Bài 3 – Các Bí Tích và Ân Sủng

Reading Assignment in English

  1. Sacrament Theology (KST), Chapter 3
  2. Catechism of the Catholic Church (CCC), nos 1113 – 1162, 1996-2005

Các Mục Tiêu Học Tập của Tổng Giáo Phận

  • MA 2.2.2 Các bí tích là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng, do Đức Kitô thiết lập và ủy thác cho Hội Thánh, qua đó sự sống thần linh được ban cho chúng ta qua quyền năng của Chúa Thánh Thần; những người Công Giáo được thánh hoá và Thân Thể Đức Kitô dâng lên Thiên Chúa nhiều danh dự và vinh quang hơn.
  • MA 3.3.33 Ân sủng là sự trợ giúp mà Thiên Chúa ban cách nhưng không cho con người để họ đáp lại ơn gọi được làm dưỡng tử và dưỡng nữ của Ngài.  Ân sủng là một dẫn nhập vào sự mật thiết của sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Sáng kiến của Thiên Chúa trong công việc của ân sủng đi trước, chuẩn bị và gợi ý cho đáp trả tự do của một người.  
  • MA 3.3.6 Tội lỗi hạ thấp phẩm giá và hạn chế tự do của con người.  Ân sủng của Thiên Chúa củng cố phẩm giá, sự tự do và tình đoàn kết của con người.  
  • MA 3.3.35 Qua việc kết hợp một người với Đức Kitô trong tình yêu tích cực, ân sủng đảm bảo phẩm chất siêu nhiên của hành động của người ấy và công trạng của họ trước mặt Thiên Chúa và những người khác.
  • MA 3.3.37 Ân sủng chính của Thiên Chúa là biến cố của Đức Kitô, Mầu Nhiệm Vượt Qua, qua đó Thiên Chúa dành lại và ban sự sống đời đời cho mọi người.  
  • MA 3.3.40 Không ai có công lãnh nhận ân sủng đầu tiên, là ân sủng khởi đầu cuộc hoán cải.  Tác động của Chúa Thánh Thần  và sự tự do chọn lựa của Thiên Chúa cho phép một người tham gia vào công việc của ân sủng của Ngài.  Người ấy có thể lập công cho mình hay cho người khác để đáng lãnh nhận mọi ân sủng cần cho sự sống đời đời, cũng như những sự tốt lành tạm bợ cần thiết.
  • MA 2.2.8 Các bí tích Rửa Tội, Thêm Xức và Truyền Chức Thánh in một dấu không thể xoá được  trong linh hồn thụ nhân, nên không thể lập lại được.
  • MA 3.3.41 Một trong những hiệu quả của ơn thánh hóa là ơn công chính hoá; ơn này được ban cho các Kitô hữu qua bí tích rửa tội và làm cho mọi người được xứng đáng bởi Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô. Nó thích nghi con người với sự công chính của Thiên Chúa, Đấng làm cho họ nên công chính. Trong ơn công chính hoá này của tội của người ta được tha và nội tâm được đổi mới và thánh hoá. Mục tiêu của ân sủng này là để tôn vinh Thiên Chúa và Đức Kitô, và hồng ân sự sống đời đời. Đây là công việc tuyệt vời nhất của lòng thương xót của Thiên Chúa.
  • MA 3.3.42 Ơn thánh hóa là ơn nhưng không của chính sự sống của Thiên Chúa mà Ngài ban cho mọi người qua Đức Chúa Giêsu Kitô; được Chúa Thánh Thần đổ vào tâm hồn để chữa lành tội lỗi và thánh hóa nó.
  • MA 3.3.43 Ơn thánh hoá là công việc liên tục của Chúa Thánh Thần trong linh hồn một người.

Các bí tích là “những dấu chỉ hữu hình được Đức Kitô thiết lập để ban ân sủng”.  Nhưng “ân sủng” mà các bí tích ban là gì?

Nhiều khi chúng ta có khuynh hướng nghĩ về ân sủng như một “điều” đổ đầy tâm hồn chúng ta.  Ân sủng là điều vô hình, nhưng để cụ thể hoá, nhiều người ví linh hồn như một cái chai, bí tích như một hộp sữa và ân sủng như chất dinh dưỡng màu trắng từ hộp sữa đổ sang chai.  Tội lỗi cũng được ví như chất bẩn biến sữa màu trắng thành màu nâu, để lại vết bẩn trên chai.  Nhưng nếu đơn sơ mà coi ân sủng như một điều, như một sự vật, thì chúng ta quá coi thường hồng ân cao quý của và từ Thiên Chúa này.

Ân Sủng Là Gì?

Ân sủng là một ân huệ, một sự trợ giúp nhưng không mà Thiên Chúa ban để chúng ta trở thành con cái Ngài.  Ân sủng cho chúng ta thông phần vào sự sống của Thiên Chúa.

