Bài làm ở nhà trước khi đến Lớp 1
Home Exercise before Class 1
Read Christian Morality: In the Breath of God – Chapter 1 and answer the following questions before attending class.
Đọc Bài 1 và trả lời các câu hỏi dưới đây trước khi tham dự lớp.
- The author of the text claims that the Christian moral life is a response to something. To what is it supposed to be a response? With what attitude does he claim we are called to respond?
Tác giả của bản văn cho rằng đời sống luân lý Kitô giáo là một sự đáp trả cho một điều gì đó. Vậy điều mà chúng ta phải đáp trả là gi? Chúng ta được mời gọi đáp trả bằng thái độ nào?
- What does God give to us by means of his love? How is that love given? What is an important characteristic of that love?
Thiên Chúa ban cho chúng ta những gì qua tình yêu của Ngài? Tình yêu ấy được ban thế nào? Một đặc tính quan trọng của tình yêu ấy là gì?
- What does the author claim the three implications of having a vocation to live in the Spirit to be?
Theo tác giả thì ba hàm ý của việc có ơn gọi sống trong Thần Khí là gì?
Bài 1 – Luân Lý Kitô giáo và Tình Yêu của Thiên Chúa
Viết theo Christian Morality: In the Breath of God – Chapter 1
Của Tiến Sĩ Russell B. Connors, Jr.
MINH
Thật là tuyệt với khi được nói chuyện với Minh hôm nay. Chàng vẫn là Minh của ngày xưa, ngoan cố, cứng đầu, một người độc thân ai cũng biết là thích nổ, nhưng hiền lành. Tuy nhiên có một điều gì mới mẻ và lý thú về Minh. Chắc chắn rằng chàng đang yêu. Khi nghe chàng nói người ta có thể cảm thấy một niềm vui tự nhiên bốc lên tận đáy lòng chàng. Minh khó khăn lắm mới tìm được lời lẽ để diễn tả điều chàng vừa cảm nghiệm. Phải mất một lúc lâu chàng mới nói được rằng, “Này, trước đây tớ cũng thấy hạnh phúc, nhưng không giống bây giờ. Tớ chẳng biết Châu từ đâu đến và nhập vào đời sống tớ từ lúc nào, nhưng tớ nghĩ rằng tớ rất biết ơn Chúa và sẽ sống suốt đời với nàng, cùng cố gắng đáp lại hồng ân cùa Chúa là chính con người của nàng”.
Từ sách GLHTCG câu 1692
Kinh nghiệm của Minh ở trên có liên quan gì đến đời sống luân lý Kitô giáo trong sách này? Thực ra kinh nghiệm này là kinh nghiệm chính về đời sống luân lý Kitô giáo. Minh đã ngã gục vì Châu. Theo chàng thì nàng chính là “quà tặng” hay “hồng ân” Chúa ban mà chàng có ý sống suốt đời với nàng, không những với lòng biết ơn mà còn cố gắng đáp lại món quà tuyệt diệu là tình yêu của Châu và chính con người nàng là dành riêng cho chàng.
Đời sống luân lý Kitô giáo là gì? Đời sống luân lý là gì nếu không phải là nhận ra hồng ân tuyệt vời về sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc đời mình và cố gắng liên tục để đáp lại tình yêu ấy. Sống cuộc sống của chúng ta như các Kitô hữu có thể không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng cũng không quá phức tạp. Thiên Chúa yêu thương chúng ta cách lạ lùng, đặc biệt là trong và qua con người cùng việc làm của Đức Chúa Giêsu Kitô. Kitô hữu là những người hiểu rõ điều này và sống cuộc đời biết ơn và cố gắng đáp lại món quà tình yêu ấy.
Đời sống luân lý Kitô giáo như là đáp lại tình yêu của Thiên Chúa.
Nếu đời sống luân lý Kitô giáo, một cách bao quát, có thể được miêu tả như một cuộc sống đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, thì điều quan trọng là phải bắt đầu bằng cách ghi nhận một số điều về tình yêu ấy.
Chúng ta sẽ nói gì về Thiên Chúa và tình yêu của Ngài?
