CHƯƠNG 8 – MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI

Tải bài dưới dạng PDF.

Trong những bài trước chúng ta đã biết rằng Thiên Chúa dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Ngài và giống Ngài.  Thiên Chúa muốn cho chúng ta được sống hạnh phúc muôn đời trong tình bằng hữu với Ngài.  Nhưng vì tội nguyên tổ, con người đã mất tình trạng thánh thiện và công chính nguyên thuỷ, trở nên xa đoạ và thù nghịch với Thiên Chúa. Nhưng bất kể tội lỗi chúng ta, Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta hết tình.  Ngài đã cho Con Một Ngài xuống thế làm người để cứu chuộc chúng ta và mặc khải về Chính Ngài cho chúng ta.  Qua Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu, chúng ta đã được giải thoát khỏi ách nô lệ và tội lỗi.  Trước khi về trời, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ ra đi rao giảng Nước Trời cho môn dân và rửa tội cho họ. Chúng ta được rửa tội “nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”  Qua mệnh lệnh này và qua những gì Người đã dạy, Chúa Giêsu đã mặc khải về Chúa Cha và về Ba Ngôi Thiên Chúa cho chúng ta.

Giáo Lý về Thiên Chúa Cha

Thiên Chúa là Cha

238. Việc khẩn cầu Thiên Chúa với tước hiệu là “Cha” đã được biết đến trong nhiều tôn giáo. Thượng Đế thường được coi như “cha của các vị thần và của người phàm”. Trong dân Israel, Thiên Chúa được gọi là Cha, với tư cách là Đấng tạo dựng trần gian. Hơn nữa Thiên Chúa còn là Cha vì Ngài đã lập Giao ước và ban Lề luật cho dân được gọi là “Israel con đầu lòng của Ta” (Xh 4:22). Ngài cũng được gọi là Cha của vua Israe. Và đặc biệt hơn nữa, Ngài là “Cha của người nghèo”, của cô nhi, quả phụ, những kẻ được Ngài thương yêu che chở.

239. Khi gọi Thiên Chúa là “Cha”, ngôn ngữ đức tin chủ yếu muốn nêu lên hai khía cạnh: Thiên Chúa là nguồn gốc thứ nhất và là Đấng uy quyền siêu việt trên hết mọi sự, đồng thời là Đấng nhân hậu và yêu thương chăm sóc mọi con cái của Ngài. Tình phụ tử này của Thiên Chúa cũng có thể được diễn tả qua hình ảnh tình mẫu tử. Hình ảnh tình mẫu tử nói lên rõ hơn sự gần gũi của Thiên Chúa và sự thân mật giữa Thiên Chúa với thụ tạo của Ngài. Như vậy, ngôn ngữ đức tin múc nguồn nơi kinh nghiệm phàm nhân về cha mẹ, các vị này một cách nào đó, là những đại diện đầu tiên của Thiên Chúa đối với con người. Nhưng kinh nghiệm đó cũng cho thấy rằng, cha mẹ phàm nhân có thể phạm sai lầm và họ có thể làm méo mó dung mạo của tình phụ tử và mẫu tử. Vì vậy phải nhớ rằng, Thiên Chúa siêu việt hẳn trên sự phân biệt phái tính của phàm nhân. Ngài không là nam mà cũng không là nữ. Ngài là Thiên Chúa. Ngài cũng siêu việt hẳn trên sự làm cha làm mẹ của người phàm42, mặc dù Ngài là nguồn gốc và là chuẩn mực43 của chức năng làm cha làm mẹ: không ai là cha như Thiên Chúa là Cha.

240. Chúa Giêsu đã mạc khải Thiên Chúa là “Cha” theo một nghĩa chưa từng có: Ngài là Cha không những vì Ngài là Đấng Tạo Hoá, nhưng từ đời đời Ngài là Cha trong tương quan với Con duy nhất của Ngài, Đấng từ đời đời là Con trong tương quan với Cha của Người: “Không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho” (Mt 11:27).

