Bài 6 – Bí Tích Thêm Sức

Reading Assignment in English

  1. Understanding the Sacraments Today – Chapter 2
  2. Catechism of the Catholic Church (CCC), nos 1285 – 1314

Các Mục Tiêu Học Tập của Tổng Giáo Phận

  • MA 2.2.22 Bí tích Thêm Sức hoàn thiện ân sủng rửa tội; là bí tích mà trong đó Chúa Thánh Thần bén rễ sâu hơn trong việc làm con cái Thiên Chúa, kết hợp chặt chẽ hơn với Đức Kitô, củng cố mối liên kết của một người với Hội Thánh, liên kết chặt chẽ hơn với sứ vụ của Hội Thánh và giúp một người làm chứng cho đức tin Kitô giáo bằng lời nói được kèm theo bằng việc làm.
  • MA 2.2.23 Trong Bí tích Thêm sức, ứng viên đã đến tuổi biết phán đoán phải tuyên xưng đức tin, ở trong tình trạng ân sủng (không mắc tội trọng), được chuẩn bị tốt bằng cầu nguyện và học giáo lý, và nhận các trách nhiệm tông đồ của đời sống Kitô hữu đòi hỏi bởi bí tích, cả trong Hội Thánh và trong các vấn đề trần thế.
  • MA 2.2.24 Nghi thức Thêm Sức thiết yếu là xức dầu trên trán của người đã được rửa tội bằng dầu thánh, cùng với việc đặt tay của thừa tác viên và những lời: Hãy nhận lấy ấn tín ơn Chúa Thánh Thần.

VÀO ĐỀ

Theo một nghĩa nào đó, lịch sử của bí tích Thêm Sức không mấy phức tạp hơn các bí tích khác. Tuy nhiên, mặc dù sau hai mươi thế kỷ, bí tích Thêm Sức dường như vẫn còn một bí tích “đang tìm kiếm một thần học” cho nó như người ta thường nói.  Trong trường hợp bí tích Thêm Sức, điều đặc biệt quan trọng cần nhớ là “trực quan” về bí tích (có lẽ cả nghi thức hay thực hành) đã có ngay từ ban đầu.  Sách Tông Đồ Công Vụ thuật lại việc Thánh Phêrô và Gioan đã đặt tay trên các tín hữu ở Samaria “và họ nhận được Thánh Thần” (Cv 8:17).  Vì thế trong những ngày đầu của Hội Thánh, người ta đã hiểu rằng việc “ban Thánh Thần” là một phần của những gì đã xảy ra khi một người được rửa tội.  Tuy nhiên đã có rất nhiều cuộc thảo luận về việc điều ấy xảy ra vào lúc nào trong khi cử hành nghi thức này. 

Việc “lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần” hay “kiện toàn bí tích Rửa Tội” bắt đầu được gọi là bí tích Thêm Sức ở Gaul (Pháp và Bỉ ngày nay) ít nhất là vào thế kỷ thứ V.  Khi đó, việc thực hành thường xuyên là giám mục chủ sự lễ này và, nếu một linh mục hoặc phó tế chủ sự bí tích Rửa tội vì giám mục không có mặt, thì bí tích Thêm Sức sẽ bị hoãn lại cho đến khi giám mục có thể đến.  Sự phát triển của Hội Thánh, cả về dân số lẫn địa lý, chắc chắn đã góp phần vào việc trì hoãn cử hành bí tích Thêm Sức này.  Vì càng ngày càng nhiều giáo dân hơn, đặc biệt là trẻ sơ sinh, đã được rửa tội và trên một lãnh thổ rộng lớn hơn, nên không đủ các giám mục để ban phép Thêm Sức cho họ ngay sau khi lãnh bí tích Rửa Tội.  Vì thế bí tích Thêm Sức không còn được cử hành chung với bí tích Rửa Tội nữa.

Thần học về bí tích Thêm Sức luôn luôn liên quan đến Chúa Thánh Thần, nhưng sự hiểu biết chính xác về cách thức đóng góp của Chúa Thánh Thần thì thay đổi.  Sự hiểu biết nổi bật trong thời Kinh Viện là bí tích Thêm Sức ban cho thụ nhân sức mạnh để trở nên một “chiến sĩ của Đức Kitô” và nhờ đó họ trở thành chứng nhân hay người bảo vệ đức tin của mình tốt hơn.  Thánh Tôma Aquinô đã phân biệt ấn tín (đặc tính) của bí tích Rửa Tội với ấn tín (đặc tính) của bí tích Thêm Sức bằng cách hiểu ấn tín Rửa Tội như quyền năng thụ động (quyền năng nhận các bí tích khác) và ấn tín của bí tích Thêm Sức như quyền năng tích cực (quyền năng làm chứng cho đức tin trên thế gian).

