CHƯƠNG 14 – TÔI TUYÊN XƯNG CÓ MỘT PHÉP RỬA ĐỂ THA TỘI

Kinh Tin Kính các Tông Đồ không những liên kết việc tin có ơn tha tội với việc tin kính Chúa Thánh Thần mà còn với việc tin có Hội Thánh và mầu nhiệm Các Thánh cùng Thông Công.  Khi ban Thánh Thần, Ðức Kitô Phục Sinh cũng ban cho các Tông Đồ quyền nhân danh Người mà tha tội (976).

Chúa Giêsu liên kết ơn tha tội với đức tin và bí tích Thánh Tẩy, là bí tích đầu tiên và chính để tha tội.  Bí tích Thánh Tẩy tha hết mọi tội lỗi, dù nguyên tội hay những tội riêng, không còn gì phải đền bù.  Nhưng ân sủng bí tích Thánh Tẩy không giải thoát chúng ta khỏi bản tính yếu đuối.  Chúng ta vẫn phải chiến đấu chống lại các xu hướng xấu dẫn chúng ta đến tội lỗi.  Vì không ai đủ nghị lực và cảnh giác để tránh mọi tội lỗi, nên Ðức Kitô ban cho Hội Thánh bí tích Giải Tội để tha những tội chúng ta phạm sau khi rửa tội, nhờ đó chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa cũng như với Hội Thánh (977-980).

Tôi Tuyên Xưng có Một Phép Rửa

Kinh Tin Kính sử dụng một từ khác để giới thiệu mỗi câu trong hai lời tuyên xưng cuối cùng. Tất cả mọi câu trước đó đều được bắt đầu với động từ  “Tôi tin”. Khi tuyên xưng “tôi tin”, chúng ta không những chỉ tin bằng trí khôn mà còn tin bằng cả tâm hồn một Thiên Chúa Duy Nhất, một Chúa Giêsu Kitô, Chúa Thánh Thần, và thậm chí cả Hội Thánh.  Vì Hội Thánh là công cụ nhân loại mà Thiên Chúa đã chọn để tiếp tục mặc khải đời sống Ba Ngôi. Bây giờ Kinh Tin Kính sử dụng động từ “tuyên xưng” để nói về việc chúng ta nhìn nhận Bí Tích Rửa Tội và ơn tha tội.  Lời tuyên xưng về những thực tại này là điều quan trọng nhưng không đòi chúng ta phải có cùng một quyết tâm, vì chúng là các thực tại của đời sống nội tại của Hội Thánh.

Trong Bí Tích Rửa Tội, chúng ta gặp bản chất hữu hình, công khai, đặc thù và rất hiện thân của Hội Thánh. Các Kitô hữu không trở thành Kitô hữu qua việc tự hiện thức hoá nội tâm, hoặc qua việc thi đậu các tín chỉ của một môn học, hoặc qua việc điền đơn đăng ký làm hội viên, nhưng qua một tiến trình khai tâm (nhập đạo) công khai, và là một tiến trình vô cùng khiêm tốn.

Người dự tòng phải trải qua một cuộc tắm rửa công khai do người khác làm cho. Đó là lý do tại sao mọi người trong Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật phải Tuyên Xưng Đưc Tin, phải nhìn nhận một sự lệ thuộc cơ bản vào người khác. Tất cả chúng ta không chỉ là con cái Thiên Chúa, mà theo một nghĩa thật sự và thể lý, cũng là con cái Hội Thánh. Đã có lúc trong cuộc đời của mình, chúng ta đã được yêu thương đủ để có người tìm kiếm cho chúng ta hồng ân sự sống đời đời và bảo trợ chúng ta chịu Phép Rửa.

Bí Tích Rửa Tội là nghi thức khai tâm, khắc sâu mô hình nền tảng của đời sống Kitô hữu trên người tín hữu. Hiệu quả của Bí Tích Rửa Tội không lệ thuộc vào sự thánh thiện của thừa tác viên, mà chỉ lệ thuộc vào đức tin của Hội Thánh nói chung và lòng trung tín của Thiên Chúa. Tính biểu tượng của Bí Tích Rửa Tội, từ lúc khởi đầu Kitô giáo đến nay, cho thấy một số chiều kích của đời sống này.

