Thánh Truyền, Thánh Kinh và Huấn Quyền

Chúa Kitô, nơi Người toàn thể Mạc Khải của Thiên Chúa tối cao được gồm tóm, đã truyền lệnh cho các Tông Đồ rao giảng Tin Mừng, là điều đã được Thiên Chúa hứa từ trước qua các Ngôn sứ, và được Người làm cho nên trọn nơi chính mình và đã công bố bằng chính miệng Người. Khi rao giảng Tin Mừng, các Tông Đồ thông truyền hồng ân của Thiên Chúa cho mọi người. Tin Mừng này phải là nguồn mạch của mọi chân lý cứu rỗi và luật lệ luân lý. (Dei Verbum, 7).

Như thế, rõ ràng là theo ý định hết sức khôn ngoan của Thiên Chúa, Thánh Truyền, Thánh Kinh và Huấn Quyền của Hội Thánh được nối kết và liên đới với nhau đến nỗi không một cái nào có thể đứng vững một mình không cần hai cái kia; và dưới tác động của một Chúa Thánh Thần duy nhất, cả ba cùng góp phần hữu hiệu vào việc cứu độ các linh hồn, mỗi bên theo phương cách riêng (Dei Verbum, 10)

“‘Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý’ (1 Tim 2:4): tức là nhận biết Chúa Giêsu Kitô.  Chúa Kitô phải được rao giảng cho mọi dân tộc, để Mặc Khải này được lan rộng đến tận cùng trái đất” (GLCG 74).  Mặc Khải này được truyền lại cho chúng ta trong Hội Thánh qua các Thánh Tông Ðồ và những người kế vị các ngài.

1.   Một Lời Duy Nhất Chúa của Thiên Chúa

Đối với người Tin Lành, chỉ có Thánh Kinh mới là Lời Chúa và là luật đức tin duy nhất.  Còn với người Công Giáo, thì Chúa Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, mới là Lời duy nhất của Thiên Chúa; Thánh Kinh chỉ là Lời Chúa dưới dạng văn tự, được các Thánh Ký viết xuống mà thôi.

Để mặc khải chính Mình cho con người, Thiên Chúa đã nói với họ bằng ngôn ngữ loài người. Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa đã mặc lấy thân xác yếu hèn của con người và nên giống họ để mặc khải Thiên Chúa cho họ. Cũng Lời Chúa này đã trải rộng khắp Thánh Kinh. Cho nên Thiên Chúa nói với chúng ta qua Thánh Kinh, như Ngôi Lời đã làm người để nói với chúng ta (GLCG 101-104).

Như được viết trong thư Do Thái: “Thuở xưa, Thiên Chúa đã phán cùng cha ông chúng ta bằng nhiều phần và bằng nhiều cách qua các ngôn sứ; nhưng vào những ngày sau hết này, Ngài đã phán cùng chúng ta qua một người Con, Ðấng mà Ngài đã cho thừa tự mọi sự, và cũng nhờ Người mà Ngài đã tạo dựng vũ trụ.” (Dt 1:1-2).  Trong Người mặc khải đạt đến tột đỉnh, vì Người “vừa là đầng trung gian và sự sung mãn của mọi mặc khải” (DV 2).  Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo viết:

Qua tất cả các lời ở trong Thánh Kinh, Thiên Chúa chỉ nói một Lời, là (Ngôi) Lời duy nhất của Ngài. Trong Ngôi Lời, Thiên Chúa bày tỏ tất cả về chính mình Ngài [x. Dt 1:1-3] (102).

Và được Dei Verbum giải thích thêm:

(Chúa Giêsu)…  bằng toàn thể sự hiện diện và tỏ mình ra bằng lời nói và việc làm, bằng các dấu chỉ và phép lạ, nhất là bằng cái chết và sự sống lại vinh quang từ trong kẻ chết, sau cùng bằng việc cử Thánh Thần chân lý đến, Người đã bổ túc và hoàn tất mạc khải và xác nhận mạc khải bằng một chứng cứ thần linh là Thiên Chúa ở với chúng ta để giải thoát chúng ta khỏi bóng tối tội lỗi và sự chết, rồi cho chúng ta sống lại để được sống đời đời (DV 5).

