghĩ rằng bây giờ bạn sẽ trả lời câu hỏi này một cách khác theo chương này không? Nếu có, bạn trả lời thế nào?
- Câu chuyện mở đầu của Chị Tửu liên quan thế nào đến tội lỗi? Chắc chắn ý tưởng này không phải nghiện rượu là một tội; chúng ta đã coi nó như một loại bệnh tật. Vậy câu chuyện của chị ấy liên quan đến chương này thế nào? Có một lúc, chị Tửu được gọi là “vị thánh anh hùng”. Điều này có mô tả chị ấy không? Nếu có, mô tả thế nào?
- Chương này thảo luận về việc một người có thể làm điều sai quấy nghiêm trọng mà không nhất thiết là phạm tội. Bạn có thể nghĩ ra một thí dụ về điều này không? Sự phân biệt này có ích gì không? Điều này có nguy hiểm gì không?