For English Version, click here
Trước khi học về Đức Kitô, chúng ta phải biết rằng Người cũng là Đấng Mêsia mà người Do Thái hằng mong đợi. Bài này được trích từ Đoạn 8 của Sách Kitô học của Cha Thân Văn Tường.
A- THEO KINH THÁNH
Ngày nay, từ ngữ Kitô đã trở nên quá quen thuộc và đã dùng để chỉ tên của Chúa cũng như tên Giêsu. Người ta gọi Người là Chúa Giêsu hay Chúa Kitô cũng được. Vì thế, nếu có ai viết: “Chúa Kitô là Đấng Messia” cũng không mấy ai thắc mắc. Nhưng Messia bởi nguyên ngữ Do Thái và Kitô bởi nguyên ngữ Hy Lạp đều có cùng một ý nghĩa và chỉ là một tước hiệu của Chúa Giêsu thôi. Tước hiệu ấy có nghĩa là Đấng “được xức dầu” (unctus). Nhưng nội dung của từ ngữ trong Cựu Ước và trong Do Thái giáo chưa có được sự phong phú mà ngày nay Tân Ước gán cho nhờ mạc khải của lời giảng dạy và đời sống của Chúa Giêsu.
a) Trong Cựu Ước
Thường khi nói về Đấng Messia, người ta hiểu về quan niệm của Cựu Ước theo ánh sáng của Tân Ước, chính quan niệm này đúng ở cơ bản, nhưng nếu người ta muốn nghiên cứu quan niệm về Messia không phải ở sự thể hiện, nhưng trên con đường hình thành trong Cựu Ước thì phương pháp ấy không thích hợp.
Những nét chính mà Cựu Ước nói về phong trào Messia là hy vọng một cảnh huống đời sống mới khác hẳn cảnh huống hiện tại. Hy vọng ấy có nền tảng ở quyền phép của Giavê. Quyền phép ấy sẽ thể hiện Nước Thiên Chúa trên trần gian một cách vĩnh viễn và hiệu quả nơi loài người là sự thánh thiện và hạnh phúc. Thời đại hoàng kim này sẽ là sự phát triển tột bậc của “thần chính hệ” (theocratie) người Do Thái, vì thế người Do Thái được hưởng trước tiên và các dân tộc khác chỉ được hưởng nhờ trung gian dân tộc ấy và sau khi đã quy tụ vào dân tộc ấy. Do đó hy vọng thời đại hoàng kim không tách biệt với hy vọng một vị lãnh đạo lý tưởng sẽ xuất hiện trong thời đại ấy bởi chủng tộc Do Thái và sẽ là tiêu biểu cho sự thánh thiện và quyền năng của Thiên Chúa, Đấng ấy không có một từ ngữ riêng để chỉ, nhưng có một số bản văn (Ps 2, 2; Gen 3, 15; Ps. De Salomon 17, 36; 10, 6; Hen Eth. XLVII, 10. . . ) gọi là Messia (masiah). Từ ngữ “Messia” chỉ chung tất cả những ai được Thiên Chúa ban thần khí Người một cách đặc biệt như các vua, các tiên tri, các tổ phụ, các tư tế. . . (1 Reg 10, 6; 16, 3).
Lịch sử của Cựu Ước là lịch sử của mong chờ thời đại hoàng kim nói trên, mong chờ ấy mỗi ngày một rõ ràng cụ thể hơn. Trước hết người ta mong chờ một vị quân vương thuộc dòng dõi David, ông sẽ đại diện cho Giavê để thể hiện chương trình cứu độ của Người. Vì thế mỗi ông vua thuộc nhà David đều có hy vọng là Đấng mà Giavê đã hứa và các tiên tri đã loan báo (2 Chr 6, 6; 2 Sam 7; Ps 89). Đấng Messia là như lý tưởng của ông vua hoàn hảo. Nhưng trong ông đã có những dấu của một vương quyền siêu việt vương quyền trần gian (Ps 2, 49; 72; 110).