Đối với những người trưởng thành đã chịu Phép Rửa trong đêm canh thức Phục Sinh, nó tượng trưng cho việc thông phần vào “cuộc Vượt Qua” từ cái chết đến sự sống của Chúa Giêsu. Chính hành động rửa tượng trưng cho sự thanh tẩy và tha tội (1 Cor 6: 9-11; Eph 5:26), cũng như việc tắm tái sinh, sinh lại hoặc phục sinh (x. Ga 3:5-8; 1 Phr 1:3, 23; Tit 3:5; Rom 6:1-1 1). Việc cởi bỏ y phục cũ và mặc lấy y phục mới tượng trưng cho việc từ bỏ con người cũ và nhận lấy một căn tính mới, là căn tính được tạo nên theo hình ảnh của Đức Kitô (Gal 3:27; Col 3:10-11 ).

Những cây nến thắp sáng được sử dụng trong Bí Tích Rửa Tội tượng trưng cho việc soi sáng trí khôn và tâm hồn bằng ánh sáng là Đức Kitô (x. Eph 5:14) như “vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Đức Kitô” (2Cr 4: 6). Cuối cùng, xức dầu của Chúa Thánh Thần tượng trưng cho việc chúng ta được nhận làm nghĩa tử của Thiên Chúa (Gal 4: 6-7), được mời gọi “nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài, để Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8:29).

Như thế, con đường làm môn đệ và tâm linh của Kitô hữu được đánh dấu bằng mẫu khai tâm này. Không chỉ cá nhân các Kitô hữu mà toàn thể Hội Thánh cũng được đánh dấu như một cộng đồng mà đời sống đòi hỏi phải di chuyển và tiến bộ không ngừng, từ nô lệ sang tự do, từ sợ hãi sang táo bạo, từ tối tăm sang sự sáng, từ ích kỷ sang tình yêu đại lượng, theo khuôn mẫu của Chúa Giêsu hằng sống và được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Sự lớn lên trong Chúa Thánh Thần không có nghĩa là học được các mặc khải mới hoặc thêm vào các cách thực hành mới, nhưng hiểu biết càng ngày càng sâu xa hơn và diễn tả trong đời sống một cách kiên định hơn bao giờ hết hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta: “như anh em đã nhận Đức Kitô Giêsu làm Chúa, thì hãy tiếp tục sống kết hợp với Người. Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô Giêsu, hãy dựa vào đức tin mà anh em đã được thụ huấn, và để cho lòng chan chứa niềm tri ân cảm tạ” (Col 2: 6-7).

Việc lớn lên trong sự hiểu biết và thực hành như thế đòi buộc chúng ta phải càng ngày càng “mặc lấy Chúa Giêsu Kitô” (Rm 13:14) cách chắc chắn và vững vàng hơn, và có “tư tưởng của Đức Kitô” (1Cr 2:16), “chu toàn luật của Đức Kitô” (Gal 6: 2) cùng “học vâng lời qua những đau khổ” như Người đã làm (Dt 5:8), cho đến khi “tất cả chúng ta đạt được sự hiệp nhất trong đức tin, và trong sự hiểu biết về Con Thiên Chúa, để trở nên một người trưởng thành, tới tầm vóc tương xứng với sự toàn vẹn của Ðức Kitô.” (Eph 4:13).

Tại sao Kinh Tin Kính xác định rằng chỉ có “một” Phép Rửa? Một phần, vì, để lặp lại ngôn ngữ của Thánh Phaolô trong Thư Ephêxô, “Chỉ có một thân thể, và một Thần Khí, như anh em đã được kêu mời trong một niềm hy vọng của ơn gọi của anh em. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi người, Ðấng ngự trên mọi sự, qua mọi sự và trong mọi người” (Eph 4:4-6). Nhưng cũng chắc chắn, để khẳng định đặc tính của Hội Thánh: một Phép Rửa nhấn mạnh đến tính hợp nhất và công giáo.

Bất cứ nơi nào có Kitô hữu, thì ở đó có Bí Tích Rửa Tội. Cho dù nó được cử hành trước đám đông trong lễ Phục Sinh hay ở một căn phòng cô đơn của bệnh viện, dù với nước chảy của dòng sông hay nước của giếng Rửa Tội hay một vũng nước đẫm máu của chiến tranh, thì Phép Rửa đều giống nhau. Đó là bí tích duy nhất mà tất cả chúng ta đều thông phần, một nghi thức mà tất cả chúng ta đều đồng ý là cần thiết. Và bất chấp tất cả sự khác biệt của chúng ta về cách thức và thời gian của Phép Rửa, tất cả chúng ta đều đồng ý rằng nó được ban để “tha tội” và đưa chúng ta một cách quyết định từ thế gian vào Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô. Chính vì lý do này, Phép Rửa cũng chỉ được lãnh “một lần” mà không được lặp lại.

