Bài 9 – Luân Lý Kitô Giáo và Tính Dục Con Người

Bài làm ở nhà trước khi đến Lớp 9

Home Exercise before Class 9

Read “Christian Morality: In the Breath of God”, Chapter 6, from the beginning to the section entitled “Christian Faith and Sexuality: Creation and Integration” and CCC 2331-2336 and answer the following questions:

Đọc bài phần “Đức Tin Kitô Giáo và Giới Tính: Việc Tạo Dựng và Sự Hòa Nhập” và Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo từ câu 2331 đến 2336 và trả lời những câu hỏi sau đây:

  • How does the Catechism define “sexuality”?

Sách Giáo Lý định nghĩa “tính dục” là gì?

  • What attitude should one have with regard to one’s sexual identity? Who is called this attitude? What is meant by this?

Một người phải có thái độ gì về căn tính tính dục của mình? Ai được mời gọi có thái độ này? Điều này có nghĩa gì?

  • How is this understanding of sexuality related to the Doctrine of Creation and to theological anthropology that flows from it?

Sự hiểu biết này về tính dục liên hệ với Học Thuyết về Tạo Dựng và nhân chủng thần học phát sinh từ đó thế nào?

Read Christian Morality: In the Breath of God Chapter 6, section entitled “Christian Faith and Sexuality: Creation and Integration”; CCC 2337-2350 and answer the following questions:

Đọc bài phần “Đức Tin Kitô Giáo và Giới Tính: Việc Tạo Dựng và Sự Hòa Nhập” và Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo từ câu 2337 đến 2350 và trả lời những câu hỏi sau đây:

  • What does the Catechism say is the definition and meaning of the word “chastity”?

Theo Sách Giáo Lý thì định nghĩa và ý nghĩa của từ :”đức trong sạch” (khiết tịnh) là gì?

  • Who is called to chastity? Why?

Ai được mời gọi sống đức trong sạch? Tại sao?

  • What is meant by the terms “conjugal chastity” and “chastity in continence”?

Thuật ngữ “khiết tịnh phu thê” hay “khiết tịnh phu phụ” và “khiết tịnh trong tiết dục” có nghĩa gì?

  • What do the terms integrity and integration mean in terms of the understanding of chastity?

Thuật ngữ toàn bộ và hòa nhập có nghĩa gì theo sự hiểu biết về đức trong sạch?

Read Christian Morality: In the Breath of God, Chapter 6, section entitled “Openness to Procreation”; Humanae Vitae; CCC 2366-2372 and aswer the following questions:

Đọc bài phần “Đức Tin Kitô Giáo và Giới Tính: Sẵn Sàng Đón Nhận Con Cái”; Humanae Vitae; Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo từ câu 2366 đến 2372 và trả lời những câu hỏi sau đây:

  • Under what circumstances is it permissible for married couples to limit and space the birth of their children?

Trong những trường hợp nào một cặp vợ chồng được phép giới hạn việc sinh con và giữ khoảng cách các lần sinh con?

  • What means are morally licit for married couples to employ in limiting and spacing the birth of their children?

Những phương tiện nào một cặp vợ chồng được phép sử dụng để giới hạn việc và giữ khoảng cách các lần sinh con?

  • What means are morally impermissible for married couples to use in limiting and spacing the birth of their children? Why?

Những phương tiện nào một cặp vợ chồng không được phép sử dụng để giới hạn việc và giữ khoảng cách các lần sinh con? Tại sao?

  • What is the moral liceity of therapeutic procedures and medicines that, intending to treat some illness or disease, will foreseeably render a couple infertile, either temporarily or permanently?

Những phương pháp điều trị hay thuốc nào được phép sử dụng nhằm mục đích chữa một số bệnh tật, dù thấy trước là sẽ làm cho cặp vợ chồng trở thành vô sinh, hoặc tạm thời hoặc vĩnh viễn?

Read Christian Morality: In the Breath of God, Chapter 6, section entitled “Sex Within Marriage”; CCC 2351-2356, 2380-2390 and answer the following questions:

Đọc bài phần “Tính Dục trong Hôn Nhân”; Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo từ câu 2351 đến 2356, 238 đến-2390  và trả lời những câu hỏi sau đây:

  • What is meant by the term “adultery”? What is its moral standing, and why?

Thuật ngữ “ngoại tình” có nghĩa gì? Thế đứng của nó về luân lý là gi? Tại sao?

  • What is meant by the term “fornication”? What is its moral standing, and why?

Thuật ngữ “gian dâm” có nghĩa gì? Thế đứng của nó về luân lý là gi? Tại sao?

  • What is meant by the term “masturbation”? What is its moral standing, and why?

Thuật ngữ “thủ dâm” có nghĩa gì? Thế đứng của nó về luân lý là gi? Tại sao?

  • What is meant by the term “pornography”? What is its moral standing, and why?
  • Thuật ngữ “hình ảnh khiêu dâm” có nghĩa gì? Thế đứng của nó về luân lý là gi? Tại sao?
  • What is meant by the term “prostitution”? What is its moral standing, and why?
  • Thuật ngữ “mãi dâm” có nghĩa gì? Thế đứng của nó về luân lý là gi? Tại sao?

Read Christian Morality: In the Breath of God, Chapter 6, section entitled “Homosexuality”; CCC 2357-2359 and answer thr following questions:

Đọc bài phần “Đồng Tính Luyến Ái”; Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo từ câu 2357 đến 2359, và trả lời những câu hỏi sau đây:

  • Does the Catholic Church regard a same-sex attraction as a choice? Is having a same-sex attraction sinful?

Có phải Hội Thánh coi sự hấp dẫn phái tính với người cùng phái như một chọn lựa không? Việc cảm thấy hấp dẫn phái tính với người cùng phái có phải là tội không?

  • Does the Catholic Church regard engaging in genital sexual activity with a person of the same sax as a choice? Is engaging in engaging in genital sexual activity with a person of the same sex sinful?

Có phải Hội Thánh coi việc tham gia vào hành động liên hệ tính dục với người cùng phái như một chọn lựa không? việc tham gia vào hành động liên hệ tính dục với người cùng phái có phải là tội không?