Các tiên tri có vai trò cảnh giác vua. Các ông cũng nuôi hoài bão về một ông vua Messia, nhưng các ông hướng về tương lai hơn hiện tại. Các ông loan báo “ngày của Giavê”. Ngày ấy là một khúc quanh của lịch sử đưa đến một thời đại mới. Các vua và dân Do Thái không trung thành với giao ước nên trong nước khủng hoảng này tiếp hối khủng hoảng khác. Các cơn khủng hoảng ấy cho người ta thấy rõ các vua hiện nối tiếp nhau cai trị Israel không có thể đem lại thời đại hoàng kim. Trong một tương lai gần hay xa, phải có chấm dứt tình trạng hiện tại, một đổi đời do quyền lực của Giavê. Nói tóm lại, theo các tiên tri, vua Messia có một màu sắc cánh chung rõ ràng: Ông đến để chấm dứt tình trạng dân Do Thái hiện nay.
Bên cạnh hình ảnh vua Messia, một hình ảnh khác cũng được gợi lên, đó là hình ảnh một Đấng Messia chỉ là dụng cụ và dấu chỉ cho “Nước Thiên Chúa” mà thôi. Trong quan niệm này, cái gì là thiết yếu không phải Đấng Messia nhưng Nước Thiên Chúa. Chính Giavê được gọi là vua Israel: Việc gán cho Giavê tước hiệu là vua dân Do Thái xuất hiện rất sớm trong Kinh Thánh (1 Sam 14, 49; 1 Chron 7, 31) ngay từ thời chưa phải lưu đày, nhưng việc này thịnh hành từ sau thời lưu đày (Is 52, 7-8). Việc dân Do Thái hồi hương từ Babylon được coi như một cuộc giải phóng khác sau cuộc giải phóng khỏi người Ai Cập, vì thế người ta nghĩ rằng Nước Thiên Chúa đã gần đến. Người Do Thái một mặt vẫn tin ở tương lai hoàng kim cho dân tộc mình, mặt khác đã thất vọng với chế độ quân chủ của quá khứ, nên hướng về một “thần chính hệ” trực tiếp (Ps 93; 96; 97; 98). Hình thức mong chờ này rất quan hệ vì trong Tân Ước, sự mong chờ Nước Thiên Chúa sẽ có một vai trò nền tảng và với Chúa Giêsu, người ta sẽ có một Đấng Messia cũng chính là Thiên Chúa.
Hình ảnh thứ ba về Đấng Messia là “người tôi tớ Giavê”. Hình ảnh này được Isaia diễn tả trong (42, 1-4; 49, 1-6; 50, 4-9; 52, 13-53, 12). Chú giải được coi là có giá trị nhất về các bản văn này như sau:
Isaia đã chứng kiến một thất vọng của dân Do Thái. Những gì họ chờ đợi khi ở Babylon về đã không xảy ra. Dân Do Thái không tổ chức được một cơ cấu chính trị mạnh, các dân ngoại không trở lại. Nhưng tiên tri không thất vọng. Chương trình của Giavê sẽ thành công, người thể hiện chương ấy không phải là một vua theo mẫu các vua nhà David nhưng sẽ là một tiên tri. Ông sẽ có những đặc tính của các vị tiên tri lớn như Maisen, Ezechiel, Zeremia. . . Ông sẽ giảng dạy, bầu chữa và làm trung gian cho dân với Giavê, ông sẽ bị chống đối, bách hại vì tội lỗi người ta. Hiệu nghiệm của sự chết của ông để giải thoát loài người được diễn tả bằng từ ngữ Phụng vụ như lễ tế, thục tội. . . Hình ảnh trên có đậm màu sắc đời sống tiên tri của thời lưu đày. Ông yêu mến anh em mình nên sẵn sàng làm tất cả để giúp họ biết sứ điệp của Giavê, sẵn sàng chịu mọi vất vả để cầu bầu cho họ, sẵn sáng gánh lấy tội lỗi của họ để đền tội thay cho họ. Nói tóm lại, trong thời lưu đày, các tiên tri đã là khung cảnh một cơ cấu mới của Israel (Jer 15, 1; Ez 3, 20; 33, 8; 4, 4-8). Hy vọng về Đấng Messia đã quy tụ trên điểm này và đã được diễn tả trong các bài ca tụng “người tôi tớ Giavê”. Hy vọng ấy gợi lên một lý tưởng đã nhen nhúm phần nào trong đời Jeremia và Ezechiel, nhưng khác với Jeremia người tôi tớ có in hằn dấu vết của tội lỗi, và khác với Ezechiel ông đã phải chịu chết tủi nhục vì liên đới với dân mình (Is 53, 5-10).
