Bài 4 – Lịch Sử Đại Cương về các Bí Tích

 English Assignment

Read Chapter 4 of Sacrament Theology

Cách Thức và Phương Tiện Thay Đổi để Diễn Tả Chân Lý Vĩnh Cửu

Sau Công Đồng Vaticanô II, có nhiều người Công Giáo bảo thủ, nhất là những người theo Đức Tổng Giám Mục Marcel-François Lefebvre, đã không chịu công nhận việc cử hành Phụng Vụ bằng tiếng bản xứ và nhất là những nghi thức Thánh Lễ mới sau Công Đồng.  Họ cho rằng chỉ có Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh như trước Công Đồng mới thành sự còn những Thánh Lễ hiện nay không thành sự vì sai nghi thức được Công Đồng Trentô phê chuẩn.  Lý do là họ đã không biết lịch sử của việc phát triển các bí tích cũng như các nghi lễ trong Hội Thánh.

Thực ra, Hội Thánh không luôn cử hành các bí tích như chúng ta cử hành hiện nay.  Hội Thánh cũng không xác quyết rằng có bảy bí tích cho mãi đến Công Đồng Trentô (thế kỷ XVI), sau cuộc cải cách của Tin Lành.  Tuy nhiên tất cả các bí tích này, bằng một cách nào đó, đã được cử hành từ thời Hội Thánh sơ khai.

Trong bài này chúng ta sẽ bàn đến lịch sử của các bí tích về cả bình diện phát triển thần học lẫn thực hành trong Hội Thánh từ thời các Tông Đồ đến ngày nay.  Bài này được viết dựa trên chương 4 của sách Sacramental Theology.  Vì được viết ngắn gọn cho hợp với giáo dân nên chắc chắn sẽ không trả lời hết các thắc mắc của nhiều độc giả.  Ai muốn biết chi tiết xin coi sách Doors to the Sacred của Joseph Martos (xem thư mục).

Bài này sẽ bàn đến sự phát triển lịch sử của các bí tích từ hai nhãn quan. Trước hết là một cái nhìn tổng quan về sự phát triển lịch sử của từng bí tích trong bảy bí tích.  Sau đó là lịch sử của cách chúng ta tiếp cận và hiểu biết về các bí tích. 

Nhiều giáo phái Tin Lành không công nhận một bí tích nào cả.  Đa số các giáo phái công nhận bí tích Rửa Tội và Thánh Thể.  Chỉ có Chính Thống và Anh Giáo Truyền Thống (Anglo Catholic) là nhìn nhận có bảy Bí Tích như Công Giáo chúng ta.  Vậy bảy Bí Tích từ đâu mà đến?

Có Bao Nhiêu Bí Tích?

Có nhiều người nghĩ rằng giáo lý, Thánh Kinh và các bí tích của Hội Thánh vẫn có như chúng ta biết ngay từ thời Hội Thánh sơ khai mà không thay đổi gì cả.  Thậm chí có người quả quyết rằng bất cứ đề nghị nào ngược lại là thách thức niềm tin của chúng ta là Hội Thánh được Đức Kitô thiết lập và các giám mục là những người kế vị các Tông Đồ.  Thực ra, sự hiểu biết về lịch sử phát triển  thực hành và thần học bí tích không đe dọa mà còn cũng cố niềm tin này. 

Lịch sử cho chúng ta biết rằng Hội Thánh có một truyền thống rất phong phú và rất đáng tôn quý.  Sự phát triển thần học và thực hành bí tích phản ảnh một Hội Thánh luôn cố gắng đáp ứng các nhu cầu tâm linh (thường thì nhất thời) đa dạng của con người ở những thời điểm khác nhau trong lịch sử.  Niềm tin về các bí tích đã có ngay từ thởi các Tông Đồ, nhưng con số bảy bí tích được trở nên phổ biến từ thế kỷ XIII sau Công Đồng Lyon II (1274) và được liệt kê lại bởi Công Đồng Florence (1439).   Đến thời cải cách Tin Lành (1517-1555), Lutherô và Calvinô đã chối bỏ nhiều giáo huấn của Hội Thánh.  Họ đã không công nhận chức tư tế thừa tác của các linh mục và một số bí tích, trừ bí tích Rửa Tội và Thánh Thể.  Chính vì thế mà Hội Thánh đã triệu tập Công Đồng Trentô năm 1545 để minh xác những giáo huấn quan trọng cần thiết cho phần rỗi của chúng ta.  Năm 1547, Công Đồng đã long trọng công bố trong Sắc Lệnh về các Bí tích rằng có bảy bí tích không hơn không kém.

Như thế, số bí tích đã không được xác định ngay từ ban đầu, nhưng Hội Thánh, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, “đã dần dần nhận ra kho báu này [các bí tích],” và “đã phân định qua nhiều kỷ nguyên” rằng có bảy bí tích (x. GL  # 1117).  Đó là lý do tại sao, trước thế kỷ XIII, chúng ta không câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi “Có bao nhiêu bí tích?”  Thực ra, trong thiên kỷ niên thứ nhất của lịch sử Hội Thánh, câu trả lời cho câu hỏi “Có bao nhiêu bí tích?” có thể thay đổi tuỳ theo cách hiểu về bí tích của mỗi người.

Chẳng nhạn như Thánh Augustinô, khi suy nghĩ về các thực hành trong thời đại của ngài, đã nhận ra ít nhất là các bí tích Rửa Tội, Thánh Thể và Hòa Giải là “những dấu chỉ hữu hình đặc biệt quan trọng cần thiết cho đời sống của toàn thể Hội Thánh”.  Mặt khác, ngài cũng hiểu các bí tích theo nghĩa tổng quát hơn, phù hợp với mô tả của ngài về các bí tích như những dấu chỉ hữu hình hay khả giác được dùng để diễn tả những sự vô hình.  Ngài coi nhiều dấu chỉ như nước thánh, tro thánh trong Mùa Chay… như bí tích.  Ngài thậm chí còn coi các đại lễ, như Giáng sinh, Phục Sinh và Chúa Thánh Thần Hiện Xuống như các bí tích theo nghĩa của những dấu chỉ hữu hình: chúng nói với chúng ta một số điều và cung cấp cho chúng ta một số kinh nghiệm về Thiên Chúa.  Thánh Augustinô (cũng như Hội Thánh thởi sơ khai nói chung) đã ít quan tâm đến việc xác định chính xác có bao nhiêu bí tích, nhưng quan tâm nhiều hơn đến việc giúp mọi người cảm nghiệm được quyền năng và ân sủng của những điều trên thế gian này được Hội Thánh sử dụng như những cửa thánh dẫn người ta đến cùng Thiên Chúa.

Từ “Trực Quan về Bí Tích” đến Công Nhận Một Bí Tích

Điều quan trọng là phải phân biệt giữa điều chúng ta có thể gọi là “cảm thức” hay “trực quan” về mỗi bí tích với việc công nhận và phê chuẩn của Hội Thánh về những trực quan này như những bí tích theo nghĩa hẹp. 

Hội Thánh thời sơ khai (năm hoặc sáu thế kỷ đầu) đã không có phương tiện liên lạc hiện đại cũng như một tổ chức điều hành tập quyền như hiện nay.  Các thực hành bí tích và thần học đi kèm chúng có thể khác nhau, tùy địa phương.  Cho đến thế kỷ II, nhiều thần học gia trong Hội Thánh đã thảo luận về việc có thể được tha tội sau khi rửa tội không.  Mô tả sớm nhất, toàn diện về một tiến trình hoặc nghi thức Hòa Giải xuất phát từ khảo luận về Sám Hối (De Poenitentia) của Giáo Phụ Tertullianô khoảng năm 203.

Tuy nhiên, cũng rõ ràng không kém rằng “trực quan” ở đằng sau điều cuối cùng được nhìn nhận và phê chuẩn như bí tích Hòa Giải đã có ngay từ ban đầu.  Trong Thư Thứ Nhất và Thứ Hai gửi tín hữu Côrintô (viết khoảng hai chục năm sau khi Đức Kitô chịu chết và sống lại), Thánh Phaolô đã cho thấy việc cần phải “truất phép thông công” một kẻ phạm tội trọng (theo nghĩa đen, là “trục xuất khỏi cộng đồng”).  Ngài cũng thấy khả năng hy vọng rằng người phạm tội sẽ được “nhớ đến” (được đưa trở lại cộng đồng) khi đã được thực hiện việc đền tội và sự ăn năn của tội nhân đã được coi là chân thành.  Trực quan tương tự có thể được phát hiện đằng sau sáu cử hành phụng vụ đặc quyền khác mà Hội Thánh “đã xác định qua nhiều thế kỷ…, theo nghĩa hẹp của từ này, là các bí tích do Chúa thiết lập” (GL # 1117).

