Introduction to Scripture – Dẫn Nhập vào Thánh Kinh

Thánh Giêrônimô nói: “Không biết Thánh Kinh là không biết Đức Kitô”.  Thực vậy, Công Đồng Vaticanô II so sánh Thánh Kinh với mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể vì Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa được viết bằng ngôn ngữ của loài người.  Vì thế biết Thánh Kinh là biết Đức Kitô vì cả hai đều là Lời của Thiên Chúa.

Nhưng nếu Thánh Kinh bị giải thích hoặc hiểu cách sai lạc thì những lời của Thánh Kinh không còn là Lời của Thiên Chúa nữa mà là lời của loài người.  Chính vì thế mà Thánh Phêrô cấm chúng ta không được giải thích Thánh Kinh theo ý riêng: “không một lời tiên tri nào trong Sách Thánh được giải thích theo ý riêng. Vì không bao giờ một lời tiên tri được nói ra do ý muốn người phàm, nhưng do những thánh nhân của Thiên Chúa được linh hứng bởi Chúa Thánh Thần mà nói ra.” (2 Phr 1:20-21).  Ngài còn long trọng cảnh cáo khi nói về các Thư của Thánh Phaolô và các câu Thánh Kinh khác: “Trong các thư đó, có vài điều khó hiểu, mà những kẻ vô học và nông nổi xuyên tạc, cũng như với những câu Kinh Thánh khác, để đưa chúng đến chỗ diệt vong” (2 Phr 3:16).

Lớp Dẫn Nhập vào Thánh Kinh là lớp thứ nhất của 3 lớp căn bản về Thánh Kinh. Mục đích chính của lớp là giúp các học viên hiểu “Hội Thánh Công Giáo hiểu, tiếp cận, giải thích và sử dụng Thánh Kinh như thế nào”.  Lớp sẽ cung cấp cho các học viên một cái nhìn tổng quát về toàn bộ Thánh Kinh và những nguyên tắc giải thích Thánh Kinh theo Huấn Quyền của Hội Thánh Công Giáo để tránh những cách giải thích sai lầm có thể nguy hiểm đến sự sống đời đời của chúng ta.  Khoá cũng giúp học viên hiểu sự liên hệ giữa Tân Ước và Cựu Ước, cùng phân biệt giữa Thánh Kinh Công Giáo và Tin Lành.  Cuối cùng khoá sẽ đề nghị cho học viên cách sống Lời Chúa hằng ngày qua các phương pháp cầu nguyện bằng Thánh Kinh, suy tư thần học và áp dụng Lời Chúa vào các hoàn cảnh sống khác nhau cùng chia sẻ Lời Chúa với người khác.

Các chủ đề chính là:

  1. Các thắc mắc thông thường của người trẻ về Thánh Kinh.
  2. Sự liên hệ giữa giữa Mặc Khải của Thiên Chúa, Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn Quyền của Hội Thánh.
  3. Sự giống nhau và khác nhau giữa Thánh Kinh của Công Giáo, Tin Lành và Chính Thống Giáo.
  4. Làm sao đọc và giải thích Thánh Kinh theo giáo huấn của Hội Thánh để tránh sai lầm.
  5. Ơn “Linh hứng”, “Không sai lầm” và “Mặc Khải”
  6. Các ngôn ngữ và văn thể của Thánh Kinh.
  7. Dẫn nhập và Cựu Ước và sự liên hệ của nó với Tân Ước.
  8. Dẫn nhập vào Tân Ước, vấn đề Nhất Lãm, Tin Mừng Thánh Gioan, Công Vụ, các Thánh Thư và Sách Khải Huyền.
  9. Nước Thiên Chúa, Lời Rao Giảng ban đầu, việc Phúc Âm Hoá và Truyền Giáo thời các Tông Đồ và các Giáo Phụ.
  10. Dụ ngôn và vai trò của nó trong việc rao giảng Tin Mừng.
  11. Việc Phát Triển Học Thuyết trong Hội Thánh.
  12. Vai trò của Thánh Kinh trong đời sống Hội Thánh và cá nhân.

Các Bài Học

Bài 1A – Mặc Khải Tự Nhiên

Bài 1B – Mặc Khải Siêu Nhiên

Bài 2 – Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn Quyền

Bài 3 – Chân Lý Linh Hứng trong Thánh Kinh

Bài 4 – Các Nghĩa của Thánh Kinh

Bài 5 – Học Thuật Thánh Kinh

Bài 6 – Giao Ước

Bài 7 – Sự Liên Hệ giữa Cựu Ước và Tân Ước

Bài 8 – Các Tin Mừng Nhất Lãm