Khi Chúa Kitô còn sống ở thế gian này, Người đã không viết một cuốn sách nào về giáo huấn của Người, nhưng Người tuyển chọn các môn đệ, đặc biệt là mười hai Tông Đồ, để “các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3:14). Trong thời gian ba năm “ở với Người”, các Tông Đồ không những được Chúa dạy dỗ riêng về giáo huấn của Người, mà còn học cách sống của Người và chia sẻ buồn vui với Người như “bạn hữu” thân tình (x. Ga 15:14-15).  Trước khi về trời, Chúa Kitô truyền cho các Tông Ðồ rao giảng Tin Mừng cho toàn thể nhân loại (x. Mc 16:15; Mt 28:19-20).  Tin Mừng này là nguồn gốc của mọi chân lý cứu độ và quy luật về luân lý.

Vâng lệnh Chúa Giêsu, các Tông Đồ đã ra đi rao giảng trước hết bằng lời nói của các ngài. Theo Sách Tông Đồ Công Vụ thì có lẽ trong thời ban đầu các ngài hoặc sống chung với nhau hoặc thường xuyên gặp gỡ nhau để cùng nhau cầu nguyện và chia sẻ sứ vụ (x. Cv chương 1 đến 12). Chắc chắn trong thời gian đó các ngài cũng chia sẻ những gì mỗi người đã học được từ Chúa Giêsu và từ Chúa Thánh Thần để rồi thống nhất về những gì các ngài sẽ giảng dạy. Truyền thống có lẽ không sai khi gán cho Thánh Matthêu là tác giả Tin Mừng đầu tiên vì ngài là vị thông thạo tiếng Do Thái, Aram và Hy Lạp hơn các Tông Đồ khác.  Lả một người cũng có tên là Lêvi, chắc chắn rằng ngài thuộc dòng Lêvi và được học Thánh Kinh cũng như các nghi lễ để phục vụ Đền thờ trước khi trờ thành người thu thuế.  Như thế Thánh Matthêu có thể đã giữ vai thư ký ghi chép lại những gì các Tông Đồ muốn giảng dạy trước hết bằng tiếng Do Thái hay Aram khi các ngài còn rao giảng ở Palestine, rồi sau đó cũng chíng ngài dịch chúng ra tiếng Hy Lạp khi các Tông Đồ bắt đầu rao giảng ngoài Palestine và cho dân ngoại.  Có lẽ cuối cùng Thánh Matthêu cập nhật hóa các ghi chép này để tạo thành Tin Mừng của ngài như chúng ta có hôm nay. Như thế Tin Mừng của Chúa Giêsu trước hết được truyền qua các Tông Đồ mà chúng ta gọi là Truyền thống các Tông Đồ.

2.  Hai Cách Truyền Lưu Truyền

Truyền Thống các Tông Ðồ

Người Tin Lành thường tố cáo người Công Giáo là theo truyền thống của loài người tương tự như Chúa Giêsu tố cáo các Biệt Phái (x. Mt 15:3; Mk 7:9; Mk 7:13). Tuy nhiên, có thể họ hiểu lần giữa truyền thống của loài người hay truyền thống (chữ thường) với Truyền Thống của các Tông Đồ hay Thánh Truyền (chữ hoa) mà Thánh Phaolô khuyên chúng ta phải giữ chặt lầy trong các Thư của ngài (1 Cor 11:2; 2 Th 2:15).  Thực ra, cả đạo Công Giáo và đạo Tin Lành đều có những truyền thống của loài người. Các truyền thống ấy phản ánh trong cách giải thích Thánh Kinh, cách thờ phượng và giảng dạy. Chúng đến từ các vị sáng lập ra các hội thánh ấy. Đó là lý do tại sao chúng ta có những truyền thống khác nhau như truyền thống La Tinh, Byzantine, Anh giáo, Lutherô và Calvin, v.v….  Những truyền thống này phải lệ thuộc vào Thánh Truyền được các Tông Đồ và các người kế vị các ngài truyền lại mà chúng ta gọi là Truyền Thống các Tông Đồ.