Lược Sử Các Bí Tích

Các tường thuật về sự phát triển lịch sử của các bí tích thì rất phong phú, nhưng không nằm trong phạm vi sách này.  Chương này chỉ trình bày cách ngắn gọn về sự phát triển lịch sử của mỗi bí tích, với ba mục tiêu chính.   Mục tiêu thứ nhất là cho thấy rằng mỗi bí tích có một lịch sử phức tạp như thế nào.  Mục tiêu thứ hai là cho thấy việc thực hành các bí tích của chúng ta ngày nay khác và giống các thực hành của Hội Thánh thời sơ khai ra sao.  Mục tiêu thứ ba là khơi lên ao ước hiểu biết thêm về lịch sử bí tích, và khuyến khích theo đuổi việc học hỏi này hơn nữa.

Cũng nên lưu ý rằng, bài này chỉ trình bày một cái sơ lược về lịch sử của các bi tích.  Vì thế nó sẽ không mấy chính xác và rõ ràng vì phải bỏ bớt rất nhiều chi tiết, nhưng đủ để độc giả thấy sự phức tạp của vấn đề.  Ai muốn nghiên cứu lịch sử của các bí tích một cách chi tiết hơn xin đọc thêm những sách khác.

BÍ TÍCH RỬA TỘI

Hội Thánh Công Giáo không phải là tôn giáo đầu tiên sử dụng nước trong các cuộc cử hành hoặc các nghi thức tôn giáo.  Nước được mọi người sử dụng để tắm rửa cho sạch thân xác, rửa sạch thức ăn và vật dụng.  Người Do Thái dùng rất nhiều nước trong các nghi thức thanh tẩy.  Tuy nhiên, Đức Kitô và Hội Thánh đã ban cho nước và những nghi thức này một ý nghĩa mới.  Việc tắm rửa và việc thanh tẩy không còn được coi là những nghi thức phải lặp đi lặp lại trước khi ăn hoặc cầu nguyện nữa.  Thay vào đó, việc tắm rửa bằng nước đã được thánh hoá giờ đây được coi như bước vào một đời sống mới, một đời sống ân sủng, là được tham gia vào Mầu Nhiệm Vượt Qua trong cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô.  Một người chỉ cần lãnh nhận một lần là đủ.

Bí tích Rửa Tội là bí tích được nhắc đến thường xuyên nhất trong Tân Ước.  Mặc dù Thánh Phaolô không bao giờ mô tả một nghi thức Rửa tội, nhưng ngài dạy rất chi tiết về ý nghĩa và tác dụng của bí tích Rửa Tội trong phần lớn các Thư của ngài, đặc biệt là các Thư gửi tín hữu Rôma và Galatiê.  Vì ngài không nói đến công thức Ba Ngôi, nên một số thần học gia hiện đại cho rằng trong thời gian đầu của Hội Thánh, các Kitô hữu đã được rửa tội nhân danh Đức Kitô, chứ không nhân danh Ba Ngôi.  Họ cho rằng, công thức Ba Ngôi chỉ được sử dụng sau khi Tin Mừng Thánh Matthêu được viết và trở nên phổ biến (khoảng năm 85-90 A.D.) vì dựa theo câu 28:39 của Tin Mừng này.  Đây không phải là giáo huấn của Hội Thánh mà chỉ là những suy đoán của các thần học gia.  Thực ra, suy đoán này không mấy vững chắc vì những lý do sau: (1) Theo nhiều học giả khác và truyền thống cố hữu của Hội Thánh thì Tin Mừng Matthêu được viết trước nhất, khoảng năm 60 A.D., (2) Thánh Phaolô dùng cụm từ “nhân danh Đức Kitô” tám lần nhưng không bao giờ nói rằng “rửa tội nhân danh Đức Kitô” cả, (3) “Nhân danh Đức Kitô” được Thánh Phaolô dùng trong các Thư của ngài theo nghĩa “thay cho Đức Kitô” hơn là một công thức Phụng Vụ.

Đúng ra, trong Tông Đồ Công Vụ Thánh Phêrô có nói, “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần” (2:38).  Nhưng đây chưa chắc đã là công thức Rửa Tội mà có lẽ chỉ ám chỉ rằng việc rửa tội là do các Tông Đồ làm nhân danh Đức Kitô mà thôi.  Vì thế không thể xác quyết rằng công thức Ba Ngôi không đến từ các Tông Đồ hoặc bị sửa đồi sau này.

Rửa Tội cho Người Trưởng Thành

Nghi thức rửa tội cho người trưởng thành lúc đầu có lẽ là một nghi thức đơn giản, nhưng long trọng, dìm trong nước hay đổ nước trên đầu.  Nhưng chẳng bao lâu sau đã phát triển thành một nghi thức dài và công phu.  Các tài liệu của Hội Thánh thủa ban đầu mô tả một tiến trình Rửa Tội liên quan đến thời gian dự tòng, những người đỡ đầu hay bảo trợ và việc xức dầu.  Những tài liệu này cũng giải thích rằng tiến trình Rửa Tội không kết thúc bằng cuộc cử hành bí tích. Những người mới được rửa tội, giờ đây được gọi là những người tân tòng, hoặc “mới được soi sáng”, tiếp tục nhận được những giáo huấn về đức tin và đời sống mới của họ trong Đức Kitô trong những ngày sau đó.  Ở nhiều nơi, họ trở lại Hội Thánh mỗi ngày trong một tuần lễ để lắng nghe giám mục giải thích thêm về những gì họ đã làm trong bí tích Rửa Tội của mình và những gì họ sẽ phải làm trong tương lai như Kitô hữu vì bây giờ họ đã được rửa tội.  Một số bài giảng hậu rửa tội, chẳng hạn như những bài của Thánh Ambrôsiô trong luận đề Về Các Bí Tích, có thể được coi như một trong những “sách giáo khoa” đầu tiên về thần học bí tích.

Vào năm 313 A.D., Sắc Lệnh của Hoàng đế Constantinô đã thực sự chấm dứt cuộc bách hại Kitô giáo, nên dân chúng được “an toàn” theo đạo.  Sau khi Kitô giáo trở thành quốc giáo, với chính Hoàng đế Constantinô là người sùng đạo, thì việc gia nhập Hội Thánh trở có lợi về chính trị và xã hội nên có sức hấp dẫn nhiều người.  Do đó, số thành viên của Hội Thánh càng ngày càng gia tăng một cách nhanh chóng.  Lúc đầu, nhiều người đã trở thành dự tòng nhưng không lãnh nhận bí tích Rửa Tội cho đến cuối đời (kể cả Constantinô), vì ở nhiều nơi, người ta chỉ được phép “hối cải” và nhận ơn “tha tội” một lần mà thôi sau khi Rửa Tội.  Ở những nơi khác tiến trình hoán cải và tha tội rất khó khăn, phức tạp và kéo dài nhiều năm.  Tuy nhiên, với thời gian, nhất là khi toàn thể đế quốc trở thành Kitô giáo thì số người ngoài Công Giáo hầu như không còn nữa, trừ những trẻ sơ sinh.  Cho nên việc rửa tội cho trẻ sơ sinh đã trở thành thông lệ.  

Tóm lại, theo thời gian, tiến trình tỉ mỉ và phức tạp của việc trở thành Kitô hữu bị mờ nhạt dần trong cách thực hành thông thường của Hội Thánh.  Điều này xảy ra vì nhiều lý do, nhưng những lý do quan trọng nhất là sự phát triển nhanh chóng của Hội Thánh và sự gia tăng việc Rửa Tội cho trẻ sơ sinh sau đó.  Ngày nay, Nghi Thức Khai Tâm Kitô giáo (RCIA) là sự phục hồi một phần trong nghi thức nhập đạo của các thành viên mới của Hội Thánh thủa ban đầu.

Rửa Tội cho Trẻ Sơ Sinh

Một số học giả tiếp tục tranh luận về việc Hội Thánh thời sơ khai có rửa tội cho trẻ sơ sinh hay không.  Dựa vào Tân Ước, họ cho rằng “khuôn mẫu rửa tội” tiêu chuẩn là việc loan báo Tin Mừng, quyết định chấp nhận lời loan báo ấy một cách cá nhân và có ý thức, và sau đó là tự nguyện chịu phép Rưa Tội.  Như thế,chỉ có người lớn mới đủ điều kiện để được rửa tội mà thôi.