Bởi vì Phép Rửa là duy nhất, nên sau này chúng ta không cần một “Phép Rửa trong Thánh Thần” để cho một người “được tái sinh” hoặc thả các ơn của Chúa Thánh Thần ra. Thật vậy, sách Tông Đồ Công Vụ cho thấy rằng các biểu hiện hữu hình này của Chúa Thánh Thần có thể là kết quả của việc đặt tay sau khi chịu Phép Rửa (Cv 8:16-23; x. 19:6), nhưng phần lớn các câu chuyện trong Công vụ nối kết chặt chẽ việc ban Chúa Thánh Thần với chính Phép Rửa, hoặc như kết quả của nó (Cv 2:37-42; 19:3-6) hay như động lực của nó (Cv 10:41 1.8, 11: 15-16). Ở những nơi khác trong Tân Ước, Chúa Thánh Thần luôn sẵn sàng một cách dồi dào và mạnh mẽ cho tất cả những người được rửa tội để biến đổi cuộc sống của họ (x. Rm 6: 1-11; 8: 1-39).

Thực ra, Thánh Phaolô khẳng định rằng, theo cơ bản thì không có gì có thể thêm vào địa vị được ban cho người được rửa tội như dưỡng tử của Thiên Chúa. Đây là chủ đề chính của cuộc tranh luận của ngài trong các Thư Galatê và Côlôxê, ở đó ngài nói về bản năng tranh đua của con người, ngay cả trong các vấn đề tôn giáo. Hầu như ở mọi nơi trong đời sống tôn giáo thời xưa (và ngày nay), có nhiều cuộc khởi đầu đánh dấu các giai đoạn tiến bộ và trưởng thành, với mỗi khởi đầu có một địa vị cao hơn trong nhóm.

Trong Thư Galatê, Thánh Phaolô thấy rằng những người tìm cách áp đặt việc cắt bì như một nghi thức khai tâm sau khi Rửa Tội, có lẽ có ý giúp người ta trưởng thành hơn, nhưng thực ra họ đã tìm cách “phô trương theo xác thịt” (6:12-13) qua việc đưa một sự ganh đua và cạnh tranh vào đời sống của Thần Khí (5: 16-21). Ngài nhấn mạnh rằng những người đã được rửa tội vào Đức Kitô đều là một, và không còn là người Do Thái hay người Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ nữa (3:28). Nhưng nếu phép cắt bì cho người ta một địa vị cao hơn và chỉ có thể được thực hiện cho nam giới, thì Kitô giáo sẽ là một tôn giáo trong đó nam giới luôn có thể có địa vị cao hơn đơn thuần chỉ vì họ là nam giới. Bản chất bình đẳng cơ bản của Hội Thánh như một cộng đồng đức tin bao gồm tất cả mọi con người sẽ bị phá hủy. Rồi, Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng Phép Rửa là đủ, và nỗ lực tìm kiếm “nhiều hơn” thực sự là từ chối món quà đã được ban cho (5: 1-3).

Trong Hội Thánh ở Côlôxê cũng vậy, Thánh Phaolô đã phải đối diện với những kẻ tìm cách “loại” những người khác ra ngoài khi khăng khăng cho rằng Phép Rửa phải được bổ sung bằng phép cắt bì, thực hành khổ hạnh và thậm chí cả kinh nghiệm huyền bí, để đạt đến mức “trưởng thành” hơn trong Hội Thánh (Col 2: 16-19). Để đáp lại, Thánh Phaolô định nghĩa trưởng thành không có nghĩa là thêm các kinh nghiệm mà là đào sâu và phát huy sự hiểu biết về mầu nhiệm của hồng ân đã được ban (Col 2: 2-15) cùng trong việc thực hành luân lý dựa trên hình ảnh của Đức Kitô (Cô 3:1-17).

Hội Thánh chưa bao giờ hoàn toàn đánh mất xác tín của mình rằng “một Phép Rửa” tạo ra sự bình đẳng triệt để giữa tất cả các tín hữu. Chính vì thế mà một linh mục (hoặc cha sở) chưa chắc đã là một “Kitô tô hữu tốt hơn” một giáo dân, ngay cả một Giáo Hoàng, theo cơ bản, cũng không quan trọng hơn (ngoại trừ về trách nhiệm và ơn gọi phục vụ) một giáo dân hay một Trường Ban Giáo Lý của một Giáo Xứ; cũng như một nhà truyền giáo lang thao rao giảng khắp nơi mà gần gũi Thiên Chúa hơn một học sinh trong lớp Thêm Sức hay Xưng Tội Rước Lễ lần đầu.

