Bài 2 – Luân Lý Kitô Giáo và Triều Đại của Thiên Chúa

Bài làm ở nhà trước khi đến Lớp 2

Home Exercise before Class 2

Read Christian Morality: In the Breath of God, Chapter 2 and answer the following questions before attending class.

Đọc Bài 2 ở các trang sau và trả lời các câu hỏi dưới đây trước khi tham dự lớp.

  • What are the major characteristics of the Reign or Kingdom of God?

Các đặc tính chính của Nước Thiên Chúa là gì?

  • For how long has God been at work in establishing the Kingdom of God?

Thiên Chúa đã làm việc để thiết lập Nước Thiên Chúa bao lâu rồi?

  • What is the status of the Kingdom of God today?

Tình trạng cùa Nước Thiên Chúa ngày nay thế nào?

  • What is the relationship between the moral life and the Kingdom of God?

Đời sống luân lý và Nước Thiên Chúa liên hệ với nhau thế nào?

  • What does the author mean by “thisworldliness” and how does he see it as related to the Christian moral life?

Tác giả có ý nói gì khi dùng từ “thế giới này” và ông thấy nó liên quan đến đời sống luân lý Kitô giáo thế nào?

Bài 2 – Luân Lý Kitô Giáo và Triều Đại của Thiên Chúa

Viết theo Christian Morality: In the Breath of God – Chapter 2

Của Tiến Sĩ Russell B. Connors, Jr.

ÔNG TƯỢC

Ngày xưa có một khu vườn, và người làm vườn là ông Tược. Khu vườn ấy là khu vườn đẹp nhất trong làng. Bà Phương đặc biệt yêu thích khu vườn ấy. Vào những lần dạo chơi ban chiều, khi có dịp gặp ông Tược đang chăm sóc khu vườn, bà thường nói với ông, “Đẹp quá ông Tược, ông và Thiên Chúa có một khu vườn đẹp nhất trong làng.” Ông Tược trả lời “Tốt lắm, cảm ơn bà”.

Việc này xảy ra trong một thời gian dài. Rồi vào một buổi chiều nóng bức và nực nội, ông Tược vất vả làm việc trong vườn, vừa làm vừa lau mồ hôi trán. Theo thói quen của mình, bà Phương đi đến và nhận xét, “Ông Tược, tôi nói với ông, ông và Thiên Chúa có khu một vườn đẹp tuyệt vời trong làng”. Lần này, ông Tược ngừng công việc mình đang làm, bỏ mũ xuống, lau mồ hôi trán, nhìn thẳng vào mắt bà Phương, và nói: “Thưa bà, không dám vô lễ với bà, nhưng tôi phải nói cho bà biết một điều. Đây có thể là một khu vườn đẹp tuyệt vời, nhưng với việc tôi và Thiên Chúa cùng nhau làm chủ nó, thì hay lắm, bà phải thấy khu vườn này lộn xộn như thế nào khi chỉ có một mình Thiên Chúa làm chủ nó!”

Từ sách GLHTCG 668, 669, 670, 671, 672

Chắc hẳn là ông Tược trong câu chuyện mở đầu của chúng ta có vẻ không sẵn sàng phủ nhận vai trò của Thiên Chúa với những gì xảy ra trong vườn của ông, nhưng chắc chắn là ông muốn cho bà Phương biết rằng mồ hôi của chính ông trong cái nóng ban ngày liên hệ rất nhiều đến việc vườn nở hoa.

Chương này nói về mối liên hệ giữa những gì Thiên Chúa đang làm trong thế giới này và điều chúng ta được mời gọi để làm với Ngài. Như sách GLHTCG, tôi gợi ý rằng hầu hết những gì Thiên Chúa đang làm trong thế giới này có thể được mô tả bằng hình ảnh Thánh Kinh về triều đại Thiên Chúa – một triều đại của công lý, tình yêu và hòa bình. Như đã thấy trong cuộc đời, lời rao giảng, giáo huấn, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô, việc Thiên Chúa đang làm là tạo ra một trời mới đất mới (xem Kh 21). Nhưng Ngài không làm  một mình. Chúng ta có liên hệ mật thiết với những gì Ngài đang làm. Triều đại Thiên Chúa đang và sẽ là việc của Thiên Chúa, nhưng nó xảy ra trong và qua tất cả chúng ta, đặc biệt là những người đi theo Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa đang chăm sóc khu vườn, nhưng không phải không có ông Tược.