Hình ảnh người tôi tớ chưa tỏ rõ khuôn mặt Chúa Giêsu, và chưa làm cho ta nhận diện được Người, nhưng đã giúp ta dự đoán ra Người. Hình ảnh ấy sẽ sửa soạn các linh hồn đạo hạnh đón nhận Đức Kitô. Cũng phải nhắc đến một hình ảnh khác đó là “Con loài người” mà chúng tôi đã nghiên cứu ở một đoạn riêng vì tầm quan hệ của nó.
Bước đường phát triển phức tạp nói trên về ý niệm Messia cho ta thấy dù các hình ảnh có dị biệt nhưng vẫn có duy nhất trong chương trình của Thiên Chúa từ một quan niệm trần thế có tính cách quốc gia và chính trị, người ta đã dần dần đạt đến một cái nhìn cánh chung đầy hy vọng ở một tương lai được xác định rõ ràng do một nhân vật mà khuôn mặt cũng được dần dần sáng tỏ. Vì thế nên khi Chúa Giêsu xuất hiện, thì sự mong chờ một Đấng Messia thật là sôi bỏng.
b) Trong Tân Ước
“Năm 15 triều đại Tibêriô Cesare, Pontio Pilatô là tổng trấn Judea, Herode là vua Galilea (Lc 3, 11) Chúa Giêsu công bố với những lời như sau về Tin Mừng đến từ Thiên Chúa: Thời giờ đã hoàn tất và Nước Thiên Chúa đã đến gần: Hãy thống hối và tin ở Tin Mừng. . . ” (Mc 1, 14-15). Thời giờ đã hoàn tất, Chúa Giêsu là chung độ cho cả một cuộc chờ đợi lâu dài. Trong Người Thiên Chúa đã đến với chúng ta và đã trở nên một người để cứu chuộc chúng ta. Người đã xuất hiện như Đấng Messia của dân Người. Trước khi đề cập đến đức tin toàn vẹn của các tông đồ sau khi Chúa đã sống lại, chúng ta sẽ nói đến các lời nói và sự việc mà Tân Ước nhắc lại chứng thực Chúa Giêsu là Đấng Messia.
Trước hết, phải nói đến chứng thực của Gioan Tẩy Giả khi Chúa Giêsu đến xin ông làm phép rửa. Ông này được coi như người mở đường cho Đấng Messia. Ông công bố “Nước Trời” mà Isaia tiên báo (Mt 3, 2-3) đã đến gần. Ông thuộc về một cộng đồng theo phong trào Messia và ông cổ động cho phong trào này với toàn dân (Mt 3, 5s). Nhưng ông thú nhận ông không phải là Đấng Messia (Lc 3, 15-16). Trái lại khi gặp Chúa Giêsu, ông đã tuyên bố Người trọng hơn ông bội phần và Người sẽ ban phép rửa trong Thần Khí (Mc 1, 7-8; Lc 3, 16-17; Mt 3, 11-12). Hơn thế nữa Người là “Chiên Thiên Chúa gánh lấy tội trần gian” (Ga 1, 29-30). Còn về Chúa Giêsu, Người đã xác nhận Gioan Tẩy Giả là tiền hô của Đấng Messia (Mt 11, 9-14).
Trong khi chịu phép rửa, mấy sự kiện xảy đến cũng là dấu chỉ Chúa Giêsu là Đấng Messia. Trời mở ra chỉ một liên hệ mới giữa Thiên Chúa và loài người được khai trương. Đã lâu lắm, trời đóng kín, nhưng nay trời đã mở ra và Thần Khí Thiên Chúa được ban xuống cho nhân loại qua “Con chí ái” mà Thiên Chúa lấy làm thoả lòng. Lời phán từ trên không nhắc lại bản văn về Đấng Messia của Cựu Ước (Is 42, 1; Ps 2, 7). Con chí ái sẽ làm trọn sứ mệnh người tôi tớ. Như vậy sự kiện xảy ra trong lúc chịu phép rửa là dấu chỉ sự công bố vai trò Messia của Chúa Giêsu. Khi viết về sự kiện này, thánh Phêrô đã ghi: “Anh em đã biết Thiên Chúa đã xức dầu Thần Khí và quyền năng cho Người thế nào?” (Cv 10, 38; cf. Is 42, 1).