Chúng ta không cần bàn đến những tranh luận ấy ở đây. Tân Ước không dứt khoát xác nhận hoặc loại trừ việc rửa tội cho trẻ sơ sinh như một thực hành trong Hội Thánh thời sơ khai. Thực ra, có một số đoạn trong Tân Ước nói về việc toàn thể gia đình được rửa tội.

Khoảng năm 200 A.D., Giáo Phụ Tertullianô có nói đến việc thực hành rửa tội cho trẻ sơ sinh.  Một tài liệu khác là Truyền Thống các Tông Đồ (Traditio Apostolica) của Thánh Hippôlytô vào đầu thế kỷ thứ III nói về nghi thức rửa tội cho trẻ em trước khi trưởng thành, trong đó cha mẹ hoặc một thành viên khác trong gia đình trả lời thay cho các em nếu các em chưa có khả năng trả lời.

Với sự phát triển thần học và việc nhấn mạnh đến giáo lý về Tội Nguyên Tổ, việc rửa tội cho trẻ sơ sinh càng ngày càng trở nên cần thiết hơn.  Cùng với tỷ lệ tử vong cao của trẻ sơ sinh trong phần lớn lịch sử nhân loại, việc rửa tội cho trẻ sơ sinh, vào thế kỷ thứ VIII, đã trở thành một thực hành thường xuyên, đáng mong ước và cần thiết cho việc khai tâm bí tích.

Rửa tội cho trẻ sơ sinh tiếp tục là cách mà hầu hết người Công Giáo được đưa vào Hội Thánh.  Từ năm 1614 nghi thức Rửa tội cho trẻ em là một thích nghi của nghi thức rửa tội của người trưởng thành.  Sau Công Đồng Vaticanô II, Hội Thánh đã soạn thảo Nghi Thức Rửa tội cho Trẻ Em – Rite of Baptism for Children (RBC) được ấn hành năm 1969.   Chúng ta sẽ bàn đến chi tiết của các Nghi Thức Rửa Tội ở chương sau.

BÍ TÍCH THÊM SỨC

Theo một nghĩa nào đó, lịch sử của bí tích Thêm Sức không mấy phức tạp hơn các bí tích khác. Tuy nhiên, mặc dù sau hai mươi thế kỷ, bí tích Thêm Sức dường như vẫn còn một bí tích “đang tìm kiếm một thần học” cho nó như người ta thường nói.  Trong trường hợp bí tích Thêm Sức, điều đặc biệt quan trọng cần nhớ là “trực quan” về bí tích (có lẽ cả nghi thức hay thực hành) đã có ngay từ ban đầu.  Sách Tông Đồ Công Vụ thuật lại việc Thánh Phêrô và Gioan đã đặt tay trên các tín hữu ở Samaria “và họ nhận được Thánh Thần” (Cv 8:17).  Vì thế trong những ngày đầu của Hội Thánh, người ta đã hiểu rằng việc “ban Thánh Thần” là một phần của những gì đã xảy ra khi một người được rửa tội.  Tuy nhiên đã có rất nhiều cuộc thảo luận về việc điều ấy xảy ra vào lúc nào trong khi cử hành nghi thức này. 

Việc “lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần” hay “kiện toàn bí tích Rửa Tội” bắt đầu được gọi là bí tích Thêm Sức ở Gaul (Pháp và Bỉ ngày nay) ít nhất là vào thế kỷ thứ V.  Khi đó, việc thực hành thường xuyên là giám mục chủ sự lễ này và, nếu một linh mục hoặc phó tế chủ sự bí tích Rửa tội vì giám mục không có mặt, thì bí tích Thêm Sức sẽ bị hoãn lại cho đến khi giám mục có thể đến.  Sự phát triển của Hội Thánh, cả về dân số lẫn địa lý, chắc chắn đã góp phần vào việc trì hoãn cử hành bí tích Thêm Sức này.  Vì càng ngày càng nhiều giáo dân hơn, đặc biệt là trẻ sơ sinh, đã được rửa tội và trên một lãnh thổ rộng lớn hơn, nên không đủ các giám mục để ban phép Thêm Sức cho họ ngay sau khi lãnh bí tích Rửa Tội.  Vì thế bí tích Thêm Sức không còn được cử hành chung với bí tích Rửa Tội nữa.

Thần học về bí tích Thêm Sức luôn luôn liên quan đến Chúa Thánh Thần, nhưng sự hiểu biết chính xác về cách thức đóng góp của Chúa Thánh Thần thì thay đổi.  Sự hiểu biết nổi bật trong thời Kinh Viện là bí tích Thêm Sức ban cho thụ nhân sức mạnh để trở nên một “chiến sĩ của Đức Kitô” và nhờ đó họ trở thành chứng nhân hay người bảo vệ đức tin của mình tốt hơn.  Thánh Tôma Aquinô đã phân biệt ấn tín (đặc tính) của bí tích Rửa Tội với ấn tín (đặc tính) của bí tích Thêm Sức bằng cách hiểu ấn tín Rửa Tội như quyền năng thụ động (quyền năng nhận các bí tích khác) và ấn tín của bí tích Thêm Sức như quyền năng tích cực (quyền năng làm chứng cho đức tin trên thế gian).

Dù các nhà cải cách Tin Lành đã không công nhận bí tích Thêm Sức như một bí tích theo nghĩa hẹp của thuật ngữ này,  Hội Thánh Công Giáo đã xác quyết rằng Thêm Sức thật sự là một bí tích. Tuy nhiên, vì thụ nhân của bí tích này có thể thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau như ngày nay, nên có một số người thắc mắc về đâu là thần học “đúng” hoặc phù hợp nhất của bí tích Thêm Sức: nó có thực sự là một bí tích khai tâm không hoặc là một dịp để những người được rửa tội từ nhỏ xác nhận đức tin trưởng thành hay vị thành niên của họ.

Trong Hội Thánh Tây Phương, bí tích Thêm Sức thường chỉ được ban cùng với bí tích Rửa Tội khi trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ có nguy cơ tử vong tức thì hoặc (thường xuyên hơn) khi được ban cho những người trưởng thành chưa rửa tội được gia nhập Hội Thánh trong Đêm Vọng Phục Sinh.  Các Hội Thánh Đông Phương vẫn duy trì việc cử hành cùng một lúc ba bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể, ngay cả cho trẻ sơ sinh.

BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Hiển nhiên là việc cử hành bí tích Thánh Thể đã có ngay từ đầu của lịch sử Hội Thánh.  Chính bí tích Thánh Thể đã tạo nên Hội Thánh.  Chính bí tích Thánh Thể đã mời gọi các Kitô hữu cùng nhau tụ họp để cử hành cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và Phục Sinh của Chúa và sự tiếp tục hiện diện của Người trong đời sống của họ.

Bằng chứng Thánh Kinh sớm nhất về điều này là mô tả của Thánh Phaolô về Bữa Tiệc Ly trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrintô (11: 23-25), được viết gần một thế hệ sau khi Chúa Giêsu chia sẻ Bữa Tiệc Ly với các môn đệ của Người.  Điều chúng ta biết ngày nay như bí tích Thánh Thể có lẽ có nguồn gốc cơ bản nhất trong bữa ăn hiệp thông hàng tuần mà Chúa Giêsu đã cử hành với các môn đệ và bạn hữu của Người, một bữa ăn thực sự liên quan đến việc giữ ngày Sabath hằng tuần của người Do Thái.  Sau cái chết và Phục Sinh của Chúa Giêsu, các môn đệ và những người khác tiếp tục tụ họp để tham dự những bữa ăn này, tuy nhiên sự hiểu biết của họ về Bữa Tiệc Ly với Chúa Giêsu đã vĩnh viễn thay đổi ý nghĩa của những cuộc tụ họp này.

Thư nói trên của Thánh Phaolô đã mô tả một bữa tiệc Thánh Thể khi ấy vẫn còn được cử hành cùng với bữa tối hiệp thông này.  Tuy nhiên, với thời gian, người ta bắt đầu chú ý nhiều hơn đến điều mà bây giờ chúng ta gọi là bí tích Thánh Thể hay Thánh Lễ, và vì vậy bữa ăn hiệp thông đã được tách ra khỏi Thánh Lễ.  Có lẽ điều này xảy ra vì những lạm dụng trong các bữa tiệc này như Thánh Phaolô kể lại: “Khi anh em họp nhau, thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa.  Thật vậy, mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước, và như thế, kẻ thì đói, người lại say” (1 Cor 11: 20-21).  Những ai quan tâm đến các lạm dụng phụng vụ hiện nay có thể yên tâm rằng, “không có gì mới dưới ánh mặt trời” (HC 1: 9).  Tường thuật sớm nhất mà chúng ta có về bí tích Thánh Thể Kitô giáo cũng là tường thuật sớm nhất về việc lạm dụng trong tiệc Thánh Thể.