Chương này được coi như mặt trái của Chương 1. Trong chương ấy, chúng ta thấy rằng đời sống luân lý Kitô giáo, trước hết và trên hết, không phải là về mình, mà về Thiên Chúa. Chương 1 bàn về món quà tình yêu của Thiên Chúa và cách chúng ta cố gắng đáp lại lại tình  yêu này. Điều ấy vẫn đúng. Nhưng chương này nhấn mạnh đến một chiều hướng khác: đời sống luân lý Kitô giáo liên hệ rất nhiều đến những gì chúng ta làm. Nó liên hệ đến sự tham gia tích cực của chúng ta vào công việc của Thiên Chúa trong việc tạo ra một triều đại công lý, yêu thương và hòa bình. Nếu hình ảnh trong Thánh Kinh có thể được tin cậy, sự tham gia tích cực của chúng ta vào công việc của Thiên Chúa rất quan trọng đến nỗi khu vườn sẽ không nở hoa nếu không có nó.

Vẫn để giới thiệu, sự khác biệt giữa chương này và chương trước là về nhấn mạnh. Chương trước chủ yếu nói về cách đáp trả hồng ân tình yêu của Thiên Chúa. Chương này nhấn mạnh cách cụ thể hơn rằng khuôn mẫu của đáp trả này xảy ra trong đời sống Kitô hữu là khuôn mẫu của việc sống trong Đức Kitô. Như sách GLHTCG nhắc nhở chúng ta rằng, Đức Kitô không hiện diện giữa chúng ta như Người đã hiện diện cách đây hai ngàn năm. Nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Người hiện diện qua Thân Thể Người, là Hội Thánh. Người hiện diện qua bạn và tôi. Công việc tạo thành triều đại Thiên Chúa, được thấy trong cuộc đời Chúa Giêsu Kitô, bây giờ được trao phó cho chúng ta, những kẻ theo Người.

Nhưng chúng ta đang đi quá nhanh. Trong các trang tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét các xác tín của Kitô giáo về triều đại của Thiên Chúa là những gì và sự tham gia tích cực vào triều đại ấy đòi hỏi gì. Rồi chúng ta sẽ lưu ý đến điều mà tôi gọi là “sự quan tâm đến thế giới này”.

Xác Tín của Kitô giáo về Triều Đại Thiên Chúa

Xác tín của Kitô giáo về triều đại Thiên Chúa được xây dựng trên đức tin của dân Israel. Vì vậy, chúng ta hãy xem xét một đoạn Thánh Kinh nói khá rõ ràng về nguồn gốc niềm tin của dân Israel về triều đại ấy: Xuất Hành 3:7-10. Trong câu chuyện, người Do thái, bị bắt làm nô lệ ở Ai Cập, cầu nguyện cùng Thiên Chúa, xin Ngài làm một điều gì cho họ. Trong đoạn văn sau, Thiên Chúa nói với ông Môsê và, qua ông, với dân Israel.

Ta đã thấy rõ nỗi cực khổ của dân Ta tại Ai Cập, và nghe thấu tiếng kêu rên của chúng vì bị các quản đốc hành hạ; phải, Ta biết sự đau khổ của chúng. Ta ngự xuống để giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập, và dẫn chúng ra khỏi Ai Cập, và đưa chúng từ đất đó lên đến một đất đẹp đẽ và rộng rãi, chảy sữa và mật ong, nghiã là đất của dân Canaan, dân Híttít, dân Amôri, dân Peridít, dân Hivít và dân Giêbu. Này đây, tiếng kêu rên của dân Israel đã thấu đến Ta, và Ta đã thấy chúng bị dân Ai Cập hà hiếp thế nào; vậy hãy lại đây, Ta sẽ sai ngươi đến với Pharaô, để đưa dân ta, là dân Israel, ra khỏi Ai Cập.

Đức tin của dân Do Thái về triều đại Thiên Chúa bắt đầu ở đó. Nó bắt đầu với niềm tin rằng Thiên Chúa không những chỉ nghe chúng ta và quan tâm đến chúng ta, mà còn táo bạo hơn – Thiên Chúa sẵn sàng can thiệp, “xuống” để ở với chúng ta và hành động vì chúng ta. Câu chuyện này bày tỏ niềm tin của dân Israel rằng Thiên Chúa quan tâm sâu xa đến tình trạng áp bức và bất công. Hàm ý của việc này đối với dân Isreal đã trở thành điều này: như Thiên Chúa “đã xuống” để làm điều gì đó về tình trạng nô lệ và áp bức của chúng ta, và chúng ta cũng phải đặc biệt quan tâm và dấn thân hành động cho những người nghèo hoặc những người bị áp bức.

