Cửa vào đời sống trong Thần Khí
Reading Assignment in English
- Sacrament Theology (KST), Chapter 5
- Understanding the Sacraments Today, Chapter 1
- Catechism of the Catholic Church (CCC), nos 1212-1321
Các Mục Tiêu Học Tập của Tổng Giáo Phận
- MA 2.2.8 Các Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Truyền Chức Thánh ghi dấu ấn không thể xóa được và vì thế không thể lặp lại được.
- MA 2.2.9 Tất cả các bí tích đều liên hệ với và hướng về Bí tích Thánh Thể.
- MA 2.2.10 Việc nhập đạo hay khai tâm Kitô giáo được thực hiện bằng cách lãnh nhận các Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể. Theo ý Chúa, Bí tích Rửa Tội cần thiết ơn cứu độ cũng như chính Hội Thánh.
- MA 2.2.11 Từ thời các Tông đồ, trở thành Kitô hữu đã được hoàn thành bằng một cuộc hành trình và gia nhập trong nhiều giai đoạn qua các Bí tích Khai Tâm Kitô giáo.
- MA 2.2.12 Các Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể cùng nhau tạo thành các Bí tích Khai Tâm Kitô giáo, mà sự hiệp nhất phải được bảo vệ. Bí tích Thêm Sức cần cho việc hoàn tất ân sủng Rửa Tội.
- MA 2.2.13 Trong tất cả các nghi lễ, sự hiệp nhất của các Bí tích Khai Tâm Kitô giáo được bày tỏ theo cách mà trong đó người lớn được nhập đạo trong một Phụng Vụ Thánh duy nhất. Trong Hội Thánh Công giáo Rôma, có nhiều năm học giáo lý giữa Bí tích Rửa Tội và các Bí tích Khai Tâm Kitô giáo khác cho trẻ em. Trong khi ở các Hội Thánh Công Giáo Đông phương, cả ba bí tích vẫn kết hợp trong một cuộc cử hành, ngay cả với trẻ sơ sinh.
- MA 2.2.14 Bí Tích Rửa Tội là nền tảng của toàn bộ đời sống Kitô hữu, là cửa ngõ vào đời sống trong Thần Khí và là cửa mở ra cho các bí tích khác. Việc dìm trong nước không chỉ tượng trưng cho cái chết và thanh tẩy, mà còn tái sinh và đổi mới. Hai tác dụng chính là thanh tẩy khỏi tội lỗi và tái sinh trong Chúa Thánh Thần.
- MA 2.2.15 Bí Tích Rửa Tội, bí tích đầu tiên, để lại dấu ấn thiêng liêng không thể tẩy xóa được, tha thứ cho mọi tội lỗi cả tội cá nhân lẫn Tội Nguyên Tổ, biến người ta thành một tạo vật mới, đồng thừa tự trong Đức Kitô bị đóng đinh và phục sinh, đền thờ của Chúa Thánh Thần, và kết hợp một người vào Hội Thánh và chức tư tế của Đức Kitô. [MA 2.4.3] … họ trở thành chi thể của Đức Kitô, được hợp nhất vào Hội Thánh và trở thành những người chia sẻ sứ vụ của Hội Thánh.
- MA 2.4.2 Nhờ ân sủng của Bí tích Rửa tội, “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, các Kitô hữu được mời gọi thông phần vào đời sống của Chúa Ba Ngôi.
- Sau khi được rửa tội, Kitô hữu được mời gọi sống cuộc sống của một môn đệ. Trong Bí tích Rửa Tội, Thiên Chúa ban những ân sủng cần thiết cho ơn gọi này: các nhân đức đối thần để tin, cậy (hy vọng) và yêu mến Thiên Chúa; các nhân đức tính luân lý để lớn lên trong sự tốt lành; và sức lực để sống và hành động dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.
- MA 2.4.5 Việc đóng góp là một cách diễn tả việc làm môn đệ được mời gọi bởi Bí tích Rửa Tội. Các môn đệ thực hành việc đóng góp nhận ra Thiên Chúa là nguồn gốc của sự sống, là Đấng ban tự do, là nguồn mạch của tất cả những gì họ có, là và sẽ là. Họ biết mình là người lãnh nhận và chăm sóc nhiều hồng ân của Thiên Chúa. Họ biết ơn vì những gì họ đã nhận được và mong muốn vun đắp những món quà của họ vì tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho nhau.
- MA 2.4.7 Trong Bí tích Rửa tội, các môn đệ của Đức Kitô chia sẻ chức tư tế của Đức Kitô, sứ vụ tiên tri và vương giả của Người.
- MA 2.5.3 Thiên Chúa mời gọi giáo dân làm chứng và chia sẻ đức tin của họ cho thế giới, mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh, nhờ vào sứ vụ ngôn sứ mà họ đã nhận được trong Bí tích Rửa tội
- MA 2.2.16 Việc Rửa Tội cho trẻ sơ sinh đã được thực hiện từ thời Tông Đồ, vì đó là một ân sủng và một món quà của Thiên Chúa bất chấp công trạng của con người. Nhờ Bí tích Rửa Tội, người ta được giải thoát khỏi tội lỗi cá nhân và Tội Nguyên Tổ, và được đón nhận vào cộng đồng Hội Thánh, giúp họ tiếp cận sự sung mãn của ơn cứu rỗi.
- MA 2.2.17 Trong trường hợp cần thiết, bất kỳ ai, ngay cả người không được rửa tội, đều có thể là thừa tác viên Bí tích Rửa tội ngoại thường, với ý định cần thiết, có thể rửa tội, bằng cách sử dụng nước và công thức Ba Ngôi. Ý định cần có là ý làm những gì Hội Thánh làm khi rửa tội.
- MA 2.2.18 Những người không biết Hội Thánh, hành động theo sự linh hứng của ân sủng, tìm kiếm Thiên Chúa một cách chân thành và cố gắng thực hiện ý muốn của Ngài, có thể được cứu độ ngay cả khi họ chưa được rửa tội.
- MA 2.2.19 Hội Thánh giữ vững niềm xác tín rằng tất cả những người chết vì đức tin đều được rửa tội bằng cái chết của họ cho và với Đức Kitô. Rửa Tội bằng máu mang lại hoa trái của bí tích Rửa Tội mà không phải là bí tích.
- MA 2.2.20 Đối với các dự tòng chết trước khi được rửa tội, bviệc họ bày tỏ ước muốn được rửa tội, cùng với sự ăn năn thống hối về tội lỗi của họ và bác ái, đảm bảo cho họ ơn cứu rỗi mà họ chưa có thể nhận được bằng nghi thức bí tích.
- MA 2.2.21 Vì lòng thương xót cao cả của Thiên Chúa mong muốn tất cả mọi người được cứu rỗi, Hội Thánh trao phó những trẻ em chết mà không được rửa tội cho lòng thương xót ấy, hy vọng rằng có một cách cứu rỗi cho chúng.