Vào giữa thế kỷ thứ hai, cấu trúc cơ bản của Thánh Lễ như chúng ta biết ngày nay đã được Thánh Gustinô Tử Đạo kể lại trong sách Minh GiáoApology I của ngài, được viết khoảng năm 150:

Chúng tôi tụ họp vào ngày Chúa Nhật.  Người đọc sách đọc từ các tường thuật của các Tông Đồ hoặc từ các bài viết của các ngôn sứ bao lâu thì giờ cho phép.  Sau đó, vị chủ toạ khuyến khích chúng tôi qua bài giảng của ông để theo gương lành mà chúng tôi đã nghe.  Rồi chúng tôi đứng lên và cầu nguyện.

Sau đó, bánh, rượu và nước được mang đến bàn.  Vị chủ toạ cầu nguyện và tạ ơn….

Những món quà mà lời tạ ơn đã nói đến được phân phát, và các phó tế đem chúng đến cho các anh chị em vắng mặt của chúng tôi.  Những ai có thể đóng góp tiền của cho vị chủ toạ thì đóng; ông sử dụng nó để cung cấp cho những người nghèo.

Cấu trúc cơ bản này của việc cử hành Thánh Lễ vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, mặc dù nghi thức cử hành trở nên phức tạp hơn qua nhiều thế kỷ.

BÍ TÍCH HOÀ GIẢI

Như đã đề cập ở trên, trực quan về bí tích Hòa Giải được thấy rõ trong hai Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô.  Các cuộc thảo luận sớm nhất liên quan đến việc những người đã được rửa tội (đặc biệt là người trưởng thành) có thể được tái gia nhập cộng đồng nếu họ đã phạm tội trọng (như: giết người, thờ ngẫu tượng, bội giáo).  Một khi câu trả lời cho câu hỏi ấy là”có”,  có lẽ vào khoảng giữa đến cuối thế kỷ II, câu hỏi sau đó chuyển sang số lần tha thứ sau khi rửa tội này là bao nhiêu lần.

Giáo Phụ Tertullianô đã viết trong De Poenitentia vào khoảng năm 200 A.D., và ông cho chúng ta biết một số điều về bí tích Hoà Giải của Hội Thánh thời ấy.  Ông nói rằng một nghi thức “ăn năn hối cải, xưng tội và tha tội” đã được khai triển; rằng Hội Thánh cho rằng không có tội nào là không thể tha thứ được; và rằng cộng đồng đã tích cực tham gia vào tiến trình Hòa Giải bằng những lời cầu nguyện và chuyển cầu của họ.  Với dòng thời gian, tiến trình Hòa Giải đã phát triển cho đến khi nó gần như trở thành một loại dự tòng lần thứ hai, và thực ra, một số tác giả (kể cả Tertullianô) gọi bí tích Hòa Giải là một “Phép Rửa Thứ Hai”.

Trong thời gian này, những người phạm tội muốn được Hội Thánh tha tội phải gia nhập “giai cấp hối nhân”.  Những người thuộc giai cấp này thường phải làm việc đền tội công khai và phải mặc y phục dành riêng cho những ngưởi sám hối.  Họ chỉ được tham dự Thánh Lễ đến hết phần Phụng Vụ Lời Chúa rồi sau đó phải đi học như những người dự tòng.  Tiến trình sám hối lâu dài và giai cấp hối nhân vẫn còn tồn tại trong vài thế kỷ sau đó.  Nhưng khi số tín hữu tiếp tục gia tăng thì càng ngày nó càng được thực hành ít thường xuyên hơn.  Việc đền tội được chỉ định thường kéo dài và nặng nề, và nhiều lần, ngay cả sau khi hối nhân được trở lại với Hội Thánh, họ vẫn còn chịu một số thử thách, như không được quan hệ tính dục với người phối ngẫu, hoặc không thể trở lại với một nghề cụ thể.  Tiến trình sám hối lâu dài và gian khổ này đã hữu dụng một Hội Thánh anh hùng, một Hội Thánh, trong đó một sự biện phân có ý thức, kéo dài, có chủ ý của cả cá nhân lẫn Hội Thánh (như thời gian dự tòng) là điều kiện cần thiết để được tái gia nhập đời sống Hội Thánh.  Tuy nhiên, khi nhiều trẻ sơ sinh được gia nhập Hội Thánh qua bí tích Rửa Tội, việc thuộc về Hội Thánh bắt đầu trở thành một “thực tại của cuộc sống” đối với nhiều Kitô hữu hơn là một cam kết dấn thân đòi hỏi phải suy nghĩ cẩn thận và thay đổi cách sống.

Bí tích Hòa Giải ngày nay, như một cuộc gặp gỡ riêng tư giữa một hối nhân và một linh mục, với việc đền tội được ban cho sau khi cử hành bí tích, có nguồn gốc từ việc linh hướng giữa các Cha Dòng và giáo dân ở các đảo vùng Celtic khi các thừa sai bắt đầu rao giảng ở đó vào thế kỷ VI.  Đến thế kỷ XI, giai cấp hối nhân không còn nữa cả về mặt thực hành lẫn lý thuyết.  Trong vài thế kỷ sau đó, việc xưng tội riêng và lặp đi lặp lại đã phát triển và được dân chúng cũng như nhiều thần học gia ủng hộ.

BÍ TÍCH XỨC DẦU THÁNH

Chương 5 của Thư Thánh Giacôbê cung cấp cho chúng ta một bằng chứng rằng việc cầu nguyện và xức dầu cho bệnh nhân là một hành động đặc biệt của Hội Thánh.  Trong Thư này, Thánh Giacôbê viết rõ hai điều là (1) phải mời một linh mục, thời đó gọi là kỳ mục và (2) nghi thức Xức Dầu này cũng có khả năng tha tội:

“Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha” (Gb 5:14-15). 

Nhiều học giả cho rằng trong Hội Thánh thời sơ khai, tất cả các Kitô hữu đều có thể xức dầu cho bệnh nhân miễn là họ sử dụng dầu đã được giám mục làm phép.  Nhưng đây cũng chỉ là một suy đoán mà thôi.  Tài liệu Huấn Quyền đầu tiên nói về bí tích Xức Dầu Thánh là Thư của Đức Giáo Hoàng Innocentê I gửi Đức Cha Gubbiô năm 416, trong đó ngài xác nhận rằng chỉ có linh mục và giám mục mới có quyền ban bí tích Xức Dầu Thánh.  Trong tài liệu Ghi Chú về Thừa Tác Viên của Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân” (11 tháng 2, 2005), Thánh Bộ Đức Tin quả quyết rằng “Thư của Đức Giáo Hoàng Innocentê I, cũng như những chứng từ khác của thiên kỷ niên thứ nhất (Caesariô Thành Arles, Thánh Bêđê Khả Kính), đã không cung cấp một bằng chứng nào về việc có thể giới thiệu một thừa tác viên không phải linh mục để ban bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân”.  

Đây là một thực hành có ngay từ thủa ban đầu của Hội Thánh do các Tông Đồ truyền lại.  Khi công nhận Xức Dầu Thánh là một bí tích, Hội Thánh đã nâng cao phẩm giá của việc Xức Dầu như một hành động chính thức và đặc biệt của mình.  Mặc dù việc thực hành bí tích này lúc đầu liên quan đến việc chữa lành con người (kể cả việc sự phục hồi sứ khoẻ), nhưng hiệu quả cuối cùng của bí tích vẫn là giải cứu linh hồn con người.  Dần dần bí tích này trở thành bí tích dành cho những người hấp hối – Bí Tích Xức Dầu Cận Tử  (Extreme Unction).  Một thần học gia thời danh thế kỷ XIII thậm chí cho rằng thời điểm tốt nhất để xức dầu cho người bệnh là khi họ gần chết; bằng cách này người bệnh sẽ có rất ít cơ hội để phục hồi và do đó cũng có rất ít cơ hội để phạm thêm tội.

Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân là một thí dụ điển hình về một bí tích mà thần học và thực hành của nó đã thay đổi rất nhiều trong một nghìn năm thứ nhất của lịch sử Hội Thánh, và thần học cùng thực hành của nó cũng đã thay đổi rất nhiều trong vòng mấy chục năm vửa qua.  Trước Công Đồng Vaticanô II, bí tích Xức Dầu chỉ được ban lúc gần chết hoăc sinh thì, và thần học đã bổ túc cho việc thực hành.  Chất thể và mô thể, là “những lời cốt lõi” về mục đích của bí tích, nói rõ là bí tích này chuẩn bị cho một người về Thiên Đàng.  Chất thể của bí tích là xức dầu trên đầu và mỗi giác quan của một người (mắt, tai, mũi, tay, v.v.), trong khi mô thể là công thức đi kèm với việc xức dầu xin Chúa tha thứ cho người ấy “bất cứ tội lỗi nào đã phạm qua thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác….”

Việc thực hành và thần học của bí tích này trong thời hậu Công Đồng khác trước rất nhiều.  Bí tích này lại được gọi là bi tích Xức Dầu Bệnh Nhân chứ không còn gọi là bí tích Xức Dầu Cận Tử nữa, vì nó dành cho một người “bắt đầu gặp nguy hiểm vì bệnh tật hoặc tuổi già” (Giáo Luật, # 1004 §1).  Và, như đã làm trong quá khứ, chất thể và mô thể phù hợp cũng phản ánh thần học của bí tích hiện nay.  Ngày nay thay vì xức dầu trên đầu và tất cả các giác quan, Hội Thánh chỉ xức dầu trán và bàn tay của bệnh nhân vì trán và tay đại diện cho toàn thể con người.  Hơn nữa, công thức bí tích có tính “toàn diện”, xin Chúa chữa lành cả hồn lẫn xác, thay vì tập trung vào việc xin Chúa tha tội.  

BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH

Từ linh mục mà chúng ta dùng trong tiếng Việt Nam là dịch từ sacerdos của La Tinh hay ῐ̔ᾰρεύς (hiareús) của Hy Lạp.  Trong Thánh Kinh, ῐ̔ᾰρεύς cũng được dùng cho một tư tế, kể cả Thượng Tế hay Thầy Cả Thượng Phẩm của người Do Thái. Từ này cũng được dùng cho các hay”sư sãi” hay “tư tế” của Dân Ngoại.

Khi nói vể chức linh mục hay tư tế mới của Tân Ước thì chỉ có Thư Do Thái là dùng từ ῐ̔ᾰρεύς để chỉ chức Tư Tế của Đức Kitô, vì muốn so sánh chức Tư Tế Đời Đời của Người với chức tư tế tạm thời của các tư tế Do Thái.  Ngoài thư Do Thái, sách Tông Đồ Công Vụ và các Thánh Thư đã dùng từ πρεσβύτερος (presbýteros), mà chúng ta dịch là kỳ mục, thay vì từ ῐ̔ᾰρεύς để nói về chức linh mục của Tân Ước.  Sách Tông Đồ Công Vụ thường nhắc đến các Tông Đồ và các kỳ mục khi nói về những vị lãnh đạo Hội Thánh thời sơ khai.  Có thể là lúc đó Hội Thánh còn nhỏ bé và được điều hành trực tiếp bởi các Tông Đồ nên chỉ cần các kỳ mục để giúp đỡ hay cố vấn cho các ngài. Còn chức phó tế thì được chính các Tông Đồ thiết lập để phục vụ giáo dân (x. Cv 6).  Các Thư của Thánh Phaolô bắt đầu dùng từ ἐπίσκοπος (epískopos – giám quản hay giám mục) để nói về những người được các Tông Đồ hay những vị đại diện các ngài chỉ định cai quản những Hội Thánh địa phương thay cho các ngài.  Trong các Thư gửi Timôtê và Titô, Thánh Phaolô đã đưa ra những tiêu chuẩn rõ ràng để chọn các giám mục, kỳ mục và phó tế (x. I Tim 3; Tit 1).  Những tiêu chuẩn này có lẽ đến từ các Tông Đồ chứ không phải do Thánh Phaolô tự ý đưa ra.

Có thể ngày từ những thập niên đầu của Hội Thánh, các chức giám quản, kỳ mục và phó tế đã được coi là tạo thành một dòng kế vị các Tông Đồ và được các ngài trao quyền.  Vào cuối thế kỷ I, Thánh Ignatiô thành Antiôkia (Tử đạo năm 107) đã viết rõ rằng chỉ có các giám mục hoặc những vị được các ngài chỉ định trực tiếp mới được chủ tế các Thánh Lễ. 

Đến cuối thế kỷ II, việc phân chia ba thừa tác vụ có chức thánh thành giám mục, linh mục và phó tế dường như đã phổ biến trong toàn thể Hội Thánh. Sách Truyền Thống Tông Đồ của Thánh Hippolytô, viết năm 215, đã ghi lại nghi thức truyền chức linh mục, trong đó các linh mục được giám mục và các linh mục khác truyền chức bằng cách đặt tay trên họ.  Sau khi được truyền chức các tân linh mục được đồng tế với giám mục trong Thánh Lễ.  Với phép của giám mục, các linh mục cũng có thể chủ tế các Thánh Lễ khi giám mục vắng mặt.

Địa vị, uy tín và uy quyền của các giám mục và linh mục bắt đầu gia tăng sau khi Kitô giáo trở thành quốc giáo của Đế Quốc Rôma vào thế kỷ IV.  Chức linh mục được phát triển theo đà phát triển của Hội Thánh: các linh mục trở thành cộng sự viên của các giám mục, đặc biệt ở các thành phố lớn và các vùng quê, nơi các giám mục không thể đáp ứng tất cả nhu cầu của giáo dân.

Sự phát triển của chức linh mục chắc chắn cũng theo sự phát triển của việc cử hành Bí Tích Thánh Thể.  Cho đến thời Cải cách Tin Lành vào giữa thế kỷ XVI, căn tính của linh mục được tập trung chủ yếu vào thừa tác vụ bí tích. Trong nhiều thế kỷ, người ta đã hiểu (mặc dù chưa bao giờ được Hội Thánh long trọng định nghĩa) rằng chất thể của bí tích Truyền Chức Thánh là việc trao chén và đĩa thánh cho tân linh mục, bởi vì những “dấu chỉ hữu hình” nòng cốt này dường như diễn tả rõ ràng nhất bản chất của chức linh mục.  Đến năm 1947, Đức Thánh Cha Piô XII đã tuyên bố rằng chất thể của Bí Tích Truyền Chức Thánh là việc đặt tay của giám mục trên linh mục.  Việc đặt tay này có nghĩa là toàn thể con người của tân linh mục được thánh hiến để sống một đời sống thánh thiện và phục vụ Hội Thánh, chứ không chỉ đơn thuần được trao công tác và quyền năng trong các nhiệm vụ bí tích mà thôi.

BÍ TÍCH HÔN PHỐI

Trong bảy bí tích, Bí Tích Hôn Phối là bí tích cuối cùng được Hội Thánh công nhận và tuyên bố như một bí tích ngang hàng với sáu bí tích khác.

Trong Tân Ước có nói đến những tiệc cưới và Thánh Phaolô cũng so sánh mối liên hệ giữa hai vợ chồng với mối liên hệ giữa Đức Kitô và Hội Thánh.  Nhưng không có chỗ nào trong Tân Ước cho thấy rõ việc Đức Kitô “thiết lập” hôn nhân như một bí tích. Vì thế, nhiều học giả cho rằng không có “bí tích” Hôn phối giữa các Kitô hữu trong Hội Thánh thời sơ khai, và các Kitô hữu cũng chỉ làm đám cưới dân sự như những người khác.  Tuy nhiên, cảm thức rằng hôn nhân của các Kitô hữu một cách nào đó khác với hôn nhân của những người ngoài Kitô giáo được tìm thấy ở Chương 7 của Thư Thứ Nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô. Ngoài ra, Thánh Ignatiô thành Antiokia (c. khoảng năm 107) đã khuyên các Kitô hữu nên bàn hỏi với giám mục trước khi kết hôn để hôn nhân của họ “phù hợp với Chúa chứ không vì đam mê”.

Các học giả không tìm thấy một văn kiện nào ghi lại nghi thức chúc lành phụng vụ hay việc tham gia của linh mục trong hôn lễ trước thế kỷ IV. Khi ảnh hưởng của Hội Thánh càng ngày càng gia tăng trong thế giới và Hội Thánh đảm nhận nhiều trách nhiệm trong các hoạt động xã hội, thì các giáo sĩ bắt đầu tích cực tham gia vào việc cử hành hôn lễ. Rõ ràng, không có nghi thức phụng vụ bắt buộc nào của Hôn Phối cho đến sau thời Charlemagne (thế kỷ IX), mặc dù, đến bốn trăm năm sau, các nghi thức Hôn Phối và sự hiểu biết về Hôn Phối như một bí tích đã được thiết lập rõ ràng.