Cũng lưu ý rằng câu chuyện diễn tả đức tin của dân Israel về việc Thiên Chúa hành động như thế nào – không trực tiếp, mà trong và qua ông Môsê, trong và qua dân Israel. Vì thế Thiên Chúa phán với ông Môsê rằng hãy đi gặp Pharaô và đưa dân ra khỏi ách nô lệ. Trong câu chuyện, ông Môsê phản đối: ‘Con là ai mà dám đến cùng Pharaô, để đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập?” (Xh 3:11). Thiên Chúa trả lời không phải bằng cách cho ông Môsê bất cứ điều gì gần như một kế hoạch hành động hoặc một bản đồ chỉ đường. Thay vào đó, Thiên Chúa chỉ đơn thuần ban một lời hứa: “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3:12).

Điều cộng đồng Kitô hữu tin tưởng về “Nước Thiên Chúa” hay “triều đại của Thiên Chúa” cũng tương tự như thế, nhưng nó tập trung vào những gì chúng ta tin là Thiên Chúa đã thực hiện trong cuộc đời và công việc, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Cũng như sách GLHTCG viết (xem # 714), chúng ta hãy nhìn thoáng qua đoạn văn quan trọng sau đây từ Tin Mừng Thánh Luca:

Thần Khí của Chúa ngự trên Tôi,

vì Ngài đã xức dầu cho Tôi,

để loan báo Tin Mừng cho những người nghèo khó.

Ngài đã sai Tôi đi công bố sự giải thoát cho những người bị giam cầm,

làm cho người mù được thấy,

và trả lại tự do cho những người bị áp bức,

để công bố một năm hồng ân của Chúa.

(Lc 4:18-19)

Những lời của Chúa Giêsu ở đây, một trích dẫn từ Isaia 61:1-2, là một lời công bố táo bạo của đức tin Kitô giáo về Chúa Giêsu Kitô. Thần Khí của Thiên Chúa đã ngự trên Chúa Giêsu một cách độc đáo và ấn tượng. Người là Con Thiên Chúa ở giữa chúng ta, và sứ mạng của Người là mang Tin Mừng đến cho những người nghèo đói, đau khổ và bị áp bức. Khi liên kết điều này với đoạn văn từ sách Xuất Hành, các Kitô hữu tin rằng trong và qua con người cùng công việc của Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa “đã xuống” để ở cùng chúng ta. Thiên Chúa không những chỉ quan tâm đến nhu cầu của chúng ta, chú ý đến tình trạng đổ vỡ và tội lỗi của chúng ta, mà trong Chúa Giêsu, Ngài đã ôm lấy chúng.

Để chắc chắn, các Kitô hữu khẳng định rằng sự hiện diện yêu thương và cứu độ của Thiên Chúa đã được tỏ hiện trong đời sống của dân Israel, nhưng chúng ta cũng tin rằng khi sai Con Mình đến giữa chúng ta, Thiên Chúa đã làm một điều gì mới. Triều đại của Thiên Chúa đã được thiết lập – chưa kết thúc, nhưng đã được thiết lập – một cách dứt khoát. Niềm tin này được Thánh Sử Marcô tóm bắt rất hay. Trong Tin Mừng của ngài, ngài đã nói những lời đầu tiên về Chúa Giêsu như sau: “Ðây là thời viên mãn, và Nước Thiên Chúa đã gần đến.  Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15).

Bằng cụm từ “Nước Thiên Chúa” hay “triều đại Thiên Chúa”, các Kitô hữu có ý nói rằng những gì Thiên Chúa làm trong Chúa Giêsu Kitô đã thiết lập chiến thắng cuối cùng của ân sủng trên tội lỗi, chiến thắng của công lý trên sự áp bức, và bi hùng nhất, là chiến thắng của sự sống trên sự chết. Cần lưu ý rằng, đức tin Kitô giáo cho rằng chiến thắng này, triều đại này, chỉ mới bắt đầu; nó hầu như chưa hoàn thành. Chúng ta chỉ cần xem các nhật báo buổi sáng để được nhắc nhở rằng tội lỗi, áp bức, và sự chết vẫn còn ở với chúng ta. Tuy nhiên, Kitô hữu là những người hy vọng – thực sự, chờ đợi – sự hoàn thành của chiến thắng của Đức Kitô, triều đại của Đức Kitô.

Nói cách hơi khác, đức tin Kitô giáo cung cấp cho các tín hữu một cái nhìn về lịch sử – thực sự, một cái nhìn rất đầy hy vọng. Thiên Chúa đang làm một điều gì đó trong một thời gian dài. Được thoáng thấy trong cuộc sống của dân Israel và được bi thảm hóa trong con người và việc làm của Chúa Giêsu Kitô, đặc biệt là trong và qua chiến thắng của Người trên sự chết – Thiên Chúa đã và vẫn tiếp tục biến đổi nhân loại và tạo lập một trời mới và đất mới. Đó là một tuyên bố khá kinh ngạc. Câu hỏi đầu tiên cho chúng ta đơn thuần là “Chúng ta có tin điều ấy không? Chúng ta có nghĩ rằng điều ấy có khả thi, thực ra, có thể thực sự xảy ra không?” Và câu hỏi tiếp theo là “Vai trò của chúng ta trong công trình kỳ diệu này của Thiên Chúa là gì?” Chúng ta hãy tiếp tục để trả lời câu hỏi ấy.