Thứ nhất: Thiên Chúa là tình yêu
Đây không chỉ đơn thuần là lập lại vài câu từ Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan trong Tân Ước (xem 1 Ga 4: 8 và 16), nhưng là một xác tín hiển nhiên của cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Thí dụ, người Do Thái dường như tin rằng hành động cứu độ của Thiên Chúa dành cho họ trong việc cứu họ khỏi ách nô lệ Ai Cập và giúp họ bắt đầu cuộc hành trình về miền đất riêng của họ – đã mặc khải một điều gì đó không chỉ về những gì Thiên Chúa có thể làm, nhưng về chính Thiên Chúa là ai: một Thiên Chúa tuyệt vời và nhân hậu của tình yêu. Và hơn hết là các dụ ngôn của Chúa Giêsu, đáng chú ý nhất là dụ ngôn người con hoang đàng (xem Lc 15: 11-32), có lẽ nên gọi là dụ ngôn người cha nhân hậu. Dụ ngôn này không mậc khải cho chúng ta một điều gì đó, mà mâc khải cho chúng ta một Đấng nào đó: Đấng ấy là Thiên Chúa, mà tình yêu của Ngài trọn vẹn đến nỗi phải nói rằng Thiên Chúa là tình yêu.
Một sự tương đồng với tình yêu của con người là điều hữu ích ở đây. Khi hai vợ chồng yêu nhau, người chồng không nhận một món quả từ người vợ mà nhận chính người vợ. Đó chính là tình yêu đích thực. Khi chúng ta yêu một người, chúng ta trao tặng chính mình cho người ấy: tâm trí, trái tim, thời gian và tài năng, hy vọng và quan tâm của mình. Chúng ta càng yêu cách trọn vẹn thì món quà càng hoàn hảo hơn …. Thiên Chúa “vĩ đại hơn” trí óc và trái tim chúng ta để có thể lãnh hội trọn vẹn. Nhưng những gì chúng ta biết về Thiên Chúa là sự thật. Điều chúng ta tin là Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng cách tỏ lộ không chỉ đơn thuần những gì Ngài làm cho chúng ta, mà còn Chính Ngài là ai.
Thứ hai: Thiên Chúa yêu chúng ta một cách nhân hậu
Một khía cạnh thứ hai trong tình yêu của Thiên Chúa mà chúng ta cần lưu ý là câu hỏi: “Thiên Chúa yêu chúng ta thế nào?” Thiên Chúa yêu thương chúng ta một cách nhân hậu.
“Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Ngài cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! Ngài đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi trời. Như thế, Ngài tỏ lòng nhân hậu của Ngài đối với chúng ta trong Đức Kitô Giêsu, để biểu lộ cho các thế hệ mai sau được thấy ân sủng dồi dào phong phú của Ngài. Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện.” (Êphêsô 2: 4-9).
Thiên Chúa yêu chúng ta, không phải vì các việc lành của chúng ta làm cho mình đáng được tình yêu ấy, cũng chẳng phải vì mình luôn làm đúng. Không, tình yêu của Thiên Chúa được ban cho chúng ta độc lập với sự tốt lành hay xấu xa, đúng hay sai của chúng ta. Từ ngữ dùng trong truyền thống Kitô giáo gọi là ân sủng; Tình yêu Thiên Chúa được ban cho một cách nhưng không, chỉ vì đó là cách Thiên Chúa là.
Các dụ ngôn của Chúa Giêsu thường cho thấy sự thật này. Chẳng hạn như trong câu chuyện về người cha nhân hậu, người cha giàu lòng thương xót, giàu tình yêu. Đó là cách của Thiên Chúa, cách yêu thương nhân hậu của Thiên Chúa.
Thứ ba: Tình yêu của Thiên Chúa thật quyết liệt và có sức biến đổi
Một khía cạnh thứ ba trong tình yêu của Thiên Chúa đòi hỏi sự chú ý của chúng ta là tình yêu của Thiên Chúa thật quyết liệt; nó có sức biến đổi.
Biến cố xuất hành quan trọng với dân Israel chứng tỏ điều này. Thiên Chúa được tỏ ra giữa dân Do Thái như một Thiên Chúa quan tâm đến hoàn cảnh của họ. Nhưng tình yêu và sự quan tâm của Thiên Chúa liên quan nhiều hơn với một cảm giác. Và vì vậy chúng ta đọc trong câu chuyện:
“Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Aicập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Aicập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn” (XH 3: 7-8)
Tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ qua những hành động mạnh mẽ, những việc làm từ bi, chữa lành và công lý.