Ân Sủng là một Ân Huệ, một sự Trợ Giúp Nhưng Không của Thiên Chúa

Khi nói rằng ân sủng là một món quà hay ân huệ đến từ Thiên Chúa, chúng ta không hiểu ân sủng như một quà tặng vật chất.  Nhưng ân sủng là một hành động của Thiên Chúa, là hành động cho chúng ta thấy một phần nào bản ngã của Thiên Chúa.  “Lãnh nhận ân sủng” là kinh nghiệm việc Thiên Chúa hành động trong cuộc đời vì sự tốt lành của chúng ta.

Điều thiết yếu cho khái niệm về ân sủng là hiểu rằng ân sủng là một món quà từ Thiên Chúa.  Tiếc rằng, quá nhiều lần chúng ta nghĩ về ân sủng như tiền công hay tiền thù lao mà Thiên Chúa phải trả cho chúng ta vì chúng ta đã làm một điều gì tốt cho Ngài.  Nhưng ân sủng không phải là cái gì chúng ta kiếm được, không phải là tiền hối lộ để dụ chúng ta làm điều tốt hay là một phần thưởng cho những điều tốt chúng ta làm.  Ân sủng không phải là điều chúng ta xứng đáng lãnh nhận, mà là điều chúng ta cần.  Và vì nhu cầu của chúng ta mà Thiên Chúa ban ân sủng cho chúng ta vì Ngài yêu chúng ta, chứ không phải vì công đức của chúng ta.

Mặc dù ân sủng là món quà nhưng không của Thiên Chúa, và chúng ta không tự mình kiếm được ân sủng hoặc xứng đáng nhận được ân sủng.  Nhưng chúng ta có nhiệm vụ sẵn sàng lãnh nhận ân sủng và hợp tác với ân sủng vì Thiên Chúa cho chung ta tự do chối từ ân sủng.  Ân sủng cũng không được ban riêng cho một người cách cá nhân, mà ban qua người khác trong cộng đồng các tín hữu của Đức Kitô, là Hội Thánh.

Ân Sủng Là Thông Phần vào Sự Sống của Thiên Chúa

Ân sủng của Ðức Kitô là ân huệ nhưng không mà qua đó cho chúng ta được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa.  Ân sủng là một cách Thiên Chúa ban sự sống của Ngài cho chúng ta.  Như thế Ngài cũng ban cho chúng ta một căn tính: là nghĩa tử hay nghĩa nữ của Ngài.  Quan niệm thần học về “việc nhận làm nghĩa tử” là một quan niệm thật phong phú để hiểu mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa và nhận thức được mối liên hệ ấy xảy ra thế nào. 

Hội Thánh dạy rằng có hai loại ân sủng chính: ơn thánh hoá (được ban lúc đầu trong Bí tích Rửa Tội) và ơn hiện sủng (được ban khi chúng ta cần).  

Nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta thành chi thể của Nhiệm thể Đức Kitô, và thành nghĩa tử của Thiên Chúa, được gọi Ngài là “Cha”.  Chúng ta lãnh nhận sự sống của Chúa Thánh Thần.  Ðó là ơn thánh hóa hay thần hóa.  Ơn này là một ơn thường sủng, một trạng thái siêu nhiên bền vững, tẩy trừ tội lỗi và hoàn thiện hóa linh hồn để chúng ta có thể sống với Thiên Chúa và hành động nhờ tình yêu của Ngài. 

Chúng ta phân biệt ơn thường sủng và các ơn hiện sủng.  Ơn thường sủng là trạng thái thường xuyên để sống và làm theo tiếng gọi của Thiên Chúa, còn ơn hiện sủng là những can thiệp của Thiên Chúa hoặc lúc khởi đầu cuộc hoán cải hoặc trong tiến trình thánh hóa (x. GL #1999, 2000).  Thánh hoá là một tiến trình tiệm tiến.  Ân sủng của Thiên Chúa được đổ vào linh hồn chúng ta, ban sức mạnh cho chúng ta để chúng ta ngoan ngoãn vâng theo những thúc đẩy của Chúa Thánh Thần mà từ bỏ tính hư nết xấu và tập tành làm việc nhân đức.  Nếu chúng ta khiêm nhường hợp tác với ân sủng thì tâm hồn chúng ta sẽ được dần dần thay đổi từ một thủa đất khô cằn sang một thủa ruộng màu mỡ để các hoa quả của Chúa Thánh Thần nẩy nở xum xuê.