MỞ ĐẦU
Hiến Chế Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium (SC) của Công đồng Vaticanô II kêu gọi tu chỉnh các nghi thức bí tích cho thích hợp để chúng “được bổ sung sinh khí mới hầu đáp ứng nhu cầu và hoàn cảnh hiện tại” (# 4). Riêng về Rửa Tội cho người lớn, SC nói: “Phải cải tổ lớp dự tòng cho người lớn, theo nhiều giai đoạn,…. Nhờ đó, thời gian dự tòng ấn định cho việc huấn luyện tương xứng có thể được thánh hóa bởi những nghi lễ thánh cử hành trong những thời gian kế tiếp nhau.”(# 64). Nghi thức Rửa tội cho người lớn là RCIA, được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1972.
Liên quan đến việc rửa tội cho trẻ em, SC tuyên bố: “Phải duyệt lại nghi lễ Rửa Tội trẻ nhỏ, và thích nghi với thực trạng của trẻ sơ sinh. Hơn nữa, vai trò và bổn phận của cha mẹ cũng như những người đỡ đầu phải được nêu rõ hơn trong chính nghi thức đó.'(# 67). Nghi Thức Rửa Tội cho Trẻ Em (RBC) mới là một trong những nghi thức bí tích đầu tiên của Hội Thánh được sửa đổi sau Công Dồng và được xuất bản lầ thứ nhất vào năm 1969.
Bí tích Rửa tội, bí tích đầu tiên mà tất cả các Kitô hữu cử hành, quả thật là bí tích “làm cho chúng ta thành Kitô hữu”. Chúng ta xét đến Bí tích Rửa tội từ ba quan điểm. Quan điểm thứ nhất là xét đến bí tích này cách tổng quát và trình bày một số nguyên tắc thần học hỗ trợ cho sự hiểu biết và thực hành bí tích của chúng ta. Quan điểm thứ hai và thứ ba lần lượt xét đến cách đặc biệt việc rửa tội cho người lớn và cho trẻ sơ sinh.
Không phải tất cả các thừa tác viên mục vụ đều trực tiếp tham gia vào tiến trình Rửa Tội cho Người Trưởng Thành của giáo xứ, hoặc trong việc chuẩn bị cha mẹ cho việc rửa tội cho con cái họ. Tuy nhiên, các nguyên tắc và quy trình hướng dẫn RCIA rất quan trọng để hiểu vì chúng nói về ý nghĩa của việc sống, cầu nguyện và làm việc như thế nào như một cộng đồng Kitô hữu. Còn về việc rửa tội cho trẻ sơ sinh, thì nhiều thừa tác viên mục vụ đã được rửa tội, cũng như phần lớn trẻ em và thanh niên làm việc với họ cũng đã được rửa tội khi còn nhỏ. Chúng ta càng hiểu Bí tích Rửa Tội của mình, thì chúng ta sẽ càng hiểu và trân quý các bí tích mà chúng ta cử hành sau đó.
Bí Tích Rửa Tội là Cửa vào Đời Sống trong Thần Khí
Như đã bàn trong chương trước, Hội Thánh đã thu nhận các phần tử mới qua nước rửa tội ngay từ thủa ban đầu. Bí tích Rửa Tội là bí tích được nhắc đến nhiều nhất trong Tân Ước và, mặc dù Thánh Phaolô không bao giờ mô tả một nghi thức Rửa tội thực sự, rõ ràng bí tích này là nền tảng cho sự hiểu biết của ngài về đời sống Kitô hữu trong Đức Kitô.
BÍ TÍCH RỬA TỘI LÀ MỘT HỒNG ÂN CAO CẢ
Trong chương 3, chúng ta đã thấy rằng một bí tích ban cho những người cử hành hai hiệu quả: một là thực tại tôn giáo, hoặc ân sủng; và hai là thực tại Hội Thánh, trong trường hợp Bí tích Rửa Tội, được gọi là “ấn tín bí tích”. Chúng ta hãy xét đến từng hiệu quả này của Bí tích Rửa Tội.
Về các hiệu quả tôn giáo hoặc tâm linh của nó, hai ý nghĩa chính của Bí tích Rửa Tội, là tha tội cho chúng ta và tái sinh chúng ta trong Chúa Thánh Thần, được diễn tả rõ ràng bằng những lời hay dấu chỉ hữu hình của nghi thức bí tích là việc đổ nước hay dìm vào nước. Nhưng Bí tích Rửa Tội cũng có ý nghĩa khác, và có nhiều hình ảnh giải thích về các ân sủng mà bí tích Rửa Tội thông ban. Rửa tội là một cuộc tái sinh, thanh tẩy, làm cho trở thành một con người mới; đó là việc chúng ta được nhận làm nghĩa tử, việc thánh hiến chúng ta và tiếp nhận di sản của chúng ta.
Sức mạnh của bí tích này quá lớn lao đến nỗi không chỉ mọi tội (nguyên tổ và cá nhân) được tha mà trong trường hợp người lớn, mọi hình phạt do tội cá nhân gây ra cũng được xóa bỏ. Đây thực sự là “tái sinh”! Và đó là được “nhận làm nghĩa tử”: được thoát khỏi tình cảnh bất hạnh đến cuộc sống đầy hứa hẹn mà chúng ta gọi là đời sống ân sủng. Tái sinh và nhận làm nghĩa tử là hai trong nhiều hình ảnh mà RCIA và RBC minh hoạ khi diễn tả ý nghĩa của Bí tích Rửa Tội. Dưới đây là bản tóm lược những sự liên quan giữa Bí Tícgh Rửa Tội và Thánh Kinh:
Bí Tích Rửa Tội là … | Thánh Kinh | RCIA | RBC | GLCG |
Thay đổi chủ: Chúng ta được Thiên Chúa nhận làm của Ngài. Chúng ta trở thành sở hữu và công cụ của Thiên Chúa. | 2 Cor 1:21-22 Eph 1:13-14 | Câu 51-55 | Câu 41 | Câu 1269, 1270 |
Thay đổi sự trung thành: Chúng ta không còn sống cho mình mà cho Thiên Chúa; chúng ta thề trung thành với Chúa Thánh Thần. | Rm 6:15-18 Rm 8:12-13 | 90-94 138-184 | 3, 39, 56, 64 | 1269 1270 |
Cởi bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới là Đức Kitô | Col 3: 9-11 Gal 3: 27-29 | 229 | 63 | 1227, 1243, 1265 |
Sinh vào đời sống mới | Ga 3: 5 Tit 3:5-7 | Cuộc Khổ Nạn | 54 | 1215 |
Được soi sáng | Dt 10:32 1Phr 2:9 | 230 | 64 | 1216 1243 |
Cho một người được thông phần với Đức Kitô, vua và tư tế được xức dầu | 1 Cor 1:21 1 Phr 2:9 | 98-103, 228, 231-236 | 49-52 62 | 1241 1268 |
Được nhận làm nghĩa tử của Thiên Chúa | Rm 8:14-17, 23,; Gal 4:4-5 Eph 1:3 | Mở đầu, câu 1, 2, 5 | 1265 |
Điều mà Bí tích Rửa Tội không làm được lấy đi khuynh hướng chiều theo tội lỗi của chúng ta. Tội lỗi vẫn còn thực sự khả thi với các Kitô hữu đã được rửa tội, bởi vì tội theo một định nghĩa là “làm theo ý mình” là điều vẫn còn hấp dẫn với chúng ta. Khuynh hướng để cuộc sống của chúng ta bị phân tâm và bị méo mó bởi sự dụ dỗ của tội lỗi là điều mà truyền thống Công giáo gọi là “tư dục”. Tư dục thường ám chỉ những cám dỗ về tà dâm, nhưng nó thực sự đề cập đến tất cả những khuynh hướng xấu như ghen tương, kiêu ngạo, nóng giận, sống buông thả,…, là những điều “khuyến khích” chúng ta trở nên nhỏ mọn hơn con người mà chúng ta được mời gọi để trở thành.