Theo một số nhà chú giải, sự cám dỗ trong hoang địa chính là sự cám dỗ về con đường cứu thế theo khôn ngoan loài người hay theo thánh ý Thiên Chúa. Ma quỷ đưa đến cho Chúa Giêsu tư tưởng lập một vương quốc trần gian và đem lại một sự thịnh vượng vật chất mà người ta đang mong mỏi. Nhưng Chúa Giêsu luôn theo thánh ý Ngôi Cha, nên Người đã chọn con đường giải thoát tôn giáo của người tôi tớ.
Đến khi Chúa Giêsu ra rao giảng Tin Mừng. Trong nguyện đường Nazareth, Người khai trương bằng bản văn của Isaia sau đây: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Người đã xức dầu cho tôi. Người đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó, loan báo sự giải thoát cho người bị cầm tù và sự được sáng cho người mù loà, trả tự do cho người bị áp bức và công bố năm hồng ân của Thiên Chúa” (Is 61, 1; 58, 6; Lc 4, 14. 23). Nội dung lời giảng dạy của Chúa Giêsu cũng tương tự như của Gioan Tẩy Giả, đó là báo cáo rằng Nước Thiên Chúa đã gần đến (Mc 1, 14-15; Mt 4, 17), nhưng thánh Gioan nói đến một Đấng sẽ đến sau người, còn Chúa Giêsu không nói đến một ai sẽ đến sau Người cả; trái lại, Người còn quả quyết Gioan là tiên tri cuối cùng và sau đó thì Nước Thiên Chúa đến (Lc 16, 16; Mt 11, 13). Vì thế, người ta thường coi Tám mối phúc thật như hiến chương của Nước Thiên Chúa. Như vậy, Chúa Giêsu là Đấng Messia. Nhưng Người lấy gì mà làm chứng điều ấy? Chính Chúa Giêsu đã trả lời cho Gioan Tẩy Giả: Người què đi được, người mù trông thấy, người chết sống lại và người nghèo khó được nghe Tin Mừng (Mt 11, 12-15); hoạt động của Người là lời tiên tri và phép lạ chứng tỏ Người là Đấng Messia.
Sau một thời gian dài được nghe lời Chúa Giêsu dạy dỗ và được xem thấy những công việc Người làm, các tông đồ đã nghĩ gì về Chúa Giêsu? Câu chuyện xảy ra ở Cesare: Chúa Giêsu hỏi các tông đồ người ta nghĩ gì về Người. Các ông thưa: Người thì cho Người là Gioan Tẩy Giả, người khác cho Người là Elia, và người khác nữa cho Người là một trong các tiên tri (Mc 8, 27; Lc 9, 19; Mt 16, 13). Và Chúa Giêsu hỏi thêm: Còn anh em nghĩ gì về Thầy? Phêrô nắm chắc rằng mình trả lời đúng dư luận của anh em nên bạo dạn thưa: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8, 29), “Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 9, 20), “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Chúa Giêsu chấp nhận lời tuyên xưng này, nhưng cấm các tông đồ không được nói đến vai trò Messia của mình (Mc 8, 30; Lc 11, 21; Mt 16, 20).
Sau lời tuyên xưng của Phêrô ở Cesare, Chúa Giêsu bắt đầu dạy các tông đồ về đặc tính của sứ đồ Messia của mình: nghĩa là về sự thương khó, sự chết, và sự sống lại của Người (Mc 8, 31s; Lc 9, 22s; Mt 16, 21s). Đường hướng mới mẻ này không phù hợp với quan điểm của các tông đồ cũng là quan điểm chung của dân Do Thái: Thánh Phêrô, theo tính tình nóng nảy của ông, đã phản ứng ngay. Và lần này trái với những lần khác, Chúa Giêsu đã không nhẫn nại và tỏ ra nghiêm khắc: “Hãy lui lại sau Ta, Satan! Vì tư tưởng của ngươi không phải là của Thiên Chúa, nhưng là của loài người” (Mc 8, 33; Mt 18, 23). Lời này chứng tỏ rằng quan niệm của Chúa Giêsu về Messia hoàn toàn có tính tôn giáo chứ không có tính quốc gia và chính trị.