Ngoài mục đích thánh hóa chúng ta, ân sủng cũng bao gồm các ơn giúp chúng ta có khả năng cộng tác vào việc cứu độ tha nhân và phát triển Hội Thánh.  Ðó là các ân sủng bí tích, mỗi bí tích ban ơn riêng.  Ngoài ra, còn có đặc sủng qui hướng về ơn thánh hóa và có mục đích phục vụ lợi ích chung của Hội Thánh. Trong các đặc sủng, có các ơn chức phận được ban cho người thi hành các nhiệm vụ của đời Kitô hữu và các thừa tác vụ trong lòng Hội Thánh.  Vì ân sủng thuộc bình diện siêu nhiên, nên vượt tầm kinh nghiệm của chúng ta, và chỉ nhận biết được bằng đức tin, nên chúng ta không thể dựa vào tình cảm hay các việc làm để kết luận rằng chúng ta đã được công chính hóa và được cứu rỗi.  Tuy nhiên, việc suy niệm về các ơn Chúa trong đời chúng ta và các thánh, cho chúng ta một bảo đảm rằng ân sủng đang hoạt động trong chúng ta, giúp cho đức tin của chúng ta thêm lớn mạnh, và tín thác hơn vào Thiên Chúa (x.  GL #2003-2005).

Chúng ta thường nói về một thời điểm đặc biệt như “thời gian ân sủng”, hoặc chúng ta coi một sự kiện đặc biệt như một “giây phút ân sủng”.  Điều chúng ta muốn nói trong cả hai trường hợp này là vào những thời điểm hoặc những giây phút ấy chúng ta, một cách nào đó, hay vì một lý do nào đó, ý thức rõ hơn bình thường về sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời mình.  Như đã nói ở những bài trước, các bí tích không chỉ là những lời nói về niềm tin của chúng ta, mà là những lời hữu hình cố gắng làm cho những gì chúng ta tin trở nên thực hơn cho chúng ta.  Vì thế. ngoài việc ban cho chúng ta ân sủng của Thiên Chúa, các bí tích còn cố gắng giúp chúng ta kinh nghiệm ân sủng ấy một cách cụ thể hơn và thực tế hơn trong cuộc đời mình.  Càng cảm nghiệm được sức mạnh của ân sủng của Thiên Chúa hoạt động trong cuộc đời, chúng ta sẽ càng làm nhiều điều tốt hơn nữa, không phải vì chúng ta sẽ nhận được ân sủng, mà vì chúng ta vui hưởng ân sủng của Thiên Chúa.

Ân Sủng Giúp Chúng Ta Đáp Lại Ân Sủng

Ân sủng là một món quà từ Thiên Chúa, được ban cho chúng ta một cách nhưng không theo sáng kiến ​​của Ngài, mà chúng ta không có công trạng gì, hay xứng đáng để lãnh nhận.  Nhưng món quà nhưng không này rất đắt giá.  Ân sủng, theo một nghĩa nào đó, là một món quà được ban tặng kèm theo chuỗi dây ràng buộc.  Chuỗi dây này là những sự nối kết mà chúng ta có với Thiên Chúa, là mối liên hệ với Thiên Chúa có thể có được nhờ ân sủng, và vì thế sự đáp trả của chúng ta với ân sủng của Thiên Chúa cũng nhờ ân sủng.

Điều gì giúp chúng ta đáp lại ân sủng của Thiên Chúa? Câu trả lời là: ân sủng của Thiên Chúa. Ân sủng của Thiên Chúa hành động trong chúng ta thậm chí trước khi chúng ta nhận ra điều đó.  Đó là lý do tại sao chúng ta rửa tội cho trẻ sơ sinh, mặc dù trẻ em không biết “làm gì với những ân sủng này”.  Như lịch sử cứu độ cho thấy, Thiên Chúa không chờ đến khi chúng ta sẵn sàng, đến khi chúng ta chuẩn bị (và chắc chắn không chờ đến khi chúng ta xứng đáng), để ban ân sủng cho chúng ta. Thay vào đó, Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng để chúng ta có thể biết và đáp lại cách tốt hơn với ân sủng được ban cho.

Chúng ta cũng có thể coi ân sủng là tác động của Thiên Chúa làm thay cho chúng ta.  Nói cách khác, nhờ giây phút hay thời gian đặc biệt của “ân sủng” này, chúng ta có thể làm điều gì khác biệt, trở nên một người tốt hơn mà bình thường chúng ta tự mình không có khả năng làm.  Khi suy niệm về ân sủng, chúng ta có thể hỏi, “Tôi khác biệt ra sao (hoặc tốt hơn thế nào) vì những gì Chúa đã làm cho tôi?”

Cuối cùng, chúng ta có thể coi ân sủng như thước đo chiều sâu của mối liên hệ của mình với Thiên Chúa.  Theo cách suy nghĩ này, mối quan tâm của chúng ta không phải là mình có đang ở trong tình trạng ân sủng hay không, mà làm sao có thể tiếp tục đào sâu tình trạng ấy, mối liên hệ ấy.  “Tôi gần gũi với Thiên Chúa đến mức nào?  Làm sao tôi có thể đào sâu tình yêu của tôi với Thiên Chúa?” là những câu hỏi chúng ta có thể tự hỏi.

Các Bí Tích Ban Ân Sủng

Vào thế kỷ XVI, Công Đồng Trentô đã xác định một số giáo huấn của Hội Thánh.  Mặc dù Công Đồng khẳng định rằng các bí tích ban ân sủng, nhưng không nói chính xác về cách thức mà ân sủng được ban.  Đó là một câu hỏi chính đáng có thể được tiếp tục thảo luận giữa các thần học gia Công Giáo.