Có một ít lý do cho việc chậm trễ này. Một số thần học gia thấy khó tìm ra trong Thánh Kinh một sự “thiết lập” rõ ràng của bí tích này bởi Đức Kitô, như họ đã tìm ra trong các bí tích khác. Với những thần học gia khác, hôn nhân liên quan đến tình dục, mà thời đó người cho liên hệ tình dục là tội lỗi, nên không thể được coi như một bí tích. Chính Thánh Augustinô cũng cho rằng quan hệ tình dục, ngay cả trong hôn nhân, hầu như luôn luôn là một tội lỗi nhẹ.  Vì hiểu sai về vai trò của tính dục trong kế hoạch của Thiên Chúa nên họ không thể hiểu tại sao một việc liên quan đến tình dục có thể là một công cụ của ân sủng.

Kỷ nguyên của chúng ta đã chứng kiến ​​một sự thay đổi đáng kể trong sự hiểu biết về Hôn Phối cách bí tích, sự phát triển chính là việc coi mối liên hệ hôn nhân như một giao ước theo quan điểm Thánh Kinh thay vì coi nó như một hợp đồng.

Từ Công Nhận Đến Phê Chuẩn: Và Sau Đó Có Bảy Bí Tích

Khi chúng ta bước sang thiên niên kỷ thứ ba, thật thú vị khi lưu ý rằng vài thế kỷ đầu của thiên niên kỷ thứ hai đã tạo ra một phong thái tiếp tục ảnh hưởng đến cách tiếp cận thần học bí tích của chúng ta thậm chí cho đến ngày nay. Khi thế giới thoát ra khỏi Thơi Đại Tăm Tối (Dark Ages), kiến ​​thức và quan tâm đến khoa học được tái sinh. Các trường đại học được thành lập, các nghiên cứu nghiêm túc đánh dấu mọi ngành giáo dục, và chính nghành thần học đã được coi như “Nữ hoàng của khoa học”.

Hai chương trước đã giới thiệu các thuật ngữ kỹ thuật khác nhau: như ex opere operato, chất thể và mô thể. Phần lớn ngôn ngữ kỹ thuật này hiện hữu là nhờ việc áp dụng tiếp cận khoa học vào suy tư thần học, là điều nổi bật từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV.  Trong khi tiếp cận “khoa học, thần học” này đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của nhiều khái niệm và giáo huấn về bí tích, nó cũng khuyến khích một cách tiếp cận có tính phân tích và ít kinh nghiệm hơn đối với các bí tích.

Tại sao có bảy bí tích? Câu trả lời ngắn gọn là: Hội Thánh dạy rằng có bảy bí tích. Câu trả lời dài là: đến thời các thần học gia ở thế kỷ XI và sau đó bắt đầu áp dụng một tiếp cận có hệ thống hơn cho thần học bí tích, thì bảy hành động phụng vụ đã đạt được một địa vị hàng đầu (một lần nữa, cảm thức đứng sau mỗi hành động phụng vụ này được thiết lập dựa trên cuộc đời của Đức Kitô).

Thần học gia Giám Mục Pierre Lombard (c. 1160) đã đóng góp quan trọng cho quan niệm rằng có bảy bí tích. Trong sách Sentences của ngài, một sách sưu tập các ý kiến của các thần học gia khác nhau về các chủ đề khác nhau, Lombard đã liệt kê điều chúng ta biết ngày nay là bảy bí tích; ngài coi chúng như những nghi thức phụng vụ đặc quyền, là những nghi thức đáp ứng điều những kiện cần thiết cho một bí tích (“một dấu chỉ hữu hình được Đức Kitô thiết lập để ban ân sủng”). Lombard không phải là thần học gia đầu tiên hoặc duy nhất đưa ra định nghĩa hoặc đếm số trong thời ấy, nhưng ngài là một trong những thần học gia có ảnh hưởng lớn hơn. Trong thế kỷ tiếp theo, Thánh Tôma Aquinô đã dựa vào các tác phẩm của Lombard và đóng góp vào ảnh hưởng của chúng bằng cách đề nghị rằng việc có bảy bí tích là điều hợp lý.

Trong câu hỏi 65 phần III của Tổng Lược Thần Học (Summa Theologica), Thánh Tôma đã lý luận rằng đời sống tâm linh có một “sự phù hợp nhất định” với đời sống thể lý.  Cho nên, Bí tích Rửa tội là sự sinh ra về tâm linh, Bí tích Thêm Sức là sự lớn lên trong Chúa Thánh Thần và Bí tích Thánh Thể là sự nuôi dưỡng cho linh hồn: ba bí tích này đáp ứng đời sống tâm linh giống như khi sinh ra, lớn lên và có sức mạnh, và thức ăn là một phần của “việc lớn lên “trong đời sống thể lý. Thánh Tôma tiếp tục nói rằng Bí tích Hòa Giải (ngài gọi là “Sám hối”) và Xức Dầu (Xức Dầu Cận Tử) tương ứng với nhu cầu chữa lành thể xác, trong khi các bí tích của Truyền Chức Thánh và Hôn Phối tương ứng với nhu cầu của xã hội về luật lệ và truyền sinh.

Các công đồng quan trọng của Hội Thánh trong vài thế kỷ tiếp theo (Lyons, 1274; Florence, 1439) đã ủng hộ giáo huấn của Lombard và Aquinô. Khi các nhà cải cách Tin Lành trong thế kỷ XVI bác bảy bí tích, số ấy đã được Công Đồng Trentô chính thức xác định năm 1547.

Thêm vào “câu trả lời dài” về lý do tại sao có bảy bí tích, chúng ta lưu ý rằng số bảy rất hấp dẫn về diện thần học theo một cách khác: đó là một trong những số mang tính biểu tượng cao thường được sử dụng trong Thánh Kinh để biểu thị sự trọn vẹn hoặc hoàn tất.  Chẳng hạn như Thiên Chúa đã tạo ra thế giới trong bảy ngày, và có bảy ơn Chúa Thánh Thần.  Vì thế, việc có bảy bí tích cho thấy ân sủng của Đức Kitô, qua các hành động của Hội Thánh của Người, bao trùm tất cả nhân loại và nhu cầu của chúng ta.

Có nhiều người nghĩ rằng trong tương lai số bí tích có thể được thay đổi.  Thực ra, số bí tích không thể thay đổi được nữa vì đã được Công Đồng Trentô long trọng xác định. Tuy nhiên, định tín của Công Đồng Trentô không có nghĩa là các bí tích là những phương thế duy nhất mà qua đó chúng ta có thể nhận hoặc cảm nghiệm ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta sống trong một thế giới của các biểu tượng, và chúng ta sống trong mối quan hệ với những người khác. Chúng ta có thể cảm nghiệm được ân sủng của Thiên Chúa qua các biểu tượng này và qua các mối liên hệ của chúng ta với người khác.

Khi Công Đồng Trentô tuyên bố rằng có bảy bí tích, Công Đồng không có ý cho rằng ân sủng của Thiên Chúa bị ràng buộc hoặc bị giới hạn trong các bí tích.  Khẳng định rằng Thiên Chúa bị ràng buộc bởi các bí tích có nghĩa là Hội Thánh có quyền kiểm soát ân sủng của Ngài, là điều mà các giáo huấn của Hội Thánh dứt khoát bác bỏ.

Thiên Chúa không sai Chúa Giêsu đến để thiết lập bảy bí tích, nhưng đã sai Chúa Giêsu đến để trở thành bí tích cao cả của tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Bảy bí tích của Hội Thánh là bảy trong những thời điểm quan trọng nhất và là những cách quan trọng nhất để chúng ta có thể nhìn thấy và cảm nghiệm rõ ràng những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta trong Đức Kitô.

Tổng quan về “Thái độ” đối với Thần học Bí tích

Như chúng ta đã thấy, mỗi bí tích đều có lịch sử riêng và đã trải qua nhiều thay đổi trong nhiều kỷ nguyên. Hơn nữa, khi cách thực hành của từng bí tích thay đổi, thì sự hiểu biết của Hội Thánh về chức năng và ý nghĩa của bí tích ấy cũng thay đổi.  Thần học ảnh hưởng và cho biết cách chúng ta cử hành các bí tích (“chúng ta làm điều chúng ta tin”), nhưng lịch sử cũng cho chúng ta biết rằng đôi khi những thay đổi trong việc thực hành bí tích đã xảy ra trước suy tư thần học là điều sẽ diễn tả các thực hành mới.