Sự biến hình với những chi tiết xảy ra là điểm quan hệ trong mạc khải của Chúa Giêsu về tính Messia của mình (Mt 17, 1-9; Mc 9, 2-8; Lc 2, 28-38). Sau khi Chúa Giêsu đã cho các tông đồ biết Người sẽ phải chịu thương khó, và con đường đi đến phần rỗi là con đường từ bỏ, cả những tông đồ trung kiên cũng tỏ ra nản chí. Người muốn củng cố xác tín của họ nên đã làm một số phép lạ lẫy lừng và đã biến hình. Trong khi biến hình, có Maisen và Elia xuất hiện. Maisen là tiên tri đưa dân Do Thái ra khỏi đất Ai Cập, Elia là tiên tri đầu tiên nói về một Messia chịu đau khổ. Ngày nay Elia là Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu sẽ giải thoát dân Người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Maisen và Elia nói về sự “xuất hành” Chúa Giêsu sẽ hoàn thành ở Giêrusalem, nghĩa là về sự đau đớn, sự chết và sự sống lại của Người (Lc 9, 31) Người sẽ chịu đau đớn và chịu chết để được sống lại. Tiếng phán ở trên không chứng tỏ sứ mệnh của Chúa Giêsu là do Thiên Chúa. Mây bao phủ là dấu sự hiện diện của Thiên Chúa.
Việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem cách long trọng ít ngày trước khi Người chịu nạn cũng là một tang chứng về tính chất của sứ điệp Messia của Người: Người vào Giêrusalem trên con lừa con (Mc 11, 2-7; Lc 19, 30-35; Mt 21, 4-7) bên ngoài hiền lành, không quyền uy ấy trái ngược với những gì thường xảy ra cho một vị quân vương. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không từ chối lời hoan hô Người như Đấng Messia của dân chúng và Người trả lời người Pharisêu: “Tôi nói cho các ông biết, nếu họ im lặng thì đá cũng sẽ kêu lên” (Lc 19, 40).
Sau hết, trước hội đồng thượng tế, người ta kết án Chúa Giêsu vì đã nói phạm thượng và xưng mình là Thiên Chúa, nhưng trước mặt Philatô, các đầu mục đã tố cáo Người đã dám nhận vai trò vua Messia là vai trò những người ái quốc Do Thái chờ mong, và đế quốc Lamã canh chừng (cf. Mt 27, 15-26; Mc 15, 6-15; Lc 23, 13-25). Chúa Giêsu đã giải thích Người thật là vua Messia, nhưng nước Người không ở đời này (Ga 18, 36). Philatô tin Người, nhưng vẫn kết án như người Do Thái tố cáo: “Giêsu ở Nazareth, vua người Do Thái” (Mc 15, 26; Lc 23, 28; Mt 27, 37).
Như trên, ta không có thể chối được rằng cơ cấu các Phúc Âm gắn liền với việc rao giảng Nước Thiên Chúa đến và vì thế gắn liền với vai trò Messia của Chúa Giêsu và nếu ta còn công nhận giá trị lịch sử của Phúc Âm, thì ta không thể làm ngơ đến giá trị lịch sử các chứng cớ về vai trò Messia của Chúa Giêsu được. Chính vì thế mà sau khi Chúa Giêsu đã sống lại, thì Giáo Hội sơ khai đã tin rằng: “Thiên Chúa đã tôn Người lên làm Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2, 36).
Tuy nhiên, có một điều lạ là khi người ta xưng ra Chúa Giêsu là Đấng Messia thì Người không chối, nhưng thường dạy người ta đừng nói với ai, còn chính Người thì chẳng bao giờ Người xưng một cách trực tiếp rằng mình là Đấng Messia, trừ ra trong các bản văn của thánh Luca sau khi Chúa Giêsu đã sống lại (Lc 24, 26. 46). Phải giải thích điều này làm sao? Ở thời Chúa Giêsu, từ ngữ Messia có một ý nghĩa rất phức tạp vừa tôn giáo vừa chính trị, vừa nội tâm vừa xã hội, nhưng trong hoài bão người đương thời thì khi nói lên từ ngữ ấy là người ta nghĩ ngay đến một vị Messia chính trị. Chúa Giêsu là Đấng Messia, nhưng không phải l à Đấng Messia chính trị và không muốn người ta hiểu lầm như vậy, nên Người đã tránh xưng mình là Messia trong khi Người còn sống. Nhưng sau khi Người đã sống lại, thì vai trò Messia tôn giáo của Người đã quá rõ ràng vì công cuộc cứu thế của Người đã hoàn tất, nên Người có thể công khai mình là Đấng Messia mà không sợ ai hiểu lầm nữa.