Các bí tích ban ân sủng thế nào? Một số thuyết thần học đã được đề ra.  Phổ thông và quen thuộc nhất từ nhiều thế kỷ với người Công giáo là thuyết nhân quả vật lý hoặc công cụ của Thánh Tôma Aquinô.  Theo thuyết này, các bí tích là các hồ chứa nước và các ống chuyển ân sủng, giống như các hồ chứ nước và các dòng sông đưa nước ấy vào đất liền.  Thiên Chúa “đặt” ân sủng trong các bí tích, và các bí tích đem ân sủng đến cho chúng ta.

Một thuyết khác do Á Thánh Gioan Scôtô đề ra là thuyết nhân quả đạo đức.  Theo thuyết này thì khi chúng ta cử hành một bí tích, thì việc cử hành bí tích này nhắc nhở Thiên Chúa về tình yêu của Ngài dành cho nhân loại; sau đó, Thiên Chúa ban ân sủng trực tiếp cho những người cầu xin ân sủng ấy. 

Hàng thế kỷ sau, cựu Hồng Y Louis Billot, đã đề ra thuyết nhân quả có chủ ý.  Thuyết này cho rằng các bí tích có ảnh hưởng trước nhất trên những người cử hành chúng.  Nhờ cử hành các bí tích, người ta trở nên sẵn sàng, con tim của họ mở ra để đón nhận ân sủng.

Không có thuyết nào trong các thuyết này là “sai” cả.  Mỗi thuyết cho chúng ta biết một điều quan trọng về các bí tích, về Thiên Chúa và về chính mình.  Chẳng hạn như thuyết của Thánh Tôma Aquinô nhắc nhở chúng ta rằng các bí tích ban ân sủng, hay chúng chứa đựng và có thể mở ra cho chúng ta những kho báu ẩn giấu trong ân sủng của Thiên Chúa.   Thuyết của Scôtô cho chúng ta biết rằng các bí tích liên quan đến Thiên Chúa.  Nó nhắc nhở chúng ta rằng các nghi thức bí tích là những dịp để chúng ta ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa. Và thuyết của cựu Hồng Y Billot nhấn mạnh rằng kinh nghiệm của chúng ta trong việc cử hành các bí tích có thể giúp chúng ta cảm nghiệm sâu xa hơn nữa các ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.  Mỗi thuyết này, có thể giúp chúng ta biết cách lớn lên trong ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa.  Như nhiều suy tư thần học, mỗi thuyết cho thấy một phần của chân lý, nhưng không nhất thiết là toàn thể chân lý, vì không phàm nhân nào có thể hiểu tất cả mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Các Bí Tích như Những Nguyên Nhân Biểu Tượng của Ân Sủng

Các bí tích ban ân sủng thế nào?  Một thuyết khác, có lẽ phổ thông nhất hiện nay, là thyết biểu tượng.  Như những hành động tượng trưng, ​​các bí tích ban ân sủng “theo cách thức tuỳ theo các biểu tượng”.  Nghĩa là, các bí tích truyền đạt cho chúng ta một cách cụ thể hơn những điều mà chúng ta không thể thấy, khó nhận ra và không thể cảm nghiệm được, nếu không có hành động biểu tượng.  Một lần nữa, các bí tích không chỉ đơn thuần cho chúng ta biết những gì chúng ta tin mà còn cố gắng làm cho những gì chúng ta tin trở nên thực tế hơn cho chúng ta.

Vậy các bí tích là công cụ của ân sủng, hay chỉ là biểu tượng của ân sủng?  Thưa là cả hai.

Trước hết các biểu tượng không phải là loại dấu hiệu đơn giản chỉ cung cấp cho chúng ta các sự thể hoặc các mẩu thông tin thông thường như các đèn giao thông hay các bảng chỉ đường. Chúng cung cấp cho chúng ta những thông tin cần thiết, nhưng không làm gì cho chúng ta.

Các biểu tượng làm cho sự thật trở nên thật hơn cho chúng ta qua các hành động kèm theo chúng.  Các biểu tượng thu hút trí tưởng tượng và tâm hồn chúng ta, chứ không chỉ trí khôn chúng ta.  Một biểu tượng bắt đầu với điều chúng ta tin và đặt nó trước mặt chúng ta.  Hoặc, đúng hơn, vì cách mà một biểu tượng có thể thu hút chúng ta, nó giúp chúng ta hiện diện nhiều hơn với thực tại đã có sẵn ở đó.