Như đã đề cập, Bí tích Rửa Tội là một trong ba bí tích mà một khi được cử hành thành sự thì không thể được lặp lại. Cùng với Bí tích Thêm Sức và Bí tích Truyền Chức Thánh, Bí tích Rửa Tội, ngoài ân sủng, còn ban một ấn tín bí tích. Ấn tín tâm linh không thể xóa nhòa này làm cho chúng ta nên giống Đức Kitô và đánh dấu là chúng ta “thuộc về Người”. Nhờ Bí tích Rửa Tội, chúng ta trở nên tài sản của Đức Kitô! Như Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta trong thư gửi cho tín hữu Rôma: “Không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà chúng ta chết cũng là chết cho Chúa. Vì vậy, dù sống hay chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa.” (14: 7-8).
Như dụ ngôn người con hoang đàng đề nghị (xem chương 3), chúng ta có thể mất ân sủng của Bí tích Rửa Tội vì phạm tội, nhưng căn tính của chúng ta là con cái Thiên Chúa, được ban qua Bí tích Rửa Tội, không thể bị mất.
Bí tích Rửa Tội ban cho chúng ta ơn công chính hoá và, qua ấn tín rửa tội, chúng ta được Thiên Chúa ban cho một địa vị hữu hình nhất định trong Hội Thánh. (x. GLCG, # 1266, để giải thích thêm về “ơn công chính hoá”.) Như dẫn nhập vào cả nghi thức Rửa Tội cho người lớn và trẻ sơ sinh nói rõ rằng qua Bí tích Rửa Tội, chúng ta được kết hợp – vào Đức Kitô và Hội Thánh. Và như trường hợp với ấn tín bí tích được trao ban qua Bí tích Thêm Sức và Truyền Chức Thánh, địa vị trong Hội Thánh có nghĩa là phục vụ trong và cho Hội Thánh.
BÍ TÍCH RỬA TỘI LÀ MỘT GÁNH NẶNG LỚN
Bí tích Rửa tội cho chúng ta địa vị trong Hội Thánh. Nhưng nếu địa vị nghĩa là phục vụ, thì Bí tích Rửa Tội là một gánh nặng cũng như một hồng ân. Tư tưởng này không làm cho chúng ta ngạc nhiên, vì nó có một lịch sử lâu đời như chính bí tích, Trong chuyên luận về Bí tích Rửa Tội (De Baptismo), được viết vào khoảng năm 200, Giáo Phụ Tertullianô đã ghi nhận rằng những người thực sự hiểu điều mà Bí tích Rửa Tội đòi hỏi họ, họ sẽ “sợ lãnh nhận nó hơn là trì hoãn”.
Bí tích Rửa Tội là một gánh nặng vì được rửa tội là cam kết dấn thân theo Đức Kitô. Bí tích Rửa Tội là một gánh nặng vì nó là “cửa ngõ vào đời sống tâm linh”, cửa mở ra cho các bí tích khác, như chúng ta đã thảo luận, không chỉ là những hành động được thực hiện trong nhà thờ, mà còn là những định hướng và hướng dẫn để sống như Hội Thánh. Như chúng ta đã thấy, phụng vụ và các bí tích – Rửa Tội – là công việc. Bí tích Rửa Tội là một tiến trình, không phải là một thành quả, và nếu Bí tích Rửa tội ban hồng ân tha mọi tội lỗi và hình phạt của chúng, thì cũng trao cho người được rửa tội trách nhiệm sống và hành động theo ân sủng ấy. “Gánh nặng Rửa Tội” này được mô tả tốt bằng cách hiểu Bí tích Rửa Tội như một “sự thay đổi quyền sở hữu và lòng trung thành” nơi chúng ta; chúng ta vẫn là đầy tớ và nô lệ, nhưng với Thiên Chúa, chứ không còn với tội lỗi nữa.
Nếu Bí tích Rửa Tội đặt gánh nặng lên chúng ta, thì nó cũng cho chúng ta sức mạnh và những nguồn lực tâm linh để gánh gánh nặng ấy. Chúng ta tìm thấy một gợi ý tinh tế về điều này trong các chương mở đầu của mỗi Tin Mừng nhất lãm (Marcô, Matthêu và Luca). Khi được Thánh Gioan làm phép rửa ở sông Giođang, Chúa Giêsu được Thiên Chúa xác định là Con của Ngài và Người đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Điều xảy ra tiếp theo là điều bất ngờ. Ngay sau khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu đi vào hoang địa để chịu cám dỗ. Trên thực tế, cả ba tác giả Tin Mừng đều nói rõ rằng chính Thần khí dẫn Chúa Giêsu vào hoang địa để chịu cám dỗ. Hiển nhiên là, ngay cả với Chúa Giêsu, được rửa tội và được xác định là Con Thiên Chúa không loại bỏ những thử thách và khó khăn để vâng phục thánh ý của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, điều rõ ràng không kém từ các tường thuật này là Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Chúa Giêsu khi chịu phép rửa và đưa Người vào hoang đoạ cũng chính là Thánh Thần ban cho Người ân sủng – hướng đi, sức mạnh – để trung thành với căn tính của Người như Con Thiên Chúa. Dùng Tin Mừng Thánh Matthêu (4: 1-11) làm chỉ nam, chúng ta có thể thấy làm sao và tại sao Chúa Giêsu tránh được những quyến rũ tội lỗi được đề ra cho Người:
- SATAN: (Ông đã ăn chay bốn mươi ngày …) “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy ra lệnh cho những hòn đá này thành bánh đi.”
- CHÚA GIÊSU: (Ta là Con Thiên Chúa và vì thế Ta sống …) “Người ta sống không chỉ bằng cơm bánh, mà bằng mọi lời nói từ miệng Thiên Chúa phát ra.”