Thiên Chúa là Ðấng Toàn Năng

Thiên Chúa Toàn Năng có quyền trên vạn vật vì Ngài tạo dựng, điều khiển và làm được mọi sự.  Không có gì mà Thiên Chúa không làm được.  Ngài sắp đặt công trình theo ý Ngài. Ngài là Chúa cả vũ trụ, đã thiết lập trật tự cho nó, và trật tự đó luôn luôn quy phục Ngài.  Ngài làm chủ lịch sử, hướng dẫn các tâm hồn và các biến cố theo ý Ngài.

Quyền năng của Thiên Chúa biểu hiện trong việc chăm sóc cho những nhu cầu của chúng ta, nhận chúng ta làm nghĩa tử, và khoan dung vô tận, vì Ngài biểu dương quyền năng tới tột đỉnh qua việc Ngài rộng lòng tha thứ mọi tội lỗi chúng ta.  Quyền năng này thật nhiệm mầu, nhất là trong việc đương đầu với sự dữ.  Ðức tin vào Thiên Chúa Cha toàn năng có thể bị thử thách bởi sự dữ và đau khổ.  Ðôi khi Thiên Chúa xem ra vắng mặt và không ngăn chặn được sự dữ.  Nhưng Ngài đã tỏ sự toàn năng cách huyền nhiệm khi Con Ngài tự hạ và sống lại, nhờ đó Ngài thắng sự dữ.  Cần phải có đức tin là không có gì mà Thiên Chúa không làm được, rằng Thiên Chúa sẽ thắng sự dữ và đem lại sự sống từ sự chết. (268-278)

Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi

Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm mà nếu không được Chúa Giêsu mặc khải thì không ai có thể biết nổi. Ba Ngôi không phải là một vấn đề có thể giải quyết được như trong toán học, hay như một câu đố mà một ngày nào đó sẽ có một thiên tài giải được. “Mầu Nhiệm” theo nghĩa tôn giáo là thực thể sâu xa nhất, vượt xa bất cứ điều gì chúng ta có thể kinh nghiệm. Mầu nhiệm này vượt quá sự hiểu biết của con ngưới. Không ai hiểu thấu và không ngôn ngữ nào diễn tả nổi ý nghĩa của nó.  Nó là một điều rất khó định nghĩa như “tình yêu” hoặc “ân sủng.” Theo kinh nghiệm, con người biết luôn luôn có một điều gì đó “lớn hợn, nhiều hơn”, không theo cách toán học, nhưng cách bí nhiệm. Ngay cả trên thiên đàng, chúng ta cũng sẽ không thể hiểu hết được về Thiên Chúa, vì trí khôn của chúng ta có giới hạn. Sở dĩ người Do Thái không tin vào Chúa Ba Ngôi vì mầu nhiệm này đã không được mặc khải cách rõ ràng trong Cựu Ước mà chỉ qua những hình bóng, như việc Thiên Chúa nói “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1:26), hoặc hình ảnh ba người khách hiện ra với ông Abraham tại Mamrê (x. St 18).  Cựu Uớc đôi khi gọi Thiên Chúa là “Cha” vì Ngài là nguồn gốc của mọi sự, và săn sóc cho ta như Cha săn sóc con.

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu, là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa, là giáo huấn căn bản nhất và trọng yếu nhất theo “phẩm trật các chân lý đức tin.”  Mầu nhiệm này là căn bản của tất cả các chân lý khác.  Chân lý về Chúa Ba Ngôi là nền tảng của đức tin Hội Thánh.  Chân lý này được hình thành ngay từ thời Tân Ước.  Chính Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ đi ra rao giảng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Ngài cũng nói nhiều về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, về việc Chúa Cha và Người là một, Thần Khí của Chúa Cha, nhưng vẫn không ngừng nói rằng cả Ba là Một.  Các Tông Đồ đã truyền lại giáo huấn của Chúa Giêsu về Chúa Ba Ngôi này cho Huấn Quyền Hội Thánh để tiếp tục dạy dỗ chúng ta. Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha vì Ngài là Cha trong tương quan với Chúa Con.  Tân Ước tuyên xưng rằng Chúa Con, Ngôi Lời Thiên Chúa, cũng là Thiên Chúa.  Chúa Giêsu mặc khải rằng Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa qua việc hứa ban Ðấng An Ủi xuống thánh hóa chúng ta.