  • To what are Catholics who experience a same-sex attraction called?

Những người Công Giáo kinh nghiệm sự hấp dẫn về phái tính với người đồng phái được mời gọi làm gì?

  • What attitude are Catholics called to have toward those who experience same-sex attraction?
  • Người Công Giáo được mời gọi có thái độ nào đối với những người kinh nghiệm sự hấp dẫn về phái tính với người đồng phái?

Bài 9 – Luân Lý Kitô Giáo và Tính Dục Con Người

Viết theo Christian Morality: In the Breath of God – Chapter 6

Của Tiến Sĩ Russell B.  Connors, Jr

CHA BIỀN

Cha Biên có vấn đề. Thật là đã đủ khó để biết phải nói gì với Liên và Rường, và bây giờ lại dính lứu đến mẹ của Liên nữa.

Liên và Rường đã tiếp xúc với Cha Biền vào cuối tháng Năm về việc kết hôn vào mùa hè sắp tới. Cha thích nói chuyện với họ khi gặp họ vào tháng Sáu vừa qua. Họ có vẻ trưởng thành, có tinh thần trách nhiệm và khá nghiêm chỉnh về đức tin của họ. Vì vậy, phản ứng ban đầu của Cha là Cha rất hân hạnh được giúp họ chuẩn bị cho cuộc hôn nhân của họ, và Cha mong đến ngày cử hành lễ cưới cho họ. Chỉ khi đến cuối cuộc đàm thoại thì vấn đề quan trọng nảy sinh.

Hai người thú nhận rằng họ đã gặp một số “rắc rối” với cha mẹ của Liên, đặc biệt là mẹ cô – về quyết định sống chung với nhau trong năm nay ở đại học (họ sẽ trở lại nhà trường trong vòng vài tuần nữa). Mẹ Liên đã “phát điên lên” vì ý tưởng ấy; bà rất tức giận và đe dọa rằng sẽ không dính lứu gì đến đám cưới – có lẽ bà ấy thậm chí sẽ không đến dự đám cưới – nếu hai người làm theo kế hoạch của họ.

Liên nói, “Mẹ con phản ứng quá đáng, bà ấy sẽ đến. Dù sao đi nữa, chúng con đã quen biết nhau từ trung học và quyết tâm chung thủy với nhau của chúng con chân thành. Ngoài ra, đây không chỉ là vấn đề tình dục; chúng con đang phải tự túc trả các phí tổn ở nhà trường, và việc sống chung với nhau vừa thực tiễn và thực tế hơn rất nhiều về mặt kinh tế.” Nhưng Cha Biền biết mẹ của Liên. Và mặc dù ngài đã không thừa nhận điều này với Liên và Rường, ngài đồng ý rằng bà ấy là một người có ý chí mạnh và có thể rất khó để đối phó.

Cha Biền cảm thấy hài lòng về cách ngài trả lời hai người. Ngài đã nói với họ về giáo huấn Công Giáo liên quan đến chủ đề này, cụ thể là trong mắt Hội Thánh, quan hệ tính dục thuộc về phạm vi hôn nhân. Ngài nói về sự liên kết giữa sự mật thiết về tính dục với cam kết chung thủy trong hôn nhân, cũng như bản chất công khai của mối liên hệ của họ. Và ngài đã yêu cầu họ nghĩ đến ảnh hưởng mà quyết định của họ có thể gây ra cho những người khác, bao gồm cả gia đình họ. Ngài đã không đe dọa từ chối cử hành lễ cưới của họ nếu họ không xét lại, nhưng chỉ đơn thuần yêu cầu họ suy nghĩ thêm về quyết định của họ. Họ thưa rằng họ sẽ suy nghĩ lại. Cha Biền dự định sẽ nói chuyện với họ về điều này vào tháng Tám, ngay trước khi họ trở lại nhà trường.

Mẹ Liên đã gọi cho Cha.  Bà quả quyết rằng “Gia đình bị tai tiếng vì điều này. Và thẳng thắn, thưa Cha, có vẻ như chính Cha cũng đã không cương quyết bênh vực lẽ phải ở đây!”

Cha Biền đã đồng ý gặp mẹ Liên. Ngài hy vọng cuộc đối thoại sẽ có ích cho tất cả mọi người liên quan.

Từ GLHTCG số 2331, 2332, 2337, 2347

Hãy xét lại kinh nghiệm của chính bạn về điều này. Bạn đang ở với một nhóm bạn bè và cuộc trò chuyện đột nhiên quay sang vấn đề liên quan đến tính dục. Mức độ quan tâm của bạn – và có lẽ mức độ khó chịu của bạn – có tăng lên một chút nào không? Giọng điệu của cuộc trò chuyện có thay đổi không? Có một loại khôi hài mới hay một loại cường độ mới không? Có phải có một số người trong nhóm nói nhiều hơn những người khác không?

Bất cứ điều gì chúng ta có thể nói về tính dục đều là những điều quan trọng. Nó có thể không phải là phần quan trọng nhất của cuộc đời, nhưng nếu GLHTCG nói đúng thì giới tính con người là về – tình cảm, tình bạn, tình yêu, tâm linh, và đôi khi sinh sản – khác hẳn với thường tình. Đôi khi chính vì giới tính mà con người chúng ta có những lúc sung sướng nhất. Trong những lúc ấy, tính dục có thể là về trạng thái mê ly và siêu nghiệm. Nhưng tiếc thay cũng có trường hợp, chúng ta đã được biết rằng mình ở tình trạng tồi tệ nhất của mình khi nói đến giới tính. Trong những lúc ấy, kinh nghiệm giới tính có thể là về việc khai thác và lạm dụng .