Nhưng nhiều người trong Hội Thánh không ý thưc được điều này, và thường hành động như thể các giáo sĩ là các Kitô hữu thật sự và giáo dân chỉ là những người “đã được rửa tội”. Vai trò của giáo dân chỉ như những khán giả thụ động và bất lực trước các chân lý và các việc phục vụ được các chuyên gia cung cấp. Lời tuyên xưng đơn giản của Kinh Tin Kính thách đố chúng ta xét lại khuynh hướng này, và nhắc nhở tất cả các tín hữu đọc nó rằng không những tất cả mọi người đã được rửa tội đều bình đẳng trước mắt Thiên Chúa, mà cũng đồng trách nhiệm đối với thân thể của Đức Kitô và chịu trách nhiệm như nhau trước mặt Người.

Để Tha Tội

Kinh Tin Kính liên kết một Phép Rửa trực tiếp với ơn tha tội bằng một cụm từ có thể có nghĩa về cả mục đích lẫn kết quả: Phép Rửa được ban cho với mục đích tha tội, nó dẫn đến sự tha tội và nó tạo ra việc thực hành sự tha tội. Sự kết hợp giữa Bí Tích Rửa Tội và việc tha tội có nền tảng vững chắc trong Tân Ước. Trong các Tin Mừng, Tin Mừng Thánh Gioan đưa ra Phép Rửa cho việc hoán cải của dân Israel và việc tha thứ tội lỗi của dân chúng (Mc 1:4; LC 1:77; 3:3). Chính Chúa Giêsu bày tỏ tin mừng từ Thiên Chúa qua việc tha tội (Mt 9: 2, 5; 12:21; 26:28; Mc2: 5-10; Lc 5: 20-24; 7: 47-49; Ga 1:29, 8: 1-11) và ủy thác cho các môn đệ của Người  tiếp tục việc công bố ơn tha tội (Lc 24:47; Ga 20:23).

Sách Tông Đồ Công Vụ cho chúng ta biết rằng Bí Tích Rửa Tội trở thành phương tiện theo nghi thức để bày tỏ sự tha thứ này của Hội Thánh sơ khai. Trong Lễ Ngũ Tuần, Thánh Phêrô đã khuyên nhủ đám đông, “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần.” (Cv 2: 38). Thánh Phaolô báo cáo rằng sau khi gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh, Ngài đã được Ananias nói: “Anh hãy đứng lên, chịu phép rửa và thanh tẩy mình cho sạch tội lỗi, miệng kêu cầu danh Người” (Cv 22,16; x. 3:19; 5: 31; 10:43; 13:38). Thánh Phaolô nói về Chúa Giêsu rằng “trong Người, chúng ta có ơn cứu chuộc, ơn tha tội” (Col 1:14; x. Eph 1: 7), và cũng kết nối sự giải thoát khỏi tội lỗi với kinh nghiệm rửa tội của Kitô giáo (x. Rm 6: 1- 8: 3; 1 Cor 6: 9-11; Eph 5: 25-27).

Kinh Tin Kính khẳng định rằng Thiên Chúa đã đi vào sự hiện hữu của con người “vì loài người chúng ta. Và để cứu độ chúng ta”, vì vậy kinh này khẳng định rằng trong Phép Rửa, sự cứu độ này được diễn tả bằng “việc tha tội”. Nếu Phép Rửa là nghi thức gia nhập (khai tâm) vào đời sống của cộng đồng cứu độ, và nếu Phép Rửa được ban cho để tha tội, thì việc tha tội phải có ý nghĩa nhiều hơn là việc xóa bỏ một khoản nợ trong quá khứ. Điều ấy phải có nghĩa là, làm giảm bớt gánh nặng của thái độ tội lỗi và khuynh hướng kéo chúng ta đi xuống.

Do đó, Phép Rửa vào cộng đồng Kitô hữu có nghĩa là việc bắt đầu gia nhập vào một cộng đồng được sinh động hoá bởi ơn tha tội và được mời gọi thực hành việc tha thứ. Hội Thánh (ít là có khả năng) là một nơi của chủ nghĩa hiện thực lành mạnh về tội lỗi trong một thế giới không công nhận nó như vậy.

