Sacramental Theology – Thần Học Bí Tích

Đây là lớp tổng quát về Thần Học Bí Tích trong Chương Trình Thần Học Giáo Dân (FTCM) của Tổng Giáo Phận Galveston-Houston.

Trong niên khoá 2019-2020, lớp được tổ chức tại Giáo Xứ Đức Mẹ Lộ Đức, Houston, Texas từ Thứ Ba 14 tháng 1 năm 2020 đến trung tuần tháng 5 năm 2020 từ 7:00 đến 9:00 mỗi tối Thứ Ba.

Chúng tôi sẽ cố gắng soạn bài Tiếng Việt và các trình bày bằng PowerPoint bằng song ngữ cho lớp. Riêng những học viên biết Tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt làm ơn mua và đọc những bài chỉ định trong các sách dưới đây trước khi đến lớp.

  1. Sách Sacramental Theology: Means of Grace, Ways of Life by Kurt Stasiak

2. Sách Understanding the Sacraments Today by Lawrence Mick,

3. Sách Catechism of the Catholic Church

Trong đạo Công Giáo, Phụng Vụ và Bí Tích luôn luôn đi liền với nhau vì các Bí Tích của Hội Thánh Công Giáo được cử hành trong các buối Phụng Vụ. Còn Phụng Vụ là những kinh nguyện hay những buổi cầu nguyên công cộng của toàn Hội Thánh.

Trong Hiến Chế Phụng Vụ Thánh – Sacramentum Concillium (SC), Công Đồng Vaticanô II dạy rằng, “Phụng Vụ là tột đỉnh mà hoạt động của Hội Thánh hướng về; đồng thời cũng là nguồn mạch tuôn trào tất cả sức lực của Hội Thánh.” (SC #10). 

Mà Hội Thánh là ai?  Nhiều người cho rằng Hội Thánh là các giáo sĩ và tu sĩ, nhưng thực ra thành phần chính và quan trọng nhất của Hội Thánh là các tín hữu giáo dân.  Trong Hội Thánh, các Đấng Bậc chỉ là một thiểu số được Thiên Chúa tuyển chọn để phục vụ cho đa số, là các tín hữu giáo dân.  Giáo dân là những chiến sĩ của Hội Thánh được gửi vào thế gian để Phúc Âm hoá thế gian, như men như muối ướp thế gian.  Muốn làm được như thế thì các tín hữu giáo dân trước hết phải mỗi ngày một biết Đức Kitô nhiều hơn, yêu Đức Kitô nhiều hơn và trở nên giống Đức Kitô nhiều hơn để có thể trthành dấu chỉ về Đức Kitô cho người khác.

Phụng Vụ và các bí tích chính là những phương tiện Thiên Chúa dùng để đào luyện các Kitô hữu và ban ơn cho họ để chu toàn ơn gọi của mình. Như Công Đồng Vaticanô II xác quyết:

Hằng ngày, Phụng Vụ kiến tạo những người bên trong Hội Thánh thành đền thánh trong Chúa, thành nơi cư ngụ của Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần, để đạt tới mức độ trưởng thành sung mãn của Đức Kitô.  Nhờ đó, Phụng Vụ còn tăng cường sức lực cho họ cách lạ lùng để rao giảng Đức Kitô; và như vậy Phụng Vụ cũng bày tỏ cho những người bên ngoài thấy Hội Thánh như một dấu chỉ nêu cao trước mặt muôn dân dân, ngõ hầu con cái Thiên Chúa đang tản mác được qui tụ nên một  cho tới khi thành một đàn chiên theo một Chúa chiên (SC #2).

Nếu Phụng Vụ có hiệu năng vô song như thế thì tại sao Hội Thánh có vẻ càng ngày càng tha hoá và đa số chúng ta, dù đã tham dự Phụng Vụ không biết bao lần, mà vẫn chẳng tốt lành hơn chút nào?

Sở dĩ chúng ta chưa được như thế vì chúng ta chưa hiểu đủ về Phụng Vụ và chưa biết chuẩn bị tâm hồn cho đúng cách để lãnh nhận được nhiều ơn Chúa trong Phụng Vụ.  Công Đồng dạy rằng nếu chúng ra không chuẩn bị thích hợp và không biết cộng tác với ơn sủng của Thiên Chúa, thì chúng ta tham dự Phụng Vụ một cách vô ích (x. SC #11). Phụng Vụ chỉ biến đổi chúng ta khi chúng ta tham dự Phụng Vụ một cách trọn vẹn, tích cực và có ý thức.  Sự biến đổi này sẽ được chứng tỏ bằng cách sống của chúng ta ở ngoài đời, sau các buổi cử hành Phụng Vụ.

Chính vì thế mà quan tâm hàng đầu của các Nghị Phụ Công Đồng là giúp các tín hữu giáo dân tham dự các buổi Phụng Vụ và cử hành Bí Tích một cách hiểu biết, trọn vẹn và tích cực. Chúnh vì thế mà Hiến Chế Phụng Vụ Thánh đã được thông qua và ban hành đầu tiên hầu như với dại đa số phiếu. Trong đó các Nghị Phụ nhấn mạnh:

Hội Thánh luôn quan tâm giúp các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy, không như những khán giả xa lạ và nín lặng, nhưng như những người thấu hiểu mầu nhiệm nhờ các nghi lễ và kinh nguyện, tham gia vào Thánh Lễ cách ý thức, thành kính và tích cực, được Lời Chúa giáo huấn, được bàn tiệc Mình Chúa bổ sức, dâng lời tạ ơn Chúa, và không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với ngài để hiến dâng lễ vật tinh tuyền, họ tập dâng hiến chính mình; và ngày qua ngày, nhờ Đức Kitô là Trung Gian, họ đạt đến mức viên mãn trong sự hợp nhất với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người (SC #48).

Do đó các Nghị Phụ bày tỏ quan tâm tha thiết của các ngài và của Hội Thánh là:

Mẹ Hội Thánh tha thiết mong ước rằng tất cả mọi tín hữu được dẫn đến sự tham dự trọn vẹn, có ý thức, và tích cực vào các buổi cử hành Phụng Vụ …vì nó là nguồn mạch chính và tuyệt đối cần thiết mà từ đó các tín hữu nhận được tinh thần Kitô thật sự (SC #4).

Để đáp lại sự mong mỏi tha thiết trên đây của Mẹ Hội Thánh, chúng tôi được thôi thúc soạn thảo trang web và hướng dẫn lớp này để đóng góp một phần nhỏ vào việc giúp các học viên và độc giả hiểu và tham dự các buổi cử hành Phụng Vụ cách trọn vẹn, có ý thức và đầy đủ hơn, ngõ hầu sống bí tích trong cuộc sống hằng ngày.

Chương Trình và Bài Học

Bài 1 – Dẫn Nhập vào Phụng Vu

Bài 2 – Dẫn Nhập vào Bí Tích

We have class on 1/28/1019

Bài 3 – Các Bí Tích và Ân Sủng

Bài 4 – Lịch Sử Các Bí Tích

Bài 5 – Bí Tích Rửa Tội

Bài 6 – Bí Tích Thêm Sức

Bài 7 – Bí Tích Thánh Thể – Tổng Quát

Bài 8 – Thánh Lễ I

Bài 9 – Thánh Lễ II

Bài 10 – Bí Tich Hoà Giải

Bài 11 – Bí Tích Xức Dầu Thánh

Bài 12 – Bí Tích Hôn Phối

Bài 13 – Bí Tích Truyền Chức Thánh

Bài 14 – Á Bí Tích, Phụng Vụ Giờ Kinh vá Các Mùa Phụng Vụ