Là người Việt Nam ai cũng trải qua cuộc chiến tranh Quốc Cộng vừa qua.  Trước một lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ hay một lá cờ Đỏ Sao Vàng, chúng ta không chỉ nhận ra rằng đó là cờ Miền Nam hay Miền Bắc, nhưng chúng ta còn sống lại bao kỷ niệm tốt đẹp hay đau thương mà hai lá cờ ấy gợi lại cho chúng ta.  Hai lá cờ này không chỉ đơn thuần là hai mảnh vải màu, nhưng là biểu tượng cho hai ý thức hệ khác nhau mà vì chúng hàng triệu người Việt đã sẵn sàng hy cả sinh mạng sống mình để bảo vệ, trong số đó có thể có chính chúng ta và rất nhiều người thân yêu của chúng ta.

Vì thế chúng ta không tiếp cận một biểu tượng để có được thông tin như một dấu hiệu.  Trái lại, chúng ta gặp gỡ một biểu tượng để trở nên phù hợp hơn với thực tại mà biểu tượng ấy truyền đạt. 

Bí Tích là Biểu Tượng hoặc Nguyên Nhân của Ân Sủng?

Câu hỏi còn lại là: các bí tích có ban ân sủng hay không, hay chúng chỉ là biểu tượng của ân sủng ấy?  Với sức mạnh của các biểu tượng, câu trả lời là: Các Bí Tich vừa ban ân sủng vừa tượng trưng cho việc ban ân sủng ấy.

Một thí dụ rất thực tế về điều này là quan hệ chăn gối giữa hai vợ chồng.  Quan hệ này diễn tả tình yêu giữa hai người hay chỉ tượng trưng cho tình yêu này?  Quan hệ chăn gối biểu lộ tình yêu mà hai vợ chồng chia sẻ cho nhau và là biểu tượng của mối liên hệ mà họ thực sự đang có.  Nhưng quan hệ chăn gối này không chỉ phản ánh tình yêu giữa họ, mà còn tiếp tục góp phần vào việc củng cố và xây dựng tình yêu ấy.  Đương nhiên là hành động và biểu tượng này không diễn tả hết tất cả những gì về cuộc hôn nhân của họ, nó cũng không phải là nguyên nhân hay biểu hiện duy nhất của tình yêu của họ.  Nhưng nó là một hành động mật thiết đặc biệt vừa tượng trưng vừa ảnh hưởng đến toàn thể mối liên hệ của họ.

Việc chăn gối giữa hai vợ chồng cũng là một đáp trả tình yêu giữa một người nam và một người nữ.  Nó kết hợp họ làm một với nhau bây giờ và dẫn họ cùng nhau đi đến tương lai.  Điều này tương tự như việc hiện tại hoá các biến cố lịch sử trong quá khứ, hiện tại và tương lai qua việc cử hành các bí tích, và  tình yêu của Thiên Chúa hiện hữu thậm chí trước khi chúng ta ý thức được nó và đáp trả tình yêu ấy như được khẳng định trong sách Giáo Lý.

Từ sau Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần thực hiện việc thánh hóa qua các dấu chỉ bí tích của Hội Thánh của Ngài. Các bí tích của Hội Thánh không xóa bỏ, nhưng thanh luyện, đón nhận tất cả sự phong phú của các dấu chỉ và các biểu tượng của thế giới vật chất và đời sống xã hội. Hơn nữa, các bí tích còn hoàn tất những tiên trưng và hình bóng của Giao Ước cũ, biểu thị và thực hiện ơn cứu độ do Đức Kitô mang lại, và cho thấy trước cũng như cho nếm trước vinh quang thiên quốc (GL #1152).

Các Bí Tích Ban Ân Sủng Ex Opere Operato

Ex Opere Operato là gì?

Cụm từ La Tinh ex opere operato có nghĩa là “bởi công việc được làm”.  Ex opere operato (hay opus operatum) là một thuật ngữ thần học.  Nó  nói với chúng ta một cách chính xác rằng “nếu các nghi thức được cử hành đúng”, thì ân sủng được ban qua chính việc cử hành bí tích.

Thực ra, khái niệm này thường không được hiểu một cách rõ ràng.  Chúng ta sẽ dể hiểu lầm khi được khuyến khích rằng “chỉ cần đi xưng tội là mọi tội lỗi sẽ được tha.”  Nếu hiểu ex opere operato cách này thì chúng ta coi các bí tích như pháp thuật, và linh mục chỉ cần đọc vài “câu thần chú” là xong. Giáo dân có thể nói: “Tôi thực sự chẳng cần chú ý”, hay linh mục có thể nói, “Tôi chỉ cần cử hành cho xong việc, tội gì mà chuẩn bị hoặc cử hành cách tôn nghiêm, Chúa sẽ lo!”  Với thái độ này, các nghi thức bí tích trở thành máy móc, vô hồn, như các máy bán đồ, chỉ cần bỏ vào đó ít bạc cắc, nhấn nút là nhận được món hàng mình mua. Thật đơn giản, chẳng cần suy nghĩ gì hết.