Nhiều người trong chúng ta hầu như đã chối từ khái niệm về tội lỗi cá nhân, coi nó như một bệnh gây ra bởi gen hoặc môi trường, nhưng chắc chắn không phải là kết quả của sự lựa chọn tự do. Chúng ta không phải là tội nhân cần sự tha thứ. Chúng ta chỉ đơn thuần là những người đã bị bệnh một cách nào đó. Chúng ta cơ bản là khoẻ mạnh một khi thoát khỏi những ảnh hưởng không lành mạnh.

Một cách giải thích khác, chúng ta phạm tội không phải vì chúng ta ích kỷ và tìm tư lợi đến nỗi bỏ bê và thậm chí làm hại người khác, mà vì chúng ta không nuôi dưỡng những tiềm năng tốt nhất của chính mình, bởi vì chúng ta đã bỏ bê những ước mơ của mình và để cho người khác đòi hỏi quá nhiều chú ý và sức lực của chúng ta. Do đó, chúng ta phải “tha thứ cho chính mình” để tiến đến tình trạng khỏe mạnh, là tình trạng không phức tạp và luôn luôn nghĩ đến mình.

Cách khác, chúng ta đã bị người người khác xúc phạm một cách trầm trọng, và bị quá nhiều tổn thương rất sâu đặm đến nỗi không thể tha thứ cho người ta được. Suốt cả cuộc đời còn lại của chúng ta phải được dành để bình phục, thời điểm quan trọng nhất là tìm cách xác định xem những tội ấy là của ai. Tôi quá mệt mỏi trong việc bình phục từ những tội lỗi người khác đã phạm đến tôi, đến nỗi tôi không còn sức để trở thành một tội nhân.

So với những quan điểm trên (và các cách sống tương ứng), sứ điệp của Tin Mừng thật dứt khoát và rõ ràng biết bao.  Nó bắt đầu với việc thừa nhận rằng tất cả chúng ta cần phải hoán cải, bởi vì tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi. Việc thật sự đánh giá tích cực đáng kể về nhân phẩm là nhìn nhận rằng mình không chỉ đơn thuần là kết quả của các quyết định hay áp lực xã hội hay thậm chí sự tiến hóa kém phát triển, mà là những thụ tạo tự do! Chúng ta chịu trách nhiệm về các hành động của mình. Do đó, chúng ta cũng chịu trách nhiệm về những tai hại mà chúng ta gây ra cho chính mình và cho những người khác.

Nói một cách đơn giản, chúng ta cảm thấy mình tội lỗi. Cảm giác tội lỗi không phải là một cảm giác, mà là một ước tính hợp lý về trách nhiệm của con người. Cảm giác tội lỗi không phải là một khối ngăn chặn sự tự trọng mà là một bước để tự thành thật với mình. Cảm giác tội lỗi không bao phủ chúng ta trong hổ ngươi, nhưng mở ra cho sự tha thứ. Thật là một sự hiểu biết đúng đắn về trật tự của vũ trụ, đó là nhìn nhận rằng chúng ta cần, không phải sự tha thứ của chính mình, mà sự tha thứ của Thiên Chúa. Thật là một ý thức tỉnh táo và lành mạnh về tính cách hiện thân và xã hội của cuộc sống con người, đó là biết rằng mình cần sự tha thứ của người khác. Và thật là một điều phù hợp, như Kinh Nguyện của Chính Chúa bảo chúng ta, khi chúng ta cầu xin Thiên Chúa tha thứ, thì chúng ta cũng buộc phải thực hành sự tha thứ đối với người khác (Mt 6:12; Lc 11: 4).

Do đó, Kinh Tin Kính cho chúng ta biết rằng Hội Thánh, ít nhất là thế này: một cộng đồng ý thức rằng mình tội lỗi và cần ơn tha thứ của Thiên Chúa, và một cộng đồng tìm cách thực hành sự tha thứ như một dấu chỉ cho thế gian (x. Gc 5: 13-18). Nhưng không nên coi thường những khó khăn của việc thực hành sự tha thứ. Chúng ta có thể nghĩ rằng mình đang tha thứ, trong khi tất cả những gì chúng ta làm là phủ nhận rằng mình đã bị người khác hoặc tội lỗi làm tổn thương. Chúng ta có thể nghĩ rằng mình đang tha thứ khi chúng ta chỉ càng ngày càng mệt mỏi vì sợ hãi và tức giận do bị tổn thương, và đã tự thích nghi với sự hiện diện của tội lỗi trong chính mình hoặc người khác. Chúng ta có thể nghĩ rằng mình đang tha thứ khi chúng ta chỉ ngấm ngầm đồng ý với tội phạm đến chính mình hoặc đến những người khác.