Đời Sống Luân Lý Kitô giáo như Tích Cực Tham Gia vào việc Xây Dựng Triều Đại Thiên Chúa của Đức Kitô

Rõ ràng là không có gì tế nhị về tiêu đề dài của phần này. Nếu câu hỏi là vai trò của chúng ta trong triều đại của Thiên Chúa là gì? thì câu trả lời là chúng ta được mời gọi tham gia tích cực vào những gì Thiên Chúa đang làm. Trong các đoạn tiếp theo, tôi đề nghị chúng ta suy nghĩ một chút về ý nghĩa của các từ tích cực và tham gia. Tôi đề nghị rằng điều mà sự tham gia đòi hỏi chúng ta là đức khiêm nhường, và điều mà tích cực đòi hỏi chúng ta là một ý thưc về tính cấp bách.

Để thấy mình như một người tham gia vào công trình của Đức Kitô trong việc xây dựng triều đại Thiên Chúa, chắc chắn là đòi hỏi một số điều. Tôi đề nghị rằng trong số những đòi hỏi quan trọng nhất là ý thức về sự khiêm nhường thật sự. Tôi không có ý nói đến hý hoạ về sự khiêm nhường mà chúng ta có thể nghĩ đến – đó là ý tưởng sai lầm về khiêm nhường cho rằng “Tôi thực sự không có giá trị bao nhiêu” hoặc “tôi thực sự không có nhiều đóng góp”. Đó là một ý tưởng rất khác xa với đức khiêm nhường chân chính. Đức khiêm nhường chân chính là nhân đức giúp chúng ta thấy rõ con người thật của mình; đó là một nhân đức giúp chúng ta va chạm với thực tế. Dưới ánh sáng của đức tin Kitô giáo, những người khiêm nhường biết rằng họ không là gì khác hơn là con cái Thiên Chúa, được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (xem Sáng Thế 1:27; GLHTCG, # 356). Các Kitô hữu khiêm tốn tin điều này cách sâu xa. Họ biết rằng vì nguồn gốc của họ (trong Thiên Chúa) và vì vận mệnh của họ (trong Thiên Chúa), họ là những thụ tạo có giá trị to rất lớn, vô giá. Nhưng nhớ lại một điều được nhấn mạnh trong  Chương 1, họ cũng biết rằng tất cả đều là ân sủng, tất cả đều là quà tặng, chứ không phải là kết quả của những thành công của họ, dù có giá trị đến đâu đi nữa. Với Kitô hữu, sự khiêm nhường chân chính bắt đầu ở đó.

Nhưng nó không ngừng lại ở đó. Trở nên khiêm tốn và trở thành môn đệ Đức Kitô là tin rằng Thiên Chúa đang làm một điều gì đáng kinh ngạc: kiến tạo triều đại tình yêu, công lý và hòa bình. Lòng khiêm nhường của những người như thế sẽ giúp họ không bao giờ quên rằng từ đầu đến cuối, đó là công việc của Thiên Chúa, triều đại của Thiên Chúa. Điều chúng ta được mời gọi để làm là tham gia vào những gì Thiên Chúa đang làm qua những cách mà trong đó chúng ta sống đời mình, qua những cách mà trong đó chúng ta làm việc vì tình yêu, công lý và hòa bình. Nhưng trong mọi lúc, chúng ta tốt nhất là ghi nhớ thực tại của tình trạng tuyệt vời này: Chính là việc làm của Thiên Chúa làm, chứ không phải của chúng ta. Chúng ta phải tham gia, và vâng, sự tham gia của chúng ta là điều cần thiết. Nhưng việc tạo ra một trời mới và đất mới rõ ràng là một công trình “to lớn hơn” bất cứ ai (hoặc tất cả mọi người) trong chúng ta. Nó “to lớn hơn” điều mà bất cứ ai (hoặc tất cả mọi người) trong chúng ta có thể làm.