- SATAN: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống [từ nóc Đền Thờ]; vì có lời chép, ‘Ngài sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ ông…”
- CHÚA GIÊSU: (Ta là Con Thiên Chúa; ngươi có thể cám dỗ Ta nhưng …) “Đừng thử thách Chúa, là Thiên Chúa của ngươi.”
- SATAN: “Tất cả các [vương quốc] tôi sẽ tặng cho ông, nếu ông phục xuống và thờ lạy tôi,
- CHÚA GIÊSU: (Ta là Con Thiên Chúa, và vì thế …) “Hãy thờ lạy Chúa, là Thiên Chúa của ngươi và chỉ phụng sự một mình Ngài mà thôi”.
Gánh nặng của Bí tích Rửa Tội là nó làm cho chúng ta việc phụng sự Đức Kitô. Hồng ân của Bí tích Rửa Tội là đó là việc phụng sự Người mà chúng ta cam kết, và đó là ân sủng và sự bảo vệ của Người mà chúng ta nhận được.
Rửa Tội cho Người Lớn trong Hội Thánh Hậu Công Đồng
Sau Công Đồng Vaticanô II, Hội Thánh đã thiết lập Nghi Thức Rửa Tội cho Người Lớn (RCIA). Các nguyên tắc làm nền tảng cho RCIA rất quan trọng không chỉ cho sự hiểu biết của chúng ta về Bí tích Rửa Tội mà còn cho sự hiểu biết của chúng ta về ý nghĩa của việc hành động như Hội Thánh. Chúng ta hãy xem xét ngắn gọn ba nguyên tắc trong các nguyên tắc này.
- Kitô hữu không được sinh ra, họ được tạo ra. “Cụm từ này được trích dẫn từ Tertullianô, ông nhấn mạnh rằng trở thành Kitô hữu không phải là điều ngẫu nhiên xảy ra. Bí tích Rửa Tội, như phụng vụ, là công việc: đó là công ăn việc làm của Kitô hữu, ơn gọi của Kitô giáo. không phải là một nghi thức được thực hiện trong chốc lát (hoặc, như trường hợp của RCIA, sau một thời gian dự tiòng dài), nhưng là một nghi thức có tác dụng và biểu thị việc kết hợp một người vào Đức Kitô và Hội Thánh và do đó uỷ thác cho một người phải sống trong Đức Kitô và Hội Thánh. Được rửa tội không phải là để hoàn thành một điều gì đó, mà là bắt đầu sống một cuộc sống trong và cho Đức Kitô, trong và cho Hội Thánh. Bí tích Rửa Tội là một tiến trình nhập đạo (khai tâm) được phản ánh rõ ràng trong các nghi thức của RCIA, mà chúng ta sẽ xem xét dưới đây.
- Khai tâm bí tích là một tiến trình ảnh hưởng đến toàn thể cộng đồng. Hội Thánh không được chia thành “những người đã được rửa tội” và “những người sắp được rửa tội”. Hai cách mô tả truyền thống về Hội Thánh của chúng ta là “luôn luôn cải tiến, luôn luôn cần cải tiến” và “luôn luôn hòa hợp, luôn luôn cần hòa hợp”. Cùng một mối liên hệ hỗ tương này cũng có thể được áp dụng cho việc nhập đạo. Hội Thánh của chúng ta là một Hội Thánh phải luôn luôn khai tâm các phần tử mới, và là một Hội Thánh phải liên tục tái nhập chính mình vào mầu nhiệm của Đức Kitô mà mình cử hành. Bằng cách đưa vào các phần tử mới, Hội Thánh tham gia vào một tiến trình không ngừng của việc tiếp tục giáo dục và hình thành theo những gì mình làm và tại sao.
- Trở thành một người Công giáo liên quan đến nhiều điều hơn là học “các sự kiện”. Việc học Giáo lý là một phần không thể thiếu được của RCIA, và rõ ràng là việc học giáo lý liên quan nhiều hơn là chỉ học các giáo điều, lịch sử và đặc tính của Hội Thánh. Chắc chắn đây là những điều quan trọng để học; Người Công giáo nên biết phần lớn của những gì được trình bày trong tập sách này, chẳng hạn. Tuy nhiên, cuối cùng, học giáo lý không phải để biết rõ các sự kiện, nhưng để nắm lấy một lối sống: một lối sống được xây dựng và nuôi dưỡng bằng phụng vụ, cầu nguyện chung, linh đạo và các việc tông đồ. Học làm sao Hội Thánh là Hội Thánh cũng quan trọng như học Hội Thánh là gì.
Thần học Hậu Công Đồng nhấn mạnh rằng chúng ta phải coi trọng Hội Thánh. Các nghi thức khai tâm Hậu Công Đồng cho chúng ta biết rằng nếu chúng ta coi trọng Hội Thánh, thì chúng ta cũng phải coi trọng Bí tích Rửa Tội. Rõ ràng, RCIA coi trọng cả Hội Thánh lẫn Bí tích Rửa Tội. Bây giờ chúng ta hãy xem xét ngắn gọn nghi thức Rửa Tội cho người lớn.
CẤU TRÚC VÀ TIẾN TRÌNH CỦA NGHI THỨC RỬA TỘI CHO NGƯỜI LỚN
RCIA bao gồm bốn giai đoạn riêng biệt, mỗi giai đoạn có trọng tâm, mục tiêu và nghi thức phụng vụ riêng phản ánh và hỗ trợ các mục tiêu ấy. Bốn giai đoạn này được tóm lược trong bảng dưới đây:
Giai đoạn | Mục đich | Nghi Thức Phụng Vụ |
TIỀN DỰ TÒNG Tìm hiểu, Có cảm tình | Có ý định đúng dẫn đến Đức Tin | Hoán cải, Cầu Nguyện, Chúc Lành và Trử Quỷ? |
DỰ TÒNG Giáo Lý dự tòng Thiết lập mối liên hệ chính thức với Hội Thánh | Đức Tin dẫn đến Hoán cải | HỌC GIÁO LÝ Các giáo huấn của Hội ThánhPhụng vu & Cầu nguyệnCác việc tông đồ CÁC NGHI THỨC Phụng Vụ Lời Chúa,Tiểu trừ tàChúc lànhXức dầu |
THANH TẨY – SOI SÁNG Tuyển chọn Khả năng Người được soi sáng | Đức Tin đi đến Thanh Tẩy và được Soi Sáng. | THẨM VẤN CN II Mùa Chay – Gioan 4CN IV Mùa Chay – Gioan 9CN V Mùa Chay – Gian 11 TRAO KINH Kinh Tin KínhKinh Lạy Cha |
HIÊP NHIỆM Tân Tòng | Nâng đỡ đến Đức Tin Đức Tin đến Hành Động | Các Thánh Lễ cho tân tòng |
Cha Stasiak đưa ra ba giải thích về những giai đoạn dự tòng như sau:
Thứ nhất, việc dạy giáo lý phù hợp với từng giai đoạn là điều thiết yếu. Một lần nữa, giáo lý về đức tin Công giáo cuối cùng là hướng dẫn trong việc chấp nhận lối sống Công Giáo, và vì vậy liên quan đến nhiều điều hơn là việc truyền thụ “các sự kiện” và giáo huấn của Hội Thánh. Tuy nhiên không được bỏ qua các giáo huấn. Chuẩn bị cho các bí tích gia nhập Hội Thánh hoàn toàn khác với việc đăng ký làm thành viên trong một câu lạc bộ. Hành động có sức mạnh hơn lời nói, nhưng hành động của Hội Thánh được hỗ trợ và liên quan đến các niềm tin, các xác tín và các giáo huấn cụ thể của Hội Thánh.