Ba Ngôi là một Thiên Chúa đồng bản thể.  Các Ngôi không chia nhau một thiên tính, nhưng mỗi Ngôi đều trọn vẹn là Thiên Chúa. Không có sự phân chia giữa Ba Ngôi Thiên Chúa vì cả Ba là Môt Thiên Chúa Duy Nhất. Nhưng ba Ngôi khác biệt nhau trong các mối tương quan với nhau như Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Ba Ngôi là “Một Thiên Chúa nhưng không đơn độc.”  Chúa Thánh Thần đồng bản thể và ngang hàng với Chúa Cha và Chúa Con.  Theo truyến thống La Tinh thì Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra.  Theo truyền thống Hy Lạp thì Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha qua Chúa Con.

Trong những thế kỷ đầu, Hội Thánh đã phát triển mạnh mẽ qua việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, cử hành phụng vụ, nhất là “rửa tội nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần” (Mt 28:19), mà hầu như không suy tư về việc phải “giải thích” về Chúa Ba Ngôi cách nào.  Trong thời gian đó, Chúa Ba Ngôi là một phần cốt yếu của các kinh nghiệm về Thiên Chúa của các Tông Đồ và các Giáo Phụ. Qua những kinh nghiệm đó, con người từ từ hiểu rõ hơn giáo huấn của Đức Kitô về Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, một cộng đồng tình yêu, là cách diễn tả cơ bản về tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Nhưng phải mất một thời gian rất dài Hội Thánh mới có thể giải thích cách trọn vẹn vế Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. 

Vào thế kỷ thứ tư, có nhiều người đưa ra những giải thích, đôi khi trái ngược nhau, về mối liên hệ giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, cho nên các giám mục đã họp các Công Đồng để đưa ra một công thức vừa có tính triết học vừa có tính thần học để xác định rõ ràng về Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Những công thức này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.  Công thức này có thể được tóm tắt như sau:

Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, có một “bản thể” duy nhất, một ý thức, một ý chí, một trí khôn duy nhất, v.v. Nhưng lại có ba “Ngôi” là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Cả Ba Ngôi chia sẻ một sự tốt lành duy nhất này.  Tuy nhiên, Ba Ngôi không chia nhau mội Đấng có một phần thiên tính, nhưng mỗi Ngôi đều trọn vẹn là Thiên Chúa.  Ba Ngôi khác biệt nhau trong các mối tương quan với nhau như Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Ba Ngôi là “Một Thiên Chúa nhưng không đơn độc.” Chúa Con phát sinh từ Chúa Cha và Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra. 

Các giám mục đã sử dụng từ “ngôi vị” theo nghĩa triết học. Điều rắc rối của chúng ta ngày nay là chúng ta có thể hiểu Ba Ngôi như thể có ba cá tính hoặc ba ý thức theo nghĩa tâm lý học hiện đại về “con người”.

Qua Hội Thánh, Thiên Chúa chia sẻ tình yêu của Ngài cho chúng ta và giúp con người càng ngày càng hiểu biết hơn về Thiên Chúa qua những kinh nghiệm về các cuộc gặp gỡ Ngài. 

Hiểu Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi là điều rất cần thiết cho đời sống Kitô hữu bởi vì Mầu Nhiệm liên hệ mật thiết với ý nghĩa của cuộc đời chúng ta.  Khi hiểu biết về Chúa Ba Ngôi, chúng ta sẽ biết chắc rằng mình không có mối quan hệ với một “vị thần” mơ hồ nào đó, mà có mối liên hệ đặc biệt với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Mầu niệm này là về chính bản thể của Thiên Chúa, và trung tâm của hữu thể của Thiên Chúa chính là sự hiệp thông.

Chúa Giêsu là Lời Của Chúa Cha

Tin Mừng Thánh Gioan là Tin Mừng phát triển nhất trong bốn Tin Mừng và chúng ta sẽ dựa vào Tin Mừng ấy nhiều nhất ở đây. Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Gioan nói như Thiên Chúa và không giống Chúa Giêsu đau khổ của ba Tin Mừng kia. Hội Thánh đã cầu nguyện và suy niệm trong ba phần tư thế kỷ và đã viết Tin Mừng Thánh Gioan như là một cách diễn tả đức tin được đào sâu rất nhiều. Không phải là một “cuộc đời” được ghi lại bằng máy thu thanh hoặc thu hình, mà như một cái nhìn đức tin về Chúa Giêsu. Như thế, khi lắng nghe Thánh Gioan và các Thánh Sừ khác, chúng ta nên nhớ rằng ngài không cố gắng “giải thích” về Ba Ngôi, nhưng cho chúng ta một kinh nghiệm đức tin về mầu nhiệm sâu xa nhất của chúng ta.