Với tất cả điều này, không có gì đáng ngạc nhiên khi truyền thống Công Giáo chú ý rất nhiều đến bình diện này trong cuộc sống của chúng ta, được đan cử bằng sự thể là GLHTCG thảo luận dài về giới tính.  Sách Giáo Lý làm như vậy trước hết với một số suy tư quan trọng về chính giới tính và sau đó với một số quy tắc luân lý cụ thể liên quan đến hoạt động tình dục. Trong ba phần, chương này cũng làm như thế.  Trước hết, chúng ta nghiên cứu một số niềm tin của Kitô giáo về việc tạo dựng và sự tốt lành của giới tính, khi nhấn mạnh, cũng như GLHTCG, đến lời mời gọi “hòa nhập”, tức là lời mời gọi khiết tịnh. Thứ đến, chúng ta chú ý đến cách giáo huấn Công Giáo cố gắng bảo vệ và quảng bá các giá trị quan trọng đang bị lâm nguy trong giới tính bằng một số quy tắc luân lý cụ thể. Cách đặc biệt là chúng ta nhìn vào giáo huấn Công Giáo về tính dục trong hôn nhân, về việc sẵn sàng sinh sản con cái và về vấn đề đồng tính luyến ái. Chúng ta kết luận với một số nhận xét ngắn gọn về những gì mà GLHTCG gọi là “những quy luật tăng trưởng” liên quan đến giới tính. Và, vâng, trên con đường, chúng ta trở lại với tìn trạng ‘tiến thoái lưỡng nan’ của Cha Biền

Đức Tin Kitô Giáo và Giới Tính: Việc Tạo Dựng và Sự Hòa Nhập

GLHTCG bắt đầu giáo huấn của mình về giới tính con người với điều có thể được gọi là “thần học về tạo dựng.” Sách Giáo Lý làm điều ấy bằng cách kể đến câu chuyện vĩ đại của việc tạo dựng trong Sách Sáng Thế Ký, từ chương 1 đến chương 2:4. Chúng ta không nhìn đến câu chuyện này vì nghĩ rằng nó cung cấp một loại tài liệu về nguồn gốc của mình. Thay vào đó, câu chuyện này là một kho tàng vì nó nhắc nhở chúng ta về sự thánh thiêng của nguồn gốc của mình. Thực ra, nó mời gọi chúng ta suy nghĩ về sự tốt lành cơ bản, sự thánh thiện, của hồng ân có giới tính.

Câu chuyện tạo dựng thứ nhất, được đề cập đến ở đoạn văn đầu tiên trong sách Giáo Lý bàn về giới tính con người, là truyền thuyết quen thuộc mô tả bảy “ngày” tạo dựng. Khi việc tạo dựng dần dần mở ra, chúng ta nghe thấy điệp khúc đơn giản nhưng mạnh mẽ của Thiên Chúa rằng “điều ấy là tốt”. Cao điểm của hoạt động tạo dựng của Thiên Chúa đã đạt đến khi Thiên Chúa quyết định: “Chúng ta hãy làm nên con người theo hình ảnh chúng ta, giống chúng ta” (1:26). Và đoạn văn tiếp tục: “Vì thế, Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, Ngài dựng nên loài người giống hình ảnh Thiên Chúa; Ngài dựng nên người nam và người nữ” (1:27).

Bằng hai cách, một điều gì về bản chất – quả thực, mầu nhiệm – về giới tính con người được tỏ lộ ở đây. Thứ nhất, chúng ta không được tạo dựng trong sự cô lập với nhau. Chúng ta không phải là những hòn đảo cho chính mình, được thiết kế sao cho mỗi người phải theo đuổi con đường hạnh phúc và thành công riêng của mình. Không, chúng ta được tạo dựng cùng với tha nhân và cho tha nhân. Từ đầu đến cuối cuộc đời của mình, con người chúng ta được mời gọi để cùng đi với nhau trong thế gian này. Việc sống cuộc đời của mình trong mối liên hệ với người khác là điều cần thiết cho căn tính của chúng ta.

Thứ hai, hãy lưu ý rằng câu chuyện cho rằng việc tạo dựng con người như người nam và người nữ không những không phải là một vấn đề, mà là một hồng ân. Trong sự hiệp thông của chúng ta như những ngưởi nam nữ, chúng ta là hình ảnh Thiên Chúa. Đôi khi, các thần học gia Kitô giáo đã được quyến rũ thấy trong đoạn văn này một điều gì về học thuyết Ba Ngôi – học thuyết về sự hiệp thông của Thiên Chúa như Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chắc chắn, tác giả nhân loại của câu chuyện đã không nghĩ đến một cách suy nghĩ đặc biệt và chính xác về Thiên Chúa như vậy. Tuy nhiên, có một gợi ý ở đây là Thiên Chúa không cô độc. Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, nên chúng ta cũng không cô độc. Được hình thành như người nam và người nữ, chúng ta khác nhau, và sự khác nhau ấy là để lôi kéo chúng ta lại với nhau bằng một cách phản ánh không gì khác hơn là sự thánh thiện của Thiên Chúa.

Trong chương 3 của sách Sáng Thế Ký, chúng ta tìm thấy một câu chuyện khác làm sáng tỏ hơn về nguồn gốc của chúng ta và về mối liên hệ giữa con người với nhau, đặc biệt về mối liên hệ giữa người nam và người nữ. Được biểu tượng bởi Ađam và Êva, đây là câu chuyện về “sự sa ngã” của nhân loại từ ân sủng sang tội lỗi. Trước khi phạm tội, Ađam và Êva liên hệ với nhau – và với các thụ tạo khác – trong sự hòa hợp. Ở một chỗ, GLHTCG gọi đó là “tình trạng công chính nguyên thủy”: họ có mối liên hệ đúng đắn với nhau và với tất cả các sinh vật khác (xem GLHTCG, # 400). Dù trần truồng trước mặt nhau, họ đã không cảm thấy xấu hổ.