Câu chuyện về “kẻ trộm lành” bị treo trên thập giá cạnh Chúa Giêsu trên Nói Sọ trình bày chân lý này một cách bi hùng. Trong câu chuyện ấy, tình yêu tha thứ của Thiên Chúa được mạc khải qua các lời nói và việc làm của Chúa Giêsu, và một cách đơn giản nhưng sâu sắc, kẻ trộm đã được tha (xem Lc 23: 39-43). Tình yêu của Thiên Chúa đổi mới chúng ta.
Vậy ý nghĩa của tất cả những điều này là gì? Chúng ta nói rằng Thiên Chúa là tình yêu, rằng Thiên Chúa yêu chúng ta một cách tự do và nhân ái, và tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện các việc làm mãnh liệt và có sức biến đổi.
Sự hiểu biết này liên quan đến đời sống Kitô hữu như thế nào?Câu trả lời cho câu hỏi đó dường như đã được ghi lại trong đoạn văn ngắn gọn này từ Thư Thứ nhất của Thánh Gioan trong Tân Ước.
“Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau. Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Ngài nơi chúng ta mới nên hoàn hảo” (1 Ga 4: 9-12).
Tác giả cho chúng ta biết, đời sống Kitô hữu bắt đầu với một lòng biết ơn Thiên Chúa về hồng ân sự sống và tình yêu của Ngài ở giữa chúng ta, món quà của Chúa Giêsu Kitô. Nhưng nó không dừng lại ở đó; thay vào đó, nó chuyển sang một sự đáp trả không gì khác hơn là chúng ta phải yêu thương nhau với cùng tình yêu mà chúng ta đã nhận được từ Thiên Chúa.
Lưu ý rằng đoạn văn này không chỉ đơn thuần nói rằng chúng ta phải bắt chước tình yêu của Thiên Chúa (tình yêu tự hiến, nhân hậu, có sức biến đổi của Ngài). Không, chúng ta phải yêu với cùng một tình yêu mà Thiên Chúa yêu chúng ta. Đoạn văn này muốn chúng ta tin khi chúng ta yêu cách tự hiến, nhân ái và có sức biến đổi, thì Thiên Chúa đang “ở” trong chúng ta, Thiên Chúa đang làm việc trong chúng ta, và bằng cách nào đó sự hiện diện của Thiên Chúa trên thế gian được hoàn thiện hơn qua chúng ta.
Chúng ta có khả năng yêu và sống cách này không? Chúng ta có thực sự tin rằng mình có thể yêu cách này không? Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta hãy nhìn vào thành phần quan trọng khác của đức tin của chúng ta: niềm tin của chúng ta về Thần Khí của Thiên Chúa.
Đời Sống Luân Lý Kitô Giáo là Đời Sống trong Thần Khí
Trong Sách GLHTCG phần về luân lý Kitô Giáo được gọi là “Ơn Gọi của Con Người: Sống trong Thần Khí”. Chúng ta hãy suy gẫm một cách ngắn gọn về ba cách để nói lên rằng ơn gọi của chúng ta là sống trong Thần Khí của Thiên Chúa.
Điều đầu tiên cần lưu ý về ơn gọi sống trong Thần Khí của chúng ta liên quan đến đức tin Kitô giáo về việc tạo dựng. Sách GLGHCG cho chúng ta thấy rằng phẩm giá mà chúng ta có như những con người dựa trên sự kiện là chúng ta đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (xem # 1700), rằng hình ảnh của Thiên Chúa hiện diện trong tất cả chúng ta (xem # 1702) và bởi vì được tạo dựng cách tuyệt vời này, chúng ta tham dự vào ánh sáng và quyền năng của Thánh Khí của Thiên Chúa (xem # 1704).
Tôi phải nghiêm túc tin rằng mọi người được tạo dựng trong Thần Khí của Thiên Chúa và vì vậy là “nơi cư ngụ” của sự hiện diện sống động của Thiên Chúa, thì quả thực tôi sẽ quan tâm nếu có một ai ở bất cứ nơi nào trên trái đất này đang đói khát, nghèo túng hay bị bỏ rơi hoặc bị lạm dụng, chứ đừng nói đến hàng triệu người!
Nếu mọi người đều có Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống ở trong họ, thì tất cả mọi người đều là thánh và phải được đối xử không chỉ với lòng kính trọng mà còn với lòng tôn kính!