Chúa Giêsu đã mặc khải Chúa Cha, mặc khải chính Người và Chúa Thánh Thần. Người làm cho tình yêu của Chúa Cha được trở nên hữu hình. Như thánh Phaolô đã nói cùng các tín hữu Côlôxê, Đức Kitô “là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (1:15). Nhưng Người không phải chỉ là “đấng mặc khải” như một Giêsu nhân loại. Như một Thiên Chúa, Người vĩnh viễn là Lời của Thiên Chúa, như Người là, tự nói về chính mình. Nói thế nào?

Tôi có thể nói với chính mình, “Tôi là một người tuyệt vời, có phúc. Tôi có một cuộc sống tuyệt vời.” Có một “hai mình” ở đây, cả bản thân tôi và cách nói về “tôi”. Vì vậy, Chúa Cha vĩnh cửu nói về chính mình. Lời ở trong trí của Thiên Chúa như một cách diễn tả hoàn hảo, vô cùng đẹp đẽ về Thiên Chúa. Một cách khác mà Chúa Giêsu đã nói về điều này là nói rằng Người là Chúa Con.

Thánh Gioan mở đầu Tin Mừng của mình bằng một câu thơ rất đánh động long người trong sự đơn giản và sâu sắc của nó:

Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời,

Và Ngôi Lời đã ở cùngThiên Chúa,

Và Ngôi Lời là Thiên Chúa.

Ở nhiều nơi, Chúa Giêsu nói rằng Người “ở trong” Chúa Cha và Chúa Cha “ở trong” Người. Người và Chúa Cha là một (làm một với nhau và làm một trong tình yêuu). Chúa Cha yêu Người và làm việc trong Người. Chúa Cha ở cùng Người. Chúa Giêsu nói rằng Người “đến” từ Chúa Cha và rằng Người được Chúa Cha “sai đến”.

Trong câu nói táo bạo của Thánh Phaolô, Ngôi Lời đã trút bỏ chính mình để mặc lấy thân phận con người như chúng ta. Người ôm lấy loại cuộc sống của chúng ta, chấp nhận cái chết và thất bại trong niềm tin cậy hoàn toàn vào Chúa Cha và “đã trở về” cùngChúa Cha để chia sẻ “vinh quang mà Con đã có với Cha từ muôn đời” như một Đấng vứa là Thiên Chúa là con người.

Chúa Giêsu nói với tư cách của cả con người lẫn Lời vĩnh cửu khi nói với tông đồ Philiphê: “Ai đã thấy Thầy đã thấy Chúa Cha” (Ga 14: 9). Do đó, Chúa Giêsu là Đấng mạc khải hoàn hảo của Chúa Cha. Ai biết Người thì biếtChúa  Cha. Và vì thế, Thánh Gioan nhắc nhở chúng ta: “Chúng tôi đã thấy vinh quang của Người, vinh quang như Con Một của Cha, đầy ân sủng và chân lý” (1:14).