Tuy nhiên, sau khi phản loạn chống lại Thiên Chúa thì mọi sự đã thay đổi. Họ nhận ra sự trần truồng của mình và đan lá sung để che thân. Và lập tức, chúng ta bắt đầu thấy sự căng thẳng và thiếu hài hòa giữa họ; người nam đổ lỗi cho người nữ vì tội của họ, và người nữ được bảo rằng từ bây giờ, chồng bà sẽ “thống trị” bà (Sáng Thế Ký 3:16). GLHTCG nhận xét như sau:

Sự hài hòa trong đó họ đã tìm thấy chính mình … bây giờ đã bị phá hủy:… sự kết hợp của người nam và người nữ trở nên căng thẳng, mối liên hệ của họ từ đó bị đánh dấu bằng sự ham muốn và thống trị” (1. GLHTCG 400: x. Sáng Thế 3: 7-16).

Các hiểu biết sáng suốt của GLHTCG ở đây rất quan trọng. Chúng có, nếu bạn muốn, một vẻ nữ quyền nào đó nơi chúng. Mối liên hệ giữa người nam và người nữ phải được đánh dấu bởi sự hợp tác, hòa hợp, bình đẳng, và hỗ tương. Thực thể là hầu hết lịch sử về mối liên hệ giữa người nam và người nữ đã bị đánh dấu bởi sự căng thẳng và sự thống trị – thường là sự thống trị phụ nữ bởi nam giới (điều mà ngày nay chúng ta gọi là chế độ phụ hệ và chủ nghĩa kỳ thị giới tính) – không gì khác hơn là sự biểu lộ tình trạng tội lỗi của con người. Nó không liên quan gì đến ý muốn của Thiên Chúa, và nó cần sự hoán cải cá nhân và xã hội.

Tiếp tục từ thần học về việc tạo dựng, GLHTCG thảo luận về khá dài về điều mà sách mô tả như “Ơn gọi sống khiết tịnh” (xem # 2337-2359). Chúng ta hãy suy nghĩ đơn giản về việc sự khiết tịnh không phải là gì, và rồi mô tả nó là gì – chính xác hơn là nó đòi hỏi gì.

Chúng ta bắt đầu với hai đoạn văn quan trọng từ GLHTCG.

Sự khiết tịnh có nghĩa là việc hòa nhập thành công về phái tính trong con người…. Phái tính, trong đó biểu lộ sự tuỳ thuộc của con người vào thế giới vật chất và sinh học, trở thành cá vị và thật sự nhân bản khi hội nhập với mối liên hệ giữa người với người, trong việc hiến thân cho nhau trọn vẹn và vĩnh viễn giữa một người nam và một người nữ (# 2337).

Người khiết tịnh giữ được toàn bộ sức mạnh của sự sống và tình yêu, đã được đặt nơi mình. Sự toàn bộ này bảo đảm sự hiệp nhất của con người, chống lại mọi thái độ làm tổn thương đến sự hiệp nhất ấy. Nó không chấp nhận đời sống hai mặt, hoặc lời nói hai ý (# 2338, x. Mt 5:37).

Có ba điều quan trọng trong các đoạn này. Thứ hết, chúng nói rõ về khiết tịnh không phải là những gì. Khiết tịnh không phải là một nỗ lực tự hủy diệt mình cách rủi ro và cố định để chối bỏ hoặc đe nén các tiềm năng tình dục, nhu cầu và ước muốn hiệp thông, sự thân mật, cảm tình và tình yêu của mình. Như chúng ta đã thấy, đó là điều khác xa với những gì mà giáo huấn Công Giáo coi là chân lý cơ bản về giới tính con người. Chúng ta được tạo ra để liên hệ, liên hệ với Thiên Chúa và liên hệ với nhau (là nơi đôi khi chúng ta khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa). Đây không chỉ là một ý tưởng. Trong chính cơ thể và cảm xúc của chúng ta, chúng ta kinh nghiệm một ước muốn liên kết với người khác. Đức tin của chúng ta mời gọi chúng ta tin rằng chính ước muốn ấy đã được Thiên Chúa đặt vào chúng ta. Nó là ước muốn thánh thiện, và bằng một cách tuyệt vời và mầu nhiệm, phản ánh một cái gì thuộc bản tính Thiên Chúa. Khiết tịnh là nhân đức giúp chúng ta diễn tả chính mình theo phái tính một cách lành mạnh và có trách nhiệm. Chối từ khía cạnh tuyệt vời và quan trọng này trong cuộc sống của mình thì không có gì là nhân đức cả.

Vì thế, khiết tịnh không phải là chối từ hay đàn áp. GLHTCG nói rằng nó là sự hòa nhập. Đây là điều thứ hai cần lưu ý về các đoạn ở trên. Đối với những người soạn thảo GLHTCG, hòa nhập là một khái niệm quan trọng, ngay cả khi nó hơi khó định nghĩa. Hòa nhập là về sự toàn vẹn. Những người hòa nhập (điều này thực ra giống như một mục đích hơn là một “trạng thái”) là những người sống cuộc sống một cách nào đó để tất cả các khía cạnh khác nhau của cuộc đời họ ăn khớp với nhau một cách mạch lạc và trung thực. Người hòa nhập sống với tính toàn vẹn. Cách sống của họ, cách họ hành xử trong các mối liên hệ và môi trường khác nhau – ở nhà và sờ làm, cùng với gia đình, bạn bè, đồng bào và cộng đồng đức tin của họ chứng tỏ sự hiệp nhất và kiên định cơ bản.

Về phái tính, những người khiết tịnh là những người biết hòa nhập về giới tính. Điều này có nghĩa là trong các mối liên hệ của họ, họ có thể tự diễn tả theo những cách yêu thương và tình cảm, và theo những cách phù hợp với những cam kết và bậc sống của họ. Như thế, sự khiết tịnh hay hòa nhập giới tính, được diễn tả cách khác nhau bởi những người khác nhau. Chúng ta hãy ngợi khen Thiên Chúa về những cách say đắm mà trong đó đức khiết tịnh được biểu lộ nơi những cặp vợ chồng, sau hai mươi năm kết hôn và bốn mặt con, họ vẫn còn yêu nhau thắm thiết và tiếp tục thấy sự mật thiết về phái tính của họ vừa thú vị và thánh thiện! Chúng ta hãy ngợi khen Thiên Chúa về những người độc thân – độc thân trong nhiều loại hoàn cảnh – những người có thể cảm nghiệm sự mật thiết đích thực trong một số mối liên hệ quan trọng trong cuộc sống của họ, mặc dù có lẽ đôi khi với khó khăn, và họ có thể diễn tả và đón nhận tình yêu và cảm tình với các bạn bè cả nam lẫn nữ!