Các Tông Ðồ truyền lại Tin Mừng các ngài nhận được bằng hai cách:

  • “truyền khẩu” qua lời giảng dạy, bằng gương sáng, bằng những thể chế mà các ngài thiết lập, và
  • “bằng văn tự” qua Thánh Kinh, được các Tông Đồ và các cộng sự viên của các ngài viết, dưới sự linh hứng của cùng một Thánh Thần.

Để Tin Mừng trọn vẹn và sống động luôn luôn được bảo toàn trong Hội Thánh, các Tông Đồ để lại cho chúng ta các giám mục là những người kế vị các ngài.  Các ngài ban cho họ chính chức năng giáo huấn của các ngài. Lời giảng dạy của các Tông Đồ được diễn tả cách đặc biệt trong các sách được linh hứng, được bảo toàn qua việc kế vị không gián đoạn cho đến tận thế. Sự lưu truyền sống động này được hoàn thành nhờ Chúa Thánh Thần được gọi là Thánh Truyền (GLCG 75-79).

Qua dòng thời gian, thỉnh thoảng có những giám mục hoặc linh mục hiểu sai các giáo huấn của Chúa và giải thích sai Thánh Kinh. Để sửa chữa những sai lầm này, Hội Thánh theo gương các Tông Đồ trong sách Tông Đồ Công Vụ (Cv 15:1-30), cũng triệu tập Công Đồng để các giám mục cùng nhau giải quyết vấn đề ấy và công bố các định tín nghĩa là định nghĩa đúng về những điều phải tin.

Sự Liên quan giữa Thánh Truyền và Thánh Kinh

Thánh Kinh và Thánh Truyền liên hệ mật thiết với nhau, và thông truyền cho nhau. Vì cả hai đều phát sinh từ chung một nguồn là Thiên Chúa, hợp lại với nhau để thành một điều duy nhất, và chuyển về cùng một mục đích.  Cả hai đều làm cho mầu nhiệm của Chúa Kitô được hiện diện và sinh hoa kết quả trong Hội Thánh. Nhưng chúng có hai cách lưu truyền khác nhau:

  • Thánh Kinh là Lời Chúa được ghi lại bằng văn tự dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần.
  • Thánh Truyền là trọn vẹn Lời Chúa mà Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần đã trao phó cho các Tông Ðồ, và truyền lại trọn vẹn cho những người kế vị các ngài. “Nhờ được ánh sáng của Thần chân lý dẫn đưa, các ngài có thể trung thành gìn giữ Lời Chúa, trình bày và phổ biến Lời ấy rộng rãi hơn trong khi rao giảng” (x. Dei Verbum 9).

     Thánh Truyền cần được phân biệt với những   truyền thống thần học, kỷ luật, phụng vụ hoặc phụng tự, phát sinh từ các Hội Thánh địa phương theo thời gian như đã nói ở trên. Các truyền thống này có thể thay đổi, còn Thánh Truyền thì không thay đổi được (GLCG 80-83).

Việc giải thích Gia Tài Ðức Tin

Huấn Quyền – Thánh Kinh và Thánh Truyền hợp thành một Kho Tàng  Đức Tin.  Các Tông Ðồ trao phó “Kho tàng Thánh” cho toàn thể Hội Thánh để giữ gìn và truyền lại cho đến tận thế. Nhiệm vụ giải thích được ủy thác cho các giám mục hiêp thông với ĐGH. Điều này được gọi là Huấn Quyền của Hội Thánh. Huấn Quyền là người phục vụ Lời Chúa và chỉ dạy những gì đã được truyền lại mà thôi. Chúng ta có nhiệm vụ vâng phục Huấn Quyền như Chúa Giêsu đã truyền trong Luca 10:16 (GLCG 84-100).

Huấn quyền gồm có Đức Thánh Cha và tất cả các Giám Mục hiệp thông với ngài. Giáo huấn của huấn quyền có thể là thông thường và bất khả ngộ.