Một đặc điểm quan trọng thứ nhì của ý nghĩa của “đời sống trong Thần Khí” liên quan đến mối liên hệ của chúng ta với chính Chúa Giêsu Kitô. Sống một đời sống Kitô hữu không chỉ đơn thuần là sống giống Đức Kitô, hoặc cố gắng theo gương Đức Kitô, để rồi cuối cùng, dựa vào khả năng của mình, chúng ta thất bại. Thay vào đó, đời sống Kitô hữu bắt đầu với niềm tin rằng bằng một cách tuyệt vời và có sức biến đổi nào đó, Đức Kitô sống trong chúng ta. Có một quyền năng, một sự sống, trong chúng ta không chỉ đơn thuần là của chúng ta; quyền năng này, sự sống này, là quyền năng của Thiên Chúa, sự sống của Thiên Chúa, và đặc biệt hơn, là quyền năng của Thần Khí của Thiên Chúa.
Điều này có ít là hai nghĩa. Thứ nhất, chúng ta được mời gọi và ban quyền để tiếp tục sứ mệnh và tác vụ của Chúa Giêsu Kitô trong thế giới của mình ngày nay. Chính Thần Khí của Thiên Chúa làm cho điều đó trở nên khả thi. Đức tin của chúng ta mời gọi chúng ta tin rằng khi chúng ta nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta đồng thời nhận lãnh Thần Khí của Chúa Giêsu Kitô. Và nếu sứ mệnh và tác vụ của Chúa Giêsu trên thế gian này liên hệ đến việc hoà giải, chữa lành, tha thứ, và yêu thương, thì cuộc sống của chúng ta phải “liên hệ” đến cùng những điều ấy. Chính Thần Khí của Thiên Chúa “kết nối chúng ta” với sứ mệnh và tác vụ của Chúa Giêsu.
Thứ hai, chúng ta phải ghi nhận rằng Thần Khí của Thiên Chúa được chia sẻ với chúng ta và liên kết chúng ta với Đức Kitô là Thần Khí của Đức Kitô Phục Sinh, chiến thắng sự chết. Một đoạn từ Tin Mừng Thánh Gioan mà sách GLGHCG đề cập đến một cách cụ thể (xem Ga 19: 28-30) không đưa ra một chân dung của Chúa Giêsu phó linh hồn mình trong lúc thất bại, nhưng trong lúc chiến thắng. Chúng ta nhận được Thần Khí của Thiên Chúa từ Chúa Giêsu, Đấng đã chiến thắng quyền năng của các thử thách và cám dỗ, bệnh tật và đau khổ, án phạt và sự chết.
Dĩ nhiên là không điều nào trong các điều này nói rằng đời sống Kitô hữu – đời sống trong Thần Khí – là dễ dàng. Nhưng nói rằng sống như Đức Kitô và trong Thần Khí của Người nghĩa là sống với một loại quyền năng và một nguồn hy vọng mà nếu không có thì không thể được. Nếu cám dỗ, đau khổ và cái chết không có lời kết luận trong cuộc đời của Chúa Giêsu, chúng cũng sẽ không phải là lời kết luận cho những ai sống trong Thần Khí của Người.
Đặc tính thứ ba và cuối cùng của ý nghĩa của “sống trong Thần Khí” liên quan đến việc sống trong tình yêu. Sống đời Kitô hữu là sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Khi nhắc lại hai đoạn Tân Ước, Sách GLGHCG đã nói như sau:
“Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4: 8 và 16), và tình yêu là hồng ân thứ nhất của Ngài, chứa đựng tất cả các hồng ân khác. “tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ vào tâm hồn chúng ta, qua Chúa Thánh Thần mà Ngài đã ban cho chúng ta.” (Rm 5: 5). (GLHTCG #733)
Câu văn này dạy rằng chính nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần mà tình yêu của Thiên Chúa đã được ban cho chúng ta. Và hơn nữa, món quà tình yêu của Thiên Chúa trong chúng ta là một món quà sống động và vĩnh cửu.
Đức tin Kitô giáo của chúng ta mời gọi chúng ta tin rằng nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, chúng ta nhận được hồng ân của Thiên Chúa trong đời sống của mình một cách bền vững và vĩnh viễn. Đức tin mời gọi chúng ta sống cuộc đời của mình để đáp lại tình yêu ấy bằng cách làm những gì chúng ta có thể để yêu thương tha nhân như Thiên Chúa đã yêu chúng ta. Chính Thần Khí của Thiên Chúa làm cho điều này thành khả thi.