Cuối cùng, chúng ta đừng bỏ qua nhận xét ngắn gọn được đưa ra ở cuối của đoạn 2 từ sách GLGHCG được trích dẫn ở trên: tính toàn vẹn của một người trong sạch “không chấp nhận đời sống hai mặt, hoặc lời nói hai ý”. Đức khiết tịnh, hoặc hòa nhập phái tính, là khả năng diễn tả chính mình cách phái tình theo những cách trung thực. Tôi nghĩ rằng giả định ở đây, một cách sâu sắc, là ý tưởng rằng bằng một cách nào đó, phái tính cũng giống như ngôn ngữ. Người ta sử dụng ngôn ngữ, chứ không lạm dụng nó. Có thể nói, có thể giao tiếp, là một trong những điều đáng kinh ngạc và tuyệt vời nhất về con người. Với ngôn ngữ chúng ta có thể diễn tả mình là ai, và bằng một vài cách, hình thành con người mà chúng ta đang trở thành. Với ngôn ngữ chúng ta có thể diễn tả tình yêu, làm hòa, truyền đạt chân lý, và liên hệ với người khác.

Tiếc thay, không phải lúc nào chúng ta cũng nói hay được. Đôi khi chúng ta tự diễn tả bằng những cách không trung thực và tai hại. Đức khiết tịnh là nhân đức cho phép chúng ta thể diễn tả chính mình bằng những cách không những chỉ tình cảm và yêu thương mà còn nói lên sự thật về con người mình là ai.

Các Quy Tắc và Giá Trị: Các Vấn Đề Cụ Thể

Đã đến lúc điều nghiên một số quy tắc quan trọng của Hội Thánh Công Giáo về hoạt động phái tính. Khi làm như thế, chúng ta sẽ thấy rõ rằng các quy tắc này có mục đích bảo vệ và cổ võ những giá trị quan trọng mà Hội Thánh coi là cần thiết cho ý nghĩa luân lý của phái tính con người. Vì vậy, chúng ta hãy nhìn đến giáo huấn Công Giáo về tính dục trong hôn nhân, việc sẵn sàng sinh sản con cái, và đồng tính luyến ái.

TÍNH DỤC TRONG HÔN NHÂN

Giáo huấn Công Giáo nhấn mạnh rằng quan hệ tính dục một cách độc nhất chỉ thuộc về phạm vi hôn nhân. Điều này dựa trên xác tín về ý nghĩa của quan hệ chăn gối. Theo tôi, điều này chưa từng được nói cách tích cực hơn là trong Humanae Vitae (Về việc Điều Hòa Sinh Sản), thông điệp của Đức  Phaolô VI năm 1968 về điều hòa sinh sản:

Như thế, hôn nhân không phải là kết quả của sự ngẫu nhiên hay sản phẩm của sự tiến hoá hoặc các sức mạnh thiên nhiên vô thức; nó là thể chế khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa để thực hiện trong con người thiết kế yêu thương của Ngài. Bằng việc ban tặng món quà cá nhân là chính mình cho nhau, thích hợp và độc quyền cho họ, hai vợ chồng hướng về sự hiệp thông cuộc đời của mình vì việc hoàn thiện cá nhân cách hỗ tương, để cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản và giáo dục sự sống mới. (#số 8)

Quan hệ chăn gối là gì? Hoặc, ít nhất là theo quan điểm Công Giáo, nó có ý nghĩa gì? Nó có nghĩa là trở thành món quà toàn thể của sự tự hiến cho bạn đời của mình. Sự toàn thể và sự mật thiết của cái ôm thể lý, được Đấng Tạo Hóa thiết kế để góp phần vào sự hoàn hảo cá nhân hỗ tương của cặp vợ chồng, là một dấu chỉ, nhưng có ý nghĩa bí tích, của sự toàn thể của món quà tự hiến mà hành động thể lý biểu hiển. Nói một cách khác, việc chăn gối dường như nói rằng “Anh/Em cho em/anh tất cả của anh/em – cách thể xác và tinh thần”, và món quà đó đòi hỏi mối liên hệ cam kết chung thủy của hôn nhân. Hơn nữa, như GLHTCG ghi nhận, sự ôm ấp về thể lý của vợ chồng phải là một dấu chỉ của sự hiệp thông tinh thần của họ (xem # 2360).

Tôi muốn thêm vào, sự hiệp thông tinh thần bền bỉ của họ. Vì vậy món quà tự hiến toàn thể mà việc chăn gối đòi hỏi về thể lý và tinh thần không đơn thuần chỉ là một “giây phút” mê ly về thể lý hay tinh thần, mà là một “cử chỉ” diễn tả và đóng góp vào tình yêu bền bỉ và cam kết chung thủy của cặp vợ chồng.

Có lẽ đây là điều Cha Biền đã làm hết sức để giải thích cho Liên và Rường trong câu chuyện mở đầu của chúng ta. Theo sự khôn ngoan của mình, Cha Biền hình như đã cố gắng giải thích một điều gì về bản chất công khai của mối liên hệ của họ, có lẽ ngay cả bản chất công khai của mối liên hệ tính dục của họ. Không có gì đáng ngạc nhiên nếu Liên và Rường phải vật lộn với ý tưởng thứ hai này. Một mặt, rõ ràng là sự mật thiết về tính dục mà việc giao hợp đòi hỏi phải có một chiều hướng nhất định là riêng tư. Đáng lẽ nó phải như vậy. Mặt khác, nền văn hoá của chúng ta có khuynh hướng biến nó thành câu tục ngữ được nói như sau: “Bất cứ điều gì hai người trưởng thành ưng thuận làm với nhau trên giường đều là việc riêng tư của họ.”