Chúa Thánh Thần Là Tình Yêu Của Chúa Cha và Chúa Con

Tình yêu là Thần Khí của Thiên Chúa, Thần Khí của Chúa Cha và Thần Khí của Chúa Con – một tình yêu duy nhất. Chúa Cha là nguồn gốc của tất cả những gì hiện hữu và tất cả những gì được ban cho. Chúa Cha đã bày tỏ tất cả về con người của Ngài.  Cách diễn tả muôn đời là Ngôi Lời, Chúa Con, hình ảnh của Chúa Cha. Chúa Con nhận được tình yêu tự hiến này của Chúa Cha và trả lại cho Chúa Cha tất cả cũng bằng một tình yêu tự hiến như vậy. Quyền năng của sự trao đổi tình yêu này, được gọi là Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần không phải là một Thiên Chúa thứ ba, cũng như Ngôi Lời không phải là một Thiên Chúa thứ hai. Chúa Giêsu nói Người sẽ sai một Đấng Bảo Trợ khác giống như Người từ Chúa Cha. Người nói rằng Chúa Cha sẽ sai Thánh Thần xuống nhân danh Chúa Con. Trước khi lên trời, Chúa Giêsu đã thở hơi (Thần Khí là hơi thở) trên các môn đệ của Người và nói: “Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần!” Một lần nữa, đây không chỉ là một sự việc thật sự xảy ra. Người đã ban cho thế giới Thần Khí của sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa. Do đó, “Ccác con tha tội cho ai, thì người ấy được tha; các con cầm buộc ai, thì người ấy bị cầm buộc” (Ga 20:23).

Từ từ, Hội Thánh thời sơ khai nhận ra rằng Chúa Giêsu không trở lại ngay. Đúng hơn, Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Chúa Giêsu.  Ngài hiện diiện thay cho một Chúa Giêsu khuất mặt. Theo những lời mầu nhiệm của Chúa Giêsu, Thần Khí này chỉ có thể đến nếu Người trải qua cuộc khổ nạn, cái chết và phục sinh của mình. Sau đó, Người có thể ban phát tình yêu cứu độ là tình yêu đã chiếm được sự cứu rỗi cho thế giới. 

Chúng Ta Là Con Cái Thiên Chúa

Không cần phải nói, các Kitô hữu được mời gọi trở thành một gia đình giống như Gia Đình của Thiên Chúa.

Theo các nhà thần học thì “gia đình của Thiên Chúa” là một sự sống ở trong nhau giữa Ba Ngôi. Gia Đình Thiên Chúa này tuy có ba thành phần khác nhau, song luôn luôn hiệp nhất với nhau. Yếu tố nòng cốt để có sự hiệp nhất trong gia đình này chính là tình yêu, và tình yêu làm nên hạnh phúc, mà bản chất của Thiên Chúa lại là Tình yêu.

Mục đích cuối cùng của việc tạo dựng của Thiên Chúa, của việc mặc khải mầu nhiệm Ba Ngôi, là để “họ được nên một như chúng ta là một : Con ở trong họ và Cha ở trong con” (Ga 17: 22-23). Thiên Chúa có ý dựng nên chúng ta để chúng ta được một lòng kết hợp với nhau thành một mạng lưới của các mối liên hệ đầy ân sủng trong Chúa Giêsu.

Chúng ta cũng thuộc về Gia Đình Thiên Chúa khi sống yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta. Thực vậy, sống yêu thương là sống ở trong Thiên Chúa; và đó là Nước Trời, vì “ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa” (1Ga 4:8). Gia đình yêu thương là làm cho hạnh phúc ngắn hạn của trần gian này được biến đổi trở thành hạnh phúc vĩnh cửu trong Gia Đình Thiên Chúa.  Nhưng yêu thương nhau như Thiên Chúa Ba Ngôi là gì?

Xin mượn giải thích về Tình yêu trong Bài 9 của Giáo Ly Dự Tòng được đăng trong Simonhoadalat.com.

Qua con người và cuộc đời của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, chúng ta cảm nhận rằng Thiên Chúa là Đấng rất nhân từ, giàu lòng thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan dung. Vì thế mà thánh Gioan đã tuyên xưng “Thiên Chúa là TÌNH YÊU” (1Ga 4,8). Thiên Chúa không là gì khác ngoài Tình Yêu. Ngài có thể làm tất cả vì Ngài Toàn Năng, nhưng đúng hơn, Ngài chỉ có thể làm những gì mà tình yêu có thể làm, và Ngài không thể làm những gì trái với tình yêu, vì bản chất của Ngài là yêu thương.