B – SUY LUẬN THẦN HỌC
Đến đây chúng tôi đã nghiên cứu từ ngữ Messia trong lịch sử cứu độ. Nội dung của từ ngữ đã biến đổi rất nhiều từ bên ngoài, chính trị, quốc gia, đến bên trong, tôn giáo và quốc tế. Nhưng vì phong trào Messia của dân Do Thái cũng chỉ là một hình thức trong các phong trào giải phóng của cả loài người, vì thế cần phải phân biệt vai trò Messia mà Chúa Giêsu có về mình với vai trò các vị cứu tinh của các phong trào Messia khác.
Các phong trào Messia đều lệ thuộc vào một người lãnh đạo hay một tiên tri: Người này sẽ thiết lập một thời đại hoàng kim. Thời đại này được diễn tả trong một hình thức không tưởng (forme utopique) và sẽ thể hiện nhờ khích động của một ngày lễ hay nhờ ở ma thuật của tiên tri. Người ta sống trong một hiện tại đen tối, khổ cực và người ta hy vọng một thiên đường không do cố gắng và công lao của chính mình nhưng do một ơn huệ của một vị có quyền phép. Trong hoàn cảnh này, phong trào Messia thường là dấu hiệu một thất vọng não nề và một cuộc sống hằng ngày quá ư khổ cực: Người ta thấy mình bất lực để vượt ra ngoài hoàn cảnh đen tối của mình, nhưng họ vẫn nuôi hy vọng hão huyền ở một phép lạ.
Quan niệm như trên, phong trào Messia khác với phong trào cách mạng. Thật vậy, trong phong trào Messia, hy vọng không được đưa ra mổ xẻ theo phê bình sáng suốt của lý trí, nhưng đặt cả vào hành động của một người được ơn thiên phú để làm việc ấy. Dẫu sao, trong phong trào Messia, hy vọng giải phóng có thật và thỉnh thoảng lại bùng cháy và tạo nên những hoạt động nghi lễ không cân xứng với hạnh phúc lòng người chờ mong.
Phong trào cách mạng cùng có chung hy vọng thời đại hoàng kim ấy, nhưng không nhờ ở một can thiệp của thần thánh hay ở một vị lãnh đạo có ơn thiên phú. Hiện tại khổ cực có những nguyên nhân kinh tế xã hội ta phải chiến đấu để xoá bỏ đi. Hy vọng thôi thúc ta hành động, nhưng để hành động hữu hiệu thì phải nhờ vào lý trí phân tích các khó khăn để chiến đấu có kế hoạch. Người cách mạng không mơ tưởng hão huyền một hạnh phúc trực tiếp, nhưng sáng suốt nhận định các khó khăn và chỉ tin ở nỗ lực con người trong lịch sử.
Phác hoạ sơ lược trên giúp ta hiểu liên hệ của Chúa Giêsu với các phong trào giải phóng của loài người.
Trước hết, Chúa Giêsu không có đời sống của một vị Messia theo nghĩa thông thường vì Người đã không đáp lại hy vọng một hạnh phúc trực tiếp. Với sự sống lại của Người, Người đã không thay đổi bằng một hành động quyền phép hoàn cảnh của đời sống con người. Và như vậy, nếu Thiên Chúa hành động trong Chúa Giêsu, hữu hình ấy không phải là sử dụng quyền phép của mình để biến đổi xã hội. Vì thế các tông đồ sau khi Chúa Giêsu đã sống lại cũng không phải là những vị lãnh đạo có quyền phép đặc biệt, nhưng chỉ là những chứng nhân. Sứ mệnh của Chúa Giêsu cũng như của các tông đồ không phải là lãnh trách nhiệm thay cho người ta trong việc biến đổi thế giới, nhưng là đưa người ta đến ý thức rằng họ phải đảm nhận lấy tương lai họ và xây dựng tương lai ấy theo tự do của mình.