Giáo huấn Công Giáo đề nghị ý rằng thái độ này bỏ sót một bỉnh diện quan trọng khác của việc chăn gối. Nếu nó thực sự là món quà tự hiến hoàn toàn cho người khác, và nếu nó thực sự là nhiều hơn một kinh nghiệm mật thiết và kết hợp giây lát, thì thực ra, nó là một hành động “đòi hỏi” sự cam kết chung thủy của hôn nhân. Và đó, đương nhiên, là một vấn đề công cộng. Nói một cách khác, giáo huấn Công Giáo dạy rằng vì việc chăn gối “nói rằng” (“Tôi tự hiến hoàn toàn và một cách lâu dài”), khi việc giao hợp được “nói” bên ngoài phạm vi hôn nhân, nó không được nói với sự hoàn toàn trung thực. Đây là trường hợp ngay cả đối với các quan hệ tính dục của những người đang đính hôn (xem # 2350). Không cần phải nói rằng từ quan điểm của giáo huấn Công Giáo, mối liên hệ tính dục của những người thậm chí còn xa vời với cam kết chung thủy hôn nhân – các trường hợp “làm tình tùy tiện” và chắc chắn là mại dâm – thậm chí còn sai quấy cách trầm trọng hơn nhiều.

SẴN LÒNG ĐÓN NHẬN CON CÁI

Vì vậy, giáo huấn Công Giáo dạy rằng việc giao hợp thuộc về phạm vi hôn nhân. Đó không phải là tất cả. Liên kết một cách chặt chẽ với giáo huấn ấy là xác tín rằng việc chăn gối của các cặp vợ chồng phải được đánh dấu bởi việc sẵn lòng đón nhận con cái. Chính hôn nhân và quan hệ tính dục trong phạm vi hôn nhân là nhằm mục đích yêu thương và ban sự sống, và hai điều này liên kết một cách thiết yếu vời nhau.

Hai nhận xét về giáo huấn này rất quan trọng. Nhận xét thứ nhất liên quan đến khẳng định của Hội Thánh rằng việc liên hệ vợ chồng được mở ra cho việc sinh sản con cái, hoặc cho hành động tính dục của họ, một cách chung, được đánh dấu bằng việc sẵn sàng như thế thì chưa đủ, nhưng thay vào đó, “mỗi và mọi hành vi vợ chồng đều phải mở ra cho việc sinh sản”.  Như đã biết rõ, đây là khía cạnh của giáo huấn đã gây ra nhiều tranh cãi nhất và rất khó được nhiều người hiểu hoặc chấp nhận. Theo giáo huấn Công Giáo, việc một cặp vợ chồng cố tình đi các bước để “vô hiệu hóa” việc có thể có con trong một hành vi chăn gối – bằng cách sử dụng các phương tiện ngừa thai nhân tạo – là điều không đúng. Điều mà quy tắc này cố gắng bảo vệ và quảng bá là giá trị của việc không thể tách rời được giữa ý nghĩa kết hợp và sinh sản của việc giao hợp (xem GLHTCG, # 2369).

Thứ đến, điều quan trọng cần lưu ý là giáo huấn Công Giáo không nói rằng các cặp vợ chồng không bao giờ được làm bất kỳ biện pháp nào để điều hòa việc sinh sản con cái. Điều không thích hợp là việc sử dụng các biện pháp ngừa thai nhân tạo. Tuy nhiên, nếu có các yếu tố quan trọng làm cho việc có thai ở một thời điểm không thích hợp, các cặp vợ chồng được tự do sử dụng các phương tiện tự nhiên để điều hòa sinh sản. Nghĩa là, họ được tự do tính đến chu kỳ tự nhiên của việc có thể mang thai và không thể mang thai của người phụ nữ trong việc sắp đặt lịch trình chăn gối của họ và, theo cách đó, họ cố gắng tránh mang thai. (Lưu ý rằng sự chú ý đến cùng chu kỳ có thể mang thai và không thể mang thai có thể được sử dụng trong một cố gắng để thụ thai vào một thời điểm nhất định).

Theo phán quyết của Hội Thánh, thì về luân lý, việc sử dụng các phương tiện điều hòa sinh sản nhân tạo khác xa với việc sử dụng các phương pháp tự nhiên.  Cái sai của việc ngừa thai phát sinh từ cách thức nó liên quan đến việc “vô hiệu hóa” sự thụ thai trong một hành vi giao hợp. Theo GLHTCG, nó biến “món quà hoàn toàn tự hiến” thành một điều gì đó ít hoàn toàn hơn, vì người ta đã trực tiếp lấy ra một phần của chính mình, là tiềm năng sinh sản của một người, khỏi món quà ấy (xem # 2370). Trái lại, các phương tiện điều hòa sinh sản tự nhiên không liên quan gì đến bất cứ bước trực tiếp nào nhằm loại bỏ chiều kích sinh sản khỏi việc giao hợp. Thay vào đó, họ sử dụng chu kỳ có thể mang thai và không thể mang thai của người phụ nữ, và như Đức Phaolô VI đã dạy, bằng cách ấy chúng vừa tự nhiên vừa hợp với luân lý (xem Humanize Vitae, # 16).

Nhiều cặp vợ chồng báo cáo rằng các phương pháp điều hòa sinh sản này – mặc dù đòi hỏi các cặp vợ chồng phải có kỷ luật – có khả năng thành công cao. Thêm vào đó, chúng có thể cổ võ một mức độ giao tiếp và hợp tác cao giữa cặp vợ chồng, đôi khi dẫn đến những cách sáng tạo hơn về cách diễn tả tình yêu và thậm chí niềm vui lớn lao hơn trong việc chăn gối trong chu kỳ ăn nằm của họ.

ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI

Thảo luận về đồng tính luyến ái của GLHTCG khá ngắn gọn – chỉ ba đoạn (xem # 2357-2359). Mặc dù thế, các đoạn này tóm lược bản chất của xác tín của Công Giáo về những anh chị em có sự thu hút về phái tính (chiều hướng về phái tính) lâu dài và bền vững với những người cùng giới tính với mình. Ba điểm ngắn gọn là theo thứ tự.