Dù các nhà cải cách Tin Lành đã không công nhận bí tích Thêm Sức như một bí tích theo nghĩa hẹp của thuật ngữ này,  Hội Thánh Công Giáo đã xác quyết rằng Thêm Sức thật sự là một bí tích. Tuy nhiên, vì thụ nhân của bí tích này có thể thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau như ngày nay, nên có một số người thắc mắc về đâu là thần học “đúng” hoặc phù hợp nhất của bí tích Thêm Sức: nó có thực sự là một bí tích khai tâm không hoặc là một dịp để những người được rửa tội từ nhỏ xác nhận đức tin trưởng thành hay vị thành niên của họ.

Nhờ bí tích Thêm Sức, các tín hữu được kết hợp với Hội Thánh cách hoàn hảo hơn và được đầy sức mạnh của Chúa Thánh Thần để rao truyền và bảo vệ đức tin bằng lời nói và việc làm, như những chứng nhân đích thực của Đức Kitô (1285).

Bí tích Thêm Sức trong Chương Trình Cứu Ðộ (x. GLCG 1286-1292)

Vì Đức Kitô đã nhập thể bởi phép Chúa Thánh Thần, nên cả cuộc đời và sứ vụ của Người được thực hiện trong Chúa Thánh Thần.  Thiên Chúa cũng ban tràn đầy Thánh Thần cho toàn thể dân Ngài.  Trong ngày lễ Ngũ Tuần, các Tông Đồ được đầy Chúa Thánh Thần và bắt đầu rao giảng “những kỳ công của Thiên Chúa”.  Ai tin lời rao giảng của các ngài và chịu phép rửa, cũng nhận được ơn Chúa Thánh Thần. Từ đó, các Tông Đồ đặt tay ban Thánh Thần cho các tân tòng để kiện toàn ân sủng Thánh Tẩy.  Ðể biểu thị rõ hồng ân Thánh Thần, ngoài việc đặt tay, Hội Thánh đã sớm thêm nghi thức Xức Dầu.

Bí tích Thêm Sức phát xuất từ nghi thức xức dầu là một phần của Bí tích Rửa Tội sau khi đã được tẩy rửa bằng nước, được mặc áo trắng và được ban ánh sáng.  Cho nên vào các thế kỷ đầu, Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức thường được cử hành chung.  Sau này vì các giáo xứ gia tăng, nên vị giám mục không thể hiện diện trong mọi lễ rửa tội.  Nghi lễ Tây Phương tách bí tích Thêm Sức khỏi bí tích Thánh Tẩy để vị giám mục có thể đích thân cử hành bí tích Thêm Sức.  Ðông Phương vẫn giữ thói quen kết hợp hai bí tích trên, nên linh mục rửa tội sẽ ban bí tích Thêm Sức cho người tân tòng bằng dầu thánh do giám mục thánh hiến. Cách thực hành của Giáo Hội Ðông Phương nhấn mạnh tính thống nhất của việc khai tâm. Cách thực hành của Giáo Hội Latinh cho thấy rõ hơn sự hiệp thông giữa các Kitô hữu và vị giám mục của mình.

Ngày nay, mối liên kết giữa chúng có thể được nhìn thấy trong đó

  • Người lớn (và trẻ em trong tuổi học giáo lý) được rửa tội luôn được lãnh Bí tích Thêm Sức trong cùng một nghi thức phụng vụ
  • Một người được khuyến khích giữ lại tên Thánh rửa tội của mình khi chịu Phép Thêm Sức
  • Một người được khuyến khích chọn một cha mẹ rửa tội làm người bảo trợ Thêm Sức

Dấu Chỉ Và Nghi Thức Của Bí Tích Thêm Sức

Dấu Chỉ – Xức “Dầu Thánh” khi lãnh bí tích Thêm Sức và Truyền Chức, là dấu chỉ thánh hiến.  Nhờ bí tích Thêm Sức, các Kitô hữu là những người được xức dầu, được tham dự tích cực hơn vào sứ mạng của Ðức Kitô và được tràn đầy Thánh Thần của Người.  Qua đó, người chịu bí tích Thêm Sức nhận được ấn tín của Chúa Thánh Thần để xác nhận người ấy hoàn toàn thuộc về Ðức Kitô, đồng thời là dấu chỉ của lời Thiên Chúa hứa sẽ bảo vệ người ấy trong cuộc thử thách lớn lao thời cánh chung (1293-1296).