Đời sống Luân Lý Kitô giáo như Đời Sống Bí Tích
Nếu đời sống luân lý Kitô giáo, ở cốt tủy của nó, là một cuộc sống đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, thì xác tín này được diễn đạt một cách tráng lệ trong việc cử hành các Bí Tích. Chúng ta hãy xem xét điều này một cách ngắn gọn liên quan đến các bí tích Rửa Tội và Thánh Thể.
Bí Tích Rửa Tội
Bí tích Rửa Tội là về sự chết và sống lại; đó là về việc tiếp cận một loại ân sủng và quyền năng đặc biệt; về việc sát nhập vào Thân Thể Đức Kitô.
1214 Bí tích Rửa Tội được gọi theo nghi thức trung tâm mà nó được thực hiện: Rửa (tiếng Hy Lạp là Baptizein) có nghĩa là “chìm xuống”, “dìm xuống”. Việc “dìm xuống” nước tượng trưng cho việc mai táng người dự tòng vào sự chết của Đức Kitô, và từ đó họ bước ra nhờ được sống lại với Người6, với tư cách là một “thụ tạo mới” (2 Cr 5,17; Gl 6,15).
Được sát nhập vào Đức Kitô nghĩa là bước vào một tiến trình liên tục chết và sống lại… Chúng ta phải được mai táng cùng với Đức Kitô để có thể sống lại với Đức Kitô. Chúng ta phải sẵn lòng chết cho tính ích kỷ và tội lỗi để có thể sống cuộc sống vị tha và ân sủng. Lưu ý rằng Phép Rửa là một biến cố xảy ra một lần, không lặp lại. Đồng thời, tuy nhiên, cuộc sống thanh tẩy là một tiến trình không ngừng, một tiến trình bỏ đi những gì cũ về mình để có thể được đổi mới trong tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa.
Sách GLHTCG nói về ân sủng của Bí Tích Rửa Tội. Ân sủng của bí tích này cho phép những người đã được rửa tội: “sống và hành động dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần … cho phép họ lớn lên trong sự tốt lành nhờ các nhân đức luân lý” (# 1266).
Đây là một đoạn văn quan trọng và sâu sắc. Nó nói rằng sự hiện diện và quyền năng của Chúa Thánh Thần, được lãnh nhận một cách mới mẻ trong Bí Tích Rửa Tội, được ban cho chúng ta để chúng ta có thể sống và hành động theo những cách được Thần Khí hướng dẫn và do đó lớn lên trong sự tốt lành và nhân đức.
Bây giờ chúng ta nên lưu ý đơn giản rằng đối với các Kitô hữu, sự hiện diện của Thần Khí của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta phải thay đổi câu hỏi mà chúng ta tự hỏi mình khi kể đến những lựa chọn luân lý khó khăn. Với các tín hữu, câu hỏi “Tôi nghĩ tôi nên làm gì?” có thể trở thành “Tôi tin Chúa Thánh Thần đang thúc giục tôi làm gì?” Như chúng ta sẽ thấy, hai câu hỏi này không nhất thiết phải mâu thuẫn, nhưng câu hỏi thứ hai mở ra cho chúng ta một nguồn khôn ngoan không thể đến gần được với những người chỉ đặt ra câu hỏi thứ nhất.
Cuối cùng, chính nhờ Bí tích Rửa Tội, chúng ta trở thành phần tử của Thân Thể Đức Kitô. Có hai điều rất quan trọng về việc này.
Thứ nhất, đời sống Kitô hữu không chỉ sống một mình. Để sử dụng các hình ảnh có định hướng, cuộc sống đáp lại tình yêu của Thiên Chúa của chúng ta không chỉ đơn thuần là việc theo chiều dọc, Thiên Chúa, và tôi, Chúa Giêsu và tôi. Cuộc sống Kitô hữu có chiều ngang: liên quan đến mối liên hệ của chúng ta với nhau. Điều này không chỉ đơn thuần vì chúng ta được mời gọi để chứng tỏ tình yêu của mình với Thiên Chúa qua tình yêu đối với người lân cận, nhưng cũng quan trọng bởi vì chúng ta thực sự gặp sự hiện diện của Thiên Chúa trong người lân cận của mình (xem Mt 25: 31-46) . Cùng nhau chúng ta là Thân Thể của Đức Kitô trong thế gian này. Chúng ta biết và yêu mến Đức Kitô qua việc biết và yêu thương nhau.