Ex opere operato, nếu hiểu đúng nghĩa, là “một đảm bảo”, khi chúng ta tiếp cận các bí tích trong đức tin (chuẩn bị tâm hồn cho đúng) và nếu thừa tác viên cử hành nghi thức đúng cách, thì ân sủng của Thiên Chúa được trao ban và mối liên hệ của chúng ta với Đức Kitô và với Hội Thánh được củng cố hoặc thiết lập:

Khi một bí tích được cử hành theo đúng ý hướng của Hội Thánh, thì quyền năng của Đức Kitô và của Thần Khí Người hành động trong và qua bí tích ấy, chứ không lệ thuộc vào sự thánh thiện bản thân của thừa tác viên.  Tuy nhiên, các hoa trái của các bí tích cũng tuỳ thuộc vào sự chuẩn bị nội tâm của người lãnh nhận (GL, # 1128).

Như thế, giáo huấn của Hội Thánh khẳng định rõ ràng: quyền năng hay hiệu quả của một bí tích là do những gì Thiên Chúa đã làm qua Đức Kitô và Đức Kitô đang tiếp tục làm qua Hội Thánh của Người.  Nó không lệ thuộc vào sự thánh thiện của thừa tác viên.  Các bí tích nhận được quyền năng qua Đức Kitô. Các bí tích là những hành động đầy quyền năng vì được thiết lập trong con người và cuộc đời của Đức Kitô.

Ex Opere Operantis là gì?

Tuy nhiên, việc nói rằng các bí tích có hiệu quả ex opere operato chỉ là khởi điểm của thần học bí tích. Như đã nói ở trên, ân sủng là quà tặng của Thiên Chúa được ban cho một cách nhưng không. Nhưng chúng ta phải làm việc để các bí tích sinh hoa kết quả.  Điều này đưa đến một phân biệt kỹ thuật khác trong thần học bí tích: giữa hiệu quả của bí tích và kết quả của bí tích.

Tuy Đức Kitô là thừa tác viên chính của bí tích, Đức Kitô là quyền năng chính đằng sau các bí tích, Người bảo đảm việc ban cho ân sủng cho chúng ta.  Nhưng để ân sủng ấy sinh hoa kết quả trong đời sống, chúng ta cần hợp tác với ân sủng và sống đời sống bí tích hằng ngày.  Các bí tích không phải là “những ghi chú trong ngoặc” trong cuộc sống chúng ta.  Các bí tích là “những động từ”, là những lời nói và hành động, những lời cam kết dấn thân trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Ex opere operantis (hay opus operantis) là giáo huấn của Hội Thánh vừa bổ sung vừa hoàn tất giáo huấn ex opere operato.  Cụm từ này có nghĩa là “bởi công việc của người làm việc”, và nói về thụ nhân của các bí tích.  Các bí tích có hiệu quả vì ban ân sủng “bằng công việc được làm” (ex opere operato).   Nhưng các bí tích có kết quả trong cuộc sống của chúng ta nhiều ít tuỳ theo mức độ chúng ta biết sử dụng chúng và đem ra thực hành.   Như so sánh trong các bài trước, các bí tích như những “cửa thánh” được mở ra cho chúng ta, nhưng chúng ta vẫn cần phải bước qua các cửa ấy.  Nói cách chính xác hơn: các bí tích ban cho chúng ta ân sủng như những món quà.  Nhiệm vụ của chúng ta là mở những món quà ấy ra và sử dụng chúng một cách hiệu quả.  Ex opere operato: bí tích có hiệu quả vì đảm bảo rằng bí tích là một cuộc gặp gỡ với Đức Kitô và ân sủng của Người qua Hội Thánh.  Ex opere operantis: bí tích sinh hoa kết quả tuỳ thuộc vào mức độ chúng ta mở món quà này ra và sử dụng nó.

    Bí Tích Là một Cuộc Gặp Gỡ Đức Kitô và Hội Thánh Người

Một cuộc cử hành phụng vụ ban ân sủng, là điều chúng ta có thể gọi là ảnh hưởng tâm linh hay ảnh hưởng tôn giáo của bí tích.  Ân sủng là tác dụng tối hậu của các bí tích, vì cùng đích của cuộc đời chúng ta là được kết hợp với Thiên Chúa.

Nhưng các bí tích là hành động của Đức Kitô qua Hội Thánh. Và, nếu chúng ta có thể coi Đức Kitô như Bí Tích Cơ Bản của Thiên Chúa, thì Hội Thánh là Bí Tích Cơ Bản của Đức Kitô.  Như thế, bí tích ban ân sủng tức là hiệu quả tôn giáo, và chúng đặt chúng ta trong một mối liên hệ chắc chắn với Hội Thánh hữu hình, mà chúng ta sẽ gọi là “hiệu quả Hội Thánh”.

Trong khi các bí tích ban ân sủng, là điều chắc chắn có thể bị mất, thì các bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Truyền Chức Thánh đóng trên linh hồn một hiệu quả Hội Thánh gọi là “ấn tín” bí tích, như dấu ấn vô hình không thể tẩy xóa được. Trong khi ân sủng (hiệu quả tôn giáo) của các bí tích này có thể bị mất (món quà có thể vẫn còn gói kín), thì ấn tín (hiệu quả Hội Thánh) vẫn luôn luôn tồn tại. Theo quan điểm mục vụ, đây là lý do tại sao ba bí tích này không bao giờ có thể được lặp lại một khi chúng đã được lãnh nhận một cách hợp lệ.