Nghi thức bí tích Thêm Sức – Dầu dùng trong các bí tích được giám mục thánh hiến trong lễ truyền dầu ngày Thứ Năm Tuần Thánh.  Khi bí tích Thêm Sức được cử hành tách rời bí tích Thánh Tẩy, phụng vụ bí tích bắt đầu bằng việc lặp lại lời hứa Rửa Tôi và tuyên xưng đức tin của người sắp được Thêm Sức.  Trong nghi lễ Rôma, vị giám mục đặt tay trên tất cả những người được Thêm Sức và cầu nguyện.   Trong nghi lễ Latinh, bí tích Thêm Sức được trao ban bằng việc xức dầu thánh trên trán, đồng thời với việc đặt tay và đọc lời này: “Hãy nhận lấy ấn tín hồng ân Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần”.  “Hôn bình an” kết thúc nghi thức, biểu thị và biểu lộ sự hiệp thông trong Hội Thánh giữa vị giám mục và toàn thể tín hữu (1297-1301).

Hiệu quả của bí tích Thêm Sức (1302-1305)

Qua bí tích Thêm Sức là chúng ta nhận được Chúa Thánh Thần một cách đặc biệt như xưa các Tông Đồ đã nhận được trong ngày lễ Ngũ Tuần.  Bí tích này gia tăng và đào sâu ân sủng của bí tích Thánh Tẩy:

  • giúp chúng ta đi sâu vào tình nghĩa tử thiêng liêng;
  • giúp chúng ta kết hợp mật thiết với Đức Kitô hơn;
  • gia tăng các ơn Chúa Thánh Thần trong chúng ta;
  • giúp chúng ta liên kết với Hội Thánh cách hoàn hảo hơn;
  • cho ta sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần để truyền bá và bảo vệ đức tin bằng lời nói và việc làm như các chứng nhân đích thực của Ðức Kitô.

Trong bí thích Thêm Sức, Đức Kitô đóng ấn tín của Thần Khí Người trên Kitô hữu để củng cố họ bằng sức mạnh thần linh và biến họ thành chứng nhân cho Người, nên chỉ được nhận một lần mà thôi. Ấn tín này kiện toàn chức tư tế cộng đồng người tín hữu đã lãnh nhận trong bí tích Thánh Tẩy.

Ai có thể lãnh nhận bí tích Thêm Sức? (1306-1311)

Tất cả những ai đã lãnh bí tích Thánh Tẩy, nhưng chưa nhận bí tích này, đều có thể và phải lãnh nhận bí tích này.  Thói quen trong Giáo Hội Latinh, từ nhiều thế kỷ, lấy “tuổi biết phán đoán” làm chuẩn để lãnh nhận bí tích Thêm Sức.  Ðể lãnh nhận bí tích này, các tín hữu phải được chuẩn bị để kết hợp mật thiết hơn với Đức Kitô, gắn bó chặt chẽ với Chúa Thánh Thần, với hoạt động, ơn sủng và lời mời gọi của Người, và hăng hái nhận lấy trách nhiệm tông đồ của Kitô hữu, phải ở trong tình trạng ân sủng, và phải có một người đỡ đầu, để được trợ giúp trong đời sống thiêng liêng.

Hoán cải là động lực cơ bản của cách sống của Kitô hữu. Chúng ta được mời gọi một sống đời sống hoán cải liên tục, dần dần thoát khỏi tội lỗi và ích kỷ và càng ngày càng hoàn toàn phó thác cuộc sống của chúng ta cho Đức Kitô.… Các bí tích này cử hành sự hoán cải mà Thiên Chúa đang mang lại trong cuộc sống của các ứng viên.

  1. Thừa tác viên bí tích Thêm Sức (1312-1314)

Thừa tác viên của bí tích Thêm Sức là giám mục.  Ở Ðông Phương, vị linh mục ban bí tích Thánh Tẩy ban luôn bí tích này.  Với Hội Thánh Latinh giám mục là thừa tác viên thông thường của bí tích Thêm Sức, nhưng có thể trao quyền ban bí tích này cho các linh mục trong những trường hợp cần thiết hay trong trường hợp rửa tội người lớn.