Không ai lý giải cặn kẽ được tình yêu nhưng vì Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài nên cứ nhìn vào tấm gương tình yêu phản chiếu nơi con người, ta có thể bập bẹ đôi điều về Thiên Chúa :

1) Yêu là ra khỏi mình để hướng tới người khác:

Nói đến yêu là chúng ta nói đến người thứ hai, thứ ba, là nói đến một đối tượng khác với chúng ta. Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu mà Ngài chỉ yêu một thân mình Ngài thì đó là ích kỷ, và như vậy không phải là Thiên Chúa của tình yêu. Nếu “Thiên Chúa là Tình Yêu” thì Thiên Chúa ấy không cô độc một mình. Từ đời đời Ngài đã hướng về Chúa Con, đã yêu thương Chúa Con bằng Tình Yêu khôn tả là chính Chúa Thánh Thần.

2) Yêu là chấp nhận sự khác biệt của nhau:

Nếu chúng ta chỉ yêu cái gì giống mình, cái gì hợp với sở thích của mình, chỉ yêu những người tốt bụng thì không phải là yêu người mà chỉ là yêu mình, là chúng ta đã bóp chết tình yêu, không làm nảy nở tình yêu. Yêu thương là chấp nhận cái hay lẫn cái dở, sự giàu có lẫn sự nghèo nàn của người mình yêu vì họ khác với mình.

Chúa Cha yêu Chúa Con, nghĩa là Chúa Cha khác với Chúa Con. Chúa Con phải là một Ngôi Vị khác với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần thì Thiên Chúa mới là Tình Yêu.

3) Yêu nhau là muốn nên một với nhau:

Càng yêu nhau thì càng hài hòa trong chính sự khác biệt, vì “yêu nhau củ ấu cũng tròn”. Chúng ta vẫn thường nói về tình yêu vợ chồng: “Ta với mình tuy hai mà một”. Bản chất con người là giới hạn nên sự hiệp nhất của con người không toàn vẹn, song quyền năng vô hạn của Thiên Chúa làm cho sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi là trọn vẹn tuyệt đối. Chúa Cha và Chúa Con yêu nhau hết mình, yêu đến quên mình nên đã trở nên một trong Tình Yêu là Chúa Thánh Thần.

Như thế chỉ trong tình yêu, chúng ta mới dễ hiểu : tự bản chất, Thiên Chúa không thể là một ngôi vị đơn độc; và rằng chỉ trong tình yêu ‘chín bỏ làm mười’, chúng ta mới hiểu được Thiên Chúa vừa là ba, lại vừa là một.

Kết Luận:

Chỉ khi nào chúng ta thành một cộng đồng tình yêu, chúng ta mới thực sự phản ánh cộng đồng tình yêu như cộng đồng Ba Ngôi. Muốn như thế mỗi người phải biết từ bỏ cái tôi của mình, nghĩa là nghĩ đến người khác nhiều hơn nghĩ đến mình; không đòi người khác phải làm giống mình hay suy nghĩ như mình. Đặc biệt là luôn ý thức rằng chúng ta là người với những yếu đuối của mình, mỗi người cố gắng sửa mình và chấp nhận những yếu đuối của người khác.  Đừng bắt người khác trở nên hoàn hảo, nhưng chính mình ráng học cùng Đức Kitô để trở nên hàon hảo giống Người.  Thay vì chỉ trích nhau thì cầu nguyện cho nhau và giúp nhau trở nên con người mà Thiên Chúa muốn cho chúng ta là khi Ngài dựng nên chúng ta.

Câu Hỏi để Suy Nghĩ và Thảo Luận

  1. Thiên Chúa mặc khải Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi thế nào và tại sao Ngài lại chọn những phương pháp mặc khải ấy?
  2. Tại sao Ba Ngôi không phải Ba Thiên Chúa mà lại là là Một và sự khác biệt giữa Ba Ngôi ra sao?
  3. “Toàn bộ Nhiệm cục thần linh là công trình chung của Ba Ngôi Thiên Chúa” trong câu 258 của Sách Giáo Lý Công Giáo nghĩa là gì?
  4. Có nhiều người cho rằng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không được trực tiếp mặc khải trong Thánh Kinh? Có đúng không và tại sao?

Bài Đọc Thêm

  1. Giáo Lý về Thiên Chúa Ba Ngôi
  2. Thiên Chúa là Cha Toàn Năng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
  3. Suy Tư Thần Học về Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi của ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc.
  4. PowerPoint Presentation 9