Cách tổng quan, chúng ta sẽ nhìn lại hai nghìn năm lịch sử Hội Thánh. Nhìn vào thiên niên kỷ thứ nhất, chúng ta có thể mô tả năm trăm năm đầu hoặc lâu hơn là thời kỳ phát triển phong phú và xây dựng công phu. Trong những thế kỷ này, Hội Thánh đã phát triển nhanh chóng về số lượng và sự phát triển các nghi thức bí tích của mình. Các thực hành quanh việc cử hành Bí tích Rửa Tội và Hòa Giải là những thí dụ điển hình cho thấy sự thay đổi của việc thực hành bí tích của Hội Thánh dẫn đến “thái độ” thay đổi đối với các bí tích.

TỪ CỬ HÀNH CÔNG CỘNG VÀ CỘNG ĐỒNG                                          ĐẾN CỬ HÀNH RIÊNG TƯ VÀ CÁ NHÂN

Trong Hội Thánh thời ban đầu, ở thế kỷ III đến thế kỷ V, Bí tích Rửa Tội và Hòa Giải là công việc chung của cộng đồng. Những người trưởng thành được rửa tội đã phải tham gia vào một thời kỳ dự tòng dài, và cộng đồng thường xuyên cầu nguyện cho và trên họ. Cộng đồng cũng chỉ định những người bảo trợ để trợ giúp họ trong việc hoán cải và làm chứng cho các ý định tốt của họ đối với Hội Thánh địa phương. Như chúng ta đã thấy, Bí tích Rửa Tội, thường được cử hành trong Đêm Vọng Phục Sinh, bao gồm một loạt các nghi thức phức tạp và, trong ít nhất là tuần thứ nhất sau khi họ được rửa tội, các tân tòng vẫn tiếp tục đến với nhau như một nhóm để được hướng dẫn thêm về đức tin mới của họ.

Cũng tương tự, Bí Tích Hòa Giải là một việc công cộng và cộng đồng, bằng nhiều cách, giai cấp hối nhân cũng giống như giai cấp dự tòng. Mặc dù các hối nhân không xưng tội trước mặt mọi người, họ đã thực hiện nhiều hành vi đền tội trước sự chứng kiến ​​của cộng đồng mà họ đã xúc phạm.  Cộng đồng nâng đỡ họ bằng gương lành và cầu nguyện.  Các hối nhân được hòa giải, thường vào Thứ Năm Tuần Thánh, trong một nghi lễ công khai chính thức “nhớ lại” họ, đưa họ trở lại Hội Thánh. Tầm quan trọng và cần thiết của sự tham gia của cộng đồng được thấy rõ trong De Poenitentia của Giáo Phụ Tertullianô, một tài liệu đầu thế kỷ thứ ba chứa rất nhiều dữ kiện về thực hành và thần học của kỷ luật sám hối của Hội Thánh thời sơ khai. Nhắm đến các hối nhân, Tertullianô viết:

Ở đâu có hai người hợp lại, thì ở đó có Hội Thánh và Hội Thánh là Đức Kitô.  Cho nên, khi anh chị em giơ tay xuống đầu gối của anh chị em mình, anh chị em chạm đến Đức Kitô và được Đức Kitô yêu quý bằng những lời khẩn cầu của anh chị em. Cũng thế, khi họ rơi nước mắt vì anh chị em, thì chính Đức Kitô, Đấng chịu đau khổ, Đức Kitô là Đấng năn nỉ với Chúa Cha. Và những gì Chúa Con cầu xin luôn dễ được nhận lời.

Quan niệm rằng cộng đồng, cũng như “thừa tác viên” và “thụ nhân”, tham gia tích cực và hiệu quả vào việc cử hành Bí tích Rửa Tội và Bí tích Thánh Thể (và các bí tích khác) này đã biến mất từ ​​lâu trước khi các thần học gia Kinh Viện bắt đầu biên soạn những chuyên luận có hệ thống về các bí tích.  Như hầu hết các thần học gia, những phân tích về các bí tích của các thần học gia này dựa trên kinh nghiệm của họ về việc cử hành các bí tích, và việc cử hành Bí tích Rửa Tội và Hòa Giải đã trở nên riêng tư và ít phức tạp hơn so với những năm đầu của Hội Thánh.  Cộng đồng chắc chắn không tham gia tích cực vào tiến trình Hòa Giải thực sự; nó đã được “cử hành” nơi toà kín.  Bí tích Rửa Tội cho trẻ sơ sinh không được cử hành âm thầm, nhưng sự nhấn mạnh và phong thái của nghi thức cho thấy rằng đó là một vấn đề gia đình khẩn cấp hơn là việc Hội Thánh cử hành việc gia nhập của một thành viên mới.

TỪ HỌC QUA CÁC BÍ TÍCH ĐẾN HỌC VỀ CÁC BÍ TÍCH

Một sự khác biệt căn bản tương tự có thể được quan sát khi chúng ta kể đến cách dân chúng học về các bí tích. Trong Hội Thánh thời sơ khai (đặc biệt là trong các phụng vụ lớn và long trọng từ thế kỷ III đến thế V), không quá đáng khi nói rằng dân chúng đã học được ý nghĩa của các bí tích bằng cách cử hành chúng. Vì chính trong cuộc cử hành mà dân chúng cảm nghiệm được các hiệu quả của bí tích là gì.  Thực ra, bài giáo lý hậu rửa tội mà Thánh Ambrosiô dạy cho các tân tòng đã khuyến khích những người mới được rửa tội nghĩ lại những gì thực sự xảy ra trong buổi lễ: nhớ lại cảm giác của họ khi được dìm trong nước và được xức bằng dầu, cởi y phục cũ và mặc y phục mới và kể đến những gì họ cảm thấy “ở bên ngoài” biểu tượng cho điều đang xảy ra “ở bên trong.” Ở đây, Bí tích Rửa Tội rõ ràng là một “dấu chỉ hữu hình”, một dấu chỉ không những chỉ được nói và nghe, mà còn được nhìn thấy và cảm nghiệm.

Về tiến trình Hòa Giải, rõ ràng là những người trong giai cấp hối nhân có kinh nghiệm đền tội.  Họ bị tách ra khỏi giáo dân của giáo xứ họ, và đôi khi thậm chí bị cấm không được vào nhà thờ.  Họ ăn chay và thường mặc đồ vải gai và rắc tro trên đầu.  Hãy tưởng tượng xem họ cảm thấy thế nào khi cuối cùng được dẫn trở lại nhà thờ và được hòa giải qua việc giám mục đặt tay trên họ lên họ trước sự hiện diện của cả cộng đồng.

Nhưng đến thời Thánh Tôma Aquinô và các thần học gia Kinh Viện đồng nghiệp của ngài bắt đầu viết thần học của các ngài, thì việc thực hành và kinh nghiệm của cả hai bí tích đã khác rất nhiều. Sự khẩn cấp của việc rửa tội cho trẻ sơ sinh được nhấn mạnh đến nỗi các nghi thức của thời đại ấy thậm chí còn gọi đứa trẻ được rửa tội lên mà không có mẹ nó ở đó, nếu sự phục hồi sau khi sinh của bà trì hoãn việc Rửa Tội. Đối với Bí tích Hòa Giải, “Xưng tội” là một thuật ngữ thích hợp cho việc thực hành vào thời điểm đó. Ngay cả khi những người tiếp cận bí tích đã phạm tội trọng, gia cấp hối nhân đã được thu lại thành một cuộc gặp gỡ riêng giữa linh mục và hối nhân, trong đó việc xưng tội, khuyên nhủ, việc đền tội và lời tha tội thường chỉ mất vài phút.

Những khác biệt trong thực hành bí tích này mở rộng đến cách dân chúng học về bí tích giáo dục và những gì họ học. Hầu hết những người trưởng thành, đã được rửa tội khi còn là trẻ em, không nhớ gì về việc Rửa Tội của mình. Kinh nghiệm của họ về bí tích này là đứng ở một bên trong lễ Rửa Tội của con cái sơ sinh của họ, trong khi linh mục thẩm vấn trẻ sơ sinh qua các cha mẹ đỡ đầu. Thường thì chỉ có một vài người bạn hoặc các phần tử khác trong gia đình có mặt ở buổi lễ. Quan niệm rằng Bí tích Rửa Tội kết hợp con của họ vào một cộng đồng được “biết đến” từ việc được dạy hơn là từ việc cảm nghiệm nó.  Không có gì trong nghi thức nói đến kinh nghiệm hoán cải, vì đây là một đứa trẻ được rửa tội.  Sự thay đổi đáng kể mà Bí tích Rửa Tội thực hiện là một sự thay đổi, một lần nữa, được dạy thay vì kinh nghiệm: qua nước Rửa Tội, Tội Nguyên Tổ đã được xóa bỏ và cửa Thiên Đàng giờ đây mở ra cho đứa bé.