Thứ nhất, GLHTCG không đưa ra phán đoán luân lý về chính vấn đề đồng tính luyến ái. Như đoạn # 2357 ghi nhận, nguồn gốc của chiều hướng phái tính này (và có lẽ nguồn gốc của chiều hướng tính dục khác giới) phần lớn không thể giải thích được. Như đã biết, nhiều ngành khoa học khác nhau – từ di truyền học, đến sinh hóa, đến y học, đến tâm thần học/tâm lý học, đến nhân học – vẫn tiếp tục nghiên cứu nguồn gốc của việc đồng tính luyến ái, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta có thể nói rằng những tìm kiếm ấy cho đến nay vẫn chưa có kết luận. GLHTCG khôn ngoan thừa nhận rằng, theo kinh nghiệm của những người nam và nữ tự nhận mình là “đồng tính luyến ái”, chiều hướng này chắc chắn không được tự do lựa chọn (xem # 2358). Theo đó, không có lỗi về luân lý trong chính chiều hướng đồng tính. Như đã được nêu lên trong chỉ thị của Vatican về “Chăm Sóc Mục Vụ của những người Đồng Tính Luyến Ái năm 1986”, chiều hướng đồng tính không phải là tội (xem # 3).

Thứ hai, nếu giáo huấn luân lý Công Giáo không tập trung vào chính chiều hướng đồng tính, thì nó tập trung vào quan hệ tính dục đồng tính. Như chúng ta đã thấy, truyền thống Công Giáo nhấn mạnh rằng quan hệ tính dục có bản tính mật thiết về thể xác như thế là độc quyền thuộc về phạm vi hôn nhân. Chỉ trong phạm vi ấy họ mới có thể hoàn toàn hợp nhất và sinh sản – một cách bất khả phân ly. Theo giáo huấn lâu đời của Công Giáo, GLHTCG nói rằng các hành vi đồng tính (có nghĩa là quan hệ tính dục đồng tính) là sai về luân lý vì mối liên hệ như  thế không thể mở ra cho việc sinh sản con cái và cũng bởi vì chúng không được đánh dấu bởi sự bổ túc cho nhau giữa các cá nhân mà quan hệ tính dục có ý bày tỏ (xem # 2357).

Lưu ý rằng giáo huấn này không nói rằng một cặp đồng tính không được bày tỏ tình cảm với nhau bằng những cách thực sự trìu mến. GLHTCG nhấn mạnh rằng đối với tất cả mọi người, khả năng bày tỏ chính mình bằng những cách tình cảm và yêu thương trong các mối liên hệ quan trọng của đời sống là một phần quan trọng của việc làm người. Nhưng điều mà giáo huấn nói là quan hệ tính dục về thể xác chỉ thuộc về phạm vi hôn nhân vì những hành động ấy có nghĩa – món quà hoàn toàn tự hiến – là món quà của tình yêu và sự sống không thể tách rời nhau được.

Thứ ba, giáo huấn này rất khó cho nhiều người đồng tính nam và nữ, một số người trong họ là phần tử của các gia đình và các cộng đồng đức tin. Giống như tất cả những người không kết hôn, những người đồng tính nam và đồng tính nữ được mời gọi tránh những quan hệ tính dục. (Như chúng ta đã ghi nhận, họ không bị mời gọi sống cô độc; họ không bị mời gọi sống một cuộc đời không có cảm tình và yêu thương). Tuy nhiên, không giống như nhiều người chưa lập gia đình, họ thậm chí không thể mong đợi một cuộc sống bao gồm loại mật thiết về thể lý và chăn gối mà những người đã kết hôn được hưởng.

Giáo huấn Công Giáo trong những năm gần đây đã thừa nhận chiều hướng khó khăn này trong cuộc sống của những người có chiều hướng đồng tính. Theo đó, tên của văn kiện của Toàn Thánh Vaticanô mà tôi đã đề cập ở trên cho thấy, những người đồng tính luyến ái nam và nữ phải là những người nhận một hình thức chăm sóc mục vụ đặc biệt của Hội Thánh và các thừa tác viên của Hội Thánh. Họ phải nhận được sự ôm ấp và hiếu khách đặc biệt của cộng đồng Kitô hữu. Và trên hết, họ không bao giờ phải là người nhận được bất cứ hình thức thành kiến ​​hay kỳ thị nào – hoặc trong Hội Thánh hoặc ngoài xã hội. Tiếc thay, như chúng ta biết, trường hợp ấy đã không xảy ra. Những người đồng tính nam và nữ thường là những nạn nhân không những của kỳ thị, mà còn của đủ loại tội ác thù ghét, thậm chí sát nhân. Ngay cả với lập trường của mình về các hoạt động đồng tính, thái độ của cộng đồng Công Giáo đối với những người đồng tính nam nữ phải là một thái độ tôn trọng và đón chào, với chủ ý làm những gì có thể để bảo vệ và phát huy quyền lợi và hạnh phúc của họ trong cả Hội Thánh lẫn xã hội .

“Những Quy Luật Tăng Trưởng”

Với nhiều người cả trong và ngoài Hội Thánh, giáo huấn Công Giáo này đôi khi có vẻ như một tin không tốt – chính xác hơn, là một tin đòi hỏi, nếu không phải là không thể làm được. Tôi đang suy nghĩ ở đây một số quy luật cụ thể của Hội Thánh mà chúng ta vừa xem xét. Giáo huấn Công Giáo đòi Liên và Rường – hai người rất yêu và cam kết chung thủy với nhau – phải chờ đợi cho đến khi kết hôn để bày tỏ tình yêu của họ trong việc giao hợp. Giáo huấn Công Giáo dạy rằng các cặp vợ chồng không được sử dụng các biện pháp ngừa thai nhân tạo, và thay vào đó, sử dụng các phương pháp tự nhiên về sinh sản, là các phương pháp bao gồm những khoảng thời gian đáng kể mà họ cần phải kiềm chế việc giao hợp và diễn tả tình yêu bằng những cách khác. Và giáo huấn Công Giáo mời gọi những người có khuynh hướng đồng tính tránh cách diễn tả tình yêu bằng tính dục thể xác, mà phải tìm những cách khác để tỏ bày tình cảm và tình yêu trong các mối liên hệ quan trọng trong cuộc sống của họ.