Chính ở sự khác biệt về quan niệm này mà Chúa Giêsu đã phải chịu mọi hận thù ghen ghét của người Do Thái. Người dân Do Thái nhìn ở Đấng Messia một ông vua chính trị; người Zeloti nhìn ở Đấng Messia một vị lãnh đạo để chống lại quân ngoại xâm, người Pharisêu nhìn ở Đấng Messia người sẽ khôi phục sự hưng thịnh cho Israel để lề luật được tôn trọng tới những nét nhỏ nhặt. Hoài bão này đã nung nấu người Do Thái từ lâu đời. Chúa Giêsu đến: Người tố cáo ngay ở hệ thống luật lệ mà các kỳ lão và người Pharisêu tôn thờ như một trở ngại cho thời hoàng kim sẽ đến. Như vậy, Chúa Giêsu không hão huyền, nhưng khởi điểm từ tình trạng xã hội cụ thể của lúc ấy để cho người ta thấy muốn đạt đến thời đại hoàng kim thì phải theo con đường nào. Người hành động như các tiên tri đã đến trước Người, Người gợi lên trong tâm trí con người một đường hướng phải dấn thân vào. Nhìn vào thái độ và nghe lời Người giảng, người ta cảm thấy những an nhàn dễ dãi, những dàn xếp vá víu của xã hội lúc ấy đều không bền vững. Một cái gì mới đang thấm nhuần vào xã hội như một chất men; công lý của thời Messia đang tượng hình. Nhưng công lý ấy là gì? Chúa Giêsu không giới thiệu một cơ cấu luật lệ hay xã hội, Người cũng chẳng xác định theo vật chất công lý ấy là gì, Người chỉ mở ra một chân trời mới có sức làm cho xã hội trở nên khác xưa thôi. Người không xác định công lý là gì, nhưng Người cho biết công lý chưa đến vì cái xã hội vẫn hằng quả quyết rằng được xây trên lề luật Maisen đã phản bội lề luật. Những người chỉ được thừa hưởng quyền lợi mà giao ước của Maisen ban cho và chỉ có lòng thương yêu phổ quát của Thiên Chúa làm bảo đảm đã không có một chỗ đứng xứng đáng trong dân được lựa chọn. Thay vì yêu thương những người vì đó mà lề luật được công bố, thì xã hội lúc ấy đã tôn thờ lề luật, chính vì thế mà người bé mọn, hèn yếu, từ nhân, hoà thuận. . . bị bỏ rơi: Sự bỏ rơi này đã là bản án của xã hội ấy và Tám mối phúc thật đã là báo điểm cho thời Messia. Chúa Giêsu đã từ chối dùng quyền uy Thiên Chúa và làm phép lạ, Người không muốn là một cứu tinh đem từ trời xuống một bí quyết giải đáp được mọi khó khăn. Lời hứa một xã hội huynh đệ và hạnh phúc chỉ là một lời hứa để trở nên thực tại, cần phải có nỗ lực biến đổi thực sự trong lịch sử. Nếu Chúa Giêsu là cứu tinh đó là vì Người đã ban Thần Khí để thúc đẩy người ta bước vào và tiếp tục công cuộc tự giải thoát, chứ Người không giải thoát người ta bằng một phép lạ. Đó chính là điểm dị biệt sâu xa giữa Chúa Giêsu và các phong trào Messia khác.
Nhưng quan niệm của Chúa Giêsu cũng không giống quan niệm các nhà cách mạng. Đã đành Người cũng cảm thấy cuộc đổi mới phải là cố gắng của loài người để san bằng các ngăn trở ngay trong lịch sử. Nhưng các nhà cách mạng thường trách rằng Người quá mơ mộng và thiếu thực tế. Bình luận này có nguyên nhân ở đâu? Như chúng ta đã thấy ở trên, Chúa Giêsu không đưa ra một chương trình pháp lý hay xã hội cụ thể, mà Người chỉ mở ra một hướng đi mới. Đã rõ rằng với một nhà cách mạng chính trị, như vậy là không thực tế. Nhưng lý do nào đã đưa Chúa Giêsu đến lựa chọn thái độ ấy?