Tại sao điều này lại quan trọng? Nó quan trọng vì loại khiêm nhường này – khiêm nhường thật sự của Kitô hữu – có thể giải phóng chúng ta khỏi chủ nghĩa tự cho mình là hoàn hảo là điều làm tổn thương quá nhiều người trong chúng ta, chủ nghĩa tự cho mình là hoàn hảo, cuối cùng dẫn đến trầm cảm, nếu không phải là tuyệt vọng, vì chung cuộc, tất cả chúng ta đều không phải là những người hoàn hảo mà chúng ta nghĩ mình đáng lẽ là. Hơn nữa, đức khiêm nhường Kitô giáo chân chính có thể giúp tất cả chúng ta sống với những việc chưa hoàn thành. Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, bao nhiêu người phải vật lộn với các lịch trình bù đầu, thường làm chúng ta thất vọng vào cuối ngày vì mình thực sự đã chưa làm xong được tất cả? Và quan trọng hơn nữa, bao nhiêu người trong chúng ta phải vật lộn với việc chưa hoàn thành của thế giới chúng ta: với những mối liên hệ đổ vỡ và hầu như “hết thuốc chữa”; với những vấn đề xã hội ngập đầu như nghèo túng, đói khát và bất công; cùng với thù địch và bạo lực kéo dài hàng thế kỷ? Đức tin vào triều đại Thiên Chúa của Kitô giáo mời gọi chúng ta tin rằng, dù sức mạnh của tội lỗi và đau khổ có cứng đầu cách nào đi nữa, thì triều đại của Thiên Chúa, chiến thắng của Thiên Chúa, đã cận kề; nó đang đến. Tin điều ấy liên hệ đến việc mạo hiểm, một mạo hiểm có vẻ gần như điên khùng. Tuy nhiên, theo sách GLHTCG thì niềm tin như vậy sẽ mở ra hy vọng, hy vọng vào những gì Thiên Chúa có thể làm và những gì Thiên Chúa đã làm (xem # 1817-1821). Niềm hy vọng ấy phải dựa trên lòng khiêm tốn, khả năng nhận ra thực tại của giá trị của chính mình khi góp phần vào những gì Thiên Chúa đang làm trong thế giới này.

Nếu đức khiêm nhường là điều thiết yếu cho khả năng tham gia tốt của chúng ta vào việc xây dựng triều đại Thiên Chúa, một ý thức cấp bách cũng quan trọng không kém trong việc tham gia tích cực của chúng ta vào công việc đầy đức tin này. Có lẽ một câu chuyện có thể giúp chúng ta ở đây.

Tôi nhớ lại bài thần học đầu tiên; cha tôi là thầy giáo. Nó xảy ra nhiều năm trước đây khi chúng tôi coi một trận đấu bóng chày của đội banh Cleveland Indians trên đài truyền hình. Tôi khoảng bảy tám tuổi. Minnie Minoso bước vào khung vuông của người cầm chầy, và khi anh ta vào, tôi thấy anh ta đã làm dấu Thánh Giá. Trước đây tôi chưa từng để ý đến điều này, cho nên tôi đã nói với bố tôi: “Bố có thấy điều ấy không, Bố? Minnie đã làm dấu Thánh Giá, nó có giúp gì anh ta không?” Chẳng cần phải suy nghĩ nhiều, thần học gia của tôi trả lời, “Nó có giúp gì anh ta không?” Nó sẽ giúp anh ta – miễn là anh ta phải đến thực tập đánh bóng chầy, miễn là anh ta có thể đánh trúng!”

Trong những lúc tốt hơn (như lúc này), cha tôi là một người khôn ngoan – và ông ấy là một người có đức tin. Điều tôi học được trong bài học thần học đầu tiên ấy là Thiên Chúa giúp chúng ta, nhưng Ngài cần chúng ta tự giúp mình. Chúng ta cần phải đến để thực tập chơi bóng chầy. Chúng ta cần đi các bước mà chúng ta có thể đi để hoàn thành công việc. Thiên Chúa sẽ ở cùng chúng ta, Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta, nhưng Thiên Chúa chắc không làm điều ấy thay cho chúng ta. Tôi cho rằng đây là lý do tại sao tôi rất thông cảm với ông Tược trong câu chuyện mở đầu chương này. Người làm vườn làm tốt để nhớ rằng trước hết cả ông ta và ngôi vườn đều hiện hữu vì hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa. Người làm vườn làm tốt để nhớ rằng ông ta không phải là tác giả của sự sống. Dù vậy, người làm vườn cũng biết rằng có rất nhiều công việc phải làm trong vườn, và ngay cả khi ông cầu xin cho thời tiết tốt và cây mọc tốt, ông biết rằng mình phải chu toàn các nhiệm vụ hiện thời.

Vì vậy, việc tham gia tích cực vào triều đại của Thiên Chúa đòi hỏi gì? Nó đòi hỏi một ý thức về sự khẩn trương. Nó đòi hỏi khả năng nhìn thấy những cơ hội đang có sẵn trong bàn tay của chúng ta, để “đáp ứng kịp thời”, để làm một điều gì ngay hôm nay hầu có thể thăng tiến triều đại công lý, tình yêu và hòa bình Thiên Chúa.

Đây chính là điều mà Thiên Chúa đã truyền cho ông Môsê khi Ngài sai ông đến cùng Pharaô để dẫn đưa dân chúng ra khỏi ách nô lệ ở Ai Cập. Thiên Chúa đã yêu cầu ông Môsê phải tin rằng Ngài sẽ làm cho việc ấy xảy ra, và, đồng thời, rằng nó sẽ không xảy ra nếu không có sự lãnh đạo và hành động dứt khoát của chính ông. Nói cách khác, triều đại Thiên Chúa là sự cai trị của Thiên Chúa, và chiến thắng trên tội lỗi và sự chết sẽ giành được bởi quyền năng của Thiên Chúa – và chúng ta vẫn được mời gọi để hành động. Bà Phương đúng: Thiên Chúa và ông Tược có một khu vườn xinh đẹp. Nhưng ông Tược cũng đúng: khu vườn trở nên khá lôn xộn khi người làm vườn không làm xong việc.

Như chúng ta đã thấy ở đầu chương, đời sống Kitô hữu là đời sống trong Thần Khí. Đó là khả năng để cho Thiên Chúa sống trong mình và qua mình, khả năng tin rằng triều đại Thiên Chúa sẽ đến vì quyền năng của Thần Khí Thiên Chúa. Nhưng đời sống Kitô hữu cũng đòi hỏi phải thành một nhân chứng.

Trong tiếng Hy Lạp, ngôn ngữ của Tân Ước, từ chứng nhân và từ tử vì đạo được coi là tương đương. Để làm chứng nhân cho Đức Kitô nghĩa là hành động theo những cách đôi khi bi thảm và đắt giá. Đối với một số người, nó có nghĩa là ban tặng sự sống của mình vì công lý, tình yêu và hòa bình. Những nhân chứng như vậy bi hùng hoá tính cấp bách liên quan đến việc tham gia tích cực của chúng ta vào triều đại Thiên Chúa.

Đời Sống Luân Lý Kitô Giáo và “quan tâm đến thế giới này”

Đòi hỏi ở phần cuối của chương này là sự tham gia tích cực của chúng ta vào việc tạo ra triều đại Thiên Chúa có một “quan tâm” nào đó “đến thế gian này”. Để hiểu điều này có nghĩa gì, chúng ta hãy nhìn vắn tắt đến quan điểm của Karl Marx.

Karl Marx (1818-1883) là một triết gia người Đức, mà những tư tưởng của ông được mô tả là duy vật (chối từ bình diện tâm linh của con người), theo thuyết định mệnh (giảm tự do của con người xuống mức tối thiểu), và vô thần (phủ nhận sự hiện hữu, hoặc ít ra sự thiết yếu, của Thiên Chúa). Quan tâm sâu xa đến tình trạng của các công nhân ở Châu Âu trong thời của ông – các công nhân (gồm cả trẻ em) đã làm việc vất vả lâu giờ trong các nhà máy thiếu an toàn với số lương ít ỏi không đủ để nuôi gia đình, nhân phẩm không mấy được tôn trọng – Marx kêu gọi một thay đổi xã hội triệt để. Đến đây vẫn tốt. Nhưng được xây dựng trong các tư tưởng triết học và chính trị của ông là một phê bình triệt để về tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo, như “thuốc phiện của dân chúng”. Ông kết án rằng niềm tin Kitô giáo về thiên đàng làm dân chúng sao lãng việc nhìn thấy những gì đang thực sự xảy ra trong thế giới của họ và không cho họ có bất cứ hảnh động nào về tình trạng đàn áp và bất công. Như một loại thuốc, niềm tin vào “một thế giới khác” làm nhụt các giác quan của các Kitô hữu khiến họ vui lòng chịu đựng bất công xã hội ở đời này bởi vì cuối cùng, đời sau mới thực sự quan trọng. Lời phê bình của Marx về Kitô giáo là điều mà tôi thích gọi là “quan tâm đến thế giới khác”; ông buộc tội Kitô giáo là tập trung quá nhiều nỗ lực vào “thế giới sau” và quá ít vào thế giới này.

Có thể là vấn đề tranh cãi liệu những lời chỉ trích của Marx có ảnh hưởng thực sự đến Kitô giáo hay không. Nhưng điều dường như không thể tranh cãi được trong lịch sử là chẳng bao lâu sau Marx, các hội thánh Kitô giáo gồm cả Hội Thánh Công giáo Rôma – bắt đầu chú ý nhiều hơn đến các tệ nạn xã hội như nghèo đói, áp bức, và bất công. Năm 1891, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã ban hành một thông điệp quan trọng là Rerum Novarum (Tân Sự), về hoàn cảnh của các công nhân và nhu cầu cải cách xã hội. Thông điệp ấy bắt đầu điều được coi là giáo huấn về công bằng xã hội hiện đại của Công giáo. Chương 7 của sách này sẽ xem xét truyền thống ấy. Điểm nhấn mạnh ở đây đơn thuần là: giáo huấn xã hội Công giáo có một “sự quan tâm rõ rang đến thế giới này”. Trong một trăm năm qua, hầu như mọi Giáo Hoàng, từ Đức Lêo XIII đến Đức Gioan Phaolô II, (đặc biệt là Đức Phanxicô), đã chú ý rất nhiều đến những quan tâm xã hội của thời đại và đã kêu gọi mọi Kitô hữu – từng cá nhân, nhưng đặc biệt là tập thể – dành hết năng lực của mình để thắng vượt nạn nghèo khổ, đói khát, vô gia cư, kỳ thị, áp bức và bạo lực. Đạo Công Giáo có vẻ đã nghe giáo huấn Thánh Kinh về triều đại Thiên Chúa một cách mới mẻ trong thế kỷ qua, bằng một cách dường như được đánh dấu bằng “sự quan tâm đến thế giới này”. Cũng như Đức Kitô tin rằng Thần Khí của Thiên Chúa đang ngự trên Người và kêu gọi Người công bố một sứ điệp hy vọng cho người nghèo, đem lại tự do cho những kẻ bị tù đày, giải phóng những kẻ bị áp bức, cũng vậy, trong thế kỷ này, giáo huấn Công Giáo đã nhấn mạnh rằng cùng một Thần Khí của Thiên Chúa đang ngự trên chúng ta, rằng sứ mệnh của Đức Kitô giờ đây là của chúng ta. Như các vị Giáo Hoàng và Giám Mục đã nhắc nhở, chúng ta cũng thế, phải quan tâm đến việc đóng góp vào công việc yêu thương, công lý và hòa bình của Đức Kitô trong thế gian này, vì đó là điều mà triều đại của Thiên Chúa quan tâm đến.

Hai chú giải rất quan trọng ​​nữa về “sự quan tâm đến thế giới này”. Thứ nhất, cách nhìn vào đời sống Kitô hữu này – như sự tham gia tích cực vào công việc của triều đại của Thiên Chúa – mời gọi chúng ta chú ý đến sự liên tục giữa thế giới này và “trời mới đất mới” mà Thiên Chúa đang hình thành. Chắc chắn là có sự gián đoạn giữa thế giới này và “thế giới sau”. Thế giới này không phải là thiên đàng (nếu chúng ta không nhận thấy) và, thực ra, một ngày nào đó sẽ không đơn thuần trở thành thiên đàng như kết quả của việc làm tập thể của chúng ta. Để cho triều đại của Thiên Chúa được hoàn thành, Thiên Chúa sẽ phải hành động một cách mới mẻ và quyết định. Tuy nhiên, hình ảnh Thánh Kinh về triều đại Thiên Chúa cho thấy có sự liên tục giữa thế giới này và “trời mới đất mới” sẽ đến. Triều đại của Thiên Chúa “đã gần”,  các tác giả Thánh Kinh nhấn mạnh rằng nó đã ở giữa chúng ta. Nói cách khác, đây không phải là một thế giới “bị phí phạm”.  Triều đại của Thiên Chúa sẽ không thay thế cho những nỗ lực của chúng ta và những chiến công nhỏ bé về công lý, tình yêu và hòa bình ở đây và bây giờ; thay vào đó, nó sẽ đem chúng đến hoàn thành. Những gì chúng ta làm trong thế giới này đều quan trọng; chúng là một phần của công trình lớn hơn của Thiên Chúa.

Thứ hai, điều quan trọng là phải thừa nhận một số điều mà “sự quan tâm đến thế giới này” không có ý nói đến. Nó không có ý nói rằng các bổn phận duy nhất của chúng ta như các Kitô hữu là các bổn phận liên quan trực tiếp đến vấn đề công bằng xã hội. Rất nhiều trang trong Sách GLGHCG thảo luận các bổn phận của chúng ta liên quan đến chính Hội Thánh hoặc liên quan đến việc thờ phượng cho thấy rằng Kitô giáo không chỉ đơn thuần là về các quan tâm xã hội. Ngoài ra, nhấn mạnh đến các khía cạnh “quan tâm đến thế giới này” của triều đại Thiên Chúa và đời sống Kitô hữu, không có nghĩa là trong cuộc sống hàng ngày của mình, chúng ta phải trở thành các nhà đấu tranh xã hội. Nhiều người trong chúng ta có thể xác định các bổn phận luân lý quan trọng phát sinh từ mối quan hệ của mình với tư cách là cha mẹ, con cái, anh chị em, bạn bè, công nhân … Một số người trong chúng ta khỏe mạnh; một số người trong chúng ta đau yếu và phải cấm cung. Một số người chúng ta có những địa vị có ảnh hưởng lớn trong đời sống công cộng; nhiều người trong chúng ta không có. Vì vậy, những cách mà chúng ta tích cực tham gia vào công việc của Thiên Chúa trong việc tạo ra một triều đại công lý, tình yêu và hòa bình có thể thay đổi rất nhiều giữa người này và người khác.

Tất cả chúng ta đều phải quan tâm đến người lân cận của mình, và tùy theo khả năng của mình, chúng ta phải làm những gì có thể để đóng góp vào công việc của Thiên Chúa. Chúng ta phải chăm sóc cho khu vườn mà chúng ta đang ở.

Cuối cùng, việc nhấn mạnh đến “sự quan tâm đến thế giới này” của triều đại Thiên Chúa và sự tham gia tích cực của chúng ta vào nó không có nghĩa là không có chỗ cho việc cầu nguyện. Nhưng có lẽ, như trong Mùa Vọng, lời cầu nguyện của chúng ta có thể có hai hình thức. Có thể thật tốt khi chúng ta cầu nguyện “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” mỗi ngày, cầu xin cho Thiên Chúa hoàn thành những gì đã bắt đầu một cách dứt khoát nơi Chúa Giêsu thành Nadareth. Và chúng ta cũng có thể cầu xin cho đôi mắt của mình có thể mở ra, để chúng ta có thể nhận ra và đáp lại những cơ hội “đang đến” ngõ hầu giúp vào việc hình thành triều đại của Thiên Chúa.

TÓM LƯỢC

Hầu hết những gì Thiên Chúa đang làm trong thế giới này có thể được mô tả bằng hình ảnh Thánh Kinh về triều đại Thiên Chúa – một triều đại của công lý, tình yêu và hòa bình. Triều đại àny đã được mặc khải từ thời các Tổ Phụ và khai mào cách đặc biệt qua các biến cố của Chúa Giêsu. Nước Thiên Chúa liên quan đến chiến thắng của công lý trên áp bức, của tự do trên nô lệ, của ân sủng trên tình trạng tội lỗi và của sự sống trên sự chết. Các Kitô hữu được mời gọi sống và làm chứng cho triều đại Thiên Chúa bằng cách để cho Thiên Chúa sống trong chúng ta và qua chúng ta. Nhờ đó chúng ta có thể làm nhân chứng cho Đức Kitô để đem công lý, tự do và hòa bình đến cho thế gian.

Triều đại Thiên Chúa sẽ không thay thế những nỗ lực của chúng ta, nhưng sẽ đem chúng đến hoàn thành. Điều chúng ta làm trong thế giới này đều quan trọng; nó là một phần của công trình lớn hơn của Thiên Chúa. Nhưng bổn phận duy nhất của chúng ta như Kitô hữu không phải chỉ là bổn phận liên quan trực tiếp đến vấn đề công bằng xã hội mà thôi, mà là đem Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người.

Câu Hỏi để Suy Nghĩ và Thảo Luận

  1. Bạn nghĩ gì về câu chuyện mở đầu của chương này? Thiên Chúa có tham gia vào những gì mà ông Tược đang làm trong vườn không? Tham gia thế nào? Thiên Chúa có hoạt động trong thế giới này không? Nếu có, thì cách nào? Bạn mô tả mối quan hệ giữa những gì chúng ta làm trong thế giới này và những gì Thiên Chúa làm trong thế giới này như thế nào?
  2. Bạn nghĩ ngay đến điều gì khi nghe cụm từ “triều đại của Thiên Chúa”? Bạn có thể kể ra bất kỳ biến cố nào đối với bạn có vẻ là các dấu chỉ cho thấy rằng triều đại của Thiên Chúa đang xảy ra?
  3. Chương này đề ra rằng đức khiêm nhường và ý thức về sự cấp bách là những đặc tính thiết yếu cho những ai tham gia tích cực vào triều đại của Thiên Chúa. Một số đặc tính khác có vẻ như cần thiết là những đặc tính nào? Giải thích. Bạn có thể nêu tên một số người mà bạn thấy những đặc tính này không?
  4. Bạn nghĩ gì về thảo luận của chương này về “sự quan tâm đến thế giới này”? Chẳng lẽ “sự quan tâm đến thế giới khác” không đóng vai trò nào trong đời sống và tâm linh của các cá nhân Kitô hữu sao? Những nguy hiểm nào có thể có với mỗi ý tưởng ấy?