Ấn tín bí tích vừa là một “thực tại” vừa là một “biểu tượng” hay là dấu chỉ của một thực tại khác. Chẳng hạn, bí tích Rửa Tội là sự kết hợp vào cả Đức Kitô và Hội Thánh.  Việc làm phần tử Hội Thánh là một thực tại; nó cũng là một dấu chỉ của sự sát nhập của chúng ta vào Đức Kitô.  Như được hiểu và thường được thực hành ngày nay, bí tích Thêm Sức “đóng ấn” hoặc hoàn tất việc gia nhập Kitô giáo. Người được Thêm Sức đã nhận được từ Hội Thánh “quyền năng để tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô một cách công khai và chính thức” (Th. Tôma Aquinô, Tổng Lược Thần Học [ST] III, 72, 5 ad 2); việc đó vừa là một thực tại, vừa là một dấu chỉ hoặc biểu tượng.

Cũng tương tự, bí tích Truyền Chức Thánh ban cho các linh mục địa vị, thẩm quyền và quyền năng (tất cả để phục vụ) trong Hội Thánh, cũng là một  thực tại, một dấu chỉ, hoặc biểu tượng của một trong những hiệu quả bí tích khác, tức là các linh mục được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, và do đó có thể hành động nhân danh Người, thay cho con người của Đức Kitô với tư cách là Đầu Thân Thể của Người, là Hội Thánh.

Các thần học gia Kinh Viện đã nói về bốn bí tích khác, các bí tích Hòa Giải, Thánh Thể, Xức Dầu và Hôn Phối như ban ân sủng và một “sự trang điểm nào đó của linh hồn”.  Điều này ít quan trọng đối với chúng ta ở đây: nhưng khi áp dụng khái niệm này vào bí tích Hòa Giải, nó cung cấp cho chúng ta một cách hiểu khác về “ấn tín” như bao hàm cả thực tại lẫn biểu tượng, khi nhắc nhở chúng ta rằng một bí tích vừa tượng trưng, vừa là hiệu quả, hoặc là nguyên nhân của một điều gì đó.  Chẳng hạn như trong trường hợp bí tích Hòa Giải, hiệu quả Hội Thánh của bí tích này là một người được hòa giải với Hội Thánh.  Đây là một thực tại và cũng là một biểu tượng của một thực tại khác: hiệu quả tôn giáo của bí tích này, là người ấy được hòa giải với Thiên Chúa.

Các bí tích được kể trong số những hồng ân lớn nhất trong truyền thống Công Giáo của chúng ta. Nhưng, như sách Giáo Lý nói, Hội Thánh chỉ “dần dần nhận ra kho tàng này đã lãnh nhận được từ Đức Kitô” (#1117). Thật vậy, mỗi bí tích trong bảy bí tích có một lịch sử phức tạp nhưng thú vị. Chúng ta sẽ kể đến một số khía cạnh quan trọng hơn về lịch sử này ở chương sau.

TÓM LƯỢC

Chương 3 của sách Sacramental Theology, được tóm lược bằng cách suy niệm về sự tương tự giữa những gì xảy ra trong hai dụ ngôn “Người Con Hoang Đàng” (Lc 15:11-32) và “Người Đầy Tớ Bất Lương” (Mt 18:23-35) và việc cử hành các Bí Tích.

Dụ ngôn Người Con Hoang Đàng (Lc 15: 11-32)

Khi người con nhỏ “hồi tâm” (câu 17), cậu bắt đầu suy nghĩ về cách bày tỏ lòng ăn năn của mình thế nào cho cha cậu, hy vọng cha cậu sẽ cho phép cậu trở về.  Cậu dự định sẽ nói ba điều: (1) Cậu đã phạm tội với Trời và với cha, (2) cậu không còn xứng đáng được gọi là con của cha cậu nữa, và (3) hy vọng cha cậu sẽ coi cậu ít ra như một người làm thuê.

Nhưng ngay sau khi cậu kết thúc thứ phần 2 “Con không còn xứng đáng được gọi là con của cha nữa “(câu 21), thì cha cậu đã ngắt lời và không cho phép cậu tiếp tục chối từ mối liên hệ phụ tử giữa ông và cậu.  Đây thật là một hành động nhân ái của người cha mà cậu không đáng nhận, không có công và chắc chắn không là phần thưởng cho cậu, nhưng chỉ vì cậu là con của ông. Dù cậu có hoang đàng cách mấy đi nữa thì mối liên hệ này vẫn không thể xoá bỏ được. 