Điều thứ hai phải lưu ý về đoạn văn ở trên là việc sát nhập vào Thân Thể Đức Kitô là một lời mời gọi – một thách đố – để nhận ra sự hiệp nhất thiết yếu của chúng ta với nhau, một sự hiệp nhất nhằm vượt qua bất cứ phân chia quốc tịch, văn hoá, chủng tộc , hoặc giới tính nào.
Đây vừa là thực tại bây giờ và hy vọng trong tương lai. Nó là sự thật bởi vì người ta chỉ cần nhìn quanh để nhận thấy sự đa đáng ngạc nhiên giữa những người theo Đức Kitô. Chẳng khác gì một phép lạ khi có đủ “keo” để giữ chúng ta lại với nhau. “Keo” ấy, tất nhiên, là Thần Khí của Thiên Chúa! Nhưng cũng đúng rằng chúng ta chưa hẳn là Thân Thể của Đức Kitô mà chúng ta được gọi trở thành; chúng ta cũng là một dân tội lỗi. Lịch sử của Kitô giáo mang dấu vết của quá nhiều bè phái và chia rẽ tiếp tục là một phần của chúng ta ngày nay. Vì vậy, cùng nhau chúng ta mong mỏi ngày mà Thần Khí của Thiên Chúa sẽ làm cho sự hiệp nhất của chúng ta được hoàn thành.
Bí Tích Thánh Thể
Có thể nói hàng ngàn điều về tầm quan trọng của Bí Tích Thánh Thể đối với đời sống Kitô hữu. Khi nhắc lại giáo huấn của Công đồng Vaticanô II, GLHTCG nhắc nhở chúng ta rằng Bí Tích Thánh Thể là “nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu” (# 1324, LG 11). Ở điểm này, chúng ta chỉ thêm hai ý kiến nữa.
Trước hết, Bí Tích Thánh Thể theo cơ bản là về tạ ơn. Trong Bí Tích này, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với tất cả mọi sự mà Thiên Chúa đã làm cho chúng ta, đặc biệt là qua tình yêu của Chúa Giêsu Kitô (xem # 1360). Chương này nhấn mạnh rằng đời sống luân lý Kitô giáo chủ yếu là một đời sống đáp lại tình yêu của Thiên Chúa – và trung tâm của nó, tất nhiên, là việc tạ ơn. Kitô hữu là những người đã cảm nghiệm hồng ân của tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ. Câu trả lời đầu tiên và cơ bản nhất của họ là phải biết ơn. Không nơi nào mà “cử chỉ tạ ơn” được diễn ra tốt hơn là trong Bí Tích Thánh Thể.
Thứ đến, như GLHTCG nhắc nhở chúng ta, phụng vụ Thánh Thể kết thúc bằng việc chúng ta được sai vào thế gian để trải dài sứ vụ và tác vụ của Đức Kitô cho những người mà chúng ta gặp trong cuộc sống hàng ngày của mình (xem # 1332). Trong số rất nhiều điều khác, Bí Tích Thánh Thể là lương thực cho cuộc hành trình. Bí Tích Thánh Thể là cho những người biết rằng đáp lại tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày thì không phải là điều dễ dàng. Bí Tích Thánh Thể là cho những người biết các vết thương của thế giới và giới hạn của mình khi họ cố gắng trở thành những người đi theo Đức Kitô hằng ngày. Bí Tích Thánh Thể không phải là một phần thưởng cho những người đã đến nơi, nhưng là chất dinh dưỡng cho những người đang trên đường.
Tóm Lược
Con người được dựng nên “theo hình ảnh và giống” Thiên Chúa. Hình ảnh này đã bị tội nguyên tổ làm méo mó, nay được phục hồi trong Ðức Kitô, và được thêm lộng lẫy nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu. Tình Yêu này rất mãnh liệt và có sức biến đổi. Qua Đức Kitô, Thiên Chúa ban Tình Yêu này cho chúng ta một cách nhưng không. Nếu chúng ta đáp lại tình yêu Thiên Chúa thì Chúa Thánh Thần sẽ biến đổi chúng ta để mỗi ngày chúng ta một nên giống Đức Kitô hơn.