Thứ hai, ngoại trừ giai đoạn thứ ba (thời kỳ thanh lọc và soi sáng, diễn ra trong Mùa Chay), thời gian của mỗi giai đoạn của tiến trình RCIA cần phải linh động. Trong thực tế, dường như giai đoạn thứ hai, giai đoạn dự tòng, thường bắt đầu với năm học và cần phài kết thúc để giai đoạn thứ ba có thể bắt đầu vào Mùa Chay. Mặc dù đúng là không ai trong chúng ta có thể lãnh nhận bất cứ bí tích nào nếu chúng ta chờ đợi đến khi chúng ta hoàn toàn sẵn sàng hoặc chuẩn bị hoàn hảo, cần phải nhấn mạnh rằng tiến trình RCIA không thể được quy định cách quá chặt chẽ và chắc chắn không nên vội vàng. Mỗi giai đoạn nên kéo dài bao lâu? Câu trả lời lý tưởng là: bao lâu cần thiết, miễn là phải đáp ứng “mục tiêu hoán cải” của từng giai đoạn.
Thứ ba, hầu như giai đoạn dễ bị lãng quên nhất của RCIA ở nhiều giáo xứ là giai đoạn thứ tư, thời kỳ hiệp nhiệm, hay dạy giáo lý hậu rửa tội. Bí tích Rửa Tội là khởi đầu cuộc sống của một người trong Đức Kitô và Hội Thánh của Người, nhưng không phải là tột đỉnh của cuộc sống ấy. Các trường ban giáo lý (DREs) có thể có ảnh hưởng đặc biệt ở đây: dạy giáo lý liên tục, dạy giáo lý hậu rửa tội, rất quan trọng đối với cả những người mới được rửa tội lẫn giáo xứ. Hội Thánh tiếp tục tự khai tâm bằng cách tiếp tục suy niệm về cái chết và việc Phục Sinh của Đức Kitô, mầu nhiệm trung tâm của đức tin chúng ta. Một thời điểm lý tưởng để tập trung biệc suy niệm này là thời gian hiệp nhiệm: thời gian tám tuần bắt đầu với lễ Phục sinh và kết thúc với Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Giáo lý hậu rửa tội – cho những người vừa mới được rửa tội và cho người đã là Công Giáo lâu năm – nên là một đặc điểm thường xuyên của đời sống phụng vụ của một giáo xứ trong suốt mùa Phục sinh.
Rửa Tội cho Trẻ Sơ Sinh trong Hội Thánh Hậu Công Đồng
Phần lớn người Công Giáo đã được rửa tội khi còn nhỏ. Do đó, điều quan trọng là phải nhìn đến Bí tích Rửa Tội trẻ sơ sinh ở một số độ sâu. Câu hỏi được đật ra là: Bí tích Rửa tội của chúng ta có ý nghĩa gì? Nó đã làm gì cho chúng ta?
CHÚNG TA RỬA TỘI CHO TRẺ SƠ SINH VÌ HY VỌNG, CHỨ KHÔNG VÌ SỢ
Nhiều người Công Giáo tin rằng lý do chính để rửa tội cho trẻ sơ sinh là để giải thoát đứa trẻ khỏi T ội Tổ Tông mà qua đó Ađam “…với tư cách là con người đầu tiên, vì tội của mình, đã đánh mất sự thánh thiện và công chính nguyên thủy mà ông đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, không phải cho riêng mình ông nhưng cho tất cả mọi người.” (GLCG, # 416).
Trước đây chúng ta thường được dạy rằng một đứa trẻ chết mà không được rửa tội sẽ sống vĩnh viễn trong tình trạng Lâm Bô. trong đó các em không phải chịu đau khổ, nhưng cũng không được hưởng trọn vẹn niềm vui của Thiên Đàng và phúc kiến. Tuy nhiên Lâm Bô chưa bao giờ là một giáo huấn chính thức của Hội Thánh; đúng hơn, đó là một giả thuyết hay phỏng đoán của một số thần học gia. Trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, Hội Thánh đã chính thức dạy rằng:
Về các trẻ em chết mà chưa được lãnh bí tích Rửa Tội, Hội Thánh chỉ biết phó dâng các em cho lòng thương xót của Thiên Chúa như Hội Thánh đã làm trong nghi lễ an táng dành cho các em….. Hội Thánh cũng hết sức khẩn thiết kêu gọi, đừng ngăn cản các trẻ em không cho chúng đến với Đức Kitô nhờ hồng ân của bí tích Rửa Tội. (# 1261)
TỘI NGUYÊN TỔ CÓ THẬT; NHƯNG ÂN SỦNG MẠNH HƠN
Cho rằng Lâm Bô không có chỗ trong thần học hay thực hành rửa tội cho trẻ sơ sinh không có nghĩa là phủ nhận cả tín điều hay thực tại Tội Nguyên Tổ. Ngay cả một đụng chạm vô tình với những người chung quanh cũng cho chung ta bằng chứng dồi dào rằng Tội Nguyên Tổ vẫn còn sống và sống mạnh. Không coi Lâm Bô như “trạng thái” của trẻ sơ sinh chưa được rửa tội làm giảm bới gia 1trị của giáo huấn rằng Bí tích Rửa Tội là cần thiết cho phần rỗi. Bí tích Rửa tội cần thiết cho phần rỗi vì ân sủng cần thiết cho phần rỗi. Vì ân sủng có được nhở được nhờ cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá; ân sủng được ban cho chúng ta qua sáng kiến yêu thương của Thiên Chúa, cho phép chúng ta được tái sinh nơi giếng Rửa Tội, và nâng đỡ trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn hết ngày qua ngày khác trên cuộc hành trình hoán cải liên tục mà chúng ta gọi là đời sống Kitô hữu.
Đối với các Kitô hữu, Bí tích Rửa tội là phương tiện thông thường (không có nghĩa là “đơn giản” hay “thường lệ”) mà qua đó món quà ân sủng phi thường được trao ban và cử hành. Và đó là ân sủng của Thiên Chúa mà chúng ta cần, không bao giờ bị giới hạn trong các phương tiện thông thường, vì chúng ta không thể “mua” cho mình ơn cứu chuộc được mua cho chúng ta bằng một giá vô giá của thập giá. Món quà ân sủng của Thiên Chúa cần thiết cho phần rỗi của chúng ta, và Bí tích Rửa tội là phương tiện thông thường mà qua đó món quà đặc biệt này được thể hiện, bí tích hóa và được cử hành cho trẻ sơ sinh của các cha mẹ Công giáo.
LÂM BÔ MÀ CHÚNG TA NÊN QUAN TÂM ĐẾN
Mối liên hệ giữa việc rửa tội cho trẻ sơ sinh và Tội Nguyên Tổ không nên là một suy đoán thần học về việc làm sao Thiên Chúa có thể tiếp nhận những đứa trẻ chưa được rửa tội, mà là vấn đề mục vụ về cách cộng đồng Kitô hữu có thể đón nhận các trẻ sơ sinh bằng cách nào để các em có thể học, ngay từ ban đầu, những cách thức và phương tiện của cộng đồng để thắng vượt những ảnh hưởng của Tội Nguyên Tổ điều kéo dài một cách bướng bỉnh trong cuộc sống của tất cả mọi người. Bí tích Rửa tội là bảo chứng và lời hứa rằng trẻ sơ sinh được giải thoát khỏi Tội Nguyên Tổ không phải bởi những dòng nước lững lờ, nhưng bởi dòng nước ân sủng tuôn ra khi các em được biến đổi và đưa vào gia đình của Thiên Chúa và Hội Thánh. Rửa tội cho trẻ sơ sinh có nghĩa là các em được đưa vào một ngôi nhà, được đưa vào một môi trường Kitô giáo, trong đó Lời Chúa được công bố bằng lời nói và hành động ngay từ đầu. Trẻ em học cách trở thành một phần của gia đình bằng cách là một phần của gia đình. Bí tích Rửa tội cho trẻ sơ sinh công bố các em sống và được đào luyện như thế nào. Nếu có một tình trạng Lâm Bô cần được nói đến trong giáo lý rửa tội của chúng ta, thì đó không phải là tình trạng Lâm Bô giả thuyết giữa thế gian và Thiên Đàng, mà là tình trạng Lâm Bô tâm linh hiện diện dưới dạng khá hữu hình trong quá nhiều gia đình ngày nay.
MỘT NGHI THỨC RỬA TỘI MỚI CHO TRẺ EM
Như đã đề cập ở trên, trước khi tu chỉnh các nghi thức bí tích mà Công đồng Vatican II mời gọi, trẻ sơ sinh đã được rửa tội theo một hình thức phỏng theo nghi thức ban đầu dành cho Bí tích Rửa tội của người lớn. Một trong những chỉ thị chung do Công Đồng ban hành là:
Phải duyệt lại nghi lễ Rửa Tội trẻ nhỏ, và thích nghi với thực trạng của trẻ sơ sinh. Hơn nữa, vai trò và bổn phận của cha mẹ cũng như những người đỡ đầu phải được nêu rõ hơn trong chính nghi thức đó. (SC, # 67)
Những người duyệt lại nghi thức đã coi trọng chỉ thị của Công Đồng, và có một số khác biệt lớn trong Nghi thức Rửa tội “mới” dành cho trẻ em (RBC). Các câu hỏi và câu trả lời đóng vai trò quan trọng trong việc cử hành nghi thức rửa tội cho trẻ sơ sinh như trong nghi thức tiền Công Đồng. Tuy nhiên, ai là người trả lời các câu hỏi và trả lời cho ai là điều khác biệt cách rõ rệt.
Trong nghi thức tiền Công Đồng, linh mục đã hòi trực tiếp đứa bé, và cha mẹ đỡ đầu trả lời thay cho các em. Bây giờ thì chính cha mẹ được hỏi và trả lời cho chính mình. Theo cách này, RBC hậu Công Đồng phục hồi tầm quan trọng của cha mẹ của họ trong việc cử hành Bí tích Rửa Tội cho con họ bằng cách nhấn mạnh đến vai trò thiết yếu của những “nhà giáo đầu tiên của con cái họ về cách đức tin” (RBC, # 70). RBC hậu Công Đồng cũng thấy ân sủng và hiệu quả của bí tích như kéo dài trong cuộc sống gia đình và việc dưỡngdục đứa bé (x. RBC, # 3). Trẻ sơ sinh nhận được ân sủng qua Bí tích Rửa Tội, nhưng chính cha mẹ (và cộng đồng của họ) nhận trách nhiệm nuôi dưỡng ân sủng đó. Như RCIS đề nghị, thời gian dự tòng không bao giờ thực sự chấm dứt, vì đức tin phải tiếp tục được hướng dẫn và nuôi dưỡng.
Việc cử hành Bí tích Rửa Tội cho trẻ sơ sinh làm chứng cho sự cam kết của cha mẹ với đức tin của họ được minh chứng thêm bằng việc đổi chỗ một cụm từ quen thuộc trong một trong những chỉ thị của nghi thức tiền Công Đồng. Theo các quy tắc phụng vụ tiền Công Đồng, một trẻ sơ sinh phải được rửa tội quam primum (càng sớm càng tốt) – một chỉ thị khôn ngoan chịu ảnh hưởng bởi việc sợ đưa trẻchết bất ngờ và sự nghi ngờ về số phận đời đời của đứa trẻ. Trong khi nghi thức hậu Công Đồng vẫn giữ nguyên cụm từ này, nhưng đặt nó trong một bối cảnh hoàn toàn khác. Bây giờ không phải trẻ sơ sinh sẽ được đưa đến giếng rửa tội càng sớm càng tốt, nhưng cha mẹ phải trình bày với mục tử quam primum để việc chuẩn bị rửa tội cho con họ có thể bắt đầu (chuẩn bị, như RBC gợi ý, có thể xảy ra thậm chí trước khi đứa trẻ được sinh ra).
CHA MẸ LÀ MỤC TỬ CỦA CON EM HỌ
Việc gia đình là “hội thánh tại gia” đã được viết đến rất nhiều. Vì thế chúng ta cần phải nhấn mạnh nhiều hơn đến vai trò mục tử của cha mẹ trong gia đình. Dĩ nhiên, một phần lớn của sứ vụ ấy là đào luyện và giáo dục đức tin cho con cái, và theo cách này, cha mẹ là các nhà giáo dục Kitô giáo. Nhưng một tác vụ khác mà cha mẹ Kitô giáo được kêu gọi là sự hướng dẫn cầu nguyện hay “phụng vụ” của đời sống gia đình. Kinh nguyện của hội thánh tại gia chắc chắn được thể hiện thường xuyên trong các bữa ăn và khi thức dậy và trước khi đi ngủ, nhưng đây chỉ là một số dịp để hướng dẫn cầu nguyện mà cha mẹ có thể tận dụng.
Một nguồn hữu ích ở đây là Sách Các Phép (Thánh Bộ Phụng Tự, 1984), ngoài phép lành trước và sau khi sinh con hoặc rửa tội (chính nó là phương tiện chuẩn bị tâm linh cho gia đình để cử hành bí tích. ), sách còn gợi ý nhiều phép lành nhắm đến cuộc sống gia đình. Nhiều phép lành này có thể dễ dàng thích nghi để cha mẹ chủ toạ, và trên thực tế, trật tự các phép lành cho con trai và con gái được thiết kế với sự hiểu biết rằng cha mẹ thường “mong muốn Chúa ban phúc lành của Người cho con cái của họ.” Việc khuyến khích sử dụng thường xuyên hơn các tài liệu như vậy có thể giúp các thừa tác viên mục vụ trong nỗ lực đề nghị rằng bí tích không phải là điều chỉ xảy ra trong nhà thờ và trong một vài giây phút. Nó cũng cho các thừa tác viên mục vụ một cơ hội để nhấn mạnh rằng, vì gia đình là hội thánh tại gia, nên cha mẹ là các thừa tác viên chính của Hội Thánh. (Sứ điệp mục vụ của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, Theo đường Tình yêu, là một nguồn hữu ích để cổ võ ý tưởng về tính bí tích của đời sống gia đình.)
Rửa Tội cho Người Lớn và Rửa Tội cho Trẻ Sơ Sinh
Nói về việc rửa tội cho người lớn là nói về một tiến trình lâu dài, được hướng dẫn và chuẩn bị chu đáo. RCIA nói về sự trưởng thành, quyết định và cam kết: những đặc tính trưởng thành phù hợp và hấp dẫn cho thế giới người lớn của chúng ta. Theo nhiều cách, cấp độ trưởng thành phản ánh chính xác nhất ý nghĩa của việc trở thành môn đệ, đi theo Đức Kitô.
Trái lại, việc trẻ sơ sinh “không biết làm gì” khi các em được rửa tội âm thầm nói lên ý nghĩa đặc biệt của việc rửa tội cho trẻ sơ sinh và một chân lý cơ bản về tất cả các bí tích của chúng ta. Vì chính bản chất và hoàn cảnh của việc rửa tội cho trẻ sơ sinh ám chỉ rõ ràng một điều quan trọng và có ý nghĩa của bất cứ cuộc cử hành bí tích nào: Thiên Chúa chủ động trong việc đối xử với chúng ta, nghĩa là ơn của Thiên Chúa đi trước, nâng đỡ và bền vững vượt ra ngoài mọi sự đáp trả của con người.
Việc kể đến sáng kiến này của Thiên Chúa không bàn đến mọi khía cạnh của thần học hay việc cử hành các bí tích, nhưng đưa ra sự suy nghĩ đúng đắn – suy nghĩ thứ nhất – về nguồn gốc và kết cục của thần học, bí tích và phụng vụ: sáng kiến của Thiên Chúa, lòng nhân từ của Thiên Chúa, hành động và ân sủng của Thiên Chúa. Việc rửa tội cho trẻ sơ sinh chỉ đến một chân lý cơ bản về tất cả các bí tích của chúng ta, một chân lý mà chúng ta rất thường xuyên và dễ bỏ lại giếng rửa tội khi chúng ta bước vào nhà thờ để cử hành phụng vụ của người lớn hoặc khi chúng ta đi về nhà theo đuổi những công việc của chúng ta. Việc rửa tội cho trẻ sơ sinh nhắc nhở chúng ta rằng “ngay từ ban đầu đã có Thiên Chúa”, rằng Thiên Chúa này biết chúng ta trong lòng mẹ và ngay cả những người trưởng thành đến với đức tin cũng đến vì lời Chúa đã mời gọi họ.
Khi trẻ sơ sinh được đưa đến giếng rửa tội, cũng như người lớn được đưa đến đức tin, hay đúng hơn, đức tin được đưa đến cho họ – rất lâu trước khi họ nhận ra rằng mình cần nó hoặc sẵn sàng chấp nhận những đòi hỏi mà nó sẽ đặt ra cho cuộc sống của họ. Mặc dù sau Công Đồng, người ta nhấn mạnh nhiều về Bí tích Rửa Tội như một “bí tích đức tin”, chúng ta phải nhìn nhận rằng đức tin, trước hết, là một hồng ân. Hoán cải là khúc quanh của cuộc sống và việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Nhưng nó cũng đứng yên và yên lặng đủ lâu để chúng ta có thể nhận ra nơi chúng ta đã ở và nơi chúng ta đã thuộc về vì chúng ta đã được Thiên Chúa nhận. Đối với những người được rửa tội khi còn là trẻ sơ sinh, ân sủng của việc chúng ta tiếp tục hoán cải khi trưởng thành là sự trở lại thường xuyên của chúng ta với ân sủng được ban cho chúng ta trong Bí tích Rửa Tội, ân sủng để biết chúng ta là ai và chúng ta thuộc về ai.
Vì thế, chúng ta cũng không nên bối rối hay băn khoăn khi nghĩ đến “sự thụ động” của trẻ sơ sinh lúc chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, và chúng ta cũng không nên đặt lời của người lớn vào miệng các em. Vì trong việc rửa tội cho trẻ sơ sinh, như việc nhập đạo của người lớn, việc tha tội hay Xức Dầu Bệnh Nhân, chính Lời Chúa và ân sủng là điều tác dụng, biến đổi, hòa giải và an ủi chúng ta.
Sự đáp trả và hợp tác của chúng ta với ân sủng này, là việc “mở món quà” mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, chắc chắn phải được mời gọi và quảng bá trong cầu nguyện và phụng vụ của chúng ta. Nhưng bản chất và hoàn cảnh của việc rửa tội cho trẻ sơ sinh thách đố Hội Thánh trưởng thành nhớ rằng Thiên Chúa không đợi đến khi chúng ta sẵn sàng và muốn nghe lời Chúa trước khi nói Lời ấy với chúng ta. Mặc dù chúng ta lệ thuộc vào Lời ấy, việc ban ơn cách nhưng không của Thiên Chúa không lệ thuộc vào khả năng đáp trả của chúng ta. Ngay cả khi người lớn trở lại với Thiên Chúa trong cơn quẫn bách, họ thực sự tự quay về để có thể thấy Ngài, Đấng mà người con hoang đàng thấy khi cậu “hồi tâm”. Cha cậu đã ở trước cửa, kiên nhẫn chờ đợi cậu trở về, kiên nhẫn chờ đợi đứa con của ông trở về với ân sủng mà ông đã ban cho cậu bằng tình yêu của người cha ngay từ lúc ban đầu (xem Lc 15: 11-32).
Rửa tội cho người lớn và trẻ sơ sinh là một bí tích, nhưng mỗi cách nhấn mạnh một chân lý khác nhau cần thiết cho sự hiểu biết của chúng ta về toàn bộ câng trình bí tích. Việc rửa tội cho người lớn nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta phải là những Kitô hữu sẵn sàng, có ý thức, có chủ ý. Việc Rửa tội cho trẻ sơ sinh nhắc cho chúng ta rằng Thiên Chúa không những chỉ là cùng đích của cuộc đời chúng ta mà Ngài còn đi bước trước trong việc ban ân sủng để chúng la làm con cái Ngài.
Bí tích Rửa tội bắt đầu tiến trình khai tâm Kitô giáo suốt đời: một tiến trình hội nhập vào Đức Kitô và Hội Thánh của Người, la tiến trình vừa “hoàn tất”, vừa được duy trì và nuôi dưỡng, bởi bí tích Thánh Thể, mà Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh (Lumen Gentium) gọi là “nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu” (# 11), là điều giờ đây chúng ta hướng đến.
TÓM LƯỢC
- Bí
tích Rửa tội là “nền tảng của toàn thể đời sống Kitô hữu, là cửa ngõ của đời sống
trong Thần Khí, … và là cửa mở ra cho chúng ta đến cùng các bí tích khác”.
- Hai tác dụng chính của Bí tích Rửa tội là thanh luyện khỏi tội lỗi và tái sinh trong Chúa Thánh Thần. Những hình ảnh khác diễn tả ý nghĩa của bí tích Rửa Tội bao gồm việc nhận làm nghĩa từ, thay đổi sự trung thành, một thụ tạo mới.
- Bí tích Rửa Tội ban ân sủng và một ấn tín bí tích. Ân sủng ban cho một người sự sống trong Đức Kitô, và ấn tín ban cho một người một tình trạng hay địa vị nhất định trong Hội Thánh. Địa vị này là để phục vụ.
- Coi trọng Hội Thánh là coi trọng Bí tích Rửa Tội. Coi trọng Bí tích Rửa Tội nghĩa là hiểu Bí tích Rửa Tội như một tiến trình, chứ không phải một thành quả. “Công việc” của Bí tích Rửa tội chỉ bắt đầu ở giếng rửa tội.
- Trong cuộc cử hành của cả Bí tích Rửa tội cho người lớn và trẻ sơ sinh, chính “đức tin của người lớn” – đức tin của người dự tòng, đức tin của cha mẹ trẻ sơ sinh được thẩm vấn, thách đố và hy vọng rằng được củng cố.
- Rửa tội cho người lớn là điển hình trong ba hoặc bốn thế kỷ đầu. Rửa tội cho trẻ sơ sinh chỉ xảy ra khi cả gia đình trở lại và được cùng nhau rửa tội. Việc hợp pháp hóa Kitô giáo và cuối cùng việc thiết lập Kitô giáo làm quốc giáo của Đế quốc Rôma, cùng với việc truyền giáo cho các bộ lạc người Đức du mục đã dẫn đến việc thiết lập nghi thức rửa tội cho trẻ sơ sinh như điển hình.
- Nghi thức Rửa Tội cho Trẻ Em hướng các câu hỏi đến cha mẹ của đứa trẻ và không đến chính trẻ sơ sinh; đặt trọng tâm vào cha mẹ là nhà giáo dục đức tin đầu tiên của con cái. Ngoài ra, thay vì nói rằng trẻ sơ sinh nên được rửa tội càng sớm càng tốt, văn bản tuyên bố rằng cha mẹ nên bắt đầu chuẩn bị càng sớm càng tốt. Cuối cùng, có một nhấn mạnh về sự cần thiết phải đảm bảo rằng có một hy vọng được thiết lập rằng đứa trẻ sẽ được nuôi dưỡng trong đức tin; nếu không thì nên trì hoãn việc rửa tội.
- Giáo lý Dự Tòng cho người trưởng thành đã chính thức được tái lập với việc ban hành Nghi thức Khai Tâm Kitô Giáo cho Người Lớn vào năm 1972.
- Các giai đoạn đào luyện trong RCIA là gia đoạn tiền dự tòng (thời gian người ta tìm hiểu), giai đoạn dự tòng thích hợp (người ta là dự tòng), giai đoạn thanh tẩy và soi sáng (người là người được tuyển chọn) và giai đoạn hiệp nhiệm (người ta là tân tòng)
- Hoán cải là tiến trình quay cuộc đời của một người trở lại với Thiên Chúa (Understanding the Sacraments Today, trang 10). Rửa tội của người lớn vì cho là họ có hoán cải cuộc sống. Rửa tội cho trẻ sơ sinh được thực hiện để tạo điều kiện hoán cải hậu rửa tội. Trẻ em trong tuổi học giáo lý phải biểu thị một mức độ hoán cải phù hợp với tuổi của chúng.
- Các nguyên tắc thần học cần thiết để hiểu việc rửa tội cho trẻ em là Bí tích Rửa Tội, giống như tất cả các bí tích, là ân sủng thuần tuý mà trong đó Thiên Chúa chủ động và đức tin mà các em được rửa tội vào là một đức tin cộng đồng đến mức sự phát triển căn tính của con người giữa một cộng đồng trong khi là một phần tử của cộng đồng là điều hợp lý.
- Bí tích Rửa tội là quà tặng vì nó đến từ sáng kiến tự do của Thiên Chúa và không kiếm được. Bí tích Rửa tội là một gánh nặng trong đó những người chấp nhận món quà rửa tội được mong đợi sẽ sống cuộc sống Kitô hữu mà họ đã được nhập vào.
- Bí tích Rửa tội là cần thiết cho ơn cứu rỗi cho những người mà Tin Mừng đã được loan báo và những người có khả năng xin lãnh nhận bí tích này (GLCG, số 1257). Mọi người không biết gì về Tin Mừng của Đức Kitô và Hội Thánh của Người, nhưng tìm kiếm chân lý và làm theo Thánh Ý của Thiên Chúa theo sự hiểu biết của mình, có thể được cứu rỗi (CCC, số 1260).
CÂU HỎI ĐỂ SUY NGHĨ VÀ THẢO LUẬN
- Nói rằng Bí tích Rửa Tội là một “gánh nặng” có nghĩa gì? Làm sao Bí tích Rửa Tội có thể là một “hồng ân” và một “gánh nặng” cùng một lúc?
- Hội Thánh tự “tái khai tâm” như thế nào khi các thành viên mới nhập đạo? RCIA hỗ trợ lời nóicủa Tertullianô rằng “Kitô hữu không được sinh ra, họ được tạo ra”?
- Vai trò của cha mẹ là gì trong thời hậu Công Đồng? Bằng cách nào chúng ta có thể khuyến khích các phụ huynh nhận ra chính họ và hành động như mục tử Kitô giáo của con cái họ? Một chương trình chuẩn bị rửa tội dành cho cha mẹ sẽ như thế nào nếu một trong những chủ đề chính của nó, “Xây dựng một gia đình, Xây dựng Hội Thánh Tại Gia”?
- Làm sao chúng ta có thể coi nghi thức Rửa Tội cho trẻ sơ sinh là một kiểu mẫu cho điều xảy ra trong mọi cử hành bí tích? Nghi thức Rửa tội cho trẻ sơ sinh có thể cho chúng ta biết gì về đức tin của người lớn?