Điều này tương tự như “dấu ấn” bí tích là dấu thiết lập một mối liên hệ hữu hình và lâu dài giữa thụ nhân của bí tích với Hội Thánh và Thiên Chúa. Bằng cách phung phí gia tài của cha mình (tương tự như “ân sủng rửa tội”), cậu đã đánh mất món quà mà cha cậu tặng.  Nhưng cậu không bao giờ đánh mất căn tính mà cha cậu đã ban cho cậu.  Cậu vẫn là con của cha cậu, mặc dù không phải lúc nào cậu cũng hành xử như một người con.  Người cha không “nhận cậu làm con một lần nữa.” Ông dẫn cậu vào nhà mình, mà cũng vẩn là nhà của cậu. 

Dụ Ngôn Người Đầy Tớ Bất Lương (Mt 18:23-35)

Người đày tớ thứ nhất nợ chủ mình một số tiền rất lớn. Việc ông chủ đe dọa sẽ bán hắn và gia đình hắn để trả nợ là một hình phạt cũng như một cách để ông chủ thu lại được số tiền nợ.  Đó là lý do tại sao hành động sau đó của ông chủ là tha hoàn toàn khoản nợ là một hành động ân sủng phi thường, một hành động được thực hiện hoàn toàn theo sáng kiến ​​của ông chủ và vì lý do riêng của ông.  Ông chủ cho người đầy tớ điều mà hắn không bao giờ có thể kiếm được: tự do và một cuộc đổi đời.  Thật là một món quà tuyệt vời!

Tiếc thay, tên đầy tớ ấy thực sự đã không “mở món quà” của ông chủ.  Trên đường về, hắn gặp một đồng bạn nợ hắn một số tiền không đáng kể.  Hắn đã bỏ tù bạn hắn. Dù của món quà vĩ đại mà chủ hắn tặng có giá trị đến đâu đi nữa, nó vẫn là một kho tàng bị chôn giấu, một món quà bọc kín. Nó không giúp hắn cảm thông và đối xử với tốt với đồng bạn hắn, và đây chắc chắn không phản ảnh việc tạ ơn và lòng biết ơn đối với chủ hắn, là điều đáng lẽ phải giúp hắn thay đổi cách sống.

Thật là bi thảm khi người đầy tớ thứ nhất không chịu mở món qua của mình.  Với ông chủ, khi nghe hành động của hắn đối với người đầy tớ thứ hai, hắn đã bị trừng phạt nghiêm khắc. Một món quà không bao giờ được mở ra là một món quà không được sử dụng. Và, như dụ ngôn này ám chỉ, đôi khi một món quà không được sử dụng có thể được hiểu như một món quà bị khinh chê.

CÂU HỎI ĐỂ SUY NGHĨ VÀ THẢO LUẬN

  1. Sự khác biệt giữa một dấu hiệu và một biểu tượng là gì?  Các bí tích là biểu tượng hay nguyên nhân của ân sủng?
  2. Iệu quả
  3. Nói rằng bí tích hành động ex opere operato nghĩa là gì?  Tại sao sự thánh thiện và thậm chi tình trạng ân sủng của từa tác viên không ảnh hưởng gì đến hiệu quả của bí tích mà thừa tác viên ấy cử hành?  Nền tảng thần học căn bản cho việc xác quyết rằng các bí tích hành động ex opere operato là gì?
  4. Nếu bí tích hành động ex opere operato thì thái độ của thụ nhân có quan trọng không? Nếu có thì đó là thái độ gì?
  5. Những bí tích nào đóng “ấn tín” vào linh hồn thụ nhân? Tại sao các ấn tín này không thể tẩy xoá được?
  6. Hiệu quả của bí tích và kết quả của bí tích khác nhau thế nào?  Một cuộc cử hành bí tích hiệu quả nhưng không kết quả có đóng “ấn tín” vào linh hồn thụ nhân không?  Tại sao?
  7. Bạn hiểu gì về ân sủng? Ân sủng giúp bạn làm gì? “Mất ân sủng” hay “nhận được ân sủng” nghĩa là gì?
  8. Trong chương 1, chúng ta định nghĩa phụng vụ và các bí tích là công việc. Một phần của công việc này là “sử dụng” ân sủng mà bí tích ban cho. Vậy thì, “công việc” của mỗi bí tích Rửa Tội, Hòa Giải, Thêm Sức, Hôn Nhân là gì?
  9. Tiếp tục suy nghĩ về hai dụ ngôn kết thúc và tóm tắt chương này.  Bạn có kinh nghiệm nào giống như kinh nghiệm của bất cứ nhân vật nào trong hai dụ ngôn khi giao tiếp với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của bạn không?  Làm thế nào để những kinh nghiệm này có thể được sử dụng trong việc giúp người khác chuẩn bị cử hành bí tích Hòa Giải?
  10. Trong dụ ngôn “người con hoang đàng”, hãy đặc biệt chú ý đến thái độ và phản ứng của người con cả.  Theo bạn thì câu chuyện sẽ kết thúc ra sao?  Người cha và người em phản ứng thế nào trong trường hợp ấy?