Sống đời Kitô hữu là sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Đời sống Kitô hữu bắt đầu với niềm tin rằng bằng một cách tuyệt vời và có sức biến đổi nào đó, Đức Kitô sống trong chúng ta. Đức tin của chúng ta mời gọi chúng ta sống cuộc sống của mình để đáp lại tình yêu đó bằng cách làm những gì chúng ta có thể để yêu thương tha nhân như Thiên Chúa đã yêu chúng ta. Thiên Chúa mời gọi và ban quyền cho chúng ta để tiếp tục sứ mệnh và tác vụ của Chúa Giêsu Kitô trong thế giới của mình ngày nay. Thần Khí của Thiên Chúa được chia sẻ với chúng ta và liên kết chúng ta với Đức Kitô là Thần Khí của Đức Kitô Phục Sinh, chiến thắng sự chết.
Xác tín này được diễn đạt một cách tráng lệ trong việc cử hành các Bí Tích. Bí tích Rửa Tội là về sự chết và sống lại; đó là về việc tiếp cận một loại ân sủng và quyền năng đặc biệt; về việc sát nhập vào Thân Thể Đức Kitô. Qua Bí tich Rửa Tội chúng ta đuộc sát nhập vào Nhiệm Thể Đức Kitô, Đây là một lời mời gọi – một thách đố – để nhận ra sự hiệp nhất thiết yếu của chúng ta với nhau.
Đời sống luân lý Kitô giáo chủ yếu là một đời sống đáp lại tình yêu của Thiên Chúa – và trung tâm của nó, tất nhiên, là việc tạ ơn. Bí tích Thánh Thể theo cơ bản là Bí tích Tạ Ơn. Qua Bí tích Thánh Thể Chúa ban Chính Người cho chúng ta. Chúa Giêsu Thánh Thể ở với và ở trong chúng ta để nuôi dưiỡng, đồng hành, trợ giúp và biến đổi chúng ta nếu chúng ta thật sự tạ ơn Người bằng cách yêu mến Người và giữ Lời Người. Phụng vụ Thánh Thể kết thúc bằng việc chúng ta được sai vào thế gian để trải dài sứ vụ và tác vụ của Đức Kitô cho những người mà chúng ta gặp trong cuộc sống hàng ngày của mình (xem GLCG 1332).
Đó là lý do tại sao chúng ta phải yêu thương tha nhân bằng chính Tình Yêu của Thiên Chúa.
.
Câu Hỏi để Suy Nghĩ và Thảo Luận
- Chương này mở ra bằng một loại suy: nỗ lực của chúng ta để đáp lại hồng ân tình yêu của Thiên Chúa cũng giống như nỗ lực của chúng ta để đáp lại món quà của tình yêu con người. Loại suy này có vẻ thích hợp cách nào nào? Chắc chắn rằng đúng là tất cả các lọai suy (những gì chúng ta sử dụng để nói về Thiên Chúa) đều thiếu sót. Loại suy này thiếu sót như thế nào?
- Chương này ghi nhận ba điều về tình yêu của Thiên Chúa: Thiên Chúa là tình yêu; Tình yêu của Thiên Chúa thật nhân hậu; Tình yêu của Thiên Chúa thật mãnh liệt. Khía cạnh nào trong ba khía cạnh này của tình yêu của Thiên Chúa là khía cạnh nổi bật nhất đối với bạn? Tại sao? Dựa vào kinh nghiệm của chính bạn, bạn muốn nói gì khác về tình yêu của Thiên Chúa?
- Chương này đặt ra một số hàm ý của việc nói rằng Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong tất cả mọi người. Các hàm ý ấy là gì? Bạn nghĩ gì về chúng? Bạn có thể nghĩ gì về các hàm ý khác của xác tín rằng chúng ta “có thể tìm thấy” Thiên Chúa trong tất cả mọi người?
- Chương này kết thúc bằng một vài suy tư về mối quan hệ giữa Bí Tích Rửa Tội và Bí Tích Thánh Thể trong đời sống luân lý Kitô giáo. Dựa vào kinh nghiệm của riêng bạn về các bí tích này, bạn miêu tả mối liên hệ giữa các bí tích này như thế nào và cách sống của chúng ta như những Kitô hữu ra sao?