Cũng vậy, chuẩn bị cho Bí tích Hòa Giải chủ yếu bao gồm việc nhận được hướng dẫn về cách “xưng tội cho tốt”. Giáo lý bí tích nói về ân sủng, hoán cải và nhu cầu được tha tội, nhưng nhấn mạnh đến “cách xưng tội”: những tội nào phải xưng, phải xưng chúng thế nào, và phải tuân theo thủ tục nào nếu hối nhân quên đề cập đến một tội nào đó. Linh mục chắc chắn được coi như một thừa tác viên của Hội Thánh, nhưng trong suy nghĩ của hầu hết mọi người, ngài đại diện cho Thiên Chúa hơn là cho Hội Thánh. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì tội được hiểu chủ yếu như một hành vi xúc phạm đến Thiên Chúa hoặc ít nhất là vấn đề giữa một mình Thiên Chúa và hối nhân. Có rất ít điều trong cuộc cử hành đề nghị hoặc khuyến khích kinh nghiệm được đưa trở lại cộng đồng mà một người đã xúc phạm vì phạm tội.

TỪ SỐNG CUỘC SỐNG BÂY GIỜ ĐẾN CHUẨN BỊ CHO                       MỘT CUỘC SỐNG TRÊN THIÊN ĐÀNG SAU NÀY

Có lẽ sự khác biệt lớn nhất giữa “thái độ về bí tích” của thiên niên kỷ thứ nhất và thứ hai là sự hiểu biết tại sao việc cử hành các bí tích lại quan trọng như thế. Thế kỷ III, IV và V thường được coi là “thời hoàng kim” của thực hành phụng vụ của Hội Thánh, và việc cử hành các Bí tích Rửa Tội và Hòa Giải đã góp phần không nhỏ vào suy nghĩ này.

Khi một người được rửa tội, rõ ràng là người ấy được gia nhập một cộng đồng dân chúng ở đây trên trái đất, mà cuộc sống của họ đã được biến đổi vì Đức Kitô. Những người này được coi là các thánh dưới trần. Họ hướng mắt về Thiên Đàng, nhưng ý thức rằng Bí tích Rửa Tội đã định hướng họ, ràng buộc họ sống cuộc sống trần thế này một cách phi thế gian nhất. Bí tích Rửa Tội đã không mở cửa một Thiên Đàng tương lai, như một thời đại sau này nói, cho dù nó chỉ đường lên Thiên Đàng trong cuộc đời này. Với Bí tích Hòa Giải cũng thế. Người phạm tội mà Thánh Phaolô nói đến trong Côrintô I đã bị truất phép thông công vì người ấy đã sống trái ngược với cách sống của cộng đồng ở thế gian này (x. 5: 1-5). Hai thế kỷ sau, như chúng ta đã thấy, Giáo Phụ Tertullianô đã nhấn mạnh rằng một người phạm tội xúc phạm đến cả cộng đồng lẫn Thiên Chúa, và vì vậy cần phải có được cả hai tha thứ.

Tuy nhiên, một ngàn năm sau, phần lớn suy nghĩ này đã thay đổi vì kinh nghiệm cử hành các bí tích đã thay đổi. Theo cách hiểu biết phổ thông, Bí tích Rửa Tội cho trẻ sơ sinh là một hành động của linh mục làm cho Thiên Đàng trở nên khả thi, hơn là hành động đón nhận một thành viên mới vào cộng đồng. Động cơ chủ yếu của việc Xưng Tội là để cho một cá nhân khỏi chết trong tình trạng mắc tội trọng và và vì thế phải muôn đời trầm luân hoả ngục; Việc cử hành bí tích cải thiện phẩm chất của đời sống cộng đồng của chúng ta ở thế gian này không mấy khi được đề cập đến hoặc dạy về.

Biểu đồ ở cuối chương này tóm tắt những thay đổi trong cách tiếp cận các bí tích của Hội Thánh. Đây là một khái quát về hai tiếp cận rất khác nhau với các bí tích ở hai thời điểm rất khác nhau trong lịch sử của Hội Thánh và thế giới. Như vậy, nó phải được sử dụng với sự cẩn trọng phù hợp, cũng như bất cứ điểm nào trong bảng tóm lược của chương này.

Chúng ta đã xem xét lịch sử của các bí tích nói chung, và cũng đã xem xét lịch sử của “thái độ” của Hội Thánh đối với các bí tích. Hai chương tiếp theo xem xét hai bí tích chính của Hội Thánh: Bí tích Rửa tội, “cửa vào sự sống trong Thần Khí” và Bí tích Thánh Thể, “nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Hội Thánh”.

TÓM LƯỢC NHỮNG THAY ĐỔI TRONG TIẾP CẬN CÁC BÍ TÍCH CỦA HỘI THÁNH

Thí dụ: Rửa Tội, Hoà Giải Các thế kỷ III, IV và V Các thế kỷ XIII, XIV và XV
AI Ai là “những tham dự viên” chính trong việc cử hành bí tích?   Giám mục (linh mục), ứng viên và cộng đồng.   Linh mục và người giáo dân trong giáo xứ.
LÀM SAO Ý nghĩa của bí tích được dân chúng học như thế nào?   Bằng cách tham dự vào và cảm nghiệm hành động của bí tích.   Giáo huấn và giáo lý.
TẠI SAO Tại sao cần phải cử hành bí tích?   Để chúng ta có thể sống tốt bây giờ vì ích lợi của Hội Thánh, Nhiệm Thể Đức Kitô dưới thế.    Để chúng ta được lên Thiên Đàng sau khi chết.
BAO LÂU Việc cử hành các bí tích này thường mất bao lâu?   Cả bí tích Rửa Tội và Hoà Giải đều đòi hỏi một tiến trình công cộng lâu dài.   Bí tích Rửa Tội và Hoà Giải “chẳng mất chút thì giờ nào” và ít khi được hiểu như những hành động của “cộng đồng”.
  1. Mỗi bí tích trong bảy bí tích có một lịch sử phức tạp. Trong trường hợp này, “một chút kiến ​​thức có thể là một điều nguy hiểm.” Bất cứ ai có trách nhiệm giảng dạy lịch sử của các bí tích phải nghiên cứu lịch sử này một cách chi tiết hơn đã được trình bày ở đây.
  2. Mặc dù Hội Thánh không dứt khoát thiết lập số các bí tích là bảy cho đến thế kỷ XVI, nhưng trực quan về mỗi bí tích đã hiện diện ngay từ ban đầu.
  3. Cuối cùng, Đức Kitô đã không đến “thiết lập bảy bí tích”. Đức Kitô đã trở thành bí tích tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại.
  4. Một thúc đẩy lớn của thần học hậu Công Đồng là phục hồi và khôi phục một số hiểu biết và thái độ của Hội Thánh thời ban đầu đối với các bí tích: đó là những cuộc cử hành của cộng đồng; chúng phải được cảm nghiệm chứ không chỉ đơn thuần thực hiện; và chúng trước hết chỉ đến cách chúng ta phải sống cuộc đời của mình như thế nào bây giờ.

CÂU HỎI ĐỂ SUY NGHĨ VÀ THẢO LUẬN

  1. Một giáo huấn chính thức, long trọng của Hội Thánh Công giáo là Đức Kitô đã thiết lập bảy bí tích. Với lịch sử phức tạp của các bí tích, làm sao chúng ta có thể giải thích rằng Hội Thánh, ngay từ đầu, đã có bảy bí tích?
  2. Từ lịch sử ngắn gọn của các bí tích được cung cấp ở đây, những khía cạnh nào của việc cử hành các bí tích có vẻ quen thuộc với việc thực hành và kinh nghiệm của chúng ta ngày nay? Những khía cạnh có vẻ xa lạ?
  3. Với thực tại lịch sử này và thực thể của việc phát triển lịch sử của sự hiểu biết về các bí tích, làm sao chúng ta tiếp tục cho rằng các bí tích là do “Đức Kitô thiết lập”? 
  4. Đức Kitô là bí tích cơ bản của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta như thế nào?