Ngoài những thí dụ cụ thể này, giáo huấn Công Giáo kêu gọi tất cả chúng ta phải giữ đức khiết tịnh, sự toàn vẹn về giới tính. Bởi vì chúng ta là con người – không đơn thuần bởi vì chúng ta là Kitô hữu – chúng ta phải cố gắng diễn tả chính mình bằng những cách yêu thương và tình cảm, theo những cách phù hợp với những cam kết và bậc sống của mình, những cách được đánh dấu bằng sự hài hòa và trung thực.

Tất cả điều này có thể là khó. Ngay cả khi người ta chấp nhận giáo huấn của Hội Thánh về các vấn đề được liệt kê ở trên – và không có gì là bí mật khi nhiều người Công Giáo phải vật lộn với việc hiểu và chấp nhận một số giáo huấn này – làm theo những giáo huấn này có thể là điều khó khăn. Và về đức khiết tịnh, hay “sự hòa nhập về giới tính”, đơn thuần là một lý tưởng, có lẽ là một lý tưởng không thể đạt được? Liệu chúng ta có thể sống như thế được không?

Trong một nỗ lực vừa có từ bi vừa thực tế, giáo huấn Công Giáo trả lời với điều mà GLHTCG gọi là “các quy luật tăng trưởng” (xem # 2343). Vâng, chúng ta được kêu gọi đến “sự hòa nhập về giới tính”, với đức khiết tịnh, và vâng, với một hình thức khiết tịnh mà đôi khi dành cho mọi người, và luôn luôn dành cho một số người, có nghĩa là tránh vấn đề tính dục và thú vui thể xác. Đây là nơi khiết tịnh hướng chúng ta đến. Nhưng ở bất kỳ thời điểm nào, chúng ta được mời gọi là gì và làm gì? Chúng ta được mời gọi để là và làm hết sức mình – không hơn không kém. Điều này, theo quan điểm của tôi, là điều mà GLHTCG có ý nói là “những quy luật tăng trưởng.”

Nói rõ hơn, điều này không có nghĩa là chỉ đơn thuần vì chúng ta thấy sự khiết tịnh khó ở một thời điểm nào đó trong cuộc sống của mình – có lẽ như trường hợp của Liên và Rường – nên trong những thời điểm ấy luật luân lý phải thay đổi cho chúng ta, để chúng ta có thể làm như mình muốn. Không, đức khiết tịnh, hoặc “hòa nhập phái tính”, như GLHTCG mô tả, là một mục tiêu. Đó là điều chúng ta phải nhắm đến – và Thiên Chúa không mời gọi chúng ta đến điều không thể làm được. Và điều khả thi cho chúng ta, một cách cụ thể, ở những nơi và các giai đoạn khác nhau trong cuộc hành trình của cuộc đời mình, là mỗi người chúng ta xác định một cách cụ thể trong lương tâm mình, “cốt lõi bí mật và cung thánh của cuộc đời chúng ta”. Đôi khi điều chúng ta có khả năng làm được về đức khiết tịnh có thể bị giới hạn bởi tất cả các loại yếu tố: hoàn cảnh, tuổi tác hoặc mức độ phát triển luân lý, sự trưởng thành, sự thiếu hiểu biết, các hạn chế về tự do của mình, và vâng, tội lỗi. Vì vậy, ở bất cứ lúc nào, chúng ta phải làm hết sức khi cố gắng “hòa nhập phái tính”, để sống khiết tịnh. Không ai trong chúng ta đạt đến đó một cách dễ dàng, và có lẽ không ai trong chúng ta hoàn toàn đạt đến đó. Chúng ta cần phấn đấu để tiếp tục, nhưng cũng cần phải chấp nhận chính mình (và những người khác) ở bất cứ nơi nào chúng ta hành trình.

Một mục tử tốt đã từng nói với tôi rằng trong vấn đề giới tính, chúng ta phải làm ba điều: luôn nhớ rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, tránh phán đoán người khác, và có óc khôi hài về chính mình. Ngài là một người khôn ngoan.

Câu Hỏi để Suy Nghĩ và Thảo Luận

  1. Chương này gợi ý rằng đối với vấn đề giới tính, đôi khi chúng ta có những lúc sung sướng nhất, nhưng đôi khi chúng ta có thể gặp nhiều khó khăn nhất. Điều này có đúng không? Nếu vậy, tại sao?
  2. Sự khiết tịnh, theo CCC, là về việc “hòa nhập giới tính.” Điều này có nghĩa gì với bạn?
  3. Cha Biền nên nói gì với Liên và Rương? với mẹ của Liên?
  4. Chương này giải thích giáo huấn Công Giáo về sự liên hệ giữa quan hệ tính dục và hôn nhân, điều hòa sinh sản, và đồng tính luyến ái. bạn có thể làm như  thế không? Nghĩa là, bạn có thể giải thích những giáo huấn này bằng từ ngữ riêng của bạn không? Một số giá trị mà Hội Thánh dường như đang cố gắng bảo vệ và quảng bá thông qua những giáo huấn này lànhững giá trị gì?
  5. Hãy nhớ lại cuộc thảo luận về lương tâm trong chương 3: chúng ta phải được hướng dẫn bởi các giáo huấn của Hội Thánh khi chúng ta đưa ra những phán đoán luân lý, nhưng Hội Thánh không phán đoán thay cho chúng ta. Chúng ta phải hành động phù hợp với lương tâm của mình. Điều này liên quan đến “tình trạng tiến thoái lưỡng nan” của Cha Biền với Liên và Rường như thế nào? Việc người ta có thể phán đoán “theo lương tâm” rằng họ có thể làm những gì khác với những điều Hội Thánh phán quyết là đúng và vẫn là những người Công Giáo tốt lành, có thể được không?
  6. Điều gì có vẻ là quan trọng về khái niệm “các quy luật tăng trưởng”?