Chúng ta học được bản chất thật sự của sự tha thứ từ cách mà Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta. Bởi vì Ngài biết rõ chúng ta, Ngài cũng có thể thấy rằng chúng ta không hoàn toàn đồng hoá với hành vi tội lỗi của mình, ngay cả khi chúng ta nghĩ về mình như đồng hoá với tội lỗi. Thiên Chúa có thể nhìn thấy và tập trung vào một cái tôi mà có lẽ chúng ta không thể thấy. Ngài tạo thành điều chỉ là tiềm năng ở trong chúng ta, tức là một cái tôi không phải là tội nhân. Theo nghĩa này, Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta hơn là tha thứ tội lỗi. Cái tôi tội lỗi được để cho chết đi. Cái tôi có thể sống theo sự công chính được Thiên Chúa nâng lên. Khi chúng ta có thể tin rằng Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta, thì chúng ta có thể “quay về” hoặc “hoán cải” thành cái tôi mà Thiên Chúa thấy và mời gọi chúng ta trở thành, và chúng ta có thể kích hoạt cái tôi, là cái tôi sống lại trong sự công chính.

Chúng ta có thể học cách tha thứ cho nhau từ cách Thiên Chúa tha thứ cho mình. Chúng ta có thể nuôi dưỡng thói quen nhìn thấy trong người khác một cái tôi không bị xác định bởi tội lỗi của họ. Chúng ta có thể tìm kiếm cái tôi đó và tạo ra nó, khuyến khích sự phát triển của cái tôi lớn hơn, là cái tôi có khả năng sống trong sự hiệp thông. Và khi chúng ta học được cách tha thứ thực sự này, chúng ta cũng trở nên lớn hơn, vì đến lượt chúng ta cũng được tha thứ và vì chúng ta ngày càng nhìn thấy những người lân cận của mình như Thiên Chúa thấy họ.

Nhưng chúng ta cũng phải luôn ý thức rằng mình  không phải là Thiên Chúa, và không thể tha thứ như Thiên Chúa tha thứ. Chúng ta không nhìn thấy người khác một cách thực sự và một cách đầy đủ. Có những tổn thương mà chúng ta không thể, dù là cá nhân hay cộng đồng, bỏ qua hoặc lớn vượt trên chúng, để tha thứ hoặc chấp nhận sự tha thứ. Và chính trong điều kiện khiêm tốn của sự bất lực và thất bại và thậm chí là tội lỗi này mà chúng ta phải thực sự cầu xin Thiên Chúa nhân từ tha thứ cho mình, để một ngày nào đó chúng ta có thể tha thứ cho người khác, như chúng ta tin cậy, rằng Thiên Chúa giờ đây đã tha thứ cho họ.

Quyền tháo mở (881-887)

Sau khi phục sinh, Ðức Kitô đã sai các Tông Đồ nhân danh Người đi rao giảng cho muôn dân sự sám hối để được ơn tha tội.   Do đó, các Tông Ðồ và những người kế vị các ngài không những chỉ rao giảng cho mọi người ơn tha tội của Thiên Chúa mà còn ban ơn tha tội qua bí tích Thánh Tẩy, cũng như hòa giải họ với Thiên Chúa và Hội Thánh, nhờ quyền tháo mở và cầm buộc nhận từ Ðức Kitô.  Hội Thánh đã nhận chìa khóa Nước Trời để ban ơn tha tội nhờ Máu Ðức Kitô và tác động của Chúa Thánh Thần.  Không có tội nào nặng đến nỗi Hội Thánh không thể tha thứ được.  Nếu Hội Thánh không có quyền tha tội, thì chúng ta không hy vọng được sống đời đời và được ơn giải thoát vĩnh cửu.  Trong việc tha tội, linh mục và bí tích chỉ là dụng cụ mà Chúa Giêsu Kitô, tác giả và Ðấng duy nhất ban ơn cứu độ, dùng để xóa bỏ tội lỗi và tái sinh chúng ta trong ân sủng

BÀI ĐỌC THÊM

Giáo Lý về Phép Tha Tội

Ơn Tha Tội – ĐTC Phanxicô

Bí Tích Hoà Giải – ĐTC Phanxicô

PowerPoint Presentation