Trong hầu hết các trường hợp, giáo huấn của Đức Thánh Cha và các Giám Mục hiệp thông với ngài là giáo huấn thông thường. Chúng giúp hiểu biết hơn về Mặc Khải về các vấn đề đức tin và luân lý. Với giáo huấn thông thường này các tín hữu “phải gắn bó bằng sự vâng phục đạo hạnh” (GLCG 892).

Giáo Huấn Bất Khả Ngộ (không sai lầm) xảy ra khi Huấn Quyền dạy:

  • các giáo lý hàm chứa trong Lời Chúa, bằng văn tự hoặc được truyền lại, được đưa ra để chúng ta tin như là được Thiên Chúa mặc khải.
  • Các giáo lý được đề ra một cách dứt khoát bởi Hội Thánh về các giáo huấn về đức tin hoặc luân lý.

Các giáo lý nảy có thể là:

  • Một định tín bởi ĐTC khi ngồi trên “tòa Thánh Phêrô”, như tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm.
  • Bởi Huấn Quyền Ngoại Thường: một thực thi đặc biệt của huấn quyền bởi ĐTC cùng với các Giám Mục, hay bởi một mình D, trong đó một phán quyết dứt khoát được ban ra. Hay khi Công Đồng Chung công bố một định tín long trọng. Các định tín của Công Đồng Nicê và Trentô là thí dụ điển hình cho Huấn Quyền của các Công Đồng. Giáo huấn của Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI về ngừa thai và của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về việc truyền chức cho các phụ nữ là thí dụ vầ phán quyết dứt khoát của các Đức Gíao Hoàng.
  • Sự không sai lầm được đề nghị bởi Huấn Quyền Thông Thường và Phổ Quát. Đây là giáo huấn thông thường nhưng được dạy cách phổ quát bởi tất cả các Giám Mục hiệp thông với Đức Giáo Hoàng dưới ba điều kiện sau đây: (1) các ngài dạy trong khi “giữ mối dây liên hệ hiệp thông với nhau và với Đấng Kế Vị Thánh Phêrô”, (2) các ngài “dạy cách chân thật những vấn đề về đức tin và luân lý”, và “các ngài đồng ý với nhau về cùng một lập trường như phải được dứt khoát tuân giữ” (X. Lumen Gentium 25). Những giáo huấn về phá thai và bác sĩ trợ tử là những thí dụ điển hình về loại giáo huấn này.

Các Tín Điều của Đức TinHuấn Quyền của Hội Thánh thực thi quyền bính lãnh nhận từ Chúa Kitô cách trọn vẹn nhất khi xác định các tín điều. Các tín điều soi sáng đời sống tâm linh của chúng ta và củng cố nó.  Khi các chân lý thiết yếu được Huấn Quyền long trọng công bố như các tín điều, thì tất cả dân thánh phải tin.  Trong các tín điều Công Giáo, có một trật tự hay nấc thang chân lý, vì các chân lý ấy khác nhau trong sự tương quan của chúng với nền tảng của đức tin Kitô giáo (GLCG 88-90).

Sự tăng trưởng trong hiểu biết về đức tinNhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, sự hiểu biết về cả những thực tại lẫn những lời của gia tài đức tin có thể gia tăng trong đời sống Hội Thánh, nhờ việc các tín hữu suy niệm, học hỏi và nghiên cứu thần học, và cảm nghiệm và sống Lời Chúa.  Thánh Truyền, Thánh Kinh và Huấn Quyền Hội Thánh cùng làm việc với nhau bằng những cách riêng biệt, dưới tác động của cùng một Thánh Thần, cả ba cơ cấu đều góp phần hữu hiệu vào việc cứu rỗi các linh hồn (GLCG 94-95).

Câu Hỏi để Suy Nghĩ và Thảo Luận

  • Lời Chúa là gì?
  • Truyền thống và Thánh Truyền khác nhau thế nào?
  • Có phải Thánh Kinh chứa đựng tất cả mọi điều chúng ta phải tin không?
  • Vai trò của Huấn Quyền của Hội Thánh là vai trò gì?

Có phải tất cả mọi điều Đức Giáo Hoàng dạy là không sai lầm không? Tại sao?

Bài đọc thêm

Diễn từ của ĐTC Bênêđictô XVI dành cho thành viên của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh