Bài làm ở nhà trước khi đến Lớp 4
Home Exercise before Class 4
Read Christian Morality: In the Breath of God, Chapter 3 and CCC 1776-1802 and answer the following questions:
Hãy đọc bài dưới đây và sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo các câu 1776-1802 và trả lời các câu hỏi dưới đây:
- Define the term “conscience”.
Hãy định nghĩa thuật ngữ “lương tâm”.
- Why does the Church teach that a person, “must not be forced to act contrary to his conscience. Nor must he be prevented from acting according to his conscience, especially in religious matters”?
Tại sao Hội Thánh dạy rằng “không được ép buộc một người hành đông trái với lương tâm”? Cũng không được ngăn cản một người làm theo lương tâm, đặc biệt là trong những vấn đề tôn giáo?
- What is meant by the terms “false conscience” and “erroneous conscience”?
Thuật ngữ “lương tâm sai lầm” và “lương tâm sai lạc” có nghĩa gì?
- Catholic teaching differentiates between two types ignorance that give rise to erroneous judgments of conscience. By what names are they called and what is the distinction between them? What difference does it make with regard to imputability?
Giáo huấn Công giáo phân biệt giữa hai hai loại thiếu hiểu biết dẫn đến những phán đoán sai lầm của lương tâm. Tên của hai loại thiếu hiểu biét này là gì và sự phân biệt giữa chúng ra sao? Chúng khác nhau trong việc quy trách nhiệm ở điểm nào?
Bài 4 – Luân Lý Kitô Giáo và Tiến Trình của Lương Tâm
Viết theo Christian Morality: In the Breath of God – Chapter 3
Của Tiến Sĩ Russell B. Connors, Jr.
“CỤ MỪNG”
Đây là thời gian bấp bênh và do dự, nhưng cũng là thời gian quyết định. Đó là về Cụ Mừng, như mọi người biết đến cụ. Sau khi cụ bà qua đời cách đây bốn năm, Cụ Mừng, 83 tuổi, đã sống với gia đình con gài là Liên; chồng Liên là Tiếp; con gái 17 tuổi của họ là Mai; và con trai 11 tuổi là Mốt. Cụ Mừng khá tốt: khỏe mạnh, tỉnh táo, độc lập, và thậm chí còn có tính hài hước. Tuy nhiên, cách đây ba tuần, cụ bị ngã và bể xương hông. Mặc dù cuộc giải phẫu của Cụ Mừng đã diễn ra tốt đẹp, nhưng sự hồi phục của cụ lại không; cụ đã bị suy thận, xẹp phổi, và những dấu hiệu trầm cảm bất thường, và rất khó cho gia đình cụ đối đầu.
Các nhân viên bệnh viện đề nghị gửi cụ vào một nhà an dưỡng, nhưng Cụ Mừng không bao giờ thích những chỗ như thế. Gia đình của anh Tiếp vật lộn với ý tưởng chăm sóc cho Cụ Mừng ở nhà. Có lẽ họ có thể thực hiện được những điều chỉnh cần thiết trong cuộc sống của họ. Họ có nên không? Chẳng phải yêu nghĩa là hy sinh sao? Hay là con tim của họ có đã lấn át lý trí họ rồi? Liệu họ có thực sự chăm sóc tốt nhất cho Cụ Mừng không? Tất cả điều này thật là khó cho Mai, cháu cưng của Cụ. Bố mẹ em đã cho em tham gia tiến trình quyết định. Em vui vì điều ấy, nhưng như họ, em rất băn khoăn.
Từ Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG): Câu 1778, 1783, 1785
Chương 1 nói rằng tất cả luân lý Kitô giáo là nói về nỗ lực của chúng ta để đáp lại món quà tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta phải cố gắng yêu thương như Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Chương 2 cho thấy đời sống luân lý Kitô giáo cũng là một đời sống tích cực tham gia vào triều đại của Thiên Chúa. Chúng ta phải nắm bắt các cơ hội trong tay để giúp mình nhích gần đến triều đại công lý, yêu thương và hòa bình của Thiên Chúa.
Chương này đưa ra một câu hỏi đơn giản nhưng quan trọng: làm sao? Làm sao chúng ta có thể biết “việc đáp lại tình yêu của Thiên Chúa” sẽ ra sao trong các tình cảnh cụ thể? Chẳng hạn như trong câu chuyện của Cụ Mừng, nếu thực sự yêu thương thì phải làm gì? Làm sao chúng ta tìm ra con đường để đóng góp cho triều đại Thiên Chúa trong những tình cảnh có vẻ như mơ hồ? Nói cách khác, ngay cả khi chúng ta biết ơn món quà tình yêu của Thiên Chúa và được ao ước đáp lại tình yêu ấy thúc đẩy trong cuộc sống hàng ngày của mình, “việc làm sao” có thể không phải lúc nào cũng rõ ràng. Ngay cả khi chúng ta tin tưởng sâu xa rằng Thiên Chúa đang hình thành một triều đại công lý, yêu thương và hòa bình, và mình phải đóng góp vào triều đại ấy, thì chúng ta có thể làm điều ấy thế nào trong cuộc sống hàng ngày của mình như cha mẹ, vợ chồng, luật sư, y tá, bạn bè, công dân và tương tự. Cuộc sống quá phức tạp!
Chúng ta hãy bàn đến việc nhấn mạnh về lương tâm của truyền thống Công giáo. Đạo Công giáo đề nghị rằng trong và qua các tiến trình lương tâm, tất cả mọi con người đều phải cố gắng tìm cách làm sao để trở thành những người tốt và làm những điều đúng. Trong lương tâm và qua lương tâm, chúng ta, những người theo Đức Kitô, cố gắng phân biệt cách mình có thể đáp trả tình yêu của Thiên Chúa và tham gia vào triều đại của Ngài trong cuộc sống hàng ngày của mình. Chắc chắn, nói về lương tâm không phải là nói về những câu trả lời đơn giản. Không có công thức đơn giản để thực hiện các lựa chọn luân lý tốt như những Kitô hữu. Nhưng có một cách, một cách mời gọi chúng ta phân biệt những gì chúng ta nên làm và những gì chúng ta có thể làm khi phải đối diện với các lựa chọn luân lý khó khăn. Cách ấy, truyền thống luân lý Công giáo đề nghị, là cách của lương tâm.
Giáo huấn về lương tâm của GLHTCG mặc dù không dài nhưng thật quan trọng. GLHTCG thừa nhận rằng chúng ta phải tuân theo các phán đoán của lương tâm mình và có trách nhiệm cung cấp các dữ liệu cho lương tâm của mình một cách đầy đủ và chính xác nhất có thể. Vì, như chúng ta sẽ thấy, lương tâm có cả bình diện cá nhân lẫn cộng đồng.
Dựa vào sách GLHTCG cũng như các hiểu biết của một số nhà thần học Công giáo hiện đại là những người đã viết về ba khía cạnh liên quan đến lương tâm, chúng ta hãy suy nghĩ về lương tâm như một khả năng, tiến trình và phán quyết.
Lương Tâm là Khả Năng làm Điều Tốt Lành và Ngay Thẳng
Từ lương tâm có nhiều ý nghĩa. Qua nhiều thế kỷ, các triết gia và các thần học gia Công giáo đã nhấn mạnh rằng một trong những điều quan trọng nhất mà từ lương tâm nói đến không phải là chúng ta làm gì, mà sâu xa hơn, chúng ta là gì. Chúng ta là những thụ tạo có khả năng làm điều tốt và ngay thẳng. Chúng ta có khả năng trở nên tốt và làm điều ngay thẳng. Khi nối kết với những gì chúng ta đã nói về việc mình được tạo nên như thế nào, chúng ta được hình thành theo hình ảnh Thiên Chúa, chúng ta tham dự vào ánh sáng của Thần Khí Thiên Chúa. Qua việc sử dụng lý trí của mình, chúng ta có thể khám phá ra trật tự chính xác của vũ trụ, và qua việc sử dụng ý chí tự do của mình, chúng ta được tự do chọn lựa để sống theo trật tự ấy (xem # 1705).
Những ý tưởng này phản ảnh điều có thể được gọi là “tinh thần lạc quan Công giáo.” Chúng tương phản với một số triết lý bi quan thời Hội Thánh sơ khai, là những quan điểm cho rằng con người bị tràn ngập bởi bóng tối và sự dữ đến nỗi họ hầu như không còn khả năng làm điều tốt.
Thần học Công Giáo về tạo dựng đề nghị rằng bất chấp tội lỗi, chúng ta vẫn được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Trái ngược với các tư tưởng của một số nhà cải cách trong thế kỷ thứ mười sáu – đặc biệt là Gioan Calvin và Martinô Lutherô – Công giáo vẫn nhấn mạnh rằng bản tính con người theo cơ bản là tốt. Chúng ta có khả năng làm điều tốt và ngay thẳng. Và trái ngược với niềm tin của một số triết gia và một số nhà khoa học xã hội đương thời rằng chúng ta được xác định bởi tư chất di truyền, kinh nghiệm gia đình cùng các xã hội và văn hoá chung quanh mình, truyền thống Công giáo nhấn mạnh rằng bất chấp những yếu tố mạnh mẽ này, chúng ta vẫn còn sự tự do đáng kể để có thể hướng đời sống mình đến những gì thực sự tốt lành (xem # 1704).
Đây là những xác tín táo bạo và đầy tin tưởng của Công giáo. Chúng là một phần thiết yếu của điều mà truyền thống của chúng ta đề cập đến khi nói rằng khía cạnh cơ bản nhất của lương tâm là khả năng để trở nên tốt và làm những gì ngay thẳng của chúng ta. Động lực thúc đẩy để làm điều tốt lành và ngay thẳng này là điều thiết yếu cho việc định nghĩa một con người trọn vẹn. Thực ra, trong các trường hợp hiếm hoi, khi dường như không có động lực này, khi những người khác dường như không hề quan tâm đến sự tốt lành và ngay thẳng (hoặc vì cách sống của họ có ảnh hưởng đến những người khác), chúng ta thường nói rằng có một điều gì “vô nhân đạo” về những người ấy. Một từ theo bệnh lý cho loại người này là bệnh tâm thần xã hội (sociopath); những người như vậy nguy hiểm cho chính mình và cho người khác. Điểm này có vẻ đơn giản, nhưng nó có tầm quan trọng cơ bản. Chúng ta có khả năng làm điều tốt và ngay thẳng. Nếu một người không tin điều này thì cuộc đối thoại về những gì lương tâm đòi hỏi không cần phải đi xa hơn nữa.
Cần phải có hai điểm khác nữa liên quan đến “lương tâm như khả năng.” Thứ nhất là khả năng này có tính chất phát triển. Khả năng của chúng ta để làm điều tốt lành và ngay thẳng không được ban cho chúng ta như một gói trọn vẹn khi chúng ta chào đời. Trái lại, như là một loại bắp thịt luân lý, lương tâm của chúng ta đang chờ đợi sự tập luyện và phát triển. Chúng ta có khả năng phát triển chính mình thành những người tốt, nhưng sự phát triển đó là một dự án suốt đời – có thể nói là dự án quan trọng nhất mà chúng ta thực hiện.
Như thế, đương nhiên là chúng ta có thể kỳ vọng rằng khả năng làm điều tốt lành và ngay thẳng của em bé 18 tuổi phát triển hơn so với em bé 8 tuổi. Và, hy vọng, lương tâm của người 68 tuổi đã được thử nghiệm bởi những kinh nghiệm thành công và thất bại về luân lý, được đánh dấu bởi một mức độ trưởng thành và khôn ngoan cao hơn của em bé 8 tuổi hoặc thậm chí em bé 18 tuổi.
Tất cả điều này phải cho thấy rõ là “lương tâm như khả năng” của mỗi người chúng ta là điều độc đáo. Mỗi người chúng ta đều có những lịch sử và kinh nghiệm về luân lý riêng của mình và điều ấy đã góp phần vào việc chúng ta là ai – dù tốt hay xấu – và ảnh hưởng đến cách chúng ta đối diện với các vấn đề luân lý trước mặt chúng ta bất cứ lúc nào. Mỗi người trong chúng ta đều có đặc tính luân lý riêng của mình: quy định hình dạng riêng của mình về các xác tín, thái độ, nhân đức và những tật xấu mà chúng ta dùng đến khi chúng ta làm theo cách của mình qua những tình thế khó xử ngày nay. Và chúng ta đều thấy mình ở trong một mạng lưới các mối quan hệ gia đình, bạn bè, môi trường giáo dục và làm việc, và các cộng đồng xã hội, chính trị, văn hoá và tôn giáo, đã có những đóng góp quan trọng – một lần nữa, tốt hay xấu theo cách mà chúng ta đánh giá những hoàn cảnh luân lý mà chúng ta thấy mình trong đó. Ở đây không nói rằng các yếu tố này xác định chúng ta là ai và chúng ta sẽ làm những gì. Nhưng nó bi kịch hóa chúng mặc dù “lương tâm như khả năng” có một chiều kích cá nhân và độc đáo, nó cũng có một chiều kích xã hội và cộng đồng.
Một điểm cuối cùng để làm cho việc quan tâm đến “lương tâm như khả năng” là một điểm đặc biệt về tâm linh. Trong đức tin, chúng ta được mời gọi để tin rằng chúng ta không chỉ có một điều gì đó để theo đuổi trong những cuộc đấu tranh luân lý của mình (bắp thịt luân lý của chính mình), nhưng chúng ta cũng có một ai đó để nhờ đến: Thần Khí của Thiên Chúa.
Như đã nhấn mạnh trong Chương 1, đời sống Kitô hữu là “đời sống trong Thần Khí.” Chúng ta tin rằng tất cả mọi con người đều được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa và có Thần Khí của Thiên Chúa sống trong họ. Trong truyền thống Công giáo, đây là nguồn gốc của phẩm giá con người, “nơi” mà việc tôn trọng sự sống bắt đầu. Hy vọng rằng, người Kitô hữu đặt niềm tin này về Thần Khí của Thiên Chúa ở trước và ở trung tâm đời sống của họ. Chúng ta được mời gọi để tin rằng Thần Khí của Thiên Chúa, Thần Khí của Chúa Giêsu Kitô, ở trong chúng ta bằng cách vừa ra lệnh và vừa ban cho chúng ta khả năng trở nên tốt và làm những điều đúng. Đúng ra, đây là nguồn nâng đỡ mạnh mẽ và hy vọng cho nhiều Kitô hữu. Điều này không có nghĩa là khi cố gắng tìm xem cần phải làm gì cho Cụ Mừng, gia đình anh Tiếp không cần phải đếm xỉa đến những nhân đức cùng sự hiểu biết về luân lý tốt nhất và sâu xa nhất của họ. Thật vậy, họ cần. Nhưng nó có nghĩa là họ có một nguồn can đảm và khôn ngoan lớn hơn. Khi Thiên Chúa sai ông Môsê đến với Pharaô để dẫn dân ra khỏi Ai Cập, Ngài bảo ông rằng: “Ta sẽ ở với ngươi”. Sự hiện diện vĩnh cửu Thần Khí Thiên Chúa trong đời sống chúng ta không làm cho đời sống luân lý Kitô giáo dễ dàng, nhưng làm cho nó khả thi.
Lương tâm như Tiến Trình: Bài Tập về Quyết Định Luân Lý
Khía cạnh thứ nhất của lương tâm, “lương tâm như khả năng”, là điều chúng ta mang theo với mình vào mọi tình cảnh luân lý. Đó là sự tích lũy kinh nghiệm và khôn ngoan làm nền tảng cho tất cả mọi quyết định luân lý của chúng ta. Một khi chúng ta gặp một tình trạng đòi hỏi sự phán đoán luân lý về việc gì là đúng để làm – thí dụ như tình trạng của gia đình anh Tiếp – khía cạnh thứ hai của lương tâm di chuyển đến sân khấu chính: lương tâm là tiến trình. Nói rất đơn giản, khía cạnh thứ hai này của lương tâm là những gì chúng ta làm để chuẩn bị cho việc có một phán đoán luân lý tốt. (Như chúng ta sẽ thấy, chính phán đoán về điều chúng ta phải làm là khía cạnh thứ ba của lương tâm). Khía cạnh thứ hai của lương tâm có thể được gọi là “lương tâm tích cực”, vì thực ra, ở đây chúng ta phải bận rộn; chúng ta phải làm “bài tập ở nhà” của mình để cuối cùng phán đoán của mình sẽ là kết quả của suy đoán tốt nhất của chúng ta về luân lý.
Vậy một số điều chúng ta có thể làm trong “tiến trình lương tâm” là gì? (Trước khi đọc thêm, có lẽ sẽ rất hữu ích nếu bạn tự trả lời câu hỏi này. Khi bạn phải đối diện với một phán đoán và quyết định quan trọng về luân lý, bạn đã làm một số điều gì là những điều đã giúp bạn?) GLHTCG đề nghị rằng trong những tình cảnh cụ thể, khi cố gắng xác định Thánh Ý của Thiên Chúa dành cho mình, tốt nhất là chúng ta tìm sự giúp đỡ của những người đáng tin cậy, của những người có khả năng, bởi vì, thực ra, tiếng nói của Thần Khí Thiên Chúa thường hoạt động trong và qua những người chung quanh chúng ta (xem # 1787, 1788).
Điều này thật rất khôn ngoan. Chúng ta phải cố gắng phân biệt những gì Thiên Chúa muốn chúng ta làm bằng cách giải thích những dữ liệu của kinh nghiệm, những dấu chỉ của thời gian, lời khuyên của người có khả năng và sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần. Trong một nỗ lực làm cho những đề nghị này thậm chí cụ thể hơn, đây là đề nghị của riêng tôi cho những điều có thể nên làm trong hầu như tất cả mọi hoàn cảnh:
- Xác định phán quyết luân lý phải làm.
- Thu thập các tin tức hay dữ liệu xác đáng.
- Tìm cố vấn.
- Đánh giá các lựa chọn khác nhau.
- Suy nghĩ và cầu nguyện.
Một suy nghĩ ngắn gọn về mỗi nhiệm vụ trong các nhiệm vụ liên hệ với nhau và thường chồng lên nhau này có vẻ như có trật tự.
Xác định lựa chọn luân lý được thực hiện. Có lẽ có vẻ quá hiển nhiên là cần thiết, nhưng sự thật là một số phán đoán về luân lý không được thực hiện tốt vì thiếu sự tập trung rõ ràng về phán đoán luân lý ngay từ đầu. Nói cách khác, tất cả các phán đoán luân lý đều liên quan đến một câu hỏi, và cách đặt câu hỏi có thể chuẩn bị cho việc đi đến một phán quyết rất tốt hoặc rất tồi. Thí dụ, nếu gia đình của anh Tiếp đang trăn trở với câu hỏi “Làm sao chúng ta có thể yêu thương Cụ Mừng cách tốt nhất trong tình trạng này?” sự trăn trở của họ có thể cho thấy sự kiên định của tình yêu của họ đối với Cụ Mừng, nhưng chính câu hỏi có thể không thực sự hữu ích. Nó có thể quá chung chung đến nỗi họ sẽ khó mà trả lời được, hoặc có thể làm họ thiên lệch theo hướng sắp xếp lại cuộc sống của họ để họ có thể chăm sóc Cụ Mừng ở nhà, giả sử rằng làm như thế là điều yêu thương nhất để thực hiện.
Một câu hỏi khác là “Làm sao chúng ta có thể chắc chắn rằng Cụ Mừng nhận được sự chăm sóc tốt nhất có thể được vào lúc này trong đời Cụ?” Câu hỏi này dường như đặt trọng tâm vào Cụ Mừng nhiều hơn vào gia đình của anh Tiếp. Nó có vẻ là một câu hỏi mở rộng hơn so với câu hỏi trước, một câu hỏi khiến họ phải tìm ra điều tốt nhất cho Cụ Mừng bằng một cách quân bằng hơn. Vấn đề là cách chúng ta xác định lựa chọn luân lý phải làm là điều quan trọng. Hy vọng, nó là tiến trình điều nghiên luân lý một cách rõ ràng và không thiên vị.
Thu thập các dữ kiện xác đáng. Phần lớn các quyết định luân lý tốt bao gồm việc thu thập các dữ liệu tốt và xác đáng. Tùy theo bản chất của tình trạng luân lý, các loại tài liệu cần thiết có thể khác nhau rất nhiều. Gia đình của anh Tiếp sẽ cần tài liệu từ nhiều chuyên gia y tế khác nhau. Họ cần phải hiểu được loại chăm sóc chính xác mà Cụ Mừng có lẽ cần, loại kiến thức chuyên môn nào cần phải có để cung cấp loại chăm sóc này, cần phải cung cấp bao lâu, vân vân. Chắc chắn họ cũng cần tài liệu từ các nhà an dưỡng và cơ quan bảo hiểm về các chi phí ngắn hạn và dài hạn. Và đương nhiên là chính Cụ Mừng. Các dữ kiện quan trọng chính bao gồm những mong muốn của chính Cụ, kể cả khả năng giao tiếp hiện nay của Cụ với họ. Vì vậy, có rất nhiều điều để tìm hiểu trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Trong các tình cảnh khác, cần phải có các loại dữ kiện khác, nhưng trong mọi trường hợp, những quyết định tốt phải dựa trên các dữ kiện tốt.
Tìm cố vấn. Như chúng ta đã thấy, GLHTCG đề nghị rằng khi chúng ta cố gắng phân định điều đúng để làm, khi chúng ta cố gắng phân biệt Thánh Ý Thiên Chúa dành cho mình, chúng ta tìm kiếm và giải thích “lời khuyên của những người có khả năng” (# 1788). Rõ ràng là điểm này gối lên điểm trước; chúng ta phải thu thập tài liệu từ những người có khả năng. Nhưng tôi đề nghị ba cách khác trong đó tìm kiếm sự cố vấn rất quan trọng.
Thứ nhất, thông thường thì điều khôn ngoan là tham khảo ý kiến những người khác là những người đã đối diện với các phán đoán luân lý tương tự. Ngay cả với tất cả những điều độc đáo về gia đình của anh Tiếp và tình cảnh của họ, họ không phải là gia đình đầu tiên phải trăn trở với việc làm thế nào để chăm sóc tốt cho một người thân yêu cao tuổi. Có thể đã có sẵn một kho tàng kinh nghiệm và khôn ngoan mà gia đình của anh Tiếp tốt nhất là tận dụng nó.
Thứ hai, khi chúng ta phải đối diện với một quyết định luân lý khó khăn, chúng ta cũng nên khôn ngoan tham khảo ý kiến một người nào đó hiểu rõ chúng ta. Thường thì rất hữu lý khi nói chuyện với một người biết chút ít về những ưu điểm và yếu điểm về luân lý của chúng ta, một người có thể giúp chúng ta tiếp cận các đức tính mạnh mẽ nhất của mình và sự khôn ngoan sâu sắc nhất của mình, một người có thể giúp chúng ta tránh “mặt tối” của nhân cách và tính cách của mình. Trong những tình cảnh luân lý khó khăn, những người đáng tin cậy như vậy có thể là nguồn trợ giúp vô giá. Những người như vậy không gì khác hơn món quà của Thiên Chúa.
Và khía cạnh thứ ba của việc “tìm kiếm cố vấn” trong truyền thống Công giáo, là truyền thống đáng được một lời đặc biệt nhắc đến vai trò của các giáo huấn chính thức của Công giáo. Như chúng ta sẽ thấy trong các chương 5, 6 và 7, là các chương về các giáo huấn về y học, tính dục và xã hội của Công Giáo – Hội Thánh Công Giáo đã phát triển một bộ giáo huấn về những vấn đề luân lý cụ thể, là điều có thể thành một nguồn khôn ngoan đặc biệt cho người Công giáo (và những người khác) khi họ cố phân biệt những điều đúng để làm trong một tình trạng cụ thể. Một số giáo huấn này là giáo huấn tổng quát (chẳng hạn như ơn gọi tôn trọng sự sống của chúng ta); những giáo huấn khác là giáo huấn cụ thể (chẳng hạn như giết chết êm dịu cách trực tiếp hay tích cực luôn luôn là sai theo nghĩa khách quan). Như GLHTCG dạy, ước mong rằng như người Công giáo, chúng ta để cho mình được hướng dẫn bởi những giáo huấn của Hội Thánh về những vấn đề luân lý (xem # 1785) khi chúng ta cố gắng phân biệt điều đúng để làm. Hội Thánh không đưa ra những phán quyết và quyết định về luân lý cho chúng ta. Nếu đó là trường hợp, thì lương tâm đơn thuần chỉ là vấn đề tìm ra luật lệ hay quy tắc luân lý là gì và sau đó phải tuân hành nó. Nhưng lương tâm không phải là thế, giáo huấn Công giáo cũng không như thế. Trái lại, mục đích của nó là giúp chúng ta, hướng dẫn chúng ta khi chúng ta cố gắng xác định các bổn phận luân lý của mình ở đây và bây giờ.
Đánh giá các lựa chọn khác nhau. Khi tiến trình lương tâm và luân lý tiếp diễn, điều này thường xảy ra – đặc biệt là nếu chúng ta có dữ kiện tốt và nhận được sự cố vấn khôn ngoan – thì có một số lựa chọn khác nhau xuất hiện. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng vậy; đôi khi các lựa chọn có tính phải chọn một trong hai. Thí dụ, sau một tiến trình phân biệt dài, một phụ nữ trong mối quan hệ hôn nhân có thể, cuối cùng, phải đối diện với quyết định có nên hay không nên tìm cách ly thân với chồng mình. Đôi khi các phán đoán luân lý thật nghiêm trọng – nhưng không phải luôn luôn nghiêm trọng. Thường thì có trường hợp như thế này, sau khi đã nhận được các dữ kiện và tìm được cố vấn, điều có vẻ như tình trạng chọn một trong hai trở thảnh một trong các giải pháp khác nhau. Thí dụ, gia đình của anh Tiếp có thể tìm thấy rằng hai trong các lựa chọn mà họ chưa kể đến liên quan đến việc Cụ Mừng vào một viện an dưỡng vài tuần để phục hồi và sau đó về nhà họ, hoặc Cụ Mừng về nhà họ ngay lập tức, nhưng với sự trợ giúp y tế điều dưỡng tại nhà, một số chi phí trong đó có thể được trả bởi chương trình bảo hiểm của Cụ Mừng. Khi những chọn lựa khác nhau mở rộng, thường có cơ hội để biến những tình trạng dường như là một trong hai, thắng hay thua thành những tình trạng được đánh dấu bởi một mức độ cao hơn của việc cả hai đều thắng. Những người đã kinh nghiệm sự khôn ngoan về luân lý thường có thể nhận ra các lựa chọn khác nhau là những lựa chọn không được rõ ràng ngay từ ban đầu. Họ là những người có trí tưởng tượng tốt.
Suy nghĩ và cầu nguyện. Phần lương tâm trong sách GLGHCG bắt đầu bằng lời trích dẫn từ một trong các tài liệu của Công Đồng Vaticanô II:
Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật, mà chính con người không tự đặt ra cho mình, nhưng con người phải tuân theo lề luật đó, và tiếng nói của lề luật đó, luôn luôn kêu gọi con người yêu mến và làm điều tốt cũng như tránh điều xấu, vào lúc cần thiết, tiếng nói ấy vang lên trong trái tim con người…. Quả thật, con người có một lề luật được Thiên Chúa khắc ghi trong trái tim họ…. Lương tâm là hạt nhân bí ẩn nhất và là cung thánh của con người, nơi con người ở một mình với Thiên Chúa, và tiếng nói của Ngài vang dội trong thẳm sâu lòng ho.
(Gaudium et Spes, số 16)
Thật là một hình ảnh tuyệt vời! Lương tâm của chúng ta là hạt nhân bí ẩn nhất và là cung thánh của chúng ta. Đó là “nơi thánh” trong chúng ta, ở đó chúng ta tìm thấy tiếng nói và Thần Khí của Thiên Chúa. Và đó là “nơi” ở trong chúng ta, ở đó các phán đoán và quyết định luân lý quan trọng nhất và tốt nhất của chúng ta được thực hiện. Nếu, như đã nói, đời sống luân lý Kitô giáo là đời sống trong Thần Khí, thì rõ ràng là khi chúng ta phải đối diện với một quyết định luân lý khó khăn, chúng ta hãy làm ơn liên lạc với sự hiện diện của Thần Khí Thiên Chúa trong chúng ta. Chúng ta nên cầu nguyện. Nói rõ rơn, Thần Khí của Thiên Chúa không quyết định thay cho chúng ta. Nhưng nếu tâm hồn chúng ta rộng mở, Thần Khí Thiên Chúa có khả năng soi sáng và ban sức cho chúng ta. Thần Khí có thể soi sáng cho chúng ta để chúng ta có thể nhìn thấy chính mình cách rõ ràng và khôn ngoan. Và, cũng quan trọng như thế, Thần Khí có thể ban sức cho chúng ta để chúng ta có thể hành động can đảm về điều chúng ta vừa nhận ra là bổn phận luân lý của mình. Điều tốt nhất cho những người cố gắng có sự khôn ngoan về luân lý là thăm viếng cung thánh này thường xuyên.
Lương Tâm như Phán Quyết: Lãnh Nhận Trách Nhiệm
Khía cạnh thứ ba của lương tâm là điều nảy sinh từ tiến trình lương tâm mà chúng ta vừa mô tả, nghĩa là phán quyết luân lý cụ thể về điều một người phải làm trong một hoàn cảnh nhất định. Thật vậy, đó là một xác tín Công giáo qua hàng thế kỷ rằng chúng ta phải hành động theo lương tâm của mình, với điều mình phán quyết là bổn phận luân lý cụ thể của mình. Ba suy nghĩ về xác tín Công giáo này là điều rất quan trọng.
Thứ nhất, giáo huấn về lương tâm thực sự là một lời mời gọi đến một mức độ trưởng thành và trách nhiệm cao. GLHTCG đề nghị rằng đời sống luân lý đòi hỏi nhiều hơn chú ý đến các luật lệ và quy tắc của Hội Thánh hoặc xã hội và tuân theo chúng một cách máy móc. Sự trưởng thành về luân lý nghĩa là chịu trách nhiệm về hành động của mình, về đời sống của mình. Các hành động của chúng ta biểu hiện chúng ta là ai; chúng nói một điều gì đó về phẩm chất và đặc tính của chúng ta. Và đồng thời, chúng là hình dạng của những con người mà chúng ta đang trở thành. Nghĩa là, chúng có một loại “hiệu quả gậy ông đập lưng ông” vì chúng trở lại với chúng ta, ảnh hưởng đến nhân cách của chúng ta, dù tốt hay xấu. Đó là điều mà GLHTCG có ý nói đến khi nói rằng tự do lương tâm là điều quan trọng để chúng ta có thể đưa ra các quyết định luân lý một cách cá nhân. Vâng, đó là một tin mừng: chúng ta phải có quyền tự do lương tâm để có thể sống một cuộc sống riêng của mình. Và vâng, đó là tin mừng thách đố: tự do lương tâm là một lời mời gọi rõ ràng về trách nhiệm và sự trưởng thành về luân lý.
Thứ hai, giáo huấn Công giáo về lương tâm – đặc biệt về tự do lương tâm – cho rằng những người có trách nhiệm và trưởng thành chú ý đến cả khía cạnh cá nhân lẫn cộng đồng của đời sống luân lý. Vì vậy, GLHTCG nhấn mạnh rằng như những con người chúng ta phải có tự do lương tâm để hành động của chúng ta có thể thực sự là của riêng mình. Đồng thời, GLHTCG nhấn mạnh rằng những người có lương tâm có trách nhiệm và trưởng thành sẽ chú ý đến sự hướng dẫn và khôn ngoan của các cộng đồng mà họ là phần tử. Chúng ta phải được tự do hành động theo lương tâm của mình, và đồng thời, chúng ta phải nhìn nhận rằng lương tâm của mình được soi sáng bởi sự khôn ngoan của người khác. Tự do lương tâm là một lời mời gọi để trở thành chính mình, trong khi trách nhiệm đào luyện lương tâm của chúng ta là một lời mời để nhận ra rằng chúng ta không bị cô lập khỏi những người khác. Chúng ta là các phần tử của các cộng đồng, và chúng ta chịu trách nhiệm về cách hành động của mình hoặc giúp đỡ hoặc cản trở những gì tốt lành cho người khác. Là một con người là được kết nối với tha nhân. Có vài điều quan trọng hơn với tư tưởng Công giáo hơn xác tín ấy.
Thứ ba, nếu thực sự lương tâm của chúng ta là thánh thiêng, thì sự tôn trọng tự do lương tâm là một phần quan trọng của sự tôn trọng nhân phẩm, cũng đúng là lương tâm thì yếu đuối. Chúng ta có thể sai lầm; chúng ta có thể không bắn trúng đích. Nói cách khác, khi nói rằng chúng ta phải hành động theo phán đoán của lương tâm của mình không có nghĩa là các phán đoán của chúng ta sẽ luôn đúng. Lương tâm của chúng ta có thể bị lạc hướng; chúng ta có thể có “những điểm mù về luân lý” có thể đưa đến những hành động gây thiệt hại đáng kể cho mình và cho tha nhân. Một số trong những điểm mù này có thể đặc biệt đối với chính mình, chẳng hạn như sự bướng bỉnh đặc biệt của riêng tôi hay tính một chiều về một vấn đề khiến tôi không nhìn thấy thực trạng của các sự vật. Một số điểm mù có thể được chia sẻ với những người khác; chúng có thể là một phần của nền văn hoá của một người. Người ta có thể nghĩ đến chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc hoặc chủ nghĩa kỳ thị phái tính ở đây. Những kiểu suy nghĩ và thái độ theo thành kiến có thể cản trở chúng ta trong việc nhìn thấy thực trạng của mối quan hệ của mình với tha nhân. Chúng có thể dẫn đến những hành động và cấu trúc bất công và áp bức là những điều có ảnh hưởng tàn phá với những người khác, ngay cả khi chúng không phát sinh từ những tâm hồn độc địa và tàn ác. Đôi khi chỉ cần sự thiếu hiểu biết cũng đủ cho những điều xấu xảy ra.
GLHTCG bàn đến tất cả những điều này trong một số câu có tiêu đề “Phán Đoán Sai Lầm” (xem # 1790-1794). Đôi khi phán đoán sai lầm của một người có thể “quy cho trách nhiệm cho cá nhân” (# 1791); chúng ta có thể có lỗi chính vì chúng ta đã ít cố gắng hoặc không nỗ lực hết sức đào luyện lương tâm mình. Những lúc khác, chúng ta không chịu trách nhiệm luân lý hay có tội về phán đoán sai lầm của mình, bởi vì chúng ta đã làm hết sức để đào luyện lương tâm, dù thế, cuối cùng chúng ta đã làm một điều gì đó sai lầm cách khách quan (xem # 1793). Điều khôn ngoan là đừng xác định mức độ tội phạm luân lý của người khác; tốt nhất là để các phán đoán như thế cho một Đấng khôn ngoan và nhân từ hơn chúng ta nhiều.
Điểm kết luận này về sự yếu đuối của lương tâm không cần phải đưa chúng ta đến việc sửa lại những gì chúng ta đã nói về sự thánh thiêng của lương tâm. Nhưng nếu nó để lại cho chúng ta một mức độ khiêm tốn nào đó về các phán đoán và xác tín luân lý của mình, nếu nó để lại cho chúng ta một kết luận rằng chúng ta không những phải tôn trọng lương tâm của mình, mà còn phải giám sát nó, thì đó cũng là một điểm đáng ghi nhớ.
Tóm Lược Giáo Lý về Lương Tâm
Tận đáy lương tâm, con người khám phá ra một lề luật mà chính họ không đặt ra, nhưng phải tuân theo, đó là tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi họ làm lành lánh dữ. Tiếng nói ấy vang lên đúng lúc trong tâm hồn. Đó thật là một lề luật Thiên Chúa ghi trong tâm hồn mỗi người (1776).
Phán quyết của lương tâm (1777-1782)
Phán quyết của lương tâm là phán quyết của lý trí, nhờ đó ta biết một hành vi cụ thể là tốt hay xấu. Lương tâm hiện diện trong lòng ta và ra lệnh đúng lúc cho ta làm lành lánh dữ. Lương tâm phán đoán các lựa chọn cụ thể bằng cách tán thành lựa chọn tốt, tố giác lựa chọn xấu. Khi nghe theo tiếng lương tâm, người khôn ngoan có thể cảm nhận được Thiên Chúa đang nói với mình. Nhờ phán quyết của lương tâm, con người ý thức và nhận ra những quy định của luật Thiên Chúa. Mỗi người phải quay về với nội tâm, để có thể nghe được và tuân theo tiếng lương tâm. Phẩm giá của nhân vị bao gồm và đòi buộc con người phải có lương tâm ngay thẳng. Lương tâm gồm ba điều:
- Nhận biết các nguyên tắc luân lý;
- Áp dụng vào việc cân nhắc thực tiễn các lý do và lợi ích trong những hoàn cảnh cụ thể;
- Phán quyết về các hành vi cụ thể sắp làm hay đã làm.
Nhờ phán quyết khôn ngoan của lương tâm, chúng ta nhận ra điều lành đã được lý trí đưa ra. Người khôn ngoan sẽ chọn phán quyết này. Với lương tâm, ta chịu trách nhiệm về những việc đã làm. Lời kết án của lương tâm có thể dẫn ta đến hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Khi xác định lỗi lầm đã phạm, lương tâm nhắc nhở ta phải xin ơn tha thứ, làm việc lành và luôn trau dồi nhân đức nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Con người có quyền hành động theo lương tâm và trong tự do, để tự mình có những quyết định luân lý. Không được cưỡng bức ai hành động trái với lương tâm của họ, hay ngăn cản họ hành động theo lương tâm, nhất là trong lãnh vực tôn giáo.
Rèn luyện lương tâm (1783 -1785)
Lương tâm phải được rèn luyện từ nhỏ và phán đoán luân lý phải được soi sáng. Một lương tâm được rèn luyện tốt sẽ phán đoán ngay thẳng và chân thật. Việc giáo dục lương tâm rất cần thiết cho những người chịu các ảnh hưởng tiêu cực và bị tội lỗi cám dỗ làm theo ý riêng và bỏ những giáo huấn chính thức. Giáo dục lương tâm là nhiệm vụ phải theo đuổi suốt đời. Giáo dục lương tâm bảo đảm tự do và tạo bình an trong tâm hồn. Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường để rèn luyện lương tâm. Phải kiểm điểm lương tâm dưới ánh sáng Thập Giá Ðức Kitô, nhờ ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp, và được giáo huấn chính thức của Hội Thánh hướng dẫn .
Chọn lựa theo lương tâm (1786-1790)
Khi phải đứng trước một chọn lựa, lương tâm có thể phán đoán đúng, hợp với lý trí và luật Thiên Chúa, hoặc phán đoán sai. Ðôi khi gặp những hoàn cảnh không phán đoán chắc chắn được, ta phải luôn luôn tìm kiếm điều công chính và thiện hảo, cũng như nhận định đâu là thánh ý trong lề luật Thiên Chúa. Muốn vậy, ta phải cố gắng giải thích đúng đắn kinh nghiệm của mình và các dấu chỉ thời đại, dựa vào đức khôn ngoan, lời khuyên bảo của những người hiểu biết cũng như sự trợ lực của Chúa Thánh Thần và ân sủng của Người. Một vài quy tắc có thể áp dụng trong mọi trường hợp:
- Không bao giờ được phép làm điều xấu để đạt một kết quả tốt;.
- Luật Vàng: “Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho mình thì các con hãy làm cho người”;
- Ðức ái Kitô giáo luôn luôn đòi chúng ta tôn trọng tha nhân và lương tâm của họ.
Phán đoán sai lầm (1790-1802)
Chúng ta phải luôn tuân theo phán đoán chắc chắn của lương tâm. Chủ ý làm ngược lại với phán đoán ấy là tự kết án mình. Nhưng lương tâm có thể thiếu hiểu biết nên phán đoán sai về các hành vi sẽ làm hay đã làm. Sự thiếu hiểu biết và sai lầm đó không phải lúc nào cũng vô tội. Nếu vì cố tình không chịu rèn luyện lương tâm thì chúng ta vẫn có lỗi. Lời Thiên Chúa phải là ánh sáng chỉ đường cho chúng ta. Phải lãnh nhận Lời Chúa trong đức tin, trong kinh nguyện, và đem ra thực hành. Ðó là phương thế để rèn luyện lương tâm.
Tiến Trình Đào Luyện Lương Tâm
Một Mẫu Quyết Định về Luân Lý
- Nêu lên vấn đề và bắt đầu bằng cầu nguyện
- Xác định vấn đề lưỡng nan cụ thể về luân lý.
- Bắt đầu với tình yêu và một ước ao chân lý.
- Xin ơn để mở long và được chỉ dạy.
- Xin ơn để phân định và hành động phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa
- Quyết định vấn đề nan giải
- Xác định những chọn lựa, tiến trình hành động rõ ràng.
- Tưởng tượng các tiến trình hoạt động khả thi. Chúa Giêsu sẽ làm gì?
- Các tiến trình hành động khả thi này ảnh hưởng đến ai?
- Điều gì ảnh hưởng tôi trong việc làm theo một tiến trình này hay một tiến trình khác?
- Tìm lời khuyên bảo từ các nguồn khôn ngoan
- Tìm hướng dẫn từ Thánh Kinh và các tài liệu của Hội Thánh.
- Đọc các tác phẩm của các Thánh và các người nam nữ được nhìn nhận là thánh thiện.
- Nói chuyện với những người nam nữ thánh thiện trong cộng đồng của bạn.
- Nói chuyện với những người chuyên môn trong lãnh vực liên quan..
- Xác định những giá trị nào có thể bị nguy hiểm
- Những giá trị Kitô giáo/Hội Thánh, gia đình và cá nhân nào có thể bị nguy hiểm?
- Các giá trị của Hội Thánh so sánh với hay xung đột với những giá trị khác thế nào ?
- Xắp xếp các gia trị từ quan trọng nhất đến ít quan trọng nhất?
- Thăm dò các hiệu quả của các tiến trình hành động khả thi
- Liệt kê các hiệu quả tích cực và tiêu cực của mỗi tiến trình khác nhau.
- Đo lường xem mỗi tiến trình hành động thích hợp với các giá trị được ưu tiên thế nào.
- Cầu nguyện một lần nữa
- Đem những gì bạn vừa học được, khám phá được và tưởng tượng ra vào cầu nguyện.
- Hỏi xem bạn có trung thực trong sự cân nhắc cẩn thận của bạn cho đến lúc này không.
- Xin Thiên Chúa hướng dẫn để tiếp tục phân định xem quyết định nào là tốt nhất.
- Quyết Định và Hành Động
- Quyết định chọn một tiến trình hành động.
- Bạn có thấy yên lòng yên trí trong quyết định này không?
- Quyết định này có phản ánh điều tốt nhất trong ta không?
- Quyết định này có phản ánh điều phải không?
- Tiến hành theo quyết định với một lương tâm ngay thẳng.
Câu Hỏi để Suy Nghĩ và Thảo Luận
- Từ lương tâm có ý nghĩa gì đối với bạn? Bạn nghĩ gì khi nghe từ này?
- Tại sao Hội Thánh dạy rằng một người “không thể bị ép buộc phải hành động trái với lương tâm mình. Cũng không được nhăn cản họ làm theo lương tâm mình, nhất là trong những vấn đề tôn giáo”?
- “Lương tâm sai lạc” và “lương tâm sai lầm” có nghĩ gì?
- Giáo huấn Công giáo phân biệt giữa hai hai loại thiếu hiểu biết dẫn đến những phán đoán sai lầm của lương tâm. Tên của hai loại thiếu hiểu biét này là gì và sự phân biệt giữa chúng ra sao? Chúng khác nhau trong việc quy trách nhiệm ở điểm nào?
- Hãy nghĩ về một người nào đó mà bạn ngưỡng mộ – nhất là người mà bạn ngưỡng mộ như một người có đời sống luân lý tốt. Hãy cố mô tả khả năng làm sự tốt lành và ngay thẳng của người ấy. Điều gì có vẻ đã giúp người ấy phát triển một khả năng tốt để làm sự tốt lành và ngay thẳng như vậy?
- Hãy nhớ lại một quyết định luân lý quan trọng mà bạn phải đối diện. Một số điều bạn thấy mình làm khi chuẩn bị đưa ra một phán đoán luân lý tốt là những điều gì? Điều gì hữu ích? Điều gì đã không mấy hữu ích? Kinh nghiệm của bạn thế nào so với những gì đã được đề nghị trong phần thảo luận về khía cạnh thứ hai của lương tâm: “lương tâm là tiến trình”?
- Chương này đề nghị rằng chúng ta phải được tự do để hành động cho theo lương tâm của mình. Nó cũng nhấn mạnh rằng điều này đòi hỏi một mức độ trách nhiệm và trưởng thành cao. Dựa vào kinh nghiệm của chính bạn, “tự do lương tâm” có quan trọng đối với bạn không? Tại sao có hoặc tại sao không? Cụm từ “trách nhiệm luân lý” và “trưởng thành về luân lý” có ý nghĩa gì đối với bạn?