Theo suy luận thông thường, công lý có một nội dung được xác định rõ ràng người ta có thể căn cứ vào đó để phác hoạ cơ cấu một xã hội lý tưởng và tạo nên một không tưởng (utopie) chính trị khá rõ ràng để có thể thể hiện trong thực tế. Nhưng theo truyền thống Kinh Thánh, công lý không phải là một hình ảnh lý tưởng có thể diễn tả bằng một định nghĩa rõ ràng, nhưng chỉ được “chứng thực” là có hay không bởi những người chẳng có gì để tự bảo vệ trong xã hội mà thôi. Trong một xã hội mà những người này được tôn trọng, nghĩa là khi một xã hội tôn trọng lời hứa của Thiên Chúa, ban đồng đều cho cả những người này thập giá và hạnh phúc thì xã hội ấy có công lý, như vậy theo Kinh Thánh, công lý không phải là một nhân đức gợi lên một kiểu mẫu lý tưởng, nhưng chỉ là một chất vất căn cứ vào lời hứa của Thiên Chúa về những sự bất toàn và xấu xa của một xã hội mà thôi. Công lý quan niệm như vậy cũng là một không tưởng vì là lời hứa, nhưng không là một kiểu mẫu, lý do là lời hứa hướng về một kiểu mẫu nhưng không tạo nên một kiểu mẫu. Lời hứa phủ nhận xã hội quả quyết tôn trọng quyền lợi mà lại có hệ thống chối bỏ quyền lợi cho một phần trong các phần tử của mình là người yếu đuối, thế cô. Chính trung thành với truyền thống này mà các tiên tri nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt của người “nghèo khó” để phán xét về một xã hội và Chúa Giêsu đã công bố nghèo khó thì có phúc vì là tiêu biểu cho lời hứa.
Như trên, cách thực hành của các tiên tri trong Kinh Thánh không phải là quan tâm đến cấu tạo một thể chế đưa xã hội đến công lý, nhưng là lưu ý vào bước tiến cụ thể đến công lý của xã hội ấy. Lề luật hoàn hảo, nhưng cách áp dụng của những người hữu trách lúc ấy đã không làm cho dân Do Thái được hưởng công lý. Vì thế các tiên tri không có nhiệm vụ đề nghị một lý thuyết và bảo vệ một giải pháp lý tưởng, nhưng chỉ quan sát xem nhân phẩm con người có được thừa nhận và quyền lợi con người có được bảo đảm trong xã hội Do Thái hay không. Đã đành thể chế lý tưởng là một trong những yếu tố phải có để đem lại thời hoàng kim, nhưng có nó người ta không tất nhiên có ngay thời đại ấy. Chỉ có thể nói rằng thời đại ấy đến khi mọi người đều có quyền hưởng nhân phẩm và sung túc “không còn người Do Thái, người Hy lạp, người nô lệ, người tự do, đàn ông, đàn bà. . . ” (Gl 3, 28). Sự trung thành của Chúa Giêsu với thái độ di truyền của các tiên tri phân biệt Người với các nhà cách mạng, nhất là các nhà cách mạng Tây phương có cách suy tưởng của Platon căn cứ vào lý luận từ một ý niệm lý tưởng. Và cũng vì thế mà khi ta nghe thấy gán cho Kitô giáo danh từ “ý thức hệ” ta cũng phải hết sức dè dặt.
Đến đây, chúng ta đã suy luận ở phạm vi lịch sử để phân biệt sứ mệnh Messia của Chúa Giêsu với các phong trào giải phóng khác. Nhưng sự dị biệt sâu xa nhất ở tại sự sống lại cua Chúa Giêsu hoàn tất sứ mệnh Messia của Người. Không có sự sống lại, sự chết của Chúa Giêsu cũng chỉ có hiệu quả như cái chết của Platon hay của Che Guevara mà thôi. Nghĩa là lời nói và việc làm của Người sẽ là một gương mẫu cho người hậu thế noi theo. Đã đành với Người không có đức tin, Chúa Giêsu cũng chỉ là một gương mẫu mà thôi, nhưng với người tín hữu, Chúa Giêsu không phải chỉ là như vậy. Với các tông đồ, Chúa Giêsu không phải chỉ là một kỷ niệm sau ngày sống lại, Người luôn luôn là một hiện diện và một sức sống để hướng dẫn Giáo Hội của Người đến ngày cánh chung. Sự giải thoát của Chúa bắt đầu ngay từ đời này, nhưng chỉ hoàn tất ở ngày tái sinh mà sự sống lại của Chúa Giêsu là một đảm bảo.
“Thật vậy, tôi bảo thật cho ông biết, nếu không tái sinh bởi trời, thì chẳng ai thấy Nước Thiên Chúa” (Ga 3, 3-8). Đã đành ơn cứu độ bắt đầu ngay tự đời này, nhưng ơn ấy vẫn là hồng ân của Thiên Chúa. “Nếu không tái sinh bởi nước và Thánh Thần, thì không ai được vào Nước Thiên Chúa”. Chính vì thế mà nếu Chúa Giêsu không sống lại thì Người sẽ không còn là Đấng Messia nữa.